Giảng tại chùa An Lạc, Ventura, CA, ngày 13-07-2008
Đánh máy: Ngọc Phương
14. Điều thứ 14: An ủi lớn nhất của đời người là biết bố thí.
Nhịp cầu bố thí sẽ giúp ta thiết lập được tình thương, trên cơ sở đó tạo ra tình thân, các mối quan hệ xã hội cộng đồng cũng từ đó được phát triển tốt đẹp.
Nhiều người ngạc nhiên hỏi: Lý do nào mà chúng tôi có thể vào được các trại giam lớn như K.20 có trên 2.000 phạm nhân với mức án hình sự từ 5 năm đến 20 năm tù, hoặc các trung tâm cai nghiện ma túy, trung tâm mại dâm và nhiều trung tâm bảo trợ xã hội như trung tâm bảo trợ người già, người tàn tật và các trẻ em phạm pháp v.v..
Câu trả lời là: Chúng tôi làm theo lời Phật dạy trong Tứ nhiếp pháp và Lục độ, bố thí là yếu tố đi đầu. Yếu tố này được xem là phương pháp dấn thân rất năng động của đạo Phật nhưng ít ai để ý, đôi khi còn xem thường. Thậm chí nhiều nơi còn sử dụng ngôn ngữ phân biệt đối xử: Bố thí là từ để chỉ một người cao sang tặng biếu cho người thấp hơn, nghèo cùng thiếu thốn, cúng dường là từ được sử dụng để chỉ thái độ rất cung kính và tôn trọng khi dâng hiến cho những người cao hơn mình ít nhất là về phương diện đạo đức và tâm linh. Phật tử có thói quen dùng từ cúng dường cho quý thầy, dùng chữ bố thí cho những người trong cộng đồng và xã hội.
Thật ra, trong ngôn ngữ Pàli và Sanskrit chỉ có một từ duy nhất là Dana để chỉ bố thí và cúng dường. Người Trung Hoa thích rắc rối nên dịch ra theo hai kiểu phân biệt đối xử - điều vốn tối kỵ trong đạo lý bình đẳng của nhà Phật. Thái độ trong lúc ta hành thí, tức chia sẻ, hay tặng hiến tài sản của mình cho người khác là cách thức ứng dụng, hành trì về học thuyết vô ngã. Bởi vì khi biết được ta không phải là ta nữa thì mọi thứ chỉ có chức năng, là công cụ trong một thời điểm, trong khoảng thời gian mấy chục năm trong cuộc đời.
Do đó, ta phải làm những nghĩa cử cao thượng để chia sẻ bớt nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời. Từ đó mới có được tri thức đính kèm là vô ngã sở hữu. Từ đó ta dễ dàng ban tặng với niềm hạnh phúc, nhằm hoàn thiện tất cả những gương hạnh đạo đức cần có của chính mình. Do đó, nếu không hiểu được học thuyết vô ngã thì khó có thể bố thí, cúng dường lắm. Vấn đề ở chỗ ta không nên tạo ra sự phân biệt đối xử với nhau.
Ngôn ngữ miền Bắc đặt nặng vấn đề cảm xúc. Ví dụ: Khi một Phật tử tới nhờ thầy làm một việc gì đó, họ thường dùng từ rất khiêm tốn: “Xin thầy bố thí cho con” hoặc là “Con xin được ăn mày công đức”. Người ta dùng những từ chịu ảnh hưởng bởi chế độ quân chủ: Bẩm, thưa, trình, cáo, bạch v.v.. Hành xử như thế sẽ làm mất đi ý nghĩa đạo đức về các mối quan hệ xã hội trong phương pháp hành thí mà đức Phật đã dạy trong kinh.
Về phương diện đạo đức, từ “cúng dường” xem ra lại dở hơn từ “bố thí’’ vì “cúng dường” là cách đọc trại âm của từ “cung dưỡng”. Cung là cung cấp, dưỡng là dưỡng nuôi.
Cung cấp ở đây chỉ đơn thuần về mặt vật chất để dưỡng nuôi thân thể vật lý này. Trong khi đó, “bố thí” là một động từ chỉ thái độ ban bố một cách đồng đều, không phân biệt. Ý nghĩa đạo đức trong xã hội của nó cao hơn nhiều so với từ cúng dường. Cho nên trong bố thí đã có phần cung cấp và dưỡng nuôi về mặt vật chất rồi. Ở đây ta không yêu cầu người đã thọ ơn mình sau này phải đền trả ơn nghĩa xứng đáng.
Ví dụ người ta thường nói: “Bây giờ cho tôi vay, tương lai tôi sẽ đền trả lại bằng một khoản nhiều hơn”; hay ta vay ngân hàng cũng phải trả một khoản lãi. Do đó, ý nghĩa xã hội bị mất hết, tình người không có nữa. Cho nên khi dấn thân vào xã hội mà bỏ đi yếu tố về từ thiện sẽ không thành công.
Các chương trình chúng tôi tổ chức khi vào những trung tâm cải tạo và trại giam luôn luôn có 3 phần. Thứ nhất là làm từ thiện, mỗi phần quà từ 50-75 ngàn, chẳng là bao so với những gì họ có trước khi vào tù. Khi họ vào tù thì bị cha mẹ giận dỗi, có nhiều gia đình còn không tới thăm con vì nghĩ rằng mình trút đi được gánh nặng là đứa con bất hiếu, hư đốn. Có nhiều người vợ, người chồng khi người bạn đời của mình vào tù thì họ đi tìm người tình mới.
Trong thế giới giang hồ, lúc còn tiền còn bạc thì nhất hô bá ứng, khi hết tiền hết bạc thì hết ông tôi, làm cho họ thấy nhân tình thế thái thật vô thường, chóng vánh. Lúc đó, họ mới phản chiếu lại cái mình gọi là hạnh phúc trong việc sử dụng các mánh khóe để qua mặt luật pháp, làm giàu trên xương máu và nỗi khổ niềm đau của xã hội. Đó chỉ là ảo giác, xảy ra như một phản ứng hóa chất trong bộ não chứ nó không phải là hạnh phúc nội tại mà đạo Phật đã dạy. Từ đó họ mới thấm thía về bản thân mình hơn.
Chính vì thế, khi đạo lý Phật pháp được đưa vào, họ tiếp nhận một cách rất nồng nhiệt, còn hơn các đạo tràng có Phật tử tu học. Đó là điều tôi cảm nhận được trong thời gian mấy năm tham gia tại đây bằng con đường bố thí đi đầu.
Phần thứ hai là văn nghệ. Trong các trại giam ở Việt Nam, báo không có để đọc, tạp chí không có để coi, tivi không có để thưởng thức. Ngoài lao động chính 8 tiếng mỗi ngày, trở về, họ chỉ ngồi tán gẫu đợi đến giờ ngủ thôi. Cuộc sống trong đây buồn tẻ, khổ đau cùng cực lắm, nên khi chúng tôi đưa chương trình văn nghệ chuyên nghiệp, các ca sĩ nổi tiếng vào phục vụ từ thiện, họ thấy hân hoan vô cùng.
Trong chương trình có phần hướng dẫn đạo ca. Chúng tôi mời các nhạc sĩ Phật giáo vào đây hướng dẫn cho họ hát các bài Đạo ca. Các vị Tăng Ni trẻ cùng họ ca những bài đơn giản và rất hay. Yếu tố tôn giáo mất đi nhiều, chỉ còn lại sự thực tập đời sống đạo đức. Điều đó phần nào xóa được ranh giới của sự khác biệt tôn giáo. Trong đây, tín đồ của tôn giáo nào cũng có, những người không có tôn giáo cũng có, những người theo chủ nghĩa cộng sản cũng có, đủ thành phần. Nó là một mặt trái của xã hội kiếp người.
Những bài Đạo ca như thế khiến cho họ thấm hơn, từ từ sống đời sống giống những người trong tu viện. Chúng tôi thường dùng cách chơi chữ là “tù và tu” - “nhà tù và nhà tu” chỉ khác nhau dấu huyền. Dấu huyền đó được chúng tôi định nghĩa là lòng tham, lòng sân, lòng si đè mình xuống, bây giờ mình chỉ cần xóa bỏ dấu huyền thì cái nhà tù trờ thành nhà tu.
Ba tháng an cư của người xuất gia là cơ hội để tái nạp lại bình năng lượng tâm linh sau 9 tháng hoạt động Phật sự, để năng lượng đó không bị mất đi mà còn sung mãn hơn. Tương tự, các phạm nhân nên tận dụng thời gian ở trong trại giam để thực tập việc rèn luyện đạo đức, nên nghĩ rằng mình ở đây không phải chỉ để trả quả những hành động xấu của mình. Để từ đó, mặc cảm tội lỗi giảm đi, hướng về đời sống tâm linh thì họ sẽ trở thành con người rất mới. Nên sau khi mãn án tù, họ sẽ không còn là những người sống cuộc đời lêu lỏng, ăn chơi nữa.
Ông Phùng Văn Yến là thượng tá tổng giám thị trại giam. Trong đợt ngày 31-5-2008, chúng tôi mời thêm giám đốc trung tâm Thông tấn xã nghe nhìn ở các tỉnh phía Nam và Ban thường trực của đài truyền hình VTV1 tới. Khi trả lời phỏng vấn, ông Yến cho biết rằng trong hơn 10 năm làm công tác này, khoảng một năm rưỡi vừa qua là thời gian ông cảm thấy nhẹ nhàng nhất. Kể từ khi chương trình “Quay đầu là bờ” được đưa vào, các anh chị em được huấn luyện thái độ làm công quả. Thay vì nghĩ rằng mình đang phải lao động khổ sai để trả tội ác mà mình đã tạo, bây giờ họ nghĩ mình đang làm công quả nên họ tình nguyện, giành nhau để làm. Khi có người bị bệnh không làm được, họ xung phong làm thế. Làm công quả với tâm hân hoan thì phước báu rất lớn, tội sẽ giảm nhanh hơn thời hạn bình thường.
Một điều nữa là tình trạng đại bàng xanh, đại bàng đen, đại bàng đỏ… cũng không còn nữa, bởi vì người ta nghĩ đây là nơi tu dưỡng đạo đức chứ không phải là nơi trừng phạt lẫn nhau như trong thế giới giang hồ. Do đó, hiệu quả cải tạo tốt hơn rất nhiều.
Đây là điều đáng trân trọng mà chúng tôi trả lời phỏng vấn trên đài VTV1: Nếu chính quyền mạnh dạn đưa Thiền, tu pháp môn niệm Phật và đạo đức học Phật giáo vào trong trại giam thì xã hội Việt Nam sẽ giảm các nhà tù. Thứ hai nữa là ai lỡ vào tù rồi thì họ có cơ hội trở thành người tốt. Cho nên mạnh dạn sớm chừng nào thì xã hội bớt khổ đau chừng đó. Dĩ nhiên chính sách đó rất khó thực hiện, cho nên trước tiên phải đi bằng con đường từ thiện.
Việc bố thí không đơn giản chỉ là sự an ủi, vì an ủi chỉ đơn thuần là việc thiết lập tình thân và tình thương. Bố thí của nhà Phật gồm có 3 phương diện: Tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí đi đầu. Nhưng nếu như chỉ có tài thí mà không có pháp thí thì các hoạt động từ thiện sẽ không đạt hiệu quả cao. Đây là điều đức Phật Dược Sư đã nói trong lời nguyện thứ 11 của Ngài.
Lời nguyện thứ 11: “Ai đói thì Ta tặng thực phẩm để ăn, ai khát thì tặng nước để uống, ai lạnh thì tặng áo quần để mặc. Sau đó mới ban pháp vị nhiệm mầu”. Như vậy, ta thấy tài thí và pháp thí luôn luôn song hành với nhau. Nhưng tiếc là trong rất nhiều năm qua, các Phật tử, thậm chí là Tăng Ni đi làm công tác từ thiện chỉ mới chú trọng đến phần tài thí thôi chứ không chú trọng phần pháp thí. Phần tài thí về vật chất giống như những giọt nước rải vào trong sa mạc, từng giọt bốc khói, không thấm vào đâu.
Nỗi khổ niềm đau của con người do thiên tai, không xảy ra ở chỗ này thì xảy ra ở chỗ khác. Không bao giờ chúng ta đủ sức để làm hết những thứ đó. Còn nỗi khổ nhân tai do chính con người tạo ra bởi thiếu hiểu biết về nhân quả, vô ngã, vô thường, thiếu đi tuệ giác đạo Phật thì khổ đau vẫn còn y nguyên. Ăn bữa sáng, chiều có thể đói. Ăn ngày hôm nay, ngày mai tiếp tục đói. Còn khi hiểu được Phật pháp rồi thì đói khổ về vật chất không phải là nỗi ám ảnh hoành hành con người nữa, ta vẫn có thể sống hạnh phúc và bình an.
Cho nên đi tới đâu làm từ thiện, chúng tôi đều đưa ra điều kiện là phải cho phép thuyết giảng và luôn được các trung tâm này chấp nhận. Ngoài phần thuyết giảng, chúng tôi còn làm kinh Pháp Cú dưới dạng các thẻ nho nhỏ. Mặt trước là ảnh Phật, mặt sau là Phật ngôn. 423 câu Pháp Cú được viết trên 423 thẻ. Chúng tôi tặng mỗi người một xâu chuỗi và một câu Pháp Cú, yêu cầu họ chuyền tay nhau. Chúng tôi còn thành lập một tủ sách Phật học về nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, những câu chuyện Phật giáo và những quyển sách học làm người… và yêu cầu họ đọc những sách này.
Lúc đầu, có nhiều người không có kiến thức học vấn nên gặp nhiều khó khăn trong việc đọc chữ. Chúng tôi yêu cầu những người biết đọc thì đọc lại cho những người không biết nghe. Ở những trung tâm khác, chúng tôi cũng làm một thư viện nho nhỏ. Đó được gọi là phần Pháp thí, cái này mới chính là nền tảng giúp họ một cách lâu dài.
Đạo Phật của ta với lời dạy của đức Phật rất có chiều sâu về phương diện này. Rất tiếc là ta làm chưa đến nơi đến chốn. Khi mình thực tập đúng được hai phương pháp tài thí và pháp thí, kết quả mà người tiếp nhận đạt được là vô úy, tức là không sợ hãi. Người có tri thức về Phật pháp thì không sợ hãi, chỉ những người không có tri thức về nhân quả mới sợ: Sợ bị cuộc đời trù dập, hãm hại, áp lực, những lời thị phi; sợ nên ta phải thế này thế kia, chạy theo cuộc đời như cuốn theo chiều gió; không dám bước đi bằng bản lĩnh của mình; nói những điều cần nói; làm những điều cần làm; thể hiện đúng nhân cách, đạo đức mà đức Phật đã dạy.
Cho nên tri thức Phật pháp là nguồn năng lượng tâm linh rất quan trọng để ta có được thái độ không sợ hãi. Người biết sống với đạo đức thì không sợ hãi. Chỉ khi nào sống trái với lương tâm, ta mới sợ. Nỗi sợ hãi quan trọng nhất, lớn nhất trong kiếp người là sợ chết. Nhưng nếu hiểu được vô ngã thì không sợ chết nữa. Thân này cũng chỉ là một phương tiện được sử dụng trong vài chục năm thôi, có gì đâu mà phải buồn, đau, sợ sệt.
Kiến thức Phật pháp giúp xóa bỏ trạng thái sợ hãi trong đời sống của con người. Đi ra xã hội, cá nhân nào nếu thiếu đi bố thí thì sẽ khó thành công. Ngoài yếu tố an ủi, bố thí còn là yếu tố đạo đức, tâm linh, giúp tái thiết lại xã hội ở nhiều góc độ và tình huống khác nhau. Ngoài ra, thông qua phương pháp bố thí, ta có thể đưa Phật pháp vào xã hội bằng những ngôn ngữ không phải Phật pháp. Với tinh thần và nội dung như thế, ta mới thực hiện thành công những gì đức Phật dạy. Đây chính là trọng tâm nhập thế của Phật giáo.
Với phương pháp nhập thế như vậy, chúng tôi tin chắc không chỉ người tại gia mà người xuất gia cũng thực hiện thành công. Do đó, khi đi làm từ thiện, ta cố gắng đính kèm những câu Phật ngôn được in, photo lên từng gói quà. Ăn xong gói quà hết, nhưng câu Phật ngôn còn được giữ lại với họ. Đó chính là nền tảng đạo đức giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách mà vươn lên trong cuộc đời.
Các phương tiện truyền thông đại chúng như: Truyền hình, radio, báo chí, internet là những phương tiện dành cho người giàu có. Người dân sống ở nông thôn làm gì có những phương tiện này. Không chỉ nông thôn Việt Nam, nông thôn ở những nước nghèo khó cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Cho nên khi ta tặng họ những hình ảnh Phật nho nhỏ có câu Phật ngôn, thì dù là người Thiên Chúa giáo họ vẫn thích, những người Hồi giáo vẫn say mê.
Lần đầu tiên, chúng tôi đưa vào trong trại giam 2.500 xâu chuỗi, họ giành giật nhau bởi sợ không đến phần của mình trong khi số lượng tù nhân chỉ có 2.000. Mỗi lần như thế, trong suốt 5 lần vừa qua, lần nào chúng tôi cũng mang theo hơn 2.000 xâu chuỗi mà vẫn hết. Những hình ảnh Phật được họ tiếp nhận rất trân trọng. Điều đó cho thấy, nếu ta đi đúng phương pháp Phật dạy, bố thí vật chất đính kèm với bố thí tinh thần để tạo ra sự vô úy, thái độ sống đạo đức, an vui, bình an thì hành động dấn thân sẽ có kết quả cao hơn.
***