Phần 5: HỌC RỘNG HIỂU NHIỀU

Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 4-7-2010

Phiên tả: Nguyễn Gia Thụy Linh

  ***

♦ VĂN TƯ TU

    Phần thứ năm của bài kinh Bát Đại Nhân Giác nói về giá trị của học rộng hiểu nhiều. Học và hiểu là hai mặt của một vấn đề. Có người không cần học cũng hiểu; có người học lại không hiểu; có người hiểu nhưng không chịu học. Ở đây, cặp thuật ngữ được đức Phật khích lệ trong kinh là “bác học đa văn”. “Bác học” là học rộng. Rộng bao gồm trước nhất là nội điển, tức những lời Phật dạy được thể hiện qua kinh, những đạo đức Phật quy định được thể hiện qua luật, những phân tích chuyên sâu được thể hiện qua luận. Ngoài ra, một người muốn thành công và có nhiều giá trị ứng dụng thì ngoài vịệc lão thông tất cả nội điển cần phải có kiến thức rộng về ngoại điển, tức những lĩnh vực có liên hệ chuyên môn đến Phật học. Hơn thế nữa, người đó có thể sử dụng khéo léo để biến chúng trở thành công cụ phục vụ cho việc hiểu và hành trì lời Phật dạy. Việc đó được gọi là học rộng.

    “Đa văn” có nghĩa đen là nghe nhiều. Ngày xưa, học phải bắt đầu bằng nghe. Lúc đó chưa có chữ viết, người thầy chủ yếu truyền đạt kiến thức của mình thông qua sự hướng dẫn bằng lời nói. Như vậy, với phương tiện là sự nghe, thế hệ đi sau mới có thể nắm bắt tinh hoa kiến thức của thế hệ đi trước. Cho nên chữ “văn” trong Phật học Pali Sankrit được phát âm là “sutta”. “Sutta” cũng đồng âm với chữ “sutta” là kinh điển. Như vậy, phải nghe để ta biết được đạo lý. Trong thuật ngữ Ấn Độ giáo, “Upanishad” thường được dịch trong tiếng Việt là Áo Nghĩa Thư, tức quyển sách nói về nghĩa lý sâu sắc mầu nhiệm. Nghĩa đen là ngồi bên thầy để học hỏi chân lý, hoặc quỳ bên thầy để học hỏi các loại kiến thức tôn giáo. Như vậy, trong bối cảnh văn hóa thời đức Phật, việc học duy nhất được thông qua sự nghe. Nên sau khi giác ngộ, đức Phật đã hệ thống hóa quy trình giáo dục của ngài qua ba phương diện: Văn, tư và tu. “Văn” là nghe. Nghe từ một vị thầy có kinh nghiệm, có phương pháp hướng dẫn, không giấu nghề, và truyền đạt một cách cô đọng nhưng nghĩa lý lại thâm sâu. Người thầy đó có khả năng nâng đỡ học trò từ một thư sinh bạch diện, kiến thức kém, ít hiểu biết trở thành một người tích tụ nhiều điều hay lẽ phải, lời vàng, danh ngôn Phật dạy. Từ đó, người học trò có khả năng tự giúp chính mình trong việc giải phóng mọi nỗi khổ niềm đau.

    Học mà chỉ nghe thôi vẫn chưa đủ. Đức Phật khích lệ các đệ tử của Ngài, dù xuất gia hay tại gia, phải học có nghệ thuật, thông qua tư duy có phương pháp. Điều đó có nghĩa, ta không nên chấp nhận bất cứ chân lý nào một chiều. Ta được quyền đặt vấn đề, biện luận, giải thích, chứng minh. Sau khi đặt hết tất cả các vấn đề từ góc độ logic trong mối liên hệ chân lý và ngược lại, các giá trị và nội dung từ những gì chúng ta nghe mới được xem là đối tượng để hướng đến hành trì. Tư duy đó là một thước đo khoa học, cũng là một công cụ rất quan trọng để chúng ta tránh tình trạng thần tượng ông thầy như là chân lý. Trên thực tế, ông thầy dù giỏi cỡ nào đi nữa cũng chỉ là phương tiện trải nghiệm chân lý chứ không là bản thân của chân lý. Nhờ đó ta tránh tình trạng sai lầm lây lan mang tính dây chuyền. Thầy nói sai, trò tiếp thu sai, và truyền đạt sai cho những thế hệ đi sau. Cũng như người mù dẫn một đoàn mù, tất cả cùng lọt vào hầm sâu. Hình ảnh đó được đức Phật đề cập trong kinh điển rất nhiều lần, nhằm phản tỉnh cho ta tính cẩn trọng trước những giá trị. Nếu nghe mà không đặt vấn đề dẫn đến mê tín rồi cuồng tín. Do đó, tác hại của nó nhiều hơn những giá trị lợi ích mà nó đem đến.

    Tu là giai đoạn thứ ba, tức là ứng dụng và hành trì. Sự nghe sẽ trở nên vô ích nếu chỉ để tích tụ kiến thức thông qua phương pháp tư duy có nghệ thuật. Áp dụng hành trì thì ta mới trải nghiệm sự nghe và tư duy để biết nó đúng bao nhiêu phần trăm so với thế giới hiện thực, so với kiến thức quy luật, so với những gì đã diễn ra như quy trình tự nhiên của nhân quả. Trải nghiệm những sự nghe có tư duy nhiều chừng nào thì kiến thức ta học được từ sự nghe đó sẽ được xác định một cách chuẩn xác gần với thực tế hoặc hòa với thực tế chừng ấy.

    Quy trình ba phương diện trên đã tạo ra sự học rộng, nhờ đó ta cũng có được sự hiểu nhiều những lời Phật dạy. Nếu thiếu nó, vấn nạn mù chữ thậm chí là mù Phật pháp chắc chắn sẽ tồn tại với tất cả mọi người, trong đó có ta. Trên tinh thần ấy, ta hãy xem nguyên văn chữ Hán lời Phật dạy như sau:

                          Ngu si sanh tử.

                          Bồ tát thường niệm,

                          Quảng học đa văn,

                          Tăng trưởng trí tuệ,

                          Thành tựu biện tài, 

                          Giáo hóa nhất thiết, 

                          Tất dĩ đại lạc.

    Dịch nghĩa sát với nguyên văn như sau:

                          Vô minh chìm trong sanh tử.

                          Bồ tát học rộng, nghe nhiều,

                          Phát triển kiến thức, trí tuệ,

                          Đạt được hùng biện tài năng,

                         Giáo dục tất cả mọi người, 

                          Đều được an vui lớn nhất.

    Giá trị của lời kinh Phật dạy quá rõ ràng. Qua đó ta thấy Phật là vị sáng lập tôn giáo đầu tiên trong lịch sử tôn giáo đã khích lệ tín đồ học rộng hiểu nhiều. Phần lớn các tôn giáo khác yêu cầu tín đồ của họ hãy xem kinh bổn là thước đo chân lý, và người đại diện thay mặt cho thần thánh trên cuộc đời này cũng được đánh đồng với chân lý. Mặc dù trong lịch sử, các tôn giáo mang tính cách áp đặt như trên thể hiện hàng loạt những sai lầm nhưng vẫn được bưng bít, che dấu. Sự bưng bít che dấu ấy cho đến nay không còn đứng vững nữa. Trong đạo Phật, ta không thể tìm thấy sự bưng bít ấy trong kinh điển Phật dạy. Đức Phật khích lệ ta phải học rộng, nghe nhiều để mở mang kiến thức. Nhờ đó, ta có đường đi rất ngắn; nỗ lực ít mà hiệu quả cao vì ta nắm được kiến thức phương pháp. Do vậy, bất cứ nỗ lực nào, cũng mang lại kết quả hết sức đáng trân trọng với những giá trị phục vụ cho đời sống hiện tại và tương lai của ta.

♦ TÁI SINH DO VÔ MINH (NGU SI SANH TỬ)

    Ta có thể đặt câu này thành những dấu toán học khác nhau:

    Ngu si = sanh tử, hoặc ngu si => sanh tử

    Như vậy, ai sống trong trạng thái vô minh, đồng nghĩa người đó đang có mặt trong sanh tử. Hoặc ở vế thứ hai, ai bị ngu si khống chế và chi phối, thì người đó sẽ bị đọa lạc trong sanh tử luân hồi. Dù muốn thoát khỏi, dù có thiện chí và nỗ lực đi nữa, kết quả vẫn nằm trong vũng lầy của sanh tử mà thôi.

    Ngu si có thể hiểu nôm na như trạng thái mê mờ thiếu sáng suốt. Cụ thể nhất là không phân định được chánh tà, thiện ác, tốt xấu, tiêu cực và tích cực. Các làn ranh giới giữa các cặp phạm trù đối lập vừa nêu trở nên mờ ảo, hư hư, thật thật. Do vậy người sống trong trạng thái như thế dễ dàng bị ngộ nhận. Thay vì quyết định cái tốt thì họ lại theo cái xấu; thay vì ủng hộ cái tích cực thì họ lại đồng tình cho những cái có hại đối với bản thân và tha nhân. Vì thế, ngu si trong Phật giáo là bạn đồng hành của khổ đau, là đầu mối của các bất hạnh và là dây mơ rễ má của những rắc rối, bế tắc trong cuộc đời. Để giải quyết các vấn nạn, dù ở cấp quốc tế, quốc gia, cộng đồng, gia đình hay cá nhân thì vấn đề quan trọng nhất, theo đức Phật, vẫn là giải phóng vô minh. Khi vô minh hết, mọi thứ đều sáng tỏ, rõ ràng; mọi quyết định, dấn thân, tham gia vào việc gì cũng mang lại lợi lạc, an vui, hạnh phúc và bình an.

    Một phương diện khác của ngu si là ngộ nhận và hiểu sai vấn đề. Ngộ nhận và hiểu sai do hai yếu tố quan trọng cấu thành hậu quả tệ hại đó là: Học không đến nơi, nghĩ không đến chốn. Cũng có thể do thiếu các phương tiện nghiên cứu, thiếu các dữ liệu đối chiếu và chứng minh, thiếu các hỗ trợ cần thiết để mang một vấn đề nào đó ra ánh sáng. Do vì thiếu kiến thức mà rất nhiều người đã đánh giá sai người khác, sai sự kiện vấn đề; làm cho tương quan xã hội, trong đó họ là một thành phần, trở nên nghiêm trọng và bế tắc. Do vì động cơ ganh tỵ hay thiếu tùy hỷ, mà rất nhiều người đã cố tình đánh giá một vấn đề trắng thành đen, đen thành trắng; dẫn đến thế giới thực tại bị phản ánh một cách sai mờ. Đức Phật dạy, nó vẫn là con đẻ của vô minh.

    Hậu quả trực tiếp của tâm ngu si là đẩy con người sống với hàng loạt mê tín dị đoan; dẫn đến những niềm tin sai lầm, thậm chí ảo tưởng, vọng tưởng, điên đảo, bế tắc.

    Một ứng dụng tương tự khác của ngu si là không bao giờ giải quyết vấn đề một cách dứt điểm. Đôi lúc nó núp bóng dưới hình thức là thiếu dứt khoát nhưng lại nhầm tưởng mình đang sống với vai trò cẩn trọng. Con đẻ của vô minh bao giờ cũng kéo ghì mình lại như một lực trói buộc. Nó tự tạo ra hàng loạt các lý luận, biện hộ để ta cảm thấy logic và đánh đồng với bản thân chân lý. Cho nên, thay vì dấn thân phụng sự, ta lại chùn bước, ngỡ ngàng, sợ hãi, an phận thủ thường.

    Có một số tình huống, vô minh nhập vai và hóa thân thành sự bạc nhược nhưng lại làm cho người nhận thức có cảm giác mình đang sống với tâm từ bi và có tình người. Thay vì nghiêm trị cái xấu, vẫy tay chào cái tiêu cực, nói không với bất hạnh, thì người đó cứ nghĩ rằng: “Thôi. Tôi đang thực tập lòng từ bi, đang sống có tình thương cho nên những việc này tôi cho qua hết. Tôi không xem nó là vấn đề gì cả”. Cứ như thế, nỗi khổ niềm đau do các hoạt động đồng lõa, hưởng ứng, tán trợ làm cho bản thân người ứng xử và những người có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với nó gặp nhiều trở ngại và buồn đau về sau. Hậu quả nghiêm trọng nhất của vô minh là vẫn bị rơi rớt trong sanh tử luân hồi, ở nghĩa tương đối lẫn nghĩa tuyệt đối.

    Theo đức Phật, người phàm và thánh khác nhau ở chỗ, người phàm sống nhiều với các phản ứng, nhận thức và thái độ cũng như hành động của vô minh. Trong khi một bậc thánh vẫy tay chào vĩnh viễn, nhờ chuyển hóa tưởng thức thành trí. Ở bài kinh Trung Bộ, ta đã học rất nhiều lần về ba cấp độ nhận thức: Tưởng tri, thức tri, tuệ tri còn được gọi là liễu tri. Tưởng tri đặt trên nền tảng của sự suy luận, đôi lúc là tưởng tượng. Có những suy luận đúng qui luật, phương pháp dẫn đến những phán đoán, loại suy, quy nạp, diễn dịch chuẩn với thế giới hiện thực; nhưng cũng có rất nhiều tưởng tri dẫn đến tình trạng quan trọng hóa vấn đề mà lẽ ra nó không như thế, không nên bị áp đặt và cảm nhận như thế.

    Thức tri là nhận thức bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và sự phán đoán của ý thức nói chung. Yếu tố này phụ thuộc vào môi trường hoàn cảnh rất cao nên không phải phán đoán nào của giác quan cũng đúng với thực tại. Những ngộ nhận trong đánh giá, những thiếu sót dữ liệu quan trọng dẫn đến kết luận sai, phán đoán sai, hành xử sai gây nên rất nhiều hậu quả mà chúng ta trở thành nạn nhân trước tiên.

    Chỉ với tuệ tri thì con người mới có khả năng toàn triệt một cách tối đa sai lầm và hiểu lầm. Tuệ tri bằng cách nào để ta không chịu hậu quả nghiêm trọng, nhất là rơi rớt trong sanh tử luân hồi. Trong rất nhiều bài kinh, bao gồm các bản kinh Trung Bộ, có nói: Để vẫy tay chào vô minh, thì phải sống với kiến thức về duyên khởi. Không chấp nhận nguyên nhân đầu tiên, nguyên nhân khởi thủy dù nó được gán cho duy vật, duy tâm, duy Chúa, hay bất cứ duy nào. Bên cạnh đó, ta phải ứng xử vấn đề và giải quyết các vấn nạn trên nền tảng nhân quả qua công thức: Quả là nhân của khổ đau, quả là nhân của hạnh phúc; để ta có cái nhìn toàn diện; chứ đừng bao giờ chỉ thấy bế tắc mà không thấy hạnh phúc được giải quyết bằng con đường chân chính đó là Bát chánh đạo hay còn gọi là trung đạo.

    Muốn hỗ trợ cho tầm nhìn tuệ giác, ta cần phải thừa nhận quy luật của thời gian tạo ra tiến trình vô thường qua ba chiều: Quá khứ, hiện tại, vị lai. Tiến trình vật chất xảy ra với mọi sự vật hiện tượng làm cho chúng ta phải thừa nhận tính không thực thể là một quy luật tồn tại trong tự thân của chính nó và biến nó trở thành cái khác. Vô thường, vô ngã là một cặp bài trùng. Vô thường chỉ thời gian, vô ngã chỉ không gian. Sống có mặt trong cặp bài trùng giữa không gian và thời gian giúp ta không chấp ngã, chấp pháp nên thoát khỏi mọi khổ đau. Đó là cách thức ngắn nhất để ta chặt đứt gốc rễ hoặc nhánh lá của vô minh, gọi chung là trạng thái ngu si. Vì sống với phản ứng của vô minh, rất nhiều người ở bên cạnh Phật, có mặt trong chánh pháp mà vẫn không thấy được Phật và chánh pháp; sống trong giải thoát lại khởi lên sự triền phược. Hậu quả nghiêm trọng nhất, tuyệt đối nhất của vô minh là khiến ta bị luẩn quẩn, bế tắc, nay thế này mai thế kia, kiếp này thân phận này, kiếp khác thân phận khác, không tìm ra được con đường để giải quyết các vấn nạn một cách lâu dài.

♦ CHÁNH NIỆM CỦA BỒ TÁT (BỒ TÁT THƯỜNG NIỆM)

    Sự học rộng để làm trí lớn của các vị Bồ tát được khởi đầu bằng: “Bồ tát thường niệm”. Thường niệm là biến đối tượng nào đó thành tâm niệm mà trong bất kì hoàn cảnh nào, tình huống nào, không gian, thời gian nào, họ cũng ghi nhớ về chúng như một sự phản tỉnh, một tấm gương, như sự soi đường dẫn lối. Phần lớn ta không sống với tâm niệm đó mà lại sống với sự sai sử của bản năng, hoặc những thói quen ảnh hưởng bởi phong tục tập quán, văn hóa, tôn giáo và tư biện cá nhân. Cho nên hầu như ta trở thành nô lệ bị chúng sai sử thay vì làm người có học Phật và tu tập có thể làm chủ được những điều này. Do đó, điều đầu tiên là phải làm sao có những tâm niệm về giá trị của trí tuệ ở mức độ giải thoát, giá trị của kiến thức ở mức độ đời thường, và giá trị của túi khôn ở mức độ ứng dụng thực tiễn.

    Vai trò của học rộng được bài kinh này đề cập khá cao: Học rộng hiểu sâu. Người có kiến thức nhiều chừng nào sẽ ít bị chấp nhất chừng đó, với điều kiện việc mở mang kiến thức không phải để tô bồi cho cái tôi, cho danh lợi, hay cho quyền lợi. Học là phương pháp ngắn nhất để rút ngắn sự vô minh và đẩy chúng vào thế đường cùng. Học là nỗ lực phá tan mây mờ, để cho ánh mặt trời soi chiếu toàn diện. Cho nên học là điều kiện cần và đủ. Cần, vì thiếu nó ta không thể mở mang kiến thức; đủ, vì nếu ta không ứng xử với những kiến thức hay, phù hợp quy luật chân lý, quy luật khoa học, quy luật khách quan, quy luật vận hành của sự vật hiện tượng thì chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối trong cuộc đời, vì thiếu hiểu biết. Do đó bản thân của sự học trước nhất là đối lập với vô minh. Ai có niềm đam mê học sẽ vẫy tay chào với những rắc rối và bế tắc, đặc biệt nếu biết xác định học là phương tiện tốt như chiếc bè đưa người sang sông, như ngón tay chỉ mặt trăng nhưng không xem đó là cứu cánh.

♦ HỌC RỘNG HIỂU NHIỀU (QUẢNG HỌC ĐA VĂN)

    “Quảng học đa văn” được xem là phương tiện tốt nhất để xóa nạn mù chữ, trong đó bao gồm mù Phật pháp. Nếu tất cả những vị xuất gia đều thuộc nằm lòng bài kinh Bát Đại Nhân Giác, đặc biệt đoạn thứ năm này thì có lẽ trong lịch sử phát triển của Phật giáo suốt hai mươi mấy thế kỷ qua, người ta đã không cực đoan, kháng cự và thiếu hỗ trợ việc đi học Phật của thế hệ học trò. Bế tắc ở hầu hết các nước Phật giáo là phần lớn các vị trụ trì hay các vị đi trước lại không tán đồng cho học trò mình đi học. Nguyên nhân do sợ học nhiều về thế gian hóa thì hạt giống đời sẽ trỗi dậy, mà việc thiếu làm chủ nó sẽ khiến tâm xuất gia bị mất đi. Phương trời của người ấy không còn cao rộng nữa, bước chân đi không tạo sự khác biệt với thế tục, và người đó dần dần bị đời lôi kéo.

    Cẩn trọng như thế là cần. Nhưng đừng vì sự cẩn trọng ấy mà cho rằng việc học là xấu. Cũng giống như người mới bắt đầu học lái xe đạp. Chỉ riêng việc tạo sự cân bằng cho chiếc xe đó không bị ngã cũng là một thách thức lớn, nên ai muốn biết chạy xe đạp đều phải chịu vài lần té ngã, trầy xước. Đừng vì những tai nạn hay rủi ro nhỏ đó, thậm chí tai nạn gây chết người trong giao thông, mà ta cấm đoán không cho các phương tiện giao thông được phép lưu hành. Huống hồ việc học Phật pháp. Học thế gian thì còn có rủi ro, nhưng học Phật pháp hoàn toàn không có rủi ro nào.

    Trước năm 1975, chùa Già Lam, chùa Ấn Quang, chùa Giác Sanh, chùa Giác Ngộ tại thành phố Hồ Chí Minh là bốn nơi đào tạo Phật học cho tăng ni Phật tử. Giác Ngộ là ngôi chùa đầu tiên có hệ thống trường trung học Bồ Đề do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khởi xướng. Từ đó trong vòng chưa đầy mười năm, phần lớn các tỉnh thành trên toàn quốc có được trường trung học Bồ Đề, nhằm giúp người Phật tử có thể đến với Phật giáo. Một mặt nâng cao kiến thức Phật học, mặt khác mở rộng kiến thức Phật học về phương diện ứng dụng dưới góc độ của môn đức học hay đức dụng, tức là dạy về đạo đức, ứng dụng hành trì nó trong cuộc sống. Chùa Giác Sanh và chùa Ấn Quang là nơi dạy cấp trung đẳng Phật học. Trong khi Giác Ngộ lại dạy sơ đẳng Phật học dành cho các vị xuất gia, bên cạnh trường trung học Bồ Đề

    Lúc ấy, chùa Già Lam giảng dạy chính yếu cho các thầy đã qua trung đẳng Phật học. Tại đây, phần lớn các thầy trẻ đều có cử nhân ít nhất một ngành nào đó. Do vậy phong trào học Phật xuất phát từ chùa Già Lam làm cho rất nhiều thầy trẻ và sư cô trẻ trở thành nhân tài. Đặc biệt sau năm 1975 đến năm 1985, mười năm khó khăn nhất, trở ngại nhất, ấy thế mà việc truyền thừa học Phật vẫn được diễn ra. Nỗ lực của các bậc tôn đức thời điểm đó là đáng trân trọng. Đến năm 1985, phần lớn các trường Phật học trong nước mới được chấp nhận dưới tác động của đức pháp chủ Thích Đức Nhuận như là một yêu cầu để ngài tham gia, dấn thân phụng sự cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Rất may mắn, Ban tổ chức chính phủ thời điểm ấy đã chấp nhận đề nghị có ý nghĩa của Hòa thượng, cho phép mở các trường Phật học tại các tỉnh thành.

    Thế nhưng, đây đó vẫn còn một số nơi, các vị bổn sư, các vị trụ trì nghĩ một cách đơn giản việc tiếp nhận thành viên tập sự mới vào chùa là để phục vụ cho các công việc trong chùa như: Đốt hương, làm công quả, nấu cơm, dọn dẹp và làm công việc thị giả cho mình; mà lại không quan tâm huấn luyện các thành viên tập sự này nắm vững được phương pháp và nội dung của Phật học, để họ có thể rũ bỏ nỗi đau của bản thân, những sầu muộn nếu có và thông qua đó, chia sẻ lại cho những người có duyên với mình nhằm vượt qua bế tắc tương tự.

    Đến thời điểm hiện nay, nước ta có bốn học viện đào tạo cấp cử nhân, chín lớp cao đẳng Phật học, ba mươi ba trường trung cấp và mấy chục trường sơ đẳng Phật học. So ra còn quá ít so với năm mươi lăm tỉnh thành đang hiện hữu ở cấp ban trị sự Phật giáo tỉnh. Trong tương lai, mong sao các trường lớp Phật học được gia tăng nhiều hơn. Tất cả tăng ni đã xuất gia đều phải qua chương trình tu học Phật pháp trong một Phật học viện khép kín; để một mặt tô bồi kiến thức Phật pháp, mặt khác có những ứng dụng thực tế với trải nghiệm. Qua đó, các vị ấy sẽ được thầy đi trước của mình hướng dẫn, giám sát, phân tích, nâng đỡ, huấn luyện một cách có bài bản và nghệ thuật hơn.

    Có lẽ vì phần lớn chúng ta không đặt nặng vấn đề học, không tôn vinh lời Phật dạy như là yếu tố dẫn đến sự giác ngộ thứ năm trong kinh Bát Đại Nhân Giác mà các tu sĩ hiện nay, số người có kiến thức vững về thế học để phục vụ cho Phật học hầu như không nhiều, chưa chiếm được 3% dân số Phật tử của từng quốc gia. Đó là con số thống kê khá đáng buồn. Tìm những nhà Phật học xuất thân là tu sĩ vừa giỏi về Phật pháp, vừa giỏi về thế học lại càng ít. Trong số lượng ít ỏi đó, nếu ta tìm một người có ứng dụng và có được uy tín trong ứng dụng để giúp quần chúng Phật tử vượt qua nỗi khổ niềm đau lại càng ít hơn nữa. Điều đó càng buồn hơn.

    Cho nên đây đó vẫn còn có khuynh hướng phủ bác, tấn công việc học Phật. Chủ trương được đưa ra là bằng lòng hơn bằng cấp. Dĩ nhiên phong trào chạy theo bằng cấp là một sai lầm nghiêm trọng vì nó không phải là mối quan tâm được đức Phật khích lệ. Tác hại của việc theo đuổi bằng cấp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong hiện tại, đó là sở tri chướng. Chướng do sử dụng sai kiến thức, làm cho người đó một mặt có thế trí biện thông nhưng mặt khác nâng cái tôi của họ lên và xem thiên hạ không ai ra gì. Với động cơ vừa nêu, càng học rộng hiểu nhiều thì càng tạo ra nhiều ván cách giữa ta và người. Sự học đó không có chỗ ứng dụng thực tế. Đừng vì một thiểu số, những người thiếu hướng dẫn, mà quy kết rằng tất cả ai đang nỗ lực đi trên con đường học chân chính đều có khả năng mắc sai lầm tương tự.

Đức Phật thấy rất rõ chuyện này sẽ không thể xảy ra, nhất là được tiếp cận với Phật học càng sớm thì việc mở mang tuệ giác càng nhanh; cái tôi trong chấp ngã và cái tôi trong chấp pháp sẽ được tháo mở đến tận gốc rễ càng sớm hơn. Nếu học Phật không có tác dụng thì có lẽ đức Phật đã không nhọc công khích lệ và truyền bá chúng ta trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng hóa của Ngài. Ngài cũng không phải nhọc công nêu ra “bác học đa văn” trong bản kinh này. Ngoài ra, trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Thất thánh tài, “bác học đa văn” là một trong số đó.

    Tiếp cận với việc học, ta mới có cơ hội đổi đời. Sáng hôm nay tờ báo Tuổi trẻ và Thanh Niên đưa hình ảnh rất ấn tượng. Một người mẹ ở vùng quê đứng dưới nước, với tay đưa gói hành trang cho đứa con của mình đang đứng chênh vênh trên cầu khỉ, để chuẩn bị lên đường trong mùa thi cử vào đại học cao đẳng. Hành động như thế rất đáng trân trọng. Sau lưng người mẹ đó là hình ảnh ngôi nhà bằng tranh rất thô sơ. Có lẽ người mẹ thấy rõ rằng cuộc đời của mình sở dĩ lận đận khổ đau, chân lấm tay bùn là vì không có kiến thức, nên suốt đời quanh quẩn việc đồng áng, cơm không đủ ăn. Bên cạnh đó, người mẹ cũng thấy rõ con đường học vấn là lựa chọn đúng đắn để con bà chuyển nghiệp. Người mẹ người cha như thế có tầm nhìn xa, biết hy sinh và tằn tiện phần chi tiêu của bản thân, mong một cơ hội để con mình có tương lai thông qua sự học.

    Bốn năm trước khi ông Nguyễn Thiện Nhân được đưa vào vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo, chính sách ông đặt ra trong năm năm đến mười năm tới, Việt Nam có hai mươi nghìn tiến sĩ bằng ngân sách của chính phủ. Vừa rồi hết nhiệm kì, người kế nhiệm đã nâng mục tiêu lên thành hai mươi lăm nghìn tiến sĩ cho tám mươi sáu triệu dân. Phải nói đó là con số quá khiêm tốn. Mặc dù chủ trương ấy tốt, chứ không phải chính sách quốc gia đã sẵn sàng chấp nhận cho một tiến bộ cải cách thuộc ngành giáo dục, nhưng nhiều người vẫn còn có cái nhìn khá xa lạ và thiếu thiện chí về người có văn bằng. Bởi lẽ một số người mua văn bằng giả, kiến thức không tương thích với những gì họ đã được cấp. Thực ra, việc này chỉ là thiểu số.

    Trên hành tinh, quốc gia nào muốn phát triển đều phải lấy giáo dục làm đầu. Xóa nạn mù chữ phải được các quốc gia quan tâm trước tiên. Việt Nam, trong thời gian mười năm trở lại đây, đã rất thành công trong việc xóa mù chữ. Từ năm 1975 đến năm 1990, số lượng người mù chữ ở Việt Nam khá đông. Vậy mà hiện nay, Việt Nam đã vượt xa Ấn Độ, Bangladesh, và một số nước Châu Phi nghèo khó, bởi vì ta có chính sách hẳn hoi. Mặc dù trước đây là thời kỳ bao cấp trong giáo dục, nhưng nhờ đó, mọi người đều có phương tiện được học cấp tiểu học, trung học cấp hai, rồi trung học cấp ba. Ngày nay không còn bao cấp nữa nhưng những phương tiện căn bản nhất để một gia đình có thể nuôi con em mình đi học là không quá khó khăn, cụ thể bằng cách nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Nạn mù chữ ở Ấn Độ vẫn chiếm khoảng bảy mươi phần trăm, mặc dù chủ trương xóa nạn mù chữ ở Ấn Độ đi trước Việt Nam ba mươi năm. Do vì dân đông, do vì nạn phân biệt giai cấp, do tư thù giữa các tôn giáo mà chính sách ấn tượng đó đã không thành công tại Ấn Độ.

    Như vậy việc xóa nạn mù chữ giúp đời sống con người được nâng cao hơn. Nỗi khổ niềm đau, những bất hạnh do thiếu học theo đó cũng được rút ngắn và hạn chế một cách tối đa. Trong Phật pháp, giá trị của học còn có ý nghĩa cao hơn thế. Nếu tất cả các trường học trong nước đều có một môn đức học, hay môn triết học Phật giáo ở góc độ đơn giản thì bên cạnh việc có kiến thức thông thường từ ngành nghề được đào tạo, con người còn có thêm chánh kiến, chánh tư duy, để từ đó có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Kế tiếp, việc phát kiến, phát minh, đóng góp cho xã hội và cộng đồng sẽ càng nhiều hơn. Cho nên vai trò của việc học Phật rất lớn, ta không được xem thường mà phải nỗ lực ủng hộ.

    Tiếc là những nỗ lực đáng trân trọng như vừa nêu không phải lúc nào cũng được hưởng ứng. Các trường lớp Phật học tại Việt Nam hiện nay không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ ngân quỹ của chính phủ hay Bộ Giáo Dục và Đào tạo, cũng như không dễ gì vận động quần chúng Phật tử hưởng ứng vào. Trong khi các hoạt động tín ngưỡng như lễ chẩn tế, lễ trai đàn cầu siêu người quá cố, tiểu tường, đại tường hay các ngày giỗ thì được thực hiện hoành tráng và tốn kém. Phật tử chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư cho giáo dục Phật giáo.

    Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh do chúng tôi đang đóng góp với vai trò phó viện trưởng, nhiều năm trước các vị tôn đức vận động mỗi tháng được năm mươi triệu đã là rất quý. Số tiền ấy chỉ vừa đủ trang trải tiền lương, điện nước, trang thiết bị, văn phòng, v.v… Hiện nay, số tiền năm mươi triệu ấy không đủ cho việc chi tiêu khi số lượng sinh viên trước đây là vài trăm, nay đã nâng lên thành vài ngàn. Tương lai gần, số lượng đó có thể sẽ lên hai mươi ngàn trong khi tiền ủng hộ vẫn ở mức năm mươi triệu mỗi tháng. Ngoài ra, vật giá, điện nước, tất cả đều leo thang. Tiếp tục tồn tại như thế không phải là khó, nhưng để phát triển trường Phật học đạt tiêu chuẩn quốc tế thì đó là một thách đố lớn. Thư viện của chúng ta quá nghèo nàn, chỉ bằng phòng của một giáo viên nước ngoài thì lấy đâu có sách hay, sách quý, sách nhiều đề tài cho sinh viên nghiên cứu. Ta cũng không có phòng đọc. Thư viện chỉ có sức chứa khoảng mười người. Đó là mới nói về học viện, chưa kể đến các lớp trung đẳng hay cao đẳng tại mấy chục tỉnh thành, chắc chắn còn tệ hơn nữa. Hầu như không có một trường cao đẳng nào có thư viện đúng nghĩa.

    Những khó khăn như thế hầu như không được các Phật tử quan tâm. Kiến thức Phật pháp sẽ giúp ta rút ngắn được nỗi khổ niềm đau và chuyển hóa nó một cách có nghệ thuật. Cùng một thời gian, công sức, sự đầu tư mà ta đạt được kết quả khá lớn. Cho nên khi đóng góp cho giáo dục Phật giáo thì giá trị của nó sẽ lớn hơn bất kì đóng góp nào cho Phật sự. Một trường lớp Phật học ra đời sẽ là nơi đào tạo của vài trăm vài ngàn vị tăng ni trẻ. Sau này mỗi người như thế sẽ trở thành một bậc thầy truyền bá chánh pháp cho tha nhân.

    Sắp tới học viện phải giải phóng đền bù mặt bằng theo quy định của Nghị định 35, và quy định 17 của chính phủ. Mặc dù đất được Nhà nước cấp tại Lê Minh Xuân với tổng diện tích hai mươi hai mẫu nhưng tiền bồi thường hoa màu và di dời theo hai văn bản quy định về đất đai vừa nêu thì ta phải tốn tối thiểu mười sáu tỉ đồng. Đó là bước một. Bước thứ hai, ta tiếp tục phải tốn tiền san lấp mặt bằng vì đây là đất mặn phèn chua rất thấp so với mặt biển, và thấp so với con đường. Cứ trung bình mỗi mẫu, ta phải tốn sáu trăm triệu đồng để san lấp. Giai đoạn thứ ba là xây dựng. Xây dựng thì tùy theo thời điểm. Vật giá ngày càng leo thang, sắt, xi măng ngày càng đắt đỏ nên số tiền ta dành dụm chẳng là bao so với số tiền chúng ta cần. Đó là những thách đố đang còn ngổn ngang phía trước. Các trường Phật học khác trên toàn quốc cũng cùng hoàn cảnh hoặc tệ hơn nhiều. Nói như thế không phải để than mà để ta thấy vai trò của giáo dục là rất lớn. Nếu ta không đầu tư đúng mức và quần chúng Phật tử không hiểu được giá trị của nó thì sẽ không thể nào nối kết một bàn tay, góp phần xây dựng những cơ sở giáo dục để xóa nạn mù Phật pháp cho người xuất gia, cho Phật tử và cho mọi thành phần nói chung. Kiến thức Phật pháp sẽ giúp ta ứng dụng các Phật sự một cách thành công với hiệu quả cao. Do đó, đầu tư càng nhiều thì càng tốt.

♦ TRÍ TUỆ LỚN MẠNH (TĂNG TRƯỞNG TRÍ TUỆ)

    Năng lực hùng biện được xem là kết quả tất yếu của người có kiến thức Phật pháp. Từ những sự kiện rời rạc thông qua quy luật loại suy và quy nạp, ta có thể biến kiến thức để nâng lên thành kiến thức phổ quát hóa. Tương tự, từ những kiến thức phổ quát hóa mang tính cách quy luật hay nguyên lý, ta có thể tạo ra những kiến thức ứng dụng trong tình huống và sự kiện cụ thể. Người tu học Phật đến nơi đến chốn sẽ có giá trị lợi lạc này. Sau khi nghe pháp một thời gian, nghe có phương pháp thì ta khai tâm mở trí, trở nên sáng suốt hơn, thông minh hơn. Những vấn đề trước đây hầu như mù tịt, bây giờ ta nghe pháp bỗng thấy nó sáng sủa vô cùng, và giải quyết nó một cách nhẹ nhàng, thông suốt. Đó là giá trị đối với người tại gia. Còn người xuất gia sau quá trình học Phật thì dù bằng cấp, học vị của mình không là gì so với các giáo sư trường đại học, hay các khoa học gia, các nhà bác học, nhưng tầm nhìn và sự hiểu biết của họ cũng không kém phần, thậm chí hơn thế nữa. Đó là giá trị của trí tuệ trong ứng dụng thực tế mà người tu học Phật có thể đạt được.

♦ DIỄN THUYẾT VÔ NGẠI (THÀNH TỰU BIỆN TÀI)

    Một trong những phương diện tích cực khác của tu học Phật là ta có được biện tài vô ngại, nói vắn tắt là biện tài. Biện tài là khả năng phân tích, lý giải một vấn đề từ chi tiết trở thành nguyên lý. Khi ta đặt vấn đề ở góc độ nào, người nghe cũng có cảm giác hiểu rõ một cách tường tận và do vậy tiếp thu một cách nhanh chóng, dẫn đến kiến thức ứng dụng tạo ra hiệu quả trong sự ứng dụng rất lớn và rất nhiều. Người như thế gọi là người có khả năng biện tài, hiểu theo thuật ngữ ngày nay là người có khả năng hùng biện.

    Hùng biện, nói nôm na, là khả năng đắc nhân tâm. Bằng ngôn ngữ, cách diễn đạt, họ tạo sự ấm cúng trong cái gì đó rất buồn, tạo niềm vui trong cái gì đó quá trầm mặc, tạo tiếng cười sảng khoái từ không khí quá căng thẳng và nghiêm túc. Hầu như người nghe bị cuốn theo người nói và người nói cũng khiến người nghe phản ứng theo những gì mình trình bày. Người như vậy gọi là người có khả năng hùng biện. Trong cách biện tài theo lời Phật dạy, ngoài những yếu tố vừa nêu, họ còn có khả năng xoay tâm người, hướng lý tưởng của người từ tiêu cực trở nên tích cực, từ phương diện sống với bản năng trở nên nỗ lực chuyển hóa để làm mới mình theo chiều hướng tốt.

    Một ứng dụng khác của biện tài vô ngại là, đứng trước một vấn đề đơn giản, người tu học Phật dưới góc độ bác học đa văn sẽ triển khai nó trong mười buổi, hai mươi buổi, thậm chí một năm tùy theo yêu cầu, mà vẫn không cảm thấy cùng tận. Bởi tuệ giác giúp chúng ta mở được ổ khóa của kho tàng vô tận tạng, tức không giới hạn, không cùng tận, không biên giới, không bị cạn kiệt như các quặng mỏ dưới lòng đất hay nguồn tài nguyên thiên nhiên trên bề mặt hành tinh này. Tuệ giác soi thấu đến đâu ta sử dụng tiềm năng vô tận tạng đến đó. Đó là điều ta phải thừa nhận, phải thấy được giá trị đặc biệt của nó.

    Người có khả năng biện tài sẽ dễ dàng thuyết phục được quần chúng bằng việc phân tích dẫn dụ với các phương cách khác nhau, giúp người nghe từ xa rời với chân lý đến chấp nhận chân lý và trải nghiệm nó trong niềm vui, hạnh phúc và sự bình an. Tính khoa học, logic về diễn đạt, sự hợp lý trong phân tích sự kiện và vấn đề của người có khả năng biện tài nhờ vào tuệ giác sẽ giúp người chưa hiểu được chân lý chấp nhận chân lý một cách dễ dàng. Cho nên trong xã hội, chỉ có đức thôi vẫn chưa đủ. Tài phải được đong đo bằng tuệ giác. Khi tuệ giác làm thước đo cho tài và khả năng, người ta sẽ không cống cao ngã mạn mà tài đó phục vụ cho những quyền lợi chân chính của con người.

    Ở một phương diện khác, người có khả năng biện tài luôn hướng kiến thức thế học và kiến thức Phật pháp của mình vào sự hành trì để giải quyết những vấn nạn đang diễn ra, đã có mặt và sẽ có mặt, chứ không dừng lại ở kiến thức bình thường. Lấy đây làm thước đo, đánh giá mình trong thời gian qua: Mình đi học ngành nghề này, kiến thức nọ, cấp bậc kia, trên thực tế là vì cái gì? cho ai? Không phải học suốt cuộc đời là tốt. Học phải ứng dụng, học phải phục vụ. Đừng mải mê học đến lúc xong thì tuổi đã cao sức yếu chẳng lợi ích gì. Phải gắn liền việc học với ứng dụng và tạo ra tính giá trị hiệu năng cho việc ứng dụng đó thì người khác mới đồng tâm, thấy rõ giá trị mà hưởng ứng và giúp đỡ chúng ta vượt qua những khó khăn.

    Theo tinh thần biện tài vô ngại, người có khả năng hùng biện sẽ giúp kiến thức chân lý được xác định như đinh đóng cột. Đôi lúc nó tạo ra sự khích lệ lên dây cót, thôi thúc, dẫn dụ, đưa lối, dẫn đường để người đang có nhu cầu học Phật pháp đi vào quỹ đạo chân chính chứ không lệch sang bất cứ một biên lề nào khác.

♦ HÓA ĐỘ CHÚNG SANH (GIÁO HÓA NHẤT THIẾT)

    Giáo dục của tuệ giác dẫn đến hạnh phúc vĩ đại. Khi ta đánh đồng giá trị lớn nhất của giáo dục là con đường ngắn nhất cho mọi sự phát triển bền vững của đất nước hay xã hội cộng đồng thì các thành tựu từ giáo dục cũng cần được đánh giá đúng giá trị đích thực của nó. Trong kinh tạng Pali, có một thuật ngữ được đức Phật chơi chữ là “giáo hóa thần thông”. Chữ giáo hóa đó nếu ta thay bằng thuật ngữ hiện đại là giáo dục và nối kết với thần thông thì ta có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất: Giáo dục là một phép màu. Bởi nó có khả năng chuyển hóa phàm tình thành thánh trí, người phàm thành bậc thánh, kẻ khổ đau trở nên an vui hạnh phúc, các bế tắc có cơ hội được khai thông. Nghĩa thứ hai: Phép mầu quan trọng nhất là giáo dục. Dù theo nghĩa nào đi nữa, khái niệm giáo hóa thần thông cũng có ý nghĩa rất ấn tượng.

    Kể từ khi giác ngộ dưới cội Bồ Đề, ta không thấy đức Phật khích lệ năm loại thần thông thông thường mà các loại đạo sĩ ngoại đạo có thể đạt được do sự huấn luyện, hay do nỗ lực chân chính của họ. Chẳng hạn như thần túc thông, có khả năng bay trên mặt đất hay độn thổ; thiên nhãn thông là nhìn xa vượt khỏi những giới hạn của không gian vật lý; thiên nhĩ thông là khả năng nghe các loại sóng âm của nhiều chủng loại sinh vật khác nhau trong đó có các hương linh; tha tâm thông là năng lực hiểu rõ tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc, thái độ, nhận thức trong tâm của từng con người và các loài động vật khác nhau; biến hóa thần thông là làm phép làm bùa, biến nước thành lửa, biển thành núi, núi thành sông, tức tạo ra những điều màu nhiệm mà người bình thường không làm được.

    Theo đức Phật, năm thứ thần thông này không quan trọng. Không khéo nó còn làm cho con người bị đắm nhiễm. Việc sử dụng nó sai mục đích sẽ làm người ta trở nên tội lỗi. Giá trị lợi lạc của nó là lợi bất cập hại, tức là hậu quả tiêu cực của nó bao giờ cũng nhiều hơn giá trị tích cực. Thế nên hầu như đức Phật đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần khái niệm giáo hóa thần thông. Lấy thần thông với ý nghĩa như một phép màu để cho thấy việc giáo dục đúng phương pháp có thể tạo ra sự thay đổi rất đặc biệt mà con người không ngờ được. Giá trị đó cần được thừa nhận một cách nghiêm túc.

    Nhiều vị giảng sư, pháp sư của Phật giáo đôi lúc bằng cấp chỉ tới lớp năm, nhưng khả năng biện tài của họ là vô ngại. Không phải vì người đó giỏi, mà đơn giản người đó biết học theo Phật pháp. Nói đúng một phần nào của Phật pháp là đã trở nên đặc biệt rồi. Cho nên người giỏi trong Phật không phải vì bản thân người đó giỏi mà vì giáo pháp của Phật quá cao siêu. Chỉ cần đi đúng, nói đúng với lời Phật dạy thôi là đã được biết bao người mến mộ. Khi được mến mộ, ta phải thấy rõ mình không là gì cả, mà do mình ăn ké phước và trí tuệ của đức Phật. Chúng tôi không quá tự tin và chủ quan khi nói rằng: Một người tốt nghiệp trung cấp Phật học, nếu học có phương pháp, có người hướng dẫn, trình độ chắc chắn hơn hẳn người có văn bằng cao đẳng thế học. Một người tốt nghiệp cao đẳng Phật học chắc chắn sẽ hơn những người có bằng cử nhân thế học một cái đầu. Một người tốt nghiệp cử nhân Phật học chắc chắn cao hơn và hiểu sâu hơn thạc sĩ thế học. Bởi vì giá trị Phật học siêu việt hơn các ngành còn lại của thế gian.

    Trong hiện đại, việc hoằng hóa không chỉ đơn giản ở tấm lòng và đạo đức. Nhà giáo dục Phật giáo, nhà hoằng pháp, các bậc trụ trì, các tu sĩ nói chung phải hơn người thế gian một cái đầu về kiến thức, và đặc biệt phải hơn một cái đầu về sự hành trì. Kiến thức phải làm cho người ta bội phục. Hành trì phải gương mẫu để người ta lấy đó noi theo. Được như vậy, chắc chắn rằng các việc Phật sự làm đến đâu, thành công đến đó; chủ xướng gì người ta cũng đều hưởng ứng theo; nỗ lực gì là kết quả như ý sẽ có mặt hiện tiền chứ không cần chờ đến lúc ta qua đời hay tái sanh ở cảnh giới khác. Cho nên trong đoạn kinh này, đức Phật nói: Giáo hóa tất cả mọi người là kết quả tất yếu của việc tu học đa văn về Phật pháp.

♦ ĐẠT NIỀM VUI LỚN (TẤT DĨ ĐẠI LẠC)

    Có nghĩa là tất cả mọi người đều được lợi lạc lớn. Từ lâu chúng tôi thầm mơ ước đến một lúc nào đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước và hải ngoại cũng như các hội đồng Phật giáo của mọi quốc gia trên hành tinh đều đưa ra quy chuẩn thống nhất, chẳng hạn, quy định rằng: Muốn trở thành một vị trụ trì thì phải có tối thiểu bằng cao đẳng Phật học. Xa hơn nữa, để được tiếp nhận phẩm tỳ kheo hay tỳ kheo ni, tức là cụ túc về đời sống đạo đức thì phải có tối thiểu bằng cao đẳng hay cử nhân Phật học. Như vậy, khi trở thành một ông thầy hay một vị sư cô thì trình độ Phật pháp của những vị này đã ở chuẩn mực khá cao, hơn thạc sĩ bên ngoài một cái đầu. Lúc đó, ta không lo gì Phật giáo không thể phát triển.

    Vẫn còn đây đó sự khập khiễng trong các ngôi chùa, trong thành phần lãnh đạo Giáo hội; vẫn còn đây đó sự khập khiễng về kiến thức Phật học và sự hành trì Phật học dưới góc độ chứng nghiệm và chứng đắc. Cho nên Phật giáo chưa phát triển một cách đồng bộ. Nếu không thấy được tầm chiến lược như đức Phật đã phác thảo trong bản kinh này là mối quan tâm hàng đầu, thì về lâu về dài, Phật giáo sẽ bị khựng lại. Cũng giống như gia tài quý rơi vào tay người nông dân. Dù nó là kim cương hay hơn nữa thì mức độ sử dụng cũng rất giới hạn.

    Vài chục năm trước, người ta đã từng kể lại câu chuyện nghe như cổ tích có trong hiện thực. Người Campuchia không biết sử dụng vàng. Họ đổi vàng lấy muối, lấy gạo do không thấy được giá trị của nó. Nhưng đối với người có kiến thức về kinh tế và các giá trị giao hoán về sự quy đổi thì vàng có giá trị gấp trăm ngàn lần so với muối. Tương tự, chánh pháp đức Phật là kim cương, ngọc ngà, châu báu cực kỳ quý giá mà nếu ta chỉ có trình độ căn bản ở mức độ nông dân thì làm sao sử dụng được. Ở mức độ cử nhân, ta chỉ sử dụng khá ở mức độ cử nhân, ở tiến sĩ ta sẽ sử dụng nó ở mức độ tốt hơn. Nói như thế không có nghĩa ta phê bình chỉ trích những người không có văn bằng, học vị mà phải thấy rõ rằng bên cạnh đời sống giới đức là mối quan tâm hàng đầu thì kiến thức Phật giáo tối thiểu ở góc độ này, ta cần phải có để việc hành trì có kết quả nhanh chóng. Lợi ích của nó rất lớn và nó làm cho Phật giáo có mặt khắp mọi nơi mọi chốn.

    Đó là nội dung cũng là thông điệp của phần thứ năm trong kinh Bát Đại Nhân Giác.

***

 
00:00