Phần III: TT.TS. Thích Viên Trí - Bài Học Lịch Sử Từ Ngọn Lửa Quảng Đức

    Có thể không sai khi phát biểu rằng Phật giáo là một trong những tôn giáo yêu chuộng hòa bình nhất trong lịch sử tôn giáo nhân loại; vì suốt gần 3.000 năm tồn tại và phát triển, đạo Phật chưa từng gây ra cảnh chiến tranh, giết chóc, đổ máu vì mục đích truyền đạo hay tranh giành tín đồ. Du nhập đến Việt Nam từ những năm đầu Tây lịch, giáo lý Phật giáo sớm trở thành lý tưởng sống cho đại đa số người Việt vì tính chất nhân bản, nhân văn và thiết thực của nó. Nhưng cũng từ đó, sự chống đối và kỳ thị từ những truyền thống tín ngưỡng bản địa, hay tôn giáo ngoại lai đối với Phật giáo đã hình thành một cách đa dạng. Tuy nhiên, với tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã vị tha, đạo Phật không hề tạo nên sự xung đột hay mâu thuẫn nào với các truyền thống tâm linh khác, mà chỉ phát triển một cách thầm lặng và trở thành một phần quan trọng trong nền văn hóa của Việt Nam. Thậm chí, ngay khi sự tồn tại của mình bị đe dọa, đàn áp, khủng bố một cách dã man, Phật giáo cũng không chọn giải pháp bạo động, chống đối mang tính chiến tranh, mà chỉ biểu hiện ước nguyện của mình một cách hòa bình và bất bạo động. Cụ thể và rõ ràng nhất là Ngọn Lửa Quảng Ðức, bùng  cháy vào ngày 11 tháng 6 năm 1963. Có ý kiến cho rằng Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu là để đấu tranh đòi quyền lợi cho Phật giáo. Nhận định này không sai khi được quan sát trên lăng kính tôn giáo và tín ngưỡng thuần túy. Nhưng trong thực chất, ngọn lửa Quảng Đức là biểu hiện của một tấm lòng yêu nước, và khát khao chân lý, vì ánh lửa từ bi này đã rọi soi chân tướng của lịch sử Việt Nam trong một giai đoạn vô cùng gian khổ, bị đặt dưới ách cai trị của ngoại bang, đồng thời nói lên ước muốn chân chính, thiêng liêng của con người muôn thuở là bình đẳng, tự do, hòa bình, hạnh phúc.(1) Ánh lửa Quảng Đức được đốt lên để thắp sáng lương tri của những con người đang làm khổ chính đồng loại của mình vì dục vọng, ích kỷ, định kiến, cực đoan. Mặc dù đang bị chính những người đồng bào ruột thịt của mình mượn sức mạnh của thế lực ngoại đạo, ngoại bang dày xéo lên tâm hồn và thể xác, tâm tư của người con Phật chân chính không một chút hận thù, hằn học. Thực tế lịch sử luôn cho thấy rằng trong các cuộc đấu tranh vì mục đích tự vệ và tự tồn của cá nhân, hay vì độc lập, tự do cho tổ quốc, những người bị trị, bị đàn áp, bị bóc lột luôn lên án, tố cáo, chống đối, đấu tranh…, chống lại thành phần áp bức. Nhưng Bồ tát Quảng Đức không những không làm như thế, mà còn cầu nguyện cho số người đang bị vô minh, dục vọng, định kiến che mất tâm trí có đủ bình tĩnh, sáng suốt, minh mẫn để nhận ra việc làm sai trái, thất nhân tâm của mình: “Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình; Làm đèn soi sáng nẻo vô minh; Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác, Tro trắng phẳng san hố bất bình…(2). Có lẽ đây mới chính là thông điệp chân chính và là bài học lịch sử để hậu thế suy nghiệm mỗi khi tưởng nhớ đến Ngài. Trong đôi mắt của người con Phật, “Kẻ thù của chúng ta không phải là con người. Kẻ thù của chúng ta là sự thiếu khoan dung, cuồng tín, độc tài, tham đắm, hận thù và kỳ thị…(3); và mọi chúng sanh đều có khả năng trở thành những con người thánh thiện, tốt đẹp. Vì vậy, cái con người cần phải chiến thắng không phải là con người, mà là lòng tham lam, sân hận, si mê, định kiến…. đang nằm sẵn trong tâm khảm của con người. Tất nhiên, người ta không thể dùng tâm sân hận để chiến thắng người sân hận, dùng sự tàn bạo để chinh phục kẻ bạo tàn. Chỉ có lòng khoan dung, độ lượng, tha thứ, cảm thông mới có thể đánh động lương tri của loài người, mới có sức mạnh cảm hóa những người lầm đường lạc lối, bởi vì theo lời Phật dạy: “Hận thù diệt hận thù, đời này không có được; Không hận diệt hận thù, là định luật ngàn thu.(4) 

    Như đã đề cập, Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu không chỉ đơn thuần vì mục đích đòi quyền bình đẳng tôn giáo cho Phật giáo đồ đang bị đàn áp, ngược đãi bất công, mà việc làm này còn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc bởi vì vào thời điểm ấy miền Nam Việt Nam đang nằm dưới sự thống trị của thế lực tay sai ngoại bang. Làm sao người ta có quyền tự do tín ngưỡng hay không tín ngưỡng khi chính cái quyền làm chủ cuộc sống, làm chủ xứ sở của mình đã bị ngoại bang tước đoạt. Quan trọng hơn nữa, đối với Phật giáo, an nguy của dân tộc chính là an nguy của Phật giáo và sự an nguy của Phật giáo có liên hệ đến sự an nguy của dân tộc! Có thể nói rằng Phật giáo không bao giờ có thể tồn tại một cách độc lập với đất nước, với con người, nơi mà Phật giáo đang hiện diện. Như vậy, mục đích của ngọn lửa Quảng Đức một mặt đánh thức lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình, tự do của mọi người dân. Hiệu quả của việc làm ấy đã khơi dậy được sự đoàn kết một lòng của người Việt trong và ngoài nước, kể cả người ngoại quốc, vượt lên trên biên giới, vùng miền, tôn giáo trong việc chống lại sự bạo tàn của chế độ tay sai và cực đoan. Mặt khác, thông điệp Quảng Đức nhắm đến cảnh tỉnh các cấp lãnh đạo chính quyền hãy tỉnh táo, sáng suốt  để nhận rõ trách nhiệm thiêng liêng cần phải làm của một người lãnh đạo quốc gia khi được người dân giao phó, như lời di chúc sau đây của Bồ-tát Quảng Đức: “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thưở…(5).  

    Độc lập, tự do, hạnh phúc là khát vọng muôn đời của nhân loại và cũng chính là bổn phận của giới cầm quyền mọi thời đại phải nỗ lực để thực thi và bảo vệ. Muốn được như thế, giới lãnh đạo đất nước phải đặt lợi ích quốc gia, xứ sở, nhân dân lên trên quyền lợi của cá nhân, gia đình và tổ chức mới mong có thể đứng vững trong lòng dân tộc. Nói theo ngôn ngữ của Trần Thái Tông, người lãnh đạo quốc gia phải “lấy cái muốn của dân làm cái muốn của mình, cái tâm của người dân làm cái tâm của mình(6). Chắc chắn rằng khi hiện thực hóa được tư tưởng trên vào trong công cuộc điều hành đất nước, không có việc gì khó khăn mà không giải quyết được, không có gian nan nào của xứ sở không thể vượt qua, như lời Hồ Chủ tịch đã nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong(7). Có lẽ giá trị của tư tưởng này của tiền nhân lại càng đáng được suy gẫm trong bối cảnh lịch sử của đất nước hiện nay. 

    Cũng cần nói thêm rằng mọi nỗ lực của Phật giáo trong việc truyền bá Chánh pháp là nhằm mục đích thực hiện hóa tinh thần từ bi trí tuệ, vô ngã vị tha vào trong đời sống con người để mỗi người tự giải phóng mình ra khỏi mọi xiềng xích của lòng tham lam, sân hận, ích kỷ, mù quáng, mà không phải là vì danh vọng địa vị của cá nhân người hành đạo hay chính tự thân của Phật giáo. Tôn chỉ này được ghi lại trong Kinh tạng Pali khi Tôn giả Purana (Phú-lâu-na) xin đức Phật đi truyền đạo cho người dân xứ Chronaparanta(8). Bởi lẽ, theo quan niệm của Phật giáo, mọi khẩu hiệu sẽ không có tác dụng và ảnh hưởng nếu đời sống của con người chìm trong đói khổ, xã hội loạn ly, quốc gia mất quyền tự trị. Ngược lại, mọi danh xưng đều trở nên có ý nghĩa và giá trị nếu tự thân của chúng đem đến giải thoát, an lạc và hạnh phúc cho con người và xã hội, bởi vì: “Có gì trong một danh từ, Hoa hồng hương ấy cho dù tên chi(9). Đây mới là giá trị đích thực mà đức Phật đã dạy: “Yo sàro so thassati - Cái gì là lõi cây, cái ấy tồn tại lâu dài(10)

    Vì vậy, để tưởng niệm Bồ-tát Quảng Đức nói riêng, và các bậc tiền bối, anh linh chiến sĩ nói chung, một cách thật sự có ý nghĩa, thế hệ chúng ta hôm nay phải làm thế nào để những ước nguyện của ngài được tiếp tục thắp sáng lên giữa cuộc đời nhằm xua tan đi những đám mây ích kỷ, bè phái, dục vọng, sân hận… Làm thế nào để bảo vệ nền độc lập tự do, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc mà biết bao thế hệ tiền nhân đã hy sinh xương máu để xây dựng nên. Làm thế nào để hoài bão cao đẹp của các bậc tiền nhân được hiện thực hóa vào trong chính đời sống của con dân nước Việt để làm lợi cho từng cá nhân, gia đình, xã hội và đất nước Việt Nam. Làm được như thế chúng ta mới xứng đáng kế thừa di sản thiêng liêng mà ông cha đã để lại.

TT.TS. Thích Viên Trí

Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

 


1. Trần Văn Giàu “Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân. Trong lòng tôi mấy mươi năm nay chỉ biết Thích Quảng Đức vị quốc thiêu thân…Nam  mô người đã vì nước quên mình, hơn nữa vì dân tộc quên mình, vì nhân loại quên mình”; Trần Bạch Đằng “Ý nghĩa rộng ấy nằm ở chỗ Hòa thượng Thích Quảng Đức không chỉ ‘Vị pháp thiêu thân’ mà là ‘Vị quốc thiêu thân’”; Mai Chí Thọ “Đối với chúng tôi thì hành động cao cả như thế chỉ có thể nói khắc sâu vào tâm hồn người khác một sự tôn quý, một tinh thần bất khuất tiêu biểu không những cho Phật giáo mà còn cho cả một truyền thống anh hùng của dân tộc  và chúng tôi cho đó là một sự đóng góp hết sức to lớn vào công cuộc kháng chiến trường kỳ của chúng tôi lúc bấy giờ”- Chi tiết, xem Lê Mạnh Thát (chủ biên), Bồ-tát Thích Quảng Đức, Ngọn Lửa và Trái Tim, NXBTPHCM, 2006, tr. 151 và 157.  

2. Ibid.,    

3. Ibid.,    

4. Kinh Pháp Cú.     

5. Op.cit.    

6. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội, 2000.    

7. Lời phát biểu của Bác Hồ trong lớp Bồi dưỡng Cán bộ lãnh đạo cấp huyện ngày 18/1/1967- (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12).    

8. Tôn giả Purana (Phú Lâu Na) bày tỏ ý nguyện đi truyền đạo cho người dân xứ Chronaparanta. Đức Phật dạy rằng người dân xứ ấy rất hung tợn và dữ dằn. Nếu tôn giả đến truyền bá Chánh pháp cho dân xứ Chronaparanta, nhưng nếu họ không lắng nghe mà còn dùng lời dữ dằn, hung ác chửi mắng tôn giả thì tôn giả nghĩ sao? Bạch Thế Tôn, họ là người tốt vì họ chưa dùng gậy gộc để đánh đập con. - Nhưng nếu họ dùng gậy gộc để đánh tôn giả hoặc dùng gạch đá ném tôn giả thì tôn giả nghĩ sao? Bạch đức Phật, họ vẫn còn lòng từ vì họ không giết hay đánh chết con. - Nhưng nếu họ chém giết hoặc đánh chết tôn giả thỉ tôn giả nghĩ sao? Bạch đức Phật, con nghĩ họ là ân nhân của con, vì nhờ họ mà con thoát được tấm thân vô thường, bất tịnh này… (Chi tiết, xem Kinh Trung Bộ, tập III).    

9. Thích Nữ Trí Hải (dịch) Đức Phật đã dạy những gì, NXBTG, 2000.    

10. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ I, VNCPHVN.    

 
00:00