Phần III: ĐĐ. Thích Giác Hoàng - Tinh Thần Bất Bạo Động Trong Phật Giáo

1. DẪN KHỞI

    Nhắc đến Phật giáo, ta thường nghĩ ngay đến một tôn giáo mà hai tính chất Từ Bi và Trí Tuệ luôn là sự dẫn khởi cho mọi hành động. Hai tính chất ấy được biểu hiện rõ ràng ở mọi khía cạnh trong tôn giáo này, từ vị giáo chủ, giáo lý, sinh hoạt Tăng đoàn, đời sống thường nhật của Phật tử xuất gia lẫn tại gia. Hiển nhiên, hai tính chất cốt yếu này được biểu hiện ở nhiều khía cạnh và đã đóng góp không ít cho nền văn minh của nhân loại trên nhiều phương diện như: Văn hóa, giáo dục, triết học, đạo đức,… 

    Ở một khía cạnh đóng góp khác, nhìn về quá trình hơn 2.600 năm từ khi Phật giáo xuất hiện đến nay, đóng góp của giáo lý Từ Bi và Trí Tuệ ấy được kết tinh dưới một hình thức và được thể hiện rõ nét trong đấu tranh để bảo vệ chân lý, bảo vệ quyền làm người qua “tinh thần bất bạo động”. Và quả thật không sai khi nhận định rằng “tinh thần bất bạo động” của Phật giáo đã đóng góp không nhỏ cho nhân loại, bởi tinh thần này đã giúp cho sử sách thế giới suốt hơn 2.600 năm qua bớt đi những trang sử đen tối với những cuộc chiến thảm khốc, ai oán, tang tóc. Tinh thần bất bạo động Phật giáo, bằng phẩm chất cao quý của mình là viên gạch xây dựng tòa hòa bình, là chất keo quyện khối hòa hợp-thống nhất, là tường thành chở che nhân loại và là bệ phóng cho những giá trị đạo đức tốt đẹp bay cao. Lịch sử thế giới luôn biến động, thăng trầm nhưng những quốc gia, triều đại được dựng xây trên tinh thần bất bạo động này luôn là những quốc giá thịnh vượng, thái bình, không giống như những đế chế được dựng lên bởi vó ngựa, lưỡi gươm của những cường quốc, song đời sống nhân dân sầu đau, thống khổ.

2. TINH THẦN BẤT BẠO ĐỘNG CỦA ĐỨC PHẬT

    Trong quá khứ, hiện tại và có lẽ còn rất lâu trong tương lai, chắc chắn sẽ không có một người nào, thậm chí không có một bậc vĩ nhân nào có đời sống mang tinh thần bất bạo động trọn vẹn như đức Phật.

    Ngay từ thời niên thiếu, tinh thần này đã được thể hiện rõ nét nơi đức Phật. Một lần khi tranh luận con hồng hạc bị thương bởi mũi tên của Devadatta bắn trúng thuộc về ai, đức Phật không dùng biện pháp tranh giành bằng tay chân, hay cãi vã như hầu hết trẻ em thường làm. Bằng lý luận rằng: “Sự sống thuộc về người yêu thương và bảo vệ sự sống”, đức Phật đã giữ lại được con hồng hạc bị thương và chăm sóc nó đến khi lành hẳn. Lý luận xuất phát từ lòng yêu thương và sự hiểu biết của đức Phật không những không làm mất hòa khí giữa ngài và hoàng đệ Devadatta mà còn làm an tâm cả vua Suddhodana và các cận thần khi sự vụ được đem ra xét xử trước triều đình. Nguyên tắc làm phát khởi lòng yêu thương và thể hiện nhận thức bằng triết lý bất bạo động được thể hiện rõ nét qua sự kiện này. 

    Sau khi thành đạo, tinh thần bất bạo động đã được thể hiện rất nhiều nơi Đấng Đạo Sư trên đường hành hóa của ngài. Một lần nọ, trước mùa an cư bốn tháng hai xứ Sakya và Koliya vốn là quê nội và quê ngoại của Phật đã xảy ra mối bất hòa. Nguyên nhân là do tranh giành nguồn nước từ dòng sông Rohini nằm giữa hai xứ. Từ việc tranh giành nguồn nước tưới tiêu từ con sông này mà 2 dân tộc từ thương thuyết đến tranh cãi nặng lời, rồi đến đấm đá. Cuối cùng binh đội hai nước dàn trận hai bên bờ sông. Tình thế trở nên gay cấn, sắp xảy ra chiến tranh. Hay tin đức Phật vội tức tốc đến nơi để dàn xếp cuộc tranh chấp. Ngài sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa các vương tử đại diện cho hai xứ Sakya và Koliya để thảo luận và tìm biện pháp hòa giải. Ngài chỉ rõ nguyên nhân tranh chấp bởi chịu ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, nên nước sông cạn. Vì vậy, nếu không khắc phục điều này mà để xảy ra chiến tranh thì chẳng những binh lính hai bên phải chết hoặc bị tàn phế thảm thương mà dân chúng và ruộng vườn của cả hai bên cũng sẽ bị thiệt hại không thể lường trước được. Biện pháp được ngài đề ra là cả 2 dân tộc cùng nhau chia tạm lượng nước ít ỏi để duy trì mùa màng. Nhân đây đức Phật cũng dạy rằng: “Vui thay, chúng ta sống /Không hận, giữa hận thù!/Giữa những người thù hận /Ta sống, không hận thù!”. “Vui thay, chúng ta sống /Không bệnh, giữa ốm đau!/Giữa những người bệnh hoạn /Ta sống, không ốm đau”. “Vui thay, chúng ta sống/Không rộn giữa rộn ràng/Giữa những người rộn ràng/Ta sống, không rộn ràng”. (Kinh Pháp Cú, 197-199). Nghe xong, 250 vương tử xứ Sakya và 250 vương tử xứ Koliya xin xuất gia theo Phật. Các vị vương tử rút binh về triều. Hai xứ Sakya và Koliya tái lập bang giao thân tình như cũ. Ở đây, ta thấy phương pháp đầu tiên được đức Phật đề ra là giải hòa bằng mối quan hệ huyết thống với cả 2 dân tộc Ngài, và hơn nữa là đạo sư của nhân dân 2 nước. Kế đến bằng uy đức, lòng từ bi và trí tuệ của mình đã trấn an rồi chỉ ra nguyên nhân tranh chấp, hậu quả nếu chiến tranh xảy ra. Cuối cùng đức Phật hòa giải nhân dân và binh lính 2 bên bờ sông bằng cách thuyết phục cả 2 dân tộc không hành động dẫn đến đổ máu. Qua lời khuyên ngài còn đánh thức suy nghĩ về giá trị mạng sống con người giữa các giá trị vật chất khác mà họ sở hữu.

    Đối với một vị lãnh đạo quốc gia, đức Phật luôn khích lệ nên lấy 10 vương pháp để vừa tự răn mình, vừa làm gương cho nhân dân và lúc nào cũng thuận theo lòng dân. Mười vương pháp luôn được đức Phật giảng thuyết như là các nguyên tắc chuẩn mực để một vị minh quân phấn đấu, hướng đến sự hoàn thiện nhân cách của một vị làm chủ quốc gia, đồng thời làm cho quốc gia ngày một hưng thịnh theo tinh thân vô trị nhi trị của Phật giáo: Bố thí (dana), đức hạnh (sila), hy sinh (paricagga), công bằng (ajjava), khổ hạnh (tapa), không oán hận (akkodha), bất hại (avihimsa), kham nhẫn (khanti), nhu hòa (maddava), thuận lòng dân (avirodha)(1)

    Qua các sự kiện trên, chúng ta có thể thấy rõ khía cạnh triết lý và thực tiễn của tinh thần bất bạo động đã được thể hiện trọn vẹn nơi đức Thế Tôn. Cuộc đời và những lời dạy minh triết của ngài về tinh thần bất bạo động chắc chắn sẽ là thông điệp thần kỳ thức tỉnh ý tưởng xâm hại nền hòa bình nhân loại. Từ hiện trạng bất ổn toàn cầu hiện tại thiết nghĩ thông điệp này nên được nêu cao như cố Thủ tướng Nehru đã từng nói: “Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông điệp của đức Phật sáng chói như vầng thái dương rực rỡ. Có lẽ không bao giờ thông điệp của Ngài lại thiết yếu hơn như trong thời đại của thế giới bom nguyên tử, khinh khí ngày nay. Hai ngàn năm trăm năm qua đã tăng thêm sanh khí và chân lý của thông điệp này. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông điệp bất diệt này và hãy cố gắng thi triển tư tưởng và hành động của chúng ta trong ánh sáng giáo lý của Ngài(2)

3. DẤU ẤN CỦA TINH THẦN BẤT BẠO ĐỘNG TIÊU BIỂU TRONG LỊCH SỬ THẾ GIỚI

    Năm 1999, Tổ chức Văn hóa Giáo dục Thế giới (UNESCO) đã chọn ngày đản sinh của đức Phật là ngày Hòa Bình Thế Giới. Chắc chắn sẽ có thắc mắc rằng, tại sao UNESCO không lấy ngày sinh của các vị giáo chủ các tôn giáo lớn khác mà lại lấy ngày sinh của đức Phật? Câu trả lời rất đơn giản, bởi ngoài thông điệp từ bi, hòa bình và trí tuệ của đức Phật, trong suốt hơn 2.550 năm truyền bá giáo lý của đức Thế Tôn, không một dòng sử đen tối nào được ghi lại trong lịch sử Phật giáo.

    Năm 1193, văn minh thế giới nói chung và Phật giáo thế giới nói riêng chịu tổn thất lớn, Nalanda một trong những trường đại học lớn nhất thế giới tính tới ngày nay nằm tại tiểu bang Bihar, Ấn Độ bị phá hủy bởi đoàn quân Thổ Nhĩ Kì do tướng Bakhtiya Khilji cầm đầu. Sự kiện này là điểm mốc đánh dấu chính thức sự  suy tàn của đạo Phật tại Ấn Độ. Sử gia Ba Tư Minhaj trong tài liệu the Tabaquat-l-Nasiri mô tả rằng có đến hàng ngàn tu sĩ Phật giáo đã bị thiêu sống và hàng ngàn người khác bị chặt đầu, khi Khilji nỗ lực nhổ tận gốc Phật giáo để ươm trồng Hồi giáo tại đây bằng sức mạnh thanh kiếm! Các thư viện kinh sách bằng bối diệp đã cháy trong nhiều tháng trường, khói đã làm tối đen các ngọn đồi thấp chung quanh Nalanda. Ngày nay, chính phủ Ấn Độ không có dự án khôi phục kiến trúc Đại học Nalanda, họ muốn giữ nguyên hiện trạng như vậy cho tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào mỗi khi đến đây tham quan, tận mắt chứng kiến tội ác hủy diệt văn hóa nhân loại, để từ đó tự thức tỉnh, rút ra một bài học kinh nghiệm quý báu cho bản thân, cho xã hội và cho nhân loại. Còn đối với cộng đồng Phật giáo cách đây hơn 9 thế kỷ thì như thế nào trước sự kiện đó? Cộng đồng Tăng sĩ cùng cư sĩ Phật tử tại Nalanda bấy giờ đã chọn biện pháp bất bạo động, bất chấp tổn thương về tài sản lẫn nhân mạng, bởi nếu đứng dậy, đấu tranh bằng gươm giáo thì sự hòa bình nếu được thiết lập thì có được lâu dài không, khi mà cuộc chiến mà người dân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ kia gây nên được họ gọi là “thánh chiến” để rồi họ chém giết điên cuồng để phục vụ lý tưởng thánh ấy của mình. Nợ máu rồi sẽ được trả bằng gì khác hơn là máu, oán thù chắc gì đã vơi đi hay sẽ chất chồng thêm. Phật giáo chấp nhận sự mất mát lớn lao ấy để hàng ngàn, hàng vạn nhân mạng không bị sát hại thêm, để Phật giáo tuy bị tổn thất nặng nề nhưng không đánh mất tinh thần từ bi và bất bạo động như đức Phật dạy “Hận thù diệt hận thù/ đời này không thể được /từ bi diệt hận thù/ là định luật ngàn thu” (Pháp Cú, 5).  

    Khoảng 4 thế kỷ sau (năm 1505), tại Sri Lanka vào đời vua Vira Parākramabāhu VIII (1484-1508) đang trị vì, người Bồ Đào Nha với hứa hẹn viện trợ quân sự để giúp vua chống lại những người Hồi giáo đối nghịch và làm thịnh vượng đảo quốc này từ việc giao thương, nên đã xâm lược Sri Lanka. Đồng hành cuộc xâm lược lãnh thổ đó là Công giáo La Mã. Các sử gia Sri Lanka và cả các sử gia Bồ Đào Nha thời đó đã mô tả họ tàn bạo, phi nhân đạo như thế nào. Quá trình đàn áp Phật giáo để áp đặt niềm tin của Công giáo La Mã vào tâm thức dân tộc Sri Lanka một cách khốc liệt. Bạo lực truyền giáo bắt đầu diễn ra khắp nơi. Những người dân muốn giữ chức quyền, phải theo Công giáo và rửa tội để lấy tên thánh. Những người giữ đạo Phật và bày tỏ chống đối đã bị đàn áp tàn nhẫn. Đã có những chuyện kể về người bị ném vào sông để cá sấu ăn thịt, các em bé bị chiến binh đâm lưỡi giáo và đưa ra trước mặt ba mẹ các em, trẻ em bị đè dưới đá trước mắt các bà mẹ và rồi các bà mẹ sau đó bị tra tấn tới chết. Những người theo Phật giáo công khai, hay dám mặc áo vàng tu sĩ là bị tử hình. Các chùa Phật giáo bị phá hủy, tài sản trong chùa bị cướp đi, thư viện bị đốt…(4) 

    Nỗi thương đau, sự tổn thất của Phật giáo lại tiếp tục leo thang. Vua Rājasinha I (1581-1592), con trai của Mayādunne, em của Bhuvenekabāhu VI, trị vì ở vùng Sitawaka trong khi người Bồ Đào Nha cai trị ở Kotte, thuyết phục dân tộc Tích Lan (Sinhalese) đưa quân tấn công người Bồ Đào Nha, thắng nhiều trận. Nhưng vua này trong cuộc tranh quyền nội bộ vương triều đã tự tay giết vua cha, nên mang mặc cảm tội lỗi. Rājasinha mới nhờ các vị sư giúp ông hóa giải mặc cảm tội giết cha. Khi nghe các sư nói rằng đó là tội cực nặng, trong năm tội vô gián, vua liền nổi giận, mới sang quy y các giáo sĩ Ấn Độ giáo phái Saivites, và trở thành kẻ thù của Phật giáo. Đức Pháp Chủ Phật giáo bị ném đá tới chết, nhiều vị sư khác bị chôn rồi bị cày đứt cổ. Một số vị sư khác bị đâm chết. Các chùa vùng này bị đập phá, kinh sách bị đốt.(3) 

    Phật giáo Sri Lanka tiếp tục chìm sâu vào đêm trường tăm tối, Tin Lành theo chân quân đội Hà Lan cũng xâm lược và truyền bá giáo lý trên đảo quốc này. Cả 2 tôn giáo cùng tôn thờ chúa Jesus này với sự tán trợ mạnh mẽ từ nước ngoài đã áp bức không tiếc thương Phật giáo. Quyền hành trong tổ chức nhà nước và của nhiều tổ chức xã hội thuộc về 2 tôn giáo này và hiển nhiên Phật giáo bị đàn áp, kỳ thị một cách nặng nề. Tình hình này kéo dài mãi cho đến tháng 5 năm 1950 khi tín đồ Phật giáo Sri Lanka thành lập “Liên Hiệp Phật tử Thế giới” (World Fellowship of Buddhists) tại Colombo với 29 quốc gia tham dự, sự kiện này là bước ngoặc đưa Phật giáo Sri Lanka sang một trang sử mới.(5)  

    Dấu ấn kế đến của tinh thần bất bạo động trong lịch sử thế giới là một sự kiện gần đây. Sự kiện này gắn liền với một người phụ nữ thấm nhuần giáo lý Phật giáo đó là bà Aung San Suu Kyi – đã cống hiến cả đời mình đấu tranh đòi quyền độc lập và dân chủ của Nhân dân Miến Điện từ tay chế độ độc tài quân phiệt. Người phụ nữ Miến với dáng người gầy gò mảnh khảnh này không những cương quyết trường kỳ tranh đấu cho dân chủ không những ở Miến Điện mà còn là ngọn đuốc thắp sáng cho thế giới. Bà đã được giải Nhân Quyền Rafto (Na Uy, 1990), giải Nhân Quyền Sakharov Tự Do Tư Tưởng (Quốc hội Âu Châu, 1991), giải Nobel Hoà Bình (Oslo, 1991). Năm 2012 khi viếng thăm Anh quốc, bà đã được danh dự đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Anh tại Wesminster. Trước bà, chỉ có Nữ hoàng Anh là phụ nữ duy nhất được danh dự này. Ngoài ra bà còn được trao tặng các giải Jawaharlal Nehru (Ấn Độ, 1992), và gần đây giải Congressional Gold Medal (Hoa Kỳ, 2008/2012) cùng với giải Presidential Medal of Freedom là huy chương dân sự cao quý nhất ở Mỹ. 

    Trước quá trình đấu tranh và những đóng góp không biết mệt mỏi cho nhân dân Miến Điện và thế giới như thế, hàng ngàn câu hỏi được đặt ra với nội dung tương tự rằng: Sức mạnh tinh thần mạnh mẽ không hề sợ hãi và lùi bước trước bạo lực quân phiệt của bà xuất từ đâu? Và lý do nào khiến bà và đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ chủ trương bất bạo động trong khi thế giới ngày càng phát sinh nhiều xu hướng cực đoan?

    Yếu tố đầu tiên đóng góp cho sức mạnh tinh thần kia chính là lòng yêu nước nồng nàn và yếu tố kế đến đóng góp không nhỏ cho tinh thần cũng như quá trình hoạt động chính trị của bà đó chính là Phật giáo. Bà là một Phật tử thuần thành, đệ tử của Ngài U. Pandita Sayadaw. Chồng bà là Michael Aris cũng là Phật tử, hai con Alexander và Kim, từ nhỏ đã được hướng dẫn sống theo tín ngưỡng Phật giáo.  Hàng ngày bà dành thì giờ thiền tập và tụng kinh. Phật giáo đã thấm nhuần trong gia đình bà, in đậm trong lối sống và cách nghĩ của bà. Chính vì lẽ này mà trên chính trường, Phật giáo cũng ảnh hưởng sậu đậm đến tư tưởng và hành động của bà.

    Tìm hiểu cuộc đời đấu tranh bất bạo động của bà ta thấy dấu ấn của giáo lý Từ Bi của Phật giáo khá đậm. Bà lấy Tâm từ làm trọng điểm cho cuộc đấu tranh. Tâm từ (Metta) trong Phật giáo là tình yêu vô vị kỷ, nó không đơn thuần chỉ là tình yêu hạn hẹp trong những mối quan hệ thân mật của người và người, mà là lòng ước muốn làm sao mang lại an lành hạnh phúc cho mọi chúng sinh không trừ một sinh vật nhỏ bé nào. Nhận thức rằng chỉ có tình yêu cao thượng như thế mới có tác động mạnh mẽ làm chuyển hóa được tâm thức của một bộ máy nhà nước quân phiệt kia và đưa nhân dân Miến từ yếu hèn vượt lên mọi sợ hãi để biến thành một sức mạnh vô song, chiến thắng được mọi áp bức. Có thể nói giáo lý Từ Bi của Phật giáo đã được bà Suu Kyi dùng như làm một vũ khí chống lại chế độ quân phiệt, vừa là chất keo nhào nặn sức mạnh tổng hợp của những người Miến đứng lên đòi lại quyền dân chủ của mình. Trước sự đàn áp và bạo lực từ phía quân đội ngày càng gia tăng, bà Suu Kyi đã chủ trương: “Càng bị đàn áp bao nhiêu, chúng tôi càng không bỏ con đường Từ Bi (Metta) của chúng tôi. Chúng tôi chủ trương tích cực hành động. Tích cực phát triển Từ Bi vào hành động”. Hành động là giai đoạn cuối cùng của phẫn nộ”. Phẫn nộ (kodha) trong Phật giáo được hiểu là một hình thức biểu lộ sự phản kháng của con người trước điều ác, bởi vì con người không thể sống như một sinh vật điếc mù câm, không nghe không thấy, không nói lên được cái đau cái khổ của chúng sinh. Bà Suu Kyi đã phẫn nộ nhưng cách phẫn nộ mà bà chọn cũng là cách phẫn độ mang đậm tính chất Phật giáo. Bà đã nhập cuộc xuống đường để cùng chia cái đau cái khổ ấy với tha nhân. Bà nói: “Tình yêu là hành động không phải là trạng thái yên lành. Không phải đơn giản là ngồi đó và gởi đi những tín hiệu yêu thương, mà phải biến tình yêu đó thành hành động”. Phẫn nộ đã được bà chuyển thành hành động, đặc biệt hành động là biểu hiện của tình thương yêu của con người mà không hề có chút căm thù hay uất hận.

     Có thể nói thành quả của cuộc đời hoạt động chính trị của bà Aung San Suu Kyi và những thành công mà Đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ có được là nhờ sự đóng góp rất nhiều của tư tưởng Phật giáo. Bà đã phát biểu rằng không có một điều gì trong ý niệm dân chủ mà người Phật tử có thể phản đối được. Bà hoàn toàn đặt niềm tin vào Phật giáo “nhập thế” (Engaged Buddhism) và với niềm tin này thực hành lòng từ bi đối với tất cả, ngay cả những người dùng bạo lực đàn áp mình. Ý niệm ấy thấm đẫm trong bà cũng như bao người dân Miến, được truyền dạy từ người mẹ khả kính của bà, được bà tôn trọng và giữ gìn suốt nhiều năm ở hải ngoại, đặc biệt từ lời dạy: “Phải luôn luôn sống trong tỉnh thức và chú tâm nói những gì đem lại hòa giải, chú tâm dùng lời ái ngữ” từ vị thầy khả kính của bà là Sayadaw U Pandita. Chính nhờ tinh thần này mà đau thương được biến thành hành động, sức mạnh tinh thần cá nhân được gắn kết tạo thành một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ. 

    Dù chỉ điểm qua vài điểm trong khoảng 26 thế kỷ tính đến ngày nay nhưng đủ để ta khẳng định tinh thần bất bạo động bắt nguồn từ giáo lý Từ Bi và Trí Tuệ của Phật giáo đã tạo nên một dấu son trong lịch sử nhân loại, đóng góp to lớn cho nền hòa bình thế giới. 

4. DẤU ẤN CỦA TINH THẦN BẤT BẠO ĐỘNG TIÊU BIỂU TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

     Du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ đầu công nguyên, giáo lý Phật giáo đã dần thấm đẫm vào tâm khảm người dân nước ta, lời dạy của đức Phật cùng chư vị Tổ sư đã hằn sâu trong lối sống và nếp nghĩ của người dân Việt. Vốn là một dân tộc hiền hòa nên tinh thần bất bạo của giáo lý Phật giáo cũng nhanh chóng được người Việt tiếp nhận. Vì thế, trên con đường đồng lao cộng khổ với dân tộc, từ thời kỳ lập quốc cho đến nay, trải qua suốt chiều dài lịch sử hơn hai ngàn năm, khi gian khó cũng như lúc vinh quang, tinh thần bất bạo động luôn có mặt, đóng góp vào sự nghiệp an dân, giữ nước cũng như đối phó với ngoại xâm. Dựa trên tinh thần bất bạo động ấy nên xuyên suốt các triều đại trong lịch sử trung đại Việt Nam, chính sách đối ngoại hàng đầu được đề ra luôn là chính sách bang giao hữu nghị, hòa giải. Khi ý định xâm lăng của ngoại bang manh nha thì tinh thần bất bạo động được thể hiện rõ nét qua những cuộc thương thuyết, hòa giải nhằm giữ yên giang sơn bờ cõi mà nhân dân không chịu cảnh máu đổ đầu rơi. 

    Trong số các vị minh quân của dân tộc, có lẽ đại diện tiêu biểu, nổi bật nhất cho tinh thần bất bạo động chính là Trần Nhân Tông – một vị vua anh minh kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, một vị Tổ sư khai sáng một dòng thiền mà nhân dân Việt Nam cung kính gọi Ngài là Phật Hoàng. Đất nước dưới thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông trị vì dẫu trải qua 2 lần chống sự xâm lâm của đế quốc Nguyên Mông, nhưng bằng trí tuệ được thắp sáng với đời sống trầm mặc đậm nét Phật giáo, Ngài đã thấy biết và dự liệu chính xác mọi việc sẽ xảy ra và tùy theo đó giải quyết tốt đẹp nhất. Điển hình là chính sách “vườn không nhà trống”, vừa hạn chế đến mức thấp nhất về tổn hại tài sản, vừa giảm bớt sinh mạng bị sát hại của cả ta và địch. Vào thời bình, tinh thần bất bạo động trong chính sách trị quốc biểu hiện qua sự cảm thông, khoan dung được Trần Nhân Tông thể hiện một cách đáng khâm phục. Đánh thắng giặc Nguyên xong, tịch thu được tráp trong đó có sớ đầu hàng của các quan văn võ, vua Trần Nhân Tông không cho truy cứu mà bảo đem đốt sạch. Cách làm này để khép lại quá khứ, bình định hoàn toàn mọi bất ổn của triều đình sau buổi ly loạn, đồng thời việc làm này còn xây dựng triều đình hướng đến tương lai. Qua cách giải quyết những vấn đề cả đối nội lẫn đối ngoại của Trần Nhân Tông cho thấy nhà vua thể hiện tinh thần bình tĩnh vô cùng và giải quyết việc hoàn toàn sáng suốt, lại thêm có đức tính nhân hậu, từ ái, khoan dung là những biểu hiện đặc sắc của tinh thần bất bạo động.

    Lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại, cách đây đúng 50 năm, đã ghi lại những sự kiện mà hơn hai nghìn năm hiện diện trên quê hương, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam phải đối diện với những đe dọa và thách thức trầm trọng như thế. Đó là giai đoạn mà Phật Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng lớn.

    Sau gần 100 năm bị đô hộ, Phật giáo Việt Nam kiệt quệ nhiều mặt dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Chùa chiền, tự viện bị đốt phá và hư sập do hậu quả chiến tranh, những cơ sở còn được trưng dụng với mục đích khác. Công giáo theo gót chân của kẻ xâm lược cũng xâm nhập vào nước ta và nương vào thế lực thực dân đàn áp mạnh mẽ Tăng Ni và đồng bào Phật tử. Đặc biệt, sau khi lên ngôi vị Tổng thống năm 1955, gần một thập niên, Ngô Đình Diệm cùng chính quyền độc tài đã kỳ thị, đàn áp tàn bạo, khống chế, ngăn cấm hầu hết mọi lãnh vực sinh hoạt cũng như công quyền của đồng bào Phật tử, thậm chí dùng đủ mọi biện pháp để khống chế và tiêu diệt Phật giáo đến tận cùng.  Trước cuộc đàn áp ấy, những nhà lãnh đạo Phật giáo miền Nam sau khi phân tích tình hình thực tế cụ thể đã khẳng định phương thức “bất bạo động” sẽ được áp dụng trong cuộc đấu tranh chống chính sách kỳ thị tôn giáo của Chính quyền Ngô Đình Diệm thông qua Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam ngày 10-5-1963.

    “Chúng tôi ý thức được chúng tôi đang trong hoàn cảnh mà chính trị và quân sự cực kỳ phức tạp. Chúng tôi, hơn thế nữa, phải thể hiện tư tưởng của Phật giáo ngay trong cuộc đấu tranh của chúng tôi. Vì những lý do đó, chúng tôi chấp nhận một sự hi sinh đến cùng độ và lấy sự hi sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển đến tận lòng người chứ không phải rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố một cách minh bạch rằng, những tăng sĩ của Phật giáo là những người sẵn sàng noi gương Gandhi, vị Thánh của sức mạnh “bất bạo động”, chính phủ chỉ nên nghĩ đến điều ấy hơn là nhọc lòng nghĩ đến Phật giáo đồ được huy động… Chúng tôi, với phương pháp “bất bạo động”, sẽ đấu tranh trong phạm vi hợp pháp được ngần nào tốt ngần đó. Nhưng tinh thần và phương pháp “bất bạo động” không chỉ có thế, nên chúng tôi sẵn sàng hi sinh đến cùng theo phương pháp này(6)

    Dù Tăng Ni và Phật tử miền Nam biết trước là phải “chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ”, nhưng họ vẫn tin tưởng rằng sự hy sinh ấy sẽ làm rung động đến tận lòng người, chứ không chỉ rung động chính sách mà thôi. Tuy chính quyền Ngô Đình Diệm đã thi hành một chính sách đàn áp hết sức dã man và vô cùng quyết liệt, gây chết chóc không biết bao nhiêu sinh mạng, làm bị thương tật hoặc bị tàn phế vĩnh viễn không biết bao nhiêu con người vô tội, nhưng Tăng Ni, Phật tử và đồng bào miền Nam quyết không chịu lùi bước. Thay vì nổi dậy chống lại chế độ Ngô Đình Diệm bằng đấu tranh vũ trang thì cộng đồng Phật giáo Việt Nam lại thể hiện tinh thần Bồ-tát được nhắc đến trong Thập Địa Kinh Luận: “Một vị Bồ-tát không được sử dụng vũ khí bất kỳ hình thức nào, không hận thù và không được giết hại sinh vật, thậm chí ngay trong tư tưởng, tinh thần bất bạo động…Ahiṃsā là một phẩm hạnh cao quý nhất của Bồ-tát nhằm kiêng cữ gây tổn hại đến chúng sinh(7). Khái niệm vô công dụng hạnh (anābhoga) của Phật giáo Đại thừa đã được áp dụng triệt để lúc bấy giờ, giới Phật giáo bằng trí tuệ nhìn thấu khắp nỗi khổ của quốc gia, dân tộc, đã vì từ bi cao thượng vận dụng hết mọi khả năng của mình đấu tranh bằng hình thức bất bạo động mong cứu vãn không chỉ Phật giáo mà cả nhân dân miền Nam thoát khỏi tình trạng khủng hoảng thời bấy giờ.

    Phương pháp nổi bật nhất trong phong trào đấu tranh bất bạo động tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là phát nguyện tự thiêu của Phật tử xuất gia lẫn tại gia, mà nhân vật tiêu biểu nhất và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đó là HT. Thích Quảng Đức. Ngọn lửa của HT. Thích Quảng Đức, đã làm “rung động đến tận lòng người”, châm mồi lửa cho cuộc vùng dậy chấm dứt bạo quyền. Nhận định về sự kiện này, GS. Trần Văn Giàu viết rằng: “Kết tinh trong một vị chân tu những nỗi căm hờn đối với một chế độ độc tài cá nhân gia đình trị, vô nhân đạo và bạo ngược, hành động dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức là một bản án không gì bôi được với chế độ bù nhìn của Mỹ ở Sài Gòn, đồng thời là một lời kêu gọi đồng bào Phật tử đấu tranh chống phát-xít, dù chết không chịu lùi bước. Thật không phải thường có những cái chết kích động nhân tâm sâu sắc và rộng rãi như cái chết của Hòa thượng Thích Quảng Đức(8)

    Sự kiện vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức không chỉ tạo được sức mạnh góp phần cô lập cao độ chính quyền Ngô Đình Diệm, đẩy chính quyền này đi đến chỗ sụp đổ mà còn tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng quốc tế. Trong cuốn “The New Face of War”, Malcoln W. Brown viết: “Vụ Phật giáo năm 1963 đã làm chấn động các quốc gia ngoài châu Á kể từ khi xảy ra vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Bỉ, Úc, Đức... Tấm hình tự thiêu của Hòa thượng đã được phổ biến khắp nơi thế giới từ trên bàn giấy của Tổng thống Hoa Kỳ tới văn phòng các lãnh tụ Trung Cộng và chính nước cộng sản này đã cho in ra hàng triệu tấm hình ấy để phân phát đi khắp Á Phi với lời ghi chú: “Một tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tự thiêu trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ-Diệm(9)

    Hành động vị Pháp thiêu thân của HT. Thích Quảng Đức không nằm ngoài giáo lý Phật giáo. Hành động bảo vệ chánh pháp và thể hiện tinh thần yêu nước, cứu vãn tình hình chính trị, xã hội cũng như đời sống nhân dân miền Nam lúc ấy phù hợp với lời Phật được đề cập đến trong Phẩm Dược Vương Bồ Tát thứ 23 trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Đối Trị thứ 3 trong Kinh Đại Phương Tiện Báo Ân. Chính đại nguyện to lớn này và kết quả của “trái tim bất diệt” mà HT. Thích Quảng Đức đã được Phật tử và cả đồng bào cả nước kính trọng gọi bằng Bồ-tát Thích Quảng Đức.

4. LỜI KẾT

    Gắn bó hơn 2.600 năm với lịch sử nhân loại, tinh thần bất bạo động Phật giáo đã đóng góp không ít cho nên hòa bình nhân loại. Là phương pháp không mất nhiều chi phí để trang bị vũ trang và quân đội, nhưng bất bạo động lại mang lại thành công rất lớn trong việc thiết lập hòa bình, hòa giải và giảm thiểu chiến tranh. Bởi bất bạo động là sức mạnh của tinh thần phát khởi bằng nội lực tâm Từ Bi, lòng yêu thương vô phân biệt đối với tất cả chúng sanh và Trí Tuệ thấu rõ bản chất của vạn hữu. Với sự hiểu biết này, mọi đấu tranh đều là vô nghĩa. Trên nền tảng Trí Tuệ ấy, mục đích của bất bạo động xác định không phải là việc chiến thắng kẻ thù mà hơn hết là làm phát khởi tình yêu thương, trân quý cuộc sống trong tâm hồn mọi người và sự thấu hiểu. Tinh thần này được thể hiện cụ thể qua lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú

        “Nó mắng tôi, đánh tôi,

        Nó thắng tôi, cướp tôi

        Ai ôm hiềm hận ấy,

        Hận thù không thể nguôi”.

                (Pháp Cú, 3).

        “Nó mắng tôi, đánh tôi,

        Nó thắng tôi, cướp tôi,

        Không ôm hiềm hận ấy,

        Hận thù được tự nguôi”.

                (Pháp Cú, 4).

    Chính vì lẽ đó mà trải qua hơn 2.600 năm tinh thần bất bạo động Phật giáo vẫn thể hiện sống động, vẫn là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ sự sống, bảo vệ hành tinh và được nhiều người, nhiều tổ chức và quốc gia ủng hộ và thực hành.

ĐĐ. Thích Giác Hoàng

Học viện PGVN tại TP.HCM  


1. Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Lộc vương hoan hỷ, số 385. Chuyện Hiếu tử Sama, số 540. Chuyện Đại vương Janasandha, số 468. Chuyện Đại thiên nga, số 534. Xem thêm kinh Tăng nhất A-hàm, quyển số 42, kinh số 7.  大 正 新 脩 大 藏 經 第 三 十 二 冊 No. 1673 勸 發 諸 王 要 偈, 龍 樹 菩 薩 撰.    

2. HT. K. Sri Dhammananda, Tỳ-kheo Thích Tâm Quang dịch, Phật giáo dưới mắt nhà trí thức, http://www.budsas.org/uni/u-pg-trithuc/pgtrithuc01.htm.  

3. Xem H.R. Perera, Buddhism in Sri Lanka A Short History, http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/perera/wheel100.html#sect-26....  

4. Sđd.     

5. Sđd.    

6. Lê Cung. Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963. Nxb Thuận Hóa. Huế 2003, tr.229.    

7. “A Bodhisattva does not use weapons of any kind. He does not hate any being, and cannot kill a living creature even in thought… Ahiṃsā (not killing) is indeed the highest virtue. From all these motives and considerations, a Bodhisattva abstains from taking the life of any living being”. H. Dayal, The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, tr. 199.    

8. Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.    

9. Hoàng Xuân Hào, Phật giáo và Chánh trị tại Việt Nam ngày nay, Quyển I (Luận án Tiến sĩ Luật khoa – Ban Công pháp), Trường Đại học Luật, 1972, tr. 266.    
 

 
00:00