Từ bi là thuật ngữ độc lập của nhà Phật, là thuộc từ rất chuyên môn. Từ và Bi là hai khuynh hướng hành trì dẫn đến hai nội dung hỗ trợ tương tác lẫn nhau, mang lại giá trị an vui và hạnh phúc.
Định nghĩa căn bản của đạo Phật về Từ bi bao gồm có 8 chữ “Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ” tức là một hành động, lời nói, việc làm hay cách suy nghĩ, khuynh hướng lựa chọn tư tưởng ý thức hệ, con đường dấn thân của tâm. Nếu đặt trên nền tảng mang lại niềm vui cho người khác, trên thực tế giá trị niềm vui đó đã được thiết lập thì cái đó gọi là một hành động của lòng Từ.
Trong tiếng Anh có những từ giới hạn nên không dịch được chữ “Từ” trong đạo Phật, các dịch giả phương Tây đã tạm dịch là love. Love là một từ rất đa nghĩa, cha thương đứa con cũng gọi là love, vợ chồng thương nhau cũng gọi là love, anh em bà con bạn bè thương mến nhau cũng gọi là love...
Từ love có những cấp độ để chúng ta thấy được tình thương giữa cha mẹ và con cái, nó có thể khác với tình yêu giữa vợ đối với chồng, và khác với tình yêu của nam với nữ, người lãnh đạo đối với công nhân...
Các nhà Phật học nỗ lực dùng từ khác trong tiếng Anh là Loving, có tính chất của tình người chung chung, chứ không phải là tình của giới tính, và thêm chữ kindness để xác định rằng tình này là lòng tử tế đặc biệt mà trong ngôn ngữ tiếng Anh không diễn tả được, không đủ từ để nói.
Từ bi dịch là compassion thì có thể chấp nhận được. Nó vượt lên trên chữ passion có thể là tình yêu. Tình yêu dẫn đến khuynh hướng tính dục, nhưng thêm tiếp đầu ngữ “com” thì chúng ta thấy tình yêu đó cao thượng hơn, tốt đẹp hơn. Nhưng nó không nói lên được nội dung, nên triết học nhà Phật muốn sử dụng đó là từ Meta.
Hỗ trợ với hành động ban vui đó, nhà Phật dạy còn có cách thức tích cực và dấn thân đó là Bi năng bạt khổ. Bi là tấm lòng được thể hiện qua hành động rất cụ thể, nhổ lên được gốc rễ của khổ đau ở người khác, chính vì thế mà lòng Bi vượt lên trên tình mẫu tử. Bởi vì tình mẫu tử là người mẹ, tình phụ tử là người cha thương các con một cách không phân biệt đứa lớn, đứa út hay đứa giữa... Nhưng tình thương của cha mẹ nếu chiều con quá mức, muốn gì được nấy thì đó là tình thương cảm xúc.
Chưa chắc thông qua sự chiều chuộng đó mang lại những niềm hạnh phúc thật sự cho con, chưa nói đến tình trạng chiều con nhiều quá, sẽ đẩy con theo khuynh hướng không thuận lợi về sau này. Nghĩa là đứa con sẽ không có khả năng tự lập trên con đường đạo đức, lập nghiệp, dấn thân làm việc về sau, do đó trạng thái “bạt khổ” - dứt ra nỗi khổ cho người con không có.
Thỉnh thoảng nghe bài hát rằng “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình”. Sự bao la đó đôi lúc đặt trên nền tảng của cảm xúc mà thôi, vì thương con quá, đôi lúc bị mù quáng, làm hết tất cả vì đứa con thì đó chưa phải là tình thương bao la của lòng Từ bi.
Dĩ nhiên lòng Bác ái rất khác với lòng Từ bi. Như chúng tôi đã nói, nếu tình thương mà không mang lại an lạc hạnh phúc và nhổ lên nỗi khổ niềm đau ở người kia, thì không được gọi là lòng thương theo tinh thần nhà Phật.
Thương con đúng theo tinh thần nhà Phật là phải cung cấp nguồn an vui hạnh phúc, và nhổ lên được tận gốc rễ khổ đau cho con. Trước nhất phải nạp chất liệu của nhận thức sáng suốt vào dòng chảy tâm thức và sự sống cho con. Nghĩa là cung cấp những tấm bản đồ, phương pháp hơn là chúng ta tặng cho nó gia tài, sự nghiệp sẵn có. Vì một gia tài, một sự nghiệp đó có thể tiêu phí rất nhanh. Cái gì con người không tạo ra bằng mồ hôi nước mắt thì cái đó khó tồn tại. Dân gian thường nói “Của trời trả đất” “vào cửa trước ra cửa sau”... Nỗ lực làm chắt chiu từng đồng, từng cắc, thì số tiền làm ra rất là quí, vì nó được đo bằng giá trị của sức lao động chân chính.
Thương con phải có phương pháp, cũng giống như cách thức đức Phật, Bồ tát thương chúng sinh khác với các tôn giáo.
Các tôn giáo thường dạy, chỉ cần đặt niềm tin vào các ngài, giao khoán cho các ngài giải quyết hết mọi vấn đề cho con người, và cứ an phận mà sống để có hạnh phúc. Dĩ nhiên lời hứa hẹn nào lại không đẹp, không hay, còn thực tế như thế nào là chuyện hoàn toàn khác.
Có những trường hợp ngẫu nhiên sau khi chúng ta giao khoán niềm tin vào Chúa, vào các Thần linh theo các truyền thống tôn giáo. Do chúng ta làm ăn có phương pháp, nỗ lực đúng cách, đầu tư đúng thị trường nên phát đạt thịnh vượng giàu sang phú quí, rồi lại lý giải rằng có lẽ do niềm tin vào Chúa, vào các Thần linh đã mang lại cho mình sự đổi mới về cuộc sống.
Đó là sự lý giải sai lầm. Trên thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực sáng suốt, phương pháp làm việc. Như vậy sự thành công trong hạnh phúc là hệ quả của “kiến trúc sư“ về nhận thức và hành động trong từng bản thân con người.
Cho nên khi chúng ta nói đến lòng Từ bi thì phải đặt trên hai giá trị: một là, chúng ta mang lại hạnh phúc, hai là phải nhổ đi nỗi khổ đau.
Nhiều người có truyền thống gia giáo tốt, hoặc có tư cách phẩm hạnh, họ không bao giờ hành động giết hại mạng sống của ai. Chúng ta không hề ăn cắp, chưa hề vi phạm ngoại tình, cũng chưa từng nói dối, để lừa gạt tạo sự chia rẽ hận thù hay là mang lại nỗi khổ niềm đau cho người khác. Hoặc là chúng ta cũng chưa từng sử dụng chất say như rượu, hay những chất gây nghiện như xì ke ma túy, đánh mất đi giá trị nhân cách, cũng như mất đi trách nhiệm tinh thần và đạo đức cho gia đình... Theo đức Phật, nếu chúng ta giữ được các điều đó thì đã thực hiện được 5 nguyên tắc về đạo đức. Có rất nhiều người không phải là Phật tử họ vẫn có một đời sống như vậy, và cho rằng khi không giết người là có phước báu, không thể hiểu chung chung như vậy được.
Nhà Phật dạy: khi không giết người thì không gieo nghiệp sát sanh, tức là không tạo thêm tội lỗi, chứ chưa có phước báu gì trong trường hợp này. Muốn có phước báu thì phải gieo nghiệp đối lập với nghiệp giết, người đó phải bảo hộ mạng sống, mang lại sức khỏe, tôn trọng đời sống các loài động vật, thậm chí còn phải bảo dưỡng môi trường.
Nhiều người nghe đạo Phật dạy cho người xuất gia “Đừng chặt phá cây cỏ”. Có người lý giải dưới góc độ Thần học cho rằng: cứ mỗi cây cổ thụ cho đến những cây nhỏ đều có một ông Thần cây, giống như có vị Thần sông, Thần biển, Thần mây, Thần mưa, Thần sấm sét, Thần núi... do đó không được chặt cây cỏ. Nghĩa là chúng ta tôn trọng các vị Thần linh, hay nói cách khác là nếu chúng ta chặt cây thì có thể bị các vị Thần cây làm cho đời sống của mình mất đi hạnh phúc hoặc có thể bị trừng phạt mất mùa, lũ lụt, hạn hán, thiên tai...
Phật dạy chúng ta không được chặt cây cối với lý do rất đơn giản, bởi vì cây cối có sự sống. Lý do thứ hai là ngôn ngữ trong thời đại của đức Phật (nếu như đức Phật dùng ngôn ngữ như hiện nay là bảo vệ môi trường sinh thái. Mọi người sẽ ngơ ngác không biết đức Phật nói gì) nên Ngài chỉ nói đơn giản cây cối đều có sự sống. Khi phân tích học thuyết Duyên Khởi mà đức Phật đã dạy “Sự sống của con người, các loài động vật, môi trường (trong đó có thảo mộc, không khí ánh sáng..) tất cả đều liên hệ mật thiết với nhau. Đoạn diệt sự sống của một loài nào đó có thể kéo theo ảnh hưởng về sự sống của các môi trường sinh thái, cộng đồng và sự sống còn lại.
Đức Phật đã đi trước khoa học rất xa, ở chỗ nhìn thấy được sự trân quí của cuộc đời, do đó Ngài dạy phải bảo hộ sự sống.
Nếu chúng ta chọn các thực phẩm từ các loài động vật, thì nhà Phật dạy chỉ nên ăn những thực phẩm cá thịt đã được làm sẵn, đừng tự tay mình giết, như vậy là hạn chế sự sát sanh trực tiếp. Vì sát sanh trực tiếp làm cho lòng sân hận trong con người tăng lên, và như vậy về sau này có thể giết được con người.
Nếu chúng ta cầm được con dao cắt cổ gà, ngắt đầu một con dế, đốt ổ kiến... thì sau này có thể làm những việc đó với con người, đồng loại. Lòng sân hận đó có thể được trưởng dưỡng, nuôi nấng rất lâu, thông qua cách chúng ta coi những bộ phim, trò chơi điện tử mang tính bạo động. Hạt giống của lòng sân hận, sát hại được ngấm ngầm nuôi lớn trong tâm thức mà mình không biết. Tưởng rằng đó là bình thường, nhưng khi tâm con người thiếu sự kiểm soát cùng kết hợp với lòng tham, lòng si mê thì con người có thể làm những chuyện mà không ngờ rằng mình đã làm việc như vậy.
SỰ KIỆN BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC THIÊU THÂN
Biến cố năm 1963, đã khai sinh ra hai nhân vật mang hai tính cách đối lập. Lúc bấy giờ một tờ báo của Hoa Kỳ phỏng vấn Tổng thống Kennedy, ông phát biểu và chúng tôi còn nhớ như thế này: “Chính phủ Mỹ đã tạo ra một bạo chúa ở Việt Nam, hà hơi tiếp sức cho phong trào chủ nghĩa phát-xít tôn giáo, muốn xóa sổ đạo Phật ra khỏi mảnh đất mà nó đã từng có mặt hơn 2.000 năm gắn bó, đến độ trở thành sự sống trong truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam”.
Như vậy, về phương diện chính trị thì đất nước Việt Nam đã tạo ra bạo chúa (theo cách tổng thống Kennedy gọi) để phân biệt tôn giáo giữa đạo Thiên Chúa và đạo Phật ở Việt Nam. Nhưng nói theo Hòa thượng Thích Trí Quang, đó là một trong những linh hồn lãnh đạo quan trọng trong phong trào đấu tranh bất bạo động, làm cho chính quyền họ Ngô thức tỉnh và phát biểu rằng “Việt Nam có rất nhiều vĩ nhân mà Bồ tát Quảng Đức là một trong các vĩ nhân đó, nhưng sự khác biệt ở trong con người Bồ tát Quảng Đức đó không là vĩ nhân mà là siêu nhân”.
Hòa thượng Trí Quang nói rằng, phong trào năm 1963 đã khai sinh ra một vị Bồ tát cho dân tộc và đất nước Việt Nam. Như vậy trong bối cảnh đen tối với nhiều tham vọng của chính trị, đã làm cho Phật giáo có cơ hội cất lên những tiếng nói của lương tâm. Những tiếng nói không đi bằng súng đạn, không giống như các cuộc đấu tranh giai cấp trong lịch sử mà chúng ta đã thấy.
Mặc dù ở hải ngoại có một số người không thích, bởi vì sau phong trào đó, chính quyền họ Ngô đã bị kết liễu và được thay thế bằng một chính thể khác. Cho nên nỗi mất mát về sự nghiệp, công việc làm ăn, đã làm cho họ không có thiện cảm về đạo Phật, vì thế mà họ gán cho phong trào năm 1963 là cuộc Thánh chiến Phật giáo tại Việt Nam.
Trong đạo Phật không bao giờ có từ Thánh chiến. Vì cuộc chiến nào cũng không được gọi là cao thượng, cho nên không thể gọi là Thánh. Chiến tranh đều mang lại khổ đau, mang lại cái chết và sự phá hoại, huỷ diệt... nếu chúng ta không dừng lại tham vọng leo thang trong chiến tranh, bành trướng bá quyền thôn tính....
Quan niệm của đạo Phật nếu nói từ góc độ lịch sử, nhằm thiết lập một xã hội an bình, bằng cách chuyển hóa đời sống nội tâm của con người, chứ không đi bằng con đường chiến tranh. Khi có một bất công nào đó xuất hiện đối với Phật giáo, những người Phật tử, người mang danh nghĩa là con của đức Phật, đi trên con đường giác ngộ, chắc chắn sẽ chọn khuynh hướng phản chiến.
Tức là đứng trung gian để có thể tạo thành nhịp cầu cảm thông, hay thiết lập truyền thông giữa hai đối tác hận thù với nhau. Hai đối tác đó có thể dành vị trí độc tôn và muốn mình sống thì bên kia phải mất, theo cách thế loại trừ lẫn nhau, không cùng chung một bầu trời, từ đó nỗi khổ đau ngày càng gia tăng, leo thang giống như lòng tham và sự độc đoán của con người.
Nếu chúng ta cho rằng sự kiện năm 1963 là cuộc Thánh chiến là chúng ta đã sai lầm từ cách thức đặt vấn đề.
Kể từ ngày 8 tháng 5 năm 1963, khi chính quyền độc tài họ Ngô ra lệnh triệt hạ hết tất cả các lá cờ năm sắc của Phật giáo vào ngày Đại lễ Phật đản, một ngày rất quan trọng đối với đời sống tinh thần và tâm linh của người Phật tử, thì phong trào bất bạo động đã bắt đầu có mặt. Tiến trình này kéo dài 4 tháng, cho đến khi các tướng lãnh của chính quyền họ Ngô đã đảo chính và thay thế bằng một chính thể khác, Phật giáo chưa hề có tiếng súng nổ, chưa hề sử dụng một con dao găm, hay sử dụng những ngôn từ sân hận.
Nếu chúng ta có dịp đọc lại bốn bức tâm thư và thơ của Bồ tát Quảng Đức, do tự tay Ngài viết bằng chữ Nôm, chứa đầy tất cả tấm lòng của tình thương và sự bao dung quảng đại, mong muốn cho gia đình trị độc tài họ Ngô tỉnh thức và làm mới lại cuộc đời.
Các nhà phân tích xem các bài viết của Ngài trong những bức thư đó, không có một từ nào cho thấy rằng Bồ tát Quảng Đức là người đang sân hận. Nhiều khi chúng ta viết một lá thơ yêu cầu bên kia dừng chiến, bằng nghệ thuật ngoại giao đối tác, theo kiểu thấy mình lực lượng không bằng nên phải hoãn binh, bằng không nếu kéo dài chiến tranh thì bị tổn thất lớn, đó là nghệ thuật ngoại giao trong quân sự. Đằng này Bồ tát Quảng Đức mong mỏi gia đình họ Ngô và chính thể lúc bấy giờ nên sử dụng lòng Từ bi, Bác ái đối với tất cả mọi người trong tinh thần bình đẳng.
Ở đây Bồ tát dùng hai từ Từ bi và Bác ái. Bác ái là học thuyết quan trọng của Cơ Đốc giáo, với 3 khuynh hướng và hành đạo khác nhau của Thiên Chúa giáo, Tin Lành và đạo Chính thống.
Cho nên lý giải sự kiện Bồ tát Quảng Đức thiêu thân là một cuộc Thánh chiến thì hết sức sai lầm. Bởi vì trong chúc nguyện thơ của Bồ tát và huyết tâm thơ đã gởi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm rằng “Xin ông hãy dùng lòng Từ bi và Bác ái đối xử một cách bình đẳng với tất cả mọi người trong đất nước Việt Nam”.
Trong tinh thần kinh Thánh Tân Ước, chúa Giesu Kitô đã dạy “mến Chúa yêu người”. Muốn yêu con người thì mình phải yêu Chúa, kính Chúa. Muốn kính Chúa đúng nghĩa mà không có sự yêu con người, rõ ràng không phải là một người Kito. Cho nên sự yêu người mến Chúa không cho phép chúng ta phân biệt đối xử là chim ngoài đàn, hay chim trong đàn. Không cho phép chúng ta tạo uy quyền cho những người có cùng hệ tín ngưỡng với mình, và cô lập người khác tín ngưỡng vào trong một hoàn cảnh hoàn toàn ngang trái, điều đó hoàn toàn trái với tư tưởng của Chúa Giesu Kitô.
Do đó Bồ tát đã nhắc nhở Tổng thống Ngô Đình Diệm một điều rất căn bản của đạo đức nhân sinh về lòng Từ bi Bác ái. Hai điều này có thể hòa nhập với nhau để làm nền tảng cho cuộc sống của những người công dân Việt Nam, dù họ mang trong lòng các ý thức hệ tôn giáo hoàn toàn khác biệt.
Trong khi đó, hành động thiêu thân của Bồ tát Quảng Đức nằm ở chất liệu nội dung của hai điều mà trong nhà Phật đề cập đến, là bản chất dấn thân của một vị Bồ tát, tức là một con người đang giác ngộ trọn vẹn, và chia sẻ sự giác ngộ đó đối với đồng loại, các chúng sanh đang còn khổ đau, những người bất hạnh, những ai có nhu cầu hay không, có thể tiếp nhận được trạng thái an lạc bên trong của Ngài.
Sự kiện tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức được chuẩn bị sắp xếp trước một tuần lễ, tức vào ngày 4 tháng 11 năm 1963 bằng một huyết tâm thư. Đến ngày 11 tháng 6, lúc 12 giờ trưa Uỷ Ban Liên phái Phật giáo tổ chức sắp xếp cho Ngài tự thiêu một cách an toàn. Bởi vì nếu bị phát hiện thì việc tự thiêu sẽ không thành công, cảnh binh có thể khủng bố đàn áp giết chóc. Sự giết chóc đó đã từng diễn ra tại Huế, Sài Gòn, biết bao nhiêu Tăng, Ni, Phật tử đã ngã xuống và một số bị bắt cầm tù.
Ngày hôm đó, có khoảng gần 1.000 Tăng Ni đắp y hậu rất trang nghiêm, trên tay tràng chuỗi hạt nối kết lại với nhau như hoa sen. Khi xe của Ngài từ chùa Phật Bửu, đường Cao Thắng, quận 3 đến ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám). Bấy giờ cảnh binh phát hiện, nhưng không kịp ngăn chặn, vì số lượng cảnh sát ít quá, mà Tăng và Ni lên đến 1.000 người. Chưa tính đến các thanh niên Phật tử tri thức, sinh viên của các trường đại học có mặt rất đông.
Khi quan sát những thước phim được ghi lại, chúng ta thấy trạng thái của Ngài ung dung tự tại, trạng thái đó rất khó lý giải. Ngài xuống xe, đi từng bước thảnh thơi, nhẹ nhàng, ngồi xuống ngay ngã tư đường. Ở đó, đã chuẩn bị sẵn một can xăng 20 lít. Tự tay mở nắp bình xăng ra, chế từ đầu cho đến chân tạo ra một vũng xăng và Ngài ngồi xuống trên tư thế kiết già thiền định. Ngài bật hộp quẹt lên, nhưng không cháy bởi vì bỏ trong tay áo hậu nên xăng làm cho hộp quẹt bị ướt. Lúc đó, có một vị Tăng trẻ (Hòa thượng Đức Nghiệp) đã ném hộp quẹt gas cho Bồ tát Quảng Đức. Bồ tát ngồi xuống chắp tay xá chào và bật hộp quẹt lên, lửa bắt đầu bốc cháy suốt 15 phút. Xung quanh ngọn lửa là chư Tăng Ni lớp lớp hàng hàng, người thì đi kinh hành, người thì tĩnh tọa và quần chúng Phật tử đứng bao quanh phía sau đến nỗi cảnh binh không thể nào vào được. Ngọn lửa sắp tàn, nhục thân của Bồ tát Quảng Đức nhẹ nhàng ngã về phía trước và Ngài đã vào trạng thái của Niết bàn.
Các thước phim đó hiện nay vẫn còn ở Hoa Kỳ, được giữ ở một số trường học lớn như Westerlin và Stanfor. Các hãng phim tư liệu ở Việt Nam cũng có, thỉnh thoảng chiếu lại cho quần chúng xem. Năm ngoái (2003) tại tỉnh Khánh Hòa, Đài truyền hình Khánh Hòa đã dựng lại bộ phim tư liệu về sự nghiệp đóng góp của Ngài cho cuộc đời và đất nước Việt Nam (Bồ tát Quảng Đức sinh vào năm 1897 tại Khánh Hòa). Cách thức các đài truyền hình Việt Nam lý giải rất khác với đạo Phật về sự kiện tự thiêu đó.
Vào ngày 29-05-2006, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đã tổ chức Hội thảo về Bồ tát Quảng Đức, với sự tham dự của rất nhiều học giả: bao gồm các nhà học giả Mác-xít, Phật học, và các tôn giáo khác. Từ các góc độ nhìn nhận khác nhau, có những tiếng nói khác nhau để lý giải sự kiện Bồ tát Quảng Đức tự thiêu.
Trong đó, học giả Trần Văn Giàu, được xem là bậc Thầy, người tiên phong cho khuynh hướng tư tưởng triết học Mac-Lênin tại miền Nam Việt Nam. Giáo sư Trần Bạch Đằng, người đã viết ra quyển sách Ván Bài Lật Ngửa, trong đó có ghi lại sự kiện Bồ tát Quảng Đức tự thiêu, nhưng cách lý giải hoàn toàn dưới góc độ của chính trị. Ông cũng có một bài viết lặp lại quan điểm đó là: “Nhờ sự tự thiêu của Bồ tát mà chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ hoàn toàn, cho nên dân tộc Việt Nam biết ơn Bồ tát, và những con người Cộng sản đấu tranh giai cấp cũng biết ơn Bồ tát. Ơn nghĩa đó lớn lắm, lớn đến độ người nào quên đi hình ảnh tự thiêu của Bồ tát thì người đó có thể không còn là người Việt Nam trong thời kỳ hiện đại”.
Giáo sư Trần Văn Giàu (năm 2004 ông được 97 tuổi) mặc dù là một nhà Mác-xít, thế mà ông đã phát biểu bằng tất cả tấm lòng một cách ngắn gọn như sau:“Không biết lời phát biểu của tôi có đúng hay không, nhưng cho phép tôi nói xuất phát từ sự rung động trái tim. Trước nhất, tôi xin cung kính đảnh lễ vị Đại Anh hùng của dân tộc, kế đến cho tôi phát ra bằng lời nói Nam mô Đại Hùng Đại Lực Bồ tát Quảng Đức Ma ha tát”.
Ông lặp lại 3 lần như vậy và ngồi xuống. Ông nói rất cảm động. Ông là một người theo hệ tư tưởng Mác-xít, mà dùng từ Nam mô thì mặc nhiên đã chấp nhận mình là một người Phật tử. Vì Nam mô là cung kính, đảnh lễ, qui ngưỡng, hướng về với Tam bảo, đời sống con đường tâm linh, khác với con đường chủ nghĩa học thuyết. Ông nói rất cảm động.
Một nhân vật rất quan trọng đó là Đại tướng Mai Chí Thọ, cũng phát biểu với tất cả tấm lòng. Ông nói: “Vào ngày nghe tin Bồ tát Quảng Đức tự thiêu, các đài phát thanh của cộng sản ở miền Bắc, và cộng sản trong vùng bưng biền đang ẩn náu ở những vùng khác nhau tại miền Nam Việt Nam, nghe lời của phát thanh viên xúc động, đã khóc trên đài khi nói về sự kiện Bồ tát đã tự thiêu, tạo nỗi xúc động rất lớn trong quần chúng ở Việt Nam”. Ngày nay, nhớ lại những trang sử, cũng như dữ liệu về các đài phát thanh vào những ngày hôm đó; chúng ta biết, ở miền Bắc (tức là chủ nghĩa Cộng sản) đã ủng hộ rất nhiều, và nói hơi quá một chút đó là miền Bắc đã hậu thuẫn cho việc tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức - từ này gắn với sự kiện chính trị - vì các đài miền Bắc đã phát ngôn rất rõ, lên án chủ nghĩa độc tài Ngô Đình Diệm, đã làm cho nhân dân miền Nam bị điêu đứng, khổ đau. Phật tử không còn nơi để an thân tự do tín ngưỡng... Bây giờ, đọc lại các bài báo phân tích về các sự kiện đó, chúng ta thấy báo chí đã lên án rất nhiều.
Lúc đó, trên đài truyền hình đã phát hai câu đối bằng chữ Hán. Tác giả không ai khác là Hồ Chí Minh: “Vị Pháp thiêu thân, vạn cổ hùng phi thiên nhật nguyệt, lưu danh bất tử bách niên chánh khí địa sơn hà”. Rõ ràng cả chủ nghĩa Cộng sản cũng ca tụng cho nghĩa khí anh hùng của Bồ tát Thích Quảng Đức. Chúng tôi xin tạm dịch hai câu đối đó như sau “Đốt thân vì Chánh pháp muôn thuở đất hùng soi nhật nguyệt, lưu danh trong bất tử nghìn năm chánh khí rạng sơn hà”. Nghe qua lời lẽ đó rất hùng tráng, nó hùng tráng như sự kiện Bồ tát đã thiêu thân, và ai cũng cảm phục cái tài về chữ Hán rất đặc sắc của Hồ Chí Minh, nhưng thật ra điều đó đứng trên góc độ của chủ nghĩa đấu tranh giai cấp mà thôi.
Hùng khí này có thể tồn tại nghìn năm lưu danh bất tử. Đó là cái bất tử về chủ nghĩa đấu tranh, những người đấu tranh cho giai cấp, mang lại hạnh phúc cho những người bất hạnh. Có thể trở thành điểm son lưu danh trong sách sử, ai cũng nhắc đến với tất cả tấm lòng trân trọng. Sự việc thiêu thân của Bồ tát không phải đốt thân với tâm sân hận. Ông Hồ Chí Minh đã hiểu được việc đó nên ông nói “Vị pháp” tức là vì Chánh pháp, Phật pháp cho nên thiêu thân. Chính vì thế mà đức hùng của Ngài, cái hùng uy, cái vô uý của Ngài đã làm cho bầu trời nhật nguyệt rực lên ánh sáng, thì rõ ràng không có lòng hận thù. Ông cũng hiểu được phần nào đó của đạo Phật.
TRÁI TIM BẤT DIỆT
Sau khi nhục thân Bồ tát Quảng Đức được tẩm liệm trên một lá cờ Phật giáo và đưa về chùa Xá Lợi. Suốt 7 ngày Tăng, Ni luân phiên tụng kinh bái sám. Sau đó một tuần (14 ngày sau), người ta mới đưa nhục thân của Ngài vào trong lò thiêu An Dưỡng Địa ở chùa Huệ Nghiêm (đối diện Bến xe Miền Tây). Đốt với sức nóng 4.000 độ, xương tan hết, nhưng chỉ còn một vật không tan đó là quả tim.
Lúc đó, chính quyền Ngô Đình Diệm không tin, họ ngạc nhiên lắm. Bà Nhu đã trả lời phỏng vấn trước các ký giả quốc tế, rằng “Thật ra đất nước chúng tôi rất là an bình, 80% là những người theo Thiên Chúa giáo, không có ai là Phật tử và làm gì có chuyện tự thiêu đó, chỉ có một nhà Sư tự nướng xác mình thôi, mà sư nướng xác này là do các sư trẻ bày chuyện ra, đó là chuyện giết người nên phải đem ra tòa án quốc tế để tố cáo những người đã lập ra sự giết người nướng Sư”. (bà dùng từ nướng Sư).
Mặc dù nói như vậy, nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm rất hoảng hốt, ông đã cho một vị bác sĩ (mật thám) đến hiện trường và dùng máy rất hiện đại để nung đốt thêm quả tim đó mấy tiếng đồng hồ nữa, quả thật nó không tan.
Bây giờ quả tim đó đang để trong ngân hàng của quốc gia Việt Nam. Vì sau năm 1975, Việt Nam Quốc Tự đã không còn là của Phật giáo nữa, cho nên chính quyền Việt Nam và sự đồng ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước giao quả tim đó để trong ngân hàng cho an toàn. (Quả tim này bây giờ vẫn còn, rất nhiều người đã chụp hình được, các ký giả cũng được thấy, các thước phim cũng được quay).
Trong sự kiện tự thiêu này có hai vấn đề làm cho nhiều người nước ngoài hoàn toàn ngạc nhiên và khoa học không lý giải được: Thứ nhất, một con người bình thường làm thế nào có thể chịu được sức nóng bất động trong 15 phút như vậy? Thứ hai, với sức nóng 4.000 độ thiêu liên tục trong vòng 4 giờ đồng hồ, thế mà quả tim vẫn không tan, điều gì đã làm nên sự kỳ diệu như vậy?
Nếu chúng ta dùng thuật ướp xác của người Ai Cập thì thân thể đó có thể không tan trong điều kiện không gian vật lý nào đó thôi. Nếu chúng ta để vào trong nước có nhiều vi trùng, vài ngày thì xác đó tiêu hết, hoặc là để ngoài không khí cũng có thể bị hư, thế mà quả tim không rơi vào trạng thái đó.
Trong kinh Đại thừa, đặc biệt là kinh Diệu Pháp Liên Hoa và kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân có đề cập đến sự kiện đốt thân cúng dường Phật và cúng dường Chánh pháp.
Dĩ nhiên, đối với Phật thì sự cúng dường của chúng ta không quan trọng, các Ngài cần chúng ta cúng dường đó là hương thơm của đạo đức, hương thơm của trí tuệ, của sự dấn thân vô ngã vị tha vào trong cuộc đời, mang lại hạnh phúc cho người khác. Sự cúng dường như vậy rất vĩ đại.
Thông thường, các vị Bồ tát cúng dường bằng cách, nếu như trong một nghịch cảnh nào đó, thể hiện lòng từ bi, lời nói của sự dung hòa, mà vẫn chưa có kết quả thì các Ngài có thể tình nguyện tự thiêu.
Ánh lửa từ bi đó trở thành ngọn đuốc soi đường, tức là làm thức tỉnh lương tâm của những người đang sống trong lòng hận thù, độc đoán, tham lam.
Rõ ràng không chỉ gia đình họ Ngô thức tỉnh, mà cả chính quyền của Kennedy đã thức tỉnh về một việc làm sai lầm đó là ủng hộ cho chính sách bá đạo ở Việt Nam, muốn xóa sổ đạo Phật ra khỏi bản đồ Việt Nam.
Sự thiêu thân đó được kinh Diệu Pháp Liên Hoa gọi là Hỏa Quang tam muội (tam muội là thiền định, hỏa là lửa, quang là ánh sáng). Lửa này được tượng trưng bằng ánh sáng, nó tạo ra ánh sáng của nhận thức, tuệ giác, của tình thương, xóa bỏ hết tất cả mọi hận thù, đó là cách rất đặc biệt. Không phải tự thiêu để gây cho người khác tình thế khó xử ra tòa, hay chấp nhận nỗi khổ đau này khổ đau nọ theo cách thức mình khổ đau thì người khác phải chịu khổ đau gấp hai, ba lần với những gì mà mình đã chịu khổ đau. Trên tinh thần của Bồ tát Đại thừa cho phép chúng ta tự thiêu như vậy. Dĩ nhiên làm với phương pháp rất quan trọng đó là vô hiệu hóa dòng cảm xúc.
Nếu nhận xét gắn liền việc tự thiêu của Bồ tát, với phong trào đấu tranh thì chúng ta làm giảm giá trị hy sinh rất lớn của Bồ tát. Mặc dù đứng từ góc độ thế tục, thì sự ca tụng đó rất tuyệt vời. Sự ca ngợi đó lớn lắm, vì không có gì lớn hơn là đại anh hùng của dân tộc. Nhưng theo Bồ tát đại Từ đại Bi, đại Hỷ đại Xả còn lớn hơn nhiều so với Đại Anh hùng. Vì Đại Anh hùng phần lớn là đấu tranh và được huấn luyện để chiến đấu, nếu ta không giết người khác thì người khác cũng sẽ giết ta. Lòng bất khuất trong con người của những anh hùng xuất phát từ lòng nhiệt huyết bất khuất. Cho nên không có lòng Từ bi, mà nó được nuôi dưỡng bởi lòng sân và lòng sân đó trở thành cưỡng lực làm cho người kia bị tê liệt sự sợ hãi.
Khi sân hận nổi lên nhiều quá thì không sợ, cũng như khi yêu nước nhiều quá thì mình không còn sợ nữa. Vì tình yêu đó phục vụ cho chủ nghĩa, lý tưởng, và chúng ta sẽ không yêu những con đường, lý tưởng nào đối lập với lý tưởng mình đang phục vụ. Như vậy tình yêu nước vẫn còn giới hạn.
Có tình yêu nước là quí lắm rồi, bởi vì quốc hồn, quốc túy của một dân tộc, nếu chúng ta vi phạm thì không còn là người mang danh nghĩa là đứa con của đất nước. Cho nên sự ca ngợi ban tặng của thế gian cho Bồ-tát là Đại anh hùng.
Theo nhà Phật, đại anh hùng bình thường lắm, đức Phật nói cụm từ này: Chiến thắng một vạn quân giặc ở ngoài chiến trường rất khó, nhưng rất dễ nếu chúng ta biết rõ nghệ thuật, binh pháp, chiến lược, chiến thuật của chiến tranh. Và chúng ta nắm được kẻ thù, biết được chính mình thì việc bách chiến bách thắng là có thể đạt được, nhưng chiến thắng kẻ thù tức là tham, sân, si bên trong mỗi con người, là điều khó làm nhất.
Kẻ thù đó đức Phật vạch mặt chỉ tên không phải là con người, không phải là người mình mang thù hận, ghim gút trong lòng, đó cũng không phải là một người nam hay nữ, không phải là loài thú dữ... kẻ thù của mình chính là những trạng thái tâm lý tham, sân, si. Ví dụ như lòng tham vị kỷ, lòng sân hận muốn chiếm đoạt, giết, phá hoại và lòng si mê không thấy được chân lý, không sống với đạo đức, tình thương, sự an vui và hạnh phúc. Tất cả những trạng thái tâm lý đó là kẻ thù chung của nhân loại.
Đạo Phật có một triết lý rất hay là quán không tác giả.
Thực tế chúng ta thấy nhà cửa thì có thợ nề xây dựng. Bàn ghế thì có thợ mộc làm và tất cả mọi thứ vật liệu chúng ta sử dụng, phương tiện sống thì có các kỹ sư thuộc các lĩnh vực chế tác... những người tạo tác ra, cái đó gọi là tác giả.
Nhà Phật dạy chúng ta quán không có tác giả. Điều đó không có nghĩa đạo Phật là đạo ba phải, xóa hết tất cả những công ơn của người đã có công sáng kiến và phát minh. Những công dân dấn thân làm ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc đời, mà đức Phật đã nhìn học thuyết này dưới góc độ tâm lý học của ứng xử và hành trì.
Khi chúng ta nghĩ rằng, có một tác giả cố định đã tạo ra nỗi khổ niềm đau thì không tài nào quên được những gì họ đã hại mình.
Ví dụ: Chúng ta đến buổi dạ tiệc, sau khi ăn uống vui vẻ, bỗng nhiên có người phát biểu vô tình hay cố ý làm cho mình bị xúc phạm, va chạm, sĩ diện và lòng tự ái bị đóng băng, làm cho mình buồn khổ. Nghĩ rằng, người đó cố tình làm mất mặt mình trước mọi người. Ghim nỗi đau đó vào trong cảm xúc, khi gặp người đó, mình có mặc cảm và không muốn nhìn, và tìm cách trả thù.
Chính vì xuất hiện một trạng thái nhận thức, cho rằng có một tác giả tạo ra nỗi khổ niềm đau, khó có thể quên, làm cho mình có những trạng thái bất hạnh. Trong tình huống này nhà Phật dạy hãy quán vô tác giả, nghĩa là không có ai cố tình tạo cho mình cả mà phải quán rằng họ tình cờ nói thôi.
Nếu thấy rõ họ cố ý sắp xếp, xúi dục,... để tạo ra nỗi khổ niềm đau cho mình. Lúc bấy giờ quan sát ở góc độ thứ hai của vô tác giả, vì họ còn vô minh nên mới làm như vậy, nếu sáng suốt thật sự chắc chắn không nói những chuyện vô nghĩa làm người khác buồn.
Quan niệm như vậy để dễ dàng tháo gỡ nỗi khổ niềm đau và mở tung cánh cửa đẩy nỗi khổ niềm đau ra bên ngoài. Phóng thích nó một cách rất an toàn, chứ không phải phóng thích một cách vô tội vạ theo kiểu “Giận cá chém thớt” tức là chúng ta khổ với một người nào đó, thì đừng đem trút đổ cơn giận với ai, như lên những đứa con, vợ, chồng hay những người thuộc hạ của mình.
Chẳng hạn, một người có lòng tự ái cao, phải làm việc dưới chức của người sếp nhỏ tuổi, mà sếp không biết tôn trọng sức lao động, chất xám, chỉ biết có tiền, quyền hạng địa vị, danh vọng, cho nên nói một cách xối xả, làm cho mình tự ái vô cùng, bấy giờ nếu mình tự ái trước mặt sếp sẽ bị mất việc. Nên chịu đựng không nói, khi về nhà, vợ mới nói một câu rất đơn giản trái ý chút xíu, thừa cơ hội đổ hết tất cả cơn giận cho vợ. Muốn vợ phải phục tùng, vì bản tính đàn ông muốn mọi người phải lắng nghe, tôn trọng. Cuối cùng không được điều đó (vì tám tiếng đồng hồ ở trong sở làm việc đã bị ức chế tâm lý, nên về nhà muốn vợ và con phải phục tùng mà không được) cho nên trút hết tâm lý bực dọc đó lên vợ con.
Vì người đó thiếu sáng suốt, không kiềm chế được tâm, nên lòng sân hận xuất hiện, vì thế phải tha thứ bởi vì trạng thái tâm lý đó đôi lúc mình vẫn có. Nếu nghĩ được như vậy thì lòng hỷ xả, bao dung bắt đầu được thiết lập, và hạt giống đó được tưới tẩm bằng nhận thức sáng suốt. Do đó nỗi khổ niềm đau trong con người của mình được phóng thích một cách nhẹ nhàng.
Tất cả những gì chúng tôi vừa nêu mà đức Phật đã cống hiến cho nhân loại đó là kỹ năng phản chiếu. Kỹ năng này đòi hỏi đến chất liệu tâm linh. Nếu không có chất liệu tâm linh lớn mạnh thì sẽ bỏ cuộc. Trong cuộc đời người ta thường dạy về lòng hận thù, được luật pháp tôn trọng, văn chương thi phú ca tụng, như trong lịch sử, hay đã từng xem qua những bộ phim võ hiệp của Trung Hoa.
Khi cha, mẹ hay thầy của mình bị kẻ thù giết chết, đứa con phải có nhiệm vụ báo thù. Toàn bộ lịch sử gọi là giang hồ của Trung Hoa, nằm trên góc độ “Nếu anh giết cha tôi thì tôi phải giết lại cha anh, nếu như tôi không giết thì tôi không phải là người con có hiếu”.
Nền văn hóa Trung Hoa dạy con người sự trả thù, đã gây cho cuộc đời biết bao khổ đau, chiến tranh phá hoại, huỷ diệt. Con người trở thành những nạn nhân của nhau, đôi lúc vì lòng sân hận mà ôm niềm đau khổ của người đã tạo ra nó cách đây 30 năm và dù người đó đã không còn nữa. Chúng ta lại truyền chất liệu khổ đau đó cho thế hệ con cháu của họ.
Chúng ta có thành kiến với người Hoa Kỳ, bởi họ đã làm cho những người Việt Nam Cộng sản chết trước năm 1975, rồi những người Việt Nam Cộng hòa đã mang những khổ đau đó truyền cho thế hệ con cháu. Họ nghĩ rằng chánh nghĩa nằm về phía họ, và những người phi Cộng sản đã đem lại cái phi chánh nghĩa.
Chính vì thế rất nhiều người đã phải chấp nhận con đường thuyền nhân bỏ nước ra đi, và nhiều người đã làm mồi cho cá. Những người Cộng sản trong nước lại qui kết rằng quân nhân Cộng hòa là những kẻ ngụy quyền phục vụ cho một đế quốc xâm lăng...
Chúng ta đổ lỗi, gieo rắc hận thù cho nhau, mặc dù phần lớn những con người tác chiến trong giai đoạn đó còn lại chẳng là bao. Nếu người nào còn sống thì cũng đến tuổi thất tuần, bát tuần, gần nhắm mắt lìa đời. Thế mà, chúng ta vẫn tiếp tục truyền trao nỗi khổ niềm đau đó cho thế hệ con cháu, dù chết họ không hề có liên lụy gì với những nỗi khổ niềm đau đó.
Nhà Phật dạy cách phản chiếu, chính từ những góc độ phản chiếu đó làm cho nhiều người khó chấp nhận. Người ta nói đạo Phật là ba phải không dạy con người lòng hận thù, yêu nước.
HÀNH ĐỘNG TÁC CHIẾN
Nhà Phật dạy, ơn tổ quốc là một trong bốn trọng ơn. Là người Phật tử ai cũng có lòng yêu nước. Thời Lý - Trần có các vị thiền sư, phải cởi bỏ áo cà sa khoác chiến bào, nhưng trạng thái khoác chiến bào của các ngài khác với các nghĩa sĩ. Các binh sĩ, chiến sĩ ra trận là vì lòng sân hận phải giết, vì nếu không giết thì đất nước bờ cõi này sẽ không bao giờ được bình yên.
Còn thiền sư đã hiểu đạo lý nhà Phật, khi họ bấm cò, viên đạn lao về phía trước, trong tâm vẫn mong người kia tha thứ cho hành động sát hại của mình. Tôi làm trong một tình huống bất đắc dĩ mà thôi, nếu tôi chỉ nói bằng lời Từ bi, thái độ thương thuyết, hòa đàm thì các vị không chấp nhận. Bởi các vị đã làm dưới sự chỉ đạo của tướng các vị, còn tướng đã được sự chỉ đạo của tướng quốc gia, cho nên tôi đành lòng phải bắn các vị nằm xuống trên mặt đất này. Để rồi nghiệp sát hại của các vị đối với dân tộc chúng tôi, nghiệp xâm lăng thôn tính đối với người dân vô tội của chúng tôi được chặn đứng lại. Như vậy nghiệp sát của tôi là một việc làm đã mang lại hòa bình cho dân tộc.
Trong hành động của nghiệp sát hại do chiến tranh, quả báo sát sanh vẫn có, nhưng mà ít. Bởi vì lòng thương muốn ngăn chặn sự sát hại đang leo thang lớn hơn lòng sân hận của những người đang tác chiến, đã làm cho họ với tâm niệm của lòng từ bi, có phước báu lớn hơn, đó là lý do tại sao những vị tướng vì chánh nghĩa vẫn có tuổi thọ cao.
Theo nhân quả về sự sát hại, giết người mà không có hối hận thì bị yểu mạng, bệnh tật. Thế mà những vị tướng vì chính nghĩa họ sống rất thọ, có người sống đến 80- 90 tuổi. Tuy nhiên cũng có người ra đi tác chiến, nhưng vì giết với lòng sân hận thì chết sớm hơn, đó là lý do tại sao tướng xông trận trước tiên mà họ lại sống lâu, còn các binh sĩ chạy trốn mà đạn lại rơi trúng họ.
Nhiều vấn đề chúng ta không lý giải được, nhưng theo nhà Phật, đó là do nhân - quả. Luật nhân quả nằm ngay trên tâm lượng, mà chúng ta đang tác chiến với nhau.
Vì vậy, nhà Phật cho phép, trong cơn nguy biến của thời cuộc, quốc gia nếu như lực lượng bên kia cũng từ phía chánh nghĩa, thì cho phép người Phật tử tác chiến, nhưng tác chiến dưới góc độ của lòng từ bi chứ không phải bằng lòng hận thù.
Khi chúng ta bắn người khác chết vì chính nghĩa, nhưng vẫn mong cho họ được siêu sanh thoát hóa, và đừng mang lòng hận thù với mình. Tác chiến với tâm niệm như vậy, ít nhất về phía mình cái gút hận thù này được mở toang ra, còn người kia được hay không là chuyện khác nữa. Bởi vì bên kia cũng được tiêm tẩm vào bởi chủ nghĩa yêu nước giống mình, hai bên đều là vì chủ nghĩa yêu nước.
Hai chủ nghĩa yêu nước va chạm với nhau, nếu chúng ta không mang chất liệu của lòng từ bi thì khi sanh ra vẫn là kẻ thù của nhau. Đó là lý do tại sao nơi nào đã từng có chiến tranh xảy ra, thì các oan hồn của các chiến sĩ làm cho chỗ đó trong tương lai có chiến tranh. Palestin - Israel đã bao nhiêu năm, chúng ta lớn lên, tình nguyện trở thành những chiến sĩ, giết để trả thù lẫn nhau thôi, còn Kasmia xảy ra xung đột giữa chủ nghĩa Ấn Độ giáo với Hồi giáo... người Ấn Độ rất hiền lành, thế mà tiêm vào chủ nghĩa yêu nước của tôn giáo dưới góc độ các cuộc thánh chiến, đã làm cho dân tộc này phải chia cắt làm hai và họ đã giết hại lẫn nhau để tìm hạnh phúc.
Khuynh hướng tác chiến của nhà Phật được các nhà sư lý giải làm cho rất nhiều người không thích. Khi tuyên truyền sự phản chiến, người bên CIA, Mỹ nói rằng chúng ta là Cộng sản, ngược lại bên Cộng sản sẽ nói chúng ta là Hoa Kỳ, cuối cùng chúng ta sẽ không có chỗ đứng. Thông thường họ cần những liên minh hoặc chúng ta đứng về phía của Cộng sản, hoặc là Hoa Kỳ, khó ai chấp nhận đứng ở chặng giữa. Dĩ nhiên chúng ta không phải lập ra đảng phái thứ ba. Theo nhà Phật thì chúng ta lập ra liên minh về lòng từ bi, tạo ra chất liệu an lành cho cuộc sống, mong cho mọi người nếu như phải tác chiến thì mang tâm niệm của lòng từ bi đừng mang tâm niệm hận thù.
Do đó sự lưu danh bất tử của Bồ tát Quảng Đức không phải là sự lưu danh bất tử theo nghĩa là một vị anh hùng của dân tộc. Mặc dù cuộc đời tôn trọng Ngài, tôn xưng Ngài như vậy, nhưng Ngài không cần đến những danh hiệu đó, bởi vì danh nghĩa quan trọng và đúng nhất đó là danh nghĩa Bồ tát.
Bồ tát không đấu tranh cho một ý thức hệ, không vì quyền lợi cho một chủ nghĩa, cũng không vì lợi ích cho một cộng đồng mà lợi ích cho tất cả chúng sinh, nơi nào cần thì Ngài sẵn sàng tình nguyện.
Thiền sư tham gia tác chiến có trái với tông chỉ nhà Phật?
Có nhiều người rất ngạc nhiên và đặt ra câu hỏi này.
Trong kinh điển dạy rằng, tự sát là một phạm trù của sát sanh và như vậy trái với tông chỉ nhà Phật? Trong kinh tạng Pali có nêu ra một số tình huống sát sanh.
Nếu phân tích các sự kiện đó thì sẽ thấy nó rơi vào tình huống như thế này:
Có một vị Tỳ kheo muốn kết liễu mạng sống của mình bằng một con dao, bởi vì vị đó thấy mình đang mang bệnh trong thân, nếu nói theo ngôn ngữ y học đó là chứng bệnh ung thư. Nó đau đớn và hành hạ thân xác nhiều lắm, vị đó nghĩ rằng, nếu mình duy trì bệnh ung thư này thêm một khoảng thời gian nữa, thì trạng thái cảm xúc khổ đau sẽ khống chế đời sống nội tâm của mình, cho nên bây giờ mình bình tĩnh tự sát để cho nỗi khổ niềm đau được kết thúc, và mình sẽ có một đời sống tái sanh mới, tái sanh trong một thân thể hạnh phúc.
Đức Phật dạy, trong lúc sắp qua đời, việc gieo những hạt giống tư duy nhận thức trong giờ phút cuối cùng rất quan trọng. Lúc đó, hãy hướng tâm về sự an lành, về cái thiện, tốt, vị tha, vô ngã, thì khi mình sanh ra có mặt trong cuộc đời, với một phôi thai trong bụng me, chất liệu cá tính đó đã được tượng hình, nên dễ dàng trở thành con người vĩ đại. Vị Tỳ kheo này đã tâm niệm được điều đó và muốn kết liễu đời sống của mình bằng cách này.
Đức Phật biết được nên ngăn cản, bởi vì làm như vậy là sai, nhà Phật dạy không được kết liễu cuộc đời mình bằng sự tự sát. Trước nhất, tự sát là một sự bế tắc và tìm kiếm trạng thái đào tẩu, Chúng ta phải đối diện với cuộc đời thì mới vượt lên trên nỗi khổ và niềm đau. Vì không dễ gì được làm thân người. Nếu chọn cách thức tự sát trong trạng thái đào tẩu thì chúng ta là kẻ thất bại, đầu hàng một cách vô điều kiện, vì nghĩ rằng cuộc đời không còn ý nghĩa nữa.
Trong cơn bệnh hoành hành, nếu như biết cách, hãy vận dụng phương pháp thiền quán. Trong các phương pháp thiền có một phương pháp rất hay đó là Diệt thọ tưởng định (hay Diệt tận định).
Khi hành giả nhập vào thiền định, dòng cảm xúc hoàn toàn vắng lặng, ý niệm hóa của con người (ví dụ như tư tưởng, sự hồi tưởng, phát minh, tưởng tượng) cũng theo đó mà vắng mặt. Vì tất cả hạnh phúc hay khổ đau có mặt đều lệ thuộc vào dòng cảm xúc. Đó là lý do tại sao y học phát hiện ra những chất ma túy, và vận dụng những chất này trở thành chất gây mê trong phẫu thuật. Gây mê để khống chế vùng thần kinh cảm xúc, làm cho không còn cảm giác nữa. Cho nên trong suốt thời gian phẫu thuật, bệnh nhân không có cảm giác đau và khó chịu, vì nó ức chế làm cho mình quên đi cái đau về thân thể vật lý.
Chúng ta không cần vận dụng những cách thức đó. Ở Trung Hoa, Quan Công đã từng làm khi ông bị mũi tên đâm thủng vào tay. Ông đã làm tê liệt thần kinh trung khu cảm xúc, bằng cách tập trung vào ván cờ tướng với một cao thủ trong làng cờ. Tập trung tư tưởng vào ván cờ thì nỗi đau sẽ giảm bớt.
Khi tập trung vào chuyện A thì quên hẳn chuyện B, đó là một cách tạo ra sự khống chế cảm giác đau đớn ở thần kinh cảm xúc. Nếu chúng ta dùng thuốc gây mê có thể thành công, nhưng đa số bị thất bại, chưa nói đến tình huống bị phản ứng tác dụng phụ. Nếu bị ức chế gây mê nhiều quá thì sẽ giảm chức năng của bộ nhớ sau này. Ai sử dụng thuốc ngủ, thuốc gây mê thì về sau bộ nhớ sẽ giảm và bấn loạn về tinh thần.
Thiền định có thể làm cho dòng cảm xúc và ý niệm hóa bị dừng hẳn một cách tuyệt đối. Lúc đó con người ở trong trạng thái hoàn toàn bất động. Xem những bộ phim lịch sử như Bồ Đề Đạt Ma, chúng ta thấy vị Tổ này đã ngồi bất động trên núi chín năm xoay mặt vào vách tường. Nhiều người cho rằng đó là huyền thoại, hay tưởng tượng, cường điệu để nâng tầm quan trọng của Tổ trong việc truyền bá dòng thiền mới cho người Trung Hoa, đó là một quan niệm sai lầm. Lúc đó Tổ đang nhập vào dòng thiền Diệt thọ tưởng định.
Khi nhập vào dòng thiền Diệt thọ tưởng định, con người không còn nhu cầu ăn uống, nhưng hơi thở vẫn còn được duy trì một cách nhẹ nhàng, đôi lúc nó được thể hiện thông qua từng lỗ chân lông.
Trong nhà Phật, có hai loại thức ăn rất quan trọng không liên hệ đến thức ăn của vật chất như là cơm ăn nước uống...đó là thiền duyệt thực, và pháp hỷ thực.
Pháp hỷ thực là niềm vui với đời sống đạo đức, con đường tuệ giác, với cái gì đó mà nó làm mới cuộc đời, cảm thấy lâng lâng nhẹ nhàng, trạng thái này rất kỳ lạ, khó giải thích. Nó còn đặc biệt hơn trạng thái lâng lâng, cảm xúc đam mê khi quan hệ giới tính với nhau, hay trạng thái lâng lâng khi sử dụng chất kích thích xì ke ma túy. Những trạng thái đó làm cho cơ thể mình uể oải, dã dượi, khó chịu giống như trạng thái của người bị say. Trạng thái pháp hỷ thực làm cho mình lâng lâng nhẹ nhàng, tầng số tâm linh ngày càng cao.
Thiền duyệt thực lại càng quan trọng hơn, tức là trong trạng thái thiền này, sự tĩnh tại trở thành sức sống. Nó làm cho con người không còn bị tác động, chi phối bởi âm thanh, màu sắc, hương vị bên ngoài, lúc đó dòng cảm xúc đã vắng lặng.
Tôn giả Xá-Lợi-Phất được xem là cánh tay phải, rất quan trọng trong vấn đề truyền bá đạo Phật, cho nên đức Phật thường gọi Ngài với biệt hiệu là “Tướng quân của Chánh pháp”. Không phải là đi đánh giặc thù hay đánh các tôn giáo, mà là một người có rất nhiều công lao trong việc truyền bá Phật pháp bằng con đường bất bạo động, tình thương và giáo hóa.
Một hôm, Ngài Xá Lợi Phất ngồi thiền định, có vị Thần Atula cầm chày Kim cang nện xuống chỗ Ngài đang ngồi. Giống như một trận động đất với độ chấn động nếu nói theo từ ngữ hiện nay là 9 độ richter, còn hơn độ 6.9 ở vùng San Fansico cách đây khoảng 10 năm. Bao nhiêu người hoảng hốt la thất thanh bỏ chạy, nhà bị sụp, tài sản bị phá hủy... thế mà Ngài vẫn ngồi điềm nhiên bất động.
Lúc đó ngài Mục Kiền Liên nói lại rằng, đã có sự kiện địa chấn diễn ra và ngài Xá Lợi Phất nói rằng: nếu như ngài cảm nhận được thiền Diệt thọ tưởng định của tôi thì tin chắc rằng ngài phải là một con người có thần thông quảng đại, nên mới thấy được dòng chảy tâm lý cảm xúc của người khác. Đó là lý do tại sao trong đạo Phật ngài Mục Kiền Liên được tôn xưng Thần thông đệ nhất, tức là người nổi trội nhất về thần thông.
Nhờ có Tha tâm thông, ngài biết được dòng cảm xúc của người khác mà không cần phải nói chuyện, dọ dẫm, không cần phải có cử chỉ tiến lui, xem chừng người kia ứng xử như thế nào, để chúng ta tiếp tục hay dừng lại theo cách thức của các nhà tâm lý học đã sử dụng. Ở đây chỉ cần nhìn là biết, thậm chí không cần nhìn bằng con mắt mà vẫn biết được người khác rất rõ. Cái biết đó theo các nhà khoa học gọi là trực quan, còn nhà Phật gọi là cái biết của thần thông do sự tu tập mà có.
Như vậy dòng thiền Diệt thọ tưởng định là một chất liệu rất quan trọng. Và chất liệu này (thiền Diệt thọ tưởng định) làm cho cả thế giới sửng sốt, Tổng thống Kennedy hoảng hồn, bởi đã biết mình sai lầm khi dựng lên một bạo chúa ở Việt Nam. Nhờ bạo chúa đó đã tạo ra một vị Bồ-tát.
Chỗ nào có bạo chúa, ở đó có Bồ tát, ở đâu có bóng tối, ở đó có ánh sáng, ở đâu có khổ đau ở đó có hạnh phúc, cho nên quan niệm của đạo Phật rất tích cực.
Chúng ta không cần phải đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài, hay ở một thế giới xa xôi nào, mà vẫn có thể thiết lập hạnh phúc trên cuộc đời này bằng hành vi chân chánh. Vì thế khoa học trên thế giới không lý giải được tại sao trong một ngọn lửa rất nóng với 20 lít xăng super, mà Ngài ngồi bất động suốt 15 phút.
VẮNG LẶNG CẢM XÚC
Khi chúng ta qua đời, dòng cảm xúc vắng lặng hoàn toàn, nên không còn biết đau, nhức, nóng, lạnh gì nữa. Vì thế nếu quí vị có qua đời thì đừng sợ, có nhiều người gặp chúng tôi nói Thầy ơi, nhường cho con một chỗ để cốt tại chùa vì con sợ chết chôn dưới đất có nhiều mạch nước ngầm làm lạnh lẽo lắm. Có người nói ngược lại, khi con chết Thầy chôn con ở đất gò cao để giữ ấm, còn thiêu thì nóng quá chịu không nổi. Chết rồi còn biết gì đâu nữa mà sợ? Vì không còn cảm xúc thì không có nỗi đau.
Bản chất của cảm xúc là nỗi khổ đau. Quan niệm này khác hoàn toàn với thế gian. Người ta cứ cho rằng khi các giác quan được kích thích. Ví dụ con mắt nhìn thấy màu sắc thích hợp, phong cảnh đẹp, ngôi nhà cao sang, quần áo trang sức đầy đủ là cảm thấy sung sướng.
Đôi lúc chúng ta tiêu phí mấy ngàn đôla để đi đến thưởng ngoạn những cảnh vật chỉ trong vài giây là cảm thấy thỏa mãn. Có nhiều người cảm thấy hạnh phúc bằng cái lỗ tai, nghe nói ở đâu có Michael Jackson ca là đến ngay, hay đi nghe những ca sĩ lỗi lạc, trẻ trung hấp dẫn lại càng mê hơn nữa, tức là phối hợp cảm xúc luôn cả con mắt và lỗ tai.
Tương tự cho những người thích ăn uống thì lỗ mũi và cái lưỡi phối hợp, có nhiều người cảm xúc của cái thân và sự xúc chạm ăn, mặc, ngủ, quan hệ giới tính... có nhiều cách thức tìm hạnh phúc khác nhau và họ cho rằng đó là hạnh phúc cực điểm cuộc đời.
Nhưng đức Phật nói bản chất cảm xúc là khổ đau, bởi vì những thứ đó trở thành điều kiện hóa, hội đủ điều kiện thì mới có hạnh phúc. Nếu hôm nào chúng ta đến chỗ tượng đài Nữ thần Tự Do của Mỹ, hay đến kỳ quan thế giới mà trời mưa tầm tã thì tiếc nuối vô cùng, vì tốn tiền mà không chụp được tấm hình nào như ý muốn.
Do đó, khi điều kiện không hội đủ thì hạnh phúc cũng không trọn vẹn. Cho nên bản chất của cảm xúc, các giác quan tiềm tàng, các điều kiện cho nỗi khổ đau có mặt, hay có những tình huống trong hạnh phúc đã có mặt của khổ đau.
Đức Phật nói, khi nào chuyển hóa được cảm xúc thì người đó hết khổ đau. Bồ tát Quảng Đức chắc chắn rằng đã ngồi trong Hỏa Quang tam muội và chuyển hóa hết dòng cảm xúc, cho nên lửa cháy 15 phút mà Ngài không thấy có gì xảy ra. Nếu chúng ta xem trong phim sẽ thấy gương mặt Ngài vẫn rất tươi cười, cười mỉm chi thoải mái lắm, đến lúc khúc xương không còn da và thịt nữa, thì Ngài ngã về phía trước một cách rất tự tại, nhẹ nhàng an vui thảnh thơi. Tại sao còn lại quả tim?
Ở Trung Hoa có bốn nhục thân: Lục Tổ Huệ Năng, Tỳ Kheo Vô Tận Tạng (người đệ tử cùng thời với Tổ Huệ Năng), Thiền sư Hán Sơn trong thời hiện đại, người thứ tư là Thiền sư Nguyệt Khê vào năm 1964. Các vị này chết không cần sử dụng chất ướp xác của y học mà thân thể giống như một khúc gỗ cứng không hề hư, cho đến bây giờ người ta vẫn còn tôn thờ.
Ở Việt Nam có ba nhục thân, Thiền sư Quảng Trí, Thiền sư Vũ Khắc Minh, Thiền sư Vũ Khắc Trường... đã được phát hiện cho đến ngày hôm nay. Các nhà khoa học đã dùng độ cacbon C14 để đo tuổi thọ, và dùng máy để đo hóa chất, xem có tiêm thuốc gì đặc biệt mà khoa học chưa biết hay không, thế mà vẫn không tìm thấy có gì được tiêm chủng vào đó, trong nhà Phật gọi là xá lợi.
Xá lợi (xá lợi nghĩa đen là kim cang tử, là sự cứng, đến độ không có cái gì có thể thiêu hủy được), là cái bất hoại. Nó hội tụ của thiền định tu tập, đời sống thanh cao, đạo đức sâu dày. Tu tập đúng phương pháp, nếu có nguyện vọng để lại cho cuộc đời những niềm tin, thì người đó có thể để lại dưới dạng xá lợi.
Ở Trung Hoa ngài Cưu-Ma-La-Thập có để lại xá lợi của cái lưỡi. Ngài là dịch giả các bản kinh mà chúng ta đang đọc, tụng trong các chùa. Tại sao ngài để lại cái lưỡi mà không để lại cái khác? Ngài sợ rằng lời tuyên bố chánh pháp, giảng kinh thuyết pháp, dịch kinh của ngài có thể có chỗ sai do hạn chế về kiến thức, ngôn ngữ tiếng Sanskrit và tiếng Hán, cho nên ngài nguyện “Nếu như tất cả công lao đóng góp trong cuộc đời của ngài đúng với chánh pháp, thì khi chết thiêu, cái lưỡi còn nguyên” và điều đó ứng với lời nguyện của ngài.
Ở đây, tại sao Bồ tát Quảng Đức để lại trái tim? Trái tim tượng trưng cho tình thương, tình yêu, và lòng vị kỷ, vị tha, sân hận, tha thứ cũng ở đó, tất cả những tình cảm đẹp nhất, xấu nhất đều xuất phát từ trái tim. Cho nên khi Bồ tát dấn thân, bằng chủ nghĩa (chúng tôi tạm gọi như vậy) của lòng từ bi, tình thương, chứ không phải của chủ nghĩa anh hùng, giai cấp thì quả tim đó trở thành bất diệt.
Chủ nghĩa tình thương đó là tình thương con người, tình thương gia đình họ Ngô, thương cả chính thể của họ Ngô, thương cả những con người đồng lõa, tán đồng, hay chủ trương tạo ra sự khổ đau cho dân tộc Việt Nam trong giai đoạn đó.
Chúng ta phải hiểu như vậy, cho nên hạnh nguyện lớn của Bồ tát là để lại trái tim, cho thấy rằng sự nằm xuống của ngài tạo ra sự thức tỉnh ở người khác, và giá trị của sự thức tỉnh này đó là trái tim của từ bi, trái tim của tâm linh, trái tim của xóa bỏ hận thù, chứ không phải cái gì khác.
Nếu tu tập và có nguyện ước thì đừng nguyện ước bằng những lời thề. Ví dụ, có người thề rằng, nếu tao chết thì mày đừng có mặt, nếu mày có mặt tao sẽ trợn mắt, ói máu ra, nguyện ước đó nguy hiểm lắm. Bởi vì nói như vậy thì khi chết không ra đi được. Thực tế có những người thề như vậy và không đi được là chuyện có thật, nếu như những người con đó có mặt ở trước quan tài thì sẽ “bị xì” trong quan tài trào ra. Chúng tôi đã từng chứng kiến khi đi liệm biết bao nhiêu đám ma, đã thấy những trường hợp đó. Cho nên nếu có lời nguyện thì lời nguyện đó đừng rơi vào lòng hận thù, mà lời nguyện của lòng hỷ xả, từ bi, mới mang lại hạnh phúc cho cuộc đời.
Trong cuộc đời, nỗi khổ niềm đau lúc nào cũng có mặt, phóng thích nó là một nhu cầu rất lớn. Chúng ta không thể nào nói “Tôi bất cần, tôi không cần hạnh phúc, tôi sẵn sàng chấp nhận khổ đau,” nói như vậy là chúng ta phũ phàng và đang đì đọa dòng cảm xúc, là tự tạo sự bất hạnh cho thân thể của mình. Nỗi bất hạnh đó, không chỉ dừng lại, mà còn tạo vùng từ trường, sự giao thoa bất hạnh cho những người thân, vợ chồng, con cái... cho nên nhà Phật dạy chúng ta đừng sống với cảm xúc bất hạnh đó.
Chúng ta rất cần con người, cuộc đời với sự cảm thông, truyền thông để tháo gỡ những bế tắc. Đừng phóng thích nỗi khổ niềm đau vào trong sọt rác, nó sẽ làm nghẽn mạch máu cảm xúc của mình. Từ đó giữa chúng ta và người khác luôn có những bức tường tâm linh, hoặc có những ranh giới của Nam Triều Tiên, Bắc Triều Tiên.... hoặc là chúng ta có những Vạn Lý Trường Thành, có những hàng rào cản trở rất lớn.
Những cản trở đó là bản ngã, sĩ diện, lòng ích kỷ, sự hận thù. Chúng ta phải xóa hết tất cả những thứ này thì đời sống hạnh phúc mới có được.
Học được học thuyết đó, rõ ràng chúng ta phóng thích nó một cách có nghệ thuật. Như vậy là mình đang gieo trồng hạt giống từ bi, trước nhất cho bản thân và sau đó cho những người khác, có như vậy đời sống của mình mới thật sự có ý nghĩa.
Nếu có thể: chết yểu, chết bất đắc kỳ tử... cũng không gì lấy gì làm tiếc, vì theo nhà Phật bản chất và giá trị cuộc sống không nằm ở chỗ sống thọ hay chết yểu, mà là sống như thế nào. Chúng ta đã làm được gì cho bản thân mình và cho những người khác dưới góc độ của đạo đức, tình thương, ý nghĩa hạnh phúc an vui trong cuộc đời. Với quan niệm cuộc sống như vậy, con người sẽ có được chất liệu của lòng vô uý không sợ hãi.
Điều chúng ta sợ hãi là gì? Đó là cái chết, bệnh tật, mất danh dự, địa vị chức tước. Nếu khi chết không còn màng đến những thứ đó nữa thì không có cái gì phải sợ.
Chúng ta học được ở Bồ tát Quảng Đức đức tính hùng dũng, hùng lực của lòng Từ bi. Nó tạo ra chất liệu vô uý, sống hiên ngang bất khuất, không sợ bất cứ một cưỡng lực, áp lực hăm dọa nào. Hãy sống bằng tiếng nói của lương tâm, nhận thức của tuệ giác, như vậy chắc chắn rằng cuộc sống sẽ rất có ý nghĩa.
Khi làm được điều đó là chúng ta đang dâng cúng dường chư Phật, đang ban bố cho cuộc đời, kinh Diệu Pháp Liên Hoa gọi đó là Vô uý thí. Tức là tặng cho người khác một niềm an vui hạnh phúc không sợ hãi, không sợ hãi của tất cả sự vắng mặt nỗi khổ niềm đau và tất cả sự hận thù.
***