Năm 2008 là năm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu, như vậy Phật giáo có đứng bên lề của cuộc khủng hoảng đó không?
Câu hỏi này là mối quan tâm về phương diện ứng dụng của Phật giáo trong việc góp phần làm giảm tình trạng khủng hoảng toàn cầu, góp phần cho sự phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đảm bảo sự thịnh vượng và hạnh phúc vật chất cho con người.
Nếu hiểu Phật giáo theo hai hướng là Phật giáo thực tập và Phật giáo nhập thế thì cuộc khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu, mà trong đó tài chính đóng một vai trò quan trọng thì đạo Phật chẳng những không đứng bên lề xã hội mà bằng phương pháp tư duy, tầm nhìn về nhân quả của nền kinh tế thị trường đóng vai trò tối thiểu là tư vấn về mặt tâm linh và đạo đức cho cuộc khủng hoảng dễ dàng được vượt qua.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu là sự không tương thích của tổng cầu, tức là sự tiêu dùng của khách hàng đối với qui mô sản xuất được gọi là tổng cung dẫn đến tình trạng sản xuất nhiều mà người tiêu dùng không có. Từ đó, dẫn đến tình trạng vốn đầu tư bị thua lỗ, làm giảm tỷ suất lợi nhuận cũng như quyền lợi kinh tế và tiêu thụ dưới mức cần thiết mà xã hội cần có, đồng thời gây ra tình trạng thất nghiệp tăng cao trên khắp trên thế giới. Hiện nay, theo thống kê của các tổ chức thế giới có khoảng hai tỉ người đang lâm vào tình trạng thất nghiệp do hậu quả trực tiếp của sự suy thoái tài chính và kinh tế toàn cầu.
Cách đây một tháng, tại hội nghị trù bị đầu tiên cho đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2009 dự kiến sẽ được diễn ra vào ngày 4, 5, và 6 tháng 5 của năm nay, chúng tôi và ban thư ký của hội nghị đã đề xuất cho chủ đề mới năm nay là Phật giáo và sự khủng hoảng toàn cầu. Chúng tôi đề nghị chuyên đề phụ với nhiều diễn đàn để mời gọi các chuyên gia trên khắp thế giới cùng chia sẻ chất xám của mình, như mối quan tâm hàng đầu liên hệ đến hạnh phúc và khổ đau cho tất cả mọi người một cách trực tiếp hay gián tiếp. Trong đó, gồm các diễn đàn như: Phật giáo và sự khủng hoảng kinh tế, Phật giáo và sự khủng hoảng môi trường, Phật giáo và sự khủng hoảng chính trị, Phật giáo và sự khủng hoảng đời sống hạnh phúc gia đình…
Tất cả những chuyên đề đó thể hiện mối quan tâm về phương diện nhập thế của Phật giáo, nhằm tìm ra về phương diện lý thuyết lời dạy của đức Phật góp phần căn bản giúp cho tình trạng khủng hoảng đó có chỗ qui chiếu để dừng, và dựa trên nền tảng đó người ta có thể khôi phục lại những gì đã mất. Hoặc tối thiểu trong sự mất mát đó, nỗi khổ niềm đau của con người về phương diện cảm xúc và tinh thần không bị suy sụp, đồng hành với sự thua lỗ về phương diện vật chất được đầu tư trong các hình thái kinh doanh để mưu cầu lợi nhuận. Như vậy, về phương diện nhập thế, rõ ràng đạo Phật không đứng bên lề.
Một hình thái khác của đạo Phật cũng đóng vai trò khá quan trọng đó là Phật giáo thực tập, chỉ cho một hình thái đạo Phật truyền thống lấy con đường giác ngộ giải thoát làm mục tiêu thì đạo Phật đó vẫn không hề đứng bên lề cuộc sống. Bởi vì mỗi khi có sự khủng hoảng diễn ra, các nhà doanh nghiệp và nhiều thành phần kinh tế xã hội khác đều đi tìm những nhà tư vấn về tinh thần, tâm linh, trong đó có các nhà tâm linh của đạo Phật. Những nhà tâm linh này đến để chia sẻ các kỹ năng tâm lý, làm chủ và vượt qua cảm xúc bằng nhận thức chân chính, nhìn thấy sự vô thường của nền kinh tế cũng diễn ra giống như bao loại hình vô thường khác trong xã hội. Khi đó, thay vì ngồi than trời, trách đất, khổ đau, buồn tủi, chán nản, thất vọng, thậm chí có nhiều người phải tự tử để tìm một giải pháp thì dưới cái nhìn và tư vấn của nhà thực tập Phật giáo, họ sẽ có một điểm tựa tinh thần để vượt qua.
Hai cách thế trên đều cho thấy đạo Phật đóng vai trò khá năng động và tích cực. Nói cách khác, để cứu vãn xã hội ra khỏi khủng hoảng kinh tế, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình thì việc tư vấn về kinh tế và đời sống tâm linh có thể giúp cho những nhà doanh nghiệp lớn, nhỏ, và người lao động trong các doanh nghiệp đó có một điểm tựa tinh thần để vượt qua cơn khốn khó. Bản chất của đạo Phật là từ bi cứu khổ càng không thể nào dửng dưng trước nỗi khổ về khủng hoảng kinh tế toàn cầu, muốn mang lại niềm vui thì đạo Phật phải có vai trò hướng dẫn các kỹ năng thực tập để vượt qua khổ đau về vật chất vốn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của con người.
Khi nền kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng, mỗi quốc gia đều có bài toán kích cầu để khôi phục lại nền kinh tế của họ. Trong khi đó, Phật giáo lại đưa ra các học thuyết, quan điểm để diệt trừ lòng ham muốn. Như vậy, từ góc độ đó có phải Phật giáo và các triết thuyết kinh tế là hai mặt đối lập chăng?
Đây là một câu hỏi chuyên sâu liên hệ đến việc so sánh đối chiếu giữa con đường tâm linh của đạo Phật với các phương pháp kích cầu cho sự phát triển kinh tế về nhiều phương diện.
Trước nhất, cần nhận diện rằng có những đối lập mang tính cách hỗ trợ và những đối lập mang tính cách loại trừ. Trong tinh thần kêu gọi và hướng dẫn thực tập để chuyển hóa lòng tham dựa trên nền tảng không bị đắm nhiễm trong sự hưởng thụ từ phước báu, đạo Phật không hề có bất kỳ một học thuyết nào giải thích về việc phát triển tình trạng thiểu dục và tri túc sẽ dẫn đến việc loại trừ sự kích cầu của nền kinh tế. Khi con người có thái độ ít muốn và biết đủ, người ta sẽ hạn chế bớt các phương tiện tiêu dùng không cần thiết trong giai đoạn mà nền kinh tế toàn cầu đang bị khủng hoảng và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế tài chính của gia đình. Khi đó, chẳng những nó không phương hại đến kích cầu kinh tế mà ngược lại nó còn là một nghệ thuật để giữ vững hạnh phúc gia đình trong cơn lốc khủng hoảng.
Nếu hiểu kích cầu là một biện pháp để đẩy mạnh tiêu dùng công cộng trong quần chúng và là một nghệ thuật làm tăng tổng cầu, nghĩa là nhu cầu tiêu dùng trong quần chúng sẽ tạo nên sự kích thích và tăng trưởng nền kinh tế thì các biện pháp cắt giảm thuế từ phía chính phủ và kích thích thế nào để gia tăng sự chi tiêu sẽ là một nghệ thuật giúp khôi phục nền kinh tế vực dậy và đi lên. Trong tình huống đó, thái độ chuyển hóa lòng ham muốn tiêu cực của Phật giáo cũng là một nghệ thuật để hỗ trợ cho sự kích cầu nền kinh tế phát triển, nghĩa là ai cũng biết sở hữu của người khác là đáng trân trọng, và nỗ lực chân chính để làm giàu những sở hữu đó như một phương tiện phước báu; để sống hạnh phúc trong gia đình và ứng dụng trong xã hội về phương diện từ thiện lại càng được kích thích nhiều hơn.
Tu học Phật bằng con đường tâm linh, người Phật tử tại gia hoàn toàn không cần tiêu diệt lòng ham muốn nếu mục đích và giá trị của nó hướng về Chân- Thiện- Mỹ và nhiều ý nghĩa tích cực khác. Nếu hiểu đạo Phật tuyên truyền con đường diệt dục, nghĩa là diệt hết tất cả mọi ý muốn tốt hoặc xấu và liệt chúng vào lòng tham tiêu cực đó là một sai lầm. Đối với người xuất gia, ở mỗi quốc gia với tỉ lệ dân số chưa đến một phần trăm nghìn thì việc chuyển hóa lòng tham, sân và si là một nhu cầu không thể thiếu.
Đức Phật khích lệ mỗi chúng ta hãy gieo trồng phước báu để hưởng phước báu đó ngay trong đời sống hiện tại này và không bị đắm nhiễm vào nó, nghĩa là lòng tham chân chính, ước muốn chân thành và những mơ tưởng với lý tưởng cao đẹp cần được phát huy. Do bởi nó là sự kích cầu và là sự đầu tư phước báu cho đời sống ở hiện tại và tương lai. Đức Phật không hề yêu cầu người tại gia phải tiêu diệt các dục vọng nếu dục vọng đó là chân chính. Do đó, sự kích cầu kinh tế của nhà nước thông qua việc giảm thuế để người dân có thể tiêu dùng nhiều hơn hoàn toàn không đi ngược lại với tông chỉ chuyển hóa tâm thức của Phật giáo, và con đường chuyển hóa lòng tham mà đức Phật đã dạy cũng không hề phương hại đến kích cầu nền kinh tế chân chính ở các quốc gia trong giai đoạn hiện tại.
So sánh tình huống của nước Đức và Đài Loan trong vòng sáu tháng trở lại đây, hai quốc gia này hiện đang đi tiên phong về phát hành cổ phiếu dưới hình thức thay thế các sản phẩm tiêu dùng. Cổ phiếu được phát hành để kích cầu tiêu dùng trong quần chúng với mức giá giảm đi rất nhiều so với những năm trước. Mặc dù đang trong tình trạng khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng quần chúng vẫn có thể chi tiêu ở một mức độ tương đối giúp cho nền kinh tế được hồi phục, không bị chết nghẽn. Riêng các quốc gia khác vẫn còn đang thận trọng trước chính sách của hai quốc gia này.
Trong bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Barack Obama, vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, chúng ta cũng có thể thấy rõ chính sách của đảng phái này đặt mạnh về kích cầu kinh tế thông qua hai khuynh hướng:
Thứ nhất, cắt giảm chi tiêu về quân sự mà Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ của tổng thống George Bush bị lún lút sâu với các khoản nợ lớn nhất trên thế giới. Chính điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là Hoa Kỳ. Chính sách cắt giảm chi phí quân sự này bao gồm hai yếu tố, đó là phát triển và duy trì. Hoa Kỳ đã nghĩ đến kế hoạch rút quân khỏi Afganistan, Irac, Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới để góp phần giảm bớt chi tiêu về ngân sách. Vì cứ mỗi năm như thế, ngân sách đó có thể lên đến hàng trăm tỉ đô la.
Thứ hai, không cần phát triển thêm các căn cứ quân sự và chính trị mới ở nhiều nơi. Để làm được việc đó, tổng thống Barack Obama đã đề nghị không nên duy trì đơn cực về quyền lực chính trị và quân sự trên toàn cầu mà Hoa Kỳ hiện đang nắm giữ trong rất nhiều năm qua. Từ đó, có thể dẫn đến một cách thế phát triển mới, đó là phát triển đa cực về quyền lực toàn cầu. Do bởi sự phát triển đơn cực sẽ dẫn đến tình trạng các quốc gia kém hơn sẽ tạo thành những liên minh đối kháng lại Hoa Kỳ, dẫn đến nhiều biến cố và khủng hoảng khác.
Tạo thế phát triển đa cực để sự dàn trải về quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ không lâm vào tình trạng cạn kiệt mà bài toán tháo gỡ của nó là gói kích cầu trên 350 tỉ USD là hết sức cần thiết, và được xem như một cuộc mạo hiểm mới. Với chính sách đó, chúng tôi tin tưởng trong năm 2009, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ được vực dậy, phát triển về hòa bình song hành với đầu tư kinh tế theo chính sách mới của đảng Barack Obama cũng như trong giai đoạn mà cựu tổng thống Bill Clinton từng làm và thành công. Sự ảnh hưởng tích cực của chính sách đó trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế của những nước kém và đang phát triển cũng sẽ được vực dậy một cách đáng kể.
Từ cái nhìn trên, chúng ta thấy rõ Phật giáo không đi ngược lại với kích cầu kinh tế, vì đạo Phật dạy con người về phước báu, và phước báu đó phải được gắn liền với sự phát triển kinh tế. Do đó, các Phật tử được khích lệ nên dấn thân vào các loại hình kinh tế vi mô và vĩ mô để tạo phước báu thật nhiều mang hạnh phúc cho bản thân và người thân, sau đó là chia sẻ phước báu đó cho các thành phần cơ nhỡ, bất hạnh trong xã hội. Đạo Phật với quan niệm từ bi cứu khổ luôn gắn liền với sự kích cầu nền kinh tế một cách chân chính, giúp con người không bị đắm nhiễm vào trong sự hưởng thụ về nó.
Trong thời đại mới, điều kiện tiên quyết là điều kiện tài chính, như vậy sự phát triển của Phật giáo có chủ trương xây dựng kinh tế theo mô hình chùa chiền hay không? Nếu có thì sẽ như thế nào và nếu không đi theo mô hình này thì Phật giáo sẽ đi về đâu?
Các quốc gia mà đạo Phật phát triển như một ý thức tâm linh dưới sự lựa chọn của quần chúng thì việc phát triển kinh tế từ phía nhà chùa đã được thảo luận và ứng dụng từ lâu. Điển hình của khuynh hướng này là Phật giáo Nhật Bản, các nhà sư không chỉ là một nhà tâm linh, nhà tư vấn đạo đức, nhà văn hóa thực tập, nhà giáo dục mà còn là các nhà kinh tế giỏi với những khoản doanh thu hằng năm rất lớn. Các nhà sư này gần như không tiếp nhận sự cúng dường của đàn na thí chủ, mà còn đem nguồn doanh thu từ sức lao động chân chính thông qua học thuyết chánh mạng và chánh nghiệp của đạo Phật để làm từ thiện và giúp đỡ cho cộng đồng và xã hội. Riêng các quốc gia Phật giáo khác vẫn còn đang dọ dẫm với những bước đi thử nghiệm.
Hơn ba mươi năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện tại cũng thành lập Ban Kinh Tế Tài Chính để phát triển nền kinh tế tự túc, nhưng rất tiếc nền kinh tế đó vẫn phát triển chủ yếu là mây tre lá và tiểu thủ công nghiệp. Do đó, doanh thu và lợi nhuận từ kinh tế Phật giáo ủng hộ cho các hoạt động Phật sự của giáo hội chẳng đáng là bao. Năm 2008, công ty Thiện Tài -một công ty của Phật giáo đã cúng dường cho Giáo Hội khoảng trên 100 triệu. Đó là một khoản cúng khá đáng kể so với những năm trước, nhưng so với các doanh nghiệp phát tâm cúng dường cho các ngôi chùa thì con số này chỉ là hạt cát nhỏ giữa sa mạc hay giọt nước giữa biển khơi. Điều đó cho thấy mặc dù có chủ trương phát triển kinh tế tự túc của nhà chùa trong khuynh hướng hội nhập và toàn cầu hóa, nhưng đối với Phật giáo vẫn chỉ là những bước đi khởi đầu.
Trước tiên, cần thấy rõ kinh tế không phải là con đường duy nhất để mang lại hạnh phúc một cách lâu dài ngay cả khi đó là hạnh phúc vật chất. Xuất phát từ nhận thức điểm như thế để thấy rõ việc đầu tư về kinh tế đối với các ngôi chùa và Phật giáo nói chung chỉ là một phương tiện và công cụ chân chính. Nó không phải là mục đích cứu cánh như phần lớn những người tại gia, điển hình là các doanh nghiệp đầu tư để tìm khoản lợi và sau đó bị quay cuồng, cuốn hút trong cơn lốc kinh tế với những bước thăng trầm, mà đỉnh cao nhất của cuộc khủng hoảng là năm 2008 và dự kiến sẽ còn kéo dài đến năm 2009 này.
Cách đây khoảng hai tháng, tại chùa Vĩnh Nghiêm, Ban Kinh Tế Tài Chính của Giáo Hội đã mời các chuyên gia dự buổi họp thảo luận về phát triển kinh tế Phật giáo. Tôi được phân công phát biểu và chia sẻ ở góc độ về tư duy bản thân và việc làm thế nào để kích cầu nền kinh tế Phật giáo. Ngày hôm đó, tôi đã trình bày khoảng 30 phút với nhiều góc độ khác nhau được tóm tắt trên ba phương diện chính:
1. Phật giáo đang bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế chân chính thông qua con đường giáo dục. Giáo dục gồm nhiều cách, trong đó trường mẫu giáo là một phương tiện mà ngôi chùa nào đầu tư ngoài giá trị kinh tế đạt được, họ còn đủ sức trang trải cho sự chi dùng và tu học đầy đủ cho cả chùa. Khi con em được gởi đến trường mẫu giáo Phật học, ngoài việc tăng trưởng về thể hình, có đạo đức, hiếu kính với cha mẹ do được học những bài kinh và ý tưởng của Phật giáo về sự hiếu kính, xem như gia đình đó có khuynh hướng trở thành người Phật tử là điều có thể nắm chắc tối thiểu từ 85% trở lên. Nếu lập hàng loạt các trường tư thục và dân lập của Phật giáo từ cấp tiểu học, trung học, cao đẳng chuyên ngành, cao đẳng nghề, cử nhân, tiến sĩ thì tin chắc rằng ta có thể lồng ghép và giới thiệu tư tưởng Phật học trong các ngành học mà người giảng dạy vận dụng một cách khéo léo để đưa vào. Ngoài giá trị kinh tế từ giáo dục chân chính, còn có được giá trị truyền bá con đường tâm linh của Phật giáo, tức là tăng trưởng thêm số lượng quần chúng trong lĩnh vực đầu tư này.
Trước năm 1975, nước ta có hệ thống trường trung học Bồ Đề, nhưng hiện nay hầu như người ta đang bỏ quên và không hề nghĩ đến việc thiết lập một hệ thống tương tự dưới hình thức dân lập và tư thục. Về phía Giáo Hội gần như không có bất kỳ một phương án hay kế hoạch nào cho việc đầu tư loại hình kinh tế này, mà vốn nó có thể giúp tăng trưởng giá trị hoằng pháp và giáo dục.
2. Phát triển kinh tế thông qua con đường văn hóa. Chúng tôi có đề nghị Phật giáo nên thiết lập hệ thống các siêu thị văn hóa Phật giáo mà hiện đang còn bị bỏ ngõ rất lớn với nhiều tiềm năng, khoản đầu tư ít nhưng mang lại lợi nhuận nhiều đang mở cửa và chào đón chúng ta.
Ở Ấn Độ, Tích Lan, Tây Tạng cho đến những quốc gia Đại thừa như Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản và Đài Loan, chùa chiền được xem là những địa điểm du lịch rộng khắp các quận huyện như là di sản văn hóa của quốc gia. Tại các ngôi chùa đó, hầu hết đều bày bán quà lưu niệm văn hóa Phật giáo, để người hành khách sau khi trở về từ những chuyến đi có một kỉ vật làm kỉ niệm, đồng thời để lại ấn tượng khi tặng biếu cho người khác. Ngoài ra, giá trị của tặng phẩm đó còn là một biểu hiện của văn hóa tâm linh, và lợi nhuận kinh tế từ việc đầu tư này rất cao.
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có bất kỳ một ngôi chùa nào có sản phẩm quà lưu niệm mang tính chất văn hóa thuần túy Việt Nam. Ngôi chùa nào có phòng phát hành hoặc nhà sách cũng chỉ mang hình thức kinh doanh giản đơn với diện tích tối đa khoảng 10, 20, hoặc 30 mét vuông và bày bán các mặt hàng chẳng đặc sắc gì. Các mặt hàng này hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ mạt, hướng về lợi nhuận là chính mà không tạo nét riêng cho văn hóa Việt Nam. Sau một thời gian làm kinh tế theo dạng này, chúng ta đang bị nô lệ về văn hóa dù đó là văn hóa Phật giáo. Tâm lý, ý thức cộng đồng và dân tộc luôn có chiều hướng thích ứng với những gì thuộc về bản sắc hơn là sự nhập cảng ngoại lai từ một quốc gia khác. Chính vì thế, độ thẩm thấu của nền văn hóa Phật giáo chưa ảnh hưởng và lan rộng đến đời sống kinh tế và văn hóa của người dân trong nước, mà trên thực tế ta đang bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc rất nhiều.
Các nhà doanh nghiệp lớn nếu mạnh dạn đầu tư, tạo ra các loại hình nghệ thuật như tượng Phật, chuông, trống, áo tràng, giày dép, pháp khí, Phật cụ, kinh sách, băng đĩa Phật giáo v.v… theo một hướng riêng của nền văn hóa Việt Nam thì chúng tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách ngoại quốc khi có mặt tại đây, một quốc gia có chiều dài truyền bá Phật giáo trên hai nghìn năm qua. Bằng không, du khách sẽ có cảm giác như đang lạc vào một thế giới Trung Quốc thu nhỏ. Chúng tôi đang khích lệ sự kích cầu đầu tư cho phát triển kinh tế với một nét riêng thông qua việc phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trên toàn quốc, nếu mỗi tỉnh thành đều có một siêu thị văn hóa Phật giáo tầm cỡ như Metro, Coopmart, hoặc tiêu chuẩn như Legend v.v… thì chắc chắn đó chính là một phương tiện truyền thông hoằng pháp cực kỳ có giá trị cho đạo Phật.
Trong phiên họp cuối năm của Hội đồng Trị sự với lãnh đạo của 55 tỉnh thành Phật giáo và khoảng 400 vị chư tôn đức tham dự, có một báo cáo từ Hòa thượng Trưởng ban Trị sự tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện các ngôi chùa ở Tiền Giang, đặc biệt là chùa Vĩnh Tràng có số lượng du khách vào loại lớn nhất tỉnh. Thế nhưng tại đây lại không được phép lưu hành, bày bán băng đĩa giảng pháp của các nhà sư Phật giáo với lý do các loại băng đĩa này không có tem cùng nội dung chưa được kiểm duyệt sẽ không đảm bảo tư tưởng Phật học được truyền bá, và sự công bằng kinh tế về nghĩa vụ nộp thuế mà hiện nó được xem như là quốc sách. Dĩ nhiên, ngoài lý do này còn có những lý do khác thầm lặng từ bên trong, nhưng theo quan điểm của Trưởng ban Trị sự tỉnh thì điều này không nên quá hà khắc. Bởi lẽ trên toàn quốc và đặc biệt 55 tỉnh thành có Phật giáo thì không tỉnh thành nào lại cấm bày bán băng đĩa không có tem, vì lợi nhuận kinh tế từ loại hình này chẳng đáng là bao.
Nhân chuyến hành hương đầu năm vào ngày mồng 2 tết vừa qua, chúng tôi có dịp được nghe Hòa thượng Trưởng ban Trị sự bộc bạch và chia sẻ rằng, phương tiện băng giảng đóng vai trò thay thế người giảng sư hay có thể gọi là “giảng sư di động” trong thế giới đa phương tiện truyền thông như hiện nay. Bởi lẽ người giảng sư không thể có mặt trong mọi ngõ ngách của xã hội, vùng sâu, vùng cao hoặc vùng xa thì băng giảng sẽ thay thế công việc đó, giúp khai tâm mở trí cho người chưa có phương tiện đến với đạo Phật mà thông qua băng giảng họ sẽ là những người Phật tử. Đây là mối quan tâm hàng đầu của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự tỉnh Tiền Giang mà theo chúng tôi là rất cần thiết và nên được chính phủ quan tâm nhiều hơn. Có những thứ cần thiết phải hà khắc nhưng có những thứ càng hà khắc nhiều, ảnh hưởng đến khủng hoảng càng cao và đồng thời không có lợi cho cả hai. Do đó, việc đầu tư và phát triển kinh tế thông qua các loại hình văn hóa như thế rất có ý nghĩa.
3. Phát triển kinh tế thông qua con đường tín ngưỡng mà lịch sử phát triển Phật giáo trong mấy nghìn năm qua cũng đang đặt ra vấn đề này. Tín ngưỡng liên hệ nhiều đến tống táng mà hiện Nhật Bản đang bị sa lầy bởi con đường tín ngưỡng tống táng này. Dưới cái nhìn của Hòa thượng chủ tịch Hội nghị Phật giáo thế giới trong bài diễn văn khai mạc vào ngày 01 tháng 11 năm 2008 tại Kobe thì Phật giáo Nhật Bản với truyền thống văn hóa mấy nghìn năm bây giờ lại trở thành Phật giáo lễ tang.
Ở Nhật Bản, các lễ tang gắn liền với Phật giáo hầu như được tổ chức một cách linh đình, trong khi suốt cả quãng đời thanh niên của một con người thì Phật giáo lại không quan tâm đúng mức. Người Nhật thường làm lễ thôi nôi, sinh nhật tại các ngôi đền của thần đạo, làm lễ cưới tại nhà thờ ngay cả khi họ là Phật tử, và làm đám tang trọng thể với nhiều nhà sư tụng niệm, bái sám tại các ngôi chùa. Như thế, Phật giáo với con đường cứu sanh độ thế nay chỉ còn là con đường cứu tử, và người ta chỉ hưởng được giá trị mà đạo Phật mang lại vào cuối quãng đời già-bệnh-chết. Dĩ nhiên, vai trò của đạo Phật với quãng đời già-bệnh-chết cũng thể hiện lòng từ bi và cách thức nhập thế trong tiến trình tái sinh, huấn luyện về nghiệp; nhưng với quãng đời mấy mươi năm còn lại, hầu như người ta không quan tâm và giúp cho giới trẻ có định hướng về kinh tế, phát triển nghề nghiệp cũng như có được các giá trị tâm linh và đạo đức góp phần giữ vững nền văn hóa dân tộc.
Do đó, phát triển kinh tế về phương diện này ở một thái cực cũng đồng nghĩa với việc làm cho đạo Phật bị ảnh hưởng bởi nền tín ngưỡng dân gian mà vốn nó được xem như những dây tùng gửi nhưng lại được đánh đồng như thân cội Bồ Đề. Đó là một thương tổn cho đạo Phật, dẫn đến việc quần chúng đã xa lánh đạo Phật với sự mê tín dị đoan, chỉ đáp ứng cho những thành phần bình dân và ít học trong xã hội. Chúng ta có thể đầu tư vào một hình thức tín ngưỡng mới đó là các nhà quàng, nhà tang lễ, nhà thiêu, nơi thờ phượng cốt nhưng không nhấn mạnh về góc độ kinh tế, mà nhấn mạnh về phương tiện hoằng pháp; cách thức hướng dẫn như thế nào để sau tang lễ cả gia đình đó trở thành người Phật tử. Nếu chúng ta không nhấn mạnh về phương tiện hoằng pháp thì con đường kinh tế thông qua tín ngưỡng của lễ tang sẽ dẫn đến tình trạng sau 49 ngày, người tang môn hiếu quyến sẽ không đến chùa nữa; và hiện trạng trên là một thực tế đang diễn ra khá phổ biến tại các ngôi chùa hiện nay.
Cơ hội phát triển dịch vụ này vẫn còn đang bỏ ngõ, và nếu chúng ta không mạnh dạn đầu tư thì cơ hội sẽ dành cho những việt kiều có gốc rễ Thiên Chúa giáo và Tin Lành hiện đang làm rất thành công tại Mỹ và Úc có thể sẽ đầu tư tại Việt Nam trong tương lai. Nếu đạo Phật thực hiện được công việc tang lễ quá tốt thì những gia đình có tín ngưỡng tôn giáo khác có thể từ bỏ tôn giáo của họ để đến với đạo Phật. Nhấn mạnh góc độ này như một nghệ thuật hoằng pháp ngoài các yếu tố kinh tế còn có được nhiều giá trị khác. Tóm lại, nếu chúng ta phát triển một cách đồng bộ, có chính sách và xem ba phương diện giáo dục, hoằng hóa, và tín ngưỡng là cơ sở để truyền bá đạo Phật thì ngoài lợi nhuận kinh tế chân chính từ chánh nghiệp và chánh mạng, chúng ta sẽ là người mang ánh sáng đến cho quần chúng và sự lựa chọn giá trị tâm linh của quần chúng Việt Nam trong tương lai chắc chắn sẽ là đạo Phật, như nó đã từng có mặt trong quá khứ từ thời Lý và Trần.
Trong các kinh sách Phật giáo đề cập rất ít và dường như bỏ qua đến vấn đề kinh tế. Như vậy, nếu chúng ta khuyến khích làm kinh tế Phật giáo để phát triển theo xu thế chung thì điều đó có trái với quan điểm Phật giáo chính thống không?
Câu hỏi được đặt ra giữa một bên là học thuyết gắn liền với tính truyền thống thể hiện qua lời kinh Phật dạy và một bên là nhu cầu kinh tế phát triển, làm giàu, tăng trưởng phước báu để con người có thể sống thoải mái trong hạnh phúc, đồng thời chia sẻ hạnh phúc của mình cho những thành phần cơ nhỡ, khó khăn trong xã hội. Tuy nhiên, cần nhận diện rõ bối cảnh văn hoá lịch sử trong thời đức Phật vốn khác xa so với văn hoá lịch sử trong thời đại chúng ta đang sống. Nếu áp dụng rập khuôn mô hình truyền thống của 26 thế kỷ trước và buộc Phật giáo phải đi theo là một kỳ vọng quá lý tưởng nhưng không hề có cơ sở hiện thực.
Trở lại lịch sử thời đức Phật, trong giai đoạn đầu, mỗi ngày các tu sĩ ngủ dưới gốc cây một lần để thực tập giảm thiểu sự chấp trước về phương diện tham ái với phương tiện tối thiểu nhất mà một nhà sư có thể sử dụng để tu tập và chuyển hoá. Điều đó dẫn đến tình trạng Phật giáo hình thành một cơ chế định hình xã hội, có tịnh xá, tu viện, tăng sĩ và sinh hoạt thường trực của quần chúng; từ việc tăng sĩ đến tận nơi để thuyết giảng trở thành phương tiện khiến quần chúng phải đến chùa học hỏi và tu tập. Sau vài năm hoằng truyền Phật pháp cho thấy rõ sự thay đổi căn bản như thế, luật của đạo Phật đã hình thành một cách có hệ thống, hoàn chỉnh và được xem như một hệ thống luật bằng văn bản đầu tiên trên toàn cầu. Từ một cơ chế du mục trong đời sống tâm linh vốn chịu ảnh hưởng khắt khe từ nền văn hoá tâm linh của Ấn Độ chuyển sang một cơ chế định hình, cần có cái nhìn thoáng rộng trong bối cảnh văn hoá và lịch sử ảnh hưởng từ nhiều chiều kích kinh tế, chính trị ở mỗi quốc gia khác nhau, không thể buộc phải là một bản sao trong thời đại đức Phật. Từ góc độ này, nên mạnh dạn phát triển về kinh tế đặc biệt dưới ba góc độ mà chúng tôi vừa đề nghị là thông qua con đường giáo dục, văn hoá và tín ngưỡng góp phần đưa đạo Phật đi vào mọi ngõ ngách trong cuộc đời.
Hằng năm, vào ngày lễ Valentine 14 tháng 2 được gọi là lễ hội tình yêu toàn cầu với nguồn gốc của nó bị pha cấm trong rất nhiều năm qua. Nó có điển tích từ một vị Linh mục yêu say đắm, cuồng nhiệt một tín đồ nữ của mình khi bị cầm tù trong ngục, và cho đến trước khi chết ông vẫn thể hiện cảm xúc yêu thương mãnh liệt với cô gái đó. Từ cuộc tình vụng trộm này, Vatican đã cấm không cho truyền bá nền văn hoá tình yêu vào ngày 14 tháng 02. Thế nhưng trải qua thời gian, bây giờ người ta đành phải chấp nhận và xem nó như là một phương tiện để truyền bá Thiên Chúa giáo trên toàn trên thế giới.
Ngày nay, dựa vào sự phát triển kinh tế thông qua các lễ hội văn hoá, đặc biệt là ngày lễ tình yêu là nghệ thuật để truyền bá tôn giáo nhanh nhất. Vì tình yêu trở thành cộng nghiệp chung của nhân loại và các loài động vật có mặt trên hành tinh này; thành phần, lứa tuổi, giới tính nào hầu như đều có nhu cầu và cấp độ tình yêu khác nhau. Chính vì thế, các nhà đầu tư Thiên Chúa giáo đã phát triển rầm rộ nền văn hoá 14 tháng 02 tại các nước châu Á trong vòng 5 năm trở lại đây, và kết quả đạt được khá đáng kể so với thời điểm 6 năm về trước, Vatican từng thất bại hoàn toàn. Tại châu Á, trong thời điểm 6 năm về trước, họ đã đầu tư vật lực, nhân lực và tài lực mà kết quả thành công chưa đến 5%; trong khi tại châu Phi, chi phí đầu tư thấp hơn nhiều nhưng kết quả lại đạt đến 80%. Vatican từ việc kháng cự và cấm đoán ngày lễ tình yêu dẫn đến việc chấp nhận bằng văn bản để đưa nền văn hóa Thiên Chúa giáo có mặt khắp mọi nơi và mọi chốn.
Nếu biết tận dụng các phương diện kinh tế chân chính theo đúng tinh thần chánh mạng thì chẳng những nó không đi ngược lại với tông chỉ và lời dạy căn bản của đạo Phật, mà còn làm cho đạo Phật trở thành sự lựa chọn của quần chúng. Toàn cầu hóa về kinh tế dẫn đến toàn cầu hóa về tôn giáo và chính trị, nếu trước đây người ta quan niệm “Thương trường là chiến trường” thì bây giờ người ta lại quan niệm phải là một thương trường xanh; có sự kích cầu tương tác theo chiều hướng của duyên khởi. Từ đó tạo ra sự lan tỏa mà ai khéo đầu tư, biết đánh vào thị hiếu người tiêu dùng với mẫu mã quảng cáo, khuyến mãi ấn tượng thì người đó có cơ hội đưa văn hóa tôn giáo và dân tộc của mình đến với các sắc dân, xóa bỏ ranh giới phân biệt về sắc tộc, địa lý… đồng thời thông qua đó rút ngắn được con đường truyền bá là một hiện thực.
Vấn đề là mục đích và giá trị sử dụng khoản đầu tư từ kinh tế Phật giáo chân chính là gì? Chúng ta có nên đầu tư vào kinh tế Phật giáo hay không? Nếu khoản lợi nhuận đó được phục vụ cho các hoạt động từ thiện xã hội và phát triển văn hóa tâm linh thì chẳng có lý do gì chúng ta lại không làm. Thực tế, quý vị để ý xem, chưa có một quyển sách nào của đức Đạt-lai Lạt-ma chỉ đơn thuần phát hành cho ấn tống, mà nó được bán ra trên khắp thế giới. Tác quyền từ sách của đức Đạt-lai Lạt-ma và thiền sư Nhất Hạnh có quyển lên đến hàng triệu đô la, nhưng chẳng ai dám cho rằng làm như thế là trái với tinh thần bố thí của đạo Phật. Bởi với khoản tác quyền hàng triệu đô la đó, đức Đạt-lai Lạt-ma đã truyền bá nền văn hóa tâm linh của Tây Tạng rộng khắp toàn cầu; và với khoản nhuận bút của thiền sư Nhất Hạnh, mỗi chuyến hoằng pháp tại nhiều nước trên thế giới, thiền sư đều mang theo hàng trăm vị tu sĩ như một minh họa cho pháp môn và sự hành trì mà kết quả đạt được là sự ảnh hưởng tâm lý trong quần chúng rất cao.
Với mô hình trên, có người cho rằng đó là sự biểu dương lực lượng, là sự phô bày hoặc ảnh hưởng, nhưng trên thực tế nó là một bản sao của thời đại đức Phật. Trong các bản kinh, đặc biệt là kinh A-di-đà, các kinh đại thừa và thậm chí là kinh tạng Pàli thì phần mở đầu luôn có một đoạn mô tả về đức Phật cùng với 1250 vị tỳ kheo tùy tùng. Như thế, ai dám khẳng định rằng đức Phật ngày xưa đã biểu dương lực lượng? Bởi đây chính là sự minh họa để quần chúng nhìn thấy rõ hình ảnh các nhà sư với chân trần, đầu trọc, ăn mặc giản đơn, chi tiêu trong xã hội gần như không có; thế mà họ vẫn có được niềm vui, nụ cười, an lạc, tĩnh tại, thong dong trong từng bước đi và cuộc sống. Đây chính là sự xác quyết “Trăm lời nói không bằng một minh chứng”.
Do đó, sử dụng các khoản lợi nhuận từ kinh tế chân chính để làm đạo và truyền bá Phật pháp là một nhu cầu không thể thiếu trong thời hiện đại này. Nếu như các hoạt động kinh tế của Phật giáo có tác quyền thì ta không nên quá khắt khe cho rằng các vị tu sĩ hoặc cư sĩ đó không làm đúng theo tinh thần bố thí tài và pháp mà đức Phật đã dạy. Ngày nay, trong bối cảnh kinh tế và văn hóa của các nước phương Tây, những gì mang hình thức tặng biếu lại thường không có giá trị, nó hoàn toàn ngược lại so với nền văn hóa của những nước chậm phát triển.
Để có cơ hội được nghe một bài pháp thoại của đức Đạt-lai Lạt-ma với số lượng từ 40.000 cho đến 60.000 chỗ ngồi và giá vé từ vài trăm đô la, người ta phải đặt mua vé trước gần một năm mới hy vọng có chỗ. Nền văn hóa của phương Tây là thế, bỏ tiền ra để nghe một bài pháp thì họ phải tận dụng cơ hội sử dụng đồng tiền của mình cho xứng đáng bằng cách lắng nghe chăm chú hơn; và khi lắng nghe chăm chú thì mức độ thẩm thấu các giá trị tâm linh sẽ nhiều hơn. Do đó, chúng ta không thể nhận định một cách cực đoan rằng đức Đạt-lai Lạt-ma đang bán Phật pháp để thu lợi nhuận.
Những thiền sinh tham dự khóa tu do Thiền sư Nhất Hạnh tổ chức tại những nước phương Tây cũng đều phải trả tiền. Có như thế, họ mới ý thức việc tu học một cách nghiêm túc hơn. Nền văn hóa phương Tây xem việc thu lại khoản lợi nhuận từ sự đầu tư thực tập Phật pháp là giá trị tâm linh, trí tuệ, và giá trị xử lý những tình huống bế tắc trong xã hội mà chỉ có các nhà tâm linh lớn mới có thể giúp họ tìm ra giải pháp. Nói tóm lại, bản chất của kinh tế không có tội, vấn đề là sử dụng khoản lợi nhuận từ kinh tế cho mục đích gì mới là điều đáng phải quan tâm. Nếu giá trị đầu tư và sử dụng hợp lý, chân chính thì chẳng những ta không nên phê bình, chỉ trích, mà trái lại nên khích lệ và tùy hỷ nhiều hơn.
Trước đây, con có người bạn làm chung ở công ty, bạn con dồn vốn vào việc đầu tư chứng khoán nhưng chẳng may bị thua lỗ cùng với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Trước tình cảnh đó, bạn con đã sử dụng và chiếm đoạt tiền của công ty để tiếp tục đầu tư vào chứng khoán, hầu mong lấy lại vốn ban đầu. Về phía lãnh đạo của công ty chưa phát hiện, chỉ có con là người biết được sự việc này. Con đã đưa ra lời khuyên nhưng chị ấy không nghe. Vậy con phải làm gì để giúp chị ấy có cơ hội làm lại từ đầu?
Trước tình huống này, chúng tôi nhận thấy có một phần cảm thông và một phần cũng cần phải thẳng thắn. Sự cảm thông đầu tiền là người chơi chứng khoán thiếu kinh nghiệm, dấn thân vào một canh bạc mà không biết khi nào nên đầu tư, khi nào có lãi, khi nào bị thua lỗ và khi nào thì nên dừng. Do vì người chơi tiếc nuối khoản thua lỗ trong canh bạc chứng khoán, và mong muốn gỡ gạc lại những gì đã mất dẫn đến chiếm dụng vốn bất hợp pháp của công ty. Từ cái nhìn của đạo Phật, điều này được xem như vi phạm vào giới trộm cắp là một trong năm điều đạo đức cần phải giữ đối với người tại gia.
Nếu đây là sự vay vốn của công ty bằng một hợp đồng với những điều kiện thỏa thuận cụ thể thì không được xem là sai phạm, nhưng trong tình huống này cho thấy việc sử dụng trái phép nguồn vốn đầu tư là thiếu sự trung thực cần có của một người Phật tử. Nguyên nhân dẫn đến hành động trên gồm ba yếu tố:
- Vì lòng tham với mong muốn gỡ gạc lại vốn bị thua lỗ.
- Vì sự tức khí đính kèm với lòng sân, tại sao ta bị thua lỗ mãi và phải cố gắng chứng tỏ rằng mình vẫn còn khả năng chơi.
- Vì không biết dừng do bởi lòng si.
Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang lâm vào sự khủng hoảng với phần lớn doanh nhân đang có nguy cơ lao đao, phá sản. Qua sự việc này cũng cho thấy ban lãnh đạo điều hành công ty có quá nhiều lỗ hỗng, dẫn đến việc quyền lợi chân chính của các cổ đông trong công ty không được khích lệ và khen thưởng công bằng. Đó là một tình trạng bất công trong xã hội về phương diện kinh tế mà người Phật tử cần tôn trọng và không vi phạm.
Trong năm 2008 có hai sự kiện gây tai tiếng trên toàn cầu, đó là sự sụp đổ của công ty Enron và Worldcom của Hoa Kỳ đã chiếm dụng vốn của cổ đông nhằm tạo ảnh hưởng cho chính mình trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Sau khi bị phát hiện, hai công ty đó đã phá sản hoàn toàn và các cổ đông đầu tư do những báo cáo sai, do những tay cò mồi về chứng khoán không chân chính đã trở nên trắng tay. Ngay cả chính phủ Mỹ hiện vẫn chưa đủ sức hỗ trợ họ trong việc gầy dựng lại nền kinh tế, thông qua việc đầu tư cổ phiếu mà trên thực tế đã bị thua lỗ 100%.
Từ cái nhìn của Phật giáo, người đặt câu hỏi có thể khuyên người bạn của mình nên nhận diện rõ hai yếu tố:
1. Nếu tôn trọng và hiểu qui luật nhân quả theo hai khuynh hướng là luật pháp và thực tế, ta có thể qua mặt được luật pháp, trước nhất là qua mặt được lãnh đạo của công ty, nhưng ta không thể nào qua mặt được nhân quả sẽ diễn ra với mình trong hiện tại và tương lai. Hậu quả trực tiếp của nó là sau này nếu ta có làm ăn thành công, cũng sẽ bị các nhân viên, đối tác trực tiếp hay gián tiếp ăn cắp lại vốn mà ta không phát hiện.
2. Những tài sản phi pháp mà ta ăn cắp thành công thông qua việc đầu tư không chân chính về phương diện đạo đức, như lời đức Phật dạy sẽ bị tiêu hủy bằng bốn cách: hỏa hoạn hay lũ lụt, tiêu xài hoang phí, bệnh tật và tai nạn dẫn đến tình trạng “Của thiên trả địa”, “Vào cửa trước ra cửa sau” là một hệ quả tất yếu. Khi có được khoản lợi trước mắt, người ta dễ dàng bỏ qua hoặc không quan tâm “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, nhưng đến khi quả xấu đã trổ với mình rồi thì khi ấy dù có hối hận cũng đã quá muộn màng. Đức Phật từng răn nhắc trong kinh Pháp Cú như sau:
“Người ngu nghĩ hạnh phúc
Khi quả xấu chưa chín muồi.
Người ngu thấy bất hạnh
Khi quả xấu được trổ”.
Điều này ta không nên xem thường, vì qui luật nhân quả là cán cân công bằng quyết định cho tất cả mọi thứ, cho dù luật pháp có bị lũng đoạn thế nào bởi tham nhũng, ô dù thì người ta vẫn không thể nào qua mặt được nhân quả. Với nhận thức đó, người đầu tư phi pháp nên từ bỏ ý định gỡ gạc để thoát khỏi canh bạc mà tương lai hầu như không có, do ta thiếu kinh nghiệm và thông tin để có thể làm giàu trên sự mạo hiểm của nền kinh tế thị trường chứng khoán.
Đạo Phật thực hiện sứ mệnh giúp giải trừ khổ đau và mang niềm vui đến cho tha nhân. Nếu người Phật tử là giám đốc, lãnh đạo một công ty hoặc tập đoàn lớn trong bối cảnh nền kinh tế bị khủng hoảng chung, buộc lòng họ phải cắt giảm nhân sự và sa thải công nhân. Những công nhân bị rơi vào tình huống bị sa thải như thế, họ sẽ rất buồn khổ, nếu thầy ở cương vị của một vị lãnh đạo công ty hay tập đoàn đó thì thầy sẽ xử lý ra sao?
Ở nước ta, hiện các tu sĩ Phật giáo thành lập công ty đếm trên đầu ngón tay, vì các lý do tế nhị như chưa thấy được giá trị trong việc sử dụng khoản lãi chân chính để làm các Phật sự, cũng như chưa được sự đồng tình lớn trong quần chúng và các vị tôn túc trong Phật giáo nói chung. Trong tình trạng khủng hoảng tài chính như hiện nay, bài toán cân đối thu chi của các doanh nghiệp khiến ban lãnh đạo hoặc giám đốc doanh nghiệp có những quyết định như hạ lương, giảm tiền thưởng, cắt giảm và sa thải nhân viên với nhiều lý do không chân chính. Vấn đề đặt ra là sự ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến kinh tế gia đình, đồng thời kéo theo sự khủng hoảng của hạnh phúc lứa đôi, mối quan hệ giữa người thân và các thành viên trong gia đình người lao động đó.
Từ cái nhìn của Phật giáo, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp hãy suy nghĩ và lựa chọn một trong hai giải pháp:
- Đảm bảo lợi nhuận của đầu tư kinh tế.
- Giảm thiểu sự thiệt hại để duy trì và phát triển sản xuất.
Hầu như phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp đã chọn giải pháp thứ nhất, tức là cắt giảm để đảm bảo lợi nhuận. Bởi họ nghĩ rằng đầu tư kinh tế là nhằm mục đích kiếm lợi nhuận, trong khi công nhân và người đối tác chỉ là một phương tiện, không có người này cũng sẽ có người khác thay thế vào. Do đó, việc cắt giảm đối với họ đôi lúc là sự nhẫn tâm nhưng đôi lúc lại là sự cần thiết, bởi lẽ mối quan tâm hàng đầu của họ là tìm kiếm những khoản lời, chứ không phải thông qua việc xác lập nền tảng kinh tế giúp đỡ người lao động.
Trong giải pháp thứ hai, ta có thể thực hiện bằng cách tìm những hoạt động khác không có lãi để duy trì sản xuất. Thời gian vừa qua, nhiều Phật tử điện thoại gặp tôi với mục đích vừa chào mời vừa tâm sự như sau:
- Thầy ơi, dạo này thị trường đĩa bị giảm nhiều lắm, chúng tôi là giám đốc doanh nghiệp chuyên cung cấp đĩa, nếu cần sản xuất băng đĩa của thầy, làm Đại Tạng kinh Mp3, hoặc bài giảng của những vị pháp sư khác thì xin liên lạc với công ty chúng tôi. Bây giờ cắt giảm công nhân thì tội anh em quá, nhưng nuôi họ cũng đồng nghĩa với việc chất đá lên trên chiếc thuyền đang bị ngã nghiêng trong cơn lốc sóng to gió lớn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu; dẫn đến việc chiếc thuyền đó sẽ bị chìm sớm hơn dự định. Mong thầy tạo cơ hội cho chúng tôi để giúp anh em công nhân có công ăn việc làm, chúng tôi không cần lấy lãi và thậm chí có thể bù lỗ chút ít để công việc được duy trì, có thể kéo dài ít nhất thêm một năm nữa để vượt qua khủng hoảng.
Từ tình huống trên cho thấy lãnh đạo của các doanh nghiệp này có cái nhìn đạo đức và trách nhiệm trước diễn tiến khổ đau có thể xảy ra từ việc cắt giảm nhân sự. Nếu phát xuất từ một tâm niệm như thế thì phước báu sẽ gia tăng, ta sớm vượt qua được cơn lốc khủng hoảng; vì phước báu là vành đai, hộ pháp và là người vệ sĩ giúp ta vượt qua khó khăn. Kiến thức về kinh tế thị trường và sự đầu tư thích hợp trong từng thời điểm có tác dụng giúp duy trì khoản lợi nhuận, hoặc trong trường hợp nếu không có lợi nhuận vẫn có thể duy trì không để nó bị sụp đổ hay thua lỗ ở mức độ lớn.
Trong vòng năm năm qua, chúng tôi đã sản xuất và ấn hành khoảng 50 đĩa nhạc Phật giáo, 10 đĩa ca cổ Phật giáo và 60 đĩa ngâm thơ chuyên nghiệp. Mỗi đĩa được đầu tư với sự đóng góp của các ca sĩ nổi tiếng bằng tiền công đức tượng trưng chứ không phải là giá thực thụ. Vì mỗi đĩa master như thế giá khoảng 16 triệu đồng, cộng chi phí làm đĩa dập và hộp đĩa lên đến khoảng 19 triệu đồng cho 1000 đĩa, giá bán ra khoảng 10.000 đồng một đĩa và phải chia 30% cho các phòng phát hành. Như vậy, bán được 1000 đĩa thì giá phải bù lỗ cho mỗi đĩa vào khoảng 9.000 đến 10.000 đồng, thế thì tại sao chúng tôi phải làm? Bởi vì các nhạc sĩ Phật giáo rất có tấm lòng với đạo Phật, họ đã đóng góp cho dòng nhạc Phật giáo khá lớn với nhiều thể loại khác nhau. Nếu ta không kích cầu sự sáng tác thông qua việc sản xuất băng đĩa thì nền văn hóa Phật giáo về lĩnh vực này gần như bị bỏ trống, khi ấy giới trẻ và giới tri thức sẽ không thích ứng được với lời chuông tiếng mõ dẫn đến việc họ từ bỏ đạo Phật.
Cách thức lấy đầu này nuôi đầu kia, dùng các khoản lãi thông qua việc phát hành băng đĩa giảng để bù đắp vào. Điều này vẫn tạo ra sự kích cầu trong sáng tác về phương diện nhạc Phật giáo như một loại hình truyền bá Phật pháp thông qua con đường văn hóa. Thực tế cho thấy có thua lỗ nhưng khoản lời về công đức lại không bao giờ mất. Mỗi chúng ta cần suy nghĩ như thế để tiếp tục duy trì, và nhận thấy việc cắt giảm nhân sự là không cần thiết. Giả sử nếu ta có suy nghĩ muốn cắt giảm thì nên quan niệm rằng đây là việc làm “cực chẳng đã”, không nên cưỡng ép, gài bẫy, đày đọa, trù dập, nhân cơ hội này để triệt hạ người mà ta không thích. Như thế, ta sẽ bị tổn phước đức nhiều, và từ sự khủng hoảng này sẽ kéo theo nhiều sự khủng hoảng khác xảy đến với ta.
Trong trường hợp không còn sự lựa chọn nào khác để duy trì sản xuất cũng như việc bù lỗ vượt ngoài khả năng, doanh nghiệp phải chọn giải pháp cắt giảm không để thuyền bị chìm gây cái chết tập thể, người công nhân cũng nên hiểu biết và cảm thông trong sự hợp tác giữa hai bên để tháo gỡ cái gút oan khiên oán trái giữa chủ và thợ trong mối quan hệ kinh tế lao động. Về phía người Phật tử làm công tác lãnh đạo một doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ trợ cấp thôi việc và thanh toán các khoản nợ cho người lao động theo đúng qui định của pháp luật hiện hành. Vì hiện nay, có một số công ty đã quỵt nợ lương của công nhân không trả một xu nào, gây cho họ bị bế tắc và khổ đau là điều không nên.
Trong thời đại khoa học kỹ thuật hiện đại và nền kinh tế phát triển đã xóa bỏ ít nhiều bức màn huyền bí, thế nhưng tại sao khi xảy ra tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các chuyên gia kinh tế, đặc biệt là khu vực châu Á vẫn tin vào sự chiêm tinh về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2009. Theo quan điểm của Phật giáo thì điều đó tạo ảnh hưởng tốt hay xấu?
Để chia sẻ vấn đề, chúng tôi đặt ra ba khuynh hướng trong việc dự đoán sự vực dậy của nền kinh tế toàn cầu thông qua kích cầu của các quốc gia đầu tư và bảo trợ cho những công ty đang trên đà phá sản.
1. Là khuynh hướng tương lai học, đây là ngành mà việc mô tả các dự kiến tương lai và diễn tiến của nó dựa trên góc độ của nhân quả kinh tế, giúp đoán biết ở một mức độ tương đối chuẩn xác các diễn tiến thành công hay thất bại trong từng lĩnh vực đầu tư kinh tế. Nếu là một nhà tương lai học có kinh nghiệm thì việc dự đoán và dự kiến như thế dù không có năng lực tha tâm thông hay thiên nhãn thông, người ta vẫn có được một giải đáp chuẩn xác, và các nhà tương lai học về kinh tế giỏi trên thế giới thường được các tổng thống nổi tiếng mời về làm cố vấn kinh tế cho chính phủ.
Ví dụ trong giai đoạn hiện nay, chủ trương của nhà nước cho biết năm 2009 Việt Nam sẽ bị khủng hoảng về kinh tế do sự ảnh hưởng gián tiếp từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thời gian chịu sự ảnh hưởng gián tiếp đó phải mất một năm. Do đó, chính phủ cần có chính sách kích cầu nền kinh tế, và nguyên tắc kích cầu đó là nhà nước phải hỗ trợ đầu tư cùng các chính sách ưu đãi khác cho những doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hơn là các doanh nghiệp tư nhân. Chẳng hạn trong lĩnh vực ngân hàng, có các ngân hàng như: Vietcombank, Sacombank, ACB là những ngân hàng mạnh được cổ phần hóa trong vài năm trở lại đây, và giả sử chúng có bị sụp đổ thì nhà nước sẽ gánh lấy trọn vẹn để đảm bảo kích cầu phát triển về kinh tế. Còn các ngân hàng tư nhân khác nếu bị phá sản thì nhà nước sẽ mua lại theo cơ chế loại trừ của thị trường.
Thử làm một bài toán, lãi suất của các ngân hàng hiện tại là 0.6%, nếu trong một năm 12 tháng, ta có khoản lãi là 7.2%, và cổ phiếu mà ngân hàng nhà nước bán ra cho phép lời khoảng 30% như một cổ tức. Trong giai đoạn này, ai có vốn mà không cần vay lãi hoặc không biết làm gì thì có thể đầu tư cổ phiếu vào các ngân hàng nhà nước, và sau một năm chắc chắn sẽ có lời. Chỉ cần duy trì cổ phiếu là đã có lãi rồi, đó là sự dự đoán của tương lai học về kinh tế, huống chi ta lại được quyền bán cổ phiếu. Trong trường hợp rủi ro nếu các ngân hàng bị sụp đổ thì đơn thuần chúng không còn thuộc sở hữu của nhà nước mà thôi.
2. Nếu lý giải từ góc độ phong thủy học hay chiêm tinh học thì cơ sở dữ liệu khoa học của các ngành học này hầu như không có. Ví dụ, người ta nói năm Kỷ Sửu là năm thổ âm, thổ âm kích cầu cho Kim và Kim thuộc về kinh tế. Cho nên năm nay, nếu đầu tư địa ốc mà không phải vay lãi thì lĩnh vực này có thể được vực dậy và đi lên, ít nhất từ khoảng tháng 8-9 trở đi. Đó là theo lý giải của các nhà phong thủy. Vì tin tưởng vào phong thủy, nên người Trung Hoa có thói quen thờ ông Thần Tài và Thổ Địa như một cặp bài trùng. Nhiều người không hiểu tại sao lại thờ như thế, vì Thổ Địa là Thổ và Thần Tài là Kim, Thổ sanh Kim, nên phải thờ hai ông chung với nhau để tạo ra tiến trình tương sinh thông qua việc thờ phượng đôi này, người ta mong mỏi mua may bán đắt, đầu tư trúng mối v.v… mà trên thực tế nhiều công ty sản xuất thần tài đã bị phá sản hoàn toàn.
Thần Tài chẳng gia hộ được cho ai kể cả ông giám đốc công ty sản xuất tượng. Bởi lẽ trong mấy năm trở lại đây, các doanh nghiệp lớn sản xuất tượng Thần Tài của Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam với giá rất rẻ chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng chất liệu được làm bằng loại sành sứ sáng đẹp và sang trọng. Trái lại, Thần Tài của Việt Nam được làm bằng đất sét nung, xấu hơn nhiều mà giá thành lại cao hơn. Do đó, những nhà sản xuất Thần Tài của Việt Nam không thể đứng vững trong nền kinh tế thị trường dưới qui luật cạnh tranh và kết quả họ phải phá sản. Hàng triệu ông Thần Tài phải bị giải thể, nếu ông có thể gia hộ thì các nhà đầu tư sản xuất tượng phải trở thành tỉ phú giàu có.
Hình ảnh ông Thổ Địa thì lúc nào cũng phì phèo thuốc lá, mà trong tương lai khoảng vài mươi năm nữa ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới sẽ có điều luật cấm hút thuốc vì lý do sức khỏe. Hiện nay người ta mới chỉ cấm hút thuốc ở những nơi công cộng, nhưng khi nền văn hóa tâm linh của con người phát triển cao, kinh tế không còn là mối bận tâm duy nhất thì lúc đó việc uống rượu và hút thuốc ảnh hưởng đến mạng sống con người sẽ bị cấm như một điều luật cấm của quốc tế. Khi đó, chắc chắn ông Thổ Địa không còn cơ hội ngồi trên bàn thờ của những người mê tín dị đoan ở Trung Hoa và Việt Nam. Tôi nói đùa một tí cho vui để quý vị hiểu thêm về quan niệm phong thủy dựa trên mối tương sinh.
3. Là nhân quả của nền kinh tế thị trường, đó là sự tương thích về cung và cầu. Trường hợp của người nông dân là một ví dụ, do vì nhận thấy năm nay nhãn trúng mùa, dù đang trồng các loại cây ăn trái khác nhưng họ chấp nhận bỏ hết tất cả, đổ dồn đầu tư vào cây nhãn. Kết quả là cung quá nhiều mà cầu không tăng trưởng khiến giá thành bị giảm xuống có thể là 1/3, tuy bán chạy nhưng họ không đủ trả nợ và lãi cho ngân hàng. Do đó, những nông dân ấy bỗng trở thành trắng tay vì không nắm được cung cầu của nền kinh tế thị trường dẫn đến sai lệch trong đầu tư và thua lỗ là điều tất yếu.
Người Phật tử nên học hai bài học về nhân quả, đó là khổ và tập là nguyên nhân dẫn đến bế tắc, ở đây là sự bế tắc về kinh tế, và lớp nhân quả thứ hai là Niết bàn và con đường. Nếu hiểu đơn giản sự thịnh vượng trong làm ăn kinh tế và con đường dẫn đến kết quả thì ta không nên liều lĩnh và mạo hiểm trong các khoản đầu tư, khi mà kiến thức chuyên môn về kinh tế không hề có. Để đầu tư đúng, chúng ta cần tìm đến các nhà tư vấn trong cơ chế thị trường, nhất là thị trường chứng khoán vì người thành công bao giờ cũng là người nắm nhiều thông tin về cơ hội, tiềm năng, giá trị, sự phát triển và nguy cơ sụp đổ của các công ty. Chính vì thế, rất nhiều người làm nghề môi giới chứng khoán vẫn có thể làm giàu do bởi kiến thức và sự am hiểu sâu rộng về nó.
Vừa qua, báo chí đưa tin Wall street (phố Wall)-Trung Tâm Tài Chính Toàn Cầu đã nhận được phần thưởng lên đến vài trăm triệu đô la dành cho những người môi giới chứng khoán đem lại lợi nhuận lớn cho một số công ty, tập đoàn. Về phía chính phủ đặc biệt là cựu tổng thống George Bush và ngay cả ông Barack Obama đều lên tiếng phê bình, chỉ trích sự kiện này. Bởi lẽ trong lúc nền kinh tế Mỹ bị suy sụp chưa từng có trong lịch sử, thế mà người ta đã lãng phí các khoản tiền thưởng như vậy khiến người dân cảm thấy bất mãn, không hài lòng.
Cách đây khoảng một tháng, trong phiên họp của Quốc hội Mỹ, ba vị giám đốc của ba tập đoàn ôtô lớn của Mỹ đến để xin gói viện trợ kích cầu là 75 tỉ USD, nhưng lại đi bằng chuyên cơ riêng rất sang trọng. Họ đã bị báo chí lên tiếng phê bình và chỉ trích dữ dội. Trong tình hình kinh tế thảm hại như hiện nay mà họ sử dụng chuyên cơ riêng, như thế đồng nghĩa với việc sử dụng tiền viện trợ vào mục đích cá nhân thì đây là điều không có đạo đức. Do đó, nhân quả về kinh tế quyết định cho tất cả mọi thứ, sự bế tắc và khủng hoảng kinh tế là một thực trạng cần nhìn nhận. Con đường niết bàn, tức là sự giàu sang và vực dậy nền kinh tế bị khủng hoảng là điều mơ ước chung của toàn nhân loại. Con đường đi đến đó không phải là sự van xin, cầu nguyện, chiêm tinh hay phong thủy, mà phải đầu tư có phương pháp thì mới có thể vực dậy được.
Đối với những quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh, chính phủ phải bỏ ra các gói kích cầu lớn chẳng hạn như nước Mỹ khoảng trên 350 tỉ USD mới hy vọng có thể vực dậy nền kinh tế đang suy thoái. Việt Nam tuy chưa công bố con số chính thức nhưng ít nhất cũng phải vận động trên 75 tỉ USD vốn đầu tư và viện trợ kinh tế nước ngoài mới có thể phục hồi. Do đó, nắm vững nền kinh tế thị trường theo hướng cung cầu và nhân quả là một bài toán, dù khó nhưng phần thắng ta có thể nắm chắc trong tay. Từ cái nhìn nhân quả của đạo Phật, tôi đề nghị chúng ta nên đi theo giải pháp trên với sự hỗ trợ của nhà tương lai học về kinh tế và những người có kinh nghiệm, còn yếu tố phong thủy chỉ là một trò vui, không nên xem là giá trị tham khảo với niềm hy vọng của hiện thực.