Điều 5, 6, 7: THÁI ĐỘ LẬP NGHIỆP

Giảng tại Chùa Duyên Giác, San Jose ngày 23-08-2008 Phiên tả: Nguyễn Phượng Minh


 THÁI ĐỘ LẬP NGHIỆP

Điều tâm niệm thứ năm: “Phàm khi làm việc gì, đừng mong dễ thành tựu vì dễ thành tựu thì cũng dễ dẫn đến tâm lý khinh thường”.

Câu tâm niệm này được Tổ Diệu Hiệp dạy gồm có ba vế. Thứ nhất là thực tại gắn liền với sự nỗ lực chân chính của chúng ta. Thứ hai là những khó khăn, thử thách cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp sự nỗ lực chân chính. Thứ ba là cách thức tự an ủi, tâm niệm để vượt qua chướng ngại khi lập nghiệp. Lập nghiệp đòi hỏi đến chí nguyện, lý tưởng trên nền tảng của sở trường.

Kinh Thiện Sinh nêu ra năm trọng trách của cha mẹ đối với con cái: Ngăn con làm điều ác, dạy con làm điều lành, tạo dựng nghề nghiệp cho con, dựng vợ gả chồng và trao truyền gia tài cho con thừa tự hợp pháp. Đặc biệt vấn đề tạo dựng sự nghiệp cho con thuộc về trách nhiệm của cha mẹ.

Cha mẹ đóng vai trò là người tư vấn khuynh hướng nghề nghiệp, chứ không phải tạo dựng ra nghề nghiệp để cho con đi theo. Tư vấn có giá trị hướng dẫn, với kinh nghiệm của người đi trước, cha mẹ hiểu rõ hơn về những nghề nghiệp nào giúp cho con đi đến thành công, có công việc ổn định. Cha mẹ chỉ dừng lại ở chỗ tư vấn nghề nghiệp, chứ đừng buộc con mình phải chọn những ngành nghề không phù hợp với sở trường của chúng; đôi lúc, những nghề nghiệp đó lại thuộc về sở thích của cha mẹ.

Tại Việt Nam, sau những mùa thi đại học, số lượng học sinh và sinh viên tự tử không ít. Bởi vì cha mẹ ép con phải chọn những ngành học và thi những môn mà chúng không có sở thích hay sở trường, dẫn đến kết quả thi rớt. Cha mẹ không hiểu được nỗi đau tâm lý của con mà còn quở trách, la rầy, mắng nhiếc, làm cho chúng rơi vào trạng thái không còn nơi hỗ trợ tinh thần, cùng quẩn và phải chọn lấy con đường quyên sinh. Để tạo dựng nghề nghiệp cho con, ngoài việc tư vấn, ta còn hỗ trợ thêm những vốn cho con được thành công trong cuộc đời.

Ngoài những hỗ trợ của cha mẹ, bản thân người con cũng phải tự trang bị các kiến thức về nghề nghiệp cùng những hỗ trợ tâm lý giúp cho mình đi đến thành công để không bị rơi vào tình trạng “có tiền mà không có học”. Có những nghề làm giàu rất nhanh nhưng tụt dốc lại càng nhanh hơn, vì vậy, ta phải hết sức lưu ý về phương diện đó để việc lựa chọn nghề nghiệp không khiến ta phải nuối tiếc về sau.

Yếu tố đầu tiên của lập nghiệp là phải có vốn. Ở phương Tây, việc vay mượn vốn lệ thuộc vào kỹ năng trình bày kế hoạch của mình có hữu dụng, thiết thực hấp dẫn, thỏa mãn các nhu cầu để ngân hàng có thể cho ta vay không. Vì vậy, để xác định được điều đó, ta cần có những nhà tư vấn chuyên nghiệp để cho kế hoạch của ta khi được trình bày dẫn đến ấn tượng và niềm tin ở người duyệt chương trình, từ đó kế hoạch của chúng ta có thể trở thành hiện thực.

Chuyến đi Mỹ của chúng tôi đã có mặt ở tám tiểu bang, và có dịp được giảng ở nhiều thành phố và nhiều chùa. Thỉnh thoảng, trên đường thuyết giảng trở về, các Phật tử đã chở đến tiệm Pizza Hut, cúng dường bữa trưa hoặc chiều. Vào đây, chúng tôi rất ấn tượng. Các tiệm Pizza Hut đều có bảng quảng cáo giới thiệu về lịch sử của Pizza Hut phục vụ cho khách hàng. Câu giới thiệu rất đơn giản: “Thành lập vào năm 1967, hai anh em nghèo khó đã vay mượn 60 đô la của mẹ”. Việc lập ra nhiều chi nhánh Pizza Hut đã tạo ra thương hiệu, sự phục vụ của các nhân viên đối với khách hang khiến mọi người rất hài lòng.

Ở đây, sự lập nghiệp thành công chỉ với 60 đô la và trở thành một thương hiệu lớn có mặt không chỉ Hoa Kỳ mà còn nhiều nước trên thế giới. Như vậy, 60 đô la phải là kế hoạch có tính thực thi. Do đó, người lập nghiệp muốn thành công thì phải đặt trên nền tảng của hiện thực, chứ không phải là mơ tưởng.

Trong quá trình lập nghiệp, đừng nên mong mỏi sự thành tựu đến với ta dễ dàng và nhanh chóng vì điều đó tạo ra sức ép tâm lý vô cùng căng thẳng. Theo học thuyết Nhân quả và Nhân duyên của nhà Phật, khi đầu tư một ngành nghề nhất định, chúng ta nghiên cứu, phân tích và nhờ chuyên gia tư vấn lập chương trình kế hoạch và ứng dụng. Phải làm theo quy trình của nhân, duyên và quả thì kết quả đến với ta như một cách tất yếu và tự nhiên.

Tổ còn dạy một câu tâm niệm: “Khai trì bất đãi nguyệt. Trì thành nguyệt tự lai”. Trong lúc ta đào giếng thì đừng mong cầu mặt trăng ẩn hiện dưới giếng. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để việc đào sâu có nước. Khi nước có ở dưới giếng thì mặt trăng tự nhiên xuất hiện.

Chúng ta đầu tư hy vọng quá nhiều vào những chuyện viển vông, không xác định được thì tâm lý trở nên căng thẳng. Tương lai của sự lập nghiệp phải nằm trên sự đầu tư của nhân ở hiện tại. Không có tương lai nào mà không đặt trên nền tảng của hiện tại. Chúng ta đầu tư trong quá trình lập nghiệp cũng phải làm sao đầu tư cho nhân thật tốt, đừng mong mỏi sớm thành tựu bởi vì cái gì cũng có giá của nó.

Trong tiến trình của nhân - quả, ta thấy có loại cây ba ngày đã trổ ra hoa, có loại ba tháng hoặc ba năm và có nhiều loại cây muốn có giá trị sử dụng thì phải mất ba mươi năm thậm chí là bảy mươi năm, trăm năm là chuyện thường. Do đó, ta phải hiểu tiến trình thời gian tất yếu của sự đầu tư trong bất kỳ một lĩnh vực nào, đừng để tâm lý của mình hối hả, thôi thúc, tạo ra sự căng thẳng, dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý, biến chứng tạo ra sự khủng hoảng nội tại.

Trong cuộc sống ta đừng cầu mong sự thành công một cách dễ dàng, nhà đầu tư phải có bản lĩnh chấp nhận rủi ro. Việc gieo nhân cho đầu tư đòi hỏi ta phải hỗ trợ bằng các duyên, tức là điều kiện thuận lợi, để đảm bảo mức độ tương đối về sự thành công của việc đầu tư. Nếu ta không đặt ra tình huống xấu nhất là thất bại mà chỉ mơ tưởng về sự thành công một cách duy lý hay là duy ý chí thì khi kết quả chưa đạt được sẽ làm cho ta bỏ cuộc nửa chừng.

Hoặc khi đối diện với sự thất bại lần thứ nhất, ta sẽ trở thành người bất đắc chí, khủng hoảng tâm lý dẫn đến chứng bệnh thần kinh, thậm chí có người quyên sinh. Phải thấy rằng: việc dẫn đến sự thành công có những yếu tố và điều kiện dẫn đến sự thất bại để chúng ta có bản lĩnh đối diện với những gì diễn ra.

Như vậy, những người tu học Phật giáo sẽ không phải đầu tư một cách liều lĩnh vì mình đã cân đo cung - cầu, điều kiện, hoàn cảnh, thời điểm, giá trị, chất lượng, mặt hàng và cung cách thể hiện trên thị trường. Nếu tất cả những điều đó được thuận lợi thì kết quả sẽ thành công. Ta không nên mong mỏi thành tựu vì theo Tổ, sự dễ thành tựu dẫn đến thái độ tâm lý khinh thường, ỷ lại. Người ta có thể thành công trong đợt thứ nhất, thứ hai nhưng mỗi khi tâm lý ỷ lại xuất hiện thì sự thất bại lớn hơn mức độ thành công có thể kéo theo ngay tức thì. Muốn thành công lâu dài, bền bỉ, ta không nên ngủ quên trên chiến thắng, ỷ lại vào thành công và thành quả đạt được.

Tâm lý học Phật giáo dạy ta không nên bám vào chủ nghĩa thành quả vì nó luôn làm ta ngủ quên. Học thuyết Phật tính vốn sẵn có trong mỗi tâm thức con người, trên nền tảng kinh điển Đại thừa dạy ta ý thức rằng tiềm năng cao nhất về phương diện giác ngộ là có thể thành Phật. Điều đó không có nghĩa là làm cho ta trở thành người ỷ lại, không chịu tu, học mà chờ đến năm tháng cuối cuộc đời mới đánh thức ông Phật đang ngủ quên là ta có thể sử dụng được tính giác đó. Ai an ủi mình và suy nghĩ như thế là sai lầm.

Vẫn biết rằng Phật tính vốn hiện hữu, nhưng nếu không có quá trình đục, đẽo, gọt, dũa, thực tập một cách tinh chuyên từ tháng này sang năm khác thì ngọc quý vẫn nằm nguyên dưới quặng tâm; do ta không khai thác để ứng xử thành những giá trị thực tiễn trong cuộc đời. Vì thế, ta không dễ dàng đạt được và trở về với bản lai diện mục Phật tính vốn có và con đường hành trì rất dài lâu.

Thực tập và hành trì cũng phải hết sức căn bản, điều độ và không được gián đoạn thì kết quả thành tựu mới hy vọng, để tránh tình trạng thất bại, ta phải hiểu được cơ chế nhân - quả của sự đầu tư.

Trong nền kinh tế thị trường, nhà đầu tư phải hiểu kinh tế như một quy luật nhân - quả mới theo cán cân cung - cầu, cách thức quảng cáo, chất lượng, mẫu mã, thương hiệu và để thu hút sự quan tâm của khách hàng, làm cho họ có cảm giác rằng đây là một sản phẩm rất hot. Ngoài ra, ta phải kết hợp thêm nhiều yếu tố khác thì việc đầu tư mới dẫn đến thành công. Không nên nghĩ đơn giản cái gì tốt và có giá trị thì sẽ có chỗ đứng một cách lâu dài; nói như thế là quá chủ quan. Cái tốt nếu không được giới thiệu bằng các phương tiện truyền thông, mẫu mã không đủ sức hấp dẫn thì dần dà khách hàng sẽ chạy theo các hình thức bóng bẩy bên ngoài. Dù mặt hàng của ta có chất lượng thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu của quần chúng và ta vẫn bị thất bại. Nắm rõ được nhân - quả của cơ chế thị trường thì việc đầu tư mới có thể thành công và hạn chế tối đa cơ hội thất bại.

LỢI HÀNH VÔ NGÃ VỊ THA

Điều tâm niệm thứ sáu: “Khi giao tiếp trong xã hội, đừng mong cầu lợi ích cho mình vì nếu đặt lợi ích của mình lên trên thì đạo nghĩa sẽ bị đánh mất”.

Đây là một phương thức giao tế đòi hỏi đến sự chánh tâm, chánh nghiệp, chánh mệnh và chánh tư duy. Ta thấy mối quan hệ giao tế luôn diễn ra theo hai chiều, ta và người.

Học thuyết Duyên khởi dạy: Muốn có chỗ đứng đắc nhân tâm một cách lâu dài, được sự quý trọng của đối tác thì việc giao tế không phải là không quan trọng, mà quan trọng hơn nữa là tính tương tác. Cái gì cũng phải có hai chiều, đối lưu, thuận nghịch. Nếu một bên viện trợ, còn một bên tiếp nhận một cách thuần túy thì về lâu về dài, mối quan hệ đó sẽ bị phá vỡ. Ngoại trừ, một số tình huống ngoại lệ, người tiếp nhận sự viện trợ một chiều có phương pháp đặc biệt, nhờ đó họ vẫn có thể bình an trong tính thời gian.

Trong mối quan hệ giữa vợ và chồng cũng thế. Nếu người vợ không đi làm, lệ thuộc kinh tế vào đồng lương của chồng; nếu chồng không biết hy sinh, sau một thời gian chu cấp, sẽ cảm thấy vợ chính là gánh nặng về kinh tế cho bản thân và tình yêu cũng theo đó bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.

Sự đối lưu trong các mối quan hệ ta không nên lấy lợi ích của bản thân làm trọng, như thế là có sự tính toán. Những mối quan hệ có tính toán đều không bền vững, làm cho người khác chán nản; ta cũng trở nên đơn độc, tự cô lập mình trong mối quan hệ xã hội. Về phương diện thuận duyên, ta nên cố gắng tạo sự đối lưu, tiếp nhận hỗ trợ của mọi người, đồng thời phải hỗ trợ, giúp cho người tiếp nhận những cái mà ta đóng góp. Có qua, có lại, nếu chỉ tồn tại một chiều thì sẽ không thành công.

Trong mối quan hệ xã hội, vấn đề lợi tha là mối quan tâm hàng đầu của những người tu hạnh Bồ tát, bao gồm bốn yếu tố: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự.

Bố thí là nhịp cầu thiết lập tình thân thương giữa ta và người trên nền tảng hiểu rõ vô ngã sở hữu. Tất cả các sở hữu vật chất chúng ta có sẽ không ở bên ta lâu dài và vĩnh viễn. Nó chỉ là công cụ phục vụ ta đạt được hạnh phúc trong một điều kiện nhất định nào đó rồi cũng đến lúc vô thường, ta phải vẫy tay chào và để chúng ở lại với cuộc đời.

Hiểu được tinh thần vô ngã, ta dễ dàng buông xả các sở hữu tài sản bằng nghĩa cử cao thượng như tham gia các hoạt động từ thiện, giúp người cô đơn, già hoặc trẻ em mồ côi và những hoàn cảnh cơ nhỡ, bất hạnh trong cuộc đời hay các tình trạng thiên tai, hỏa tai, thủy tai, không tai, nạn tai để giúp cho các nạn nhân vượt qua cơn khốn khó. Như vậy, nhịp cầu của sự bố thí bằng việc gieo trồng hạt giống từ bi, còn là nghệ thuật giúp cho ta thực tập hạnh vô ngã và buông xả những thứ không cần chấp trước hay lưu luyến trong cuộc đời. Giá trị xã hội và đạo đức của hành động đó rất cao. Ai thực tập được điều này sẽ mang lại lợi ích cho con người.

Ái ngữ: Trong quan hệ giao tế, ngôn ngữ chính là phương tiện truyền thông. Con người có phước báu hơn tất cả các chủng loại động vật và sử dụng được nghệ thuật truyền thông ở mức độ cao. Hơn hai trăm quốc gia trên hành tinh này có khoảng một ngàn ngôn ngữ có văn phạm và chữ viết. Do đó, sử dụng các văn phạm và chữ viết của từng phương ngữ trong các dân tộc trên thế giới vẫn có thể giúp ta hiểu rõ được ý tưởng của người phát ngôn, động cơ, thái độ, mục đích; dẫn đến thái độ phản ứng tâm lý của người tiếp nhận những hành động này.

Chúng ta đối nhân xử thế bằng ái ngữ: Từ bi, cảm thông, đoàn kết, chân lý, lời nói có giá trị văn hóa chắc chắn đối phương sẽ có cảm giác rất thoải mái, nhẹ nhàng, thư thái và bình an. Ai ứng xử được ái ngữ thì người đó không quan tâm về sự lợi mình mà hướng mục đích lợi người làm trọng. Chỉ cần mình ứng xử truyền thông trong ngôn ngữ hay văn tự, văn chương bằng ái ngữ thì rất được mọi người quý trọng. Nhiều người do thành kiến hay cố chấp, không thích ta, nhưng không có lý do gì để họ khinh thường, vì ta sử dụng các ngôn ngữ và kỹ năng truyền thông rất lịch sự, xuất phát từ tâm chứ không phải từ phương tiện ngoại giao.

Lợi hành: Bao gồm các chức nghiệp và hành động mang giá trị phụng sự tha nhân và hướng mục đích phụng sự là chính; không vì lợi ích cho bản thân. Hành động lợi hành sẽ mang lại niềm vui, thiết lập tình thân thương giúp cho ta có được phương tiện để hướng dẫn những người chưa có đạo vào đạo Phật rất dễ dàng.

Đồng sự: Nếu là nhà lãnh đạo hay người quản trị công ty, chức nghiệp áp dụng được phương diện đồng sự thì sẽ là người lãnh đạo mẫu mực. Họ không chỉ tay năm ngón, nói được làm được, thậm chí còn làm nhiều hơn các nhân sự, cộng sự. Ở phương Tây, trong nền kinh tế thị trường, những nhà lãnh đạo (CEO) làm việc hơn nhân viên nên họ rất giàu và thành công nhờ phương pháp và nỗ lực chân chính.

Phương pháp đồng sự cũng thế. Trước nhất, xóa mờ khoảng cách ranh giới giữa ta và người, giữa chủ và thợ, giữa người nắm quyền uy trong tổ chức và người hợp tác trực tiếp với họ. Khi ranh giới giữa chủ và thợ được xóa mờ thì cộng sự sẽ ứng xử với ta như những người thân thiết. Nhờ đó, không có tâm lý trắc trở hay tình trạng không chân thật vì họ nhận rõ được tính cách đồng sự của người chủ mang lại lợi ích cho họ. Từ đó, sự hợp tác và đảm bảo quyền lợi cho chủ nhân hay đối tác đạt được mức độ khá cao. Như vậy, khi ta bỏ đi yếu tố lấy mình làm nền tảng để được lợi lạc và hướng về tha nhân trong các mối quan hệ thì sẽ thiết lập được tình thân với những người cộng sự.

Tổ dạy: Nếu lấy việc lợi mình làm trọng thì sự mất đạo nghĩa sẽ có mặt. Người lấy mình làm chính sẽ trở thành trục xoay, hệ quy chiếu hay bản lề của các mối quan hệ; lúc đó cái tôi sẽ trương sình, giãn nở, lây lan, mở rộng. Sự hiện hữu của cái tôi có mặt nơi nào đồng nghĩa với tạo ra sự rắc rối ở đó. Người thông minh, tài giỏi mà cái tôi to tướng thì không thể nào giao lưu tiếp xúc được với ai lâu dài, nếu có chăng cũng chỉ là tạm thời. Do đó, cái tôi chính là kẻ thù của sự tiến bộ và hủy hoại giá trị lợi ích của tha nhân.

Người tu tập theo Phật giáo là làm thế nào để giải phóng bản ngã ở mức độ tốt nhất, từ đó có thể giao lưu, tiếp xúc với mọi thành phần trong xã hội. Nhà lãnh đạo Phật giáo là người thật giản dị và bình dân nhưng không vì thế mà nhân cách của họ bị đánh mất. Càng hạ mình xuống, càng bình dị thì giá trị nhân phẩm càng được đề cao; bớt yêu cầu, lợi lạc của bản thân thì giá trị phụng sự xã hội sẽ được nâng cao.

Trong Phật giáo Đại thừa, phần lớn tên gọi của các vị Phật, Bồ tát đi đôi với hạnh nguyện của các ngài, do đó ta cần học hỏi và tham khảo. Chẳng hạn như Bồ tát Trì Địa, ta hiểu ngay hạnh nguyện của ngài là bảo vệ trái đất và hành tinh này. Ở mức độ lớn: “Trì” là bảo vệ, “Địa” là trái đất. Ở phạm vi nhỏ và đơn giản hơn, “Trì Địa” là hành động san lấp những ổ gà, ổ voi, ổ chuột trên đường; dẹp hết tất cả những gai góc, mảnh chai trên các phương tiện giao thông để đường lộ không xảy ra tai nạn. Như vậy, ta đang bảo hộ mạng sống con người trên hành tinh hay các chủng loại sinh vật nói chung. Các hành động đó dù rất đơn giản nhưng nếu ta để tâm, chịu thực tập làm thì trong suốt mấy mươi năm có mặt trên cuộc đời, ta đang trở thành các vị Bồ tát Trì Địa. Hành động đó là lợi người, chứ không hướng về lợi lạc cho bản thân.

Trong nhân - quả, tâm lượng lợi người nhiều chừng nào thì đồng nghĩa và tỉ lệ thuận với lợi ích cho bản thân chừng đó. Khi ta cầu nguyện cho bản thân, gia đình hay người thân, người thương thì lợi ích chỉ giới hạn; giá trị nhân quả của sự mặc cả này sẽ rất thấp. Nếu làm bằng sự phát nguyện dấn thân lấy tha nhân làm chính, lấy chúng sanh làm đầu thì rõ ràng giá trị nhân - quả tự nhiên và tất yếu phải lớn và tốt hơn những nhu cầu cho riêng bản thân.

Hành giả thực tập con đường tâm linh bằng cách vô ngã sẽ không còn thói quen cầu nguyện, thay vào đó là phát nguyện. Mỗi thời kinh trong các chùa Bắc tông, khi kết thúc thường đọc bài Tam tự quy y; câu thứ hai được lặp lại đến ba lần: “Đương nguyện chúng sinh” là cầu cho tất cả chúng sinh, hướng đến sự lợi lạc của khắp các chúng sinh đặt lên hàng đầu. Ta thấy, không hề có câu: “Đương nguyện ngã thân”, nghĩa là cho bản thân con; “Đương nguyện ngã gia”, cho gia đình con; “Đương nguyện ngã thê”, cho vợ con; “Đương nguyện ngã phu”, cho chồng con, mà là toàn chúng sinh. Phải hiểu rằng trong khái niệm chúng sinh đã bao hàm người thân thương ruột thịt nhất cho đến người dưng và các chủng loại khác. Ta thực tập tâm cao thượng như thế thì hành động có giá trị rất lớn.

Trong giao tiếp, ta không nên đặt nhân quả làm chính như trong làm ăn kinh tế. Bởi vì, khi mặc cả nhân quả thì tình người mất hết. Nhiều Phật tử chưa thực tập thuần thành, mỗi khi đóng góp các hoạt động từ thiện họ luôn nguyện cầu.

Ví dụ, bỏ ra 50.000 đồng để ủng hộ mổ mắt từ thiện: Nhiều Phật tử ghi trong tờ giấy bên dưới: “Xin hồi hướng cho con và gia đình của con được mắt sáng ở kiếp này và kiếp sau”; ta mặc cả nhân quả, mặc dù lời nguyện ước đó rất chân thành và dễ thương. Ánh sáng giúp cho mình thành công trong cuộc đời. Sống trong đen tối, không có ánh sáng thì khổ đau và bế tắc, giới hạn khả năng của mình rất nhiều. Cho nên lời nguyện ước đó dù rất hay nhưng ta phải hiểu rằng đây là sự mặc cả về nhân - quả. Do đó, giá trị xã hội và đạo đức của hành động nguyện cầu trong các hoạt động từ thiện sẽ bị giảm thiểu rất nhiều. Vì vậy, khi làm, ta cầu cho chúng sinh, chứ không nên cầu cho bản thân hay gia đình mình.

Hành giả Tịnh Độ tông cần lưu ý: Khi hành trì danh hiệu Phật hay quán tưởng hình tượng Phật, đừng để sự cầu nguyện can thiệp và xen kẽ vào; làm như thế ta đánh mất sự nhất tâm bất loạn. Mục đích của sự hành trì niệm Phật cũng giống với thiền hay Mật tông là để đạt được chánh niệm và tỉnh giác.

Sau khi thực tập xong thời khóa, Tổ dạy ta hồi hướng công đức, lúc ấy, nếu muốn hồi hướng cho chúng sinh thì ta hồi hướng. Thỉnh thoảng ta bị rơi vào tâm lý mặc cả nhân quả trong các hành động thiện ích do mình làm. Như vậy, nó vẫn xoay quanh trục xoay lợi ích của chính bản thân. Ai làm như thế thì mất hết đạo nghĩa. Dĩ nhiên, tình nghĩa của con người rất dễ gắn bó thông qua sự giúp đỡ.

Chúng tôi đã từng có mặt tại Philadenphia, đến thăm một gia đình có mười thành viên, trong đó có tám người là Phật tử thuần thành và một người theo đạo Tin Lành. Hỏi ra mới biết: trước đây anh đã quy y Phật nhưng trong thời gian tị nạn ở đảo, anh được các tổ chức định cư Tin Lành bảo lãnh định cư sang Hoa Kỳ sớm hơn. Sau khi được định cư, họ còn đến giúp đỡ anh mỗi ngày, hướng dẫn về kinh thánh và giới thiệu công việc thích hợp một cách nhanh chóng. Từ đó, ơn nghĩa này đã làm cho anh có thiện cảm với đạo Tin Lành. Mặc dù, khi hỏi “Theo đạo Tin Lành, anh học được gì so với đạo Phật?”. Câu trả lời của anh là không học được điều gì. Nhưng hỏi lý do tại sao anh không trở về với đạo Phật thì anh nói rất khó xử vì đã thành thói quen.

Chủ nhật nào anh cũng đi nhà thờ, đến với chương trình sinh hoạt giới trẻ hấp dẫn, còn vào trong chùa, sinh hoạt tâm linh hướng đến con đường cao thượng rất đơn điệu và khô khan nên anh tu theo không nổi. Từ đó, ân nghĩa trong cuộc đời đã làm cho anh bị cảm hóa, mặc dù nhận thức của anh rất rõ giá trị triết lý của đạo Phật về phương diện ứng dụng và hành trì vượt trội hơn rất nhiều so với các tôn giáo khác. Vì vậy, khi mình làm gì với tính cách vô vụ lợi thì mối quan hệ tình người sẽ siết chặt.

Ta thấy các nhà truyền giáo khác luôn sử dụng công thức “Theo đạo, có gạo mà ăn”, hỗ trợ cho con người một cách có điều kiện để người ta trở về với đạo của mình. Ấy thế nhiều người vẫn không nhận ra được chiêu thức tâm lý này. Họ nghĩ rằng đó là sự giúp đỡ vô điều kiện. Từ đó, mặc dù thấy tôn giáo đó không có gì hay nhưng ơn nghĩa đã làm cho họ không dám từ bỏ vì sợ bị tội.

Sự thật thì, khi hiểu ra được rằng sự giúp đỡ đó có tính điều kiện hay vô điều kiện đi nữa mà con đường tâm linh theo Phật cao siêu hơn thì việc từ bỏ tôn giáo đó không có gì là tội.

Việc đền ơn đáp nghĩa được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, không nhất thiết là phải đền trả ngay đối tượng tạo ra ơn đức cho bản thân. Ta có thể đền trả lại cho cuộc đời, cho xã hội và cộng đồng. Miễn là thông qua sự đền trả đó, ta làm nên nghĩa cử cao thượng để giúp cho những người đáng giúp, cũng như lúc ta hoạn nạn có người khác đã giúp ta vượt qua được chông gai. Như vậy, ơn nghĩa đáp đền đó phải được hiểu rộng hơn; không khéo, vì tính cách tha nhân lợi ích mà bản thân phải đánh đổi đi tuệ giác, giá trị tâm linh rất có ý nghĩa. Đó là một tổn thất rất lớn mà ta phải suy nghĩ.

KHÔNG BẬN TÂM TRƯỚC KHEN CHÊ

Điều tâm niệm thứ bảy: “Đối với người, ta đừng mong rằng mọi người sẽ thuận theo ý mình, vì tình cảnh thuận theo ý mình nhiều quá sẽ dẫn đến thái độ kiêu căng”.

Ai cũng thích người khác nói những lời tâng bốc, khen ngợi hơn là phê bình và chỉ trích. Cái tôi con người dễ bị thương tổn bởi những gì được đánh giá khác với khuynh hướng của cái tôi.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Khi ai kêu mình đánh giá, nhận xét về họ thì ngầm ý của họ là lời khen chứ không phải sự chê trách”. Điều này phản ánh nền văn hóa phương Tây là đề cao sự tự do cá nhân một cách tuyệt đối. Nó khích lệ sự riêng tư, khi cái tôi cá nhân được phát triển mạnh con người dễ bị thương tổn trong các mối quan hệ xã hội.

Ở Việt Nam, chúng ta sống một cách thân thiết với tình làng nghĩa xóm; nhà hàng xóm có lỡ mở tivi, radio hay nhạc lớn thì ta cũng không phiền lòng vì đã quen với môi trường ồn ào, huyên náo. Nếu Hoa Kỳ hay các nước phương Tây, nhà nào ồn ào như thế thì chỉ cần gọi cảnh sát đến là có chuyện. Do đó, người ta có khuynh hướng ở những nơi hẻo lánh, vắng vẻ để tránh tình trạng về tiếng ồn. Khi ở trong môi trường thuận như vậy, có nhiều người nghĩ rằng mình được tự do tuyệt đối. Nhưng thật ra đó chỉ là tự do trong môi trường thuận nếu đụng chạm với nghịch cảnh họ chịu không nổi. Tự do trong nghịch cảnh mới chính là tự do thật sự. Bởi vì cái tôi trong thuận không bị thách đố, đụng chạm hay thương tổn làm ta cảm giác rằng mình đang sống trong môi trường bình yên.

Ở các quốc gia tiên tiến khi đi hành hương du lịch ở những nước nghèo có khí hậu, thời tiết, thực phẩm, môi trường ô nhiễm, tiếng ồn làm cho họ khổ và dễ bị bệnh tật. Kháng thể của họ yếu hơn nhiều so với người ở các quốc gia kém tiến bộ. Nơi nào tự do tuyệt đối quá nhiều thì nơi đó sức chịu đựng của con người cũng ít hơn, cái tôi dễ bị tổn thương. Những người sống trong môi trường nghịch cảnh nhiều thì cái tôi như có thêm những chiếc áo giáp, đụng năm bảy lần cũng chưa sao. Còn cái tôi ở những quốc gia tự do đụng tí xíu là đã thấy phiền não. Do vậy, thuận, chiều theo ý mình chỉ làm thỏa mãn cái tôi.

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với các Phật tử chuyên tổ chức đạo tràng. Mỗi khi có quý thầy hay các vị giảng sư đến thì họ thỉnh về đạo tràng của mình; quy tụ Phật tử về tổ chức một ngày tu học. Một thời gian sau, họ không làm việc đó nữa. Nhiều người bạn đạo hỏi thì họ không trả lời. Khi chúng tôi hỏi họ nói rằng: “Trong thời gian tổ chức đạo tràng, cái tôi của con nhiều quá bởi vì ai gặp con cũng khen tốt, làm Phật sự tinh tấn vô cùng, không hề có một câu chê nào nên con thấy sợ quá, không dám làm nữa”. Ta thấy rằng đây là một cái tôi nhát gan. Mình phải hiểu khi làm một điều tốt được người khen thì đó là chuyện bình thường, không có gì để hãnh diện tự hào. Chừng nào làm điều xấu mà người ta khen mới đáng phải cảnh giác.

Trong kinh, đức Phật dạy nghệ thuật vượt qua cái khen. Nếu mình làm mức độ tốt năm, người ta khen mười thì mới mừng; vì mình không xứng đáng mà ăn gian được nên mừng. Còn làm mười mà khen năm thì không có gì đáng buồn vì nhân quả tất yếu phải như thế. Mình làm mười, người ta khen mười, nhân quả bù trừ. Do đó, ta thấy rằng: Đi đúng con đường đạo lý, khuynh hướng đạo đức, văn hóa tâm linh ta không nên bận tâm đến những lời khen chê. Làm sao ta yêu cầu người khác phải thuận theo ý mình, thuận ta thì sống mà nghịch ta thì chết. Đó là chủ nghĩa độc tôn, độc tài và độc ác.

Theo tinh thần đạo Phật, không được muốn ai cũng phải thuận theo ý mình. Tất cả mọi người đều có quyền tự do chọn lựa, quyết đoán khuynh hướng, lý tưởng, con đường; họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân quả. Người có khuynh hướng muốn người ta nói thuận theo mình, cái tôi rất lớn. Cái tôi được định nghĩa như vỏ sầu riêng, có mặt nơi nào sẽ làm rỉ máu nơi đó. Hai người ngồi kế nhau mà có vỏ sầu riêng chính giữa thì cả hai đều bị trầy xước.

Như vậy, nếu người ta thuận ý mình mà cái thuận đó tốt là chuyện bình thường; vì mình là người đạo đức thì người khác thuận. Nếu người ta không thuận thì mình cũng nên bình thản nghĩ rằng do người ta chưa hiểu, chứ bản chất tôi không hề bị thay đổi theo lời phê bình, chỉ trích của người khác. Từ đó chúng ta có thái độ rất thản nhiên trước thuận và nghịch hay những lời khen, tiếng chê. Nhờ sống như vậy nên tâm lý kiêu căng không có mặt. Ai thích xu nịnh, a dua là những kẻ bị lệ thuộc vào cảm xúc. Người ta nịnh hót mình để sau này làm chủ lấy mình. Đó là chiêu tâm lý trong các cuộc tâm lý chiến.

Trong lúc ta sai lầm mà họ vẫn ngọt ngào thì phải biết rằng đó là “Mật ngọt chết ruồi” phải suy xét lại. Ai nói những lời đôi lúc rất cộc lốc, căng thẳng, nặng nề, nếu mình nhận ra trong lời góp ý đó có giá trị chân lý; và những điều sai cần phải sửa thì ta mang ơn họ chứ không nên xem đó là kẻ thù.

Bản chất, con người chỉ thấy những gì trước mắt, cái diễn ra sau lưng thì không thấy được, phải nhờ đến gương. Hai con mắt chỉ có thể nhìn thấy phía trước, tượng trưng cho lý trí; những cái len lỏi phía sau giống như phong tục tập quán, cá tính và thói quen thì không kiểm soát được. Nếu ta để ý, bám theo những gì diễn ra trước mắt, thì những cái xâm nhập vào chúng ta chỉ có cách duy nhất là bám theo cái tôi với những cái rãnh, đường đi và lối mòn của nó, thâm nhập vào con người một cách dễ dàng và nhanh chóng. Khi cái tôi đã bám rễ trong nhận thức của người đó, đến đâu họ cũng thích lời khen, chứ không muốn ai phê bình, chỉ trích.

Theo tâm lý học Phật giáo, khen nhiều chừng nào thì cái tôi bị trương sình chừng đó. Nếu ta áp dụng công thức này với các Phật tử tổ chức đạo tràng vì sợ tiếng khen mà rút lui thì biết là họ hơi nhát gan. Cái tốt cần phải được xã hội hóa, cần được tán dương và phổ biến để cho cái xấu bị tiêu diệt. Trong kinh A Di Đà, mười phương đức Phật tán dương Phật Thích Ca làm một việc khó làm là có mặt trong cõi Ta bà uế trược mà thành tựu được đạo quả, tuyên diễn pháp âm nhiệm mầu, sau đó còn giới thiệu cảnh giới Tây Phương làm cho nhiều chúng sinh được lợi lạc.

Trình độ tâm linh như đức Phật Thích Ca đâu cần đến lời khen; nhưng các đức Phật vẫn khen và đức Phật Thích Ca vẫn không hề từ chối. Ngài không bận tâm. Từ chối là cách muốn người ta khen gấp đôi. Ví dụ, ai gặp mình thấy đẹp, tướng hảo đàng hoàng, họ khen đẹp gái, đẹp trai quá. Nhiều người nói “Tôi có đẹp gì đâu!”. Thực ra, trả lời khiêm tốn như vậy là để mời gọi sự khen tặng lần thứ hai một cách vi tế và nhẹ nhàng hơn. Ta đẹp, người khen đẹp thì cứ bình thường, miễn là đừng “nở lỗ mũi” là được, đừng để tim đập thình thịch; mình tốt, người nói tốt là chuyện bình thường thôi. Khi nào mình xấu mà người nói tốt, như thế mới có vấn đề.

Đó là cách thức để ta không bận tâm trước lời khen và cũng không vì lời khen mà ta rút lui các ý định làm Phật sự. Chẳng lẽ, mỗi khi dấn thân làm từ thiện, hiếu thảo với cha mẹ, giúp đỡ cuộc đời… có người vì cảm kích mà khen tặng thì ta nói: “Tôi sợ cái tôi bị trương sình lên nên tôi không làm nữa”. Như vậy rất vô lý! Chỉ cần đặt một vấn đề nho nhỏ thôi, ta thấy có những cách sợ cái tôi trương sình không đúng sẽ làm cho cái tôi đó trương sình theo một cách khác. Do đó, Phật sự cứ làm, việc tốt cứ dấn thân, đóng góp cho xã hội như là một phương châm, miễn ta đừng bị dao động trước lời khen chê là đã thành công.

Đức Phật Thích Ca tán dương đức Phật A Di Đà hướng về một pháp môn rất đơn giản và có kết quả. Các đức Phật khen tặng nhau không phải để “nở lỗ mũi”; các Ngài đã dạy ta vượt qua hai ngọn gió khen và chê. Ta phải hiểu cái tốt cần được tán dương để cho những người đi theo con đường tốt hiểu rằng chân lý chính là chân lý. Vì thế nên được nhiều người tuệ giác khen tặng và tán đồng. Chuyện tốt, hay mà không tán dương, chuyện xấu tuyên truyền lung tung thì xã hội đó sẽ khổ đau và bế tắc.

Khái niệm “Newspaper” trong tiếng Anh, về phương diện nghĩa đen chỉ là tờ giấy đưa những tin tức mới. Trên thực tế, đưa tin tức mới đồng nghĩa với tin tức đó giật gân và là những tin xấu. Tờ báo nào khai thác nhiều tin xấu “hot” là bán đắt hơn. Những tin tốt nhiều khi bán ra không ai mua. Tâm lý không tùy hỷ hầu như là kẻ có cái tôi rất nặng, nằm sẵn trong tâm thức của con người như kẻ biên kịch. Nó luôn phá hoại, tìm cách nói xấu, hạ người khác hơn là nâng đỡ. Do đó, thực tập theo tâm lý học Phật giáo, đức Phật dạy: “Ẩn ác dương thiện” ta phải có khuynh hướng tán dương cái tốt và góp ý cái xấu một cách có nghệ thuật thì cái xấu đó sẽ được sửa sai.

Tán dương là phải ở nơi công chúng để cho mọi người biết việc làm lành. Góp ý là chờ lúc người đó chỉ một mình để cho cái tôi của họ không bị tự ái và thương tổn thì họ mới cảm kích và sửa chữa điều sai. Chúng ta đôi lúc không để ý chuyện này, góp ý người khác mà góp ý ngoài quần chúng, khiến họ cảm thấy xấu hổ nên mới cố tình chứng minh rằng mình không sai, phủ định luôn sự sai lầm đó. Khi khen, ta không khen trước mặt mọi người mà chỉ khen khi có một vài người để cái tôi của họ không bị trương sình. Mọi cử chỉ hành động thuộc tâm lý phải rất khéo léo và tế nhị để cái tốt ngày càng được tán dương và cái xấu ngày càng được chuyển hóa. 

***

 
00:00
 
00:00