Giảng tại Đạo tràng Quảng Từ, San Jose, Hoa Kỳ Ngày 21-8-2008
Đánh máy: Diệu Thúy
Điều tâm niệm thứ hai: “Nghĩ đến cuộc sống thì đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa sẽ nổi dậy”.
KHÔNG SỢ HOẠN NẠN
Câu này có ba vế: Thứ nhất là đời sống, thứ hai là hoạn nạn, và thứ ba đối trị là để vượt qua kiêu mạn của tâm. Trong vế thứ hai, có thể chia làm hai nhóm. Hoạn nạn là nghịch cảnh và mức độ cao nhất mà con người thường gặp phải, đó là sự suy sụp không vượt qua được thử thách. Phần lớn các hoạn nạn mà con người thường gặp như một thách đố. Sống ở đời gặp hoạn nạn chúng ta cũng đừng nên sợ hãi.
Câu tâm niệm dạy ta cách quán chiếu, sống trong cuộc đời, nỗ lực làm nhiều việc phước, dấn thân giúp người, trở thành tiên phong trong các phong trào tốt thì nghịch cảnh cũng theo đó mà giảm đi. Người không làm gì cho xã hội thì cơ hội đối diện với những thử thách cũng có nhưng ít hơn, do đó, ta phải tâm niệm đã sinh ra trong cuộc đời để làm những việc khó làm.
Khi quyết tâm làm những việc khó thì những chướng duyên, nghịch cảnh, trở ngại thử thách có mặt không làm ta sờn lòng nản chí. Nếu nghĩ rằng mình làm việc lành, lẽ ra phải được hưởng phước báu hiện thời, tại sao lại không được như thế, từ đó sinh tâm chán nản dẫn đến tình trạng lẩn tránh, không muốn làm gì nữa, nên bị rơi vào tình trạng thối thất tâm bồ đề.
Ý nghĩa câu tâm niệm này giúp ta ý thức rõ những giá trị đóng góp đều phải trả giá rất đắt, thành ngữ Anh có câu “Freedom is not free”. Từ đó suy ra tự do an lạc hạnh phúc trong sự tu tập ta phải mua bằng nhiều nỗ lực công đức, bằng sự tu tập và hành trì, chuyển hóa, tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh tuệ,… thì ta mới tồn tại lâu dài. Khi tâm niệm như thế thì nỗi đau dù lớn khó khăn, nghịch cảnh nhiều, ta vẫn xem nó chỉ như hạt sỏi.
Người phương Tây sống trong môi trường tự do và nhân quyền cao, với đầy đủ phương tiện vật chất thì cái tôi được khích lệ ở mức độ cao nên lầm tưởng mình được hạnh phúc nhất; trên thực tế, họ bị thách đố bằng nhiều cách, nhiều hướng khác nhau. Khi môi trường sống ở phương Tây đạt được việc giảm tiếng ồn, giảm sự ô nhiễm thì sức chịu đựng về kháng thể của họ cũng theo đó mà giảm đi. Nếu họ đi du lịch Ấn Độ, Việt Nam hay những nước châu Phi mà trong vòng ba ngày không bệnh là chuyện lạ.
Về phương diện tiếp xúc văn hóa, hầu như rất nhiều người phương Tây bị khủng hoảng khi tiếp xúc với các nước khác. Trong nền văn hóa phương Tây sự riêng tư rất được tôn trọng, vì vậy đi đến nơi khác, họ có cảm giác rất khổ khi bị siết chặt. Thấy rõ sự khác biệt giữa các nền văn hóa thì ứng dụng Phật pháp tại đất nước Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia khác nào, ta phải hiểu để thích ứng.
Các Tổ Trung Hoa đã dạy chúng ta nghệ thuật quán tưởng:
“Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ,
Trí tuệ lớn, bồ đề sinh,
Lìa địa ngục, thoát hầm lửa,
Cầu thành Phật, độ chúng sinh”.
Sự nghe đó là cả một tiến trình tu tập để chuyển hóa, dần dần ta có cảm giác thân quen như tiếng hồng chung nhẹ nhàng thư lắng, giúp ta rũ bỏ được cảm xúc trần tục. Nhưng nếu ta áp dụng văn hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ, cứ gõ chuông, thì mọi người không có phiền não nhẹ mà phiền não tăng, nhất là đối với những người khác tôn giáo. Như vậy, bản chất văn hóa tạo ra các quan niệm văn hóa là cộng nghiệp, quan niệm của con người là biệt nghiệp. Biệt nghiệp được tích tụ nhiều lần và nhiều người cùng giống nhau tạo ra cộng nghiệp ở tương lai. Có mặt trong biệt nghiệp và cộng nghiệp mới, phải hết sức lưu tâm cách thức làm đạo bằng không ta sẽ gặp rất nhiều chướng duyên và thử thách.
Vì vậy, gặp hoạn nạn trong hành đạo là việc hết sức thường tình. Ta không nên có những phương pháp loại suy. Khi nhìn thấy vị tu sĩ có sức khỏe cường tráng, cả cuộc đời không bệnh, làm việc gì đều có người hưởng ứng, theo công thức “nhất hô bá ứng”, trong khi người khác làm mãi không xong. Từ đó, ta suy luận có lẽ vị thuận duyên là tu đúng, còn những vị nghịch duyên là tu sai. Hiểu như thế là ta đã đánh giá phước báu hay nhân duyên tốt trong phương tiện dẫn đến phước báu lại chính là phương pháp của sự tu hành.
Nghịch cảnh có mặt hay không với một người không đủ sức để ta thừa nhận, đánh giá rằng người đó tu đúng hay sai; việc tu, và thực tập luôn có những nghịch cảnh. Nghịch cảnh thường xuất hiện theo chiều tỷ lệ thuận với phương pháp và sự hành trì đúng đắn, chúng ta thường gọi là hiện tượng đổ nghiệp. Một người cư sĩ tại gia phát tâm thọ giới Bồ tát, các nhà sư thường nhắc trước câu: “Coi chừng chuẩn bị đổ nghiệp, cố gắng vượt qua, đừng để tình trạng đổ nghiệp làm mình thối tâm”.
Sau thời gian thực tập, ta thấy có nhiều trở ngại và nghĩ rằng do thọ giới nên bị giảm thử thách, thực tế là không. Có những tình huống, do ham tu quá, vợ đi thọ giới Bồ tát về “cấm vận” chồng, tu như các sư cô tu giải thoát, người chồng sinh ra mặc cảm từ khi vợ làm đệ tử Phật thì chồng trở nên thừa. Lúc đó, vợ tu càng nhiều thì chồng càng phiền não. Phật tử tại gia, không cần tu theo cách trong chùa. Một ngày chỉ cần một thời kinh là đã quý. Các hành giả Thiền tông chỉ cần một ngày một thời thiền là được, không nhất thiết phải đủ bốn thời như người xuất gia.
Phật tử tụng kinh ở nhà không cần gõ mõ, vì mõ chỉ là phương tiện để tạo ra trường canh, dẫn chúng cho người tụng nhanh tụng chậm, tụng cao tụng thấp có một điểm để đều nhau. Thời kinh cúng ngọ lúc 10giờ sáng chỉ dành cho tu sĩ, vì tu sĩ không lao động chân tay mà chỉ lao động tâm linh - tu tập, hành trì, chuyển hóa, do vậy, phải cúng Phật trước mới ăn. Khi tiếp nhận thực phẩm ai cúng dường thì phải đền tạ ơn đức của họ, nên phải làm lễ cúng mười phương chư Phật, sau đó hồi hướng công đức cho chúng sinh. Trong các chùa thường cúng thí thực lúc ba bốn giờ chiều, vì nhiều người do thiếu sự hướng dẫn, chết bị vướng vào tình yêu, gia tài, sự nghiệp, oán thù, họ cần phải có các nghi thức hỗ trợ để buông xả.
Phật tử đến nhà tụng kinh mà không hiểu dần dần người thân trong gia đình sẽ cảm thấy ngột ngạt. Ta phải chọn lựa khi đem kinh về nhà tụng, nếu vợ hoặc chồng là người vô thần, không tin Phật thì không nên tụng kinh Dược Sư, Phổ Môn, A Di Đà vì ngôn ngữ biểu tượng của kinh họ không hiểu nổi, nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen thì thấy toàn tín ngưỡng, từ đó dị ứng sẽ ngày càng cao. Lúc đó, đừng nghĩ do ta thọ giới nghiệp đổ mà chính vì ta thực tập không đúng cách.
QUÁN VÔ NGÃ ĐỂ VƯỢT QUA HOẠN NẠN
Cách thực tập của Phật giáo dạy ta quán vô ngã và vô tác giả. Phần quán vô tác giả là nghệ thuật để tách ly tính cố ý của người tạo ra nghịch duyên cho mình trở thành sự tình cờ và ngẫu nhiên để ta không hận thù và trả đũa. Làm như vậy không có nghĩa là mờ mắt, bàng quan, sợ hãi, nhút nhát mà vì ta thấy rất rõ con người không phải là kẻ thù của nhau. Lòng tham, sân, si là ba nguồn năng lực có tính hủy diệt các quan hệ và hạnh phúc, nó có mặt ở chỗ nào thì khổ đau kéo theo chỗ đó.
Phật tử thực tập tâm linh theo đức Phật nên dù có khởi lên tham, sân, si ta vẫn biết mình sai để sửa đổi, ray rứt một thời gian rồi chuyển hóa. Người đời không biết đạo lý tâm linh này, đi theo các tôn giáo nhất thần như Do Thái, Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi giáo,… hầu như không hề có con đường tâm linh, kỹ năng tâm linh, pháp môn hành trì để giải quyết sinh tử. Ngoài những sinh hoạt giáo hội và các nguyên tắc đạo đức cho nhân thừa. Nên mỗi khi hận thù có mặt họ phải mất nhiều thời gian để rũ bỏ, đôi lúc phải mất đến vài ba kiếp.
Phật tử học theo câu Phật dạy “Hận bất quá nhật”, đừng dại nuôi hận thù quá một ngày, vì sẽ đồng nghĩa biến mình trở thành nạn nhân. Quán không tác giả để thấy rõ lòng tham lam, sân hận, si mê, bế tắc của họ dẫn tới những phản ứng giận cá chém thớt.
Khi giận chính thể nào thì họ đổ trút nỗi đau quá khứ trên bất cứ người nào sống trong môi trường có chính thể đó. Do vậy, nghiệp cũ chưa hóa giải được hết mà còn gieo thêm nghiệp xấu mới.
Quán không tác giả là nghệ thuật để tách ly hoạn nạn về phương diện không thấy, nhờ ta có chủ ý. Phương pháp thực tập này giúp ta có được sự độ lượng để buông xả những tâm lý không nên giữ. Đức Phật dạy chúng ta buông vì thân thể này không có chính mình, nên đối với những lời chửi mắng, thương tổn của tha nhân, ta nghĩ là làm cho 36 thể trược của ông A ông B, không phải cho ta. Nghĩ như thế mặc dù khổ đau vẫn có nhưng không bám lên ta được, sự thực tập như thế làm ta thong dong vô ngại. Người hại ta không được, họ lại càng tức hơn, một thời gian sẽ hết.
Như vậy, hoạn nạn có mặt như một nghịch cảnh. Vấn đề là sự tu tập và chuyển hóa của Phật tử thông qua câu tâm niệm này đừng để mình ngã quỵ khi hoạn nạn có mặt. Phải đứng lên, đi tới và xem chuyện đó rất bình thường, không ai không có hoạn nạn. Phước báu và tuệ giác lớn như đức Phật mà Ngài vẫn bị đệ tử là Đề Bà Đạt Đa chẳng những không nghe lời mà còn muốn hãm hại giết chết Ngài, còn rất nhiều nghịch cảnh khác vu oan giáng họa Ngài nhưng không thành công.
Khi ta nỗ lực làm việc lành thì các thế lực bóng đêm rất ganh tỵ. Ta phải tìm cách phủ định ánh sáng. Ánh sáng và bóng đêm không song tồn, chỗ nào có ánh sáng thì bóng đêm tan. Do đó việc làm tốt của chúng ta gặp nhiều nghịch cảnh thì nên mừng vì biết mình đang đi đúng đường. Nếu làm tốt mà không ai chống đối thì mới đáng buồn vì năng lực chưa đủ tần suất để người ta ghé mắt quan tâm.
Trước khi đức Phật thành đạo Ma vương xuất hiện, đó chỉ là tâm lý ma. Ma vương nói Ngài hãy trở về làm vua một nước, cần gì phải ngự trị cuộc đời này bằng tuệ giác của Ngài. Ma vương và thế lực bóng tối sẽ triệt tiêu Ngài nếu Ngài không làm theo. Nhưng đức Phật không thấy lời hăm dọa đó là nỗi sợ hãi. Ngài đã vượt qua dễ dàng vì biết rằng cuộc đấu giữa thiện và ác, giữa bóng tối và ánh sáng luôn trong từng tâm thức của con người. Những tiếc nuối cuối cùng mà quay trở về với bản năng, với thói quen thì mình trở nên rất phàm. Khi Ngài vượt qua được thì tất cả những điều đó không còn là sự đe dọa. Tóm lại việc giành giựt giữa tối và sáng luôn là hiện thực.
HOẠN NẠN LÀ THƯỜNG TÌNH
Sống trong cuộc đời phải quan niệm hoạn nạn là chuyện thường, thì khi gặp hoạn nạn ta sẽ rất bình thản. Từ đó ta thực tập học thuyết Viên dung trong các cơ chế đối lập. Một vị thiền sư Trung Quốc dạy cách quán chiếu viên dung giữa hình ảnh của núi và mây. Một ngọn núi rất đẹp với cây xanh, suối chảy giữa các khe đá tạo nên cảnh đẹp tuyệt vời. Bỗng dưng gió từ đâu thổi đến mang theo mây đen xám xịt. Mây hòa quyện trong các ngõ cây, ngách núi. Nhìn từ xa, núi và mây đang hòa quyện vào nhau. Nếu núi có ý thức và nghĩ rằng mây là trở lực của mình, lúc đó núi sẽ nỗ lực đánh tan mây. Và nếu mây nghĩ rằng núi là kỳ đà cản mũi trên đường bay thì lúc đó mây sẽ phá núi. Rất may, mây và núi đều không có ý thức. Nhờ không có ý thức nên không nghĩ rằng chúng trở ngại cho nhau. Mây vẫn bay theo hướng gió, núi vẫn đứng theo thế đứng tự nhiên và cuối cùng tạo ra một bức tranh thật tuyệt.
Nhờ có tinh thần viên dung trong sự khác nhau nên không thấy nó là sự loại trừ. Tinh thần Phật giáo dạy rất thoáng rộng với những người khác tôn giáo, khác pháp môn, xem sự khác biệt của họ là phương tiện để ta tham khảo. Từ đó tinh thần viên dung giúp ta trở thành bạn bè với khắp mọi nơi. Phương pháp tâm niệm và quán chiếu như vậy sẽ giải quyết được rất nhiều nghịch cảnh. Nếu những đảng đối lập có được sự thực tập như lời Tổ dạy thì trước khi đi bầu cử họ không phải phanh phui đời tư cá nhân để triệt hạ uy tín của nhau. Tinh thần dung thông hóa làm cho chúng ta có mặt trong hoạn nạn, nhờ đó sự tu của mình được thăng tiến.
Ở trong chùa nếu mỗi ngày hành giả có bốn thời kinh. Trung bình mỗi thời là một tiếng, Phật tử tại gia có một hoặc hai thời, mỗi thời từ một đến hai tiếng. Đối diện trước bàn Phật như ta đang sống trong cộng hưởng tâm linh nhẹ nhàng thư thái, bình an. Khi buông thời khóa, ta sống với người trong gia đình.
Tại Hoa Kỳ và nhiều nước phát triển, các gia đình thường ít con nên có ít thành viên, nên sự cọ sát về cái tôi giữa các thành viên ít hơn. Sau khi con cái lập gia thất, chỉ còn hai vợ chồng. Những quốc gia nghèo khó về kinh tế, một gia đình gồm ba bốn thế hệ, số lượng thành viên gia đình thường khá đông dẫn đến sự va chạm và thách đố cái tôi rất lớn, nghịch cảnh xuất hiện nhiều. Ngoài thời khóa đối diện trước đức Phật, thời gian còn lại là đối diện với người phàm. Lúc đó liệu có được an thân và an tâm? Nếu câu trả lời là có, tức là ta tu thành công.
Dân gian thường nói: “Thứ nhứt tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Nhiều người cho rằng tu ở nhà là nhất, thờ cha kính mẹ mới là chân tu. Định nghĩa đó là sai. Thờ cha kính mẹ chỉ là cách tu về nhân thừa, còn chân tu là phương pháp, sự áp dụng hành trì đúng hay sai, không đánh đồng thờ cha mẹ là chân tu. Tu ở nhà là dễ nhất vì ta tu với những người thân ruột thịt vốn dễ dàng bỏ qua cho nhau. Tu chợ là nói về mối quan hệ xã hội nhiều thành phần. Tình trạng đen đỏ trong các mối quan hệ, thị trường, chợ phức tạp và không có sự cảm thông như trong mối quan hệ gia đình nên khó hơn tu ở nhà. Tu trong chùa lại càng khó hơn vì đi vào pháp môn mà mỗi năm tháng ngày giờ trôi qua, việc cúng kính của Phật tử tại gia được họ quan niệm là đang gieo trồng ruộng phước.
Tổ dạy, người xuất gia khi tiếp nhận phẩm vật của đàn na tín thí, phải hình dung phước của mình như viên đá mài. Mỗi khi người xuất gia tiếp nhận thì con dao phước báu của người tại gia sẽ bén hơn, còn viên đá mài phước của người xuất gia sẽ mòn dần. Do đó, nếu tu không đến nơi đến chốn thì về sau phải mang lông đội sừng mà đền trả. Đó là câu răn nhắc của các vị Tổ.
Phật giáo không dạy người xuất gia là ruộng phước, Phật tử tại gia cần phải cúng. Như vậy, người xuất gia sẽ cống cao ngã mạn và không tu tập được. Cả hai bên cùng tu, kẻ tu phước người tu huệ. Nghịch cảnh của người xuất gia khó ở chỗ làm sao phải tu thành công, càng nỗ lực tu nhiều, nếu các vị bạn đạo không cảm thông sẽ dẫn đến sự ghen tỵ, đố kỵ. Nhiều nơi ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác có cộng đồng Việt Nam, hai ngôi chùa gần nhau thường ít khi qua lại. Có những hiểu lầm, xuyên tạc, khó khăn không tháo gỡ đúng theo tinh thần Phật dạy, cuối cùng gặp nhiều bế tắc.
Tu trong chùa có sức ép lớn vì mình đang vay mượn nợ, cái ta có thể đền trả là thành quả tâm linh. Nghịch cảnh về pháp môn, bạn đồng tu, Phật tử hay thành phần không Phật tử nhất là những người Thiên Chúa giáo, Tăng Ni đang bị khuynh đảo và sợ hãi các phương tiện truyền thông này. Ai cũng muốn được yên thân, yên tâm nên sợ bị động đến. Từ đó thách đố đối với người xuất gia đi con đường tâm linh lại cao hơn những người tại gia.
Những người tại gia khi danh chưa có, họ không quan tâm nhiều, có danh thì mới có sự tranh chấp. Chùa cất to thường trở thành mối quan tâm của người khác tôn giáo, những người đối lập không cảm thông với ta. Như vậy tu tại chùa, ngoài việc khó về tâm linh, còn những cái khó của nghịch cảnh. Nhưng đừng vì thế mà sợ hãi, vì cái khó mới có giá trị, dễ dàng đạt được sẽ sinh tâm kiêu mạn, hãnh diện.
Trong kinh Trường Bộ, mỗi khi gặp nghịch cảnh, đức Phật dạy ta không nên phản ứng, hãy nhìn lại xem mình có làm điều gì sai dẫn đến sự phản ứng của quần chúng hay không. Nếu câu trả lời là có, chẳng những ta không buồn những người chống đối mình mà còn tâm niệm mang ơn họ, vì nhờ họ mà ta điều chỉnh được tâm mình. Truyền thống tâm linh của đức Phật dành cho người tu sĩ; trong ngày Bố tát phải thỉnh mời người khác chỉ lỗi cho mình. Khi chỉ lỗi thì thái độ của người góp ý khác hoàn toàn với thái độ chỉ trích.
Việc gặp hoạn nạn là dịp tốt để quán chiếu. Nếu chánh hạnh ta làm hoàn toàn vượt lên trên những lời vu khống của tha nhân thì sẽ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
Phương pháp thực tập vô ngã rất giá trị, phương Tây có câu: “Chó sủa mặc chó, người đi cứ đi”. Quan niệm này là súc vật hóa con người, nhất là đối thủ. Mọi sự phê bình chỉ trích đều tạo ra tính cách nạn nhân, công thức của nó là tâm lý chiến, lặp đi lặp lại nhiều lần một điều gì đó thì cái phi chân lý trở thành chân lý. Đó là cách thức nhồi sọ để trấn áp cảm xúc.
PHỚT LỜ THỊ PHI
Câu chuyện có thật trong lịch sử Trung Quốc Tăng Sâm giết người là bài học để ta suy nghĩ. Mẹ Tăng Sâm là người rất bản lĩnh, hiểu và nuôi con từ nhỏ. Con bà là người hiền lương đạo đức. Một hôm bà đi ra chợ nghe người ta nói Tăng Sâm giết người. Bà cho rằng có sự hiểu lầm vì biết rõ con mình không như thế. Về đến đầu ngõ, gặp người khác cho biết Tăng Sâm con bà giết người, tâm trạng bà cũng cho rằng họ nhầm. Về đến nhà, có ba bốn người đến nhà cho biết con bà giết người, bà cũng giả vờ trấn an, nhưng khi người ta ra về thì bà bỏ trốn. Mặc dù bà biết rất rõ con không hề giết người, nhưng vì truyền thông trong xã hội nên bà không dám đối diện với sự ngộ nhận về truyền thông.
Nếu mẹ Tăng Sâm nghĩ rằng Tăng Sâm không phải là tên duy nhất do bà đặt mà có nhiều người cũng tên Tăng Sâm, hoặc bà phải hiểu rằng mọi sự phán quyết của tòa và luật pháp mới có giá trị hơn những lời đồn chưa kiểm chứng.
Ở Việt Nam, có vị Hòa thượng nọ rất nhiều đệ tử. Trong số các đệ tử có bảy vị làm thị giả hầu cận ngài, riêng có một thị giả thích nghe chuyện thiên hạ. Một hôm, khi đứng hầu cơm chú thị giả nói với thầy rằng: “Thầy ơi, con nghe bà A nói xấu thầy thế này…”. Khi Hòa thượng uống nước thì chú thị giả cũng tiếp tục “Thầy ơi, con lại nghe ông B nói xấu thầy rằng…”. Cuối cùng dùng cơm xong, Hòa thượng vui vẻ nói với chú thị giả “Nãy giờ thầy có nghe ai nói đâu, chỉ nghe mình con nói thôi”. Tức là việc người ta nói là có thật, nhưng Hòa thượng không nghe nên nó trở thành không có.
Theo truyền thống kinh tạng Pàli, đức Phật dạy đừng nên mang lửa về nhà, lửa của lòng tham, sân, si. Người ta vận dụng phương pháp tâm lý chiến để nói làm cho những người thân quyến sợ. Nếu những thông tin không có lợi thì đừng lặp lại cho người thân nghe khi biết năng lực chịu đựng của họ không đủ sức để vượt qua nghịch cảnh. Nếu biết người thân có bản lĩnh, ta có thể nói để họ rút kinh nghiệm.
Một vị Hòa thượng khác, khi gặp hoàn cảnh bị người khác phê bình chỉ trích ngài dạy đệ tử:
Mệnh đề một: Ta là con người đi bằng hai chân, hai tay để lao động và làm việc, miệng nói điều đúng, tâm nghĩ điều lành. Thế mà có người dùng hai tay làm việc xấu, dùng miệng phao tin đồn nhảm, dùng tâm để nghĩ đến chuyện hại người. Đó là những người rất đáng tội nghiệp.
Mệnh đề hai: Ta là người đúng đắn, đi bằng hai chân. Ai nói gì thì nói, ta vẫn là chính ta. Không lý do gì phải bận tâm vào những hoạn nạn nghịch cảnh. Hai tâm niệm trên là sự hỗ trợ rất lớn để chúng ta vượt qua nghịch cảnh trong cuộc đời.
“Nếu không có hoạn nạn thì kiêu sa sẽ nổi dậy”. Người thành công nhiều sẽ dễ dàng cống cao ngã mạn. Con đường càng nhiều chông gai càng có nhiều chương lịch sử đẹp để vui mỗi khi nghĩ lại.
GIÁ TRỊ CỦA RŨ BỎ TÍCH CỰC
Vào thời đức Phật, sau mỗi thời kinh thường có nhiều vị Tỳ kheo ngồi thiền. Một hôm, kết thúc thời kinh, có vị Tỳ kheo ngồi cười mỉm rất lâu, nhiều người lấy làm lạ nên đến hỏi đức Phật. Đức Phật dùng Tha tâm thông giải thích rằng, trước khi xuất gia, vị Tỳ kheo này là quan liêm khiết của triều đình. Ông bị nhiều kẻ xấu sàm tấu hãm hại, đến mức không còn đất dung thân nên chán nản và xuất gia làm tu sĩ. Lúc nãy ông đang ngồi suy nghĩ, trước đây mình có gia tài sự nghiệp, do nhân tình thế thái đã làm thất điên bát đảo. Ông đã không làm chủ được cảm xúc và vận mệnh của mình. Nay làm tu sĩ chỉ với ba y một bát, nhưng lại cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Nghĩ lại quãng đời đã qua, ông ngồi cười một mình.
Từ bài học này, ta thấy mỗi người Phật tử có chức tước, ngành nghề, va chạm xã hội khác nhau. Nếu là người Phật tử gương mẫu, xem nghịch cảnh như tơ hồng thì ta tạo sự định tĩnh và vô úy cho đối tác trực tiếp hay gián tiếp. Đây chính là bài pháp rất thực tế.
Theo kinh Bốn Mươi Hai Chương, đức Phật đưa ra bốn loại chiến sĩ. Một là chiến sĩ khi mới nghe lời đồn về lực lượng của đối nghịch tăng gấp mấy lần, do đó sợ mà bỏ trốn. Đức Phật cho đó là những người không có được sự như ý, sống trong xã hội hèn nhát và trở thành nạn nhân của truyền thông. Hai là chiến sĩ vừa nghe các hiệu lệnh từ xa là mất hồn bỏ chạy. Đức Phật nói loại này cũng hèn, không đáng quan tâm. Ba là chiến sĩ mới giao đấu, thấy vài người chết trước, quá sợ và bỏ chạy. Bốn là chiến sĩ đấu với nhau mà vẫn được bình tĩnh, không để lòng sân khống chế, vẫn thể hiện lòng từ bi, giữ yên bờ cõi, sẵn sàng mang nghiệp sát cho bản thân để giữ gìn mạng sống và hạnh phúc cho người khác. Hạng chiến sĩ đó mới là đối tượng lý tưởng để tất cả những ai làm việc này cần phải chọn.
Tu sĩ cũng có bốn loại: Thứ nhất mới nghe danh lợi là chạy theo, bỏ sở trường chạy theo sở đoản, biến mình thành công cụ cho một lĩnh vực ngành nghề, hay một thể chế nào đó. Thứ hai, chỉ mới nghe một chiều là bắt đầu hoảng hốt, nên cắt đứt quan hệ với những người tốt, cô lập người đáng ủng hộ, không ủng hộ, đồng tình những người đáng được tán dương. Thứ ba thấy người khác thất bại thì thối lui, không muốn làm Phật sự. Thứ tư, Phật sự càng nhiều, nghịch cảnh càng cao họ thấy đó là chuyện thường tình, tu để vượt qua vì không có khó khăn nào bằng vượt qua chính mình. Nghịch cảnh bên ngoài chỉ là thử thách. Đức Phật đã kết luận trong kinh Pháp Cú: Chiến thắng muôn người không bằng chiến thắng chính mình.
Thành công quá nhiều cũng là một trở ngại. Trong kinh tạng Pàli, ba yếu tố tâm lý: Vị ngọt, vị đắng, vị xuất ly. Ta thấy từ vị ngọt đến vị xuất ly được hiểu là hạnh phúc và giải thoát. Vì được thuận duyên trong hạnh phúc nên ít ai nghĩ đến giải thoát. Khi nào bị khổ đau thì ta mới tìm đến con đường giải thoát. Càng gặp nhiều nghịch cảnh thì chí nguyện đại hùng càng gia tăng, tuệ giác lại phát sinh để ta xử lý và trở thành người cao thượng hơn. Đây cũng là cách tâm niệm. Thực tập được như thế, kiêu sa sẽ không có mặt mà ngược lại thành công diễn ra rất cao.
***