Chương 5 : THẦN TÀI GÕ CỬA

Khi nói đến Thần Tài, trong chúng ta ai nấy đều rạng rỡ với niềm vui, nụ cười và những tràn vỗ tay bởi ngài mang đến công danh, sự nghiệp, mua may bán đắt, và cả tài lộc mà ta hằng mong mỏi được thành tựu trong cuộc đời này. Nền văn hóa Thần Tài đã có mặt ở Việt Nam và Trung Hoa khá lâu với nguồn gốc và niên đại hiện vẫn còn nằm trong vòng tranh luận, chưa có sự thống nhất. Đề cập đến Thần Tài gõ cửa, tôi không có dụng ý nói về hình ảnh Thần Tài thời kì @ mà quý vị thường thấy qua các chương trình khuyến mãi, quảng cáo và rút thăm trúng thưởng.

Trong năm 2009, nhiều ngân hàng trong nước đã tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm khuyến khích người dân đầu tư vào để vực dậy nền kinh tế và tài chính của Việt Nam. Những ai tham gia đầu tư mua cổ phiếu hoặc đăng ký tài khoản thẻ tín dụng sẽ được tham dự các chương trình rút thăm trúng thưởng, với giá trị tiền thưởng tùy theo mỗi ngân hàng nhưng mức cao nhất của nó vào khoảng 50 triệu cho đến mức thấp nhất là 25 triệu đồng. Ai trúng được phần thưởng may mắn đó được gọi là “Thần Tài gõ cửa”.

Nguồn gốc và tín ngưỡng Thần Tài
Ở Việt Nam, tín ngưỡng Thần Tài gắn liền với Thổ Địa và hầu như không có sự phân biệt rạch ròi giữa hai vị thần có nguồn gốc từ Trung Hoa này. Đến khoảng thế kỷ 19, việc tách lập thành hai vị mới bắt đầu được nhấn mạnh ở Việt Nam, và bây giờ khắp nơi người ta thờ Thần Tài và Thổ Địa như một cặp song sinh. Gốc rễ của nền văn hóa này có điểm lạ là nó dựa vào ngũ hành tương sinh và tương khắc, thổ sinh kim, Thần Tài thuộc mạng kim và hành kim; còn Thổ Địa thuộc về mạng thổ, đại trạch thổ, nghĩa là thổ đại địa mặt đất hay địa cầu này. Không có quặng kim loại nào tồn tại ngoài lòng đất, nên nói đến Thần Tài là nói đến tiềm năng của Thổ Địa. Trong nền văn hóa tâm linh của đạo Phật, Bồ-tát Địa Tạng là nơi cất chứa tất cả hạt giống tâm linh, đạo đức, an lạc, hạnh phúc sau quá trình chuyển hóa đời sống nội tại của con người một cách có nghệ thuật.

Do đó, Thần Đất kéo theo Thần Tài, tiềm năng mở ra hiện thực, đầu tư dẫn đến kết quả, nhân và quả hoạt động song hành với nhau dưới sự hỗ trợ của yếu tố nhân duyên thích hợp. Nếu mổ xẻ ý nghĩa biểu tượng từ góc độ nhân quả đạo Phật thì giá trị văn hoá đó như một niềm tin mê tín cần phải được tháo gỡ về hình ảnh vị thần ban cho con người phúc lộc, gia tài, sự nghiệp, công danh và tiền bạc. Ngày xưa, chỉ có duy nhất một vị Thần Tài, nhưng trải qua quá trình phát triển khoảng một nghìn năm tại Trung Hoa, nên bây giờ người ta thờ đến ba vị khác nhau.

1. Thần Tài Bạch Tinh Quân
Tên gọi đầy đủ là Kim Thần Tài Bạch Tinh Quân, Kim Thần là vị thần vàng bạc, tài bạch chỉ cho sự giàu sang phú quý, Tinh Quân là vị quán quân ở trên trời làm nhiệm vụ quán sứ các vì sao và trưởng quản của cải tài lộc cho con người.

Bởi theo quan niệm của nền văn hoá Trung Hoa, tất cả mọi vận mệnh con người đều do 28 vì sao chiếu và quyết định. Từ con số 28 vì sao này, người ta mới phân định rõ thành chu kỳ, định kỳ và hạn kỳ. Mỗi khoảng ngắn của một hạn kỳ xa hơn một định kỳ và lớn hơn một chu kỳ, nó có những biến cố được xem là những bước ngoặt diễn ra trong cuộc đời làm cho con người khi thăng trầm, khi thuận nghịch, khi giàu nghèo, khi hạnh phúc và lúc lại khổ đau. Lý giải những biến cố hoặc sự kiện theo một quỹ đạo với các đường xuyên lên và xuống như thế đã tạo ra chủ nghĩa định mệnh và số phận an bày, mà đây là điều đạo Phật khẳng định rõ nó vốn không hề có.

Năm nào cũng có sự kiện thuận và nghịch, tháng nào cũng có sự kiện đáng nhớ và quên, ngày nào cũng có lúc vui và buồn; nhưng khi gắn kết lại với các vì sao đó thì ý niệm nhớ về những sự kiện trở thành điểm nổi bật hoặc nỗi ám ảnh đối với con người. Cho nên vào những năm mà dân gian quan niệm rằng bị sao Thái Bạch, La Hầu hay Kế Đô chiếu rọi thì hầu như đi đến đâu người ta cũng nôm nốp lo sợ. Chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra, họ có thể nhớ vanh vách và vội kết luận rằng mình đã bị sao xấu chiếu mệnh. Ngược lại, nếu trong năm đó có những sự kiện tốt diễn ra thì người ta lại chẳng nhớ gì cả. Hoặc thậm chí vào những năm được khẳng định rõ có sao tốt chiếu mệnh, nhưng không ít người vẫn gặp nhiều chuyện xui xẻo và rủi ro xảy đến, thế mà họ không mảy may để ý hoặc quan tâm. Điều đó cho thấy ý thức về sự không có mặt của sự kiện thì việc cường điệu hóa về nó được phá vỡ, lúc đó con người có khuynh hướng xem mọi việc diễn ra chỉ là điều bình thường mà thôi.

Niềm tin về sao chiếu mệnh làm cho con người bị thất điên bát đảo luôn sống trong nỗi lo âu, sợ hãi. Chính điều này gây cho con người nhiều bệnh tật và vẫy tay chào với những cơ hội đầu tư. Ví dụ như năm nay, trong giai đoạn mà giá đất bị giảm xuống đáng kể, nếu ai biết nắm bắt cơ hội, đầu tư vào mua đất thì người đó sẽ làm giàu. Thế nhưng nhiều người do vì tin mình đang bị sao Thái Bạch chiếu mệnh, nên họ có thái độ tâm lý sợ hãi và bỏ lỡ cơ hội đầu tư này. Hoặc trong năm 2008, có người tin mình đang được sao tốt chiếu mệnh, cộng thêm nghe lời phán của các thầy pháp, thầy bói rằng nếu mình đầu tư vào làm ăn, mua bán sẽ rất thành công. Từ đó, họ quyết định vay nợ ngân hàng với lãi suất cao để đầu tư mua bất động sản, và tình hình khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã diễn ra, thị trường bất động sản đứng yên, trong khi mỗi tháng họ phải trả lãi cho ngân hàng từ vài trăm triệu trở lên; dẫn đến tình trạng phá sản hoặc đi tù là hệ quả tất yếu.

Tốt-xấu, may-rủi, thuận-nghịch, thăng-trầm luôn diễn ra với mỗi con người trong các giai đoạn của năm tháng, ngày giờ, nếu ta để ý thì nhớ và không quan tâm thì quên. Hình ảnh vị Thần Tài Bạch Tinh Quân có gương mặt trắng với bộ râu dài, tay trái cầm một thỏi vàng nguyên bảo, tay phải cầm một quyển sách với bốn chữ là “Thần Tài Tiến Bảo”, đó là vị Thần Tài mang tiền bạc, ngọc ngà châu báu đến tặng cho ta.

Nguồn gốc của Thần Tài Bạch Tinh Quân có sự tích từ một vị tướng tài ba lỗi lạc tên là Phạm Lãi. Ông phò Việt Vương Câu Tiễn suốt nhiều năm nằm gai nếm mật, về sau mới chiến thắng giành được chủ quyền độc lập của quốc gia và trả thù được Ngô Phù Sa. Đến khi thời bình, Phạm Lãi từ quan, về ở ẩn cùng với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của nàng Tây Thi, vân du khắp chốn và cuối cùng về trú ngụ ở vùng ngũ hồ, nơi thôn ấy có tên là Đào. Kể từ đó, người ta mới đặt biệt danh cho ông là Đào Công và ông trở thành một thương buôn giàu sang phú quý. Sau khi qua đời, người ta làm hình tượng ông để tôn thờ, trong đó có đề bốn chữ “Đào Công Phất Nghiệp”, nghĩa là Phạm Lãi ở làng Đào nổi tiếng về cơ nghiệp giàu sang phú quý sau cuộc chinh chiến thành công.

Vì trong thời kỳ bị mất nước, toàn bộ sản lượng kinh tế đều phải nạp chiêu cống cho Vương Câu Tiễn nên cuộc sống người dân trong nước rất nghèo khổ. Đến lúc thời bình, nền kinh tế và đời sống người dân mới có cơ hội đổi thay và phát triển. Cuộc đời Phạm Lãi từ một vị tướng tài ba, rồi sau đó trở thành một thương buôn giàu sang, phất lên cơ nghiệp khiến cho nhiều người hy vọng rằng, nếu chịu khó nỗ lực chân chính như ông thì một tương lai giàu sang tốt đẹp nằm trong lòng bàn tay. Ý nghĩa của vị thần này là mang hoà bình, sự giàu sang, thịnh vượng đến cho công việc làm ăn và kinh doanh.

2. Thần Tài Âm Phủ
Người Trung Hoa có quan niệm rằng cõi âm mới là sự vĩnh hằng, cõi dương chỉ là cõi tạm bợ, cho nên mới có thành ngữ “Sanh Ký Tử Quy”, nghĩa là “Sống gởi thác về”. Khi một người qua đời được gọi là “Về nơi chín suối” hoặc “Yên nghĩ nghìn thu” mà trên thực tế những ai nằm yên nghĩ nghìn thu, gởi lại phần hồn dưới lòng đất thì người đó bị thiệt thòi và khổ đau. Đạo Phật gọi đó là “ngạ quỷ” bị đói khát về cảm xúc, tình yêu, tình thương, sự hưởng thụ và tất cả mọi thứ liên hệ đến các giác quan. Do bởi quan niệm về cõi âm vĩnh hằng đó mà các vị Pha-rao (vua cai trị Ai Cập) ngày xưa đã cho xây các kim tự tháp nguy nga tráng lệ, nghĩ rằng sau khi chết mình sẽ xuống sống trường cửu vĩnh hằng ở dưới, nên đã chôn sống theo nhiều cung tầng mỹ nữ, hoàng hậu và những người được ông sủng ái. Sau này, người Trung Hoa cải biên lại làm thành hình nộm, hình giấy, và tiền bạc cũng được đổi thành tiền giấy gọi là giấy vàng mã. Cho dù đã có sự cải biên, nhưng hình ảnh bất nhân, nhẫn tâm chôn sống những người thân thuộc của mình là một điều không nên.

Trong nghi thức lễ tang của Phật Giáo thường cầu mong cho hương linh sớm được siêu sanh thoát hoá, rũ bỏ cõi đời, không tiết thân phận cùng gia tài, sự nghiệp, tình cảm để theo nghiệp tái sinh làm lại con người. Những phong tục tập quán đó không giúp ích gì cho người quá cố được siêu thoát mà trái lại còn làm cho họ nặng lòng khó mà siêu sinh. Thực tế, có người bảo rằng thấy người thân của mình về báo mộng, dặn dò phải cúng giấy tiền vàng mã cho họ bớt lạnh lẽo, và để họ có tiền mãi lộ cho các vị quan dưới âm cung; bằng không, đời sống của họ rất khốn khổ. Lý giải cho điều này hoàn toàn đều là sự tưởng tượng, bởi một người khi còn sống có thói quen mê tín dị đoan thì khi chết nếu chưa siêu, họ cũng bị tình trạng mê tín dị đoan y hệt như thế. Dĩ nhiên, khi ta bày biện các phẩm vật, hương hoa, giấy tiền vàng mã đốt cúng, nó vẫn có giá trị về mặt tâm lý. Người chưa siêu khi nhìn thấy như thế thì họ cảm thấy vui, bởi điều đó thể hiện sự quan tâm và tình thương của người còn sống dành cho người quá cố.

Đạo Phật dạy hãy thể hiện điều này bằng cách thức khác nghệ thuật hơn, để người chết không bị vướng trong cảnh giới ngạ quỷ, và người sống không tạo nghiệp tiêu phí tài sản, cho dù ta có mong cầu Thần Tài gõ cửa cũng không thể nào có. Bởi lẽ có tiền bạc mà không tiêu xài, không làm từ thiện, không giúp người và cứu đời thì về sau đều phải nhận lấy hậu quả là của cải, gia tài của mình cũng sẽ bị thiên tai, lũ lụt, hoả hoạn thiêu đốt sạch, hoặc con cái trong gia đình làm tổn thất.

Thần Tài Âm Phủ có hình thù là một vị phán quan với gương mặt đen sạm, bộ râu rậm rạp, trên tay cầm chiếc roi cưỡi trên lưng một con cọp đen, đầu đội chiếc mũ ống cao đề bốn chữ “Nhất Kiến Phát Tài”, khi nhìn thấy là phát tài ngay bởi người Trung Hoa rất tin về điều này. Thần Tài Âm Phủ có sự tích từ một vị quan nổi tiếng ở Trung Hoa đời nhà Tần, tên là Triệu Công Minh. Sau khi từ quan, ông ở ẩn tu trên núi Trung Sơn, Trung Nam. Khi chứng đạo, ông được phong là Chánh Nhất Quyền Đàng Nguyên Soái với chức năng trừ ôn dịch, bệnh tà, giải oan ức, cầu tài lộc, ai muốn có nhiều tiền bạc, đầu tư đến đâu trúng đến đó thì hãy đến vay tiền của Thần Tài Âm Phủ mà mua đất đai hoặc nhà cửa, với niềm hy vọng đầu tư một nhưng thành quả có đến mười. 
Tình trạng đầu cơ tích trữ mà không hiểu biết về nền kinh tế thị trường như là nhân quả kinh tế trong thời hiện đại này thì nhiều người dễ bị trắng tay, chẳng hạn như đầu tư vào thị trường chứng khoán là một ví dụ điển hình. Nếu không nắm vững qui luật mà đầu tư vào thì xem như đây là trò chơi đen đỏ đầy rủi ro, nó không phải là điều mà người Phật tử hy vọng và hướng đến. Bởi nếu có thắng đi chăng nữa thì đó cũng là đồng tiền mồ hôi, nước mắt, sự sụp đổ và cái chết của những người thua cuộc.

3. Thần Tài Lưu Hải

Đây là hình ảnh một chàng trai trẻ tuổi tay cầm sợi dây ngũ sắc có buộc một con cóc ba chân. Trên vai nó có một sợi dây buộc theo những quả trứng được đính kèm hàng loạt đồng tiền vàng. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao con cóc lại được xem là biểu tượng tiền bạc trong nền văn hoá Trung Hoa? Trong khi hình thức của con vật này rất dễ làm người ta nhờm tởm và sợ hãi từ làn da sần sùi, xấu xí, tiếng kêu cho đến mùi hôi toả ra từ thân nó. Nền văn hoá Trung Hoa xem con cóc là biểu tượng của nguồn tài nguyên tiền bạc bởi lẽ trong chữ Hán có sự đồng âm dị từ, con cóc có âm đọc là “thềm”, “thềm” và “tiền” lại được đọc cùng âm với nhau. Từ đó, nó mang ý nghĩa phất lên, dẫn khởi niềm hy vọng cho tiền bạc.

Lưu Hải tương truyền là con của tể tướng Lương Thái Tổ, triều đại Lương Thái Tổ năm 907- 926. Sau khi từ quan, ông sống ẩn tu và được Lữ Đồng Tân -một trong tám vị tiên truyền bí pháp luyện vận hoàn trở thành thuốc đan linh trường sinh bất tử, và cuối cùng ông đã thành công trong phương pháp luyện đơn này. Cho nên khi thờ Thần Tài Lưu Hải, người ta thường nghĩ đến yếu tố phúc lộc được trường tồn vĩnh hằng.

Nói chung, cả ba vị Thần Tài đều mang ý nghĩa nội hàm và ngoại duyên khác nhau, cho dù ở thời đại nào, văn hoá nào, con người đều có ước muốn trong lĩnh vực làm ăn kinh tế được thịnh vượng, trên cơ sở đó thiết lập niềm vui và hạnh phúc về phương diện vật chất. Ý niệm về sự mơ ước giàu sang phú quý của con người là yếu tố cần thiết và chính đáng mà ta nên giữ lại. Tuy nhiên, nếu quan niệm các vị Thần Tài được nắn bằng đất hoặc kim loại có thể ban cho con người tài lộc là niềm tin không có cơ sở khoa học và nhân quả. Quan niệm về vị Thần Tài ban phước lộc cho con người chỉ là niềm mơ ước đặt trên nền tảng của lòng tham mà theo đạo Phật, có ước muốn chân chính là tốt, nhưng nếu chúng ta không biết cách gieo nghiệp tương thích thì sẽ bị thất vọng, chán chường, chẳng có kết quả như mong đợi.

Tập tục dân gian và niềm tin mê tín

- Thờ phượng và đặt để Thần Tài

Hình tượng và cách thờ phượng Thần Tài được thiết kế bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu sang trọng thì người ta làm tượng bằng vàng hoặc mạ vàng, màu sắc sáng đẹp tượng trưng cho tài lộc, trên tay ngài cầm một thỏi vàng lớn. Người ta thờ Thần Tài ở phòng khách, phòng kinh doanh hay trên bàn làm việc. Theo phong thuỷ, khi đặt tượng Thần Tài trong nhà, phải nhắm đến độ cao của tượng từ 76 cho đến 83cm, mặt của ngài phải quay về hướng cửa cái. Nhà phong thuỷ lý giải về cách thức đặt để như thế để Thần Tài luôn trong tư thế sẵn sàng hít vượng khí từ bên ngoài, đem tiền và tạo sự thịnh vượng cho kinh tế tài chính của gia đình đó trong suốt cả năm. Chính vì lẽ đó, người ta có quan niệm mua vị Thần Tài với tư thế đứng để chủ động rút tiền từ ngoài vào nhà, trái lại thờ vị Thần Tài với tư thế ngồi thì giàu sang không bằng. Ngoài ra, trong dân gian còn có suy nghĩ độc đáo hơn nếu thờ vị Thần Tài nào được ăn cắp từ người khác thì sự giàu sang phú quý sẽ đến với mình nhiều hơn.

Nguyên tắc phong thuỷ cũng qui định không được thờ Thần Tài trong phòng ngủ hoặc phòng ăn. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được giải thích do bởi phòng ngủ và phòng ăn đều là nơi hưởng thụ, nếu đặt Thần Tài vào nơi hưởng thụ thì bao nhiêu tiền của trong nhà mình cũng sẽ bị tiêu hết. Thực ra, tiêu phí hay không đều do tâm của mỗi con người, trên thực tế sự hưởng thụ của con mắt lớn gấp nhiều lần so với cái bao tử, con mắt ăn nhiều hơn bao tử. Người ta có thể bỏ ra mấy ngàn đô la để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của con mắt trước một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhưng ghé một tiệm ăn để đáp ứng nhu cầu cho bao tử thì chi phí đó chẳng tốn là bao, cho dù họ có ăn nhiều gấp mấy đi chăng nữa. Do đó, con người muốn làm chủ cái ăn phải làm chủ con mắt; muốn làm chủ tiêu xài cũng phải làm chủ con mắt. Ngoài ra, tập tục dân gian cũng có thói quen tặng biếu tượng Thần Tài vào những dịp lễ tết, mừng tân gia, thăng tiến trong công việc hoặc mong cho người được tặng tăng trưởng và thịnh vượng về tài lộc.

- Quét rác - quét tiền đi mất

Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn có tập tục kiêng kỵ không quét rác ra khỏi nhà trong ba ngày tết. Có quét thì phải từ nhà trên xuống nhà dưới, sau đó giữ rác lại ở một xó nhà, không được phép đổ đi; nếu lỡ đổ đi thì xem như cả một năm đó tiền của trong gia đình mình bị thất thoát hết. Thực tế cho thấy trong các chùa vào ngày mồng một tết, người ta phải quét rác hoặc dọn dẹp vệ sinh nhiều gấp mấy lần so với ngày thường. Bởi trong những ngày tết, quần chúng tụ hội về lễ chùa rất đông, không quét dọn sạch sẽ thì họ không đến. Chùa nào quét dọn nhiều thì quần chúng đến càng đông và cúng dường càng nhiều. Chỉ cần suy luận một tí, ta đủ nhận thấy rằng các quan niệm dân gian hoàn toàn không có cơ sở khoa học, thế mà người ta vẫn cứ tin.

- Thần Tài chốn “đỏ đen”

Năm 2003, tôi có cơ hội đến tham quan sòng bạc lớn nhất thuộc Melbourne Úc, và bốn lần thuyết giảng tại chùa Liên Hoa, Las Vegas Mỹ cho khoảng gần một trăm Phật tử làm nghề chia bài. Sau mỗi buổi giảng, các Phật Tử dẫn tôi đi tham quan sòng bạc. Tôi đề nghị phải dắt đến nơi nào cao cấp nhất ở đây để có cơ hội quan sát người ta chơi ra sao. Khi bước vào đó, nhiều người đã vội lẩm bẩm, chửi bới, phê bình và đánh giá tôi rằng: “Ông thầy tu này có máu cờ bạc đỏ đen ghê, đúng là thầy tu thứ thiệt rồi!”; họ đâu hiểu mình vào đây với mục đích gì.

Sau khi vào tham quan, tôi mới khám phá ra một điều, kiến trúc của sòng bạc từ cái cột, vòi nước cho đến những tia nước phun ra theo điệu nhạc đều có bố cục màu sắc ánh vàng. Chính điều này đã tạo cho người ta cái ảo giác, cảm giác ngày cũng như đêm với niềm tin và hy vọng rằng mình sẽ may mắn có vàng bạc. Thâm nhập vào thế giới ấy, tôi thấy có nhiều người với cặp mắt bị trũng sâu vì mất ngủ, bởi lẽ họ đã thua sạch sành sanh, làm sao có thể yên lòng mà ngủ ngon giấc. Người thì ngã lưng tựa vào vách tường hay cái cột với tinh thần rũ rượi, không còn một chút nhựa sống vì niềm hi vọng của họ đã tan thành mây khói.

Các Phật Tử làm nghề chia bài cho biết rằng, hầu hết những người đến chơi bài đều thua, vấn đề còn lại chỉ là tính thời gian sớm hay muộn mà thôi. Vốn ít thì thua trước, vốn nhiều thì thua sau, còn lại người chủ do vốn nhiều quá nên họ mới làm giàu. Người làm nghề chia bài nơi đây được huấn luyện nhiều kỹ năng để ăn tiền và thắng những người chơi bài thiếu kinh nghiệm. Họ được phân công làm theo ca, mỗi người chỉ làm tối đa trong hai giờ, sau đó họ phải nghỉ giải lao để người khác vào thay ca. Người chơi thì có thể ngồi suốt 24 giờ, 48 giờ hoặc thậm chí là nhiều ngày liên tục, dẫn đến tình trạng thần trí mê mờ, độ phán đoán không còn chuẩn xác, cộng với lòng tham muốn gỡ gạc. Cuối cùng, họ đã thua sạch, thiếu nợ, bế tắc và không còn sự lựa chọn nào hơn, họ đã chọn giải pháp tự tử. Điều đặc biệt ở những sòng bạc đó, người ta cho bày biện và thờ phượng rất nhiều tượng Thần Tài, thế nhưng quý vị thấy rõ ngài có phù hộ cho ai đâu.

- Kì hươu - tiền có vào mà chẳng có ra

Một số sòng bạc của người Trung Hoa có tập tục thờ con kì hươu. Con kì hươu với cấu trúc miệng to, cổ rộng và đặc biệt không có hậu môn. Do đó, nó tượng trưng cho tất cả những gì đầu tư vào bên trong được giữ nguyên, không hề bị thất thoát ra ngoài. Người ta cho rằng nó là biểu tượng của Thần Tài, tiền bạc vào như biển cả mà ra chỉ như giọt nước.

Trong khi đó, đức Phật từng dạy người cư sĩ tại gia mỗi tháng nên chia khoản tiền lương của mình thành bốn phần, 25% chi cho việc từ thiện, 25% chi cho việc hiếu thảo, 25% chi tiêu hằng ngày, và 25% còn lại bỏ ống heo hoặc gởi tiết kiệm ngân hàng để có thể sử dụng về sau. Đó là cách thức chúng ta làm chủ nguồn tài chính của gia đình, để đồng tiền có thể xoay vòng từ cái này tạo ra cái khác. Khi chi tiêu cho việc nghĩa, giúp đỡ ông bà, cha mẹ, người thân, làm công tác từ thiện xã hội cũng đồng nghĩa với việc ta mang tài lộc và tình thương đến cho người khác. Tiền tạo ra tiền thông qua đầu tư kinh tế chân chính thì phước cũng sẽ tạo ra phước. Nếu cứ khư khư ôm tiền giữ trong nhà thì sau một thời gian tiền bị mất giá, hoặc dùng tiền để mua vàng hay đô la về đầu cơ tích trữ, trong thời điểm mà nền kinh tế bị khủng hoảng toàn cầu, giá cả trên thị trường trồi sụt không ổn định, dễ làm cho nhiều người đứng tim cũng không phải là giải pháp hiệu quả.

Đức Phật đưa ra hình ảnh sánh ví khá ứng tượng về bản chất của những người keo kiệt, bủn xỉn mỗi khi phải chia sẻ sở hữu của mình cho những người khác dù đó là người thân, thậm chí là cha mẹ, vợ chồng hoặc con cái; họ như đang bị con dao bén cắt đi từng thớ thịt làn da làm đau nhói và nuối tiếc khôn nguôi. Trong kinh Thiện Sanh, đức Phật dạy vào những ngày lễ lớn, ngày sinh nhật, hoặc trong tình huống đau ốm bệnh tật của công nhân cần có sự quan tâm thích đáng từ người chủ doanh nghiệp như chúc mừng, thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ về mặt tinh thần giúp họ vượt qua cơn khốn khó cũng như thể hiện sự quan tâm, chia sẻ trong tình thân và tình thương.

Làm được như thế, người công nhân sẽ có tâm trung thành, xem tài sản người chủ như là của chính mình. Họ làm bằng cả trái tim, nhiệt huyết, trách nhiệm và sự tận tụy, làm hết việc chứ không hết giờ; thậm chí họ có thể tăng ca thêm ngoài giờ. Những gì phát xuất từ tâm thương yêu, hiểu biết, chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ lẫn nhau sẽ là nhịp cầu bền vững cho tất cả các mối quan hệ, giữa chủ và thợ không còn là sự sòng phẳng “Tiền trao cháo múc”. 

Mỗi người hãy là vị sứ giả Thần Tài

Từ góc độ cái nhìn của Phật giáo, qua hình ảnh ba vị Thần Tài, nhiều người đặt câu hỏi nếu ta nuôi ý tưởng mong cho mình được giàu sang, phú quý, như vậy cần phải nuôi Thần Tài bằng thực phẩm gì? Câu trả lời từ kinh điển của đạo Phật là bằng thực phẩm phước báu, tâm tuỳ hỷ, tâm hoan hỷ và động cơ tốt là điều kiện đóng vai trò quan trọng trong lúc ta làm các việc thiện. Các tổ chức Mafia rửa tiền quốc tế cũng thường ứng dụng chiêu thức này, tức là thông qua các con đường từ thiện để qua mắt được luật pháp, chính phủ, lấy “vải thưa mà che mắt Thánh”. Hành động đó không xuất phát từ động cơ giúp người bần cùng, thiếu thốn vượt qua cơn khốn khổ nên nó không có giá trị về phương diện đạo đức và xã hội.

Truyền thống của Phật giáo Đại thừa có các vị Bồ-tát như đức Bồ-tát Quán Thế Âm, đức Bồ-tát Địa Tạng, đức Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi... mỗi vị đều biểu hiện cho một đức tính cao quý mà con người cần có để sống có ý nghĩa hơn trong cuộc đời. Đức Bồ-tát Quán Thế Âm mang hạnh nguyện lắng nghe nỗi khổ niềm đau của con người. Nếu mỗi chúng ta với tư cách là vợ đối với chồng, cha mẹ đối với con cái, anh chị em đối với nhau đều thực tập bằng cái tâm biết lắng nghe giống Bồ-tát Quán Thế Âm thì sẽ vơi bớt sự trách móc, giận hờn, quy trách nhiệm, đổ lỗi; mà ngược lại biết yêu thương, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt qua khổ đau, hưởng niềm an vui và hạnh phúc.

Đức Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi mang hạnh nguyện tượng trưng cho trí tuệ vĩ đại, và tiềm năng trí tuệ này vốn sẵn có trong mỗi con người. Nếu muốn khai thác và sử dụng trí tuệ đó, trước hết con người cần giải trừ mê tín dị đoan, không tin vào những điều vớ vẫn và không có cơ sở khoa học. Chỉ cần nỗ lực chân chính bằng sức lao động, bàn tay, khối óc, phù hợp với luật pháp và đạo đức thì ta được xem là người có kiến thức về nhân quả; mà nói theo ngôn ngữ khoa học đó là người có trí tuệ.

Thay vì chúng ta cầu nguyện đức Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho mình đạt được ước nguyện này hoặc thành tựu sự nghiệp kia thì mỗi người trong chúng ta hãy thực tập trở thành một vị Bồ-tát Quán Thế Âm, thông qua hạnh nguyện biết lắng nghe và chia sẻ tình thương với mọi người. Thay vì nguyện cầu đức Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi cho mình được khai tâm mở trí, sáng suốt, thông minh, học giỏi thì ta hãy học một cách có nghệ thuật và phương pháp luận để kiến thức ta thu nạp có giá trị sâu sắc.

Cũng tương tự như thế, thay vì thỉnh tượng Thần Tài về nhà thờ, mỗi ngày cầu nguyện ngài gia hộ cho mình mua may bán đắt, thành tựu sự nghiệp thì ta hãy trở thành một vị Thần Tài sống biết đem tài lộc đến cho người khác, giúp đỡ cuộc đời và con người vượt qua khổ đau thông qua các hoạt động chia sẻ trong công tác từ thiện xã hội. Mỗi hoạt động từ thiện xã hội là điều kiện tương đối giúp ta trở thành vị Thần Tài. Việc từ thiện có thể bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đạo Phật điển hình có hai dạng từ thiện: Pháp Thí và Tài Thí. 

- Thần Tài trí tuệ

Pháp Thí là việc phát tâm ấn tống kinh điển, sách, băng đĩa giảng tặng biếu đến các đối tượng chưa biết hoặc đang tìm hiểu về đạo Phật, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa để họ có cơ hội hiểu và đến với đạo Phật một cách có phương pháp, tri thức và sự đúng đắn. Làm được như thế là chúng ta đang thực hiện sứ mệnh của vị Thần Tài trí tuệ trong sự hợp tác, hỗ trợ, phổ biến chân lý của đạo Phật, mang trí tuệ đến cho mọi người.

- Thần Tài vật chất

Tài thí là việc chia sẻ sở hữu về tiền bạc, phương tiện và tiện nghi của đời sống vật chất. Nước Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với nhiều quốc gia trong khu vực nhưng vẫn còn là một trong những nước nghèo và lạc hậu nhất thế giới. Chính vì thế, đi đến đâu cũng có đối tượng để ta đóng vai trò là một vị Thần Tài, mang tiền bạc đến chia sẻ và giúp đỡ cho những người nghèo khổ. Trong 63 tỉnh thành của đất nước Việt Nam, mỗi tỉnh đều có ít nhất một trại tù, viện mồ côi, trại dưỡng lão, trung tâm người khuyết tật, trung tâm cai nghiện, trung tâm bảo trợ xã hội và phục hồi nhân phẩm phụ nữ v.v… chỉ cần chúng ta có tấm lòng, bằng cách chia sẻ những chi tiêu không cần thiết của mình trong một ngày hay một tháng là có thể giúp đỡ cho biết bao cảnh đời khốn khổ.

Mỗi bữa ăn sáng, thay vì chúng ta thưởng thức một tô phở hảo hạng trị giá ba mươi ngàn đồng, ta có thể cắt xén bớt, dùng một tô phở bình dân hơn chỉ với giá mười lăm ngàn đồng. Như vậy, ta có thể tiết kiệm một nửa số tiền để sử dụng vào những việc có ích nếu khéo biết cách vun vén, chi tiêu và dành dụm. Sau mỗi buổi đi chợ, còn dư lại ít đồng tiền lẻ, quý vị hãy bỏ vào trong một chiếc ống heo. Một năm sau khi mở ra, chắc chắn ta sẽ có khoản tiền không nhỏ để có thể đến thăm và giúp đỡ cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi bất hạnh, người khuyết tật v.v…

Gieo trồng công đức và phước báu

Trong trường hợp nhiều gia đình khá giả hoặc giàu có, trong tang lễ của người thân, họ thường từ chối nhận khoản tiền phúng điếu. Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên nhận khoản tiền này để sử dụng vào mục đích từ thiện. Nếu thực hiện được việc này, ta có đến bốn lần công đức. Thứ nhất, chia sẻ nỗi đau; thứ hai, làm từ thiện và công đức; thứ ba, người đóng góp tịnh tài sẽ hoan hỷ khi thấy người thân của hương linh thực hiện nghĩa cử cao thượng trong cuộc đời; thứ tư, nơi tiếp nhận khoản tịnh tài đó có được niềm vui nho nhỏ san sẻ về vật chất.

Như vậy, chúng ta đang trở thành vị Thần Tài vật chất vì những việc làm, hành động hết sức cụ thể và thiết thực. Bên cạnh đó, theo đức Phật dạy, chúng ta cần thực tập thói quen không tiếc nuối về những việc đã làm hoặc đóng góp. Tương tự trong tình huống khi đưa một loại thực phẩm vào cơ thể, ta không cần quan tâm hay tiếc nuối về loại thực phẩm đó có tác dụng bổ dưỡng như thế nào đối với các bộ phận trong cơ thể mình. Thực phẩm bổ và tốt cho bộ phận nào, tự động bộ phận đó sẽ hấp thu và nuôi dưỡng. Công đức và phước báu của con người cũng như thế, phước báu về trí tuệ, tài sản, sức khoẻ, tuổi thọ… đều có nơi để nuôi dưỡng và không bị mất đi. Việc từ thiện được xác định là hành động giúp cho con người và cuộc đời, nhưng trên thực tế ta đang làm cho chính bản thân mình. Ta đang mở các tài khoản phước báu vô hình và gửi chúng vào ngân hàng công đức. Chính phước báu đó trở thành vị hộ pháp thực hiện công việc bảo hộ ta trên mọi nẻo đường đời, lúc thăng trầm, giàu nghèo, hạnh phúc hay khổ đau. 

Điều quan trọng không cần có tâm hoài vọng rằng, thông qua việc làm này tôi hồi hướng công đức cho cha mẹ hoặc bản thân tôi được tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ mà tự động công đức loại nào được phân ra loại đó, nhân quả là như thế, cái tương thích và cái không tương thích. Mỗi việc làm và hành động của chúng ta không nên nguyện cầu hay hồi hướng cho bản thân, bởi điều đó thể hiện tâm ích kỷ, nhỏ hẹp đang ngự trị, khống chế, chi phối ta; và nó không được xem là hành động có giá trị cao thượng.

Người Trung Hoa có quan niệm về hai loại tài sản, đó là thiên tài và chánh tài. Thiên tài là loại tài sản không do chính mình tạo ra, nó có một cách ngẫu nhiên, tình cờ, không có chánh ngạch và chánh luồng; thường được gọi là tài sản may mắn. Chẳng hạn tài sản có được từ các chương trình bốc thăm trúng thưởng, chương trình khuyến mãi, trúng vé số v.v…đó là Thần Tài đang gõ cửa đến mình, hoặc dân gian cho rằng đây là hiện tượng ông trời ban tặng cho. Thực ra, chẳng có ông trời nào ban tặng cho ta cả, mà do chính phước báu của chúng ta đã gieo trồng từ nhiều đời kiếp và mãi đến hôm nay nó trổ quả mà thôi.

Muốn được Thần Tài gõ cửa thì mỗi người trong chúng ta hãy nỗ lực tạo dựng phước báu cho chính mình bằng nhiều công đức khác nhau, và đây cũng chính là một trong ba yếu tố giúp hành giả Tịnh Độ tông có thể phát nguyện vãng sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Hai yếu tố còn lại là căn lành nhiều, nghĩa là phát triển đức tính không tham-sân-si; và yếu tố thứ ba là nhân duyên tốt nhiều, nghĩa là tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để những đầu tư của ta có kết quả thiết thực, không dựa trên những mơ tưởng ảo huyền bằng niềm tin mê tín sai lầm.

Chánh tài là tài sản có được từ nghề nghiệp chân chính như lương bổng, kinh doanh hoặc công việc đầu tư làm ăn tạo ra mà đạo Phật gọi đó là chánh mạng và chánh nghiệp, tức là nghề nghiệp chân chính phù hợp với luật pháp và đạo đức. Đây mới chính là yếu tố quan trọng dẫn dắt con người đi đến cửa ngõ tài nguyên của Thần Tài.

Tóm lại, người tu học và làm đệ tử Phật cần biến mình trở thành vị Thần Tài bằng nhận thức chân chính đó là việc gieo phúc, tạo lộc cho người khác; hãy đến từng nơi, gõ cửa từng nhà để tặng biếu phước báu, công đức bằng sự phát tâm và thực hiện bằng cả tấm lòng. Về sau, theo tiến trình nhân quả báo ứng sẽ tự động diễn ra, dù có hay không cầu nguyện ta cũng đạt kết quả như ý muốn. Hy vọng rằng mỗi người trong chúng ta sẽ là một vị “Thần Tài Gõ Cửa” biết đem phước lộc, hạnh phúc và bình an đến với mọi người và mọi nhà.

 
00:00