Sự kiện đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963 đã được nghiên cứu, bàn luận từ nhiều góc độ: Lịch sử, sự kiện, nhân vật, văn hóa, tôn giáo, chính trị v.v… Bài viết của tôi trên phương diện tôn giáo, chỉ xin luận bàn thêm về sự kiên này từ việc nghiên cứu các văn bản, tài liệu của Cục Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Mỹ những năm 1961 – 1963 với mục đích làm rõ hơn quan điểm, thái độ của một số chính khách, nhà chính trị, ngoại giao Mỹ về sự kiện mà trong các văn bản, tài liệu họ vẫn gọi chung là sự “khủng hoảng Phật giáo” (Crisis Buddhism).
Đây là những văn bản, tài liệu, điện tín, báo cáo tình hình, nhận định, đánh giá sự kiện chủ yếu của Đại sứ quán Mỹ ở miền Nam Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ, tôi đặc biệt quan tâm đến các tài liệu từ 8/3/1963 đến 15/6/1963. Với hàng trăm tài liệu, văn bản, thư khẩn, điện báo v.v... trao đổi qua lại giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Mỹ ở miền Nam Việt Nam, nhưng tài liệu này tôi lấy ra từ trang web: history state, gov. (sử liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ). Nhóm biên tập của tập tin từ 1961 – 1963 cho biết họ đã nghiên cứu lựa chọn các tài liệu, điện tín, văn kiện, báo cáo tình hình v.v... để làm rõ 5 nhiệm vụ sau:
1. Việc thảo luận và xây dựng chính sách ở Washington.
2. Việc triển khai, thực hiện các chính sách ở miền Nam Việt Nam.
3. Mối quan hệ giữa Chính phủ Hoa Kỳ, chính quyền Nam Việt và các lực lượng bất đồng về chính kiến ở Nam Việt.
4. Đánh giá của tình báo Hoa Kỳ và những âm mưu đảo chính tiềm năng.
5. Tình hình tham gia của quân đội Mỹ tại Việt Nam.(1)
Tôi bắt đầu từ bức điện khẩn của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tới Đại sứ quán Mỹ tại Nam Việt Nam để làm rõ kế hoạch của người Mỹ ở Việt Nam. Trong tài liệu từ 61-71(2) (Document), Chính phủ Mỹ thể hiện rất rõ những kế hoạch chính trị và quân sự của mình nhằm thúc đẩy “chiến lược chiến tranh đặc biệt”, xin được tóm tắt những điểm cơ bản sau:
1. Tìm cách tăng uy tín của Ngô Đình Diệm và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở Hoa Kỳ và trên trường quốc tế.
2. Tăng cường sức mạnh, uy tín quốc gia Nam Việt dưới sự hướng dẫn của Đại sứ Nolting.
3. Tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và chính quyền Nam Việt.
4. Cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền Sài Gòn với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt biệt là với Nhà nước Campuchia.
5. Thỏa thuận với Nhà nước Campuchia về việc kiểm soát chặt chẽ biên giới chung giữa hai quốc gia.
6. Hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong quy hoạch, sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ về kinh tế và quân sự trong mục đích chống lại Cộng sản.
7. Đàm phán, xây dựng kế hoạch và cam kết ngoại giao về sự có thể hiện diện quân đội Mỹ ở Nam Việt.
8. Đánh giá ý nghĩa chính trị của việc tăng số lượng quân đội VNCH lên 200.000 quân.
9. Đại sứ Nolting được quyền tổ chức, liên kết với tất cả các lực lượng cần thiết ở trong và ngoài nước để thực thi Điều 1 và Điều 2.
Về quân sự:
1. Xây dựng hàng rào điện tử để giám sát, cảnh báo hoạt động của Việt Cộng.
2. Thực hiện chương trình tăng số lượng quân đội từ 170.000 – 200.000.
3. Bổ sung, tăng cường chuyên gia, cố vấn quân sự Mỹ ở Việt Nam từ 20.000 lên 40.000.
4. Gia tăng sức mạnh quân sự, khả năng tác chiến của quân lực VNCH.
5. Cung cấp, hỗ trợ tài chính, quân sự cho lực lượng bảo an, dân vệ với số lượng 68.000 quân.
6. Hỗ trợ tài chính, cung cấp trang thiết bị quân sự về Hải, Lục, Không quân cho quân lực VNCH.
7. Huấn luyện, đào tạo lực lượng đặc nhiệm cho quân đội VNCH.
8. Thành lập các tổ chức quân sự quốc tế ở Đông Nam Á, giúp Mỹ và chính quyền Nam Việt chống lại thế lực Cộng sản.
9. Kiểm tra, đánh giá lực lượng quân lực VNCH để có thể thực hiện cam kết sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam.
Có thể thấy những quan tâm của Nhà Trắng ở Nam Việt là thực hiện chiến lược “Phản ứng linh hoạt trên phạm vi toàn cầu”, trong đó Việt Nam là “điểm nóng” của cuộc chiến giữa hai hệ thống xã hội, như Tổng thống Kennedy từng tuyên bố: “Bây giờ đây, chúng ta có một vấn đề là phải làm cho thế giới tin vào sức mạnh của chúng ta, mà Việt Nam chính là nơi để thực hiện điều đó”.(3)
Phục vụ cho chiến lược toàn cầu của mình, người Mỹ ủng hộ, tiếp tay cho chế độ Ngô Đình Diệm tiến hành cuộc chiến chống mọi thế lực khác biệt về chính kiến, thực hiện Luật 10/59 đàn áp phong trào yêu nước và không hề quan tâm đến các lực lượng tôn giáo và hầu như không có văn bản nào đề cập đến đời sống, sinh hoạt của các tôn giáo khác (ngoài Công giáo). Điều quan tâm duy nhất của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam là ngăn chặn “CNXH” ở Đông Nam Á, biến chính thể Nam Việt thành lực lượng tiên phong trong chiến lược đó. Điều này thể hiện rất rõ trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Kennedy với Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Nam Việt.(4) Cuộc nói chuyện cho thấy, Nhà Trắng rất e ngại về khả năng chiến đấu của quân đội VNCH, hoài nghi về uy tín của chế độ Ngô Đình Diệm, e ngại sự phát triển nhanh chóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và con đường mòn Hồ Chí Minh. Mặt khác, chính sách tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm lại phân biệt đối xử, kỳ thị tôn giáo một cách cực đoan, coi trọng và ban cho Công giáo nhiều đặc ân. Chính sách thiên vị này dẫn đến sự phản kháng của các tín đồ tôn giáo ngoài Công giáo. Cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam 1963 diễn ra trong bối cảnh đó. Các tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, của Đại sứ quán Sài Gòn chỉ thực sự quan tâm đến Phật giáo khi cuộc biểu tình của Phật tử ở Huế bùng nổ ngày 8/5/1963.
Một chuyên viên Đại sứ quán Mỹ ở Nam Việt, bút danh Heble báo cáo rằng: “...có 8 người chết và 14 người bị thương, đây là vụ việc nghiêm trọng..”. Nhận định về nguyên nhân vụ việc này, Heble cho rằng “do phản ứng của Phật giáo về việc không được treo cờ Phật giáo trong ngày Lễ Phật đản”(5). Bức điện tín của Heble cũng nhận xét rằng “… Mặc dù không có dấu hiệu hoạt động của Việt Cộng liên quan đến vụ việc, song nhiều khả năng, họ sẽ khai thác ở các cuộc biểu tình trong tương lai”(6).
Ngày 10 tháng 5 năm 1963, nhận định về Tuyên ngôn 5 điểm của Tổng hội Phật giáo Việt Nam (7), Hilman Roger (8) trong bức điện từ Bộ Ngoại giao gửi cho Đại sứ quán Mỹ ở Nam Việt nhận định: “….Cuộc khủng hoảng các tín đồ Phật giáo (Buddhist crisis) trong chế độ Ngô Đình Diệm là phức tạp phải đối phó và phân lập ngay…”, đồng thời Hilman cảnh báo rằng: “Phật giáo đã trở thành một lực lượng chính trị đối lập với chính quyền Nam Việt”(9).
Ngày 13 tháng 5 năm 1963 bức điện tín số 1148 từ Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn báo cáo về cuộc đàm phán hòa giải bất thành giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và nhóm lãnh đạo Phật giáo, theo Heble: “Chính quyền Ngô Đình Diệm cho rằng tuyên bố của Tổng hội PGVN là: “Cực đoan trong ngôn ngữ” và “dường như là một tối hậu thư cho chính quyền”, còn thái độ của Tổng thống Diệm… “Chưa thực sự quan tâm, mong muốn hòa giải” (10). Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định “...Đây là một cuộc khủng hoảng Phật giáo có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị” và cảnh báo “…. Cuộc khủng hoảng này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ và chính thể Ngô Đình Diệm”. “Có thể tác động đến cuộc chiến chống Cộng Sản”(11). Và yêu cầu Trueheart “phải có bản phúc trình ngay về tình hình thực tế của cuộc khủng hoảng Phật giáo”.
Tài liệu 163, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Nolting đã khuyến cáo Diệm và chính quyền Sài Gòn cần phải… “xuống thang” hòa giải với Phật giáo bởi vì “Phật giáo đã là một phong trào chính trị bất lợi …”(13), đồng thời thúc giục Bộ trưởng Ngoại giao Nam Việt lúc đó là Nguyễn Đình Thuần phải tư vấn mạnh mẽ, kịp thời cho Tổng thống Diệm trong nỗ lực hòa giải đó.
Tài liệu số 164 báo cáo về quan điểm của Ngô Đình Diệm “là cứng rắn” khi không thay đổi Đạo dụ số 10. Tổng thống vẫn cho rằng: “Phật giáo đang bị Cộng sản lợi dụng, kích động” và “có ý định cứng rắn hơn nữa để giải quyết vấn đề”.(14)
Trong bản phúc trình về Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, Trueheart đã cảnh báo “xung đột, khủng hoảng Phật giáo sẽ làm mất niềm tin của xã hội vào ông Diệm và chính quyền Sài Gòn”. Trueheart dẫn lời Trung tá Đỗ Khắc Mai, một sĩ quan không lực Nam Việt “… Các sĩ quan cao cấp khác đã chán với tình hình này” và rằng: “Ông ta nói không thể hiểu tại sao người Mỹ vẫn im lặng để mất cơ hội bằng vàng khắc phục tình hình Việt Nam.”(15) Và Trueheart nhận định: “điều đó có nghĩa rõ ràng là lật đổ chính phủ”. (16)
Các tài liệu khác đều cho thấy người Mỹ hoài nghi về chế độ Sài Gòn và bắt đầu nghĩ đến chuyện thay đổi chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong một báo cáo, True heart nói một cách khá rõ là “…. Ông Diệm và chính quyền Sài Gòn dường như không muốn người Mỹ tham dự nhiều hơn ở Việt Nam”(17). Điều này rõ ràng không đáp ứng được điểm thứ 7 và 9 trong kế hoạch chính trị, quân sự của Mỹ ở Nam Việt: “Chuẩn bị cho quân đội Mỹ hiện diện và tham chiến ở Việt Nam”. (18)
Ngày 11/6/1963, bức điện khẩn từ Đại sứ quán gửi Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo: “Nhà sư Thích Quảng Đức đã tự thiêu ở ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Đình Chiểu)”. Sự kiện này được nhà báo Malcolm Browne chụp ảnh và ngay lập tức đăng tải trên toàn thế giới “…gây sốc và ảnh hưởng không lường đối với Mỹ và chính thể Ngô Đình Diệm trên toàn thế giới...”(19).
Ngược lại với quan điểm của True heart, Đại sứ Mỹ Frederick E. Nolting vốn ủng hộ chính thể Ngô Đình Diệm, ngay cả khi Ngô Đình Diệm và chính quyền Sài Gòn đã bộc lộ hết bản chất cực đoan, mất lòng dân của mình, bị cộng đồng quốc tế và dư luận Mỹ lên án. E. Nolting vẫn cho rằng hiện tại, không ai có thể thay thế Diệm và bao biện: “Hơn hai năm sống tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ thấy dấu hiệu chứng tỏ có sự kỳ thị tôn giáo”.(20)
Quan điểm của E. Nolting càng khích lệ, củng cố quan điểm của Diệm, Nhu cho rằng không ai có thể thay thế được mình và ngày càng thực hiện kế hoạch bạo lực cứng rắn hơn đối với Phật giáo. Bằng “kế hoạch Nước lũ” đêm 20 rạng sáng 21/8/1963 do Ngô Đình Nhu trực tiếp chỉ huy,(21) đẩy chế độ Ngô Đình Diệm đến bờ vực của sự sụp đổ.
Tài liệu số 165, Charle C. Flowerre, Tùy viên Đại sứ quán báo cáo rằng: “Sự khủng hoảng Phật giáo đã phá hủy mối quan hệ giữa chính quyền Nam Việt với nhà nước Campuchia…”.(22) Flowerre dẫn bài phát biểu của ông Hoàng Sihanouk tố cáo: “… Tổng thống Diệm đã ngược đãi cả Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Campuchia”.(23) Flowerre cũng lưu ý rằng: “Vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức được thực hiện ngay trước Đại sứ quán Campuchia; sẽ có thể làm hỏng kế hoạch liên minh với Campuchia chống Cộng sản”.(24)
Đánh giá sự thất bại của kế hoạch “giải tỏa khủng hoảng Phật giáo Nam Việt”. Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk cảnh báo: “…. Nếu chính quyền của Ngô Đình Diệm không thực hiện và giải quyết hiệu quả xung đột, chúng ta sẽ phải xem xét lại toàn bộ mối quan hệ của chúng ta với chế độ của ông ta”.
Bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Đại sứ quán Sài Gòn nhấn mạnh:(26) “Tình hình Phật giáo là nguy hiểm và đang đến giới hạn của sự kiên nhẫn. Bạn được phép nói với Diệm rằng Hoa Kỳ xem đây là vấn đề cấp thiết, chính phủ Việt Nam phải nhanh chóng hành động mạnh mẽ để lấy lại niềm tin của Phật tử. Chính phủ Việt Nam phải hoàn toàn và dứt khoát đáp ứng nhu cầu của Phật giáo…”. (27)
Kết quả tất yếu của lịch sử như chúng ta đã biết, Mỹ bật đèn xanh cho cuộc đảo chính Diệm ngày 1-11-1963. Từ những hồ sơ lưu trữ trên có thể nhận thấy:
1. Cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963. Trước hết là cuộc đấu tranh vì tự do, bình đẳng tôn giáo, chống lại chế độ kỳ thị, bài xích tôn giáo. Sự phát triển của phong trào đấu tranh này tự nhiên, tất yếu trở thành một bộ phận của phong trào yêu nước đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc.
Đó là một chân lý, thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa vấn đề dân tộc và tôn giáo trong lịch sử Việt Nam. Người Mỹ đã tiếp cận vấn đề: “Khủng hoảng Phật giáo ở Nam Việt 1963” theo cách tiếp cận tách rời giữa tôn giáo và dân tộc, cụ thể ở đây là Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Chính vì tách rời hai vấn đề trên, người Mỹ đã không hiểu được sức mạnh của Phật giáo Việt Nam chính là sức mạnh của dân tộc Việt Nam lúc đó. Các chính khách, nhà ngoại giao, tình báo Mỹ đã cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách trung lập hóa Phật giáo, đưa Phật giáo ra khỏi phong trào đấu tranh chung của dân tộc. Trong cuốn sách: “Phật giáo như là một quyền lực chính trị”(28). J. Robert Topmiller nhận định: “Bằng việc lật đổ chế độ họ Ngô, Phật tử Nam Việt đã tạo ra khoảng trống chính trị và sự bất ổn xã hội, làm tăng cường, củng cố vị trí của người Mỹ ở Việt Nam”.(29)
J. Robert Topmiller cũng cho rằng: “Tôn giáo trong đời sống xã hội cần phải có địa vị trung tính, không tham gia vào hoạt động chính trị… Vì thế phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam là một sự khủng hoảng Phật giáo” và “Phật giáo miền Nam 1963 là một quyền lực chính trị theo đường lối trung lập.” (30)
Theo quan điểm tôn giáo học, tôi cho rằng tách rời, cô lập tôn giáo hoặc các sự kiện tôn giáo khỏi bối cảnh lịch sử, độc lập với các mối quan hệ xã hội khác, sẽ không giải thích đúng bản chất của vấn đề. Nhà tôn giáo học Ninian Smart trong tác phẩm nổi tiếng “Các tôn giáo thế giới” cũng đã khẳng định: “Chiều kích xã hội của tôn giáo là một trong những chiều kích quan trọng nhất khi tiếp cận vào tôn giáo”. (31)
2. “…Tuyên chiến với tôn giáo là tự sát”. Một chân lý rút ra từ lịch sử tôn giáo thế giới hàng ngàn năm qua được lặp lại ở chế độ Ngô Đình Diệm. Bản chất của mối quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền Sài Gòn là thái độ, chính sách kỳ thị, bất bình đẳng tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Song cách giải quyết vấn đề của Diệm và chính quyền Sài Gòn theo quan điểm chính trị hóa: “Phật giáo đang bị Cộng sản chi phối, lợi dụng”. “Chỉ là một nhóm Phật giáo quá khích, nổi loạn” (32). “Sự khủng hoảng Phật giáo là vấn đề chính trị hoặc mang động cơ chính trị” (33). Mà không thấy rằng sức mạnh của Phật giáo năm 1963 là sức mạnh của văn hóa hơn 2.000 năm lịch sử dân tộc Việt Nam. Sử dụng bạo lực đối với Phật giáo Việt Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắn vào lịch sử mà “bắn vào lịch sử tức là bắn vào chính bản thân mình”.
3. Ngọn lửa “vị pháp quên thân, vì dân quên mình” của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã thắp sáng một triết lý sống của Phật giáo Việt Nam: “Nhập thế tích cực”. Vẫn còn những luận bàn khác nhau về ngọn lửa này. Nhiều nhà tôn giáo học, chính trị học, sử học nước ngoài có nhận định: “Việc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức để chống lại nhà cầm quyền độc tài Ngô Đình Diệm là hành động dũng cảm, anh hùng của một chính khách, nhưng không phù hợp với giáo lý Phật giáo Đại thừa đề cao tinh thần bất bạo động..”. (34)
Ngay cả Ninian Smart trong tác phẩm “Các tôn giáo thế giới” khi nói về sự kiện này cũng bình luận rằng: “việc tự thiêu là không phù hợp với đạo Phật” (35). Tôi không đồng ý với cách tiếp cận và bình luận như vậy, theo tôi, nhìn lại toàn bộ lịch sử Phật giáo Việt Nam, có thể nhận thấy “tinh thần nhập thế tích cực” luôn là lý tưởng và hành động sống của Phật giáo Việt Nam. Từ các nhà sư “Tinh thông tam giáo, đọc kỹ trăm nhà” thời Tiền Lê cho đến những nhân cách lớn của Phật giáo đời Lý – Trần đều thấm đẫm tinh thần đó trong hành trạng của mình. (36)
“Nhập thế”: Là “Hòa quang đồng trần”, là sống bình dị, trộn lẫn vào thế tục, còn “nhập thế tích cực” là hành động, cuộc sống luôn có trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc và sự phát triển xã hội, tham gia đóng góp lớn lao vào quốc kế, dân sinh.
Xin lấy một nhà sư tiêu biểu cho tinh thần này trong lịch sử Phật giáo Việt Nam là Tuệ Trung Thượng Sỹ - Trần Tung. Tuệ Trung Thượng Sỹ đã sống trong thời kỳ đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam với 3 lần đánh thắng quân Nguyên. Ông không chỉ là một nhà sư mà còn là một vị tướng có nhiều công trạng. Ông đã từng cùng Hưng Đạo Vương đem hai vạn quân đuổi giặc, đã từng tay không ung dung vào trại giặc, trá hàng, lừa địch,(37) để quân ta có thời gian củng cố lực lượng. Đó là hành động của người anh hùng đồng thời cũng là nhà sư vào sinh ra tử, coi cái sống, chết “tựa hòn bọt con”. Đó là thái độ của một nhà sư sống đầy sinh lực, mạnh mẽ, hết mình vì đời. Trong đời sống của Tuệ Trung Thượng Sỹ có sự thống nhất của hai mặt thật khác biệt là tâm linh như tiêu dao, thoát tục với hiện thực đầy năng động, bình dị. Vì thế, mà Trần Nhân Tông ca ngợi: “Ông trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng, chứ không trái hẳn với người đời” (38) và “Là con Quỷ Thiêng nơi vườn pháp”.” “... thấu suốt đến cội nguồn của tâm tính, tột cùng của Trí tuệ”.(39)
Nguồn gốc của tinh thần “Nhập thế tích cực” của Phật giáo Việt Nam có lẽ là khát vọng tự do thấm đẫm tính nhân văn của Phật giáo Việt Nam và phải chăng tự do chính là giải thoát, chính là giác ngộ? Và theo chúng tôi, chính tinh thần “Nhập thế tích cực” đã giúp cho nhân cách lớn của Phật giáo Việt Nam ra khỏi khuôn khổ ngôn ngữ ước lệ, vượt giới hạn giáo lý để đạt đến cái cốt tủy nhất, cuối cùng nhất của Phật giáo: Giác ngộ. Bồ-tát Thích Quảng Đức là một nhân cách lớn như vậy của Phật giáo Việt Nam. Hành động thắp sáng ngọn đuốc tự do từ trái tim nhân bản của ông đã vượt ra ngoài mọi giới hạn với mọi ước lệ của tôn giáo hoặc chính trị của đời thường.
4. Hiện nay, Phật giáo Việt Nam đã, đang đồng hành cùng dân tộc Việt Nam xây dựng một xã hội: Dân chủ, công bằng, hiện đại và văn minh. Một con đường dài gian khổ, khó khăn... Song với tinh thần “đồng hành cùng dân tộc”, “nhập thế tích cực” của phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam 50 năm qua vẫn là ngọn đuốc soi đường của Phật giáo Việt Nam và nhân dân Việt Nam vững bước trên con đường hướng tới tương lai với những mục tiêu, nhiệm vụ mới.
PGS.TS. Trương Văn Chung
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo
Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tập hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Mỹ: từ (1961 - 1963). Trang web: history.State.gov/ Department of State
2. Ninian Smart. The World’s Religion. Cambridge University Press. 1998.
3. Trang web: jhu.edu. / J. Robert Topmiller. Buddhist as Political Power.
4. Thích Thanh Từ. Thiền sư Việt Nam. Thành hội Phật giáo TPHCM, 1992.
5. Trương Văn Chung. Tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần. Nxb Chính Trị Quốc Gia. Hà Nội. 1998.
6. Lê Mạnh Thát (chủ biên). Bồ-tát Quảng Đức. Ngọn lửa và trái tim. Nxb Tổng Hợp Tp.HCM. 2005.
7. Uỷ ban Khoa học Xã hội. Viện Văn học. Thơ văn Lý – Trần. Nxb. KHXH. Hà Nội. Tập 2. Hà Nội, 1988.
8. Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm. Tuệ Trung Thượng Sỹ với Thiền tông Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học. TP.HCM. 1993.
9. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, 2. Nxb. Văn Học. Hà Nội. 1992.
1. History.state.gov/overview (1961 – 1963).
2. Document71: Telegram From The Department of State To The Embassy in viet Nam (web: history. State. Gov/Historical Document Foreign Relation of The United State).
3. Tài liệu số 141. Nguồn: Bộ Ngoại giao – POL 13-5 S viet/1961.
4. History State.gov/document 171/ POL- 14/6/1961.
5. Theo Nghị định 189/BNV/NA/P5 có hiệu lực từ 12/5/1958 của chính quyền Sài Gòn: “Cờ của các giáo phái tôn giáo chỉ được treo vào ngày lễ tại nơi thờ tự, nhà riêng với sự cho phép của chính quyền địa phương” (Heble).
6. Telegram 1006 từ Sài Gòn. Mã soosbid. SOC 14 -1 S viet.
7. Yêu cầu 5 điểm trong Tuyên ngôn của Tổng hội PGVN:
1. Hủy bỏ lệnh cấm treo cờ Phật giáo.
2. Phật tử phải được tự do tín ngưỡng.
3. Dừng ngay việc bắt bớ, khủng bố, đàn áp Tăng Ni, Phật tử.
4. Chính quyền phải bồi thường xứng đáng cho những người vô tội bị giết và trừng phạt kẻ chủ mưu của vụ giết người.
5. Nhà sư và tín đồ Phật giáo được phép tự do truyền đạo và hành đạo theo giáo pháp.
8. Roger Hilman – Thứ trưởng Ngoại giáo đặc trách Viễn đông sự vụ.
9. Văn thư số 161. Nguồn: Bộ Ngoại giao – POL 13-5 S viet.
10. Tài liệu số 162. Nguồn: Bộ Ngoại giao – POL 13-5 S viet.
11. Như đã dẫn ở chú thích 10.
12. Trueheart – Phó Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn.
13. Tài liệu số 163. Nguồn: Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam ibid. SOC 16-1.
14. Tài liệu số 164.. Nguồn: Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam ibid. SOC 16-1.
15. Tài liệu số 164. Nguồn: Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam. Tập tin SOC 164- 1 S viet.
16. nt…
17. Nguồn: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Tập tin SOC 147-1.
18. nt…….
19. Văn bản số 1146 Nguồn Bộ Ngoại giao. Tập tin POL 13- 5 S viet.
20. Nguồn: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Tập tin SOC 148-1 S viet.
21. Văn bản số 1148 nguồn: Đại sứ quán tại Việt Nam. Tập tin. SOC – 14 – 1 S viet.
22. Telegram số 1158: từ Sài Gòn. Tập tin SOC 14-1 Sviet/ngày 13/6.
23. Trung tâm lưu trữ quốc gia Washinton. RG 84. Đại sứ quán Sài Gòn.
24. nt.
25. Nguồn: Bộ Ngoại giao. Điện…………… Bộ Ngoại giao đến Đại sứ quán Sài Gòn. Tập tin trung tâm. POL 13-5 S viet (Văn bản số 166).
26. Bức điện tín được soạn thảo bởi B. Wood và Hilsman, được Hariman thông qua.
27. Nguồn: Bộ Ngoại giao. Điện tín từ Bộ Ngoại giao đến Đại sứ quán Sài Gòn. Tập tin Trung tâm. POL 13-5 S viet (văn bản số 167).
28. Trang web: jhu.edu/ Robert Topmiller / Buddhist a political power.
29. nt….
30. nt….
31. Ninian Smart. The World’s Religions. Cambridge University Dress. (Seconde Edition)1998. Trang 21.
32. Nguồn Bộ Ngoại giao Mỹ: Thư Tổng thống Diệm gửi Đại sứ quán Sài Gòn, tài liệu lưu trữ từ số 169. Tập tin SOC – 14 – 1 S viet.
33. nt.
34. Nguồn: Trang web: en.citizendium.org/Robert Topmiller.
35. Ninian Smart. Các tôn giáo trên thế giới. Cambridge University Press. USA. 1998. Trang 464.
36. Nhà sư thời Tiền Lê: Pháp Thuận (914-990) Khuông Việt thái sư (933 - 1011) Sư Vạn Hạnh (? - 1018). Nhà sư thời Lý – Trần: Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Trần Nhân Tông, v.v…
37. Phải chăng là trái với ngũ giới cấm của giáo lý Phật giáo?
38. Uỷ ban Khoa học Xã hội. Viện Văn học. Thơ văn Lý – Trần. Nxb. KHXH.. Hà Nội. 1988. Tập 2, trang 545.
39. Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm. Tuệ Trung Thượng Sỹ với Thiền tông Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học. TpHCM. 1993.