Chương V : PHÁ CHẤP BẰNG PHỦ ĐỊNH

Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 17-01-2010.
Phiên tả: Phạm Văn Dũng


I. PHỦ ĐỊNH LÀ PHƯƠNG TIỆN

    Trong các chương trước, trí tuệ Bát-nhã đã cho ta phương pháp quán chiếu tánh không để buông bỏ các chấp trước vào “cái tôi” và “thực tại”. Hai thực tại này thu nhiếp hết mọi thực tại. Trong chương 5 này, ta nghiên cứu và ứng dụng tuệ giác Bát-nhã để tiếp tục buông bỏ mọi chấp trước vào thực tại, bằng phương pháp quán chiếu phủ định.  

    Phá chấp không phải là mục đích, mà là một phương tiện rất hữu hiệu để đập bỏ, chặt đứt và xóa tan mọi hệ lụy do sự dính mắc vào các cảm xúc, nhận thức, hành vi, quan niệm tôn giáo, văn hóa, triết học, ngã, ngã sở hữu,.... nói chung là tất cả các “pháp”, tức là mọi sự vật hiện tượng trên đời. “Phá chấp bằng phủ định” khác hoàn toàn với “phá hoại bằng phủ định”, mặc dù đều bắt đầu bằng chữ phá.

    Không tin có đời sau, cho rằng không có thiện ác nhân quả là sự phá hoại về đạo đức; cho rằng chết rồi là hết là phá hoại về tiến trình tái sinh; cho rằng Thượng đế sinh ra muôn loài và con người là phá hoại nỗ lực vươn lên của con người, vì buộc mọi người phải chấp nhận số phận an bài. Không biết một vấn đề gì đó cũng dẫn đến thái độ phủ định, đó là phá hoại hiện hữu của thực tại.

    Phủ định những gì gắn liền với hiện thực là việc dễ làm nhất để không thừa nhận sự hiện hữu của nó là sự thật. Trong khi đó, chứng minh bằng khẳng định lại đòi hỏi nhiều nỗ lực về tri thức, phương pháp và nghệ thuật giải trình, phương pháp này đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư trí óc.

    Trước đây cũng như hiện nay cũng có rất nhiều người cho rằng chết là hết và không tin rằng có cảnh giới trung gian như đức Phật nói. Cảnh giới này, do vì hận thù trong chiến tranh, do oan ức trong đời sống, do bám níu tình yêu thương, do nuối tiếc gia tài sự nghiệp, do si mê danh vọng, nên họ chưa chấp nhận cái chết đã diễn ra như một hiện thực và cái chết đó đã dẫn đến tình trạng luẩn quẩn trong trạng thái trung gian.

    Cho dù có hàng trăm nhà ngoại cảm nỗ lực chứng minh điều đó bằng cách giúp cho người sống tìm được mộ huyệt hay hài cốt của người quá cố, nhiều người vẫn tiếp tục không tin và phủ định rằng, không có ngoại cảm, không có ngạ quỷ, không có kiếp sau.

    Là người nghiên cứu Phật học, ta phải thấy rõ, dù nhiều người, thậm chí là số đông đã và đang phủ định những điều hiện thực là không có, ta vẫn tin rằng, đó là một hiện thực của thế giới dục vọng (cõi dục), để không chấp mắc vào hiện tượng này. Phá chấp bằng phủ định là nghệ thuật hoàn toàn khác với sự phủ định. Ở đây người phá chấp vẫn nhìn thấy hiện thực đang diễn ra như chúng-đang-là, nhưng phải tinh tấn quán chiếu để không bị vướng dính vào chúng mà tạo ra hậu quả tiêu cực, đẩy người chấp vào trong bế tắc khổ đau. Đó là nghệ thuật để tháo gỡ, chứ không phải là sự phủ định phá hoại.

    Phần phá chấp bằng phủ định trong Bát-nhã Tâm Kinh là đơn giản nhất, nhưng cũng dễ hiểu lầm nhất và cũng là phần phức tạp nhất.

II. BUÔNG BỎ MỌI CHẤP MẮC

     1. Ý nghĩa nguyên văn

         Bản dịch chữ Hán có một câu đơn giản như sau: “Thị cố Không trung vô sắc, vô thọ, vô tưởng, vô hành, vô thức; vô nhãn, vô nhĩ, vô tỷ, vô thiệt, vô thân, vô ý; vô sắc, vô thanh, vô hương, vô vị, vô xúc, vô pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới; vô vô-minh, diệt vô vô-minh tận, nãi chí vô lão tử, diệt vô lão tử tận.”

         Nghĩa dịch sát là: “Trong bản chất tính không của mọi sự vật hiện tượng, thực không hề có sắc tức thân thể, cảm giác, ý niệm, tâm tư, nhận thức, cũng không hề có mắt mũi lưỡi tai thân và ý; (6 quan năng), không có đối tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có cảnh giới của mắt, cho đến cảnh giới của ý thức; không hề có sự ngu dốt vĩnh hằng và do vậy cũng không hề có sự chấm dứt của sự ngu dốt vĩnh hằng đó; không có già và chết cũng như không có sự chấm dứt già và chết”.

         Ở đây, triết lý phá chấp đi từ nhận thức tính “không” đến sự phủ định  là không có và đừng nên hiểu lầm rằng, học theo tính “không” là phủ định tất cả mọi thứ. Điều đó, thuật ngữ Phật học gọi là “chấp không”. Cho nên, phải hiểu và ứng dụng Bát-nhã Tâm Kinh bằng quán chiếu, chứ nếu hiểu theo nghĩa đen trong tình huống này là phá hoại, phủ định sạch hết mọi thứ.

         Đã là con người sống, ai cũng có thân, đầu tiên là một phôi thai nhỏ trong bụng mẹ, 9 tháng sau sinh ra là một đứa trẻ vài ba kg, sau đó trưởng thành lớn lên với sáu giác quan (mắt tai mũi lưỡi thân ý), có sự vận hành hoạt động của tinh thần tâm lý, có sự tương tác với thế giới đối tượng của các giác quan, dẫn đến những phản ứng hoặc chấp trước hoặc ruồng bỏ, hoặc bám víu hoặc không quan tâm gì. Rõ ràng những hiện tượng này có hết.

         Ở đây, Bát-nhã Tâm Kinh dạy ta nghệ thuật phủ định những hiện tượng này để không dính bận vào chúng trong một số tình huống (chỉ trong một số tình huống chứ không phải lúc nào cũng áp dụng như thế). Nghĩa là tùy bệnh cho thuốc. Ví dụ, đang chấp vào 5 tổ hợp thân tâm (ngũ uẩn) thì phải phá chấp bằng phủ định để ta không vướng dính nhiều.

    2. Ý nghĩa của từ phủ định “vô”

        Phá chấp bằng phủ định là con dao hai lưỡi, nếu sử dụng đúng, ta thoát khỏi sự rối bời của chấp trước; nếu sử dụng sai, sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, đó là phá nhân quả.

        Những người vô thần không tin vào đời sau, cho rằng sau khi chết, rõ ràng là không còn mắt mũi lưỡi tai thân ý. Đó là sự chấp rất nguy hiểm về đạo đức. Có nhiều trường hợp ngoại lệ, có thể do giáo dục, do lương tâm, do kinh nghiệm bản thân, do lý tưởng cuộc sống, do tấm lòng rộng lượng, nhiều người tuy không tin có đời sau, vẫn trở thành những người tốt trong phần lớn các hoàn cảnh.

        Tuy nhiên, dưới những sức ép về mặt tinh thần, những đầy đọa trên thân xác, những cạm bẫy, những dụ dỗ, những khoản lợi trước mắt, có thể làm cho người ta không giữ được lập trường nữa, vì nhận thức của họ là, kết cục ai cũng như nhau hết, chẳng có nhân quả gì.

        Do đó, phải hiểu chữ “vô” trong Bát-nhã Tâm Kinh là phá chấp chứ không phải là từ phủ định, mặc dù trên thực tế, nghĩa của “vô” là không có. Dùng phủ định từ ‘không có’ để tháo gỡ những chấp ‘có’, chứ không phải là phủ định điều gì đó ra khỏi thế giới hiện thực, hai ý nghĩa này khác nhau hoàn toàn.

        Đoạn văn vừa nêu có thể coi như cây chổi quét rác, chỗ nào có rác là quét. Mỗi một cái rác là một sự chấp trước, quét rác ra là chấp trước không còn nữa, hạnh phúc an vui có mặt. Quét phiền não, quét nhiễm ô, quét trần cấu, quét khổ đau, điều cuối cùng còn lại là chân tâm thường trú, thể tánh tịnh minh, sự thanh tịnh và thong dong tự tại.

    3. Nhu cầu buông bỏ mọi chấp mắc

        Sự chấp trước, chấp thủ, tức là dính mắc, bao giờ cũng nhiều hơn tổng số các thực tại cá thể và tổng-thể-đang-là, bởi vì một tổng thể cá thể, có thể được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau trong quá khứ hiện tại và tương lai. Cứ hai người gặp nhau là có 4 nhân vật hiện diện: 2 người như 2 thực-tại-đang-là; và 2 người là phóng ảnh tâm thức khi người này nhìn về người kia.

        Một lớp học có 1 Thầy và 20 học trò là có đến… 441 nhân vật hiện diện: 21 người như 21 thực tại đang là; 20 phóng ảnh ông Thầy trong tâm thức từng người trong 20 học viên; 20 phóng ảnh học viên trong tâm thức ông Thầy. Cuối cùng, có 19 phóng ảnh bạn học trong tâm thức mỗi 1 học viên, làm thành con số… 19 phóng ảnh X 20 học viên = 380 nhân vật! Nếu có thêm một tình huống tranh cãi nữa xen vào, ta sẽ thấy xuất hiện đến biết bao nhiêu điều chấp mắc!

        Một trăm nghìn người biệt lập nhau, cùng nhìn vào chỉ một hiện thực  là có một trăm nghìn quan điểm khác nhau. Cho nên, sự dính mắc chấp trước cũng vì thế mà tăng trưởng. Do đó, buông bỏ chấp trước bằng phá chấp phủ định sẽ giúp ta điều chỉnh lại, quân bình lại những thứ dư thừa không cần thiết.

        Trong kinh điển Pali, hành động phá chấp khác với phá hoại được hiểu hình ảnh bằng tước bẹ chuối. Tách một bẹ chuối lại có một bẹ chuối tiếp theo cho đến cuối cùng, không có cái lõi nào hết. Điều đó được gọi là vô ngã và hình ảnh này cũng được sử dụng để chỉ ra cho mọi sự vật và hiện tượng của cuộc đời, từ vật lý cho đến tâm lý, từ cái to nhất đến cái nhỏ nhất, không có cái nào có tự thể trong tự thân của chúng, chúng phải được nối kết bằng nhiều yếu tố khác và trong đó không có cái lõi hữu ngã, nghĩa là không có cái lõi có tự tính tự thân.

        Áp dụng công thức này để phá chấp, ta thấy ngã và pháp không còn là chướng ngại vật nữa. Cả hai chỉ còn tồn tại như những con lật đật được cảm xúc, thái độ, nhận thức, hành vi, thói quen, văn hóa, tôn giáo, triết học, chính trị … giật dây chúng ta theo mọi phương hướng, nhưng chỉ trong một thời gian chứ không phải vĩnh hằng và rồi ta sẽ nhận diện được đâu là đúng đâu là sai, đâu là nên đâu là không nên, cuối cùng ta quay trở về với điểm an toàn nhất.

        Ngài Huệ Năng khi giác ngộ được tuệ giác, như Phật tính đang nằm ngủ quên, trở thành giác ngộ, đã phát biểu một câu rất chí lý: “Bản lai vô nhất vật”, từ xưa đến nay chưa từng có loại sự vật có bản thể vĩnh hằng. Chấp trước bám lên vật A, B, C nên được rũ bỏ giống như ta tách bẹ chuối. Thiền sư Huyền Quang của Việt Nam phát biểu một câu rất hay:

              Có thì có tựa mảy may,

              Không thì cả thế gian này đều không;

              Có không đái nguyệt dòng sông,

              Cho hay có có không không là gì?

        Nguyên văn chữ Hán như sau:

              Trước hữu trần sa hữu,

              Vi không nhất thiết không;

              Hữu không như thủy nguyệt,

              Vật trước hữu không không.

        Chấp điều gì cũng có hại hết, “chấp không”, sẽ dẫn đến nhiều điều nguy hại phá vỡ đạo đức; “chấp có” nhiều quá, sẽ trở thành ngang ngay sổ thẳng, cứng nhắc cứng đơ, sự việc gì cũng trở ngại, cái gì cũng căng thẳng, làm quan trọng hóa, cường điệu hóa vấn đề, trong khi bản chất thực tại không đến mức như thế. “Chấp có” hay “chấp không” là hai thái cực.

        Trong bài kệ vừa nêu, chữ “không” là Sunyata, khác với chữ “vô”, chữ “bất”, chữ “phi”, phần lớn ba từ ngữ này mang tính phủ định. Ba loại từ này có ý nghĩa hoàn toàn khác với chữ “không” là rỗng-không-nhưng-vẫn-có, tuy nhiên không phải tự thân nó có, mà được hình thành chỉ do tổ hợp hóa dựng lên từ nhiều cái khác.

        Bài thơ của Thiền sư Huyền Quang sâu sắc như nội dung của Bát-nhã Tâm Kinh, dạy chúng ta từ nhận thức tánh “không”, tức không-thực-thể trong mọi sự vật, hiện tượng, dẫn đến buông bỏ mọi chấp trước bằng nghệ thuật phủ định có dụng ý.

        Nói cách khác, nhu cầu buông bỏ chấp trước là thiết yếu, nếu ta biết quan tâm về hạnh phúc của bản thân mình và những người thân người thương nói chung.

III.  PHỦ ĐỊNH ĐỂ BUÔNG BỎ NGŨ UẨN

        Trong ba nhóm này – ngũ uẩn, 18 giới và 12 nhân duyên – phần quan trọng nhất trong phá chấp bằng phủ định là ngũ uẩn. Chỉ duy có một thân thể sống này, mà có hàng vạn hàng nghìn cái chấp về nó, liên hệ đến nó, sở hữu của nó như chấp thân thể, cảm giác, ý niệm, tâm tư, nhận thức, chấp những sở hữu tài sản, danh vọng, địa vị, chức tước, chấp những cái liên hệ dây mơ rễ má đến nó, một cách gián tiếp hay trực tiếp.

        Việt Nam có câu: “Thương người thương cả đường đi, Ghét người ghét cả tông chi họ hàng”. Cái chấp trong thương và ghét tạo cho chúng ta tính cách liên đới và phức tạp, hơn nữa là lôi kéo, liên minh. Thương một người nào đó là thương hết tất cả họ hàng người đó, dù không cần biết có đáng thương hay không, điều nối kết đó có đáng nối kết hay không, theo tiêu chuẩn an vui hạnh phúc lợi mình lợi người.

        Và ghét ai thì “ghét cả đường đi lối về” của người kia, con vật người đó xài, quần áo người đó mặc, màu sắc người đó thích, những sở hữu người đó sử dụng và mối tương quan của người đó với những người khác. Ghét luôn cả người nào bênh vực cho người đó, cho dù người bênh vực là cha, mẹ, hay con cái của mình. Trạng thái tâm lý này rất cực đoan và tạo ra một mắt xích dây chuyền. Hệ quả là mọi rắc rối khổ não từ đó phát sinh.

        Khi phá chấp 5 uẩn bằng phủ định rằng, không có “sắc, thọ, tưởng, hành, thức”, không có nghĩa là phủ định không có thân thể này, sự sống này, mà vẫn thừa nhận nó, bởi vì mục đích của việc phủ định là để buông bỏ mọi chấp mắc thuộc về thân thể, chứ không phải để huỷ hoại sự sống vô cùng quí giá này.

        1. Phủ định để buông bỏ sắc uẩn

            Khi nỗi khổ niềm đau xuất hiện với tấm thân – Sắc uẩn, ta phải quán chiếu thân không phải là một thực thể. Cho nên, thân có mà như không. Do đó, không dại gì để khổ đau bám trên thân này.

            Ví dụ, ta quán thân thể này như đã chết, người chết không biết khổ. Cho nên, khổ bị chôn vùi theo cái chết. Đó là phá chấp thân bằng phủ định thân.

            Một số mẹo vặt trong dân gian, ví như bị mắt lẹo hoặc bị điểm xấu trên cơ thể như có nốt ruồi to, khi đến dự lễ tang, mình vuốt nốt ruối đó vứt theo, ngẫu nhiên có nhiều người hết hẳn. Đó cũng là một kiểu phủ định thân để phá chấp vào cái mình cho là xấu, nhưng theo cách là muốn hương linh lãnh thay mình và đó là ăn gian. Thực ra, làm như thế là mê tín. Bây giờ có mụn ruồi, hoặc cục thịt thừa, đi đốt bằng laser vài giây là xong. Đó cũng là phủ định dẫn đến phá chấp vào cái mình cho là xấu, phủ định ở đây là chăm chút cơ thể mình nhiều hơn, lại dính vào cái khác phức tạp hơn, đó là cảm xúc về tự ngã.

            Hiện nay có bảo hiểm nhân mạng, tuổi thọ, vì sự sợ hãi về cái chết diễn ra nhiều hơn. Nhiều người ở VN không có bảo hiểm gì, sang phương Tây, do công nghệ quảng cáo làm nỗi sợ hãi trong vô thức hay tiềm thức dẫn đến nỗi sợ bằng ý thức, làm cho họ không yên tâm. Phần lớn phải chi gần một phần ba thu nhập để đóng bảo hiểm cho cảm giác bình an. Nhiều tu sĩ Phật giáo qua bên đó không cần bảo hiểm gì cũng không có chuyện gì xảy ra, giống như ở VN vậy.

            Khi quán thân này như không có, cái chết còn không quan trọng, nên ta không bị những nỗi sợ hãi, những phiền não trần lao khống chế ta. Ta chỉ sử dụng phương pháp quán chiếu để phá chấp một khi không có sự lựa chọn nào khác.

            Trong thực tế, nền văn hóa phương Tây đã thiết chế nên chuẩn mực như thế, nếu ta không tuân thủ cũng không được. Khi nhập vào bệnh viện vài ba ngày, viện phí không thể nào trả nổi. Do nền văn hóa như thế, dễ dẫn đến hệ lụy chấp trước vào tấm thân và quán vô sắc tức không có thân thể này, để chúng ta bớt hệ lụy về thân thể, chứ không phải là phủ định thân thể hay phủ định chuẩn mực xã hội.

        2. Phủ định để buông bỏ thọ uẩn

            Sự sống chính là sự tương tác giữa một thân thể sống và môi trường ngoại cảnh. Chỉ trừ khi chết. Khi ta đã có chánh kiến về tấm thân – về Sắc uẩn – thì những cảm giác sinh khởi trong ta qua việc tương tác với môi trường ngoại cảnh, ta cũng quán chiếu như vậy. Cảm thọ này không phải của ta, sinh khởi do qui luật duyên sinh, đến rồi đi, sinh rồi phải diệt.

            Quán chiếu không có cảm giác, để ta không quan trọng hóa về mình, không mặc cảm, không tủi phận, không bốc hỏa buồn vui, những thứ đó làm con người lên xuống thăng trầm như là hình sin hay như sóng trên mặt nước vậy.

        3. Phủ định để buông bỏ tưởng uẩn

            Mọi cảm xúc luôn luôn kéo theo sự suy tưởng, định danh. Khi đã có chánh kiến về Sắc uẩn và Thọ uẩn thì những suy tưởng khởi sinh trong sẽ khác: Tư tưởng này không phải của ta, tư tưởng này chỉ là duyên sinh, không thực sự như-nó-là …

            Phá chấp về tưởng làm con người không bị hoang tưởng, không cường điệu, không lạc điệu, không bi quan, không sợ mất, không suy luận viễn vông, mơ hồ và nhiều sự tưởng tượng tiêu cực khác.

            Người nào mơ mộng quá nhiều là thuộc về thể hoang tưởng nhẹ; lo lắng trầm tư quá cũng thuộc về tưởng, dễ sa vào chứng lo hãi hoặc trầm cảm hay tự kỷ nhẹ. Chỉ cần học và thực tập quán vô tưởng, ta có thể thoát khỏi sự chìm đắm trong thế giới mông lung, không có thật và quay về thế giới thực tại.

            Thấy một người đang đăm chiêu là ta biết đang mơ mộng, chỉ cần khều nhẹ là đẩy người đó về thế giới hiện thực thôi, đó là vô vọng-tưởng, vô ảo-tưởng.

            Khi nằm ngủ mơ thấy ác mộng hãi hùng kinh hoàng diễn ra trong nội tâm và có ai đó nhẹ nhàng đánh thức dậy, dù hơi có ức chế thần kinh làm người đó bần thần mỏi mệt, nhưng một lúc sau sẽ hết. Trong khi đó, nếu tiếp tục mơ xấu như thế có thể ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người đó về lâu về dài. Một sự đánh thức nhẹ như là một sự phá chấp làm cho người đó không còn rơi vào khổ đau của tưởng.

        4. Phủ định để buông bỏ hành uẩn

            Một khi suy tưởng đã sai lầm, sẽ đẩy tâm lý vào những đợt hưng phấn hay trầm cảm và làm nảy sinh những hành vi, những lời nói thiếu kiểm soát. Những suy tưởng sai lầm sẽ kéo theo sau nỗi khổ niềm đau, hay kéo theo những niềm hưng chấn về những sự kiện không có thực.

            Khi đã có chánh kiến về tưởng rồi, ta phải quán chiếu về tính vô ngã, vô thường, vô thực thể của chúng. Đó là Vô hành, nghĩa là không chấp vào sự trầm tư, u não, hờn dỗi, để tâm; không cho phép nỗi đau, trầm tư ưu não, từ thế giới hiện tượng trở thành tiềm thức, rồi ẩn náu trong các lớp vô thức, đến lúc đó là khó chữa. Ta phải dùng vô hành này để phá chấp, phủ định, tháo gỡ hành uẩn. Thuật ngữ Phật giáo gọi là: “Hành vô-hành”.

       5. Phủ định để buông bỏ thức uẩn

           Không chấp thức là không rơi vào thế giới nhị nguyên, hý luận, sốc nổi, duy lý hoặc duy tâm. Điểm cao nhất của phá chấp về thức, theo Phật giáo là biến chúng thành trí. Diệu Quan sát trí là quan sát thực-tại-như-chúng-là, không chấp dính quá khứ và tương lai, v.v… Bình đẳng tánh trí là nhận thức bình đẳng sáng suốt không phân biệt, thoát khỏi mọi hệ lụy do tâm phân biệt mà ra.

           Hai trí tuệ nêu trên là kết quả của tiến trình tu chuyển hóa các trạng thái của thức, từ Ý thức đến Mạt na thức. Cho đến thành tựu cuối cùng là sự chuyển hóa Alaya thức, thành Đại Viên Cảnh Trí.

           Thức mang lại nhiều hệ lụy, nhưng không có nó thì các giác quan không phát huy được chức năng. Bám vào thức nhiều quá thì mang lại nhiều khổ lụy. Ví như, chấp vào nhãn thức thì khổ lụy từ nhãn thức, chấp vào lỗ tai thì ta sẽ bị âm thanh làm phiền não hoặc là vui tạm thời. Có câu “Những điều nghe thấy mà đau đớn lòng” là một ví dụ.

       6. Kết luận về sự chấp ngũ uẩn

           Chấp vào 5 uẩn là rắc rối, vì 5 uẩn vừa là hạnh phúc và cũng là khổ đau. Trong đó, hạnh phúc liên hệ đến thân nhiều, cũng liên hệ đến cảm xúc, ý niệm, tâm tư, nhận thức và khổ đau cũng liên hệ năm uẩn tương tự.

           Trong Tâm lý học, hiện tượng chấp vào 5 uẩn được gọi là “qui ngã” – egocentrist – mà mọi hành vi ứng xử đều nhất mực lấy hệ qui chiếu chủ quan của cá nhân làm hệ chuẩn mực duy nhất để áp đặt lên thế giới.

           Cho nên, dùng phủ định để phá chấp năm uẩn thân-tâm là nhằm làm cho nỗi đau trở thành “không” và ta sẽ vượt qua được trạng thái vướng dính vào trầm luân, tái phục hồi trạng thái an lạc, thanh tịnh trong tâm hồn. Vì vậy, trong 3 nhóm cần buông bỏ, nhóm 5 uẩn là ưu tiên số một.

IV. PHỦ ĐỊNH ĐỂ BUÔNG BỎ 18 GIỚI

      Kế tiếp, đức Phật dạy phá chấp 18 yếu tố phổ quát, thuật ngữ Phật học là thập bát giới. Chữ giới ở đây không phải là giới hạnh, giới đức, giới ở đây là yếu tố. 18 là tích số của 6 và 3; 3 cái 6 ở đây là 6 giác quan, 6 đối tượng của giác quan, và 6 nhận thức của giác quan. Sung sướng và khổ đau của con người, hay thiên đường và địa ngục trên hành tinh này cũng chỉ liên hệ đến các giác quan ấy thôi và cũng chỉ ngần ấy thôi.

      Có những điều khoái cảm do con mắt đòi hỏi tấm thân, có cái sướng do lỗ tai đòi hỏi cái tâm, có những cái sướng do nghiệp dẫn đường, gieo nghiệp ở miệng và mũi,… các giác quan tương quan đa chiều, quan hệ chằng chịt với nhau.

      Để chặt đứt, rũ bỏ mọi hệ lụy của khổ đau, những phản ứng tiêu cực, những ám ảnh, những trằn trọc, những day dứt thì việc quán phủ định chúng là nghệ thuật đơn giản nhất để vượt qua, đồng thời cũng là cách tốt nhất để rũ bỏ.

      1 Phủ định để buông bỏ 6 giác quan

         a) Những điều kiện giới hạn của 6 quan năng

             Các giác quan luôn có giới hạn của nó. Tầm nhìn con mắt luôn trong một phạm vi nhất định, mắt con người không thể nào nhìn quá bước sóng ánh sáng. Trong phạm vi bước ánh sáng thì ta mới nhìn thấy, bằng không, có mắt cũng không thể nhìn thấy.

             Nếu so sánh với các loài động vật thì các giác quan của loài người có khi hơn, có khi thua, vì điều kiện tính của hệ sinh học nhằm mục đích sinh tồn của từng chủng loài.

             Mắt của con người không tinh bằng mắt mèo, cọp hay chim cú, nhưng lại phân biệt được màu sắc. Tai của con người không thể bằng tai dơi, nhưng hơn hẵn tai rắn; mũi con người không thể nhạy bén bằng mũi chó, nhưng lại hơn hẵn loài cá; lưỡi, da cũng thế. Chỉ riêng khối não, con người hơn hẳn các loài vật khác trong việc xử lý khối thông tin từ các giác quan, nhưng cũng có những xử lý kém hơn nhiều so với một số sinh vật khác, như tìm phương hướng trong không gian, trong lòng đại dương hoặc trong lòng đất.

             Thấy như thế, ta không cường điệu hóa những thông tin đến từ các giác quan và mở ra một hướng đúng là nhận thức rằng, các giác quan chỉ đóng vai trò chức năng thu nhận thông tin theo những điều kiện giới hạn nhất định của hệ sinh học, từ nhận thức đó, ta làm chủ chúng một cách dễ dàng.

         b) Thị giác – giác quan mắt 

              Về mặt hiện tượng

             Tham khảo tài liệu sinh học, chúng ta hiểu thị giác là giác quan phức tạp nhất và quan trọng nhất đối với mọi loài sinh vật di động.

                  ● Độ dài sóng và màu sắc: Ánh sáng nhìn thấy là một dạng năng lượng mà các thụ thể của mắt phát hiện được. Tương tự Vật lý học, ánh sáng được mô tả bằng các độ dài sóng, tần số, biên độ riêng biệt; thì trãi nghiệm thị giác của ta mô tả các sóng ấy bằng hình ảnh theo 3 chiều kích: Màu sắc, độ bão hòa (tinh khiết) và độ chói. Con người có khả năng phân biết bằng thị giác khoảng 5 triệu màu. Tuy nhiên, đa số chúng ta chỉ có thể cảm nhận được khoảng 150-200 màu thôi. Những màu sắc trong tâm trí loài người là vô cùng nhỏ so với vô vàn bước sóng quang tử trong vũ trụ.

                  ● Nhìn thấy màu sắc: Những trải nghiệm của con người về hình dạng và màu sắc dựa vào việc xử lý các thông tin giác quan theo những cách khác nhau. Đối với con người, các vật thể và tia sáng dường như được tô lên nhiều màu sắc kỳ diệu, nhưng thật ra, màu sắc không hề tồn tại trong các vật ta thấy, màu sắc chỉ tồn tại trong tâm trí thôi.

             Tuy nhiên, không phải mọi người đều có trải nghiệm màu sắc như nhau. Một số người thiếu đi khả năng nhận biết màu sắc, mù màu là thiếu khả năng một phần hoặc toàn phần về khả năng nhận biết một vài màu sắc nào đó trong phổ ánh sáng nhìn thấy được của loài người.

             Dư ảnh là các màu bổ sung là các màu đối diện với các màu chính. Khi nhìn chăm chú một vật có màu sáng trong một lúc và khi đưa mắt vào khoảng trống (hay nhắm mắt), ta sẽ thấy dư ảnh của vật bằng màu bổ sung của nó. Dư ảnh có thể là âm tính (đối nghịch, đảo ngược trải nghiệm gốc) hay dương tính (tiếp tục quá trình trải nghiệm gốc), nhưng dương ảnh xảy ra hiếm và ngắn.

             Cấu trúc sự thấy: Ánh sáng -> giác mạc -> xuyên qua đồng tử (mống mắt), mống mắt kiểm soát lượng ánh sáng -> xuyên qua thủy tinh thể co dãn điều chỉnh tiêu điểm -> đến võng mạc. Võng mạc là một cấu trúc nhiều lớp bao gồm 5 loại neurone đan xen nhau: 1.-Thụ thể hình que và hình nón; 2. Neurone 2 cực; 3. Tế bào hạch; 4. Tế bào ngang; 5. Tế bào đuôi ngắn.

             Các tế bào cảm quang hình que (125 triệu tế bào giúp ta thấy trong bóng tối và báo cáo những gì chúng phát hiện bằng 2 màu đen và trắng) và hình nón (7 triệu tế bào nhìn thấy ban ngày đầy ánh sáng và màu sắc, mỗi tế bào được biệt hoá để nhìn thấy một số màu khác nhau); các tế bào này hấp thụ năng lượng ánh sáng, chuyển năng lượng ấy thành các xung động thần kinh (mặc dù rất kỳ lạ là chúng lại là lớp sau cùng của võng mạc).

            Lõm trung tâm võng mạc, trung tâm hoàng điểm, tập trung dầy đặc tế bào nón (không có tế bào que) là vùng thị giác sắc nét nhất: Cả 2 chi tiết màu sắc và không gian được phát hiện chính xác nhất tại đây.

            Tế bào 2 cực & tế bào hạch thu thập các đáp ứng của mọi thụ thể ở gần chúng, tế bào 2 cực nối kết xung động từ thụ thể đến tế bào hạch. Tế bào hạch phối hợp mọi xung động nhận được từ tế bào 2 cực, thành một tốc độ truyền duy nhất, lan truyền theo các sợi trục của chúng, các sợi này tạo thành một bó, gọi là dây thần kinh thị giác, chuyển xung động đến não. Điểm thoát ra khỏi mắt gọi là điểm mù, nhưng thị trường của 2 mắt bù trừ điểm mù cho nhau.

            Ở phía sau não, có một vùng riêng biệt nằm tại vỏ não vùng chẩm, xử lý xung động thần kinh từ 2 mắt đến, gọi là vỏ não thị giác nguyên thủy. Tại đây, não “nhìn thấu” cái mà mắt thu thập được.

            Các sợi trục kết thành bó của tế bào hạch tạo thành dây thần kinh thị giác, trước hết dẫn đến đáy não, tại đây, chúng cùng đi đến “chéo thị giác” (X): 1/2 bó bắt chéo sang phía bên kia để về phía sau của não. Tiếp theo, xung động được chia ra giữa 2 gai (một gai LGN – lateral geniculate nucleus – có chức năng nhận biết kiểu dáng và một gai SC – superior colliculus – có chức năng nhận biết vị trí):  Ta nhìn bằng mắt, nhưng ta thấy bằng não.

             Tiếp cận Bát-nhã

            Cái thấy của đôi mắt như thế, nên rõ ràng là “không thực thể”. Khi ta nói không có con mắt, trong thực tế, mắt vẫn tồn tại. Mục đích của việc phủ nhận con mắt để rũ bỏ mọi so đo, bì kè, tỵ hiềm, không còn phân biệt, vì tâm lý so đo, bì kè, phân biệt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực trong tâm lý.

            Ra ngoài đường, thấy người ta ăn mặc đẹp trong khi mình lại nghèo quá, tâm so bì này dẫn đến tình trạng là ta muốn được điều như thế. Do vậy, dễ dẫn đến con đường làm mọi phương tiện để đạt được điều ham muốn, bất luận khía cạnh luật pháp và đạo đức.

             Tâm so bì đó vẫn tiếp tục leo thang và dẫn dắt con người đến chỗ chẳng biết mình đang ở chỗ nào và những người có phước giàu sang nằm ở chỗ nào, mà cứ luôn luôn sánh mình với những người đó. Cuối cùng, dấn thân vào con đường tội lỗi, còn người ta, ngày càng tiến triển trên con đường phước báu.

             Trong tình huống mà những điều mắt thấy, dù có mang lại những trạng thái tâm lý đam mê thích thú hay ghét bỏ thì tốt hơn hãy nghĩ ta không có con mắt, có thấy mà giống như không thấy, để lòng tham hay sân không khởi lên. Đó là sự phá chấp những lỗi lầm hay những rắc rối liên hệ đến con mắt bằng cách phủ định.

             Sống trong xã hội, có những điều xấu xa xảy ra trước mắt, nhiều khi ta phải giả vờ như không nhìn thấy. Biết quá nhiều về những xấu xa của người khác có thể mang nhiều hệ luỵ trên cuộc đời. Đây là sự phá chấp và không phải là thái độ hèn nhát, sợ hãi. Hãy xét kỹ bối cảnh xã hội để thấu rõ nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh những hiện tượng xấu xa trước, rồi hãy có hành vi thích hợp. Vấn đề là ta không đồng tình với điều xấu xa và không khởi lên tâm trạng thù ghét, bất mãn con người xấu và hiện tượng xấu là tâm được an lạc rồi.

             Vì cái thấy là điều quan trọng nhất của sinh vật di động, nên quán không có con mắt, để không tạo ra những nghiệp sinh khởi từ con mắt. Vì cái thấy của con người trong nhiều trường hợp là sai lầm, phiến diện.

              Mấy hôm trước, báo Công An đăng tin đau lòng: Một thiếu nữ khoảng ngoài 20 tuổi, con gái cưng của một chủ tiệm vàng, xưa là sinh viên đại học năm thứ ba đã từng là hoa khôi của trường. Có một anh lớn hơn vài tuổi, lừa đảo cô bằng một cách rất tinh vi: Anh ta mượn tiền của bà con, sáng đến tiệm vàng đó, chọn đúng cô con gái để mua 2 lượng vàng và nói những lời rất dễ thương, lịch sự, làm cô này có thiện cảm. Sau đó anh ta đến một tiệm vàng khác bán đi, lỗ vài nghìn và buổi chiều lại đến tiệm vàng của cô gái này, mua 2 lượng vàng khác từ chính cô gái đó; làm liên tục như thế 30 ngày.

               Cô này có cảm giác anh ta rất đỗi giàu có, ít nhất trong tay đã có 60 lượng vàng. Người đẹp trai, ăn nói dễ thương, lịch sự hoạt bát, làm sao không thương được, nên cô đem lòng thương, dầu cha mẹ ngăn cản thế nào đi nữa. Cuối cùng cô cuốn gói đi theo gã sở khanh này.

                Mười mấy năm sau đó, hai vợ chồng nhà này chẳng có nghề nghiệp, tài sản gì cả, chuyên nghề lừa đảo, nghiện ngập, ma túy, giật dọc, cướp bóc đủ thứ. Cuối cùng, anh ta bị bắt và đã bị tuyên án 15 năm tù. Hư cả cuộc đời cô gái.

                 Anh chàng lừa đảo đã nhử những người có tâm tham bằng con mắt. Sáng mua hai, chiều mua hai; 30 ngày là 120 cây; lấy được ông chồng như thế thì khỏi lo, không ngờ hư cả cuộc đời.

                  Do đó, trong đời sống đôi lúc ta phải quán là tôi không có con mắt để rũ bỏ những cám dỗ của tham-sân-si. Lâu lâu, có con mắt, ta phải giả vờ như không thấy để nhẹ thở với mình và nhẹ thở với người. Thấy nhiều quá mà không biết quán, mệt lắm, rất dễ sinh tâm tiêu cực. Trong tình huống ta không còn sự chọn lựa khác hơn thì hãy hoan hỷ làm quen với nó, nhưng không đồng lõa hay vướng mắc với nó. Đây là một nghệ thuật rũ bỏ nỗi đau khi ta không có sự lựa chọn khác.

        c) Thính giác – giác quan tai

             Về mặt hiện tượng

             Theo sinh học, thính giác cung cấp thông tin xác thực về không gian trên những khoảng cách trải rộng, nhất là sự định hướng về các sự kiện xảy ra ở xa. Bởi vì, ta thường nghe trước khi thấy.

             Vai trò tối quan trọng của thính giác loài người là sự giao lưu về ngôn ngữ. Ackermann – 1990 đã nói: “Thế giới vẫn có thể dễ hiểu đối với người thiếu đi tay hay chân; vẫn dễ hiểu đối với người không có mũi; vẫn dễ hiểu đối với người mù; nhưng nếu mất đi thính giác, một sợi dây liên lạc tối quan trọng tan biến thì bạn mất đi cái logic của cuộc đời. Bạn trở nên bị cắt đứt khỏi sự giao lưu xã hội thường ngày với thế giới….”.

             Tính chất vật lý của âm thanh là một loại năng lượng được truyền đi trên nền của vật chất dưới dạng sóng hình sin do sự thay đổi năng lượng theo không-thời-gian. Thuộc tính của âm thanh là Tần số và Biên độ. Đa số âm thanh mà ta nghe được là những tổ hợp của các Đơn âm.

              ● Sinh học thính giác: Con người nghe bằng 3 chiều kích: Độ thanh (tần số); cường độ (biên độ) và chất lượng (âm sắc).

              o Tần số nghe: Con người có thể nghe được trên dãi tần 20 – 20,000 Hz do hệ thính giác đã được biệt hoá cao độ để có thể phát hiện và phân biệt độ thanh trầm trên dãi tần này.

              o Cường độ: Con người có thể nghe được trong khoảng cường độ 0.002 dB – 90 dB. Tuy nhiên còn tuỳ thuộc vào thời gian nghe nữa.

              o Âm sắc: Là tính chất phức tạp của âm thanh (tạp âm, tiếng ồn…). Hệ thính giác con người phân biệt các sóng âm phức tạp bằng cách tách chúng ra thành các sóng có thành phần đơn giản hơn để nhận biết.

           Con người muốn nghe được, cần có 4 dạng biến đổi của năng lượng:

               o Theo môi trường truyền âm: Các sóng âm trong không khí phải được biến đổi thành các sóng âm trong môi trường lỏng trong Ốc tai.

               o Đường đi sóng âm: Sóng âm trong không khí -> ống tai ngoài -> phản xạ ở loa tai -> điểm cuối ống tai -> màng nhỉ -> tai giữa -> xương búa, đe, bàn đạp -> ốc tai tại tai trong -> thành sóng âm truyền trong dịch lỏng.

               o Các sóng âm truyền trong dịch lỏng trong một ống tai hình cuộn tròn, làm kích thích màng đáy, nơi có các tế bào lông rung.

               o Các rung động (dao động do sóng âm) được chuyển thành các xung động điện.

               o Các xung động điện truyền đi trong dây thần kinh thính giác đi đến Vỏ não thính giác, nằm ở thuỳ thái dương.

          Như vậy, tai thu nhận sóng âm, nhưng tâm trí mới chính là nghe và những gì mà tai và tâm trí loài người nghe được cũng là một lượng vô cùng nhỏ so với vô vàn bước sóng âm trong vũ trụ quanh ta.

           Tiếp cận Bát-nhã

           Cái nghe vẫn là “không thực thể”. Tương tự, ta quán không có lỗ tai, trong khi hai lỗ tai vẫn hiện hữu, mọi lời nói, âm thanh của người thân thương khi chì chiết, chửi bới, quở mắng; khi âu yếm, thương yêu, v.v...; ta nghe rõ mồn một đến độ tâm ta chao đảo những sân hận, ghét bỏ hay thương mến, si mê. Trong trường hợp đó, chỉ cần quán tôi không có hai lỗ tai nên để tâm trí được ngơi nghỉ.

           Có cặp vợ chồng già sống hạnh phúc trong khoảng 70 năm trên cuộc đời (khoảng 90 tuổi). Khi được phỏng vấn về nghệ thuật sống hạnh phúc với cụ bà là tấm gương để chúng cháu nhiều thế hệ noi theo. Ông cụ nói: Dễ lắm, giai đoạn đầu bà chửi tôi thì tôi đi ra ngoài tập thể dục và khi trở vô như thể tôi chưa từng nghe.

Còn bây giờ có điện thoại di động để kế tai, người kia chửi thì cứ dạ, dạ, để đỡ căng thần kinh. Đó là quán không có lỗ tai.

          Rất nhiều cặp vợ chồng mất hạnh phúc vì những chuyện nhỏ, cho rằng không quan trọng để phải bận lòng, không ngờ nó lại có tác hại thật. Cũng có người nghĩ rằng mình nhằn vài ba câu ổng/bà quen rồi, nên nhằn hoài, nhưng sức chịu đựng có giới hạn đến lúc nào đó không chịu nổi thì quyết định ly dị. Trong trường hợp này chỉ cần quán không có lỗ tai là khỏe, để ta không tự nạp những chuyện thị phi, phiền não, rắc rối, mệt mỏi, lo sầu vào trong tâm của chúng ta.

          Tuy nhiên, dù xả chấp đối với những lời trách móc hay khen ngợi, ta vẫn phải quan tâm quán chiếu lại theo lẽ nhân duyên, nghiệp báo. Bằng không, ta biến thành kẻ ù lì, vô cảm, đến bất cận nhân tình, làm sâu dầy thêm nghiệp đã mang.

          Ví dụ, ông chồng có thói quen tìm niềm vui không bia ôm thì cũng quán nhậu, hoặc quán cà phê, quán ngã tư đường. Bà vợ nói nhẹ nhàng: Nếu anh ở nhà thì em hạnh phúc biết mấy. Đó là những lời nói rất tế nhị khéo léo, vài ba hôm nói một lần. Nếu anh ta chủ quan không lưu ý, coi chừng mất vợ thật. Bởi vì mình có vợ mà không chăm sóc thì người khác chăm sóc thế.

           Phá chấp bằng phủ định là con dao hai lưỡi, tình huống nào sử dụng, sử dụng mức nào, cách sử dụng ra sao cho có lợi. Nếu sử dụng phá chấp bằng phủ định một cách thiếu trí tuệ, sẽ phản tác dụng và mang lại những phiền não, khổ đau trong cuộc sống.

      d) Khứu giác – giác quan mũi

          Về mặt hiện tượng

         Theo sinh-học, mùi dưới dạng những phân tử hóa học tương tác với các protein thụ thể trên màng của các tế bào lông rung ở mũi. Xung động thần kinh được truyển đến hành khứu nằm trên các thụ thể và thông tin được xử lý tại khứu não ngay dưới thuỳ trán vỏ não. Khứu não có thể là bộ phận nguyên thuỷ nhất của chúng ta đã tiến hóa trước khi các giác quan khác được biệt hóa.

         Những tín hiệu khứu giác trực tiếp đi đến trung tâm khứu giác của não, thay vì gián tiếp đi qua đồi não như các thông tin giác quan khác. Có lẽ khứu giác đã tiến hóa như một hệ thống nhằm vào các mục đích:

           o Phát hiện và định vị thức ăn,

           o Phát hiện những nguồn gốc chứa đựng những nguy hiểm tiềm tàng,

           o Là một hình thái chủ động giao tiếp có hiệu quả, như các loài côn trùng giao tiếp nhau bằng pheromone.

        Con người có lẽ dùng khứu giác phối hợp với vị giác để tìm kiếm và thử nghiệm thức ăn. Có một vài bằng chứng nói rằng con người cũng có thể tiết và cảm nhận Pheromone giới tính.

        Tác động của mùi vị đối với tâm lý sinh học: Con người có những đáp ứng bị quyền rũ và bị ghê tởm đối với một vài mùi và rất khó khăn để thay đổi đáp ứng như thế. Những đáp ứng như thế đối với một số trải nghiệm khứu giác có thể là hoàn toàn tự động. Và khứu giác có thể gợi nhớ ký ức đối với một số mùi rất chính xác và dài lâu. Như vậy, mũi chỉ bắt thông tin, còn tâm trí mới biết được mùi; và thực tại vũ trụ chẳng có mùi gì hết, mùi chỉ do tâm trí phán xét mà thôi.

       Tiếp cận Bát-nhã

       Như vậy, mùi cũng không có thực thể, nên quán không có lỗ mũi, ta sẽ đạt được kiến thức không sạch không bẩn. Ngồi kế ai đó mà cứ bịt lỗ mũi là thể hiện bất lịch sự, làm cho người khác ghét mình. Nếu người ta có mùi chua, mình cũng giả vờ không biết.

      Đi tới những nước nghèo mà cứ bịt mũi, người ta ghét lắm. Tây ba lô rất tế nhị về những chuyện này, xứ của họ sạch chừng nào thì sang Ấn Độ dơ bẩn cấu uế rác rưởi nhiều chừng đó, mà họ cứ tỉnh bơ xem như không có chuyện gì. Hòa nhập được mới hạnh phúc được, nếu không, mũi cứ hít hết mùi này đến mùi kia thì khổ não vô cùng, khổ đến toát mồ hôi. Khi ta quán không có lỗ mũi thì cũng bớt đi phần tham mê sắc dục, vì sắc dục kích thích mãnh liệt nhất.

     Phụ nữ bị những nhà sản xuất khai thác vào sự nhạy cảm của lỗ mũi. Nước hoa có chút xíu bán 500 $, có loại 2000 $, loại sang trọng xa hoa từ 3000$ trở lên. Những loại nước hoa tạo ra cảm giác tự tin, thăng hoa, giá trị. Nhưng theo Phật giáo, những điều đó chỉ là ảo tưởng hết, cái thực không bao nhiêu.

     Ai có nặng mùi, nên quán không có lỗ mũi và người khác cũng không có lỗ mũi, để không bị bận lòng nhiều và do vậy đỡ tốn tiền bạc. Nhưng phải biết nhân duyên như vậy, để giữ xác thân được sạch sẽ thuận theo chuẩn mực ứng xử của xã hội.

    e) Vị giác – giác quan lưỡi

         Về mặt hiện tượng

        Giác quan nếm – vị giác – tỏ ra kém chính xác hơn nhiều về tính nhạy cảm. Khi ăn, vị giác và khứu giác hoạt động liên hệ nhau. Nếu vì lý do nghẹt mũi, ta có thể cảm nhận thức ăn kém ngon. Sự phân biệt tinh tế cái thơm ngon thực sự được khứu giác phát ra tín hiệu. Ngoài ra, thị giác cũng góp phần vào trãi nghiệm khoái cảm trước và trong khi ăn. Ăn là một bản năng mạnh mẽ nhất của sinh vật, hãy nhìn đứa trẻ co quắp tay chân khi bú mẹ, hãy nhìn con chó rung toàn thân khi ăn!

        Có 4 tính chất vị giác của con người, lệ thuộc vào các thụ thể mà chúng tập trung lại tại những nhú vị giác. Nhú vị giác được phân bố ở khắp khoang miệng, đặc biệt nhất là tập trung trên mặt lưỡi, tạo thành những khoang vị giác theo 4 tính chất, nơi đó tính nhạy cảm đối với các vị: 1) Ngọt: Mạnh nhất ở đầu lưỡi; 1) Chua: Mạnh nhất ở cạnh lưỡi; 3) Đắng: Mạnh nhất ở phía sau lưỡi; 4) Mặn: Trải ra khắp bề mặt lưỡi.

        Giữa 4 tính chất này, con người không cảm nhận được vị giác, gọi là khoảng trống vị giác. Tính nhạy cảm vị giác mạnh mẽ ở trẻ nhỏ và yếu đi ở tuổi già. Như vậy, nhú vị giác thu nhận thông tin, còn tâm trí thì biết vị. Và bản chất của thức ăn là vô-vị, chỉ có tâm trí mới phân biệt vị mà thôi.

      Tiếp cận Bát-nhã

      Tương tự, vị thức ăn không có thực thể, khi ta ăn uống cảm thấy ngon, hãy quán rằng, thực phẩm tự thân là vô vị, chỉ là sự nhào nặn của tâm trí ta mà thôi. Tây phương có ngạn ngữ: “Món ngon của dân tộc này là độc dược của dân tộc khác”.

      Ta quán không có lưỡi để giảm thói quen tham ăn, giảm đi sát nghiệp. Hãy nhớ đến bản năng sinh vật trong ăn uống. Lưỡi đòi hỏi nhiều thứ lắm, trong khi bao tử chỉ là nơi chứa những thực phẩm mà răng và lưỡi ăn thôi, chứ có hưởng được gì đâu mà phải hoạt động suốt ngày, nhưng nếu lưỡi ăn những thứ không hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm thì bao tử lãnh đủ hết, nhiều khi ngộ độc đến mất mạng.

      Nói bụng ăn nhưng thực ra lưỡi ăn, chiên nấu bao nhiêu loài cũng là vì thỏa mãn cho lưỡi thôi và quán không có lưỡi là để bao tử không thành nghĩa trang, không biến lưỡi trở thành con dao sát nghiệp và do đó, ta có được tuổi thọ, sức khỏe, dễ sống, ở đâu cũng sống được, ở đâu có cái gì cũng ăn được đơn giản mà vẫn cảm thấy ngon.

     f) Xúc giác – giác quan thân

       Về mặt hiện tượng

      Đây là cơ quan rất linh hoạt, có nhiệm vụ: 1) Bảo vệ ta chống lại những tổn thương bề mặt; 2) Giữ các thể nội dịch; 3) Điều hòa thân nhiệt. Da cũng chứa đầu tận cùng của những dây thần kinh cảm giác, để phát hiện những kích thích bên ngoài qua áp lực, nhiệt độ và cảm nhận sờ đụng, một vai trò trung tâm trong những mối quan hệ xúc cảm và trong giới tính (cảm nhận sờ đụng được nghiên cứu phát hiện qua những trẻ sơ sinh đẻ non sống sót và phát triển như thế nào; và sự vuốt ve gây ra một cảm giác dễ chịu như thế nào).

      Tính nhạy cảm của da tỏ ra mãnh liệt nhất tại những nơi nào mà ta cần nó nhất. Sự phản hồi giác quan này giúp con người hoạt động có hiệu quả trong các động tác toàn bộ cuộc sống.

      Đau đớn: Cảm giác đau tỏ ra rắc rối nhất. Nó có thể dẫn đến trầm nhược hay tự sát. Đau là sự đáp ứng của cơ thể với kích thích từ những tác nhân có hại. Nó là sự đáp ứng phức tạp, liên quan đến một tương tác giữa các yếu tố sinh hóa, những xung động thần kinh với các yếu tố và có khi văn hóa.

      Tinh thần và tính khí có thể cũng quan trọng về cường độ bản thân cảm nhận trong việc quyết định mức độ đau.

      Cảm giác đau là một tín hiệu tự vệ thiết yếu, nó báo cho ta mối nguy cơ tiềm ẩn, nó giúp ta tồn tại được trong môi trường bất thuận. Yếu tố đau còn mang những ý nghĩa:

         o Khái niệm được con người gằn với trải nghiệm (tính qui ước).

         o Những tập quán chịu ảnh hưởng của văn hóa (thử thách lòng can đảm và sức chịu đựng).

         o Sự hỗ trợ và chú ý của xã hội.

         o Vai trò giới tính do tập nhiễm. 

      Sự thực là, cái cách mà ta cảm nhận cái đau, cái cách mà ta truyền đạt cái đau đó như thế nào cho những người khác, cái cách mà ta đáp ứng với cái đau và điều trị giảm đau, tất cả sẽ bộc lộ trạng thái tâm lý của ta. Đó là cái cách mà ta suy luận về cái đau, nó không giống như cường độ kích thích đau. Đau không khu trú tại địa điểm nó xuất hiện, mà nó được “biết” do tâm trí và điều mà ta tri giác, không phải là điều mà ta cảm giác.

       Tiếp cận Bát-nhã

       Khi ta bị đau hay đau vì bệnh tật, ta quán rằng, cái đau chỉ do tâm trí tô vẽ nhào nặn ra để bảo vệ sự sống mà thôi, tức khắc, cái đau giảm đi hơn phân nữa rồi. Quán không thân, nên hiểu đây là không da, vì thân là yếu tố đầu tiên nằm trong ngũ uẩn và da là phần nhạy cảm tạo ra cảm xúc, dẫn đến thái độ chấp trước thân cũng từ da mà ra.

       Cụ thể như chị em phụ nữ đặt nặng xúc cảm da và thân nhiều hơn. Họ phải đi tắm loại nước hoa đặc biệt. Có nhiều mệnh phụ phu nhân tắm nước hoa sen, tắm với sữa để trắng da hay làm da đẹp. Ở Đức mới lập kỷ lục tắm với bia, đủ kiểu để làn da đẹp. Chuẩn mực về vẻ đẹp của phụ nữ tạo cho họ một sự lệ thuộc ẩn dưới lớp vỏ cảm giác thăng hoa, nên phụ nữ tốn nhiều tiền và công sức vào việc chăm sóc thân thể, làn da rất nhiều. Vì quan niệm “nhất dáng nhì da”. 

       Để không sa vào trạng thái lệ thuộc vào thân xác, ta phải quán, tôi không có da, để da có bóng hay không, có trắng, hay đen vàng cũng chấp nhận, vì điều đó không quan hệ nhiều đến đời sống hạnh phúc, an lạc của chúng ta. Nếu không, ta dễ bị mơn trớn tôn vinh thân thể, bị kích thích những trạng thái tâm lý tiêu cực mà đôi khi ta mất đi sự kiểm soát. Đó là phá chấp về thân bằng phủ định.

   g) Giác quan nhận biết – Ý

        Về mặt hiện tượng

        Trong Tâm lý học, sự nhận biết được gọi là tri giác. Sự nhận biết này bao gồm nhiều quá trình tâm trí khác nhau: Tổng hợp các nhân tố thành những tổ hợp; xét đoán các kích thước, hình dạng, khoảng cách, cường độ, âm vận; phân biệt các nét đặc trưng chưa biết từ cái đã biết; nhớ lại những trãi nghiệm đã qua; so sánh những kích thích khác nhau; và kết hợp những tính chất tri giác được với những cách đáp ứng thích hợp với chúng.

         Nhiệm vụ của tri giác là rút ra những thông tin cảm giác đầu vào từ điều kiện môi trường; tổ chức chúng thành những đầu ra được trải nghiệm của quá trình tri giác có tính ổn định và có ý nghĩa.

         Đầu-ra-được-trải-nghiệm của quá trình tri giác (perception) là cái-được-tri-giác là một sản phẩm tâm lý của hoạt tính tri giác. Tri giác phải khám phá ra những nét đặc trưng nào của thế giới là không-biến-thiên (variant), không cố định và không thay đổi – bằng cách vận dụng những thông-tin-có-biến-thiên được một tác-nhân-tri-giác (perceiver) thu thập được trong chuyển động.

         Như thế, ta thấy rằng, con người phải bị thử thách đến mức độ như thế nào, trong việc phân loại tỉ mỉ những thông tin hỗn độn và tràn ngập, qua cảm giác giác quan để tìm kiếm những loại thông tin rõ ràng, đáng tin cậy về thế giới thực tại cho cuộc sinh tồn.

         Tóm lại, Tri Giác là toàn bộ quá trình nắm lấy bản chất cuả những vật và những sự kiện trong điều kiện môi trường bên ngoài, nhằm cảm giác chúng, hiểu chúng, nhận dạng chúng, đặt tên chúng và chuẩn bị để phản ứng lại chúng.

         Tiếp cận Bát-nhã

         Trong Phật học,tu thế nào để được “không có ý”; mặc dù ý vẫn hoạt động trong lúc chúng ta ngủ. Chỉ khi bất tỉnh nhân sự nó mới tạm dừng một thời gian thôi. Ngay cả trong giai đoạn chết lâm sàng, ý thức vẫn chưa mất hẳn.

         Hôm qua báo Thanh Niên đưa tin một bà lão 86 tuổi ở nước ngoài bị tuyên bố là chết, đưa vào nhà xác. Sau 7 ngày, những người trông coi nhà xác thấy chân bà ngọ nguậy trong bao bọc tử thi. Người ta không biết, tưởng có con vật gì chui vô, họ mở ra, bà ngồi dậy, bà này sống lại thực và khỏe lại. Sống trở lại từ thế giới chết là chuyện lạ có thật.

         Khi ta quán tôi không có ý, trong khi đó, ý thức vẫn còn thì ta tạm thời sống với vô thức. Vô thức trong Phật giáo được hiểu theo nghĩa tích cực là “không có tác ý tiêu cực” được gọi là vô niệm.

        Vô niệm không phải là ta trở nên vô tri vô giác, trái lại, ta vẫn có tri giác bình thường, nhưng ta không bị vướng dính vào nó, nên tất cả những gì liên hệ đến mặt tiêu cực của ý thức không làm chúng ta bị khổ đau. Thuật ngữ Phật giáo gọi là “niệm vô-niệm”.

        Kết quả cho người quán vô ý đạt được là không có sự loại trừ đối lập, đối kháng, không suy luận sai, không xích mích với ai. Ta dễ dàng bỏ qua những điều xấu với tâm cao thượng. Còn ai xấu thì người đó chịu trách nhiệm, luật pháp trừng trị họ, còn thoát khỏi luật pháp thì nhân quả trừng trị họ. Ta không phải làm công việc đó, để cho tâm hồn ta được thoải mái.

    2. Phủ định để buông bỏ 6 đối tượng giác quan

       Các đối tượng của giác quan gồm những thực tại mà ta đã cắt lớp trong chương trước. Các thực tại này cũng đã được phân tích chung trong mối tương quan không tách rời được với 6 giác quan. Do đó, làm chủ sáu giác quan giúp ta có cơ hội vượt qua những ràng buộc, dính mắc, chấp thủ của 6 đối tượng giác quan, mà từ chúng, sẽ làm khởi sinh những nỗi khổ niềm đau, một cách trực tiếp hay gián tiếp.

       Làm chủ được 6 giác quan thì các đối tượng của chúng như con mắt có đối tượng là màu sắc hình thái; đối với tai là các loại âm thanh; đối với mũi là các mùi; đối với lưỡi là các vị; với thân là vật xúc chạm và ý, tất cả đối tượng giác quan ấy, đối với ta, chúng chỉ còn là những ảo tượng có tính huyễn hóa, những hình-ảnh được tâm-trí tô vẽ và lưu giữ lại trong tâm trí như những điều-kiện-tính sinh học của loài người, lúc ấy, chúng sẽ không còn là mối đe dọa cho ta nữa.

    3. Phủ định để buông bỏ 6 thức giác quan

        Kết hợp cả hai thực tại, giác quan và đối tượng, các giác quan Mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý và các đối tượng riêng của chúng là một tổng thể trình diễn qua rất nhiều trình tự liên hệ đến các hệ thống thần kinh, từ hệ thần kinh trung ương đến ngoại vi; hệ thần kinh thân đến hệ thần kinh tự chủ; từ hệ trực giao cảm đến hệ đối giao cảm. Tất cả các hệ thống trên là căn bản cho sự khởi sinh các nhận thức giác quan.

        Tất cả nhận thức giác quan ấy đã được xử lý trong từng sát na theo những giới hạn của điều-kiện-tính sẵn có và tích tập lại những kinh nghiệm trãi nghiệm chủ quan về mọi cảm giác, xúc cảm, tư tưởng về các mặt văn hóa, tôn giáo, triết học, để xử lý và nhào nặn thành những suy luận chủ quan của bản thân. Do đó, kinh chỉ ghi là: “Nhãn giới, nải chí, ý thức giới”.

        Kinh chỉ nêu lên yếu tố đầu và yếu tố sau cùng thôi, không lập lại bốn yếu tố giữa, vì đó là chuỗi phản ứng. Khi làm chủ được 6 giác quan thì ta làm chủ được 6 thế giới trần cảnh và kết quả kéo theo là 6 thức giác quan không gây ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái tinh thần tâm lý của ta.

       Điều đó không phải là trốn chạy, đào tẩu, chui nhủi chỗ này chỗ kia, để không phải thấy, không phải nghe, không ngửi, không nếm, không xúc chạm thực tại; trái lại, ta vẫn biết tất cả, nhưng các nhận thức chủ quan của ta được nằm trong tầm kiểm soát và làm chủ của ta. Cho nên, trong phương pháp phá chấp bằng phủ định về 18 yếu tố, điều quan trọng nhất là tập trung phá chấp về 6 giác quan.

       Đây là lý do trong bản Sanskrit cũng như trong bản tiếng Hán, đều liệt kê 6 giác quan thật đầy đủ, liệt kê 6 đối tượng của chúng cũng đầy đủ, nhưng 6 loại nhận thức thì tỉnh lược lại chỉ hai đối tượng này thôi. Tổng hợp buông bỏ 5 uẩn và 18 giới là một lộ trình tu tập và thực nghiệm trải nghiệm buông bỏ ngã và pháp qua diễn trình:

       Buông bỏ Sắc -> 6 giác quan # 6 đối tượng -> 6 Xúc: Chánh niệm Tỉnh giác trong Xúc (Phòng hộ 6 căn môn) để làm chủ Xúc Cảm: -> Buông bỏ 6 Thọ: Chánh Tri Kiến để làm chủ cảm thọ -> Buông bỏ 6 Tưởng: Chánh định và Chánh tư duy để làm chủ Tưởng uẩn: Tưởng Vô-tưởng -> Buông bỏ 3 Hành (thân-khẩu-ý): Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Ngữ và Chánh Tinh tấn để hành Vô hành, làm chủ hành nghiệp -> Buông bỏ 3 Thức (ý thức, Mạt na thức, Alaya thức): Niệm Vô-niệm, chuyển 3 thức thành 3 Trí.

V. PHỦ ĐỊNH ĐỂ BUÔNG BỎ CHẤP TRƯỚC 12 NHÂN DUYÊN

    Phần kế tiếp là phá chấp sự dính mắc vào 12 nhân duyên, còn được gọi là 12 mắc xích, 12 yếu tố cơ bản của vòng sinh tử, chúng tương tác nhau làm thành thân phận hay cuộc đời của mỗi một con người và các loài động vật hữu tình. Nói cách khác, 12 mắc xích ấy tượng trưng cho diễn trình của cuộc đời mỗi người tất yếu phải trải qua.

    Khi quán chiếu với tâm không phân biệt, ta cũng biết rằng, cuộc đời mỗi một người luôn biến thiên và trình hiện trên 12 yếu tố khái quát ấy, mà nếu khi, chỉ bất kỳ một trong 12 yếu tố ấy bị buông bỏ thì đồng nghĩa là 12 yếu tố ấy đồng thời tan rã.

    Vì thế, tuy vô minh được nêu ra đầu tiên, nhưng không nên hiểu vô minh là yếu tố dẫn khởi mọi thứ trong chuỗi mắc xích. Vì ảnh hưởng tiêu cực của vô minh nhiều hơn những yếu tố khác, nên đưa ra trước tiên để mổ xẻ, chứ vô minh, dù quan trọng, nhưng không phải là nguyên nhân của mọi thứ.

12 mắc xích được phân làm 3 nhóm, nhóm đầu là những yếu tố thuộc về đời quá khứ, nhóm thứ hai thuộc kiếp sống hiện tại và nhóm thứ ba thuộc tương lai hay là sự tái sinh. Xét theo nguyên lý Nhân-Duyên, ba nhóm này làm nhân duyên cho nhau và cũng là nhân quả cho nhau.

    1. Các yếu tố thuộc quá khứ

    Về quá khứ gồm ba yếu tố: Vô minh, hành, thức. Chúng ta sẽ xét vô minh sau cùng, vì như đã nói, vô minh là yếu tố rất quan trọng.

    a) Hành và Thức

         Hành ở đây là sự vận hành của tâm thức đi ở trong sanh tử, sau khi cái chết được xác lập và yếu tố hành ấy sẽ tạo ra mầm sống thúc đẩy sự sống phát triển trong phôi thai của cha mẹ, trong tương lai. Phôi thai đó với trọng tâm là thức, thiếu thức, phôi thai sẽ sớm bị hoại diệt.

         Có thể nói tương tự rằng, trong quá khứ, do không biết về Tứ đế, duyên sinh, nghiệp quả, ta đã có những hành vi thân, khẩu, ý và đã tạo nên những chủng tử, từ đó, lắng đọng vào thức của ta và thức đã lấy chủng tử đó để tiếp tục vận hành theo khuynh hướng sẵn có.

    b) Thức và Danh Sắc

         Khi có thức thì mới có danh và sắc, trong đó, danh là yếu tố thuộc về tinh thần, còn sắc thuộc về vật chất cấu tạo phôi. Hai yếu tố này tồn tại song hành và hệ thần kinh cũng bắt đầu tượng hình ở mức độ đơn giản, nên được gọi là danh và sắc.

         Cũng tương tự, sự vận hành của thức theo khuynh hướng sẵn có đã kiến tạo nên tinh thần và sắc tướng của mỗi con người, bởi vì Danh và Sắc tương sinh. Có câu ví von: tướng tuỳ tâm sinh và tâm tuỳ tướng sinh!

    2. Các yếu tố thuộc hiện tại

        Sau một thời gian từ tháng thứ 4 trở đi, các giác quan được tượng hình rõ rệt hơn và có những chức năng cụ thể được gọi là lục nhập, tức là 6 yếu tố, thông qua đó, các thông tin từ bên ngoài bắt đầu được cập nhật thông qua phôi hay bào thai của người mẹ. Vì thế nên gọi là lục nhập, mắt tai mũi lưỡi thân ý bắt đầu tượng hình, bắt đầu thấy rõ.

        Tương tự, với tâm và sắc tướng như vậy, lục nhập sẽ tuỳ thuộc vào nghiệp lực chiêu cảm mà đi vào, nghiệp cũ chất chồng thêm nghiệp mới sâu dầy.

         Như vậy, từ điểm hệ lụy nặng nhất là vô minh đến lục nhập tức 6 giác quan được tượng hình trong bào thai và nói chung, đời sống của quá khứ bắt đầu kết nối với hiện tại đang là.

          a) Xúc và Thọ

              Sau hơn 9 tháng, sinh non là 7 hoặc 8 tháng, có khi sinh muộn khoảng hơn 10 tháng, đứa bé ra đời dưới một cơ thể hoàn chỉnh, lúc đó mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý hình dung, tất cả đều diễn ra theo xu hướng tiếp xúc với thế giới trần cảnh, từ lúc đó các yếu tố xúc-thọ-ái-thủ phát sinh thuộc về đời sống hiện tại.

              Sự tiếp xúc giữa con người và ngoại cảnh diễn ra trong từng phút giây qua suốt cuộc sống, ngay trong lúc ngủ vẫn diễn ra sự tiếp xúc, thân tiếp xúc với chăn chiếu, giường; cảm giác êm dễ ngủ, cảm giác cứng đau hay bất cứ cảm giác gì vẫn tiếp tục diễn ra dầu chúng ta cảm nhận chúng ở mức độ đơn giản, như mũi vẫn tiếp tục thở vào/ra nhẹ nhàng, vẫn ngửi mùi đánh hơi.

              Đưa đến gần mũi đứa bé đang ngủ một loại mùi nào đó, đứa bé sẽ phồng mũi lên liền. Hay là để âm nhạc du dương trầm bổng mà người này thích trong lúc đang ngủ thì người đó ngủ say hơn. Bởi vì các hệ thần kinh vẫn luôn luôn hoạt động để tiếp nhận và duy trì sự sống. Cho nên, xúc hầu như chưa từng dừng lắng trong đời sống con người và các loài động vật và sự tiếp xúc nào cũng dẫn đến cảm xúc, cảm giác tức là thọ.

          b) Thọ và Ái

               Hai yếu tố thọ và ái này kết nối với nhau như bóng và hình, như âm thanh và tiếng và phản ứng thông thường nhất là sự đam mê thích thú, tức là ái. Vì thế, trong tiến trình tu tập, đức Phật nhấn mạnh đến Ái nhiều bởi vì nó vướng dính.

         c) Ái và Thủ

             Ái nào cũng dẫn đến Chấp thủ, tư hữu hóa, bám giữ những điều mình yêu thích lâu dài và độc quyền gọi là Thủ. Cũng gọi là Ái Trước. Bởi vì sự tiếp xúc nào cũng dẫn đến cảm giác, cảm giác thích thì đưa đến khuynh hướng ái – tham ái – và không thích thì loại trừ – sân ghét – vì bản năng tồn sinh của mọi sinh vật là tránh mọi loại cảm thọ gây khó chịu và tìm đến mọi cảm thọ gây khoái lạc giác quan. Nếu không có bản năng tự nhiên này, mọi sinh vật sẽ không thể tồn tại, vì sẽ chết vì lửa, nước, hoàn cảnh độc hại hay độc chất, …

         d) Thủ và Hữu

             Chính nhờ khuynh hướng tìm khoái cảm giác quan mà sự sống được tồn tại, đó là Hữu. Như thế, tiến trình sống với 6 giác quan tiếp xúc với 6 trần cảnh, nghề nghiệp, công việc, giao lưu, tương tác, hành động, lời nói, việc làm, nếu lúc nào dẫn đến sự chấp thủ hay hiện hữu với thủ thì khi chết, ta sẽ tiếp tục hiện hữu và ngay trong cuộc sống hiện tiền.

    3. Hai yếu tố tương lai

        Đã hiện hữu thì ta sẽ có những nỗi khổ niềm đau lẫn hạnh phúc sung sướng và tiến trình hoại diệt hiển lộ qua diễn trình bệnh, già và chết. Sau khi chết, ta tiếp tục sống với kiếp sống mới tương thích với nghiệp được gọi là sinh bắt đầu kiếp tương lai, trừ tình trạng chấp trước nhiều thì vướng lâu ở trạng thái trung gian.

        Lão, tử là nói ngắn gọn. Có sinh ra là có già, chết. Sinh, Lão, Tử là ba giai đoạn chính cho kiếp tương lai. Nhưng trên thực tế, diễn trình này cũng lập lại tương tự tiến trình của quá khứ là hành, thức, danh, sắc, lục nhập và xúc thọ ái thủ hữu. Nghĩa là tiến trình của tương lai lại cũng bao gồm 9 yếu tố còn lại qua hai giai đoạn, giai đoạn hình thành và giai đoạn sự sống.

        Cứ như thế chuỗi thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai vận hành giống như bánh xe lăn trong cuộc đời, con người sống với nghiệp, chạy theo nghiệp hay bị nghiệp hành hay hưởng phước từ nghiệp tốt như là một tiến trình tự nhiên của nhân quả.

     4. Phủ định để buông bỏ 12 nhân duyên

         Trong 12 mắc xích vừa nêu thì vô minh là thủ phạm nguy hiểm nhất, nói theo tiếng Việt rất nặng nề là ngu dốt, ngu xuẩn. Chữ vô minh ở đây là không sáng suốt, tức là thiếu trí tuệ.

          a) Vô minh

               *Nội hàm của Vô minh

                Trí tuệ được định nghĩa trong Phật giáo là kiến thức về Tứ diệu đế, về nhân quả và giải quyết vấn đề trên nền tảng của nhân quả; kiến thức về sự ứng dụng đạo đức để mang lại niềm vui hạnh phúc cho mình và cho người; kiến thức về thế giới không có nguyên nhân đầu tiên; kiến thức về sự tương tác tương thuộc đa chiều; kiến thức về vô ngã và vô thường như là hai mặt của các thực tại. Tất cả được gọi là kiến thức trí tuệ ở mức độ đơn giản.

               Nguyễn Bỉnh Khiêm nói như thế này: “Biết ai dồ dại biết ai khôn”. Dại và khôn khó nói lắm. Sống trăm tuổi mà dại có một giờ là thua rồi, nguy hiểm rồi. Khôn trăm năm chưa chắc đã an toàn. Cho nên, đừng cười người khác vì nhân gian nhắn nhủ chúng ta một điều rằng: “Cười người hôm trước hôm sau người cười”, bởi vì hôm trước mình có thể khôn do người ta dại, nhưng bây giờ mình dại người ta khôn. Do đó, phải luôn luôn chánh niệm tỉnh thức để hạn chế tối đa những sự việc dại, những tình huống dại, trong những không gian thời gian nhất định.

               Kinh Pháp Cú dạy rằng: “Người ngu biết mình ngu nhờ vậy thành có trí; người ngu nghĩ mình trí, thực xứng gọi chí ngu”. Đây là nghệ thuật chơi chữ rất là hay, chữ ‘chí ngu’ ở đây có nghĩa là ngu cùng cực nhưng đọc gần giống với ‘trí’.

              Biết mình ngu là giảm được cái ngu rồi. Ai biết mình đang bị tâm thần thì đang có cơ hội hồi phục, trị liệu để thoát khỏi. Phần lớn người tâm thần không tự thừa nhận mình bị tâm thần, nên khi người thân yêu cầu uống thuốc thì từ chối và mặc cảm khi thừa nhận việc đó, khi sống với nó. Càng mặc cảm chừng nào thì bệnh tâm thần càng gia tăng. Cho nên, cái biết về tiêu cực, về gốc rễ của khổ đau, bế tắc làm chúng ta tháo mở được nhiều phần trăm rồi. Phật giáo nhấn mạnh đến sự hiểu biết gốc rễ vấn đề để chúng ta làm chủ được nó.

              Ta thử đặt ra một câu hỏi: Ngu cái gì? Ngu với ai? Lúc nào? Ở đâu? Như thế nào? Mức độ ảnh hưởng? Nghĩ suy như vậy, ta mới thấy rất rõ rằng, mỗi một hành động ngu, nhận thức ngu, lời nói ngu, giao du kẻ ngu, sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

             Cái ngu đó đối với cha mẹ là trở thành bất hiếu; cái ngu đó đối với Tam bảo trở thành phá hoại chánh pháp; cái ngu đó với người khác trở thành vi phạm luật pháp; cái ngu đó với mình, ta day dứt lương tâm.

             Dầu ở không gian nào, thời gian nào, hậu quả của cái ngu vẫn diễn ra tùy theo mức độ của sự ngu và phương pháp sử dụng cái ngu đó. Do đó, ta phải nắm được những điều này để hạn chế một cách tối đa, để thoát khỏi cái ngu hoàn toàn và an toàn.

             Vô minh là gốc của khổ đau, rắc rối, phiền muộn, trở ngại, xung đột, hận thù, tranh chấp. Cũng từ nhận thức ngu mà nhiều người đã tạo nghiệp, trở nên lừa dối vi phạm luật, vì họ không biết những điều đó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nên cái ngu có mặt ở đâu, khổ đau rắc rối có mặt ở đó.

              Buông bỏ vô minh

              Về phá chấp vô minh, đức Phật dạy: “Vô vô minh”. Nghĩa là Vô minh không có thật, để ta bớt đi mặc cảm tự ti. Có nhiều người nghĩ rằng, tôi dốt lắm học làm chi tốn tiền, học không vào, có nhồi nhét thế nào đi chăng nữa thì cũng không vào. Nghĩ như thế là sai lầm. Người thông minh không học cũng biết, người vừa phải học năm mười lần rồi cũng biết, người dốt học vài chục lần rồi cũng biết thôi chứ làm sao không biết được. Giống như ta nhuộm vải bằng loại màu nào đó, lần đầu tấm vải có thể phai màu, chọn màu tốt hơn thì nó không phai nữa, màu thấm vào vải luôn.

             Không nên mặc cảm về kiến thức hạn hẹp để ta hướng tới thế giới học tập bao la và tiếp thu được nhiều điều hay, tiêu hóa nó bằng những hành động cụ thể thì ta không còn cái ngu, vẫy tay chào vô minh là niềm hạnh phúc lớn nhất. 

             Mục đích của việc tu là giải phóng khỏi vô minh. Nói gì thì nói giải thoát, niết bàn, những phạm trù màu nhiệm cao siêu cũng để thoát khỏi vô minh, chứ không là điều gì khác.

             Gọi là phàm, bởi vì sống với vô minh; người giác ngộ như Phật được gọi là giác ngộ, vì đã hết vô minh. Chữ bồ đề nghĩa là giác ngộ, tức là hết vô minh. Cho nên, phá vô minh, đồng thời cũng là một công án, ta phải nhớ. Còn nghĩ rằng vô minh có thật thì không thể nào tháo gỡ hết vô minh được. Xem vô minh chỉ là nhất thời, ta sẽ vượt qua.

             Buông bỏ chấp trước sự diệt tận của vô minh

             Câu khó hiểu nhất là ‘diệc vô vô minh tận’, nghĩa là “cũng không có sự hết vô minh”. Nếu không diệt hết vô minh được thì tu để làm gì? Tuy thế, ta đừng hiểu theo nghĩa đen. Không có sự hết vô minh, nghĩa là khi chuyển hóa được vô minh, giống như ta bật đèn sáng lên trong căn phòng tối thì bóng tối đó tan biến. Điều này có nghĩa là bóng tối và ánh sáng không đồng hành nhau, đèn bật lên và bóng tối tan, khi tắt đèn thì bóng tối tiếp tục hiện hữu. Phá được vô minh thì vô minh phải hết. Nhưng ở đây, đức Phật nhấn mạnh đến góc độ đừng chấp vào thành quả, vì sẽ dẫn đến tình trạng ỷ lại.

              Ví như, chứng bệnh sổ mũi thông thường, bác sĩ khuyên bệnh nhân uống thuốc 1 tuần, uống đến ngày thứ hai là hết ra nước mũi rồi nhưng bác sĩ khuyên uống tiếp để trị dứt điểm. Nếu lúc đó ta nghĩ hết sổ mũi và ngưng thì bệnh sẽ tái phát.

              Tương tự, hết vô minh rồi nhưng ta phải nói vô minh chưa hết, để ta không ỷ lại, lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác, để có mặt và tồn tại song hành cùng với sáng suốt. Tâm lý con người rất dễ ỷ lại.

             Đừng hiểu theo nghĩa đen đức Phật nói là vô minh không thể diệt hết được, nên không có tình trạng vô minh kết thúc. Nếu hiểu như thế là đúng thì đức Phật truyền đạo 49 năm làm gì cho mệt, rồi đâu cũng vào đấy thôi. Vô minh vẫn là vô minh, phiền não vẫn là phiền não.

             Có thể đây đó đã có người tu tập, thực hành không thành công nhưng cũng có người thành tựu trọn vẹn dứt điểm, có kết quả, tức là phá chấp về vô minh. Đừng nên hiểu là không có vô minh, không có vô minh thì ai cũng sáng hết sao? Khi mình đang là phàm thì phải xác nhận tôi có nhu cầu tu tập để giác ngộ, trở thành thánh.

     b) Mười một yếu tố còn lại

     Chín yếu tố theo sau vô minh

     Chín mắc xích kế tiếp, mặc dù Tâm Kinh không nêu danh, nhưng có thể suy diễn tương tự “không có 9 yếu tố đó cũng chẳng có sự kết thúc 9 yếu tố đó”. Điều này cũng được phân tích phá chấp tương tự và ở đây ta không cần phải chứng minh từng yếu tố ra hết. Sử dụng công thức vừa nêu thì có kết quả. Mặt khác, chín yếu tố này cũng đã được phủ định trực tiếp hoặc/và gián tiếp qua phần phủ định 5 uẩn và 18 giới ở các chương trước, vì chín yếu tố này được nhiếp thuộc vào trong 5 uẩn và 18 giới.

     Hai yếu tố sau cùng, nhưng không phải chấm hết

     Hai yếu tố cuối cùng: ‘Không già chết và không có kết thúc sự già chết’. Ai không già, các tiên ông đạo cốt sống cùng lắm cũng vài trăm tuổi. Tương truyền ông Bành tổ sống 800 tuổi cũng chỉ là hình tượng văn học, chứ sao có thật. Đức Phật lịch sử sống 80 năm. Kỷ lục thế giới hiện nay ghi nhận người già nhất sống 116 tuổi. Văn học Phật giáo miêu tả tôn giả A Nan thọ 120 tuổi. Như vậy, tuổi thọ cao nhất trong các triều đại là khoảng 120 tuổi là cùng, rồi ai cũng phải chết thôi.

     Chết do già, các giác quan bắt đầu lụn bại, cơ thể tế bào không thể tiếp tục tồn tại nữa. Đó là tiến trình rất tự nhiên. Có nhiều người chưa già đã chết, chết ở tuổi trung niên/thanh niên/ấu niên thậm chí còn ít tuổi hơn nữa đã chết do không độ thai, sẩy thai, phá thai và nhiều yếu tố tác động khác nữa.

     Những nếp nhăn trên trán, vết chân chim chạy theo đuôi mắt, những sợi tóc đã điểm bạc, sức khỏe không còn như xưa đã làm cho rất nhiều người phải sầu lo, bận tâm, bận lòng rất nhiều. Nhiều người đã phải đấu tranh với điều đó để ngăn ngừa không cho nó diễn ra, bởi vì con người rất sợ già, già là mối đe dọa làm con người khủng hoảng, già là triệu chứng của sự vô-tự-lực và là cái chết đang chầm chậm tiến đến.

     Nếu ta quán không già theo hướng tìm trường sinh bất tử, phục dược luyện đan như Lão giáo thì đó là phản tự nhiên, phản khoa học. Tất cả mọi người đều đã chết, đang chết và sẽ chết. Không ai trường sinh cả. Những nỗ lực thẩm mỹ tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức, nhưng lại làm mất đi những nét tự nhiên, nhìn đôi khi còn tệ hơn khi chưa sửa sang, lắm lúc lại bị hậu quả do tương tác thuốc men hay phản ứng thải vật ngoại thân của cơ thể.

     Có những đấu tranh hợp lý để kéo dài thời gian hữu ích cho cuộc sống duy nhất này như tập thể dục, ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, làm chủ giác quan thì tuổi thọ sẽ kéo dài, các giác quan sẽ giảm tiến trình lão hóa. Điều này đáng khích lệ. Nếu như không thực tập như trên thì tốc độ lão hóa sẽ nhanh hơn.

     Cho nên, ai rơi vào tình cảnh già hay sắp già, sắp về hưu thì quán ‘không có sự già’, người đó sẽ sống tươi vui hơn, khỏe mạnh hơn, trẻ lâu hơn, hạnh phúc hơn, khác với tình trạng già ham vui thì trở thành mất nết. Ta thấy rất rõ, già không phải là mối đe dọa của con người.

     Bài kinh này không dạy chúng ta làm những điều trái tự nhiên, phản khoa học, mà giúp cho chúng ta vượt qua khổ đau do già và những ám ảnh của tuổi già, nên quán không có cái già. Nghĩa là, ta vẫn sống thoải mái, đàng hoàng, đứng đắn, có nhân phẩm tư cách đạo đức, hợp qui luật tự nhiên thì không có gì phải lo hết. Rồi khi chết, cứ để nó xảy ra, không sao cả, vì ta không thể thương lượng được với cái chết, cũng không hối lộ cái chết để ta sống được. 

     Mặc dù ta không chấp nhận định mệnh và số phận, nhưng bệnh, già và chết nằm ngoài sự mong muốn của chúng ta. Đối với những người khổ đau về cái chết thì phải quán không có khổ đau với cái chết, để cái chết diễn ra như một điều tự nhiên hiện thực như-nó-là. 

     Trận động đất diễn ra tháng 1-2010 ở Haiti, một nước nghèo khó lạc hậu chậm phát triển đã làm chết khoảng 200.000 người, một con số kinh hoàng. Dinh tổng thống đã sụp đổ, nhiều dãy nhà trở thành gạch đá vụn, mùi xác chết khắp nơi, cảnh kinh hoàng chưa từng có, nỗi đau có mặt khắp chốn. Sầu gắn thêm trên đau, đau hòa quyện với bi dẫn đến không khí tang tóc bi lụy.

     Trong những hoàn cảnh thiên tai hay tai nạn do con người gây ra, tai nạn lao động, những tình huống bất đắc kỳ tử như kinh dược sư nêu ra thì cách khôn khéo nhất theo lời Phật dạy đặc biệt trong kinh Bát-nhã là quán rằng là không có cái chết để không bị nỗi đau đang diễn ra nhấn chìm ta. Tuy nỗi đau vẫn còn đó, nhưng nhờ quán chiếu, ta vượt qua được nỗi đau để dành lại cuộc sống, làm mới lại, tái tạo lại cuộc sống, còn hơn là ngồi một chỗ khóc lóc rên rỉ thì không lợi ích gì, đôi lúc chết theo.

     Nhiều người vợ thương chồng quá nên chết theo chồng, nhiều người chồng thương vợ quá nên chết theo vợ, như là thiên nga, chết có đôi có cặp. Nhiều bà mẹ thương con quá không thừa nhận sự thật là con đã chết nên khùng luôn. Đó là vì không biết quán không có cái chết.

     Không nên quán đối với cái chết để làm việc ác như đi giết người, lại nói không có cái chết thì tội nặng hơn nữa. Do đó, phải áp dụng đúng tình huống, còn áp dụng sai đều là phản tác dụng. Giống như uống thuốc, nếu uống đúng thì hết bệnh, còn uống sai, bệnh gia tăng.

     Khi cuộc sống hiện tại tràn đầy hạnh phúc bình an với những điều đạo đức thì không lo gì cái chết diễn ra, lúc đó ta không bận tâm chết yểu hay chết thọ mà quan niệm quan trọng nhất là sống như thế nào, sống bình an thì chết bình an thôi, nhân quả nghiệp báo. Sống bao lâu không quan trọng, vấn đề là sống có chất lượng hạnh phúc hay không mới là mối quan tâm của chúng ta. Khi chất lượng hạnh phúc có mặt thì ta không phải lo chất lượng tái sinh sau khi chết, hai điều ấy tương thích với nhau.

     Là một Phật tử, ta phải tin một cách mãnh liệt trong suốt cuộc đời này rằng, có 3 ngôi tâm linh, 5 điều đạo đức, làm lành lánh dữ, tạo phước như là niềm vui, giúp đỡ người như là hạnh phúc và hiểu rằng, tất cả sự vật hiện tượng đều không có nguyên nhân đầu tiên cũng không chấm dứt vĩnh viễn; không có thượng đế thần linh cũng như số phận an bài; không đổ thừa, không quy lỗi cho người khác thì tái sinh kiếp sau, chắc chắn ta vẫn tiếp tục là Phật tử. Không thể nào có sự thối thất đột biến được, giống như một tiến sĩ toán không thể nào không biết thực hiện bốn phép tính dù có phá hư bộ não của người đó đi thì kiến thức đó vẫn còn.

     Trong đạo đức và tâm linh cũng thế và chúng ta phải tin diễn tiến như thế để ta lạc quan, không phải cần phải đào tẩu khỏi thế giới ta bà này để tìm một tây phương nào đó, trong khi đó đời sống hiện tiền, nếu biết sống, ta cũng có thể tạo ra rất nhiều điều hạnh phúc cho mình và cho người. Khi sống hạnh phúc ở đây, gieo phước báu ở đây thì khi chết sang Tây phương không khó lắm, còn đào tẩu hay không gieo trồng phước báu gì hết thì làm sao sang Tây phương được. Người tu Tịnh độ phải lưu ý về việc đó.

     Nếu hiểu theo Bản thể luận, mọi người không tự mình sinh ra. Cho nên, không có sự bắt đầu; cái chết cũng không được xem là sự kết thúc, nên chết cũng như chưa chết, vẫn tiếp tục tái sinh. Do đó, ta hiểu rằng không có cái chết. Và do vậy, khi ta hiểu được điều đó, ta sẽ có một ý thức tương tự kéo theo sau là không có sự kết thúc của cái chết. Già cũng như thế.

VI. KẾT LUẬN

      Nói tóm lại, phá chấp về tâm vật lý 5 uẩn, phá chấp về 18 giới và phá chấp về 12 nhân duyên, thực ra là phá chấp về thế giới quan và nhân sinh quan, thuộc về phá chấp của con người.

      Trong chương kế tiếp, chúng ta tiếp tục nghiên cứu về phá chấp đối với Thanh văn và Bồ-tát để đạt được Phật quả. Từ chương 6 trở đi, toàn bộ sự phá chấp là để đạt được tuệ giác ở mức độ thâm thúy hơn, để đời sống có chất lượng an vui hạnh phúc lâu bền hơn.

       Ai làm được như thế thì chẳng lo gì sống trong ta bà hay sống ở đâu, thế giới của các đức Phật cũng đặt trên nền tảng huấn luyện tâm thông, chuyển hóa nhận thức, gieo trồng các phước báu thôi. Nếu ở đây ta làm được thì không cần phải đi đâu hết. Nếu ở Việt Nam, ta có nhà cao cửa rộng hay là có được tiện nghi sống hạnh phúc thì không cần phải đi Mỹ, Canada mới được hạnh phúc. Người không có chất liệu đó thì đi đâu cũng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, vì nghiệp luôn đi theo.

       Những kẻ tội phạm thường luôn luôn bị bắt lại, cho dù là trốn tránh bằng bất kỳ phương tiện hiện đại nào đi nữa, như những kẻ tội phạm Đức Quốc Xã, dù thay hình đổi dạng, sống ở châu lục nào, cuối cùng cũng bị bắt sau gần nửa thế kỷ. Nghiệp luôn đi theo, nên có trốn cũng không được:

      “Thiện, Ác đáo đầu chung hữu báo,

      Cao phi, viễn tẩu, dã nan đào”.

    Tạm dịch:

      “Thiện quả lành, ác quả xấu

      Bay cao, xa chạy khó vượt qua”.

    Vấn đề, ở chỗ ta sám hối, làm mới lại. Còn khi quả đã trổ, hãy hoan hỷ chấp nhận để khỏi phải khổ đau, khỏi bị dằn vặt lương tâm. Sự phá chấp sẽ làm cho những tình huống nghịch cảnh khổ đau, tang thương, tật ách, dù có xảy ra với ta, nhưng chúng không đủ sức nhấn chìm ta trong sự tuyệt vọng. Đó là lợi ích lớn nhất của người thực tập phá chấp bằng phủ định trong Bát-nhã Tâm Kinh

***

 
00:00