MỤC LỤC
Lời nói đầu
1. Nguyện hương
2. Tán Phật và đảnh lễ Tam Bảo
3. Tán hương
4. Tán dương giáo pháp
5. Kinh Người Áo Trắng
6. Giới sư khai đạo
7. Truyền tam quy
8. Thầy truyền giới khai đạo
9. Vâng giữ năm điều đạo đức
10. Sám quy y
11. Hồi hướng công đức
12. Đảnh lễ ba ngôi báu
13. Thuyết giảng và đọc pháp danh
LỜI NÓI ĐẦU
Trong Nghi thức quy y Tam bảo, điều quan trọng là làm thế nào nói rõ được giá trị vì sao ta theo đạo Phật và hạnh phúc khi là Phật tử. Khi nhận Phật làm Thầy người Phật tử không còn yêu cầu thờ Thượng đế và các thần linh vốn không có thật. Khi nương tựa chánh pháp, người Phật tử không theo các tôn giáo và tín ngưỡng ngoài đạo Phật vì chất liệu Phật pháp đủ khả năng giải quyết các vấn nạn con người. Nương tựa Tăng đoàn, người Phật tử thực tập hạnh hòa hợp, đoàn kết và dấn thân phụng sự.
Điều không kém phần quan trọng là người truyền giới nên phân tích ứng dụng năm điều đạo đức dưới góc độ hạnh phúc cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới. Làm thế nào để trỗi dậy được sự chấn động tâm thức của người quy y để từ đó giúp họ trở thành người hạnh phúc mà về sau, dầu có bị áp lực hay cám dỗ của bất kỳ tôn giáo nào họ vẫn giữ vững chánh tín Phật pháp, không bỏ đạo vì lý do kinh tế hay sức ép.
Các hướng dẫn về cách thờ phượng Phật, bàn thờ gia tiên, lễ Phật, tụng kinh, ăn chay vào ngày sóc vọng, sinh hoạt gia đình Phật tử và nghe giảng vào các ngày chủ nhật, đi chùa vào các ngày lễ hội văn hóa và thực tập chuyển hóa… là những điều không thể thiếu ngay sau khóa lễ quy y.
Quy y Tam bảo để ta có được điểm nương tựa tâm linh có giá trị trong đời. Nhờ sức truyền dẫn của ba ngôi báu người tiếp nhận giáo pháp sẽ tình nguyện sống đời đạo đức, nhằm mang lại hạnh phúc cho mình và tha nhân. Đây chính là giá trị quan trọng cuả nghi thức trong việc mang lại hạnh phúc và bình an cho mọi người.
Giác Ngộ, 27-4-2011
TT. Thích Nhật Từ
Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM