Điều XIII : CON ĐƯỜNG TUỆ GIÁC

Giảng tại chùa An Lạc, Ventura, CA, ngày 13-07-2008
Đánh máy: Ngọc Phương


 13. Điều thứ 13Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết.

     Đây là phương diện người xuất gia cần phải nhấn mạnh nhiều. Đối lập với kém hiểu biết là con đường tuệ giác.

     Phật tử tại gia cũng cần phải học Phật pháp, để mỗi người trở thành ngọn đuốc của tư tưởng nhà Phật bằng chính những hành động thiết thực của mình. Người xuất gia trong thời hiện đại cũng phải khác xưa, ngoài việc chuyên tu rèn luyện đời sống tâm linh thì còn phải dấn thân vào các hoạt động từ thiện xã hội.

     Hai yếu tố này cũng như sự song tu về phước và huệ mà mỗi người đệ tử Phật đều phải hành trì. Trong điều minh triết thứ 13, cái khiếm khuyết được định nghĩa ở đây là sự thiếu sót tri thức, khiến mình vĩnh viễn là kẻ vô học. Nhu cầu về việc học, con đường đạo đức và tâm linh là không hạn lượng. Đường kính của sự học là vô tận. Biên giới của sự học là không giới hạn. Cho đến lúc nào ta phá vỡ được vô minh thì toàn bộ tiến trình học mới được xem là có điểm dừng.

     Sự kém hiểu biết giống như con mắt của ta đang nhắm lại, chức năng của nó bị mất đi. Phật giáo gọi sự kém hiểu biết là vô minh.

     Vô minh là thuật ngữ chuyên môn, được định nghĩa là sự thiếu tri thức về nhân quả. Khi sống bằng các phương tiện tư duy như loại suy, quy nạp, diễn dịch và tổng hợp trên nền tảng chủ quan hay khách quan, nếu tách rời khỏi quy luật vận hành của vũ trụ là nhân, quả với sự nối kết là duyên thì tất cả mọi giả định đều được xem là loại tri thức kém hiểu biết.

     Theo định nghĩa căn bản này thì chưa hẳn các nhà khoa học, bác học, thiên tài, nhân tài trong mọi lĩnh vực, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển tư tưởng của nhân loại là những người thoát khỏi sự kém hiểu biết. Phi hành gia đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng trong chương trình khám phá vũ trụ cách đây vài chục năm đã thực hiện động tác đầu tiên khi ông đặt chân xuống Mặt trăng là: Vẽ một dấu thánh giá để tạ ơn Chúa đã giúp cho ông còn sống.

     Là một nhà khoa học vật lý thiên văn học thì rõ ràng ông ta biết vũ trụ không bắt nguồn từ một nguyên nhân đầu tiên nào, dù được định danh là Thượng đế dưới nhiều danh nghĩa khác nhau. Những tri thức về sự tạo dựng nên vũ trụ được cài đặt như một con chíp trong đầu của ông khi còn nhỏ. Khi lớn lên, các tri thức khoa học vẫn không đủ sức tẩy não con chíp này. Do vậy, quan điểm có Thượng đế thương tưởng, ban tặng sự sống và mọi thứ khác vẫn còn là nỗi ám ảnh. Các loại tri thức như thế vẫn bị xem là kém hiểu biết.

Khái niệm kém hiểu biết trong Phật giáo khác với thuật ngữ xã hội học. Sự hiểu biết trong xã hội học có nghĩa là linh hoạt, khôn ngoan trong các mối quan hệ giao tế giữa mình và người để làm sao có được sự hài lòng. Trong giao dịch kinh tế, khôn ngoan là làm thế nào để ta có nhiều hợp đồng có giá trị lợi nhuận cao. Được lòng khách hàng cũng được xem là một nghệ thuật đi bằng con đường hiểu biết: Hiểu biết quy luật cung cầu của kinh tế, tâm lý của khách hàng, thời cơ đầu tư và thời điểm chào hàng để công việc được hanh thông và mang lại lợi nhuận cao.

     Khái niệm kém hiểu biết trong 14 điều minh triết là thiếu tuệ giác, là những loại nhận thức tư duy và giải quyết vấn đề không đặt trên nền tảng của nhân quả. Như vậy, nhân quả theo nhà Phật là gì? Dân gian thường nói: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Kiến thức nhân quả này tạm gọi là nhân quả mặt phẳng, nó khác hoàn toàn với kiến thức nhân quả trong thực tế mà chúng tôi tạm gọi là nhân quả hình học không gian. Xin tạm mượn hai khái niệm toán học để dễ dàng mô tả.

     Ở trình độ tiểu học trở xuống, kiến thức về hình học trên mặt phẳng được xem là chân lý. Nó như là một quy luật. Nhưng từ trung học trở lên, bản chất vận hành của vũ trụ được hiểu không phải là mặt phẳng nữa mà nó đa chiều, thậm chí là n chiều. Nhân quả còn chịu sự tác động của các duyên mang tính điều kiện, do vậy những yếu tố được gọi là nhân gieo trồng trong quá khứ của đời trước, của mấy chục năm vừa qua hay của ngày hôm qua, và cả thành quả của tương lai đều phải trải qua tính thời gian của hiện tại bởi nhiều tác động khác nhau. Nên có những lúc trồng dưa mà không được dưa, trồng đậu mà không được đậu.

     Ở Việt Nam, vào cuối năm 2007, miền Bắc phải chịu một đợt khí hậu lạnh, giá rét với gió bấc đã làm cho những thiệt hại mùa màng lên tới vài chục tỷ đô la. Tất cả những người làm nông trong vụ mùa đó đều thất bát. Cho nên trồng lúa, rau, củ, quả… hầu như chẳng được gì mà còn bị tổn thất.

     Như vậy trong nhân quả mặt phẳng, ta nói “trồng lúa được lúa, trồng đậu được đậu” thì phải hiểu là tính chất của nhân và quả tuy đồng nhất nhưng không có nghĩa là theo tỷ lệ thuận về khối lượng.

     Do vậy, nhân quả hình học không gian mới là quy luật để giải quyết các vấn nạn trong xã hội. Khi ta gieo trồng những hạt giống xấu, tiêu cực, không có nghĩa là sẽ trả quả trong tương lai theo những gì ta đã gieo trồng. Tiến trình chuyển đổi nghiệp, thay thế hành vi, làm chủ cảm xúc, làm chủ được nhận thức dẫn đến vận mệnh con người bắt đầu thay đổi theo.

     Như vậy, nhân quả trong tình huống này là mối tổng hòa giữa những hạt giống xấu và tốt. Xấu trong quá khứ, tốt trong hiện tại tương tác lẫn nhau theo quy luật bù trừ, kết quả là cái nào mạnh cái đó khống chế. Hạt giống đã gieo trồng nếu không có những cản lực tích cực hay tiêu cực, nó sẽ trổ quả ngay thời điểm nhất định với kết quả như ta mong đợi. Như vậy, bởi có sự tác động nên kết quả đôi lúc không đồng nhất với cái nhân được gieo trồng ban đầu.

     Do đó, yếu tố duyên chính là dữ liệu quyết định sự thành công trong tiến trình đầu tư nhân quả. Khi ta hiểu được nhân quả dưới góc độ có sự tương tác, sẽ không có cái gọi là định mệnh an bài với những quy luật số phận mà ta thường nghĩ nó gắn liền với con số năm, tháng, ngày, giờ sinh hay là năm, tháng, ngày, giờ đầu tư một công trình, khai trương công việc. Lúc đó ta đã có tri thức gọi là tri thức tuệ giác về nhân quả. Điều đó giúp chúng ta thoát khỏi giới hạn của sự kém hiểu biết vốn làm cho con người lún sâu trong mê tín dị đoan.

     Trước khi đến Hoa Kỳ, chúng tôi có dịp thuyết giảng tại 10 tỉnh thành của miền Bắc. Trong mỗi buổi giảng đều có hai phần: Phần giảng về đề tài chính và phần vấn đáp. Ấn tượng chúng tôi đã đúc kết được là: Không có ở ngôi chùa nào mà quần chúng không hỏi đến việc đốt giấy vàng mã, cách thờ phượng. Quá nhiều yếu tố đa thần giáo đã có sự ảnh hưởng rất đậm đặc đến các ngôi chùa miền Bắc.

     Phật giáo miền Bắc khoảng 20 năm trở lại đây, cơ hội phục sinh mới bắt đầu trỗi dậy. Sự kém hiểu biết về nhân quả trở thành một yếu tố trong nhận thức của con người. Đồng lúc đó, nạn mê tín dị đoan diễn ra rất nghiêm trọng.

     Các chùa thờ rất nhiều Thần: Thượng đế, Nam tào, Bắc đẩu, Cửu thiên Huyền nữ, Quan Công, Mẹ sanh Mẹ độ… ngay trên chánh điện chứ không đơn thuần ở nhà các Phật tử. Chùa Phật giáo miền Nam thì hoàn toàn khác. Ngoài một số chùa do gốc gác của người kiến dựng nên ngôi chùa có tín ngưỡng đa thần giáo trước khi theo đạo Phật, chín mươi mấy phần trăm là không thờ như vậy.

     Hiện nay Phật tử thuần thành tại miền Nam cũng không còn thờ phượng theo tín ngưỡng đa thần giáo. Họ hiểu rất rõ rằng nhân quả quyết định tất cả hạnh phúc và khổ đau của con người chứ không phải do Thượng đế hoặc các vị thần linh có chức trách như trước đây người ta quan niệm.

     Loại tri thức về nhân quả theo cấu trúc hình học không gian sẽ giúp ta giải phóng được quan niệm về định mệnh, vốn là nỗi ám ảnh dẫn người ta đến con đường tôn giáo nhiều hơn.

     Trong kinh Trường Bộ, đức Phật dạy: “Nếu những gì chúng ta có trong hiện tại được lý giải có gốc gác từ quá khứ thì họ sẽ khó có thể khởi lên ý niệm phấn đấu đời sống đạo đức ở hiện tại để làm mới chính mình”. Các Tổ Trung Hoa dạy “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị, yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”. Muốn biết về các nguyên nhân đời sống của mình trong quá khứ, thì hãy xem những gì mình tiếp nhận hôm nay. Và muốn xem tương lai mình như thế nào thì hãy xem những gì mình đang làm ở hiện tại.

     Ở đây chúng tôi tạm gọi là nhân quả mặt phẳng, nó như lời tuyên huấn đạo đức có tính xúc tác, đẩy con người vào quỹ đạo của đời sống đạo đức, để con người có sự chuẩn mực trong đời sống hiện tại và trong tương lai, họ được an vui và hạnh phúc. Còn nếu xem đó là chuẩn mực, là quy luật diễn ra phải tất yếu như thế thì nó đi ngược lại hoàn toàn với câu tuyên bố của đức Phật trong kinh Trường Bộ. Có những cái thuộc nguyên nhân hiện tại nhưng người ta cố tình lý giải nó là quá khứ.

     Trong mùa Phật đản từ ngày 14 đến 17-5-2008 xảy ra hai sự kiện rất thương tâm. Ngày 2-5-2008, cơn bão Nargis tấn công Miến Điện đã làm thiệt mạng trên 150 nghìn người, sự tổn thất hoa màu không tính đếm được. 10 ngày sau đó, vào ngày 12-5, cơn động đất diễn ra ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã cướp đi mạng sống của trên 80 ngàn người.

     Chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người trong thời gian thuyết giảng ở Hà Nội, có người đã nhận xét: “Miến Điện và Trung Quốc đang trả quả” - Một viên chức rất lớn nói: - “Miến Điện trả quả vì đã cưỡng bức các nhà sư trong một năm qua, gây ra cảnh tượng rất đau lòng”. Nhưng đó là nhận xét về nhân quả mặt phẳng, không chuẩn xác lắm. Chính quyền Miến Điện đàn áp nhà sư chứ người dân của Miến Điện có đàn áp đâu! Chính quyền tạo mà người dân phải chịu hậu quả như thế thì đó không phải là nhân quả. Nếu chính quyền tạo thì phải trả quả đời sống của họ lận đận, lao đao. Đằng này nạn nhân là người dân vô tội. Trung Quốc cũng thế, gia đình của trên 80 ngàn nạn nhân đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không nơi nương tựa. Mọi lý giải cho rằng những khốn khó, bế tắc đang đối đầu đều là kết quả quá khứ là không đúng.

     Trong tình huống này, ta thấy hệ thống dự báo Thiên văn cho đến nay vẫn còn giới hạn, chưa ai dám cam đoan rằng mình tiên liệu được một cách chuẩn xác về sự xuất hiện của động đất, ngay cả các cơn bão thông thường. Sau ngày động đất diễn ra, các nhà khoa học ở Trung Quốc mới đưa ra một thống kê về xã hội học: Ở những nơi diễn ra động đất, người ta thấy dấu hiệu của các con vật di chuyển từ bỏ trú xứ của nó sang một nơi khác. Và người ta dẫn đến kết luận rằng xúc giác, khứu giác của các loài vật này tinh vi hơn con người, nên với những biến động dưới lòng đất, con người chưa cảm nhận được mà chúng đã biết.

     Dựa vào đó, họ đưa ra bài học mới có giá trị tương đương Thiên văn học. Trước đây, dân gian Việt Nam thường kinh nghiệm rằng hàng loạt ổ kiến ở dưới gốc cây mà bò lên trên thân cây thì biết khu vực đó khoảng chừng 3 ngày nữa sẽ có lụt. Bởi vì các loài vật này, nhất là kiến có xúc giác và khứu giác rất nhạy, nó phát hiện ra điều đó trước hết. Nhờ đó ta tránh được những tổn thất đầu tư mùa màng.

     Những điều đó đều liên hệ đến quy luật nhân quả của vũ trụ. Nó tác động mật thiết với nhân, quả, phước báu của con người. Do đó, ta phải quy trách nhiệm về mặt khai thác môi trường, thiên nhiên, sinh thái quá cạn kiệt trong thời gian ngắn khiến chúng không thể tái tạo được nguồn nhiên liệu mới để phục vụ con người. Kết quả là có những biến động như động đất, sóng thần, lũ lụt mà các nhà khoa học đã lý giải. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự tổn thất về nhân mạng.

     Chúng ta khắc phục về phương diện này sẽ hạn chế tối đa các thiên tai. Có người lý giải: Do trong quá khứ, con người ở những nước đó tạo nhiều điều ác, điều xấu nên đất nước gặp phải thiên tai. Vậy làm sao ta có thể lý giải cơn động đất ở Nam Á và Đông Nam Á cách đây vài năm mà trong thời điểm đó, hai nước Phật giáo là Tích Lan và Thái Lan có số người chết tương tự như các nước Hồi giáo. Ta lý giải như thế nào đây? Chẳng lẽ những người như thế đều xấu hết? Không hẳn như thế.

     Do đó, nhân quả mặt phẳng chỉ giúp giải thích được một phần, có giá trị khuyến tấn giáo dục nhiều hơn là giải quyết các vấn nạn thực tế mà phần đầu đã đặt ra cho chúng ta. Trong khi đó, việc tri thức về nhân quả theo tinh thần Phật dạy trong kinh Trường Bộ, tạm gọi là nhân quả hình học không gian là loại nhân quả rất năng động, do vậy ta không được phép đầu hàng số phận. Khi biết nếu mình tạo thêm những điều kiện tích cực vào cơ cấu nhân quả trong đời sống đạo đức của bản thân thì hạt giống quá khứ sẽ được khắc phục và vượt qua, ta sẽ trở thành một người an vui và hạnh phúc.

     Định nghĩa thứ hai trong kinh tạng Pàli về sự kém hiểu biết là thái độ nhận thức và phương thức sống không phù hợp với nguyên lý vô thường và vô ngã. Rất nhiều nhà khoa học, nhà tri thức đã lâm vào tình trạng thế trí biện thông, cũng là một trong tám chướng nạn. Trên cơ sở đó, họ vẫn bị liệt vào loại kém hiểu biết dưới góc độ tuệ giác.

     Ta thấy chữ Pàli gọi vô ngã là “anatta”. Nếu dịch sát nghĩa chữ Hán, ta không dịch là vô ngã mà là phi ngã, vì tiếp vị ngữ “a” đặt trước một danh từ tức là phi. Nó mang tính cách loại trừ tân ngữ đi theo sau. Nếu gọi là vô ngã nghĩa là không có cái ngã, thì lại bị hiểu theo nghĩa rằng ta phủ định linh hồn.

     Trên thực tế, đạo Phật vẫn chủ trương có hình thức tái sanh sau khi con người mất, cái chết không phải là dấu chấm cuối cùng. Dù là khái niệm linh hồn hay tái sanh cũng chỉ là một tiến trình chuyển tiếp của tâm thức, chứa đầy hạt giống nhân quả trong quá khứ và hiện tại.

     Do đó, khái niệm vô ngã mà các dịch giả Trung Hoa sử dụng không phản ứng đúng được thuật ngữ đức Phật đã sử dụng trong bản kinh là phi ngã (anatta). Dựa vào chữ phi ngã này, ta vẫn thấy có một cái tôi. Cái tôi đó được cấu tạo bằng thân thể vật lý gồm có 4 nguyên lý: Chất rắn, chất lỏng, chất nhiệt, chất vận động. Và cõi tâm thức có 4 nguyên lý: Nguyên lý cảm xúc, nguyên lý tri giác, nguyên lý tâm tư và nguyên lý nhận thức. Tất cả hai nhóm nguyên lý về vật chất và tâm tạo ra cái tôi được đức Phật khẳng định là phi ngã, tức chẳng phải tôi. Phi ngã không phủ định không có cái tôi, chẳng phải là tôi và không có. Hai cái đó khác nhau.

     Ví dụ ta nói hoa hồng này chẳng phải hoa lan, hoa cúc, chứ không phải không có nó. Không có hoa hồng khác hoàn toàn. Trên tay ta vẫn cầm cái hoa hồng, ta không thể nào phủ định tính hiện thực của nó là không có, mà ta chỉ nói nó không thuộc về cái khác thôi.

     Khi phân tích về học thuyết duyên khởi, đức Phật nói: Những cái gì được hình thành bởi nhiều yếu tố, điều kiện mà khoa học vật lý hiện đại gọi là nguyên tử, phân tử; giữa chúng có một khoảng cách rất lớn, nó lại được vận hành tạo bởi những nguyên tố khác, cái đó chẳng phải là chính nó. Bởi vì nó vay mượn từ những cái khác để tổ hợp lại và hình thành.

     Học thuyết về phi ngã cho ta nhận thức: Không thần tượng hóa thân thể này như là Thượng đế. Chủ nghĩa duy vật và vật chất đã chủ trương dựa trên thân thể để mà làm giàu. Bởi tôn vinh nó nhiều quá nên người ta phải chịu hệ lụy, dẫn đến trạng thái bám víu về cảm xúc, về thân xác. Cho nên mỗi khi thân thể bị đau ốm, con người bị khủng hoảng rất lớn. Thân thể đối diện với cái chết, con người lại không muốn thừa nhận để sẵn sàng vẫy tay chào nó. Những hậu quả khác khi thương tổn đến thân thể, ta đã thấy trong lịch sử của nhân loại.

     Việc đánh đồng cả khối cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức của chính mình cũng làm cho con người khổ đau nhiều hơn. Những người như thế thường rất nhạy cảm. Mỗi lời nhận xét, lời qua tiếng lại của người khác khi chỉ tên mình do cha mẹ đặt ra thì mình có khuynh hướng đánh đồng danh xưng chính là mình, nỗi khổ niềm đau bắt đầu có mặt.

     Trong khi đó, loại tri thức phi ngã dạy ta cách ứng xử mới. Tức là những gì tốt ta lấy làm phương châm để phấn đấu; còn những gì thuộc về phê bình, chỉ trích, vu khống, xuyên tạc thì mình nên nghĩ cái này không phải là tôi, tôi không bị lệ thuộc vào những cái này. Từ đó nó không có cơ sở để bám víu.

     Nỗi khổ và niềm đau thuộc về hai phần: Khổ thuộc về tâm lý, đau thuộc về vật lý. Nỗi khổ và niềm đau chỉ có hai cơ sở để bám víu, hoặc là thân, hoặc là tâm. Thân bao gồm các loại bệnh hay sự biến hoại về vấn đề sinh học làm cho chúng ta già rồi mất đi sắc đẹp, làm cho ta chán nản, thất vọng, dễ dàng thất điên bát đảo.

     Khi có được loại tri thức về phi ngã, ta không đánh đồng hai thứ đó là mình, cũng không phủ định nó. Nó vẫn có nên mình mới đau, nó có nên mình phải chăm chuốt, ăn mặc sang trọng; phải giao lưu, tiếp xúc… những cái đó ta không thể phủ định được. Nhưng tri thức không đánh đồng là chính mình sẽ giúp ta rũ bỏ nỗi khổ niềm đau rất dễ dàng, không cần sử dụng những loại thuốc giảm đau mà vẫn có tác dụng.

     Như vậy, kiến thức về vô ngã là sự hiểu biết, ai không có kiến thức vô ngã thì người đó vẫn còn bị xem là đang sống trong vòng lẩn quẩn và kém hiểu biết. Còn tri thức về vô thường thì ta thấy nó diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Quy luật của thời gian gồm ba cái mốc: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian luôn luôn là dòng chảy không có điểm dừng, tương lai sẽ tiếp tục trở thành hiện tại rồi trở thành quá khứ. Cứ như thế, nó tiếp tục trôi qua trong đời người và luân chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Khi nhận thức được tiến trình vô thường, ta sẽ thấy được quy luật vô ngã, nó áp dụng trên cơ thể vật lý và tâm lý, làm cho con người bớt đi nỗi đau. Bởi mình biết là vô thường nên ta phải thừa nhận, chấp nhận nó như một hiện thực.

     Vài năm gần đây, hiện tượng ngoại cảm tại Việt Nam trở nên rất nổi cộm. Ở trong nước, những nhà ngoại cảm có tên tuổi khoảng chừng trên dưới 100 vị. Nhà ngoại cảm nổi tiếng nhất là cô Phan Thị Bích Hằng, gần đây có cô Nguyễn Thị Phương ở Hàm Rồng - Thanh Hóa. Họ đều là những người có thành tích tìm kiếm và phát hiện ra hài cốt mất tích trên dưới mấy ngàn trường hợp. Điều đó khẳng định rằng có tồn tại trạng thái sau khi chết.

     Trong việc truy tìm hài cốt, người ta chỉ mới đặt nặng vấn đề là làm sao tạo ra được sự hội ngộ giữa người sống và người chết chứ không chú ý đến góc độ tâm linh mà nhà Phật đã dạy, đó là làm thế nào giúp cho hương linh rũ bỏ được cảnh khổ đau dưới hình thức ngạ quỷ để ra đi. Đôi lúc, sau khi phát hiện ra hài cốt của họ thì nỗi khổ đau tiếp tục nhiều hơn nữa.

     Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao có nhiều hương linh chết mấy chục năm mà vẫn chưa được siêu? Trong khi kinh Địa Tạng dạy chỉ sau 7 tuần thất, tiến trình tái sinh sẽ được kết thúc. Hoặc theo Phật giáo Nam tông: Con người và các loài động vật sau khi rũ bỏ xác thân 5 uẩn sẽ tái sinh vào cảnh giới tương thích về nhân duyên quả báo đối với gia đình mà sau này họ sẽ làm con.

     Câu trả lời rất đơn giản: Trong các cảnh giới tái sanh đức Phật dạy có cảnh giới ngạ quỷ. Ngạ quỷ không phải là cảnh giới dưới lòng đất mà dân gian thường gọi là âm phủ. Những nhu cầu đời sống xã hội hoàn toàn không có đối với ngạ quỷ vì họ không còn thân thể vật lý. Họ không còn miệng để nhai, không còn cổ để nuốt, không còn bao tử để chứa, không còn hệ thống tuần hoàn tiêu hóa để tạo ra tiến trình sống như khi còn làm người. Do quan niệm có một cõi âm phủ, nên rất nhiều người rơi vào tình trạng mê tín, đốt giấy vàng mã để lo cho người thân quyến thuộc.

     Phần lớn các hương linh khi còn sống không tin chết là có thêm kiếp sau, nhất là những nhà duy vật dễ rơi vào tình trạng lẩn quẩn sau khi chết. Họ không có chỗ để bám, không có chỗ để ra đi nên họ kháng cự lại cái chết, không muốn thừa nhận nó là sự thật. Nguyên lý vô thường sẽ dạy cho các hương linh rằng thừa nhận năm, tháng, ngày giờ mà cái chết diễn ra không chỉ là sự khai tử về phương diện giấy tờ mà còn là hiện thực. Cho đến lúc nào tri thức về sự thừa nhận có mặt thì họ mới được tái sinh. Nếu bám víu và không có thừa nhận sự thật thì mặc dù tâm thức đã thoát ra khỏi thân thể vật lý, nhưng nó vẫn có khuynh hướng bám víu nơi cái chết diễn ra: Ở căn nhà hay nơi mộ huyệt, hay là nơi nhà thờ họ tộc, nơi chứa đựng hài cốt v.v...

     Quy luật về vô thường, vô ngã luôn tác động quy luật đến không gian và thời gian. Kiến thức về nhân quả buộc ta phải có hai kiến thức đính kèm là vô ngã và vô thường. Có như vậy, tiến trình tái sinh sẽ diễn ra trong tích tắc. Sau khi chết, ta sẽ đi theo nghiệp và nghiệp sẽ trở thành lực đẩy đưa ta vào tiến trình tái sinh. Đối với những người làm chủ được sống chết, tức là trên tiến trình chứng đắc và đã chứng đắc thì sự tái sinh sẽ theo nguyện ước, tức nếu họ phát nguyện khi chết đi về đâu thì họ sẽ có mặt ở đó.

     Hiểu được vô ngã và vô thường sẽ làm cho con người không còn mê tín dị đoan vào thế giới cõi âm, Thượng đế, thần linh và vận mệnh nữa. Mỗi người tự làm chủ số phận và đời sống của mình. Tri thức đó giúp con người được rất nhiều hạnh phúc.

     Ở đây gọi là sự khiếm khuyết lớn cũng còn hơi nhẹ, lẽ ra phải là “nỗi khổ đau lớn nhất của kiếp người là kém hiểu biết” (thiếu hiểu biết về nhân quả, thiếu hiểu biết về vô thường vô ngã). Khiếm khuyết là chưa đủ thôi để diễn tả được mức độ thiếu thốn như thế nào. Ví dụ: Người nghèo dưới mức trung bình vẫn có được chén cơm manh áo. Người dân Ấn Độ một ngày chỉ cần khoảng 7.000 đồng Việt Nam là sống tốt rồi. Họ mua 1 ký bột làm bánh rồi ăn luôn 1 tuần, ngày thứ hai có được 5.000 đồng họ dành dụm để mua sữa. Chỉ cần như vậy, họ đã có thể vượt qua cơn khốn khó.

     Cho nên, dùng từ “khiếm khuyết” vẫn chưa đủ để thể hiện điều đức Phật muốn nói là: Cái khổ, cái đau, bế tắc do kém hiểu biết về nhân quả sẽ đến với sinh mệnh con người và các chủng loại ở mức độ như thế nào. Tuy nhiên, dù gọi là kém, khiếm khuyết thì ta vẫn thấy sự tổn thất đó rất lớn và không thể xem thường.

***

 
00:00
 
00:00