MỤC LỤC
Lời nói đầu
1. Nguyện Hương
2. Tán Phật và Đảnh Lễ Tam Bảo
3. Tán Hương
4. Tán Dương Giáo Pháp
5. Kinh Tinh Hoa Trí Tuệ
6. Sám Hối Ba Nghiệp
7. Lạy Báo Ân
8. Thầy Bổn Sư Khai Đạo
9. Ba Điều Phát Nguyện Xuất Gia
10. Làm Lễ Quán Đảnh
11. Xuống Tóc Giới Tử
12. Sách Tấn Giới Tử
13. Niệm Phật Gia Trì Cho Giới Tử
14. Hồi Hướng Công Đức
15. Đảnh Lễ Ba Ngôi Báo
LỜI NÓI ĐẦU
Nghi Thức Lễ Xuất Gia nầy đã được sử dụng tại chùa Giác Ngộ và một số chùa khác từ năm 2003, với các phản hồi rất tích cực: thuần việt, ngắn gọn, dễ hiểu và đi vào tâm linh của các hạt giống mới xuất gia.
Trong nghi thức này, lời khai đạo của người bổn sư thế phát có giá trị tâm linh và soi sáng, thông qua đó, các hạt giống xuất gia nhận chân được lý tưởng giải thoát. Cạo bỏ râu tóc, từ bỏ đời sống thế tục, đi ngược lại ái nhiễm của cuộc đời, nương thầy học đạo là để trước độ mình bằng con đường giải thoát và sau độ người bằng con đường hoằng hoá. Lời khai thị phải có sức truyền cảm và rung động để các giới tử thấy được tầm quan trọng của đời sống đạo đức – giới luật thiền môn, nhờ đó nỗ lực chuyển hoá, tham ái, sân hận, si mê. Làm được việc ấy, mỗi bước chân đi của giới tử sẽ mở ra phương trời cao rộng.
Ngoài ra, các giới tử còn được bổn sư hướng dẫn thực hiện ba điều phát nguyện xuất gia. Điều thứ nhứt nhấn mạnh nhu cầu chuyển hoá ái dục, sống độc thân nhưng không cô đơn, giữ giới hạnh trang nghiêm không có tỳ vết. Điều thứ hai khích lệ giới tử thấy được giá trị tâm linh, nhờ đó vượt qua chướng duyên, không nhiễm thói đời, không theo danh lợi và trung thành với lý tưởng Phật pháp. Điều thứ ba xác định lý tưởng độ sinh trên tinh thần vô ngã vị tha, nhằm giúp cho giới tử sống đời tu hành một cách có ý nghĩa và lợi lạc quần sinh.
Các nội dung trong nghi thức có thể gia giảm tuỳ theo tình huống và điều kiện thời gian cho phép. Miễn sao giới tử cảm nhận được rằng thông qua Nghi Thức Xuất Gia họ đã trở thành một người hoàn toàn mới, cất bước trên con đường tâm linh một cách dứt khoát, tinh tấn và bền bĩ. Được như thế, hạt giống xuất gia ngày hôm nay sẽ trở thành cây đại thụ của ngày mai.
Thân mời các giới tử hãy trải nghiệm tâm linh, từ khi tập sự, cạo tóc xuất gia, theo thầy học đạo, chuyển hoá nghiệp chướng, thành tựu giới, định, tuệ mang lại hạnh
phúc hiện tiền, đồng thời trở nên xứng đáng với niềm kỳ vọng với cha mẹ, họ tộc, thân hữu và đàn na thí chủ. Được như thế, “gieo chính là gặt”, xuất gia lìa khỏi gia đình, không phải là trốn chạy cuộc đời mà là nhập thế độ sanh.
Trân trọng
Chùa Giác Ngộ, 30-05-2010
Thích Nhật Từ