Phần II: NNC. Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân - Ngọn Lửa Thích Tiêu Diêu Tỏa Sáng Giữa Sân Chùa Từ Đàm Huế Ngày 16-8-1963

    Ngọn lửa từ bi Thích Quảng Đức bùng cháy ở Sài Gòn vào trưa ngày 11-6-1963 đẩy Cuộc vận động cho 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ miền Nam Việt Nam lên một tầm cao mới. Và từ đó cho đến ngày chế độ gia đình trị họ Ngô Đình phân biệt tôn giáo sụp đổ, có thêm 6 ngọn lửa đại hùng đại lực nữa nối tiếp. Trong 6 ngọn lửa nối tiếp ấy, ở Huế - thành phố phát khởi Cuộc vận động, có hai ngọn mang tên Sa-di Thích Thanh Tuệ (13-8-1963) và Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu (16-8-1963). Trong khuôn khổ hội thảo khoa học này, với tư cách người trong cuộc, tôi xin được tham luận về Ngọn lửa Thích Tiêu Diêu sau đây. 

 H.1. Chân dung Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu (1892-1963)
 

1. MỘT NGƯỜI HỌ ĐOÀN LÀNG AN TRUYỀN – TU SĨ CHÙA CHÂU LÂM

    Tỳ kheo-Thích Tiêu Diêu, pháp danh Tâm Nguyện, thế danh là Đoàn Mễ,(1) sinh năm Nhâm Thìn (1892) tại làng An Truyền (tức làng Chuồn), xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế (cách thành phố Huế 10km về hướng Đông nam). 

    Ra đời và lớn lên trong một gia đình khá giả nhưng ông sống khiêm tốn, hòa đồng nên được người trong họ ngoài làng quý mến. Thời niên thiếu, ông chuyên cần học hỏi, trau dồi kiến thức và tỏ ra thông minh qua các cách lý giải thời cuộc, nhận định thế thái nhân tình, khiến những thức giả làm khách của thân sinh ông trong những dịp đối ẩm chuyện trò tại gia đình đều khâm phục ông. Do đó, ông được cha mẹ thương yêu và đặt nhiều hy vọng vào ông.

    Năm Kỷ Dậu (1909), vừa tròn 18 tuổi, theo tập tục xã hội thời ấy, ông phải vâng lời song thân lập gia đình để sinh con nối dõi tông đường. Ông sinh được bốn người con. Các con ông được thừa hưởng sự an lạc trong một gia đình đạo Phật thuần thành. Người nào cũng chăm lo học hành, được dạy dỗ sống hữu ích cho đời, cho đạo. Đến năm Canh Ngọ (1930), nhận thấy các con đã lớn, ông sắp đặt việc gia đình ổn thỏa rồi lên chùa Tường Vân tại làng Dương Xuân Thượng xin xuất gia đầu Phật với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. 

    Ông xuất gia đúng vào thời gian cuộc chấn hưng Phật giáo đang phát triển mạnh khắp ba miền đất nước, phong trào học Phật nở rộ sau những năm dài im ắng dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Ông đi tu khi đã 38 tuổi và đã có gia đình riêng nên Hòa thượng Thích Tịnh Khiết ban cho ông Pháp danh Tâm Nguyện. Biết thế, ông xin phép bổn sư được tự phấn đấu tu học, đến khi nào ông cảm thấy đã xứng đáng với đạo hạnh của một Tỳ-kheo thì ông mới xin thọ giới. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết khen ông là người tự trọng và chấp thuận lời nguyện của ông. Đến năm Nhâm Thìn (1952), ông được đăng đàn thọ Cụ túc giới, được ban pháp hiệu Tiêu Diêu. Ông được gọi là Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu từ đó. 

    Để có thời gian tu học, Tỳ-kheo Tiêu Diêu xin Hòa thượng bổn sư cho phép lên một nơi thanh vắng ở ngọn đồi sau vườn chùa Châu Lâm (2), dựng một am tranh để tiện nhập thất tu niệm. 

 H.2. Nơi tọa lạc am tranh xưa của Tỳ-kheo Tiêu Diêu, ngày nay đã được xây dựng lại làm nơi dịch kinh của chùa Châu Lâm
 

    Ở đó Tỳ-kheo chọn nếp sống khổ hạnh thiểu dục tri túc, mỗi hai ngày chỉ ăn một bữa trưa. Tỳ-kheo không ngại gian lao, thường xuyên theo dự học nội điển tại các trường Phật học Tây Thiên, Linh Quang v.v...

2. NGỌN LỬA TIÊU DIÊU

    Khi Cuộc vận động cho 5 nguyện vọng của Phật giáo diễn ra (5-1963), Tỳ-kheo rời am tranh chùa Châu Lâm để về chùa Từ Đàm - trung tâm lãnh đạo cuộc vận động, để tiện việc dấn thân vào cuộc tranh đấu.Từ đó, không một cuộc biểu tình, xuống đường, tuyệt thực hay cầu an cầu siêu nào cho cuộc vận động và cho những người đã hy sinh vì đạo pháp mà thiếu mặt Tỳ-kheo Tiêu Diêu. Hình ảnh vị sư già nhẫn nại bền bỉ trong mọi hoạt động tranh đấu như thế là một tấm gương cho đại chúng Phật tử noi theo. Những hoạt động tranh đấu tích cực của Tỳ-kheo không những để góp phần cho cuộc đấu tranh của Phật giáo sớm thành mà còn để xứng đáng là một đệ tử của bổn sư Thích Tịnh Khiết – vị Hòa thượng đang lãnh trách nhiệm Lãnh đạo tối cao của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo.     

    Vào trung tuần tháng 6-1963, thông tin về Tỳ-kheo Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn qua các đài BBC, VOA, Úc Đại Lợi v.v... làm chấn động dư luận thế giới, đặc biệt là dư luận Mỹ, Tỳ-kheo Tiêu Diêu hết sức cảm mộ. Trong tâm trí Tỳ-kheo nảy ra ý định nối tiếp ngọn lửa từ bi Quảng Đức bằng cách mổ bụng để “cúng dường mười phương chư Phật, đồng thời dùng nó như một phương sách để thúc đẩy Tổng thống Ngô Đình Diệm kíp thời giải quyết ổn thỏa 5 nguyện vọng của Phật giáo”. Tỳ-kheo bí mật mài một con dao nhíp thật sắt chờ cơ hội thực hiện ý định mổ bụng. Nhưng bất ngờ Tỳ-kheo Thích Mật Hiển (3) phát hiện được, con dao sắt bị thu giữ ngay và Đại đức bị quở trách rất nặng:

    - “Con nhà Phật tại sao lại muốn tự sát sanh? Ai cho phép quý thầy tự ý hành động như vậy?”.

    Tỳ-kheo đảnh lễ xin nhận lời quở trách. 

    Không được mổ bụng như người Nhật, Tỳ-kheo Tiêu Diêu viết thư gởi Hòa thượng Hội chủ xin tự thiêu. Trong lúc chờ đợi sự chấp thuận của Giáo hội, hằng ngày Tỳ-kheo ăn rất ít, thường một mình ngồi bên ngọn đèn dầu, với nguyện lực kiên cường, Tỳ-kheo lặng lẽ đốt từng ngón tay – xem như đốt một phần thân thể để cầu nguyện. Quyết tâm tranh đấu của Tỳ-kheo có một tác động rất mạnh đối với giới Phật tử trẻ, đặc biệt là các đoàn viên Sinh viên Phật tử Huế. Nhiều người muốn tự nguyện chăm sóc Tỳ-kheo và sẵn sàng hành động theo tấm gương của Tỳ-kheo. Đến ngày 13-8-1963, ngọn lửa Sa-di Thích Thanh Tuệ bất ngờ bùng sáng ở chùa Phước Duyên làm chấn động cả thành phố Huế. Anh em nhà họ Ngô rải các lực lượng vũ trang và giăng bùng nhùng kẽm gai trên nhiều đoạn đường từ Huế dẫn lên chùa Thiên Mụ, khu vực Võ, Văn Thánh hòng ngăn chặn Phật tử Huế kéo lên chùa Phước Duyên bái lạy Sa-di Thanh Tuệ. Cảnh tượng Phật tử ngồi trì giữa đường bị bắt bớ, đánh đập diễn ra nhiều nơi. Tiếng thét, tiếng kêu khóc hòa lẫn với tiếng cầu kinh chống lại hành động cướp xác Thanh Tuệ của lực lượng an ninh nhà họ Ngô làm cho không khí  thành phố Huế đang bị giới nghiêm trở nên căng thẳng khác thường. Cái không khí đó đã tác động đến tinh thần Tỳ-kheo Tiêu Diêu. Dù chưa được Giáo hội cho phép, Tỳ-kheo vẫn bí mật nhờ các sinh viên Phật tử và gia đình Phật tử thân tín chuẩn bị nhiên liệu để cho Tỳ-kheo tự thiêu. Tuổi trẻ Phật tử chờ sự kiện ấy từ lâu nên khi được Tỳ kheo Tiêu Diêu nhờ, sinh viên Phật tử và gia đình Phật tử nhận lời ngay. Từ chiều 15-8-1963, một khối củi khô, một can mười lít xăng và một bộ quần áo kết bằng bông gòn dày đã tập kết giấu sau nhà bếp chùa Từ Đàm. Đến tối ngày 15-8, trong khuôn viên chùa Từ Đàm có khoảng 5 ngàn Phật tử. Thế rồi, mười giờ đêm, mười hai giờ khuya, một hai giờ sáng vẫn yên tĩnh. Đến gần bốn giờ sáng ngày 16-8, khi mọi người còn đang thiu thiu ngủ, Tỳ-kheo Tiêu Diêu đứng dậy mặc vào người bộ áo quần bằng bông gòn dày, bên ngoài khoác thêm chiếc y màu vàng rồi bước ra khoảng sân bên trái chánh điện ngay trước Văn phòng - nơi làm việc của lãnh đạo cuộc đấu tranh. Tỳ-kheo chắp tay hướng về chánh điện đảnh lễ Đức Thế Tôn, quay hướng qua phía Văn phòng đảnh lễ Chư tôn Thiền đức lãnh đạo cuộc đấu tranh rồi tĩnh tọa giữa sân, mặt hướng về phía Đàn Nam Giao. Theo yêu cầu của Tỳ-kheo, trong đêm tối chúng tôi lặng lẽ chất củi khô chung quanh Người. Tay ai cũng run cầm cập. Cuối cùng các Phật tử rưới xăng từ từ lên người Tỳ-kheo. Khi xăng đã thấm đều trong y áo bông mà Tỳ -kheo đang mặc trên người, tất cả các Phật tử chắp tay lui ra chung quanh. Giây phút thiêng liêng mầu nhiệm bắt đầu. Tỳ-kheo tự bật lửa thiêu đốt thân mình để soi sáng vô minh. Ngọn lửa bừng sáng. Tiếng tụng kinh Tiếp dẫn vang lên làm cho Chư tôn Thiền đức lãnh đạo và đại chúng có mặt trong khuôn viên chùa Từ Đàm tỉnh dậy, họ vừa lạy trong tiếng kinh hòa lẫn với tiếng kêu khóc. Tỳ-kheo vẫn chắp tay ngồi bình tĩnh, niệm Phật trong ngọn lửa. Đến lúc mồ hôi và mỡ chảy ướt mặt, Tỳ-kheo đưa tay rút chiếc khăn kẹp trong nách ra lau mặt rồi ném cái khăn ra ngoài cho sinh viên. Anh Hoàng Văn Giàu – Đoàn trưởng Đoàn Sinh viên Phật tử Huế chụp ngay lấy chiếc khăn cháy sém, dập tắt lửa rồi cột lên đầu anh. Tỳ-kheo vẫn chắp tay an tọa trong ngọn lửa. Ba phút, năm phút, bảy phút, mười phút rồi đến phút thứ mười hai thì hình ảnh của Tỳ-kheo mới gục xuống.

H.3.Ngọn lửa Tiêu Diêu sau 12 phút bừng sáng.
 

    Khi trời vừa sáng, nhục thân của Tỳ-kheo được cung rước vào khâm liệm và quàn tại nhà giảng chùa Từ Đàm. 

    Trước khi tự thiêu, Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu đã để lại ba bức thư: Thư thứ nhất gửi Hòa thượng Thích Tịnh Khiết; Thư thứ hai gửi cho con Thích Thiên Ân (4), các con, các cháu và thân bằng quyến thuộc; Thư thứ ba gửi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. 

    Trong thư gửi Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Tỳ-kheo nói rõ mục đích Tỳ-kheo tự thiêu: “Đêm nay tôi sẽ đem tấm thân già cúng dường mười phương chư Phật, đồng thời dùng nó như một phương sách để thúc đẩy Tổng thống Ngô Đình Diệm kịp thời giải quyết ổn thỏa 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ chúng ta”. 

    Để tránh tình trạng chính quyền cướp xác giao cho gia đình lo việc chôn cất, vô hiệu hóa ý nghĩa “vị pháp thiêu thân” của Tỳ kheo nên trong thư gửi con Tỳ-kheo Thích Thiên Ân và các con, các cháu..., ông dặn kỹ:

    “Các con chắc đã biết lúc này là lúc pháp nạn, các con của cha lại được hồng phúc ở gần kinh điển, tiếp xúc với các giới tăng sĩ dày công tu tập thì ắt hẳn phận sự bảo vệ chánh pháp phải là do các con gánh vác [...]. Dù có bị áp bức ngược đãi, dù có bị mua chuộc bao nhiêu đi nữa các con phải để thi hài của cha cho Giáo hội tăng già đảm nhận việc tống táng. Có như vậy sự hy sinh của cha mới có ý nghĩa. Các con làm trái lời này thì cha làm sao yên lòng nhắm mắt”. 

    Trong thư gởi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Tỳ-kheo viết: 

    “Tôi tên là Đoàn Mễ, Pháp danh Tâm Nguyện, tự hiệu Thích Tiêu Diêu, sẽ tự nguyện thiêu thân tôi, trước là để cúng dường chư Phật, sau để cảnh cáo và nhắc nhở Tổng thống vài điểm sau đây:
    “1. Phải giải quyết một cách thành thật và nhanh chóng 5 nguyện vọng rất chính đáng của Phật giáo đồ chúng tôi;

    2. Tôi cực lực phản đối chính quyền và quân đội đã ăn cướp thi hài của quý thầy;

    3. Phản đối việc phong tỏa chùa chiền ở cố đô Huế, không cho Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo vào lễ”.  

    (Làm tại chùa Từ Đàm ngày 26 tháng 6 âm lịch).(5)

3. MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG

    Ngọn lửa Thanh Tuệ và ngọn lửa Tiêu Diêu liên tiếp diễn ra đã lay động tâm can tất cả các thành phần dân chúng cố đô Huế. Trên sân chùa Diệu Đế nhiều đống củi được chất cao, sinh viên Huế đăng ký xin tự thiêu để tranh đấu. Linh mục Cao Văn Luận - Viện trưởng Viện Đại học Huế, một người thân cận của chế độ Diệm hết sức xúc động đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Diệm giải quyết các nguyện vọng của cuộc đấu tranh. Tổng thống Diệm trả lời bằng cách cách chức Viện trưởng của Linh mục. Giáo sư Đại học Huế, cùng toàn thể sinh viên  Đại học Huế nhập cuộc phản đối lệnh cách chức trên. Các cuộc mít-tinh, biểu tình của giáo sư, sinh viên Đại học Huế làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Từ ngày 17-8-1963, cuộc đấu tranh dâng cao và vượt ra khỏi phạm vi Phật giáo. Sự kiện đó trở thành ngày lịch sử mở đầu Phong trào Đấu tranh ở các đô thị miền Nam Việt Nam kéo dài suốt 12 năm sau đó. Để đối phó với Phong trào tranh đấu, đêm 20 rạng ngày 21 tháng 8-1963, chế độ Ngô Đình Diệm đã thực hiện “Kế hoạch Nước lũ”, cho cảnh sát dã chiến và mật vụ tràn vào các chùa, các đại học ở khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam bắt đi tất cả những người đã tham gia tranh đấu từ trước đến ngày ấy. Linh cữu Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu quàn ở Nhà giảng chùa Từ Đàm bị chính quyền Diệm cướp đem đi mất tích - điều mà người quá cố đã biết trước thế mà vẫn không tránh được. 

4. NƠI AN NGHỈ CUỐI CÙNG

    Đêm hôm 20-6-1963, các lực lượng vô minh của anh em nhà họ Ngô thực hiện “Kế hoạch Nước lũ” đàn áp Phật giáo trên toàn cõi miền Nam Việt Nam, tôi đang ở bên cạnh Hòa thượng Thích Đôn Hậu ở chùa Diệu Đế nên không tham dự dược cuộc chiến đấu bảo vệ linh cữu Tỳ-kheo Tiêu Diêu quàn ở Nhà giảng chùa Từ Đàm.(6) Khi bị bắt vào tù gặp lại các bạn sinh viên Phật tử như Tôn Thất Kỳ, Phạm Thị Xuân Quế, Thái Kim Lan, Đinh Thị Cẩm Hà, Đinh Thị Cẩm Trang, Trần Duy Thọ v.v... tôi mới biết linh cữu của Tỳ-kheo Tiêu Diêu đã bị cướp đem đi mất tích. Ôi đau xót căm phẫn làm sao!.(7) Sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm bị cáo chung, chúng tôi ra khỏi nhà tù rồi lao vào các hoạt động hàn gắn những đổ vỡ thời “hậu Ngô Đình” mà quên đi việc tìm nơi chế độ Ngô Đình đã vùi dập linh cữu Tỳ-kheo Tiêu Diêu. Thật là một  sự vô ơn đáng trách. May sao các vị Tăng già trong Giáo hội nhờ người tìm được, thực hiện việc bảo vệ một cách bí mật và chờ cơ hội rước hài cốt Tỳ-kheo về nơi an nghỉ cuối cùng xứng đáng với Ngọn lửa Thích Tiêu Diêu đã hy sinh bảo vệ Đạo pháp. Để tránh thập phương giẫm vào nơi Tỳ kheo Tiêu Diêu đã ngồi tự thiêu, thầy Thích Thiện Lộc - Giám tự chùa Từ Đàm, đã cho đào nơi ấy thành một cái hồ nhỏ thả sen, ngày ngày có hương hoa tưởng niệm người đã vị pháp thiêu thân. (8)

H.4. Hồ sen giữ lại nơi Tỳ-kheo Tiêu Diêu đã ngồi tự thiêu trong sân chùa Từ Đàm bị đạn pháo Hoa Kỳ phá tung tóe trong Tết Mậu Thân (1968). Ảnh TL của MĐHT.
 

    Hai mươi năm sau (khoảng 1984), các Tỳ-kheo Thanh Trí, Tỳ-kheo Mật Hiển, trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh BTT tổ chức cải táng hài cốt Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu về Nghĩa trang Tổ đình Tường Vân, xây cho Tỳ-kheo một nấm mộ hình hoa sen. Mới cách đây vài ba năm, các Tỳ-kheo Thích Giác Quang (chùa Bảo Lâm), Tỳ-kheo Hải Ấn (chùa Từ Đàm), Tỳ-kheo Thiện Phước (chùa Châu Lâm) đã xây dựng lại cho Ngọn lửa Tiêu Diêu một tháp lăng uy nghi. 

 H.5a. Lăng Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu (1892-1963) trong Nghĩa trang Tổ đình Tường Vân (gần địa chỉ 67 Lê Ngô Cát, P. Thủy Xuân, TP Huế). Ảnh NĐX.
 

H.5b. Tháp lăng Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu (1892-1963)
 

Tấm bia gắn trước tháp khắc: 

    “Lâm Tế tứ thập tam thế Tường Vân pháp phái 

     Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu thánh tử đạo”

[Dịch nghĩa: Đời thứ 43 dòng Lâm Tế, môn phái Tường Vân, Tỳ- kheo Thích Tiêu Diêu thánh tử đạo].  

    Phía sau tháp mộ có một tấm bia đính vào bình phong hậu. Bia ghi bài kệ của Trưởng lão Hòa thượng Đạo hiệu Viên Quang (khai sơn chùa Châu Lâm) tặng. 

H.6. Bia vị pháp thiêu thân
 

Phiên âm:

    VỊ PHÁP TỰ NGUYỆN THIÊU

    HIẾN THÂN PHỤNG BẢO ĐẠO

    THỊ THƯỜNG SINH TỬ SỰ

    CỐ ĐẠI ĐỨC TIÊU DIÊU

     Dịch nghĩa: Vị pháp nguyện thiêu thân, Hiến cái thân này để bảo trì đạo pháp, Xem sống chết là chuyện thường, cố Đại đức Tiêu Diêu.

*

    Trước khi xuất gia, Tỳ-kheo Tiêu Diêu còn mang thế danh Đoàn Mễ sống trong một gia đình khá giả, có trí thức, có vợ con, đủ điều kiện để sống hạnh phúc theo tiêu chuẩn đời thường. Nhưng Tỳ-kheo không cảm thấy hạnh phúc với cái hạnh phúc đời thường ấy.  Đến năm 1930, sắp xếp chuyện gia đình được ổn thỏa, dù đã 38 tuổi, Tỳ-kheo vẫn xuất gia. Đến chùa, Tỳ-kheo chọn con đường tu khổ hạnh, không ngừng học tập kinh điển để nâng cao sự giác ngộ của mình. Tỳ-kheo tập sống thoát ra khỏi dần dần mọi ràng buộc của những vật chất tối thiểu của đời thường. Tấm gương tu tập theo đạo giải thoát của Tỳ-kheo đã ảnh hưởng đến chính gia đình Tỳ-kheo. Con trai là Đoàn Văn An, theo bước thân sinh đã xuất gia lúc mới mười tuổi, rồi học hành tu tập trở thành thiền sư Thích Thiên Ân – vị tu sĩ đỗ Tiến sĩ tại Nhật Bản sớm nhất trong Giáo hội Tăng già Việt Nam. Trong những năm cuối đời, dù Tỳ-kheo biết con trai đã thành đạt, trong tu tập cũng như trong học vấn, nhưng Tỳ-kheo vẫn giữ sự độc lập của hai tu sĩ. Đến mùa Phật đản 2507 (5-1963), với tinh thần tự lập, tự giải thoát đó Tỳ-kheo chọn con đường tự thiêu thân để góp phần tranh đấu cho 5 nguyện vọng của Phật giáo. Sau khi Tỳ-kheo vị pháp thiêu thân, nhục thân của Tỳ-kheo đã bị các lực lượng u minh cướp đi. Nhưng họ không ngờ cái ngọn lửa phát ra từ cái tâm của Tỳ-kheo thì không ai cướp được. Ngọn lửa đó đã cùng ngọn lửa từ bi Quảng Đức và các ngọn lửa thánh tử đạo khác của năm 1963 đã đốt cháy họ. Nhục thân của Tỳ-kheo Tiêu Diêu bị vùi dập ở đâu đó, năm mươi năm sau được rước về tôn kính giữ trong một ngọn tháp uy nghi trong nghĩa trang của ngôi tổ đình – nơi Tỳ-kheo lần đầu xuất gia đầu Phật.

    Thật vậy. Những người dâng hiến đời mình cho đạo pháp không bao giờ chết cả. Không bao giờ bị lãng quên.

Huế, mùa Phật đản 2557 (DL: 2013)

NNC. Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân
Nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sách và tư liệu

- Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Phần, TRƯỚC SÓNG GIÓ, Phật lịch 2008.  

- Cao Văn Luận (Linh mục), Bên Dòng Lịch Sử, Hồi ký (1940-1965), Trí Dũng SG 1972.

- Hoàng Nguyên Nhuận (Hoàng Văn Giàu), Từ chốn lưu đày, Thanh Văn (Úc châu), Sydney, 1990.

- Họ Đoàn làng An Truyền, Gia phả họ Đoàn làng An Truyền.

- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Tập III, Nxb Văn   Học, Hà Nội 1994.

- Nguyễn Văn Thoa, Tra- Am và sư Viên Thành, Môn đồ Ba-La và Tra-Am ấn hành, (PL 2517 tức 1973).

- Quốc Oai, Phật –Giáo Tranh – Đấu, Nxb Tân Sanh, SG 1963. 

- Quốc Tuệ, Công cuộc tranh-đấu của Phật - Giáo Việt-Nam, Phật lịch 2008 (Sài gòn 1964).

- PGĐĐTCKT Tôn Giáo, Lửa Thiêng Đạo Mầu, Phật lịch 2007.

- Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn, Chư tôn Thiền Đức Phật giáo Thuận Hóa, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, TP HCM 2010.

2. Điền dã và các nhà nghiên cứu:

- Thầy Thích Chơn Tế, chùa Tường Vân,

- Thầy Thích Thiện Phước, chùa Châu Lâm,

- Cư sĩ Lê Văn Lợi, Thành Nội Huế,

- Bác sĩ Đoàn Văn Quýnh, Ban Liên lạc của họ Đoàn TTH,

- Điền dã tại Phường Thủy Xuân (TP Huế) và làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang).
 


1. Người cùng quê và cùng họ với anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực trong Biến động lật đổ vua Tự Đức nhưng không thành (1886).    

2. Ngày nay tại địa chỉ 14/54 Lê Ngô Các, thôn Thượng 2,  P. Thủy Xuân, TP Huế.    

3. Tỳ-kheo Thích Mật Hiển trú trì chùa Trúc Lâm, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Phật đản 2507 khơi đầu cuộc Vận động của Phật giáo năm 1963.    

4. Tỳ-kheo Thích Thiên Ân (thế danh Đoàn Văn An, sinh 1925), con trai thứ của ông Đoàn Mễ (sau này là Tỳ-kheo Tiêu Diêu), xuất gia năm 10 tuổi (1935), tu tại chùa Châu Lâm (Huế), đệ tử của Hòa thượng Viên Quang (khai sơn chùa Châu Lâm. Năm 16 tuổi, thọ giới Sa-di tại giới đàn chùa Quốc Ân (Huế), năm 23 tuổi thọ Cụ túc giới đồng khóa với các thầy Minh Châu; Đức Tâm; Minh Tánh. Năm 1954, thầy được chư tôn đức cho du học Nhật Bản, tại Đại học Waseda, đến năm 1960, đậu Tiến sĩ Văn chương, sau đó thầy về nước. Trong khi chờ Giáo hội bố trí Phật sự, thầy nhận lời thỉnh giảng về Triết học Zen ở các trường đại học. Năm 1961, thầy trở lại Nhật Bản tìm học pháp môn Thiền Rinzai (Lâm Tế) chính thống của các thiền sư Nhật Bản. Năm 1963, thầy có nhiều hoạt động ở Nhật Bản vận động dư luận Nhật Bản và thế giới ủng hộ cuộc vận động cho 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ ở miền Nam Việt Nam. Sau năm 1963, Tỳ-kheo Thiên Ân về nước dạy Triết học Zen trong các Đại học Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Huế. Đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trươc, Tỳ-kheo Thiên Ân là người đầu tiên đem Phật giáo vào Hoa Kỳ, tổ chức Giáo hội Phật giáo tại Hoa Kỳ và là người sáng lập nên chùa Việt Nam tại Los Angeles (tiểu bang California), tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Tỳ-kheo viên tịch vào năm 1980.    

5. Tức ngày 15-8-1963.    

6. Nước lũ đẫm máu, Từ Phú Xuân đến Huế, Tự truyện Nguyễn Đắc Xuân, tập II, Nxb Trẻ, TP. HCM 2013.    

7. Loạn Từ Đàm, Lệ Dũng, Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Phần, TRƯỚC SÓNG GIÓ, Phật lịch 2008, tr.117-126.    

8. Từ ngày chùa Từ Đàm được xây dựng mới, cái hồ sen nhỏ ấy đã bị xóa mất. Thật đáng tiếc.    

 

 
00:00