I. KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG VỚI SO SÁNH LUẬN

A. Kinh Bốn Mươi Hai Chương và Biện chứng pháp
“Biện chứng”, Anh ngữ gọi là Dialectis, Pháp ngữ gọi là Dialectique, Đức ngữ gọi là Dialektik, và tiếng Nga gọi là Dialektika. Thật ra, “biện chứng” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa nghệ thuật đối thoại, tranh luận, trong đó sự mâu thuẫn giữa các ý kiến của hai bên là trục quay cho cuộc tranh biện được diễn tiến. Dựa vào ý nghĩa này, các triết gia cho rằng biện chứng pháp là khoa học về các quy luật vận động, phát triển của các loại hình xã hội và con người.  
Sẽ là một ngộ nhận, nếu ai cho rằng Hegel (1770-1831) là cha đẻ của Biện chứng pháp. Biện chứng pháp đã có từ thời cổ Hy Lạp như Heraclite với câu nói bất hủ: “Người ta không bao giờ có thể tắm hai lần trong một dòng nước, cũng không thể nào sờ mó được một vật gì hai lần trong cùng một trạng thái, vì vật đó tan rồi lại hợp, tới gần rồi lại xa ra và cứ như thế luôn luôn biến đổi” (Solovine, Heraclite déphése, tr. 69). Biện chứng pháp còn được tìm thấy trong Kinh Dịch và rất nhiều trong Phật học. Điều này, chúng ta sẽ được rõ, khi đi vào những luật tắc của biện chứng pháp. Chẳng qua Hegel là người đầu tiên tập đại thành biện chứng pháp cổ kim Âu Á thành những luật tắc như một hệ thống logic phổ biến mà thôi.
1. Bốn luật tắc chính của biện chứng pháp
1/ Luật vận động: Là sự biến đổi không ngừng của hiện tượng giới. Kinh Bốn Mươi Hai Chương nói riêng, Phật giáo nói chung gọi luật vận động là vô thường: Từ thế giới con người cho đến tư tưởng cũng vậy, luôn ở trong trạng thái chuyển biến từng sát na, sát na một. Chương 19, đức Phật dạy: “Hãy tuệ quán các thiên thể, tinh cầu, thế giới là vô thường”. Chương 20, đức Phật dạy: “Hợp thể năm uẩn: Sắc (Tứ đại chủng; tứ đại tính; sắc pháp; vật chất) và thọ, tưởng, hành, thức (tâm ý; tinh thần) cấu tạo nên con người luôn luôn biến đổi, không dừng trụ”. Như vậy luật vận động của biện chứng pháp đã có trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương. Và có thể nói, chỉ với Phật giáo, luật vận động đã được phân tích triển khai một cách hoàn hảo từ 26 thế kỷ trước.
2/ Luật tương quan: Là năng lực tác động qua lại lẫn nhau trong hiện tượng giới. Phật giáo gọi đó là “Duyên khởi pháp” theo nguyên lý “Cái này có, cái kia có. Cái này sinh, cái kia sinh. Cái này không, cái kia không. Cái này diệt, cái kia diệt”. Và Kinh Bốn Mươi Hai Chương đã cụ thể hóa nguyên lý phổ quát này thành duyên khởi của sinh tử và Niết bàn: “Người vì có ái dục, nên sinh lo, từ lo sinh sợ. Nếu trừ khử ái dục thì có gì phải lo sợ”. (chương 32).
3/ Luật mâu thuẫn: Cũng còn gọi là tam đoạn thức (Anh: triad, Pháp: triade, Đức: triade, Nga: triada), tức là ba giai đoạn phát triển tất yếu của biện chứng pháp: a/ Chánh đề (these), b/ Phản đề (anithese), phủ định nó, c/ Hợp đề (synthese), tổng hợp các yếu tố của a, b phủ định b. Theo Marx, tam đoạn thức còn là: a/ Khẳng định (position), b/ Phủ định (negation), c/ Phủ định của phủ định (negation der negation).
Trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương, chánh đề được nêu ra là thất tình lục dục, tham sân si, phiền não lậu hoặc – những tình tự sa đọa hóa con người trong sinh tử luân hồi, cần được trừ khử bởi phản đề là giới định huệ, tám chánh đạo, và nói chung là thiện pháp… hay Đạo đế. Nhờ phản đề Đạo đế này đoạn diệt các tập đế ở chánh đề dẫn đến tổng hợp đề là giải thoát sinh tử, Niết bàn. Tổng hợp đề theo nghĩa phủ định của phủ định, tức phủ định phản đề, theo Kinh Bốn Mươi Hai Chương là nguyên lý nhận thức Trung đạo “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” (chương 2), một nhận thức chánh kiến, tuệ giác không chấp trước Đạo thế và sở chứng, giải thoát theo đúng nghĩa: giải thoát Ba la mật.
4/ Luật lượng biến thành chất: Tức là sự biến chuyển từ lượng sang phẩm (từ nước thường sang nước đá hay sang hơi nước). Theo nguyên lý này, những biến đổi về chất phải do sự biến chuyển về lượng tích lũy thành. Kinh Bốn Mươi Hai Chương đưa ra hai phạm trù tu tập: Thân hành đạo và tâm hành đạo tác động qua lại lẫn nhau. Sự có mặt của thân hành đạo theo đúng nghĩa tích lũy sẽ tạo cơ sở cho tâm hành đạo và ngược lại. Thành tựu biện chứng thân hành đạo, tâm hành đạo này, hành giả sẽ đạt ngộ giải thoát. Lượng ở đây là quá trình hành đạo và chất ở đây là đạo quả giải thoát.
Cả bốn luật tắc chính yếu của biện chứng pháp đều có đủ trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương – cũng có nghĩa là có lâu đời trong Phật giáo. Tìm hiểu biện chứng pháp trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương cũng tức là gián tiếp hay khái quát khảo sát biện chứng pháp trong Phật giáo. Điều trọng yếu mà chúng ta phải thừa nhận ở đây là biện chứng pháp Phật giáo là biện chứng tu tập mang tính nhân bản và giải thoát. Nghĩa là thông qua biện chứng pháp Phật giáo, người học Phật sẽ có cái nhìn chánh kiến về nhân sinh, vũ trụ là vô thường, khổ, vô ngã (về mặt hiện tượng) và bất sinh bất diệt… (về mặt bản thể), trên cơ sở đó, trau dồi phạm hạnh, đạo đức, hướng đến viễn ly, giải thoát. Biện chứng như vậy hẳn vượt lên trên những suy lý, triết lý, kiến thức, đi vào mầu nhiệm của giải thoát thực tại tu tập, rất cần thiết cho mọi người, nếu muốn thăng hoa cho chính mình trên con đường hoàn thiện nhân cách, siêu nhân cách.
B. Kinh Bốn Mươi Hai Chương và Quy nạp pháp
Quy nạp pháp (induction, induction, indukeija) trên đại thể, nó là phương pháp nhận thức đối lập với diễn dịch pháp, nhưng không tuyệt đối hóa, mà thực tế còn bổ sung cho nhau. Phương pháp nhận thức của quy nạp là quá trình suy lý đi từ những cái riêng đến cái chung, từ những sự vật cá biệt tới nguyên lý phổ biến, trong đó những cái riêng hay những sự vật cá biệt đều có một xác suất kết quả như nhau trong nhiều trường hợp, nhiều thời điểm, nhiều địa điểm khác nhau. Chính sự lặp đi lặp lại nhiều lần như những thuộc tính nhất định, chung nhất về xác suất kết quả của những sự vật cá biệt hay những cái riêng mà chúng ta đi đến đúc kết thành cái chung nhất, thành nguyên lý phổ biến. Những câu nói: “Có khói ắt có lửa”, “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, “Ánh sáng truyền theo đường thẳng”, “Tất cả hành tinh thuộc thái dương hệ đều có quỹ đạo hình bầu dục”… đều là những câu nói theo khuôn pháp quy nạp, hai câu đầu thuộc quy nạp kinh nghiệm dân gian, hai câu sau thuộc quy nạp thực nghiệm khoa học.
Trong Phật giáo những lời giáo huấn đức dục thuộc dạng quy nạp, không phải do đúc kết kinh nghiệm dân gian, cũng không phải do đúc kết từ những kết quả của thực nghiệm khoa học, mà là bằng trí tuệ viên mãn siêu tuyệt do tu tập chứng đắc. Đức Phật nhận thức rõ các sự vật, các pháp từ sự cấu tạo hình thành, biến đổi, hủy hoại cho đến pháp tánh tịch diệt của chúng như thấy rõ một vật cụ thể ở lòng bàn tay Ngài. Vũ trụ, thế giới, con người, xã hội, tâm, tưởng… Đức Phật cũng nhận thức chánh kiến về chúng của sự tu tập. Do đó, pháp quy nạp của Phật giáo không có những trường hợp ngoại lệ, những cái sai ngoại lệ, dù là với xác suất không đáng kể. Chẳng hạn, bằng trí tuệ, Đức Phật nhận thấy ái dục thiêu đốt con người và làm băng hoại những gì cao đẹp mà con người có. Ai bị ái dục thiêu đốt, nhất định sẽ bị vị đau khổ của nó ràng buộc, nên Đức Phật tuyên bố “Điều làm cho con người ngu tệ là ái và dục” (chương 3) hay “Ái dục còn nguy hiểm hơn bùn lầy” (chương 41)…
Có một lần, để giáo dục tính quy luật về kết quả của sự đạt đạo giải thoát là phải thật sự được khởi nguồn từ tu tập chánh pháp, chứ không phải là hệ quả của ân sủng hay van xin, lạy lục, Đức Phật khẳng định: “Phật tử dù xa Như Lai hàng ngàn dặm nhưng luôn tác ý, thực hành giới pháp của Như Lai, nhất định chứng đắc đạo quả, những ai tuy thân cận bên Như Lai, thường thấy Như Lai, nhưng không tác ý, thực hành giới pháp của Như Lai, nhất định không thể nào chứng đắc đạo quả” (chương 37). Đó là câu nói theo khoa học quy nạp thật chân xác, đáng để cho tất cả chúng ta suy gẫm.
Nhận thấy rõ sự học rộng nghiên cứu nhiều nhưng thiếu đi chất tố thực hành tu tập, theo kiểu duy lý triết lý suông của các triết gia, học giả, sẽ không đem lại sự an lạc, giải thoát, trái lại chỉ đem lại sự tăng trưởng phiền phược của kiến thức, Đức Phật xác quyết “Những người học rộng nghiên cứu nhiều, không tu đạo thì khó lãnh hội. Những người thủ chí hành đạo thì đạo đó vĩ đại”. (Chương 9).
Các chúng sinh ở loài động vật bàng sinh, ở địa ngục và ngạ quỷ là nhiều đau khổ và thiếu trí tuệ nên Đức Phật dạy: “Ra khỏi ác đạo làm được thân người là khó” (chương 36). Tuy nhiên, làm được thân người với tướng hảo đầy đủ, nam tướng, sống ở trung tâm văn hóa, phải do tác duyên gieo trồng phước đức, nên Đức Phật dạy tiếp: “Làm thân người với sáu căn đầy đủ là khó. Bỏ nữ thân được làm nam thân là khó. Được sống ở nơi văn hóa và đạo đức (Trung quốc) là khó (chương 36). Trong các loại hình văn hóa, văn hóa Phật giáo là loại văn hóa nhân bản, hướng đến đạo đức con người, và đạo đức thánh nhân. Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng tiếp nhận, thấu hiểu, thực hành và nhận thức rốt ráo, do đó, Đức Phật dạy: “Gặp được Phật pháp là khó… Hưng khởi chánh trí Phật pháp là khó… Phát khởi tâm Bồ đề là khó… Nhận thức vô tu, vô chứng là khó.” (Chương 36).
Ở chương 12 và 20, phạm trù về cái khó của kiếp người được Đức Phật đề cập như: Nghèo khổ bố thí là khó; giàu sang học đạo là khó; bỏ thân mạng chết vì lẽ phải là khó; thấy được chánh pháp là khó; sinh thời Phật, gặp Phật là khó; nhẫn được các dục là khó; bị nhục không sân là khó; có thế lực không cậy uy là khó; đối cảnh vô tâm là khó; học rộng nghiên cứu nhiều là khó; trừ diệt ngã mạn là khó; không khinh người chưa học là khó; thực hành tâm bình đẳng là khó; chẳng nói thị phi là khó; gặp được thiện tri thức là khó; kiến tánh học đạo là khó; tùy duyên hóa độ là khó; thấy cảnh không động tâm là khó; khéo biết phương tiện là khó…”, cũng đều là những lời dạy thấm nhuần phương pháp quy nạp vừa khoa học, chính xác, vừa hàm ý giáo dục mọi người cùng tu tập, trau dồi.
Vài nét khái quát về quy nạp pháp trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương cũng đủ chứng minh cho chúng ta thấy, hệ thống học Phật giáo luôn là những nhận thức chánh kiến đi tiên phong để khai sáng tư tưởng nhân loại. Và ở bất kỳ thời đại nào nền tảng học lý ấy vẫn luôn phù hợp với nhận thức tiến triển của loài người, cung cấp cho loài người những hạt giống, những năng lực tuệ giác có lợi cho tư tưởng nhận thức, có lợi cho hành động và có lợi cho cuộc sống đạo đức.
C. Kinh Bốn Mươi Hai Chương và Diễn dịch pháp (Tam đoạn luận)
Diễn dịch pháp, tiếng Anh gọi là Deductive method, Pháp gọi là Méthode déduction, với ý nghĩa là suy luận. Nhưng suy luận có cơ sở và logic, đi từ mệnh đề gọi là “tiền đề” tới một kết luận là “hậu quả tất yếu” của những tiền đề đó. Do đó chúng ta có thể định nghĩa khái quát: Diễn dịch pháp là khoa học suy luận logic đi từ tổng quát đến đặc thù hay từ nguyên lý đến hậu quả. Các nhà nghiên cứu chuyên môn, gọi khoa học suy luận logic đi từ tổng quát đến đặc thù là diễn dịch hình thức và khoa học suy luận logic đi từ nguyên lý đến hậu quả là diễn dịch toán học. Cả hai phương pháp diễn dịch này đều có trong Phật giáo, nhưng chưa được hệ thống hóa thành một khoa học độc lập.
Riêng Kinh Bốn Mươi Hai Chương, phương pháp diễn dịch nằm rải rác ở các chương. Có trường hợp phải kết hợp đến 2, 3 chương hoặc hơn thế nữa mới đúc kết thành một diễn dịch pháp hoàn chỉnh. Cũng có trường hợp trong một chương thôi cũng là một diễn dịch pháp, nhưng thông thường lại thiếu đi đại tiền đề – yếu tố đầu tiên của diễn dịch pháp gọi là đại tiền đề của tam đoạn luận: đại tiền đề, tiểu tiền đề, kết luận. Nội dung hay ý nghĩa của tiểu tiền đề và kết luận phải nằm trọn vẹn trong đại tiền đề hay ít nhất cũng mang tính chất tương thuộc, thuộc tính của đại tiền đề.
Điểm đặc biệt độc đáo của diễn dịch pháp Phật giáo là khoa học biện chứng không đi từ suy luận mà đi bằng tuệ giác viên mãn của Đức Phật – bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến – đến các nguyên lý vô cùng chính xác mà ai ai cũng có thể xác chứng được.
Thí dụ: Khi nói về nhân quả, chương 6 và chương 8, đã trình bày như diễn dịch pháp để răn dạy đạo đức, luân lý.
Đ.T.Đ: Mọi hành động đều có phản ứng tương xứng (tổng quát, nguyên lý).
T.T.Đ: Kẻ nào đem điều ác đến, thực thi điều ác.
K.L: Kẻ đó sẽ bị điều ác của chính mình trừng phạt (chương 6).
Hay về hình ảnh sự trừng phạt, chương 8 còn diễn tả: Như người phun nước miếng trên không, trở lại rơi vào mặt, như hắt bụi ngược gió, bụi làm dơ thân, và hơn nữa, người thiện không hại được.
Và khi đề cập đến tính quy luật chống đối kẻ hiền lương, đạo đức của những phần tử độc ác, Kinh Bốn Mươi Hai Chương diễn tả:
Đ.T.Đ: Kẻ ác thường chống đối người thiện, hại người thiện (tổng quát, nguyên lý) (chương 8). Hay: “Người ác nghe Đức Phật hành đại từ nên đến chửi mắng Ngài.” (Chương 7).
T.T.Đ: Kẻ nào tật đố, tà kiến, nên có ác tâm với người thiện, điều thiện.
K.L: Tất yếu kẻ đó chống đối người thiện, người đạo đức, Đức Phật…
Rồi khi nói về nguy hại của ái dục, vị ngọt của ái dục, vị đau khổ của ái dục là sinh tử luân hồi, vị xuất ly của nó là giải thoát, Đức Phật dạy:
Đ.T.Đ: Điều làm cho con người ngu tệ là tham ái và dục lậu (chương 3).
T.T.Đ: sa môn và cư sĩ tại gia cũng là con người.
K.L: Do đó hễ tham trước, tham ái dục lậu thì phải bị sinh tử luân hồi, không thấy được đạo giải thoát (chương 16), mãi mãi là phàm phu (chương 23), hoặc bị lửa sinh tử thiêu đốt (chương 25).
Nói về phước đức của người hảo tâm bố thí và người tùy hỷ với hạnh bố thí của người khác, nội dung chương 10 đề cập đến như một tam đoạn luận hoàn chỉnh.
Đ.T.Đ: Hảo tâm bố thí có phước đức lớn.
T.T.Đ: Anh A, tùy hỷ hạnh bố thí của người hảo tâm.
K.L: Nên anh A cũng được cộng hưởng phước đức đó.
Tương tự, chúng ta có thể phối hợp tam đoạn luận chương 39 như sau:
Đ.T.Đ: Chánh pháp của Đức Phật là chân lý tuyệt đối.
T.T.Đ: Đệ tử Phật là người thực hành chánh pháp của Ngài.
K.L: Cho nên tín giải thọ trì mọi giáo huấn của Ngài bằng tuệ giác sẽ được giải thoát.
Và khi giảng giải về nguyên lý vô thường trong từng sát na của nhân sinh, vũ trụ, Đức Phật dạy:
Đ.T.Đ: Vô thường chi phối hữu tình, vô tình.
T.T.Đ: Con người là hữu tình, thế giới là vô tình.
K.L: Con người, thế giới phải vô thường (chương 19, 20, 38).
Nhìn chung, khoa học diễn dịch có nhiều trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương. Nhưng điều chúng ta cần lưu ý là diễn dịch pháp Phật giáo chú trọng về nhân sinh quan, vũ trụ quan trên cơ sở những nhận thức chánh kiến, để hướng đến sự chọn lựa con đường thiện, con đường đạo đức, thực hiện giải thoát. Do đó, có thể nói diễn dịch pháp thực nghiệm tu chứng, vừa linh động, thực tiễn vừa đem lại kết quả lợi ích an vui cho mọi hành giả ngay sau khi thực hành – nghĩa là ở hiện tại này và tại đây. Diễn dịch pháp như vậy, quả thật trở thành một khoa học, một biện đức tu tập hoàn thiện.

 

 
00:00