Chương 4 : KHÁT VỌNG

Tabs

View

“Khát vọng” phản ánh ước nguyện của con người. Giữa ước nguyện với thế giới thực tại bao giờ cũng có những khoảng cách. Mỗi một dấu chấm góp phần tạo ra những khoảng cách giữa nhân ước nguyện và thực tế, có thể rất dài cũng có thể rất ngắn. Điều đó lệ thuộc hoàn toàn vào quyết tâm thực hiện của chúng ta, hay chỉ đơn thuần là những ước muốn mà thôi.

Thơ: Đặng Viết Lợi
Nhạc: Phạm Minh Tuấn
Giảng tại Chùa Giác Ngộ, ngày 21/07/2009
Phiên tả: Diệu Tịnh (Nguyễn Thức)

BẢN CHẤT KHÁT VỌNG 

Truyền bá tư tưởng Phật giáo qua các bản nhạc là một tiếp biến văn hóa. Hiếm khi ta tìm thấy một bài nhạc có tư tưởng Phật giáo tạo ra được độ cảm ở người nghe. Có bài hay về tư tưởng thì điệu của nó quá ưu buồn hay quá sốc. Có bài đạt yêu cầu về cung bậc nhạc, nhưng tư tưởng bi quan hoặc đặt nặng vô thường, than thở, vốn dĩ không cần thiết phải như thế.

Bài “Khát Vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có “không khí” buồn, lời thơ hùng hồn, ý tưởng rất phong phú. Phổ nhạc buồn làm người nghe cũng buồn theo. Bản nhạc mười hai câu thơ được chia làm hai phần, phần một như lời kêu gọi, phần thứ hai là các phản vấn khiến mọi người suy nghĩ về chính mình bằng những câu hỏi lớn. “Làm sao không ….?”. Ta có thể áp dụng công thức này để đặt ra những câu hỏi cho các tình huống diễn ra trong cuộc đời của mình. Dĩ nhiên khái niệm “làm sao” không nhằm phủ định những cái có giá trị nhân văn, đạo đức, giải nghĩa cho cuộc đời. Việc đặt câu hỏi “tại sao không thực hiện những điều đó, làm những việc đó”, ứng dụng những điều đó, hành trì những việc đó, trở thành một tiếc nuối và là một câu phản vấn để chúng ta tỉnh giấc lại, nếu trong quá khứ hoặc thời gian vừa qua có khuynh hướng đi lệch lạc hoặc chưa phát huy được tất cả những năng lực, những giá trị mình cần đầu tư để đạt được.

Sau đây là bài ca “Khát Vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, lời thơ của Đặng Viết Lợi. 

Hãy sống như đời sông, phải biết yêu nguồn cội. Hãy sống như đồi núi, vươn tới những tầm cao, hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng. Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông. Và sao không là gió, là mây, để thấy trời bao la, và sao không là phù sa, dâng mỡ màu cho hoa. Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa, sao không là mặt trời, gieo hạt nắng vô tư. Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông. Và sao không là hạt giống, xanh đất mẹ bao dung, sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc, sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư...”.

Đặt tựa đề là “Khát Vọng” nghĩa của nó không mô tả hết những thứ cần có, trong khi nội dung của bản nhạc khích lệ con người một mô hình sống dấn thân. Trong đó, tinh thần tích cực, rộng lượng, bao dung, vô ngã, vị tha được xem là những chất liệu để đời sống có thêm chất lượng. Nếu ta đổi lại tựa đề “Sống để hạnh phúc” hay là “Nghệ thuật sống hạnh phúc” thì người nghe sẽ dễ hình dung giá trị của bản nhạc. 

Khát vọng” phản ánh ước nguyện của con người. Giữa ước nguyện với thế giới thực tại bao giờ cũng có những khoảng cách. Mỗi một dấu chấm góp phần tạo ra những khoảng cách giữa nhân ước nguyện và thực tế, có thể rất dài cũng có thể rất ngắn. Điều đó lệ thuộc hoàn toàn vào quyết tâm thực hiện của chúng ta, hay chỉ đơn thuần là những ước muốn mà thôi. 

Khát vọng” đòi hỏi những giá trị. Giá trị của những khát vọng tích cực tạo ra chất liệu tốt cho cuộc sống thêm ý nghĩa. “Khát vọng” nhiều chừng nào mà thiếu giá trị hiện thực thì nỗi khổ niềm đau do “cầu bất đắc” gia tăng chừng đó. Ta có thể sử dụng tư tưởng và nội dung bài hát này làm đề tài quán chiếu để sống lợi tha. 

Không biết tác giả có phải là Phật tử hay không nhưng nội dung ông viết trong bản nhạc rất tích cực. Mặc dù gọi là “khát vọng” nhưng trên thực tế nó như một sự phát nguyện làm cho mình tốt hơn, có giá trị hơn, đóng góp nhiều hơn. Nếu ta để ý mô típ các đối tượng được nêu ra như là mục tiêu của khát vọng, thì hình ảnh ẩn dụ của nó vô cùng ấn tượng, đẩy ta tới phía trước như một cam kết cần phải thực hiện, không chỉ đơn thuần là một mơ ước. Các ẩn dụ đó bao gồm sông, núi, biển, gió, mây, phù sa, mặt trời. Trong bài ca hầu như không tìm thấy bất cứ ca từ nào gợi lên sự tiêu cực, làm cho con người an phận thủ thường, chấp nhận mọi thứ diễn ra như sự an bài của định mệnh. Bản nhạc có nội dung quán chiếu của Phật giáo để giúp con người vươn lên.

Công thức quán chiếu là từ việc liên tưởng một hình ảnh tích cực ta quyết tâm tạo ra một nội dung tâm linh vượt trội hơn. Giá trị của quán chiếu nằm ở chỗ này. Nếu không đạt được giá trị tâm linh sau đối tượng quán chiếu, chúng ta sẽ vướng vào ảo tưởng.

Một em bé bán vé số có thể có ảo tưởng mình trúng số độc đắc, làm lại cuộc đời, trở thành đại gia, có nhà cao cửa rộng, phương tiện vật chất đủ đầy, sống hạnh phúc. Tất cả những sự kéo theo sau của ước nguyện thầm kín phần lớn chỉ tồn tại ở ước nguyện, bởi vì không có chánh nhân, không có duyên nhân để kết quả trở thành hiện thực. Tiến trình quán chiếu luôn luôn có hai vế. Vế một là dựa vào một hình ảnh cụ thể nào đó để ta hình dung. Vế thứ hai là một ẩn số, ta hướng về để đạt được nó trong tầm tay. Thực tế không có vòng vo, không có viễn vông. Chẳng hạn, khi ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật dưới hình thức triết lý thì đối tượng ta quán chiếu là tuệ giác không giới hạn. Con xin quay về nương tựa, kiên trì và tinh tấn không giới hạn, phát huy trí tuệ không giới hạn là hai nội dung chính tức vô lượng quang và vô lượng thọ. Điều ta đạt được không đơn giản dừng lại ở chỗ có đủ điều kiện để được vãng sanh Tây phương, mà nằm ở chỗ phát huy tính giác ở mỗi con người. Phát huy tinh tấn để tính giác được hình thành và hòa với ta là một, là mục đích lớn hơn, cần lưu ý.

Đối tượng của sự quán chiếu Nam Mô A Di Đà Phật là tuệ giác vô lượng, là tinh tấn kiên trì vô lượng. Từ một danh từ riêng, đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương trở thành tính năng giác ngộ. Hãy nỗ lực mở mắt từ đức Phật ngủ quên trong tâm thức của mỗi con người.

Tính giác trên nền tảng của tinh tấn và kiên trì được xem là đối tượng và kết quả của hành trì thông qua quán chiếu. Trong quán chiếu, luôn có kết quả tích cực hơn so với đối tượng ta sử dụng trong tiến trình hình dung. Bằng phương pháp này, các dữ liệu thế gian đều trở thành công cụ để phát huy Phật pháp. Sách Phật có câu viết: “Nhất thiết chư pháp vô phi Phật pháp”. Tức là mỗi sự vật hiện tượng trong cuộc đời đều có thể được sử dụng như các công cụ làm Phật pháp, với điều kiện ta đánh giá nó, dùng nó dưới cặp mắt quán chiếu. 

Tương tự theo cách thức trên, tôi sử dụng ý thơ và lời nhạc của bài “Khát Vọng” để tìm ra những ý tưởng mà đạo Phật luôn khích lệ chúng ta hướng về. 

NHƯ CỘI NGUỒN CỦA SÔNG 

“Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội”. Liên hệ giữa sông và nguồn cội là nhân quả. Nếu không có nguồn gốc, các con sông không có mặt. Dù là sông MêKông, sông Hằng hay bất cứ con sông nào cũng đều có điểm xuất phát của nó. 

Sông Hằng phát nguồn từ Nepal, dài hơn 2500 km, trải qua nhiều tỉnh thành của Ấn Độ và ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, kinh tế nơi nó chảy qua. Nó phát xuất từ một điểm rất nhỏ, nhỏ giọt, càng ra xa nó càng tuôn trào. Khi nhìn thấy chiều rộng cửa sông Hằng vài cây số ở quãng tiếp giáp với biển, ta có cảm giác rằng điểm xuất phát là rộng lớn. Từ điểm xuất phát nhỏ, càng ra xa, sông Hằng mở rộng chiều rộng của nó hơn.

Ở khúc tiếp giáp với biển, sông Hằng lớn hơn đến độ xóa ranh giới giữa sông và biển. Hãy thực tập sống như đời sông để ta thấy giá trị của “uống nước nhớ nguồn”, biết được nguồn cội. Nếu mỗi người đều biết được nguồn cội của mình là cha mẹ, ông bà, tổ tiên, thì ơn nghĩa trong đời giúp ta sống biết ơn và đền ơn cha mẹ, hai đấng thiêng liêng và ông bà tổ tiên. Các tôn giáo Nhất thần và Đa thần buộc con người biết ơn Thượng đế, mặc dù Thượng đế không làm gì giúp cho mình. Sự sống là do tinh cha trứng mẹ tạo ra, sao ta phải mang ơn Thượng đế. Chén cơm manh áo ta có là do biết bao nhiêu người chân lấm tay bùn, làm những công việc tay chân, để xã hội vận hành, ta không trực tiếp làm mà vẫn được hưởng. Khi sử dụng các giá trị này ta không biết ơn con người mà lại nhớ Thượng đế, hết sức viễn vông không thiết thực. 

Đạo Phật dạy ta biết ơn chúng sanh với mọi thành phần. Nếu không có những người làm công việc A, kẻ làm nghề B thì xã hội sẽ đứng yên một chỗ. Do đó, khi tiếp nhận bất cứ dịch vụ gì do ta bỏ tiền ra, ta cũng phải thể hiện lòng biết ơn. Thực tập sẽ giúp cho ta trở thành người đền ơn đáp nghĩa, được mọi người quý trọng.

Đạo Phật nổi tiếng là đạo tri ân. Nền văn hóa thờ ông bà của Việt Nam gần với đạo Phật. Đạo Phật đưa vai trò của ông bà lên như các vị Phật trong nhà. Thay vì thờ Phật ở chùa, ta thờ ông bà cha mẹ ở nhà. Đó là đạo lý thiết thực. Khi ta làm tròn được nhân đạo, Phật đạo mới phát huy.

Khi ta biết nói lời cám ơn đời, cám ơn người, cám ơn tất cả chúng sinh, ta là người minh triết và biết nguồn cội. Đây chính là một trong những phương tiện giúp ta được hạnh phúc lớn. Đáp lại lòng đền ơn và biết ơn, mọi người sẽ có sự phản hồi tích cực. Đây chính là nền tảng đắc nhân tâm. Những người chủ lao động nên biết ơn những người hợp tác lao động, bởi vì thiếu họ thì công ăn việc làm không được phát triển, các lợi nhuận kinh tế cũng vẫy tay chào.

Người chủ lao động biết ơn người lao động, người lao động biết ơn người chủ lao động trong mối tương quan xã hội hai chiều. Khi thể hiện ơn nghĩa thì những xích mích, bất hòa không trở thành vấn nạn để người ta phải tố tụng đưa nhau ra tòa. Nhờ sống ơn nghĩa, ta giải quyết êm xuôi mọi vấn nạn không đáng để bận tâm.

Sống như đời sông” không chỉ biết được nguồn cội mà còn hiểu được vô thường và vô ngã trong cuộc sống. Con sông không phải là một khối thống nhất. Nó được kết nối bởi các nguyên tử, phân tử H và O2 với một sức chảy rất mạnh, tùy theo tác động của gió và các lưu vực cao thấp khác nhau. Nhìn từ xa ta tưởng sông như một dãy thống nhất. Thực ra, bản chất của một dòng sông là vô ngã. Nếu các yếu tố H và O2 đều cho mình là quan trọng, không chịu nối kết lại, sông chỉ là các phân tử rời rạc. Nhờ nối kết với nhau, không có nguyên tử nào, phân tử nào xem mình là quan trọng, nên dòng sông có chức năng phục vụ cho giao thông, mà trong thời Trung cổ nó đóng vai trò quan trọng bậc nhất. 

Cái gì vô ngã luôn luôn là vô thường cho nên, mực nước của sông không bao giờ giữ nguyên. Nó tùy thuộc theo con trăng nên có tình huống khi nước ròng, khi nước cao. Hoạt động của con người lệ thuộc vào nước sông. Bản chất của sông gắn liền với cuộc sống. Nhìn hình ảnh con sông, ta học được bài học nhớ nguồn. Quán chiếu hình ảnh con sông, ta học được triết lý vô ngã và vô thường trong các đóng góp, do vậy ta trở thành con người cao thượng. 

NHƯ ĐỒI NÚI CAO

Hãy sống như đồi núi, vươn tới những tầm cao”. Đây là sự so sánh lấy cái cao hơn, tốt hơn, đẹp hơn làm hệ quy chiếu, không lấy bản thân làm trọng tâm. So sánh ta với núi, ta nhỏ bé và núi rất cao. So sánh ta với hạt cát thì tâm cống cao ngã mạn bắt đầu trỗi dậy. 

Để được tiến bộ, ta nên so sánh những đối tượng cao hơn, lớn hơn, quan trọng hơn, thành công hơn để hướng về. Cái ta đạt được sẽ vượt lên trên mức độ trung bình, có thể là khá, giỏi, xuất sắc. Hãy quán chiếu mình như ánh lập lòe của con đom đóm trong khi đức Phật như lửa mặt trời. Con đom đóm tượng trưng kiến thức giới hạn, không có lý do gì để ngạo mạn. So sánh này giúp ta thấy được rằng điều ta có được chẳng là bao so với mặt trời, tức trí tuệ của Phật.

Mặt trời chiếu soi cả ngày lẫn đêm, trong khi đó con đom đóm chỉ lập lòe ánh sáng vào ban đêm, không có khả năng làm cho lá có thêm diệp lục tố. Nó không hỗ trợ sức sống cho các chủng loại sinh vật trên địa cầu này như mặt trời. So sánh như vậy, không có lý do để thỏa mãn, hãnh diện, tự hào về ta, nhờ đó, ta không ngủ quên trên chiến thắng. Đi tới phía trước, lúc nào cũng phải nhìn, sống cố gắng như một ngọn đồi để hướng tới những tầm cao. 

Từ một ngọn đồi nâng lên thành một ngọn núi, từ một ngọn núi độc lập ta liên kết đến những dãy núi liên hoàn, thành những dãy Trường Sơn, Vạn Lý Trường Thành. Không cho phép mình hài lòng với những thành quả mình đạt. Lúc nào cũng hướng tới, hướng lên không để mình cống cao ngã mạn với những cái dưới hơn mình, thấp hơn mình. Tầm cao đó cũng chính là tầm nhìn xa. 

Có nhiều người có kiến thức, có điều kiện, nhưng đôi lúc nhìn rất gần: Chỉ lo cho bản thân mình, không nghĩ đến lý tưởng, không bận tâm gì đến tha nhân. Chẳng lo lắng gì cho ai, chỉ an phận miễn mình có đủ ba bữa cơm, áo quần mặc, trang sức làm đẹp, không khí để thở, mái ấm gia đình là đủ rồi. Khi gặp khó thì tự an ủi một cách sai lầm rằng bon chen với đời làm chi. Nỗ lực, phấn đấu vươn lên mà nói “bon chen” thì làm sao đạt được.

Bon chen” thuộc về thái độ, nỗ lực thuộc về tinh tấn. Cuộc đời vận hành có mối liên hệ với tinh tấn không ngừng. Đây chính là một trong sáu hoàn thiện đức Phật khuyên tất cả chúng ta cùng làm. Tập bỏ qua những thói quen suy nghĩ nhỏ, hẹp hòi ích kỷ, để tâm ta trở nên cao thượng. 

Nhìn thấy núi là thấy được sự cao thượng. Liên tưởng hình ảnh núi cao hơn mọi thứ để vươn đến tầm cao. Đứng trên núi ta có thể thấy sự vật xung quanh, toàn diện bao quát. Khi tâm ta thoáng rộng như trên đỉnh núi, với tầm cao và tầm rộng, mọi vấn đề được chúng ta đánh giá, giải quyết theo hướng toàn diện và tích cực. Không nên thành kiến, chủ quan, mặc cảm khi đánh giá một vấn đề, hay giải quyết một sự kiện liên hệ đến người nào. Ta phải tập có tầm nhìn bao quát như đứng trên núi để sống tốt hơn và hạnh phúc hơn.

Khi chứng đắc được đạo quả vô thượng Bồ Đề, đức Phật giống như người đang đứng trên đỉnh núi cao, có thể thấy rõ mọi sự vật diễn tiến ở dưới chân núi và xung quanh. Đang đứng ở điểm A, B, C của núi ta sẽ không thấy được toàn cảnh. Đứng ở chỗ nào thì bị kẹt tầm nhìn chỗ đó, xét ở tính cách chủ quan. Tập có tầm nhìn trên đỉnh núi, không bị cái gì che đậy, tâm hồn ta trở nên cao thượng.

NHƯ BIỂN TRÀO DÂNG

Chúng ta thực tập: “Hãy sống như biển trào để thấy bờ bến rộng”. Trong giới hạn một câu thơ, tác giả chỉ đưa ra một mục đích. Mục đích ở đây là giá trị mà ta khao khát đạt được. Đây là điều kiện phấn đấu như chánh nhân để ta có được kết quả.

Sống như biển mới thấy được “bến bờ rộng”. Khi ở sông rạch, ta thấy mọi thứ đều nhỏ bé. Sông, rạch, ngòi, ao tù đọng, nước trong vết chân trâu tượng trưng cho tầm nhìn hẹp, lệ thuộc vào hoàn cảnh. Những tác động theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực đều gây ảnh hưởng đến con người, đôi lúc rất khắc nghiệt. Hãy sống và hình dung tâm mình như biển, ta sẽ rộng lượng và vị tha hơn.

Giá trị của biển không chỉ có bờ bến rộng. Bờ bến rộng là hệ quả tất yếu của biển. Trong kinh Tăng Chi đức Phật dạy: “Biển không chứa các xác chết, các vật thể thúi”. Khi bị đắm thuyền và chết đuối trên biển vài ba ngày sau, xác sẽ được đưa vào bờ. Nếu là sông thì xác sẽ bị chìm xuống dưới lòng nước. Đây là hình ảnh khá ấn tượng được đức Phật mô tả nhằm khuyên mọi người thực tập để có được tâm đức của biển.

Xác” là một ẩn dụ, có thể hiểu như lòng tham, sân, si, các phiền não nghiệp chướng, lối ứng xử tiêu cực, các thói quen tiêu cực. Phải xem chân tâm là biển rộng, không cho phép giữ lại những bất hạnh, tức không để tâm bị dơ như một xác chết. 

Biển dung chứa tất cả chủng loại sống hải tộc. Số lượng các chủng loại sinh vật biển nhiều nhưng vẫn có chỗ dung chứa dưới biển. Điều đó cho thấy độ sâu và độ bao la của biển. Thực tập cho tâm sâu như biển thì ta không có những phân biệt đối xử đứa con A, đứa con B. Tất cả con đều là một. Không có con hai, con ba, con bốn, con năm. Không có khuynh hướng ưu tiên cho đứa con này, không ưu tiên cho những đứa con khác. Biển dung chứa tất cả mà vẫn không đảo lộn, thiên vị..vv... 

Biển chứa các loại ngọc quý. Trai nuôi trong ao hồ không thể tạo ra hạt trai quý, như nuôi dưới lòng biển. Những hạt cát vô tình bị rớt vào trong vỏ của con trai, con trai tiết ra một dịch vị cô lập hạt cát. Đây là phản ứng tự nhiên trong cơ thể con trai. Một thời gian trôi qua dưới tác dụng hóa học giữa hạt cát và các chất dịch tiết ra từ con trai, đã tạo thành viên ngọc trai lóng lánh có giá trị trang sức.

Ngoài ngọc trai, lòng biển còn chứa rất nhiều các loại khoáng sản đặc biệt. Đức Phật khuyên hãy quán chiếu tâm ta như lòng biển. Độ sâu của biển được hiểu như tính cách sâu sắc, không hời hợt trong đánh giá, phán đoán, ứng xử, giao tế, giúp ta tránh được những lỗi lầm do hời hợt, vội vã gây ra. Có những ước vọng chẳng đưa ta đi tới đâu, nếu không đặt trên nền tảng của hiện thực. Có những ước vọng làm cho ta mệt mỏi do vì sức ép nó quá lớn, đè lên đôi vai và đầu não của ta. 

Ước vọng chân chính phải nối kết với nhân quả. Thực tập nhân quả nhiều thì ước vọng càng ít. Thực tế làm nhiều, ước muốn ít, thành quả vẫn cao. Uớc muốn nhiều mà làm ít trở thành duy lý, duy ý chí và lý thuyết.

Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn chỉ có một thân lại có đến một ngàn bàn tay. Thực tế mỗi người chỉ có hai tay. Một bàn tay chỉ có năm ngón, thêm ngón thứ sáu là bất bình thường. Sao đức Phật có một nghìn bàn tay? Ở đây, ta phải hiểu dưới góc độ biểu tượng. Một thân thể tượng trưng cho chính sách được đạo diễn bởi con mắt, tức trí tuệ. Mỗi bàn tay tượng trưng cho hành động tức chủ nghĩa ứng dụng. Phần ứng dụng phải được triển khai từ nhiều góc độ khác nhau. Ngàn chính sách mà chỉ có một ứng dụng thì uổng công, uổng tiền, uổng đầu tư, không có giá trị. 

Sống, thực hành và ứng dụng các giá trị tích cực để thấy cuộc đời mênh mông. Càng làm nhiều điều tốt, ta thấy đời mình mênh mông hơn. Cái ta đạt được, đóng góp được chẳng đáng là bao so với nhiều mênh mông vô tận của cuộc sống.

Khi bắt đầu học, ta thấy mình chẳng là gì so với thế giới bao la. Học thời gian thấy kiến thức mình khá nhiều. Học trở thành bác học rồi, thấy kiến thức của ta chẳng là gì so với thế giới vô cùng tận. Không có kết cục của sự học. Trải qua trăm nghìn kiếp, việc học vẫn tiếp tục diễn ra.

Dữ liệu ta đạt được như kiến thức kinh nghiệm có giá trị chẳng là bao so với kho tàng mênh mông vô tận của tri thức. Càng học, càng thấy ta ngu bởi vì giới hạn kiến thức ta đạt được. Hãy sống và thực tập thật để thấy được sự mênh mông của trí thức. Thực tập giúp ta thấy cuộc đời rõ ràng hơn.

Theo tinh thần Phật dạy, ta không sống trên nền tảng ước vọng mà sống trên nền tảng của thực tập. Ta muốn cái gì hãy thực tập cái đó, để đạt được trong tương lai. Nỗ lực đúng cách trong hiện tại là nền tảng thành công. Tương lai phụ thuộc vào sức dụng công, sự đầu tư đúng phương pháp ở hiện tại. 

NHƯ TRỜI BAO LA

Tám câu còn lại của bài hát như một phản vấn, đề nghị mỗi người phải tự xét mình. Để cuộc đời phán xét đôi lúc không chuẩn, bởi vì có tính chủ quan, bạn thù, thân sơ, liên minh, bất liên minh.

Tốt nhất hãy tự đặt ra cho mình những câu mệnh lệnh cách, phải tự thôi thúc, không được bỏ quên. Đây chính là tinh tấn. Mỗi tích tắc thời gian trôi qua, sự quán niệm vẫn tiếp tục diễn ra, nhờ vậy ta sống có trách nhiệm với cam kết lớn. Hành động nào có cam kết lớn với sự nỗ lực quyết tâm sẽ dẫn đến kết quả nhanh chóng.

Sao không là gió, là mây để thấy trời bao la”. Ý của lời phản vấn trên nhằm gợi ý ta đừng trở thành lửa, nghĩa là sức nóng, tạo não phiền mình và não phiền người. Biết bao nhiêu người sống trong không gian chật hẹp, có lối vào mà không có lối thoát. Nhìn từ không gian chập hẹp để quan sát, bầu trời đó có giới hạn trong lăng kính tầm nhìn, không phải là bản thân của bầu trời. Có người nhìn bầu trời qua lỗ dột của nóc nhà, có kẻ nhìn từ miệng giếng, có người nhìn bằng hình dung mô tả của người khác. Có người mặt trời trước mặt vẫn nhắm mắt lại không thèm nhìn. Có người nghĩ rằng mặt trời giống như một cái dĩa có lửa. Các phản ánh phiến diện về mặt trời làm ta không thấy rõ được bản chất của mặt trời. Muốn thấy được mặt trời bao la không cùng tận, ta phải trở thành gió và mây bay lượn từ chỗ này đến chỗ khác, không bị giới hạn, không bị dừng lại, không an trụ ở một chỗ nào hết. Ở vị trí cao và bao quát ta cảm nhận được sự bao la của bầu trời. 

Thử hình dung mây đang bay, trước mặt là một ngọn núi. Nếu mây có cảm giác rằng do núi trước mặt, mà tôi bay không được, mây sẽ tìm cách phản ứng lại núi. Mây sẽ xem núi là đối lực, do đó vấn đề từ đơn giản trở nên phức tạp.

Cây cổ thụ đang đẹp, núi đồi đang xanh tươi mà các mây mù lất phất bay ngang qua, tụ giữ lại vài ba phút làm cho cây và núi đồi có cảm giác do mây hiện hữu mà màu sắc xanh tươi của chúng bị mất đi, cây và núi đồi sẽ tìm cách tiêu diệt mây. Từ một hiện tượng tự nhiên trong thế giới thiên nhiên được lý giải như một sự sắp xếp có dụng ý, hai vật vô tình trở thành đối thủ của nhau.

Nhiều khi chúng ta ứng xử có thành kiến trong mối tương quan xã hội, tạo ra nhiều vấn đề. Hãy là mây, là gió tức bay hoài không bị vướng cái gì hết. Kinh Phật gọi là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Khi tâm vướng vào sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp sẽ tạo ra những hệ lụy và ứng xử của ta bị vướng dính vào đó. Hệ quy chiếu nằm ở chỗ nào thì phán đoán của nhận thức bị lệ thuộc theo chỗ đó. Gió với mây bay chỗ này, chỗ nọ nên tầm nhìn rộng hơn và thấy được bao la. Do duyên cái không gian bao la đó, tâm chúng ta bao la theo. 

Khi làm việc căng thẳng, mỏi mệt, ta có thể tạo ra sự thư giản, bằng cách ngước mặt lên nhìn bầu trời, thấy những vầng mây đang bay, gió đang thổi lồng lộng không giữ lại. Những căng thẳng, áp lực, mỏi mệt, bế tắc, trở ngại, chướng duyên như ta quán chiếu như mây đang bay, bổng đứng lại. Nghĩ mình là gió để thổi đi những phiền não âm u ra khỏi đầu, ra khỏi cuộc sống, ra khỏi hoàn cảnh mà mình đang bị vướng vào. Lúc đó ta thấy được hạnh phúc là bao la. Nhiều người mặc cảm rằng tại sao cuộc đời tôi buồn chán quá, ê chề quá, thực ra do chấp giữ vầng mây đen khổ đau trong đầu. Trong khi, bản chất của mây phải bay mà ta giữ nó một chỗ. Rắc rối của đời là do chấp dính. 

HÃY LÀ PHÙ SA

Phản vấn kế tiếp là “sao không là phù sa dâng mỡ màu cho hoa?” Có người cố tình trở thành bùn, ai dẫm lên nó cũng bị lún sâu. Người bị bệnh xương khớp phải dầm mình trong bùn để có thêm những khoáng chất hỗ trợ cho xương không bị loãng. Phần lớn những người bộ hành đang cất bước trên cuộc đời, không ai muốn mình bị vướng trong bùn hoặc sình lầy.

Ta hãy đặt câu hỏi, tại sao trong thời gian qua thỉnh thoảng tôi trở thành bùn, đất sét, dầu hắc mà ai đi trên nó cũng đều bị dính hết? Tại sao phải làm gai góc trên các con đường mà mỗi bước chân đi của khách bộ hành đều để lại những dấu chân đẫm máu? Do áp lực gì, tham chăng, sân chăng, si chăng? Ta tự đặt ra câu hỏi như thế để chọn cho mình một lối sống có giá trị.

Phải đặt ra câu hỏi tại sao tôi không làm phù sa cho đất màu mỡ, cho hoa thêm xanh, cho cành thêm trái, sức sống được nhiệm màu? Được như vậy cuộc đời nhớ ơn ta nhiều. Trở thành kẻ tiểu nhân ít kỷ, nhỏ nhoi để làm gì, mỗi khi nhắc tới không ai muốn nghe. Nếu có nghe cũng thể hiện thái độ khinh bỉ, chán ghét, bỏ rơi. Thà là nhân tố tích cực, dầu có những gian truân thử thách, để mỗi thời gian sự sống ta tạo phù sa cho cuộc đời. Mọi thứ thêm sức sống của hạnh phúc. Đừng trở thành lực cản, chướng ngại vật cho người khác. 

Gần đây, báo chí đưa tin trước cầu và sau cầu ở Bình Dương có những người rải đinh làm cho xe vừa xuống khỏi dốc cầu là bị bể bánh. Sau đó, hai ba trăm mét có một chỗ vá xe. Mọi lưu thông bị tắc nghẽn. Nếu người nắm tay lái không vững, gây ra tai nạn giao thông dẫn đến chết một cách oan ức. Lợi trước mắt thì chẳng bao nhiêu để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc. 

HÃY LÀ BÀI CA

Chỉ cần phản vấn như thế, tác động lương tâm giúp ta trở thành người tích cực, không thể trở thành tiểu nhân: “Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa”. Bài ca có những cung bậc thăng trầm, tiết tấu thích hợp hài hòa, tạo thành một ca khúc có giá trị tích cực.

Hãy nên đóng vai làm cho người khác có niềm vui và nụ cười, như đang hòa mình vào những ca khúc ấn tượng có nội dung và giá trị tích cực. Cứ xem mình là chất liệu nuôi dưỡng tình yêu làm cho tình yêu được nảy mầm hạnh phúc. Mỗi lời ca tích cực sẽ vun bồi cho tình yêu được chắp cánh bay cao.

Rất tiếc, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã phổ nhạc bài này với một nhạc điệu buồn. Chúng tôi chọn năm bảy giọng ca khác nhau nhưng không thấy ai ca một cách hân hoan, bởi vì do cách phổ nhạc buồn. 

Phần lớn những bài tình ca “hay” toàn là những bài ca thất tình. Thất tình làm cho tình yêu oằn oại hơn, đau khổ hơn, nhức nhối hơn và nhiều người cho đó là hay. Các bản nhạc buồn biết kích thích làm người nghe thưởng thức chất liệu tiêu cực, có cảm giác mình được người hiểu, không ngờ, nghe xong tâm ta sầu khổ hơn.

Cụm ca từ “bài ca của tình yêu đôi lứa” có nội dung hân hoan, tươi mát, tích cực, lạc quan. Đừng hiểu theo nghĩa đen của câu này “đi tới đâu ca tới đó”. Ở công sở cũng ca, trong trường lớp cũng ca, trước khi ăn cơm cũng ca. Coi chừng người ta nói mình hơi mad! Sống phải hân hoan tích cực để mọi người có dịp sống chung, làm việc chung, cảm thấy hân hoan như một tình yêu chắp cánh bay cao. 

Có nhiều người có lực cộng hưởng tích cực. Chỉ cần họ có mặt ở chỗ nào là làm ở chỗ đó bình an, hạnh phúc, tươi vui, mát mẻ. Có nhiều người có mặt chỗ nào làm cho chỗ đó giống như lửa, mọi người cảm thấy nóng bức, căng thẳng, mỏi mệt. Có người cộng hưởng từ trường của họ tỏa ra bên ngoài là một vùng hắc ám, người giao tiếp với họ cảm thấy mê mờ, si ám, tham sân dẫy đầy. Trường sinh học của mỗi người rất quan trọng, được đánh dấu như những gam tối sáng khác nhau. Hãy sống hạnh phúc để tỏa ra xung quanh một cộng hưởng tích cực.

MẶT TRỜI KỲ DIỆU

Phản vấn sau đây rất ấn tượng: “Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư?” Tính cách đặc biệt nhất của mặt trời là không phân biệt dưới ánh sáng của mình là cỏ cây, hoa lá, trời mây, non nước, đất hay sông. Nó chỉ có phận sự duy nhất là chiếu. Vạn vật đều được giá trị lợi lạc từ sự chiếu soi của mặt trời. Mặt trời không phân biệt, không kỳ thị, không ưu tiên, không thiên vị. Nó là cán cân công bằng trong quy luật chiếu sáng tự nhiên. Khi áp dụng trong đời sống, “gieo hạt nắng vô tư” là cán cân công bằng của xã hội. Hạt nắng của mặt trời hết sức vô tư chiếu soi, mọi vật đều nhận được lợi lạc.

Tắm nắng mỗi ngày chừng năm mười phút thì xương cốt khỏe mạnh, ít bị ung thư, nước da không bị trắng xanh, thể hiện một sức sống. Tắm nắng là phương pháp tăng sức khỏe. Cây cối có cơ hội tắm nắng vào buổi bình minh thì sức sống sẽ tươi tốt hơn, tăng trưởng hơn, lúc đó màu xanh của lá sẽ đậm hơn. 

Những cây xanh trong nhà không tiếp xúc được ánh sáng trực tiếp của mặt trời vài ba ngày sẽ héo. Để cây ngoài trời mát mẻ và ánh sáng nhiều làm cho cây tươi mát hơn. Do đó hãy thực tập tâm vô tư, không thiên vị, khách quan, góp phần xây dựng và bảo vệ công bằng xã hội. Mọi ứng xử của ta luôn là chuẩn mực cho người khác noi theo, xứng đáng làm công việc đó. Ta không nên chạy theo chủ nghĩa lý lịch, vì quá khứ của người cha, ông, chú của một người nào đó mà ứng xử bất công với họ. Ta hãy ứng xử với con người trong mấu chốt hiện tại. Luật ứng xử này tạo cơ hội cho tất cả được vươn lên một cách công bằng. 

Giống như đồng ruộng, ta thảy một nắm thóc xuống với độ ẩm của nước, không khí và ánh sáng mặt trời vài ba ngày sau lúa mạ sẽ có mặt, vài ba tháng sau sẽ cho hạt, sau khi trải qua giai đoạn kết bông. Bầu trời đã ban tặng ánh sáng một cách đồng đều. Đôi lúc chúng ta thấy dưới không gian của mặt trời, có một vầng mây, đừng nghĩ rằng ai đang tồn tại dưới vầng mây đó là bị mặt trời phân biệt, đối xử không chiếu ánh sáng tới. Bản thân mặt trời không bao giờ có những suy nghĩ như thế. Do những tác động từ một bối cảnh, điều kiện nào đó ta có cảm giác mặt trời ứng xử không công bằng. Trên thực tế mặt trời rất vô tư, những giọt nắng được mặt trời tỏa chiếu khắp nơi rất công bằng và đồng đều. 

Làm cha mẹ, thầy cô giáo, những người đóng vai trò quan trọng trong các công ty, tổ chức xã hội, hội đoàn tôn giáo, tổ chức chính phủ, các quốc gia và các liên minh, các khối v.v... có được tâm như mặt trời “gieo hạt nắng vô tư”, thì các thành viên chắc chắn sẽ nhận được những giá trị diệp lục của công bằng và hạnh phúc.

ÁNH LỬA ĐÊM ĐÔNG 

Câu sau đây có hai nội dung cần được tách lập trong một công thức phản vấn: “Sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông?”. Khi tách ra, ta có “Sao không là bão, là giông?!” và “Sao không là ánh lửa đêm đông?” Câu đầu là tiêu cực và chứa yếu tố phá hoại. Câu sau là tích cực và chứa yếu tố đóng góp.

Những người quân tử, những bậc anh hùng, những người chân chính, những người có nhiều đóng góp cho cuộc đời trên tinh thần vô ngã và vị tha, biết rất rõ rằng tại sao họ phải làm và sống tốt như thế. Bởi vì họ biết rất rõ họ không thể là bão, là giông trong cuộc đời của bất cứ ai.

Có nhiều lời nói, hành vi, tư duy của chúng ta như một cơn bão lốc đi ngang qua cuộc đời của người khác, làm họ té ngã, tai biến mạch máu não, ngã quỵ, khổ đau. Những lời nói “một cái dá bằng ba cái tát” làm cho người khác sống trong nỗi sợ hãi, phập phồng, khủng hoảng, lo sợ không biết khi nào cái tát sẽ có mặt. Không biết nó có từ hướng nào, cường độ và tốc độ của cái tát ra sao. Nội chừng đó, sự tưởng tượng làm cho người ta có cảm giác đau, mặc dù không có cái tát nào đang diễn ra cả. Rất nhiều người đã gây bão giông cho người khác bằng những câu nói, chửi bới, nguyền rủa rất cay độc, hoặc hù dọa và làm cho nhiều người thất điên bát đảo, thậm chí điên loạn. Trong đời từng có nhiều người ứng xử quái gỡ như thế. 

Ta không nên tạo ra những hành động bão giông bằng lời nói, việc làm của mình trong các mối tương quan. Phải nhớ “không là bão, không là giông” bởi vì ta biết rất rõ là bão giông, ta phải chịu hậu quả ở hiện tại hoặc trong tương lai. Bão và giông sẽ làm cho cây bị ngã, nước bị ngập, bệnh tật gia tăng, sự sống bị đe dọa, chết chóc sẽ đến và là ác mộng trong cuộc đời. Bão, giông là tên hủy diệt, là kẻ thù số một của hạnh phúc. Không dại gì ta trở thành giông bão hoặc góp phần tạo ra giông bão cho người khác. Phải nói không với hành động “tạo ra giông bão” dù vô tình hay cố ý cho ai.

Vế thứ hai rất ấn tượng: “Sao không là ánh lửa đêm đông?” Nếu phải có sự lựa chọn giữa đêm đông và ánh lửa, tốt nhất ta nên tình nguyện trở thành “ánh lửa”. Thứ nhất, lửa có thể thắp sáng, giúp ta không bị té ngã hoặc có thể làm được những việc cần làm. Thứ hai lửa có chức năng sưởi ấm lâu, làm cho các cơn lạnh lẽo tan đi hết.

Trong đêm đông có một “ánh lửa” sáng như thế là sướng vô cùng. Đèn pin, đèn típ, đèn tròn chỉ tạo ra được ánh sáng, không tạo ra được sức ấm. Ánh lửa từ củi, từ nhiên liệu vừa có chức năng sáng, vừa có chức năng xua tan cơn lạnh về đêm, nhất là đêm đông lạnh lẽo. 

Trong bài ca này “đêm đông” tượng trưng những bế tắc, những nghi kỵ, những hiểu sai, những tác động tiêu cực làm cho băng giá có mặt trong các mối quan hệ. Nhiều người không thể giao lưu với nhau bởi vì băng giá đã đóng trong tim của họ. Trong hành động, lời nói, và trong giao tế, hãy tình nguyện trở thành “ánh đuốc” tác động trực tiếp cho băng giá trong đêm đông được tan ra.

LÀ HẠT GIỐNG XANH

Để mối quan hệ bế tắc được hào khí trở lại, hãy nhớ một phản vấn có ý nghĩa sau đây: “Sao không là hạt giống, xanh đất mẹ bao dung”, tức cố gắng trở thành mầm sống cho những bế tắc. Một mầm sống để có thêm những hy vọng mới. Một mầm sống đâm chồi nẩy lộc ở những chỗ đang bị bế tắc. Đừng trở thành gai góc, cỏ hoang, vật vô dụng, sỏi đá vô tri vô tình, mà trở thành hạt giống có sức sống trên mảnh đất phù sa. Nhất là mảnh đất mẹ, quả đất to lớn, bao dung. Ai từng là gai góc, miễng chai hoặc kẽm gai hãy tự điều chỉnh, để trở thành một hạt giống trên đời sống hạnh phúc, trong gia đình mình, trên quê hương đất tổ, trên quả địa cầu này. Tức là tạo sức sống cho mọi giá trị được nẩy mầm xanh tươi. Có nhiều quốc gia, chủ nghĩa, đảng phái không trở thành hạt giống mà trở thành Rocket (tên lửa). Mấy năm trước Rocket đã bắn tan nát hai tượng Phật cao nhất ở Afganistan như những di sản văn hóa thế giới còn lại ở đất nước này. Trước khi có mặt của Hồi giáo, Afganistan là một đất nước đạo Phật.

Cuối năm 2008 ta nghe một sự kiện đau lòng tại Afganistan. Chính quyền quân phiệt Taliban ra lệnh thiêu hủy và bắn phá hết tất cả di vật khảo cổ có gốc rễ Phật giáo đang được tôn thờ trong các Viện Bảo tàng tại nước này. Người Hồi giáo xem các di vật văn hóa Phật giáo là sự phản lại nền văn hóa Hồi giáo cực đoan. Là hạt giống xanh tươi, có nhiều người không muốn, lại tình nguyện trở thành mìn tự sát. Đi tới đâu là gieo đau khổ, loạn lạc, đau thương, tang tóc đến đó. Có thân thể, có sự sống như thế này không muốn mà muốn trở thành kẻ chết khủng bố để nổi danh (thực ra là tai tiếng)với cuộc đời. Nổi cho cái tôi, vô minh, si ám, sân hận, thù hằn thì phỏng có lợi ích gì?! Hạt giống của hận thù làm cho sức sống chết đi. Chỗ nào có hạt giống xấu, chỗ đó có nỗi khổ niềm đau và bế tắc. 

NHƯ CHIM GỌI SÁNG 

Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc” là khát vọng giản đơn và chân thành. “Nếu là hoa tôi sẽ là một loài hoa quý. Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng”. Bồ câu trắng là ẩn dụ tượng trưng cho hòa bình, hạnh phúc, sự thanh thản trong cuộc đời. Đừng là con quạ, diều hâu mà nhiều người phải bị ác mộng. Nếu là đàn chim kên kên đi tới đâu thì sức sống bị hủy diệt tới đó, gà vịt lạc bầy. Trở thành đàn chim khách, tiếng gọi của nó vào buổi sáng như đồng hồ báo thức. Nghe tiếng ríu rít của nó, người ta cảm thấy hân hoan. Tinh thần Bồ tát dạy ta mang lại an vui cho đời.

Ta có thể phát nguyện trở thành một ly nước cho người khác đỡ khát, là một chén cơm nóng, thơm cho người no lòng. Tôi sẽ là bộ áo ấm cho người ta bớt lạnh. Tôi sẽ là một nùi giẻ cho bàn thờ hoặc những vật bị dơ được lau sạch. Tôi sẽ làm các viên gạch để cho con người và mọi phương tiện giao thông đi trên đó. Tôi sẽ là nhịp cầu để nối kết hai bờ sông. Nói chung, sự dấn thân, tạo ra thành công đòi hỏi sự hy sinh. Giống như cây chuối, để tạo ra buồng chuối có nhiều nải thì toàn bộ những dưỡng chất ở gốc, thân, tàu bẹ của nó bị mất hết. Sau khi buồng chuối bị chặt đi vài ba tháng sau cây chuối sẽ chết. Trước khi chết, nó đâm chồi nẩy lộc được vài ba cây chuối con. Tức nó kịp truyền sức sống cho những cây con và nó hy sinh. Giá trị hy sinh của cây chuối rất hay, để lại cho đời buồng chuối nhiều nải ngon. 

Để đóng góp cho một buổi bình minh, “đàn chim” phải ý thức giờ hót của chúng. Đàn chim hót vào lúc hai giờ khuya là người ta ghét liền, bởi vì làm con người mất ngủ. Nhiệt tình phải đặt đúng chỗ, đúng thời, đúng tình huống, đúng người. Nhiệt tình mà không có trí tuệ đôi lúc dẫn đến phá hoại.

Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư”. Lời phản vấn này được lặp lại một lần nữa để xác định rất rõ, đóng góp của chúng ta chỉ là một cái gì đó rất nhỏ bé nhưng phải công bằng, vô tư, không thiên vị thì giá trị của nó thật sự được hiểu trong Phật giáo là vô ngã và vị tha. Phần lớn chúng ta chỉ làm theo cảm tính. Ai biết nghe, tuân phục mình thì được giúp còn người nào kháng cự lại, không nghe lời thì ta xử cho chết, loại trừ, tiêu diệt v.v... Không còn vô tư nữa.

Bản nhạc “Khát Vọng” của thi sĩ Đặng Viết Lợi được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc là một bài hay, man mác tư tưởng nhập thế của Phật giáo, tinh thần rộng lượng dấn thân của những người tu học theo Bồ Tát Hạnh.

Mỗi người chỉ cần làm được một trong những lời đề nghị của bản nhạc thôi, cuộc đời này là hoa trái hạnh phúc có mặt khắp mọi nơi: Sống như đời sông, sống như đồi núi, sống như biển rộng, sống như gió mây, sống như đàn chim ríu rít buổi bình minh, sống như hạt giống tươi tốt, sống như phù sa màu mỡ cho ruộng đất và cánh đồng, sống như mặt trời gieo những hạt nắng vô tư làm cho chúng ta trở nên có giá trị. 

Đừng tưởng rằng tất cả những nỗ lực như thế là cho người khác và cho cuộc đời, thực ra cho chính mình. Khi nhận thức được những giá trị đóng góp, phước đức và công đức không phải cho ai hết mà cho mình, không dại gì mình trì hoãn, tranh nạnh với người khác, không dại gì bỏ lại những cơ hội giúp mình được hoàn thiện sớm. Đó là tinh thần đóng góp rất vô ngã của những người con Phật. 

Cuộc đời có biết đến ta hay không, không quan trọng. Quan trọng là qua những hành động dấn thân vô ngã của ta, cuộc đời được gì. Cách suy nghĩ và ứng xử như vậy giúp ta trở thành người cao thượng. Đó không còn là “khát vọng” đơn thuần mà chính là hạnh phúc của cuộc đời. Hạnh phúc có mặt khắp mọi nơi, nếu ta có tầm nhìn, có tấm lòng, nỗ lực, quyết tâm, cam kết để biến các ước mơ và khát vọng trở thành hiện thực ở trong tầm tay và trong cuộc đời này.

***

ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
Thích Nhật Từ

 

Chịu trách nhiệm xuất bản:
BÙI VIỆT BẮC

Biên tập: Quỳnh Trang – Thế Vinh
Sửa bản in: Quảng Tâm
Bìa: Lê Minh
Trình bày: Ngọc Ánh

 

 

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC
A2 - 261 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
ĐT: 08044806 - Fax: 08043538

 

In lần thứ nhất 1.000 quyển, khổ 14x20 cm, tại Xí nghiệp In Fahasa, 774 Trường Chinh, Quận Tân Bình, TP.HCM.
Giấy phép xuất bản số: 838 - 2012/CXB/32 - 21/HĐ. Cấp ngày 20 tháng 07 năm 2012. In xong và nộp lưu chiểu tháng 09 năm 2012.

--------

SÁCH CỦA THẦY NHẬT TỪ

I. KINH TỤNG (Phiên dịch và biên tập)
1. Thích Nhật Từ biên soạn., Kinh Tụng Hằng Ngày. Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2005, tr. xxxii + 992.
2. Thích Nhật Từ biên soạn., Kinh Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật. Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2009, tr. vii + 62.
3. Thích Nhật Từ biên tập., Nghi Thức Thập Chú. Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2010, tr. vii + 30.
4. Thích Nhật Từ biên tập., Kinh Vu Lan Báo Hiếu, Thích Tuệ Đăng dịch. Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2006, tr. xvii + 62.
5. Thích Nhật Từ biên soạn., Nghi Thức Phật Đản. Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2006, tr. x + 48.
6. Thích Nhật Từ soạn dịch., Nghi Thức Sám Hối. Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2005, tr. x + 52.
7. Thích Nhật Từ soạn dịch., Kinh Phổ Môn. Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2005, tr. vii + 32.
8. Thích Nhật Từ soạn dịch., Kinh Dược Sư. Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2005, tr. vii + 36.
9. Thích Nhật Từ soạn dịch., Kinh A Di Đà. Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2005, tr. vii + 34.
10. Thích Nhật Từ biên tập., Kinh Từ Tâm và Phước Đức. Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2009, tr. vii + 42.
11. Thích Nhật Từ soạn dịch., Kinh Địa Tạng. Sài Gòn: NXB Tôn Giáo, 2008, tr. vii + 154.
12. Thích Nhật Từ biên soạn., Nghi Thức Lễ Xuất Gia. Sài Gòn: NXB Tổng Hợp, 2010, tr. viii + 20.
13. Thích Nhật Từ soạn dịch., Nghi Thức Lễ Thành Hôn. Sài Gòn: NXB Tổng Hợp, 2010, tr. viii + 20.
14. Thích Nhật Từ soạn dịch., Nghi Thức Quy Y Tam Bảo. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2011, tr. viii + 28.
15. Thích Nhật Từ soạn dịch., Nghi Thức Tụng Niệm. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2011, tr. xx + 390.
16. Thích Nhật Từ soạn dịch., Nghi Thức Phóng Sanh. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2011, tr. viii + 10.
17. Thích Nhật Từ soạn dịch., Nghi Thức Chúc Tết Nguyên Đán. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2011, tr. x + 24.
18. Thích Nhật Từ soạn dịch., Nghi Thức An Vị Phật. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2011, tr. viii + 19.
19. Thích Nhật Từ biên soạn., Nghi Thức Hô Chuông. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2011, tr. v + 22.
II. SÁCH ỨNG DỤNG
1. Thích Nhật Từ., Thế Giới Cực Lạc. Sài gòn: NXB Văn Hóa Sài gòn, 2010, tr. ix + 142.
2. Thích Nhật Từ., Chết Đi về Đâu. Sài gòn: NXB Văn Hóa Sài gòn, 2010, tr. ix + 126.
3. Thích Nhật Từ., Cẩm Nang Viết Khảo Luận Luận Văn & Luận Án. Sài gòn: NXB TP. Hồ Chí Minh. 2003, tr. xv + 200.
4. Thích Nhật Từ dịch và chú giải., Tìm Hiểu Kinh Bốn Mươi Hai Chương. Sài gòn: NXB Thời Đại, 2010, tr. xvi + 499.
5. Thích Nhật Từ., Phương Trời Thong Dong. Sài gòn: NXB Phương Đông. 2010, tr. vi + 87.
6. Thích Nhật Từ., Chuyển Hoá Cảm Xúc. Sài gòn: NXB Thời Đại. 2010, tr. vi + 112.
7. Thích Nhật Từ., Hiểu Thương và Tuỳ Hỷ. Sài gòn: NXB Thời Đại, 2010, tr. vi + 174.
8. Thích Nhật Từ., Khủng Hoảng Tài Chánh Toàn Cầu qua Cái Nhìn Phật Giáo. Sài gòn: NXB Hải Phòng, 2009, tr. vii + 152.
9. Thích Nhật Từ., Không Có Kẻ Thù. Sài Gòn: NXB Thời Đại, 2010, tr. vi + 121.
10. Thích Nhật Từ., Chuyển Hóa Sân Hận. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2010, tr. vi + 180.
11. Thích Nhật Từ., Đối Diện Cái Chết. Sài gòn: NXB Thời Đại, 2010, tr. vi + 169.
12. Thích Nhật Từ., Quay Đầu Là Bờ. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2010, tr. vi + 202.
13. Thích Nhật Từ., Hạnh Phúc Giữa Đời Thường. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2010, tr. vi + 194. 
14. Thích Nhật Từ., Con Đường An Vui. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2010, tr. vi + 168.
15. Thích Nhật Từ., Hạnh Phúc Trong Tầm Tay. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2010, tr. vi + 149.
16. Thích Nhật Từ., Đôi Dép Triết Lý Về Hạnh Phúc Hôn Nhân. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2010, tr. viii + 178.
17. Thích Nhật Từ., Phật Giáo và Thời Đại. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2011, tr. xi + 171. 
18. Thích Nhật Từ., Hạnh Phúc Tuổi Già. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2011, tr. vi + 130. 
19. Thích Nhật Từ., Sống Vui Sống Khỏe. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2012, tr. vi + 124.
20. Thích Nhật Từ., 10 Điều Tâm Niệm. Sài Gòn: NXB Hồng Đức, 2012, tr. vi + 128.
21. Thích Nhật Từ., 14 Điều Phật Dạy. Sài Gòn: NXB Hồng Đức, 2012, tr. vi + 117.
22. Thích Nhật Từ., Con Đường Chuyển Hóa. Sài Gòn: NXB Hồng Đức, 2012, tr. xiii + 208.
23. Thích Nhật Từ., Tám Điều Giác Ngộ. Sài Gòn: NXB Hồng Đức, 2012, tr. viii + 194.
24. Thích Nhật Từ., Tinh Hoa Trí Tuệ. Sài Gòn: NXB Hồng Đức, 2012, tr. x + 266.
25. Thích Nhật Từ., Để Gió Cuốn Đi. Sài Gòn: NXB Hồng Đức, 2012, tr. vi + 94.
26. Thích Nhật Từ., Chùa Ấn Quang: Danh Thắng và Di Tích Lịch Sử. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2012, tr. viii + 60.
27. Thích Nhật Từ., 100 Điều Đạo Đức tại Gia và Nghi Thức Quy Y Tam Bảo. Sài Gòn: NXB Phương Đông, 2012, tr. xiv + 84.
và các tác phẩm khác v.v...

Tags 
khát vọng
Nghe Sách & Tải Sách
 
00:00
Twitter icon
Facebook icon
Google+ icon
RSS icon
Close menu
Site navigation mobile menu