KINH A-DI-ĐÀ

KINH A-DI-ĐÀ
Tác giả: 
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản: 
Tôn Giáo
Năm xuất bản: 
2004
Chuyên mục: 
Kinh Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay

MỤC LỤC

Lời Nói Đầu
NGHI THỨC DẪN NHẬP

1. Nguyện Hương
2. Đảnh Lễ Tam Bảo
3. Tán Hương
4. Phát Nguyện Trì Kinh
5. Tán Dương Giáo Pháp

CHÁNH KINH

6. Kinh A-di-đà

SÁM NGUYỆN VÀ HỒI HƯỚNG

7. Kinh Tinh Hoa Trí Tuệ
8. Niệm Phật
9. Mười Hai Lời Nguyện
10-A. Sám Di-Đà
10-B. Sám Niệm Phật
10-C. Sám Nhất Tâm
10-D. Sám Phát Nguyện
10-E. Sám Tống Táng
11. Hồi Hướng Công Đức
12. Phục Nguyện
13. Đảnh Lễ Ba Ngôi Báu


LỜI NÓI ĐẦU

1. VÀI NÉT VỀ BẢN DỊCH

Kinh A-di-đà mà quý vị đang có trên tay còn được gọi là Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh, Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh, Tiểu Vô Lượng Thọ Kinh, Kinh Tiểu Bản Di-đà hay gọi tắt là Tiểu Kinh, được dịch từ bản chữ Hán của ngài Cưu ma-la-thập. Bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập tuy không sát nguyên tác như bản của ngài Huyền Tráng (Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thụ Kinh), nhưng vì tính chất súc tích và thi điệu tứ tự của nó đã làm cho nó trở nên phổ biến nhất và được chọn làm tụng bản trong các ngôi chùa tu theo Tịnh Độ.
Trong bản nguyên tác Sanskrit, có tất cả là mười phương chư Phật đồng thanh tán thán đức Phật Thích-ca làm được việc hi hữu trong đời, đó là, thành tựu đạo quả Phật trong đời ngũ trược, đồng thời, còn truyền bá thành công pháp môn niệm Phật này. Bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập đã tỉnh lược bốn phương (đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc) nhưng ý nghĩa “được chư Phật hộ niệm” vẫn không mất đi. Nương theo phong cách văn dịch của bản chữ Hán này, chúng tôi dịch theo thể tứ tự với những cước vận tạo nhạc điệu cho bài kinh. Để người đọc tụng bản dịch chữ Việt dễ dàng nắm bắt được nội dung trọng tâm của Kinh, chúng tôi đặt ra một số tiêu đề gợi ý.

2. THẾ GIỚI CỰC LẠC

Như tên gọi của nó, kinh này giới thiệu về cảnh giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Do đó, Kinh này có thể được gọi là Kinh Thế Giới Cực Lạc. Đây là thế giới vắng bóng hoàn toàn mọi khổ đau, một thế giới thanh tịnh, an lạc và lý tưởng. Sinh hoạt căn bản của chúng sanh trong thế giới này là thiền định. Các loài chim và âm thanh gió, cây cũng đều là các phương tiện truyền thông pháp âm của đức Phật để hóa độ chúng sanh trở về con đường chánh pháp.
Khái niệm “thế giới cực lạc” được Kinh A-di-đà mô tả bao gồm hai phương diện an lạc nội tâm và thịnh vượng về phương tiện vật chất.
Về nội tâm, đó là nơi mà tâm của ta không còn mảy may của khổ đau, buồn phiền và sợ hãi. Khái niệm về “khổ” và “con đường của khổ” hoàn toàn vắng mặt. Khi tâm ta sống trong an lạc và thảnh thơi, thì thế giới Cực Lạc có mặt. Nói đến Cực Lạc chính là nói đến trạng thái tâm thanh tịnh và vô nhiễm này.
Về vật chất, thế giới Cực Lạc được biết đến như là mô hình điển mẫu về kiến trúc hạ tầng cơ sở và môi trường thiên nhiên. Bảy báu (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, mã não, trân châu và xà cừ) có mặt ở đất đai, thành quách, cung điện, núi non và sông biển. Cư dân sống trong môi trường an lành và thanh tịnh. Dọc theo lề đường có nhiều cây xanh quý báu, hàng hàng lớp lớp thẳng tắp, không có ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn. Hoa sen trong hồ có nhiều màu sắc đặc biệt: “sen xanh ánh biếc, sen trắng ánh tuyết, sen vàng ánh rực, sen đỏ ánh hồng và sen trắng ánh tuyết,” tạo nên một môi trường sinh thái và tâm linh lý tưởng.
Như một quy luật “kéo theo,” chánh báo thanh tịnh sẽ tạo ra một y báo trang nghiêm. Cộng hưởng của con người thánh thiện đối với môi trường xung quanh là điều có thể tin và kiểm nghiệm được. Chính vì vậy, con người ở Cực Lạc Tây Phương là những người đạt đến trình độ tâm linh không còn lùi sụt trong ba cõi sáu đường, và phương tiện vật chất cũng như môi trường xung quanh đều là những “phương tiện” hỗ trợ cho sự tu tập và tỉnh thức. Giá trị của thế giới Cực Lạc không nằm ở phương diện vật lý, mà nằm ở chiều kích tâm linh của con người thánh thiện. Con người thánh thiện tạo thành Cực Lạc. Hoàn cảnh và phương tiện thánh thiện ở cõi Cực Lạc hoàn toàn tuỳ thuộc vào tập thể những con người thánh thiện này. Nói cách khác, thế giới Cực Lạc là thế giới của những người thánh thiện. Nơi nào có sự hiện hữu của người thánh thiện, nơi đó sẽ trở thành Cực Lạc.

3. HÌNH THỨC THUYẾT PHÁP

Điểm đặc biệt của Kinh A-di-đà là không chỉ có đức Phật và các vị thánh chúng thuyết pháp để giúp cho người mới vãng sanh được thăng tiến tâm linh và đạt được bất thoái chuyển, mà ngay cả các loài chim như bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già và chim cộng mạng v.v... mỗi một lời hót vang đều là pháp âm vi diệu, ngày đêm sáu thời. Nói cách khác, khi tâm có chánh niệm và tỉnh thức, thì trong tiếng gió thổi, thông reo và tiếng chim hót, ngay cả những âm thanh ồn ào cũng có tiếng pháp vi diệu.
Tương tự, khi chúng ta sống với dòng chảy của chánh niệm và thiền định, thì những sự kiện vô tình xảy ra quanh ta hằng ngày như trời mọc, trăng lên, lá rụng, hoa nở, trúc lay, gió thoảng, mây bay v.v... đều trở thành những bài pháp thoại sống động. Nhìn cuộc đời và quán chiếu âm thanh của cuộc đời (quán thế âm) trong tư thế chánh niệm sẽ làm cho sự vật quanh ta trở nên thanh tịnh. Sự có mặt của chúng ta trong môi trường thanh tịnh trên nền tảng của niệm Phật chánh niệm sẽ làm cho nơi đó trở thành Tịnh Độ và Cực Lạc.

4. XÂY DỰNG TỊNH ĐỘ

Cõi Tịnh độ Tây phương không phải là công trình sáng thế của đức Phật A-di-đà, mà là một cảnh giới hội tụ được nhiều bậc thượng thiện nhất (chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ) sống với nhau trong an bình, hạnh phúc và truyền dạy con đường hạnh phúc đó trên cơ sở của trạng thái “nhất tâm bất loạn.”
Nếu Tịnh Độ được mô tả là cảnh “không có mặt của ba cảnh giới sống thấp kém là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, ngay cả khái niệm và danh từ về ác đạo còn không có, huống hồ là có thực” thì phương pháp xây dựng Tịnh Độ có thể khởi đi bằng cách thiết lập tâm thanh tịnh và giải phóng tất cả các dòng chảy bất thiện của tâm. Nói cách khác, nơi nào có chánh niệm, có các bậc sống cao thượng, có sự truyền bá con đường hạnh phúc, nơi đó chính là Tịnh Độ.
Do vậy, xây dựng Tịnh Độ trước nhất và quan trọng hơn hết là xây dựng tâm chánh niệm và tỉnh thức. Có chánh niệm là có Tịnh Độ. Có tỉnh thức là có Tịnh Độ. Có tuệ giác là có Tịnh Độ. Có từ, bi, hỷ, xả là có Tịnh Độ. Nói chung, Tịnh Độ và Cực Lạc có mặt trong các đức tính thiện và đạo đức của mỗi con người.

5. ĐIỀU KIỆN VÃNG SANH

Kinh A-di-đà khẳng định rằng để sanh cảnh giới an lành ở Tây phương, người chướng nặng nghiệp dày, lòng tin non kém sẽ khó có thể vãng sanh được. Nói cách khác, niềm tin chân chánh là con đường dẫn đến sự nhiếp tâm và chánh niệm. Chánh niệm dẫn đến “nhất tâm bất loạn.” Nhất tâm là trạng thái tâm chuyên nhất vào đối tượng thiền quán hay quán chiếu, là cửa ngõ của con đường thăng tiến tâm linh. Bất loạn là định tĩnh, không còn trạng thái lăng xăng, phan duyên theo trần cảnh, nhờ đó, điên đảo mộng tưởng vắng mặt.
Để được tái sanh về thế giới này, đức Phật dạy các hành giả phải tu tập thiền niệm Phật “nhất tâm bất loạn.” Với phương pháp trì danh niệm Phật, an trú vào trong định, tâm xa lìa mọi điên đảo vọng tưởng, hành giả sẽ được tái sanh về thế giới Cực Lạc, khi nhắm mắt lìa đời. Điểm cần chú ý trong kinh này là pháp môn niệm Phật “nhất tâm bất loạn” là một pháp thiền định. Khi tâm an trú vào trong định, sự niệm Phật đã trở thành niệm tâm và niệm thiền. Với hành trang này, người ta sẽ có thể tái sanh về thế giới của Phật A-di-đà theo tâm nguyện.
Khi tâm vắng mặt dòng chảy của tư tưởng nhị nguyên, đối đãi, để từ đó trở nên thuần tịnh, hành giả sẽ sống trong trạng thái thiền định. Mỗi cái nhìn và cái suy nghĩ của hành giả lúc bấy giờ là một quán niệm. Mỗi động tác và hành vi đều thuộc thiện pháp. Nhất tâm để niệm Phật. Niệm Phật để nhất tâm. Tâm chuyên nhất thì Phật tánh hiển hiện. Khi tánh Phật tỏ rõ thì Cực Lạc hiện tiền. Tâm, Phật và Cực Lạc hòa quyện vào nhau, bất khả phân ly, đồng thời tương tức.
Pháp môn niệm Phật tuy đơn giản nhưng nếu áp dụng đúng tiêu chí “nhất tâm bất loạn” thì hiệu quả chuyển hóa tâm linh và chứng đắc giải thoát cũng không thua kém bất cứ pháp môn nào trong đạo Phật. Niệm Phật được nhất tâm bất loạn chính là thiền định và giải thoát. Từ một phương pháp được trích ra từ pháp môn Lục niệm (niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm bố thí, niệm đạo đức và niệm chư thiên), niệm Phật qua hồng danh sáu chữ của Phật A-di-đà đã được tông Tịnh Độ nâng thành pháp môn phổ thông nhất, dành cho mọi căn cơ và đối tượng. Đối với người căn tánh thấp, niệm Phật không phải là pháp môn quá cao. Đối với người căn trí lớn, niệm Phật không phải là pháp môn thấp.

Niệm Phật không phải để được đức Phật rước về Tịnh độ sau khi qua đời. Niệm Phật quan trọng nhất là để thanh tịnh hoá tâm thức ở hiện tại, sống an lạc và thảnh thơi, thiết lập Tịnh Độ tại trần gian đau khổ này. Dưới con mắt thiền quán và niệm Phật nhất tâm bất loạn, thế giới Ta-bà này chính là Tịnh độ hiện tiền. Nói khác đi, Tịnh Độ ở phương Tây là tiêu chí cụ thể giúp cho hành giả thiết lập Tịnh Độ trong tâm, trong mỗi hành vi, và trong cuộc sống, ở mọi nơi và mọi chốn.
Cuối cùng, bao nhiêu công đức có được từ ấn bản này xin hồi hướng đến tất cả mọi loài.

Rằm tháng 2 năm 2004
Thích Nhật Từ
Kính ghi

Tags 
Kinh A Di Đà Thích Nhật Từ
Tải sách: 
PDF icon Download k09-kinh_a_di_da_co_bia.pdf (620.56 KB)

NGHI THỨC DẪN NHẬP

1. NGUYỆN HƯƠNG
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.O
Đốt nén tâm hương trước Phật đài,
Ngũ phần dâng trọn đức Như Lai,
Cầu xin nhân loại lên bờ giác,
Hạnh phúc bình an đến mọi loài. O

Đệ tử chúng con, một dạ chí thành, quỳ trước điện Phật, thiết lễ cầu siêu, trì Kinh A-di-đà, nguyện cho chánh pháp được lan truyền khắp chốn, lời Phật dạy được phổ biến muôn nơi. Người người từ bỏ tham, giận, si mê; tưới tẩm từ bi, hạnh phúc. Làm lành lánh dữ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau; thế giới dứt nghiệp binh đao, muôn loài an vui, tự tại. O
Ngưỡng nguyện hương linh . . . thấu rõ vô thường, vô ngã; xả bỏ huyễn thân tứ đại, tiêu dao miền Tịnh cảnh, thác hóa chín phẩm sen, nghiệp dứt khỏi ba đường, làm bà con Phật pháp. Cầu pháp giới chúng sinh đồng lên bờ giác ngộ. O

Nam-mô Hương Cúng Dường Bồ-tát (3 lần) O

2. ĐẢNH LỄ TAM BẢO

Phật là đấng giác ngộ mình,
Độ người thoát khỏi tử sinh bao đời,
Từ bi, trí tuệ rạng ngời,
Là thầy ba cõi trời người xưa nay. O
Chí tâm đảnh lễ tất cả Đức Phật ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O
Pháp là phương thuốc diệu thay,
Chữa lành bệnh khổ bao loài chúng sinh,
Như vầng trăng sáng lung linh,
Soi đường ra khỏi u minh mê mờ.
Chí tâm đảnh lễ tất cả Tôn Pháp ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O
Tăng là những bậc chân tu,
Biết đời huyễn mộng, giã từ ra đi,
Thấm nhuần trí tuệ, từ bi,
Độ đời thoát khỏi tham . . . si khổ sầu.
Chí tâm đảnh lễ tất cả Hiền Thánh Tăng ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) OOO

3. TÁN HƯƠNG
Lò hương vừa bén chiên đàn
Tỏa xông pháp giới đạo tràng mười phương
Hiện thành mây báu cát tường
Xin Phật chứng giám tâm hương chí thành
Pháp thân các Phật tịnh thanh
Chứng minh hương nguyện, phước lành rưới ban.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ-tát. (3 lần) OOO

4. PHÁT NGUYỆN TRÌ KINH
Lạy đấng Thầy ba cõi,
Quy mạng Phật mười phương.
Nay con phát nguyện lớn,
Trì Kinh A-di-đà,
Trên đền bốn ơn nặng,
Dưới cứu khổ ba đường.
Nguyện cho người thấy nghe
Đều phát tâm bồ-đề,
Sống an vui giải thoát. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần) OOO

5. TÁN DƯƠNG GIÁO PHÁP
Pháp Phật cao siêu, lý rộng sâu,
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu,
Nay con gặp được xin trì tụng,
Nguyện hiểu chân kinh nghĩa nhiệm mầu.
Nam-mô Khai Pháp Tạng Bồ-tát. (3 lần) O
Nam-mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ-tát (3 lần) O

 
00:00

PHẦN CHÁNH KINH

KINH A-DI-ĐÀ

1. NHÂN DUYÊN PHÁP HỘI
Tôi nghe như vầy: một thời đức Phật ở chùa Kỳ Viên, thuộc thành Xá-vệ, do Cấp Cô Độc và ông Kỳ-đà phát tâm hiến cúng.
Pháp hội bấy giờ, có khoảng một nghìn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo xuất chúng, trong đó nhiều vị là A-la-hán, danh vang khắp chốn: ngài đại Ca-diếp, ngài Xá-lợi-phất, ngài Mục-kiền-liên, ngài Ca-chiên-diên, ngài Câu-hy-la, Châu-lợi-bàn-đà, ngài Ly bà-đa, ngài A-nan-đà, ngài La-hầu-la, Kiều phạm-ba-đề, ngài Tân-đầu-lô, ngài Phả-la đoạ, Ca-lưu-đà-di, ngài Kiếp-tân-na, ngài Bạt-câu-la, A-nậu-lâu-đà, và ngài Nan-đà.
Các đại Bồ-tát như A-dật-đa, Càn-đà ha-đề, Văn-thù Sư-lợi và Thường Tinh Tấn cùng dự pháp hội. Vua trời Đế-thích và hàng chư thiên, cũng đều có mặt. O

2. THẾ GIỚI CỰC LẠC
Bấy giờ đức Phật bảo Xá-lợi-phất, hướng về phương Tây, khoảng mười muôn ức cõi nước chư Phật, có một thế giới, tên là Cực Lạc, giáo chủ là Phật, hiệu A-di-đà, hiện đang thuyết pháp. O
Này Xá-lợi-phất, vì sao cõi ấy gọi là Cực Lạc?
Dân chúng nước ấy không còn đau khổ, ngay cả từ “khổ,” còn không có mặt, huống chi có thật; luôn sống an vui, thân tâm thơi thới. Cho nên cõi ấy gọi là Cực Lạc. O
Ở cõi nước ấy, núi non đất đai, thành quách cung điện, các thứ phương tiện, nhà cửa phố xá, hạ tầng cơ sở, cho đến hàng cây, đều nạm bảy báu: vàng, bạc, trân châu, pha lê, mã não, lưu ly, xà cừ. Cho nên cõi ấy gọi là Cực Lạc. O
Ở cõi Cực Lạc, có ao thất bảo, nước tám công đức, chảy hoài không dứt. Cát dưới hồ ấy là vàng đá quý. Dọc theo bờ hồ, có những lối đi, với nhiều lầu các, trang nghiêm đẹp mắt. Hoa sen năm sắc, lớn như bánh xe, nở bày cánh nhụy, rực rỡ lạ kỳ: sen xanh ánh biếc, sen vàng ánh rực, sen đỏ ánh hồng, sen trắng ánh tuyết, hương thơm toả ngát, tinh khiết nhiệm mầu. O
Này Xá-lợi-phất, ở cõi Cực Lạc, nhạc trời réo rắc, vẳng vọng tầng xanh, như rời khỏi cành, hoa mạn-đà-la, điểm thêm hương sắc. Dân chúng cõi này thường nhặt hoa ấy, vận sức thần thông, bay khắp mười phương, cúng dường chư Phật. Trưa về bổn quốc, ăn trong tỉnh thức, xong rồi kinh hành, từng bước thảnh thơi. O
Này Xá-lợi-phất, ở cõi Cực Lạc, có nhiều chim quý: Xá-lợi, Anh Vũ, Bạch Hạc, Khổng Tước, Ca-lăng-tần-già, và chim Cộng Mạng, ngày đêm sáu thời, cất tiếng hót vang, pháp âm vi diệu: bảy bồ-đề phần, tám con đường thánh, giúp người nhiếp tâm, niệm Phật Pháp Tăng, trở về tỉnh thức. O
Này Xá-lợi-phất, ở cõi Cực Lạc, gió nhè nhẹ thổi, xao động hàng cây, màn lưới lung lay, tạo ra âm hưởng, du dương trầm bổng, vi diệu khôn cùng, cũng như trăm ngàn các loại nhạc cụ, hoà tấu một lần, giúp cho người nghe, hân hoan vui vẻ, niệm Phật Pháp Tăng. Này Xá-lợi-phất, thế giới Cực Lạc với nhiều công đức, trang nghiêm đặc sắc. O

3. Ý NGHĨA PHẬT HIỆU
Này Xá-lợi-phất, ông hãy nghĩ xem, vì sao đức Phật hiệu A-di-đà? O
Này Xá-lợi-phất, vì đức Phật ấy là Vô Lượng Quang, chiếu soi khắp cùng thế giới mười phương, ngay cả thành quách không thể ngăn cách.
Này Xá-lợi-phất, thọ mạng của Phật và hàng thánh chúng, ở cõi Tây Phương, dài lâu vô lượng, không thể nghĩ bàn. Do vậy Phật ấy hiệu A-di-đà. O

4. DÂN CHÚNG TỊNH ĐỘ
Này Xá-lợi-phất, đức A-di-đà, từ khi thành Phật, đã hơn mười kiếp, giúp người chứng đắc quả vị Duyên Giác, cũng như Bồ-tát, nhiều như số cát, không thể kể xiếc. O
Này Xá-lợi-phất, người sanh cõi Phật Cực Lạc Tây Phương, không còn vấn vương, dục lạc thế gian, được bất thối chuyển. Trong đó có vị đã được thăng tiến, làm Phật tương lai. Những vị như vầy, số không thể đếm. O

5. PHÁT NGUYỆN VÃNG SANH
Này Xá-lợi-phất, do vậy khi nghe danh Phật Di-đà, hãy nên nhiếp tâm, phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, làm bạn Bồ-tát, tròn đầy trí đức.

Này Xá-lợi-phất, người làm nhiều phước, có căn lành lớn, nhân duyên tốt lành, lòng tin vững vàng mới có khả năng sinh về cõi ấy. O

6. ĐIỀU KIỆN VÃNG SANH
Này Xá-lợi-phất, bất luận nữ nam, muốn được vãng sanh, thì hãy chuyên cần, khởi lòng khát ngưỡng, nhớ nghĩ không quên, thực tập quán niệm, “nhất tâm bất loạn,” trong vòng một ngày, cho đến bảy ngày. Trong giờ phút này, tâm ý người ấy phải thật yên tĩnh, như vào thiền định, không còn tán loạn, đảo điên mộng tưởng. Đến lúc qua đời, Phật A-di-đà, thánh chúng hà sa,
dang tay tiếp dẫn, khiến được vãng sanh, dự hàng chúng thánh, không hề chia phân.
Này Xá-lợi-phất, vì nhìn thấy được lợi lạc hà sa do niệm Di-đà, ta khuyên các vị, hãy nên chuyên tâm, niệm Phật vãng sanh. O

7. CHƯ PHẬT TÁN DƯƠNG
Này Xá-lợi-phất, khi ta tán dương Phật A-di-đà, thì ở phương Đông, A-súc Bệ Phật, Tu-di Tướng Phật, Đại Tu-di Phật, Tu-di Quang Phật, và Diệu Âm Phật, và các Phật khác, nhiều như số cát, ở tại bổn quốc, dùng lưỡi dài rộng, phát âm vang vọng, khắp cõi hư không, nói lời khuyên dạy tất cả mọi người nên tin kinh này, kinh được các Phật tán thán hộ niệm. O
Còn ở phương Nam: Nhật Nguyệt Đăng Phật, Danh Văn Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tu-di Đăng Phật, Vô Lượng Tinh Tấn Phật, và các Phật khác . . . ; O
Còn ở phương Tây: Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, đức Đại Quang Phật, đức Đại Minh Phật, đức Bảo Tướng Phật, đức Tịnh Quang Phật, và các Phật khác . . . ;O
Còn ở phương Bắc: có Diệm Kiên Phật, Tối Thắng Âm Phật, đức Nan Trở Phật, đức Nhật Sanh Phật, đức Võng Minh Phật, và các Phật khác . . . ; O
Còn ở phương Dưới: có Sư Tử Phật, đức Danh Văn Phật, đức Danh Quang Phật, đức Đạt-ma Phật, đức Pháp Tràng Phật, đức Trì Pháp Phật, và các Phật khác . . . ; O
Còn ở phương Trên: có Phạm Âm Phật, đức Tú Vương Phật, đức Hương Thượng Phật, đức Hương Quang Phật, đức Diệm Kiên Phật, đức Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân Phật, Ta-la Thọ Vương Phật, Bảo Hoa Đức Phật, Kiến Nhất Thiết Nghĩa Phật, Như Tu-di Sơn Phật, và các Phật khác, nhiều như số cát, ở tại bổn quốc, dùng lưỡi dài rộng, phát âm vang vọng, khắp cõi hư không, nói lời khuyên dạy tất cả mọi người nên tin kinh này, kinh được các Phật tán thán hộ niệm. O

Này Xá-lợi-phất, theo ông tại sao Kinh này là Kinh được các đức Phật tán thán hộ niệm?
Sở dĩ như thế, là vì bất cứ người nam hay nữ, biết được kinh này, và danh hiệu Phật Cực Lạc Tây Phương, thọ trì hết lòng, chánh niệm tỉnh thức, chuyên tâm niệm Phật, thì những người ấy, chư Phật hộ trì, cho đến khi được giác ngộ vô thượng. Vì thế các vị tin lời ta nói, như chư Phật nói. O
Này Xá-lợi-phất, ai đã phát nguyện, hoặc đang phát nguyện, hoặc sẽ phát nguyện, sanh về Cực Lạc, thì ngay lúc nguyện, đã được bất thối, nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, và đã có mặt tại Cực Lạc rồi. O
Này Xá-lợi-phất, khi ta tán dương công đức của Phật Cực Lạc Tây Phương, thì vô số Phật cũng đang ca tụng công đức ta rằng: “Đức Phật Thích-ca thật là hy hữu, trong đời năm trược: thế giới mong manh, thấy biết sai lầm, chúng sinh cang cường, não phiền nghiệp chướng, tuổi thọ ngắn ngủi, mà vẫn tu tập, đắc được đạo quả vô thượng bồ-đề; lại còn tuyên thuyết pháp môn niệm Phật, mang lại an lạc, hạnh phúc đời đời, giúp cho mọi loài, thoát khỏi ba cõi.” O

8. TÍN THỌ PHỤNG HÀNH
Phật vừa dứt lời, ngài Xá-lợi-phất, cùng các Bồ-tát, các A-la-hán, các hàng Thanh Văn, tại gia xuất gia, thiên a-tu-la, vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thọ trì, truyền bá kinh này. OOO

BẠT TRỪ NHẤT THIẾT NGHIỆP CHƯỚNG ĐẮC SANH TỊNH ĐỘ ĐÀ-LA-NI

Nam-mô a-di-đa-bà-dạ, đa-tha-dà-đa dạ. Đa-điệt-dạ-tha, a-di-rị-đô-bà-tỳ, a-di rị-đa, tất-đam-bà-tỳ, a-di-rị-đa, tỳ-ca lan-đế, a-di-rị-đa, tỳ-ca-lan-đa, dà-di-nị, dà-dà-na, chỉ-đa-ca-lợi, ta-bà-ha. (3 lần) O

 
00:00

SÁM NGUYỆN VÀ HỒI HƯỚNG

7. KINH TINH HOA TRÍ TUỆ
Quán Tự Tại thực hành trí tuệ,
Bát-nhã ba-la-mật sáng ngời,
Bấy giờ Bồ-tát quán soi,
Thấy rằng năm uẩn ba đời đều không. O
Vượt tất cả các vòng khổ ách,
Hãy nghe này, Xá-lợi-phất ông!
Sắc nào có khác gì không,
Không nào khác sắc, sắc không vốn đồng. O
Cả thọ, tưởng, thức, hành cũng thế.
Tánh chân không các pháp viên thành,
Thảy đều chẳng diệt, chẳng sanh,
Chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng tăng giảm gì. O
Trong chân không chẳng hề có sắc.
Chẳng thọ, tưởng, hành, thức trong không.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân,
Sắc, thanh, vị, xúc, pháp, hương không còn. O
Không nhãn thức đến không ý thức,
Không vô minh hoặc hết-vô-minh,
Không điều già chết chúng sanh,
Hết già, hết chết thực tình cũng không.

Không trí huệ cũng không chứng đắc,
Bởi có gì là chỗ đắc đâu.
Bấy lâu Bồ-tát dựa vào
Trí ba-la-mật thẳm sâu thực hành,
Mọi chướng ngại quanh mình tan biến,
Mọi việc đều chẳng khiến hoảng kinh,
Xa lìa mộng tưởng đảo điên,
Niết-bàn rốt ráo an nhiên thanh nhàn. O
Bát-nhã ấy rõ ràng trí tuệ,
Mà ba đời chư Phật nương vào,
Chứng thành quả giác tối cao,
Nên xem Bát-nhã thâm sâu đó là: O
Lời thần chú sâu xa bậc nhứt,
Lời chú thần rất mực quang minh,
Chú thần cao cả anh linh,
Là lời thần chú thật tình cao siêu.
Trừ dứt được mọi điều đau khổ,
Đúng như vầy muôn thuở không sai.
Ngài liền tuyên nói chú này,
Để người trì niệm sáng bày chơn tâm: O
Ga-tê ga-tê pa-ra-ga-tê pa-ra-săn-ga-tê bô-dhi sva-ha. (3 lần) OOO

8. NIỆM PHẬT
A-di-đà Phật sắc thân vàng,
Tướng tốt không gì thể sánh ngang.
Mắt biếc lắng trong trùm bốn biển,
Tu-di rực rỡ ngập hào quang.
Trong ánh quang minh vô số Phật,
Ứng thân Bồ-tát hiện vô vàn.
Bốn mươi tám nguyện vì sanh chúng,
Chín loại noi đường, bến giác sang. O
Nam-mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A-di-đà Phật. O
Nam-mô A-di-đà Phật (18 lần) O
Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát (3 lần) O
Nam-mô Đại Thế Chí Bồ-tát (3 lần) O
Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ-tát (3 lần) O
Nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát. (3 lần) OOO

9. MƯỜI HAI LỜI NGUYỆN
1. Cầu về An Dưỡng Di-đà,
Nước tên Cực Lạc thật là nghiêm trang.
Hiệu ngài Vô Lượng Thọ Quang,
Liên trì hải hội niết-bàn Như Lai.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. O
2. Nguyện về An Dưỡng hằng ngày,
Nước tên Cực Lạc hiện nay Di-đà
Liên trì hải hội hằng hà,
Như Lai công đức thật là vô biên.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. O
3. Chúng con Tịnh Độ hữu duyên,
Nguyện qua An Dưỡng tinh chuyên tu hành.
Liên trì hải hội xưng danh,
Hiệu ngài Vô Ngại đức lành Như Lai.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. O
4. Cầu về Cực Lạc liên đài,
Nước tên An Dưỡng hiện nay Di-đà.
Độ người vượt thoát ái hà,
Hào quang vô đối khắp tòa Như Lai.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. O

5. Nguyện về An Dưỡng nước Ngài,
Là nơi Cực Lạc liên đài Tây Phương.
Chúng con lễ bái cúng dường,
Liên trì hải hội, xin thương rước về.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. O
6. A-di-đà Phật Bồ-đề,
Nước tên An Dưỡng, hầu kề Tây Phương.
Hào quang thanh tịnh không lường,
Liên trì hải hội cúng dường Như Lai.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. O
7. Cầu về Cực Lạc nước Ngài,
Hiệu là Hoan Hỷ, thiệt là Như Lai.
Độ người chín phẩm liên đài,
Chứng ngôi bất thối đời đời vô sanh.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. O
8. Nguyện về An Dưỡng quốc thành,
Là cõi Cực Lạc vãng sanh Di-đà.
Hào quang trí huệ hiện ra,
Liên trì hải hội cùng là Như Lai.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. O

9. Cầu về Cực Lạc liên đài,
Là nơi an Dưỡng, hiện nay Di-đà.
Độ con ra khỏi Ta-bà,
Nan tư công đức thật là Như Lai.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. O
10. Chí thành đảnh lễ đức ngài,
Nước kia Cực Lạc tỏ bày hiện ra.
Chúng con phát nguyện thiết tha.
Phóng quang bất đoạn sáng loà kim thân.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. O
11. Cúi đầu làm lễ tứ ân,
Cầu về Cực Lạc hoá thân liên trì.
Đức ngài giáo chủ A-di,
Hiệu là Vô Xứng đồng thì phóng quang.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. O
12. Nguyện về Tịnh Độ lạc bang,
A-di-đà Phật hào quang sáng loà.
Sáng hơn nhật nguyệt hiện ra,
Chí nguyền độ khắp Ta-bà chúng sinh.
Nam-mô Sanh Tịnh Độ Bồ-tát. OOO

10-A. SÁM DI-ĐÀ
Muốn đi có một đường này:
Nhất tâm niệm Phật, có ngày thoát qua.
Tụng Kinh niệm Phật Di-đà,
Hồng danh sáu chữ thật là rất cao.
Năng trừ tám vạn trần lao,
Tham thiền, trì chú pháp nào cũng thua. O
Di-đà xưa cũng làm vua,
Bỏ ngôi, bỏ nước, vào chùa mà tu.
Xét ra từ kiếp đã lâu,
Hiệu là Pháp Tạng Tỳ-kheo đó mà.
Trong khi ngài mới xuất gia,
Bốn mươi tám nguyện phát ra một lần.
Nguyện nào cũng lắm oai thần,
Nguyện nào cũng trọng về phần độ sinh.O
Vì thương thế giới bất bình,
Nên chi đầu Phật mà đành bỏ ngôi.
Thầy là Bảo Tạng Như Lai,
Bạn là Bảo Hải, tức ngài Thích-ca.
Thích-ca nguyện độ Ta-bà,
Di-đà nguyện mở cửa nhà Lạc Bang. O

Mở ao chín phẩm sen vàng
Xây thành bát bửu, đổ đàng thất trân.
Lưu ly quả đất sáng ngần,
Lầu châu gát ngọc mười phần trang nghiêm.
Hoa trời rưới cả ngày đêm,
Có cây rất quý, có chim lạ kỳ.
Lạ lùng cái cảnh phương Tây,
Mười phương cõi Phật, cảnh nào cũng thua.
Phong quang vui vẻ bốn mùa,
Nước reo pháp Phật, giáo khua nhạc trời.
Di-đà có thệ một lời,
Mở ra cõi ấy tiếp người vãng sanh. O
Mười phương ai phát lòng thành,
Nhất tâm mà niệm hồng danh của Ngài.
Hằng ngày trong lúc hôm mai,
Niệm từ mười tiếng đến vài ba trăm.
Khi đi, khi đứng, khi nằm,
Chuyên trì niệm Phật, lòng chăm phát nguyền. O
Nguyện sanh về cõi bảo liên
Là nơi Cực Lạc ở miền Tây phương.
Đến khi thọ mạng vô thường,

Thì ngài phóng ngọn hào quang rước liền,
Biết bao phước đức nhân duyên,
Đã về Cực Lạc còn phiền não chi.
Sự vui, trời cũng chẳng bì,
Đêm đêm thong thả, ngày ngày thảnh thơi.
Sống lâu kiếp kiếp đời đời,
Không già, không chết, không dời đi đâu. O

10-B. SÁM NIỆM PHẬT
Một lòng giữ niệm Di-đà,
Hồng danh sáu chữ thật là rất cao.
Năng trừ tám vạn trần lao,
Niệm thời phải tính cách nào cho hay.
Tham lam dứt bỏ mê si,
Tĩnh tâm niệm Phật việc gì cũng an.
Niệm Phật tội nghiệp tiêu tan,
Những điều tai hoạ khỏi mang vào mình.
Niệm Phật phát huệ thông minh,
Bao nhiêu nghiệp chướng chẳng sinh vào lòng.
Niệm Phật cứu được tổ tông,
Ông bà cha mẹ thoát dòng sông mê.
Niệm Phật hoan hỷ mọi bề,

Thương người lẫn vật chẳng hề khác nhau.
Niệm Phật nhớ trước biết sau,
Thông minh sáng suốt, trí cao lòng hiền.
Niệm Phật ắt gặp phước duyên,
Tài danh chẳng nhiễm, bình yên cửa nhà.
Niệm Phật chẳng sợ tà ma,
Những hàng yêu quái tránh xa chẳng cùng.
Niệm Phật được lợi ích chung,
Gặp loài ác thú hoá hung ra hiền.
Niệm Phật thân thể được yên,
Trong khi tĩnh tọa tham thiền tâm minh.
Niệm Phật chẳng có chống kình,
Nhu hòa là pháp đã in vào lòng.
Niệm Phật mười tiếng cũng xong,
Hành theo nhân quả, ý mong giúp đời.
Niệm Phật phổ độ khắp nơi,
Lợi mình lợi kẻ trời người mến thương.
Niệm Phật lòng dạ hiền lương,
Từ bi hỷ xả dẫn đường chúng sanh.
Niệm Phật rõ thấu ngọn ngành,
Biết từ kiếp trước rõ rành đời sau.

Niệm Phật như kẻ thả phao,
Trôi qua khổ ải, trần lao khỏi chìm.
Bước lên bờ giác trang nghiêm,
Thấy toàn Phật Thánh chớ tìm đâu xa.
Niệm Phật ắt Phật rước ta,
Về nơi An Dưỡng một nhà vui thay.
Nhắc người niệm Phật đó đây,
Chí tâm niệm Phật có ngày thoát thân. O

10-C. SÁM NHẤT TÂM
Một lòng mỏi mệt không nài,
Cầu về Cực Lạc ngồi đài liên hoa.
Cha lành vốn thiệt Di-đà,
Soi hào quang tịnh chói loà thân con.
Thẩm sâu ơn Phật hằng còn,
Con nay chánh niệm lòng son một bề. O
Nguyện làm nên đạo bồ-đề,
Chuyên lòng niệm Phật, cầu về Tây phương.
Phật xưa lời thệ tỏ tường,
Bốn mươi tám nguyện dẫn đường chúng sanh.
Thề rằng ai phát lòng thành,
Nước ta báu vật để dành các ngươi.

Thiện nam tín nữ mỗi người,
Chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra. O
Ta không rước đến nước ta,
Thề không thành Phật chắc là không sai.
Bởi vì tin tưởng Như Lai,
Có duyên tưởng Phật sống dai vô cùng.
Lời thề biển rộng mênh mông,
Nhờ nương đức Phật thoát vòng trần lao.
Tội mòn như đá mài dao,
Phước lành thêm lớn, càng cao càng dày. O
Cầu cho con thác biếc ngày,
Biết giờ, biết khắc, biết rày tánh linh.
Cầu cho bệnh khổ khỏi mình
Lòng không trìu mến chuyện tình thế gian.
Cầu cho thần thức nhẹ nhàng,
In như thiền định họ Bàng thuở xưa.
Đài vàng tay Phật bưng chờ,
Các ông Bồ-tát bấy giờ đứng trông.
Rước con thiệt đã nên đông,
Nội trong giây lát thảy đồng về Tây. O
Xem trong trong cõi Phật tốt thay,

Hoa sen đua nở tánh nay sạch trần.
Hội này thấy Phật phân thân,
Đặng nghe pháp nhiệm tinh thần sáng trưng.
Quyết tu độ chúng phàm dân.
Đủ lời thệ nguyện Phật ân rộng dài.
Phật thề chắc thiệt không sai,
Cầu về Tịnh Độ ai ai tin lòng.
Nguyện về Tịnh Độ một nhà,
Hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình.
Hoa nở rồi biết tánh linh,
Các ngài Bồ-tát bạn lành với ta. O

10-D. SÁM PHÁT NGUYỆN
Nương Phật A-di-đà
Nơi bản môn mầu nhiệm,
Con dốc lòng quay về
Duy trì nguồn chánh niệm.
Con đã nguyện trở lại,
Nương Phật A-di-đà.
Cúi xin Phật nhiếp thọ,
Cõi Tịnh Độ bày ra. O

Xin lấy đuốc ánh sáng,
Soi vào tâm tư con.
Xin lấy thuyền thọ mạng,
Chuyên chở hình hài con.
Cho sự sống an lạc,
Cho lý tưởng vẹn toàn.
Xin Bụt luôn bảo hộ,
Để tâm không buông lơi. O
Cho con phá tà kiến,
Làm phiền não rụng rơi.
Trong giây phút hiện tại,
Có Phật trong cuộc đời.
Tịnh độ đi từng bước,
Vững chải và thảnh thơi.
Hiện tại sống chánh niệm,
Tịnh Độ đã thật rồi. O
Sau này đổi thân khác,
Thế nào cũng an vui.
Niệm Phật A-di-đà,
Được nhất tâm bất loạn. O

Chín phẩm sen hiện tiền,
Tự tha đều thọ dụng.
Biết trước giờ mạng chung,
Tâm con không nao núng.
Thân con không bệnh khổ,
Ý con không ngại ngùng.
Di-đà cùng thánh chúng
Tay nâng đoá sen vàng.
Có mặt trong giây lát,
Cùng lên đường thong dong. O
Sen nở là thấy Phật,
Tịnh Độ là quê hương.
Cúi xin Phật chứng giám,
Hành trì không buông lung. O

10-E. SÁM TỐNG TÁNG
Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán,
Kiếp phù sinh tụ tán mấy hồi,
Người đời có biết chăng ôi,
Thân người tuy có, có rồi hoàn không! O
Chiêm bao khéo khuấy lạ lùng,

Mơ màng trong một giấc nồng mà chi,
Làm cho buồn bã thế ni!
Hình dung mới đó bữa nay đâu rồi?
Khi nào đứng đứng ngồi ngồi
Bây giờ lặng ngắt như chồi cây khô.
Khi nào du lịch giang hồ
Bây giờ nhắm mắt mà vô quan tài.
Khi nào lược giắt trâm cài
Bây giờ gởi xác ra ngoài gò hoang.
Khi nào trau ngọc chuốt vàng
Bây giờ một nắm xương tàn lạnh tanh. O
Khi nào mắt đẹp mày xanh
Bây giờ thấy dạng thấy hình là đâu.
Khi nào lên các xuống lầu
Bây giờ một nắm cỏ sầu xanh xanh.
Khi nào liệt liệt oanh oanh
Bây giờ một trận tan tành gió mưa.
Khi nào ngựa lọc xe lừa
Bây giờ mây rước trăng đưa mơ màng.
Khi nào ra trướng vào màn
Bây giờ nhà cửa xóm làng cách xa. O

Khi nào mẹ mẹ cha cha
Bây giờ bóng núi cách xa muôn trùng.
Khi nào vợ vợ chồng chồng
Bây giờ trăng khuyết còn mong chi tròn.
Khi nào cháu cháu con con
Bây giờ hai ngã nước non xa vời.
Khi nào cốt nhục vẹn mười
Bây giờ lá héo nhành tươi vui gì.
Khi nào bạn hữu sum vầy
Bây giờ chén rượu cuộc kỳ vắng thiu. O
Cái thân như tấc bóng chiều
Như chùm bọt nước phập phều biển khơi.
Xưa ông Bành Tổ sống đời
Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu!
Sang mà đến bậc Công Hầu
Giàu mà đến bậc bấy lâu Thạch Sùng.
Nghèo mà đói khát lạnh lùng
Khổ mà tóc cháy da phồng trần ai. O
Phù du sớm tối một mai
Giàu sang cũng thác, sạt sài cũng vong
Thông minh tài trí anh hùng

Si mê dại dột cũng chung một gò.
Biển trần nhiều nỗi gay go
Mau mau nhẹ gót qua đò sông mê.
Sự đời nên chán nên chê
Tầm nơi giải thoát mà về mới khôn. O
Lắng tâm quyết tỏ nguồn chơn
Gương xưa lau sạch không còn trần ô.
Tu hành phải đợi kiếp mô
Sông tình biển ái đã khô bao giờ.
Lựa là phải ngộ thiền cơ
Mà đèn trí huệ dễ lờ đi đâu.
Nguồn tâm phải tỏ trước sau
Nguyện cho thành Phật để mau độ đời.
Ban niềm an lạc muôn nơi
Niết-bàn tỏ ngộ, sáng ngời chân tâm. O

11. HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
Tụng kinh là hạnh tốt lành,
Vô biên phước đức sẵn dành chúng sanh.
Nguyện cho tất cả hàm linh,
Thảy đều tỏ ngộ phẩm kinh diệu huyền. O
Nguyện tiêu ba chướng não phiền,
Được nguồn trí tuệ, phá xiềng vô minh.
Nguyện trừ tội chướng điêu linh,
Hạnh lành Bồ-tát thường tinh tấn làm. O
Nguyện sanh cõi Tịnh siêu phàm,
Hoa sen chín phẩm là hàng mẹ cha.
Hoa nở thấy Phật hiện ra,
Vô sanh chứng ngộ, bạn ta: Thánh hiền. O
Nguyện đem công đức hiện tiền,
Hướng về khắp cả các miền gần xa.
Con và cha mẹ, ông bà,
Chúng sanh giác ngộ, chan hòa pháp thân. (3 xá) OOO

12. PHỤC NGUYỆN
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật O
Nam-mô giáo chủ cõi Tây phương,
Năng Nhân Tịnh Độ Pháp Vương Di-đà.
Bốn mươi tám nguyện rộng xa,
Độ sanh tất cả về toà Kim liên.
Nguyện hương linh sớm được an lành,
Nghe kinh kệ siêu sinh Tịnh Độ.
Vượt qua bể khổ, thoát khỏi Ta-bà.
Sen vàng chín phẩm nở hoa,
Pháp thân Phật Di-đà thọ ký.
Chúng con nhất tâm cầu nguyện:
Bốn loài sinh lên đất Tịnh,
Ba cõi thác hoá toà Sen.
Hằng sa ngạ quỹ chứng Tam Hiền,
Vạn loại hữu tình lên Thập Địa.
Khắp nguyện:
Người mất siêu sinh, kẻ còn phúc lạc.
Năm châu an định, bốn biển thanh bình.
Tình với vô tình, Đều thành Phật đạo. O
(Đại chúng cùng niệm)
Nam-mô A-di-đà Phật. (3 xá) OOO

13. ĐẢNH LỄ BA NGÔI BÁU
Con xin nương tựa Phật,
Bậc Phước Trí Viên Thành,
Cầu tất cả chúng sanh
Giác ngộ, phát tâm lành. (1 lạy) O
Con xin nương tựa Pháp,
Nguồn tuệ giác, từ bi,
Cầu tất cả chúng sanh
Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm. (1 lạy) O
Con xin nương tựa Tăng,
Đoàn thể sống an vui,
Cầu tất cả chúng sanh
Hòa hợp, thương mến nhau. (1 lạy) O


MƯỜI CÔNG ĐỨC ẤN TỐNG KINH

Một là, những tội lỗi đã gây ra từ trước đến nay được tiêu trừ; nếu như đã mang những nghiệp duyên nặng nề thì sẽ được chuyển hoá thành nhẹ nhàng.
Hai là, thường được các thiện Thần ủng hộ, tránh được các tai ương hoạn nạn, ôn dịch, nước, lửa, trộm cướp, đao binh, tù ngục…
Ba là, vĩnh viễn tránh khỏi những quả báo đau khổ, oán cừu oan trái của nhiều đời và hiện tại.
Bốn là, Long Thiên Hộ Pháp thường gia hộ nên những loài Dạ-xoa, ác quỷ, rắn độc, hùm beo đều tránh xa, không dám nhiễu hại.
Năm là, thân và tâm luôn được an vui, ngày không gặp việc nguy khốn, đêm ngủ không thấy ác mộng, diện mạo hiền sáng, mạnh khoẻ, an lành, việc làm thuận lợi, kết quả tốt đẹp.
Sáu là, tâm không mong cầu phước báu giàu sang, nhưng tự nhiên cơm ăn áo mặc được đầy đủ, gia đình trên thuận dưới hoà, con cháu đời đời hưởng lộc.
Bảy là, lời nói cho đến việc làm đều khiến mọi người đều sinh tâm vui vẻ, đi đến đâu cũng được mọi người chào đón niềm nở, kính mến, khen ngợi và tin tưởng.
Tám là, nếu mắc phải những chứng bệnh mê muội thì sẽ được trở nên thông minh lanh lợi, thân thể luôn được cường tráng khoẻ mạnh, nếu phải ở những nơi thâm sơn biên địa, thì những nơi ấy cũng trở nên thịnh vượng, sung túc. Tâm thức luôn hướng về chánh đạo, sau khi mạng chung sẽ được sinh thiên.
Chín là, khi tái sinh nếu là nam thì sẽ trở thành vương tôn công tử, nếu là nữ thì sẽ trở thành thiện mỹ nhân, tướng mạo đoan trang, tâm trí siêu việt, phước lộc tròn đầy.
Mười là, thương tất cả chúng sinh như thân bằng quến thuộc, vì chúng sinh mà gieo trồng tất cả căn lành. Nhờ công đức ấy mà thường gặp được các Đức Phật, nghe pháp, siêng năng tu tập, cuối cùng được thành Phật quả.
Ấn Quang Tổ Sư dạy: Ấn tống kinh được vô lượng công đức như vậy, nên vào những dịp chúc thọ, thành hôn, cầu phước, cầu tiêu trừ tật bệnh, cầu siêu độ hương linh… hãy tinh tấn phát tâm bồ-đề, ấn tống kinh điển, để gieo trồng cội phước cho chính mình và thân bằng quyến thuộc.

 
00:00