Điều VII : TỰ TIN LÀ KHÓA CÁC TIỀM NĂNG

Giảng tại chùa Phú Thọ, tỉnh Bình Định, ngày 04-07-2008
Đánh máy: Nguyễn Hoa, Diệu Tịnh Đinh Phi Khanh


7. Điều thứ bảyLòng đáng thương nhất của kiếp người là tự ti.

     Tự ti là mặc cảm, không thấy được khả năng của chính mình nên họ luôn nghĩ mình thấp kém. Họ rụt rè, làm việc gì cũng nhút nhát. Những người có tính e lệ, thẹn thùng, sợ hãi đều rơi vào trạng thái tự ti và đánh giá thấp chính mình. Dù có khả năng thật nhưng sau khi học từ trường lớp xong, đỗ đạt cao cũng không thành công vì làm gì cũng sợ thất bại. Chuẩn bị cái gì cũng lo, đầu tư cái gì cũng không dám, làm điều gì cũng do dự chần chừ, thiếu dứt khoát nên những nguồn năng lực đều bị đốt cháy. Mặc cảm về bản thân đã đốt cháy lòng tự tin. Đó cũng là ổ khóa, khóa lại tất cả các tiềm năng.

     Con người sử dụng rất ít những khả năng mình có, các nhà khoa học ngày nay đã chứng minh điều đó. Những nếp nhăn trên não là cơ sở cho sự thông minh. Não của loài cá heo có nếp nhăn nhiều hơn con người nên mức độ thông minh cao hơn, nhưng chúng không có hai bàn tay, hai bàn chân nên không làm được việc như con người. Bên cạnh đó, chúng cũng không có ngôn ngữ để truyền đạt được những kiến thức như con người... Vì vậy mà loài cá heo không thể nào làm chủ trái đất.

     Trong các loài động vật, ta thấy khỉ vượn thông minh hơn những loài khác. Kế đến là loài chó bởi chúng có thể hiểu được những gì con người nói, ra lệnh, yêu cầu... và chúng có thể làm theo. Trong các rạp xiếc, những con vật thông minh như cọp, beo, chó sói, gấu, chó, voi, sư tử… xem như đã chuyển được nghiệp ngu si của loài súc vật. Sau khi chết, nếu được tái sanh làm người, chúng sẽ rất thông minh.     

     Nếu mình có khả năng mà không tự tin thì khả năng đó không phát huy được. Chúng tôi gặp một số người ở Hoa Kỳ, trong thời gian học thì đỗ đạt cao nhưng vì đánh mất tự tin nên khi ra thị trường thì không dám đầu tư, sợ thua lỗ và thất bại. Suốt ngày lấy tiền cha mẹ bỏ ngân hàng lấy tiền lãi tiêu xài chứ không dám làm gì hết. Bản ngã tự ti nên làm gì cũng sợ thua thiệt, đến đâu cũng bị lệ thuộc.

     Ta thử hình dung một chiếc xe, hai bánh xe đều căng phồng hơi, khi di chuyển chiếc xe sẽ bị dằn và dễ bể bánh. Ngược lại, nếu như hai bánh xe bị xẹp thì cũng không thể đưa người ngồi trên xe đi đến nơi, về đến chốn được. Đó là chưa kể xe chạy như vậy bánh xe sẽ bị hư, ruột xe sẽ bị nghiền nát và dễ gây ra tai nạn giao thông.

     Tình trạng bánh xe quá căng hơi dễ bị nổ cũng giống như cái tôi căng sình, xem không ai bằng mình. Thua người khác nhưng vẫn không thừa nhận, sống ngông nghênh tự phụ, tự cao, đi đến đâu chúng ghét tới đó, có tài năng cũng không ai muốn sử dụng. Người tự ti thì ngược lại, luôn đánh giá thấp chính mình, giống bánh xe bị xẹp lép không chạy được. Dù có bánh có ruột, có máy bơm nhưng không chịu bơm, cuối cùng cũng không phục vụ được cho ai. Do đó phương diện tự ti đối lập hoàn toàn với lòng tự cao tự đại. Đây là hai phương diện tiêu cực của cái tôi, chúng đều đi ngược lại với hạnh phúc, tiến bộ. 

     Phật tử thường tu tập vô ngã, có nghĩa là trong quá trình giao lưu tiếp xúc, mình phát huy được năng lượng, đóng góp những tài năng, tinh hoa của mình mà vẫn xem mọi người là thân thương, không phân biệt đối xử chủ, tớ, cao thấp, lớn nhỏ.

     Năm 1988, có một chú bé khoảng 8 tuổi vào chùa được Hòa thượng bổn sư chúng tôi nhận làm con nuôi. Cậu bé này bị chứng bệnh mặc cảm tự ti rất nặng, mức độ thông minh của chú lại kém. Hòa thượng giao chúng tôi đỡ đầu và dạy chú học. Mỗi ngày chúng tôi bỏ ra hai tiếng đồng hồ để dạy chú đánh vần, chú học không vào đầu nổi, nếu nhớ được chữ b thì quên chữ a, nhớ chữ c thì quên chữ b. Tập như vậy ba tháng trời chú mới đánh vần được a b c đ. Chậm như thế nên chúng tôi áp dụng kỷ luật sắt, không nản lòng. Cuối cùng, chú cũng đánh vần được hết chữ cái, học thuộc được kinh. Thay vì các chú tiểu khác học một trang kinh chỉ trong vòng hai tiếng thì chú học một câu kinh có bốn chữ mà mất một, hai ngày. Nhưng cuối cùng chú cũng học được.

     Khi không có người, chú thường chui xuống gầm giường, chân ghế giống như một con vật ở trong nhà. Nhìn như thế, mình biết chú có mặc cảm rất lớn. Chúng tôi mới phạt, nói rằng: “Nếu chú còn chui xuống giường thì thầy phạt quỳ gối hai tiếng đồng hồ”. Chú nói: “Thà con bị phạt chứ không dám ngồi trên ghế”. Chú sợ đến như thế. Có lẽ trong một tiền kiếp nào đó, chú đã bị người ta hành hạ, trừng phạt ghê gớm quá, đối xử với chú như một con vật nên ấn tượng đó chưa phai nhòa trong tâm. 

     Chú sợ hãi, mất tự tin, phải trải qua vài năm mới có thể lột bỏ được mặc cảm. Do đó chúng tôi dùng phương pháp khen thưởng: “Nếu ngày nào chú ngồi trên ghế được hai tiếng đồng hồ thì thầy sẽ thưởng cho chú hai bịch bánh, ngồi được bốn tiếng thì được bốn bịch bánh”. Chú mừng lắm, ngồi được hai tiếng rồi trốn chui dưới gầm giường lại. Vừa phạt vừa khen, vừa cứng rắn vừa nhu mì, đến ba năm chú mới bỏ được thói quen này.

     Chúng ta thấy, tâm lý mặc cảm làm cho con người không phát huy được tiềm năng, trong khi đó ai cũng có tiềm năng. Các em thiếu nhi phải tin rằng kho tàng tiềm năng của mình không có giới hạn. Kinh điển Đại thừa gọi là vô tận tạng, “” là không, “tạng” là kho tàng và “tận” là đáy, vô tận tạng là kho tàng không đáy, không có kết thúc. Ta khai thác hoài mà vẫn còn, dùng hoài không hết. Cũng giống như đại dương, dù có dùng hàng trăm ngàn cái máy để bơm hút nước suốt cả mấy tỷ năm thì nó cũng vẫn còn y nguyên. Luật tuần hoàn bảo toàn năng lượng cho phép ta tin vào điều đó.

Kho tàng trí tuệ và tri thức của con người cũng như vậy. Đối với người phàm, họ thường mặc cảm cho rằng mình là kẻ phàm phu nên không thể tu được giống như Phật, Bồ tát.

     Đức Phật nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như Như Lai, đừng khinh thường họ và cho rằng họ vô dụng. Hãy nhìn về phía mặt trời để ta quên đi cái ánh sáng của con đom đóm. Lửa của đom đóm không phải lửa thật, nó chỉ lấp lóe lên vào ban đêm thôi. Một người dù có khả năng như mặt trời mà mặc cảm nghĩ mình là con đom đóm thì cũng không làm được gì. Mình có thể là một quả núi mà nghĩ mình như là một hạt cát, dĩ nhiên, khiêm tốn là tốt, nhưng khiêm tốn quá mức thì không nên. Rụt rè, sợ hãi mất tự tin là một điều đáng thương, đáng tội nghiệp. Những người cha, mẹ và những người thầy cô giáo có khả năng nắm bắt tâm lý tốt phải làm sao giúp con em của mình rũ bỏ được mặc cảm thua sút bạn bè, nên biết cách khích lệ bằng nghệ thuật khen thưởng chứ đừng trừng phạt. 

     Trong chương trình cúp thế giới, khi rơi vào tình trạng bất phân thắng bại, hai bên ngang tài ngang sức, sau hai hiệp chính và hiệp phụ thì phải đá phạt đền. Vấn đề đặt ra ở đây là tâm lý. Huấn luyện viên giỏi sẽ không đưa cầu thủ siêu sao ra đá đầu tiên vì sức ép tâm lý ở người đó rất lớn. Là một cầu thủ siêu sao, hay là cầu thủ đạt giải quả bóng vàng, dù anh ta có sút vào khung thành của đối phương thêm một quả nữa cũng không nổi tiếng thêm. Nhưng nếu anh ta sút trật thì sẽ bị mang tiếng, bị nguyền rủa. Điều này có thể làm sa sút tinh thần của cầu thủ. Chúng ta thấy Platini nổi tiếng như thế mà đã có lần sút không vào khung thành, Golit cũng vậy, Maradona cũng có lần sút trật.

     Nếu huấn luyện viên tâm lý thì sẽ cử một cầu thủ đang lên, anh ta sẽ phấn chí, vì sút không vô cũng không sao, sút vô thì cả một danh dự. Đó là một cách khích lệ, huấn luyện viên tin tưởng chọn anh ta đá đầu nên anh ta phấn chấn, thành ra khả năng có một mà trở thành hai ba.

     Ngôn ngữ dân gian có câu: “Nhón chân với tay”. Mỗi ngày, các con chịu khó áp sát vào tường, nhón chân lên, nhón tay lên thật cao trong vòng mười giây rồi hạ xuống sẽ giúp cơ thể phát triển cao hơn bình thường. Đó cũng là một nghệ thuật thư giãn, vừa có sức khỏe vừa nâng được chiều cao. Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, nếu chúng ta nỗ lực để khả năng từ bảy phải thành mười thì ta sẽ được bảy rưỡi, tám rưỡi. Bám theo người thủ khoa thì ta có thể thành hạng hai, hạng ba; còn so đo với người hạng chót, thì ta có thể cũng hạng chót. Phải tìm kiếm thần tượng của mình để theo gương đó vươn lên trong cuộc đời thì mới xóa được mặc cảm tự ti.

     Khi dự thi giọng ca vàng, những người tập ca phải chọn một chất giọng mà mình thích nhất để bắt chước, học hỏi. Chẳng hạn ai có giọng gào thét thì bắt chước Phương Thanh, ai có giọng rền rền thì bắt chước Khánh Ly, ai có giọng ngọt ngào dân ca thì bắt chước Cẩm Ly. Thi cải lương thì bắt chước Lệ Thủy, có chất giọng yểu điệu thục nữ thì bắt chước Bạch Tuyết, có giọng ngọt ngào dễ đi vào lòng người thì bắt chước Út Bạch Lan… Phải bám lấy một giọng tiêu chuẩn để luyện ngày luyện đêm trên nền tảng chất giọng riêng của mình thì ta sẽ giỏi hơn. Phải có điểm để bám mặc dầu khả năng của mình chưa được như vậy. Dần dà, mặc cảm tự ti sẽ biến mất, ta cảm thấy tự tin hơn.

     Trong học tập cũng thế. Thí dụ như trong trường có một người luôn là thủ khoa suốt mười hai năm, mình có thể ghi tên nhân vật đó trên bàn học để tự nhắc nhở và hạ quyết tâm: “Tôi sẽ trở thành anh Nguyễn Văn A trong kỳ thi này”. Phải nghĩ mình là thủ khoa thì mình mới được hạng hai, ba, tư, năm. Mình ở hạng 45 mà lúc nào cũng bắt chước cậu đứng hạng 43 thì mình đứng mãi ở hạng 45, học bao nhiêu năm cũng không tiến bộ. Vì vậy, phải phấn chấn, tự tin lên.

***

 
00:00
 
00:00