Trong bài viết này, tôi sẽ không nhắc lại lịch sử pháp nạn 1963. Tôi hạn chế vấn đề và chỉ nói đến phương pháp tranh đấu. Phương pháp đó là bất bạo động. Thế giới chứng kiến một cuộc tranh đấu bất bạo động thứ hai trong lịch sử cận đại, sau tranh đấu bất bạo động của thánh Gandhi. Ngay từ đầu, khi phát khởi phong trào, trong đầu của người lãnh đạo lúc đó - tôi muốn nói HT. Trí Quang - đã sáng rực tấm gương của Gandhi. Sở dĩ như vậy là vì những gì mà Gandhi nói, những gì mà Gandhi làm, đều thích hợp với tư tưởng của Phật giáo, đều lột tả được bằng hành động giáo lý của đức Phật. Vì vậy, trước khi trình bày tranh đấu bất bạo động của Phật giáo, tôi xin nói qua về triết lý bất bạo động của vị thánh Ấn Độ.
I. Thật ra tư tưởng được gọi là bất bạo động đã đến với Gandhi từ nhiều nguồn khác nhau, ông không phải là người sáng chế đầu tiên. Nhưng trước Gandhi, tư tưởng đó chỉ hướng đến cá nhân, chưa đi vào tập thể. Với Gandhi, bất bạo động được cụ thể hóa bằng hành động, áp dụng triệt để trong cuộc tranh đấu của tập thể chống lại bạo lực của đế quốc. Gandhi đã làm sáng tỏ và phong phú một tư tưởng qua hành động.
Tên gọi “bất bạo động” là do Gandhi dịch ra, vào khoảng 1920, từ tiếng sanscrit: ahimsa. Himsa là ý muốn làm hại ai. Ahimsa là phủ định, là chống lại ý muốn làm hại, là từ khước ý muốn bạo lực có sẵn trong con người, xúi giục con người loại trừ kẻ khác. Dưới hình thức phủ định ấy, ông định nghĩa: “Bất bạo động trong ý nghĩa hoàn hảo nhất là sự vắng mặt hoàn toàn của ý muốn làm hại đối với tất cả mọi sinh vật”(1). Về sau, dưới hình thức khẳng định, ông định nghĩa: “Bất bạo động là lòng nhân từ đối với tất cả mọi sinh vật”(2). Từ phủ định qua khẳng định, yếu tố nổi bật là lòng thương. Bất bạo động phải được xây dựng trên lòng thương. Ông nói; “Bất cứ khi nào ta phải đối đầu với một địch thủ, hãy chinh phục họ bằng lòng thương”. Bởi vì, “chừng nào ta chưa chấp nhận nguyên tắc thương cả kẻ thù của mình, mọi ngôn từ về huynh đệ trên thế giới này chẳng có chút ý nghĩa gì”(3). Bất bạo động, như vậy, trước hết là một thái độ, một cái nhìn, một cái nhìn nhân ái đối với người khác, nhất là đối với người khác mình, người lạ, người thù. Ông nói: không có ai là kẻ thù cả, chỉ là đối thủ chưa được thuyết phục để thấy sự thật.
Sự thật, do đó, là tinh yếu trong phương pháp hành động của ông. Ông đặt tên là Satyagraha. Sự thật và tình thương là một. Vì thương mà đưa dẫn đối thủ vào sự thật. Ông viết: “Nghĩa chính của Satyagraha là lòng tin vào sự thật và từ lòng tin này mà sinh ra sức mạnh của sự thật. Tôi cũng đã từng gọi từ này là sức mạnh của tình thương hay sức mạnh của tâm linh. Khi áp dụng Satyagraha, tôi khám phá rằng theo đuổi sự thật không có nghĩa là áp đặt bạo động lên đối thủ của mình, mà làm sao cho đối thủ thấy được lỗi lầm bằng cách dùng lòng kiên nhẫn và thông cảm của mình”.
Đây là chỗ khó nhất của bất bạo động. Kiên nhẫn, Gandhi nói, là không làm cho đối thủ đau khổ mà chính ta phải đau khổ. Kiên nhẫn là tự làm mình đau khổ. Lấy ví dụ chống lại một đạo luật bất công. Tất nhiên trước hết phải thỉnh cầu, phải kiến nghị, phải vạch ra cho người làm luật thấy tính cách bất công. Nhưng nếu tất cả những biện pháp đó đều vô hiệu thì biện pháp cuối cùng còn lại là tự làm mình đau khổ, tự nhận hình phạt của sự vi phạm luật pháp. Từ đó, bất bạo động trở thành bất hợp tác. Trong bất hợp tác đó, ta có giận không? Quần chúng có giận không đối với đạo luật bất công? Có chứ, nhưng phải chuyển giận thành bất bạo động. Bởi vì, ông giải thích, “bất hợp tác là biện pháp của kỷ luật và hy sinh; nó đòi hỏi kiên nhẫn và kính trọng đối với những quan điểm đối nghịch. Và trừ khi ta có thể gợi lên một tinh thần chấp nhận lẫn nhau giữa những quan điểm hoàn toàn đối nghịch, bất hợp tác là không thể thực hiện”. Phải đọc câu tiếp theo mới hiểu được lời xác quyết đó và hiểu tại sao Gandhi đã lãnh đạo được một phong trào bất hợp tác thành công như thế. “Tôi đã học được từ kinh nghiệm cay đắng một bài học tối thượng về sự nén giận của tôi, và cũng giống như hơi nóng được nén lại thì chuyển thành năng lượng, giận dữ của ta, khi được kiểm soát, có thể chuyển thành sức mạnh dời được cả thế giới”.
Như vậy, bất bạo động đòi hỏi phải huấn luyện tinh thần, phải chiến đấu cam go để vượt qua bạo động. “Chiến đấu đó làm ta mạnh hơn. Bất bạo động là khí giới của người mạnh. Với người yếu, đó chỉ là giả dối. Đó chỉ là thụ động. Và không gì hèn bằng thụ động trước bất công”. Nhấn mạnh điều này, bài học gì ta học được - ta, những người rất bình thường? Bài học là: Có một giải pháp thứ ba để ta lựa chọn giữa hèn hạ và bạo lực. Hãy học câu nói này của Gandhi vì nó thích hợp với thái độ của Phật tử: “Tôi tin rằng, nếu chỉ có một lựa chọn duy nhất giữa hèn hạ và bạo lực, tôi sẽ khuyên nên bạo lực... Tôi thà muốn Ấn Độ cầm khí giới để bảo vệ danh dự hơn là trở thành hoặc cam thân, với một thái độ hèn hạ, làm kẻ chứng nhân bất lực trước danh dự bị ô uế. Nhưng tôi tin rằng bất bạo động là vô cùng vô tận cao hơn bạo động”.
Sau này, triết lý và hành động của Gandhi được một nhân vật lỗi lạc khác, Martin Luther King, tiếp nối trong cuộc vận động chống chính sách bất bình đẳng chủng tộc ở Mỹ vào những năm 60. King tóm tắt đường lối bất bạo động ấy trong sáu điểm: Thứ nhất, tranh đấu bất bạo động không phải là phương pháp của kẻ hèn nhát. Người nào viện phương pháp đó vì sợ hay chỉ vì thiếu khí cụ của bạo lực, người ấy không phải là một người bất bạo động đúng nghĩa.
Thứ hai, bất bạo động không nhằm đánh bại hoặc làm nhục đối thủ, mà nhằm chiếm được tình bạn và lòng hiểu biết của đối thủ. Bất hợp tác không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để làm thức tỉnh ý thức hổ thẹn về đạo đức nơi đối phương. Hệ quả của bất bạo động là tạo ra một tập thể thân ái, trái lại hệ quả của bạo lực là cay đắng bi đát. Thứ ba, bất bạo động là chống lại cái ác, không chống lại con người làm ác; chống lại bất công, không chống lại người đã tỏ ra bất công.
Thứ tư, bất bạo động là chấp nhận đau khổ không trả thù, chấp nhận cú đấm không đấm trả lại. Máu có thể chảy trước khi đạt được tự do, nhưng đó là máu của ta. Người tranh đấu cho bất bạo động không trốn tránh tù ngục. Nếu vào tù là cần thiết Gandhi nói, thì vào tù “như là chú rể đi vào phòng cô dâu”.
Thứ năm, bất bạo động không phải là chỉ tránh bạo động bằng thể xác mà còn bằng cả tinh thần; Người tranh đấu bất bạo động không phải chỉ từ chối không bắn đối thủ mà còn từ chối không ghét. Tận đáy lòng của thái độ bất bạo động là tình thương.
Thứ sáu, căn bản của bất bạo động là lòng tin chắc rằng cả vũ trụ đứng về phía công lý. Hệ quả là người tranh đấu bất bạo động có lòng tin sâu xa vào tương lai. Chính vì tin như vậy mà người ấy chấp nhận đau khổ, không trả thù.(6)
Martin Luther King nhận được giải thưởng Nobel về hòa bình năm 1964. Trước đó một năm, Phật giáo Việt Nam đã mở ra trang sử tranh đấu bất bạo động dựa trên giáo lý của đức Phật với những nguyên tắc rất gần gũi kinh nghiệm của Gandhi mà King vừa tóm tắt ở trên. Tư tưởng của Gandhi thấm đẫm tư tưởng Phật giáo. Cũng vậy, tranh đấu của Phật giáo thấm đẫm hình ảnh cụ thể của Gandhi.
II. Nếu tôi nói chuyện ở đâu khác, chắc tôi phải trích dẫn kinh sách của Phật giáo rất nhiều. Nhưng vì tôi nói chuyện ở đây, vì trước mắt tôi toàn là các vị thầy của tôi về giáo lý, tôi không dám dài dòng về lý thuyết, chỉ xin nói một câu thôi. Bất bạo động là căn bản của Phật giáo, cho nên nói về bất bạo động trong Phật giáo thì nói mấy cũng không cùng. Phải nói đến từ bi. Phải nói đến vô úy. Phải nói đến thái độ không thù hận, không thấy kẻ thù. Phải nói đến sức mạnh của tinh thần. Sức mạnh của chân lý. Phải nói đến cái thấy rất sáng suốt, không thấy kẻ thù mà chỉ thấy tương quan. Vì không thể và không cần nói hết ở đây, tôi xin đi thẳng vào tranh đấu của năm 1963.
Phật giáo chống lại cái gì năm 1963? Chống lại bạo lực. Bạo lực gì? Bạo lực của tà kiến về chân lý. Tà kiến cho rằng mình nắm giữ chân lý tối thượng duy nhất trên lĩnh vực tôn giáo. Tà kiến cho rằng nhiệm vụ của mình là phải đưa mọi người đến cái chân lý tối thượng đó bằng mọi cách, kể cả bạo lực. Bạo lực ấy không có gì ghê gớm hơn vì nó muốn chế tạo một cái đầu thành một cái đầu khác. Càng ghê gớm hơn nữa khi bạo lực tôn giáo dựa trên bạo lực chính trị. Chống lại bạo lực ấy, Phật giáo có gì trong tay? Tư tưởng của mình thôi! Sức mạnh tinh thần của mình thôi! Bất bạo động là sức mạnh ấy. Gandhi là hình ảnh.
Tôi mở quyển “Trí Quang tự truyện” in ra năm 2011. Tôi đọc đoạn tường thuật Hòa thượng gặp nhà chức trách Huế để phản đối lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong ngày lễ Phật đản. Bắt đầu khó khăn, Hòa thượng đã thấy rõ hiểm nguy đang chờ đợi trước mắt. Nhưng tinh thần của Hòa thượng là gì? “Tôi về đến Từ Đàm thì đã 7g30 tối mười bốn tháng tư. Lòng khá bình thản, không vì tin tưởng quyết định của chính quyền, mà vì ước mong có một thiện chí xuất xứ từ lương tri của con người, mà vì trong lòng đầy ắp phong cách của thánh Cam Địa”. Từ khi khởi đầu, Gandhi đã đến với Hòa thượng, và từ đó về sau không lúc nào rời. Nhắc nhở, nhắc nhở, từ đầu đến cuối, người lãnh đạo ấy nhắc nhở: “Phật giáo không mưu hại ai, không thiên ai để hại ai. Nếu thất bại, Phật giáo coi như thất bại của chân lý trước bạo lực, không phải thất bại như bạo lực kém bạo lực”. Mỗi khi biểu tình mà có thể xảy ra đổ máu, Hòa thượng đều chống lại. “Không được đổ máu!” là mệnh lệnh quyết liệt. Y hệt Gandhi, vô tù là khả năng mà Hòa thượng chọn lựa sẵn trong đầu. Khi được tin chính quyền Diệm thiết quân luật để tấn công chùa trong đêm 20-8, ban lãnh đạo họp để bàn xem “ai tình nguyện bị bắt, ai tình nguyện ở ngoài. Không ai chịu ở ngoài cả... Không ai muốn không bị bắt, là ai cũng muốn đem khổ hạnh của mình thành tựu nguyện vọng của Phật giáo, chứ không phải cầu may hay áp dụng khổ nhục kế”. Riêng mình, Hòa thượng đã quyết định “để bị bắt” với “cỗ máy chém” cận kề trước mắt. Cái chết, như là phương pháp bất bạo động cuối cùng, Hòa thượng nghĩ đến, không phải một lần mà là nhiều lần. Y hệt Gandhi. Nhưng đây cũng chính là tinh túy của hai chữ “từ bi” mà Hòa thượng đã giải thích trước đó từ lâu, tuồng như Hòa thượng đã thấy trước có ngày chính mình, chính Phật giáo phải đem thân ra áp dụng. Tôi đọc “Tâm Ảnh Lục”, trang 515, chỗ Hòa thượng giải thích “từ bi là người bạn không mời và sự thay thế cao cả”:
“Người bạn không mời là bất thỉnh hữu. Còn sự thay thế cao cả là sự chịu thay mọi thứ khổ não cho người, là đại thọ chúng sanh khổ. Đó là hai hành động của từ bi. Có từ bi thì không phải ai cầu, chẳng đợi ai mời, mà mình tự làm người bạn luôn luôn hướng dẫn, giúp ích. Cũng do từ bi đó, mình tự đưa mình ra chịu khổ cho người được. Xem tất cả như con một, thấy thân người như thân mình, thì còn có gì mà không làm nổi?”
Thú thật, tôi đã rùng mình khi đọc mấy chữ “còn có gì mà không làm nổi”. Mấy chữ đó diễn tả được con người của Hòa thượng và cắt nghĩa tại sao Hòa thượng dám đem trứng chọi với đá khi khởi xướng tranh đấu. Mấy chữ đó nằm trong câu nói của Gandhi: “Giận dữ của ta, khi được kiểm soát, có thể chuyển thành sức mạnh dời được cả thế giới”. Bất bạo động là sức mạnh của quả trứng tâm linh khi bị thách thức. Ấn Độ đã nói như vậy trước đế quốc. Việt Nam đã nói như vậy trước cuồng tín và cuồng bạo. Phật tử đã đưa lưng cho dùi cui, đưa da thịt cho dây kẽm gai, đưa mắt cho lựu đạn cay, đưa ruột gan cho tuyệt thực, đưa thể xác cho tra tấn, đưa tự do cho tù đày. Đây chỉ là một cảnh tượng hàng ngày về biểu tình: “Tại đây, dùi cui và đấm đá đón hòa thượng [dẫn đầu]. Mặc, hòa thượng cứ nói. Máy [loa] bị đập, hòa thượng nói lớn. Họ xông đến bóp cổ, đánh đá tơi bời. Đầu hòa thượng bị tét, máu chảy xuống mặt. Hòa thượng vẫn nói. Chúng bèn hốt, ném lên xe cây. Một số quỷ thối bóp hạ bộ của các nạn nhân... Các ký giả ngoại quốc nghe nói cái vụ bóp hạ bộ thì cười cái ‘văn minh của tổng thống Diệm’”.
Cái gì đã khiến chúng ta chịu đựng những bạo lực dã man như thế mà không nao núng? Kỷ luật. Thế giới đã từng khâm phục kỷ luật của quần chúng Ấn Độ khi răm rắp nghe theo tiếng nói của Gandhi. Kỷ luật của chúng ta hồi đó cũng xứng đáng lắm, báo chí ngoại quốc đã từng kính nể. Mà kỷ luật đó là tự nguyện, không ai bắt phải theo. Kỷ luật và kiên nhẫn, càng bị đàn áp càng bất bạo động. Suốt mùa tranh đấu, Phật tử đã trung thành với Tuyên ngôn của Phật giáo Việt Nam đọc tại chùa Từ Đàm ngày 10-5, hai ngày sau vụ thảm sát tại Đài phát thanh Huế: “Chúng tôi tuyên bố không coi ai là kẻ thù, nhất là đối với đạo Thiên Chúa... Phương pháp tranh đấu mà chúng tôi áp dụng là bất bạo động. Chúng tôi phải thể hiện tư tưởng của Phật giáo ngay trong cuộc tranh đấu của chúng tôi. Chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ không phải chỉ rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ chúng tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng những người tăng sĩ của Phật giáo là những người sẵn sàng noi gương Gandhi - vị thánh của sức mạnh bất bạo động”.
Với tuyên bố ấy và quyết tâm ấy, Phật giáo Việt Nam đã thắp sáng lên cho cả thế giới chiêm ngưỡng ngọn lửa Quảng Đức. Ngọn lửa mà Vũ Hoàng Chương đã gọi rất đúng là “lửa từ bi”. Lửa này thì chắc đến cả Gandhi cũng phải chắp tay. Bởi vì, như HT. Trí Quang đã nói, “Ngài không phải chỉ là vĩ nhân, Ngài là siêu nhân”.
III. Vậy mà thế giới, khi nói đến tranh đấu bất bạo động, chỉ nghĩ đến Gandhi, chỉ nghĩ đến Martin Luther King, thậm chí nghĩ đến Nelson Mandela, làm như ngài Quảng Đức, làm như 1963 của Việt Nam chỉ là những sự kiện đột biến của một chuyện đáng nói hơn là chiến tranh. Tại sao vậy? Ít nhất là có hai lý lẽ. Thứ nhất là thế này: có báu vật nào về sức mạnh cụ thể của tâm linh đáng chiêm ngưỡng hơn trái tim không cháy của ngài Quảng Đức? Ở nước khác, người ta đã xây đền. Ở ta, hay thật, báu vật nằm trong hộp sắt. Nằm trong hộp sắt thì ai biết? Thì ngọn lửa không được giải thích như thiêu đốt cả chiến tranh, thiêu đốt cả hận thù. Đó mới đích thực là của báu của Việt Nam, của văn hóa Việt Nam, cống hiến cho văn hóa của thế giới, của lịch sử bất bạo động. Thứ hai, Việt Nam ta quá lớn về chiến tranh mà quá nhỏ về tư tưởng, sách báo về chiến tranh thì vô kể, mà sách báo về tư tưởng trên chiến tranh thì chẳng bao nhiêu, nói gì trên kinh nghiệm bất bạo động của đấu tranh 1963. Lui tới, chúng ta cũng chỉ có vài trang của HT. Trí Quang. Thế giới nhớ Nelson Mandela, tuy ông chẳng mấy trung thành với bất bạo động, mà quên 1963 của Việt Nam cũng vì ta thừa sức mạnh mà thiếu bút mực, chỉ có mỗi bút mực của một bài thơ, mà bài thơ ấy lại cũng coi mình thua cả rơm rác, không nói lên được gì trước ngọn lửa huyền vi: Ôi! ngọn lửa huyền vi / Thế giới ba ngàn, phút giây ngơ ngác / Từ cõi vô minh hướng về cực lạc / Vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác / Và chỉ nguyện được là rơm rác... Ngoài Vũ Hoàng Chương còn ai? Mà bài thơ của họ Vũ, thế giới nào hay biết?
Thật ra, ta chẳng cần ai khen tặng hay sắp hàng, và Vũ Hoàng Chương nói đúng hơn hết thảy mọi sách vở trên thế giới: tất cả chỉ là rơm rác. Thế nhưng, ai dám bảo ta không có thừa tự? Có chứ, và rất mới, rất hiện đại. Gandhi, dù sao cũng là tinh hoa của văn hóa Ấn Độ giáo. Quảng Đức mới là tinh hoa của văn hóa Phật giáo. 1963 mới là kinh nghiệm bất bạo động của Phật giáo. Thừa tự của ta, nghĩa là của văn hóa Phật giáo, chuyển qua một nước láng giềng mà kinh nghiệm đáng để cho ta kính phục. Ai cũng đoán được tôi muốn nói gì: Tôi muốn nói đến nước Miến Điện của bà Aung San Suu Kyi. Với người phụ nữ Phật tử vừa dịu dàng vừa quắc thước này, đạo Phật được hiện đại hóa để phục hồi và xây dựng dân chủ. Quá trình phục hồi, thế giới đã chứng kiến và đã khâm phục. Bên cạnh một thế giới Ả Rập ào ào bạo động để thay cũ đổi mới chưa xong, nước Miến Điện Phật giáo, với sức mạnh bất bạo động của tâm linh, đã đi đến một giải pháp hòa giải làm ai cũng kinh ngạc. Bà Aung San Suu kyi làm sáng rực lên tinh hoa bất bạo động của Phật giáo. Phật giáo làm sáng rực lên bà Aung San Suu Kyi. Giống như các vị lãnh đạo phong trào 1963 ở Việt Nam đã nói, hai ngôi sao dẫn đường cho bà Aung San Suu Kyi trong cuộc tranh đấu của bà là vô úy và từ bi. “Vô úy” đã được bà hiện đại hóa qua khẩu hiệu mà cả thế giới đều biết: “Freedom from Fear” - tự do không bị sợ hãi. Từ một khái niệm trong tư tưởng Phật giáo, bà đã linh động hóa để biến thành một nguyên tắc hiện đại của nhân quyền, tương tự như “freedom from want” - tự do không bị nghèo đói - đã được đề cao trước đó. “Từ bi”, ngôi sao thứ hai, được bà diễn dịch bằng một thứ ngôn ngữ hồn nhiên, giản dị, thốt ra từ đáy tim, không mảy may lý thuyết: “Mẹ tôi chưa hề bao giờ dạy tôi ghét ai, ngay cả những người đã giết cha tôi”. Đối với những người giam giữ bà cũng vậy: “Tôi chưa bao giờ không thấy họ cũng là người, và giống như tất cả mọi người, họ có một khía cạnh phải được mến”. Vì không ghét, không biết ghét, cho nên bà không hề sợ: Từ bi và vô úy giải thích cho nhau hợp lý một cách hồn nhiên. Bà nói: “Tôi chưa bao giờ học ghét những người giam giữ tôi, vì vậy tôi không hề cảm thấy sợ hãi”. Không sợ và không ghét: Đối với bà đó là thái độ tự nhiên vì được giáo dục như thế qua gương cha và gương mẹ, nhưng cũng là qua gương của văn hóa Phật giáo thấm nhuần trong nước bà. Chính vì vậy mà bà đặt nặng giáo dục để gìn giữ và phát triển tinh thần ấy, không những trong giai đoạn tranh đấu sắt thép mà còn cả trong giai đoạn chính trị bình thường. Bà gọi giáo dục ấy là “cách mạng của tinh thần”. Và cắt nghĩa: “Tôi luôn luôn nói rằng một cuộc cách mạng thực sự phải là một cuộc cách mạng tinh thần... Ta cần có một hệ thống chính trị được hướng dẫn bởi một số giá trị tinh thần - những giá trị khác hẳn những giá trị mà ta sống trước đó”. Nghĩa là những “giá trị” vật chất mà giới quân phiệt đã áp đặt trên xã hội Miến Điện.
Như vậy phải chăng chính trị và tôn giáo có liên quan với nhau? Câu hỏi đã được đặt ra ở miền Nam năm 1963 trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Phật giáo Việt Nam đã trả lời dứt khoát: Phật giáo không dính dáng đến chính trị được hiểu như quyền lực. Ở đâu cũng vậy, hai lĩnh vực phải tách nhau ra. Nhưng, câu trả lời của bà Aung San Suu Kyi rất đáng suy nghĩ và riêng tôi không phản đối vì tôi hiểu bà muốn nói gì: Chắc chắn là phải tách thôi, “nhưng - bà nói thêm - tôi không thấy hai lĩnh vực đó là tách biệt... Nói cho cùng, không một người Phật tử nào có thể phản đối bất cứ điều gì trong dân chủ. Tôi nghĩ rằng các sư và các ni, cũng giống như tất cả mọi người khác, đều có bổn phận làm phát triển cái gì tốt và đáng mong muốn... Tôi tin ở ‘đạo Phật dấn thân’”. Và quả quyết hơn nữa: “Chính trị là liên quan đến dân chúng, và ta không thể tách rời dân chúng ra khỏi những giá trị tinh thần của họ”.
Trong giai đoạn đấu tranh để hồi phục dân chủ, bất bạo động chính là giá trị tinh thần không thể tách rời ra khỏi chính trị. Đó là “cách mạng tâm linh” dính liền với cách mạng chính trị mà bà đã nói ở trên. Bởi vì đấu tranh là để đi đến hòa giải và chỉ có bất bạo động mới thực hiện được hòa giải mà thôi. Phật giáo ở Việt Nam hay Phật giáo ở Miến Điện đều nghĩ: Bạo động là xây ở trong tim những bức tường giữa người và người, chia rẽ, ngăn cách, không cho người đến với người. Bất bạo động là xây ở trong tim những chiếc cầu để con người đến với nhau, không vướng thù hận. Bởi vậy, dù bắt bớ, tù đày có tàn bạo đến đâu đi nữa, bà Aung San Suu Kyi vẫn nói với các đồng chí của bà: Chỉ có từ bi và sự thật là đường lối chính trị duy nhất thích hợp. Từ bi? Bà nói từ đáy tim bằng ngôn ngữ hồn nhiên của bà: bà yêu quân đội, vì quân đội là con đẻ của cha bà, tướng Aung San. Sự thật? Vì đạo Phật là đạo của Sự Thật, vì đức Phật được gọi là Bậc Đã Đi Đến Như Thế, vì không tôn trọng sự thật thì không thể hòa giải thực sự. “Điều chúng tôi cần - bà nói - khi đi đến đối thoại với nhau là tin cậy, tin ở chúng tôi cũng như tin ở cả hai bên... Khi chúng tôi nói về mối liên quan giữa sự thật và hòa giải, chúng tôi cũng phải nhớ đến một yếu tố quan trọng khác nữa là lòng tin cậy lẫn nhau. Với tin cậy, sự thật và hòa giải sẽ tự nhiên mà đến”. Cho nên phải thành thật, đừng nói gì, đừng làm gì để đối phương thất vọng, mất lòng tin. Bà nói thêm: Phật dạy như thế. Phật dạy chư Tăng phải sám hối với nhau khi có làm điều gì xúc phạm nhau.
Đọc bà đến đây, tôi giật mình. Tưởng kinh sám hối chỉ áp dụng cho người, giữa người với người, ai ngờ bà đem kinh vào chính trị! Mà thành công! Thế thì, đúng như bà nói, giữa kinh và chính trị, đâu có tách ra được làm hai! Và nếu chính trị diễn ra trong tinh thần ấy của câu kinh, chính trị đẹp biết bao! Bất bạo động là vậy. Là đừng làm xúc phạm đối phương. Bằng hành động và trong ý nghĩ. Hỏi bà: “Nguyện vọng cao nhất của bà là gì?”, bà trả lời một câu quá đẹp: “Nguyện vọng cao nhất của tôi đậm chất tâm linh: trong sạch của tâm”. Có người làm chính trị nào trên thế giới dám nói rằng chính trị cũng bắt nguồn từ tâm? Ai nghe nói vậy mà không phục nền văn hóa gì đã thốt ra một tư tưởng như vậy nơi miệng một người lãnh đạo?
Nhưng hãy nghe bà giải thích thêm: “Nếu người nào muốn tìm trong sạch, trước hết cần phải biết dơ bẩn là gì. Đối với những ai đã được nuôi dưỡng từ nhỏ trong đạo Phật, tôi không nghĩ rằng điều đó là khó, vì chúng tôi đã có khái niệm về tham sân si đã tạo ra dơ bẩn. Vì vậy, bất cứ điều gì có thể xem là tham, điều ấy là dơ bẩn”. Bà không nói cao xa. Bà nói lời thật trong tim người bình dân. Người bình dân Miến Điện, cũng như người bình dân Việt Nam, hiểu chính trị rất đơn giản, nhưng lại rất đúng từ muôn đời: Làm thế nào để diệt hết tham thì khi đó họa may quần chúng mới được thoát ra khỏi tham nhũng. Trái với tất cả các sách giáo khoa trên thế giới về khoa học chính trị, có lẽ nên để bài học chính trị này lên trang sách đầu tiên. Đây không phải chỉ là một vấn đề của đạo đức chính trị: Từ những khái niệm tham sân si, có thể dựng lên cả một hệ thống chính trị hợp lý gồm những định chế dân chủ nhằm chận đứng ba độc tố đó, và như vậy làm cơ sở để thực hiện lý tưởng theo đuổi tự ngàn xưa trong lịch sử học thuyết chính trị, từ thời Aristote của Hy Lạp cổ đại: Làm sao xây dựng được một chính thể tốt. Đó là vấn đề nằm trong tâm khảm của bà Aung San Suu Kyi: Dân chủ không phải chỉ là những định chế chính trị; dân chủ còn là những giá trị văn hóa và xã hội. Thay đổi chính thể là việc ngắn hạn. Thay đổi về giá trị mới là công việc trường kỳ. Sự thật là sức mạnh, ngay thẳng là chính sách tốt nhất, thành thật là châm ngôn chính trị: Đó là những giá trị mà người lãnh đạo phải tự un đúc cho mình để biến thành hành động.
Ai cũng biết: Bà Aung San Suu Kyi đòi cải tổ định chế. Nhưng cải tổ định chế phải đi song song với “cách mạng tinh thần”. Bởi vì, tựu trung, dân chủ là gì trong một nước Phật giáo còn nghèo và lạc hậu? Khởi đầu từ chữ “khổ” của Phật giáo, bà nói: “Chúng tôi nhìn dân chủ ở Miến Điện là làm sao diệt bớt khổ cho dân chúng. Chúng tôi không lý tưởng hóa dân chủ. Chúng tôi không nghĩ đến dân chủ như những định chế trừu tượng mà như là những gì có thể đem lại hạnh phúc và an vui cho nhân dân. Chúng tôi muốn một xứ sở trong đó pháp luật được tôn trọng, dân chúng được an ninh như người ta có thể hưởng được an ninh trên thế giới, trong đó người dân được khuyến khích và giúp đỡ về giáo dục để mở mang tầm nhìn, trong đó những điều kiện để thân tâm bình an được thúc đẩy. Chính vì vậy mà tôi có thể nói rằng từ bi là cốt lõi của phong trào chúng tôi - ý muốn mang lại an lành (relief) cho con người”. Từ bi, từ bi, từ bi... khái niệm căn bản đó của Phật giáo được hiện đại hóa, trẻ trung hóa. Từ bi phải đi đầu cải tổ dân chủ, và từ bi là giá trị tối cao: ý tưởng độc đáo chưa hề nghe ai nói. Chính xác, bà nói, dân chủ gồm ba yếu tố đồng thời cùng đi với nhau. Trước hết là một trạng thái tinh thần. Rồi hành động phù hợp với tinh thần đó. Rồi tìm cho ra tiến trình dẫn dắt từng bước đến cái viễn tượng vẽ ra trước mắt. “Không thể tách rời ba yếu tố đó ra khỏi nhau. Và như thế là quan điểm rất Phật giáo. Làm việc, hành động, và tự dựa vào mình. Atta hi attano natho. Tận cùng ta chỉ có ta để dựa vào mà thôi”.
Người ta hỏi: Nếu bắt buộc phải đặt một cái tên cho dân chủ ở Miến Điện, bà sẽ đặt tên gì? Vẫn thế, vẫn giá trị tâm linh lên đầu, vẫn giá trị tâm linh không tách rời khỏi chính trị, vẫn cách mạng chính trị đi liền với sức mạnh tâm linh, câu trả lời rất đơn giản, rất gọn, rất sắc: “Tôi chưa biết vì chúng tôi chưa khởi đầu dân chủ. Nhưng tôi muốn nghĩ rằng đó sẽ là một nền dân chủ với một khuôn mặt từ bi hơn. Một thứ dân chủ dịu dàng... dịu dàng vì mạnh hơn”.
Dịu dàng vì mạnh hơn... Bất cứ người nào khác nói, khó mà tin được. Nhưng Aung San Suu Kyi nói thì ta phải tin. Ai cũng thấy sức mạnh tỏa ra nơi người phụ nữ dịu dàng ấy. Và ai cũng biết sức mạnh ấy là sức mạnh tâm linh mà bà muốn cả dân tộc bà được giáo dục như vậy. Nói cho cùng, cái gì đã chiến thắng ở Myanmar nếu không phải là sức mạnh tâm linh? Sức mạnh của bất bạo động? Nơi bà, và có thể nói nơi cả ông Thein Sein. Nơi bà, triết lý Phật giáo và triết lý dân chủ hoàn toàn trùng hợp. Tương lai sẽ trả lời cho biết chặng đường mới của bà Aung San Suu Kyi có đem lại thành công như đã thành công trong chặng đường vừa qua không. Nhưng, có thể nói chắc chắn, dù thất bại, bất bạo động cũng sẽ vẫn là đường lối của người lãnh đạo ấy. Bởi vì không có đường lối nào khác hơn là hòa giải dân tộc. Mà hòa giải là tinh thần của Phật giáo. Dù ở Miến Điện, dù ở Việt Nam, Phật giáo không có vai trò nào khác hơn là hòa giải. Phật giáo Việt Nam đã đi trước bà Aung San Suu Kyi trong vấn đề hòa giải. Chưa làm được sứ mệnh đó không có nghĩa là sứ mệnh không còn. Kinh nghiệm Myanmar nằm ở trước mắt. Phật giáo Việt Nam lấy đó làm gương. Như đã lấy Gandhi làm gương năm pháp nạn.
GS.TS. Cao Huy Thuần
Giáo sư thỉnh giảng HVPGVN tại TP.HCM
1. Jean-Marie Muller, Gandhi appartient à notre avenir, www.nonviolence.fr/spip.php?article201.
2. Jean-Marie Muller, Gandhi appartient à notre avenir, www.nonviolence.fr/spip.php?article201.
3. Những câu trích dẫn từ đây về sau của Gandhi là lấy từ Gandhi on non-violence, http://sfr-21.org/gandhi-nonviolence.html.
4. Martin Luther King, Stride Toward Freedom, trong King on nonviolence, 1964, sfr-21.org/king-nonviolence.html.