DẪN NHẬP

I. Sự cần thiết của việc nghiên cứu văn học Pàli:

    Văn học Pàli Thượng tọa bộ là một trong số các nguồn văn liệu đặc biệt quan trọng của Phật giáo. Quan trọng bởi nguồn gốc lịch sử khá ổn định của nó và bởi nó là nguồn văn liệu được gìn giữ kỹ lưỡng và đầy đủ nhất trong số các văn liệu sớm nhất của đạo Phật. Theo các sử liệu Tích Lan Dìpavamsa, Mahàvamsa và thông tin sớ giải Samantapàsàdikà thì toàn bộ Tam tạng (Tipitaka) Kinh, Luật, Luận Phật giáo được đúc kết tại cuộc hội nghị kiết tập lần thứ ba tổ chức dưới triều đại Asoka đã được Mahinda đưa vào Tích Lan (Sri Lanka) cùng lúc với sự mở rộng của Phật giáo sang xứ sở này. Sự xuất hiện của đạo Phật ở Tích Lan  thế kỷ thứ ba trước Công nguyên đã nhanh chóng biến đất nước này thành một đảo quốc Chánh pháp (Dhammadìpa) và sau đó trở thành căn cứ địa vững chắc của Phật giáo Thượng tọa bộ mãi cho đến tận ngày nay. Từ Tích Lan, Phật giáo Thượng tọa bộ lần lượt mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó sang một số các quốc gia Đông Nam Á như Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và Lào.

    Tấm lòng mến mộ Phật pháp của dân chúng Tích Lan và tính hải đảo của xứ sở này đã không ngừng làm nở hoa cho vườn văn học Pàli và giữ cho nó một hương sắc khá độc lập, ít bị pha trộn bởi lý do này hay lý do khác, dù rằng họ phải thường xuyên đối mặt với quân xâm lược Tamil rồi sau đó đến lượt người Bồ Đào Nha, Hà Lan và người Anh. Có thể nói rằng cùng gốc với tạng Pàli thuộc Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravàda), ta có tạng Sanskrit thuộc phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàda).(1) Tuy nhiên chỉ một mình tạng Pàli là còn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, trong khi tạng Sanskrit phần lớn đã biến mất, chỉ trừ vài đoạn được tìm thấy ở Trung Á, một ít được phát hiện ở Nepal và một số văn liệu Gilgit được khám phá cùng với những bản dịch Trung Hoa và Tây Tạng. Như vậy văn học Pàli đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ văn học Phật giáo bởi nguồn gốc cổ xưa của nó và bởi sự nguyên vẹn nó giữ được cho đến tận ngày nay. Việc nghiên cứu một nền văn học cổ xưa mang bản sắc khá độc lập như vậy không những cung cấp nhiều cứ liệu quan trọng về đạo Phật ở những thời kỳ đầu của nó cùng nhiều sự kiện lịch sử liên quan mà còn giúp soi sáng nhiều vấn đề Phật học có nguồn gốc tương đồng được viết bằng tiếng Sanskrit nhưng bản gốc đã không còn mà chỉ tồn tại các bản dịch Tây Tạng và Hán ngữ.

II. Cơ sở khảo cứu hay các nguồn tài liệu:

    Để tìm hiểu một vấn đề có nguồn gốc lịch sử khá lâu đời và có quá trình phát triển lâu dài với một quy mô rộng lớn như văn học Pàli thì vấn đề sưu tầm và xử lý tài liệu đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tổng hợp cho đủ các tài liệu khả dĩ cho vấn đề đã là chuyện khó, nhưng xử lý các nguồn tài liệu lại càng khó hơn, nhất là về phương diện xác định và sắp xếp niên đại các nguồn tài liệu liên quan. Thật khó tưởng tượng được một công trình nghiên cứu hoàn bị về văn học Pàli, nếu thiếu vắng các thông tin cần thiết và không xử lý tốt các nguồn tài liệu. O. V. Hinuber đã ý thức rất rõ vấn đề này.(2) May mắn thay, ‘đã có một số tài liệu văn học khá phong phú về Pàli tạng – một kết quả nhờ công lao khó nhọc của Hội Pàli Text Society về vấn đề ấn hành các nguyên bản Pàli tạng,(3) nhờ đó nhiều vấn đề liên quan đến Phật giáo Nguyên thủy và văn học Pàli được giải quyết. Do đó, mặc dù còn phải tiếp tục xem xét và đối chứng với các tư liệu chưa được khảo sát, nhiều công trình biên tập, dịch thuật và nghiên cứu tiên phong của các học giả Pàli đã đóng góp rất lớn cho công tác này và gợi mở nhiều vấn đề. Có nhiều nguồn tài liệu khác nhau cần được tiếp cận và xem xét liên quan đến công tác khảo sát văn học Pàli. Ở đây chúng ta lưu ý đến một số tài liệu sau đây:

    1. Tam tạng Pàli, bao gồm các bản gốc và các bản dịch. Có thể nói rằng đây chính là nguồn thông tin lớn nhất và căn bản nhất để khảo sát về văn học Pàli về cả hai phương diện, văn học sử và văn học. Bởi văn học Pàli căn bản xuất phát từ hoạt động thuyết pháp của đức Phật, nghĩa là những cuộc nói chuyện hay thuyết giảng của ngài cho các hàng thính chúng đương thời sau đó được các đệ tử học thuộc lòng và ghi chép lại thành các “sutta” hay bài kinh, tài liệu Kinh tạng Pàli cung cấp nhiều thông tin quan trọng, không những về phương diện giáo lý, nghệ thuật biểu đạt, mà còn về nhiều phương diện khác mang tính lịch sử và thời sự của xã hội Ấn Độ. Chẳng hạn, tìm hiểu hai bài kinh đầu tiên của tuyển tập Trường bộ (Dìgha Nikàya), kinh Phạm võng (Brahmajàlasuttanta) và kinh Sa môn quả (Sàmannaphalasuttanta), chúng ta sẽ có được nhiều thông tin quan trọng về Phật giáo, như giáo lý Duyên khởi (Paticcasamuppàda) hay cái nhìn trí tuệ thoát ly tham ái chấp thủ được nhấn mạnh (kinh Phạm võng), phương pháp tu tập căn bản của đạo Phật được hệ thống hóa và trình bày khá đầy đủ dưới hình thức Giới-Định-Tuệ (kinh Sa môn quả), cùng nhiều thông tin quan trọng khác, như 62 quan điểm tư tưởng triết học của các tư tưởng gia đương thời (kinh Phạm võng), danh tánh và khuynh hướng tư tưởng của sáu vị đạo sư tiêu biểu cho các trường phái du sĩ lúc bấy giờ (kinh Sa môn quả), vua Ajàtasattu, người chiếm đoạt ngai vàng Magadha sau khi phế truất cha mình là Bimbisàra, lần đầu tiên yết kiến đức Phật và trở thành đệ tử ngài, các phong tục, tập quán và nhiều hoạt động khác của quần chúng và các giáo phái tu sĩ đương thời (kinh Phạm võng và kinh Sa môn quả).

    Luật tạng Pàli là một nguồn tài liệu khác thuộc văn tạng Pàli mà chúng ta không thể bỏ qua, nếu muốn biết rõ ít nhiều về tiểu sử đức Phật, về những bước đầu công tác truyền giáo của ngài, sự thành lập Tăng già, quá trình phát triển của Tăng già đi đôi với hoạt động thuyết giảng và sự thiết lập giới luật của đức Phật, nguồn gốc và sự phát triển của hệ thống giới luật tu viện Phật giáo… Đặc biệt tài liệu nói về hai cuộc kiết tập đầu tiên lưu giữ trong thiên Cullavagga cung cấp cho chúng ta các thông tin quan trọng về tình trạng sinh hoạt của các đệ tử đức Phật sau khi ngài nhập diệt, ý thức của họ về việc bảo vệ và gìn giữ giáo pháp của ngài và tình hình văn học Pàli ở các thời kỳ này. Ngoài các thông tin mang tính lịch sử, Luật tạng Pàli còn là nguồn tài liệu văn học phong phú. Trong công trình khảo cứu tôn giáo và xã hội Ấn Độ cổ đại dựa vào tài liệu Luật tạng Pàli có tựa đề “The Age of Vinaya”, Giáo sư G. S. P. Misra nêu nhận xét: “Luật tạng không phải là một bộ luật tu viện hoàn toàn khô khan chỉ nhắm vào các luật lệ của các tu sĩ, mà nó cũng là một văn bản mang nhiều tính chất văn học. Đúng hơn, có thể gọi nó là một mảng văn học. Luật tạng gợi ý tưởng về một lịch sử lâu dài của các hoạt động văn học và sự nỗ lực trong việc tạo ra lịch sử ấy. Đôi khi, các diễn đạt của Luật tạng khiến chúng ta nhớ lại nền văn học của một thời nguyên thủy xa xưa”.(4)  Đa số các học giả đều nhất trí rằng Kinh tạng và Luật tạng Pàli là các tài liệu quan trọng nhất cho công tác nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy.(5)

    Luận tạng Pàli cung cấp nhiều thông tin về xu hướng phát triển của tư tưởng Phật giáo khoảng vài thế kỷ sau khi đức Phật nhập Niết bàn, cũng đồng thời cho thấy khuynh hướng phát triển của văn học Pàli thời kỳ này mà Tiến sĩ N. Dutt gọi là sự cố gắng của các cựu tông phái (Thượng tọa bộ và Nhất thiết hữu bộ) để theo kịp đà phát triển của tư tưởng.(6) Tỷ kheo Thích Minh Châu cho rằng Luận tạng hay Abhidhamma là cả một sự cố gắng hệ thống hóa những lý thuyết và phương pháp tiềm tàng và rải rác trong Kinh tạng.(7) Giáo sư T. W. Rhys Davids đã cố dẫn ra nhiều chứng cứ trích từ các tuyển tập Nikàya của tác phẩm Kathàvatthu và đi đến kết luận rằng vào thời điểm tác phẩm Kathàvatthu được siên soạn thì cả năm bộ Nikàya đã có mặt.(8) Nỗ lực của Rhys Davids về phương diện này, một mặt nói rõ sự kế thừa Kinh tạng của các tác phẩm Luận tạng, mặt khác giúp xác định niên đại của một số tuyển tập Kinh tạng, nếu ta chấp nhận tài liệu Tích Lan cho rằng tập Kathàvatthu được biên soạn bởi Tissa Moggaliputta trong khoảng thời gian diễn ra cuộc hội nghị kiết tập lần thứ ba tổ chức dưới triều đại Asoka. Ngoài ra, giai đoạn Luận tạng được xem là giai đoạn ‘chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tông phái mới và cả sự phát triển mới mẻ của những tông phái cũ’.(9) Do đó ‘Abhidhamma hay Luận tạng thực sự là một sự hệ thống hóa và phát triển các giáo lý Kinh tạng theo quan điểm bộ phái.(10) Từ quan điểm này, Tiến sĩ N. Dutt cho rằng sự phát triển văn học Abhidhamma không những để kiện toàn quan điểm riêng biệt của bộ phái, mà cũng để công kích quan điểm của đối phương.(11)

    2. Các biên niên sử Tích Lan, cơ bản là hai tác phẩm Dìpavamsa và Mahàvamsa. Theo khảo cứu của các học giả chuyên môn thì Dìpavamsa là tác phẩm Pàli đầu tiên xuất hiện ở Tích Lan khoảng thế kỷ thứ tư và Mahàvamsa được xem do Mahànàma biên soạn khoảng cuối thế kỷ thứ năm.(12) Hai tác phẩm này chủ yếu nói về lịch sử Phật giáo Tích Lan nhưng cung cấp nhiều thông tin liên quan đến lịch sử Tăng già Phật giáo bắt đầu từ cuộc hội nghị kiết tập lần thứ nhất ở Ràjagaha kéo dài cho đến thời kỳ các hoạt động của Tăng già Tích Lan thế kỷ thứ năm hoặc thứ sáu Tây lịch. Như vậy, các tài liệu này giúp củng cố thêm lịch sử Phật giáo Ấn Độ sơ khởi như được đề cập ở Luật tạng Pàli về hai kỳ kiết tập đầu tiên ở Ràjagaha và Vesàli, cùng lúc cung cấp thêm thông tin về cuộc hội nghị lần thứ ba được tổ chức ở Pàtaliputta dưới thời Asoka đi kèm với sự kiện truyền giáo vĩ đại mà bằng chứng đã được xác nhận rõ ràng qua sự hiện diện của đạo Phật ở Tích Lan và các chứng cứ phát hiện được ở Sànchì.(13) Các thông tin này có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với công tác khảo chứng về tình hình văn học Phật giáo từ khởi nguyên cho đến dưới thời Asoka. Ngoài ra, Mahàvamsa còn cung cấp cho chúng ta một thông tin quan trọng khác liên quan đến lịch sử phát triển của văn học Pàli, đó là sự kiện Tam tạng kinh điển lần đầu tiên được chép thành văn bản ở Tích Lan, vào cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, dưới triều vua Abhaya Vattagàmini, đánh dấu thời kỳ văn học thành văn của văn hệ Pàli.  

    3. Tác phẩm Milindapanha, được xem là xuất hiện ở Bắc Ấn khoảng thế kỷ thứ nhất Tây lịch. Tác phẩm là cuộc đàm luận Phật pháp giữa vị vua Hy Lạp Menander đồn quân ở Tây Bắc Ấn Độ (khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên) và Tỷ kheo Nàgasena. Dù việc trần thuật mang nhiều nét hư cấu, câu chuyện Tỷ kheo Nàgasena thông minh xuất chúng, nắm bắt đầy đủ Tam tạng Kinh, Luật, Luận và nỗ lực tham cứu thêm các sớ giải (atthakathà) cho thấy sự hiện diện đầy đủ và phát triển của văn học Phật giáo sau thời Asoka. Thông tin này thật cần thiết vì nó bổ khuyết cho chúng ta về lịch sử Phật giáo Ấn Độ sau thời Asoka mà các sử liệu Tích Lan không đề cập và về tình hình các hoạt động Phật giáo nói chung thường được xem là không mấy sáng sủa dưới các vương triều Sunga. Thông tin về các Tỷ kheo chuyên môn nắm bắt từng bộ kinh Nikàya được đề cập trong tác phẩm giúp củng cố thêm chứng cứ về truyền thống tụng đọc và học thuộc lòng của các tỷ kheo như được nói đến trong Kinh tạng và Luật tạng Pàli.

    4. Các công trình chú giải của luận sư Buddhaghosa, bao gồm tác phẩm Visuddhimagga và các sớ giải khác. Có thể nói rằng rất nhiều thông tin quan trọng về Phật giáo Thượng tọa bộ được tìm thấy trong các tác phẩm của Buddhaghosa. Ngoài các chú giải quan trọng về giáo lý góp phần cho lịch sử phát triển văn học Pàli và mở đường cho công tác chú giải tiếp tục phát triển về sau, các công trình của Buddhaghosa cung cấp nhiều thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động văn học của các tỷ kheo Ấn Độ cũng như Tích Lan. Chẳng hạn, lịch sử phát triển và truyền bá Phật pháp từ Ấn Độ sang Tích Lan bắt đầu từ sự kiện kiết tập Ràjagaha cho đến lúc Phật giáo được giới thiệu và thiết lập vững chắc ở Anuràdhapura nhờ công lao truyền bá to lớn của Mahinda (Samantapàsàdikà); sự kiện kết tập lần thứ nhất, sự hình thành các trường phái những nhà tụng đọc (bhànakà) nhằm mục đích gìn giữ và truyền bá các Nikàya và Luật tạng (Sumangalavilàsinì); quan điểm về nguồn gốc ngôn ngữ Pàli (Papancasùdanì); sự tiếp nối truyền thống tụng đọc của các tỷ kheo Tích Lan về sau (Visuddhimagga)…

    5. Các bi ký Bahurt và chỉ dụ Asoka, cung cấp một số thông tin mang tính lịch sử về văn học Pàli. Ví dụ, Buhler lưu ý tới sự xuất hiện của từ ‘petakì’ (nghĩa đen là người nắm bắt các tạng (kinh hay luật) hay một Tỷ-kheo thông thạo một hay nhiều tạng) trong các bi ký Bharhut, gợi ý rằng các bản kinh đã được biên soạn trước khi bi ký này được khắc.(14) Chỉ dụ Bhabrù nêu sự kiện Asoka chọn ra bảy bản kinh Phật và khuyên tất cả tăng ni và Phật tử nỗ lực học tập mà nay ta thấy gần như đồng nhất với bảy bản kinh thuộc Kinh tạng Pàli nói rõ sự kiện rằng văn học Kinh tạng Pàli trở nên phổ biến và chiếm ưu thế dưới thời Asoka. Giáo sư Rhys Davids nói rằng ‘chúng ta không có chứng cứ về sự hiện diện của bất kỳ văn học Phật giáo nào khác vào thời kỳ này.’(15)

    6. Văn tạng Nhất thiết hữu bộ, bao gồm các bộ A hàm, Luật tạng và các bộ Luận. Mặc dù không giống nhau hoàn toàn, văn tạng Nhất thiết hữu bộ và văn tạng Thượng tọa bộ được xem có chung nguồn gốc. “Từ lâu, các sử gia tin rằng Tam tạng bằng tiếng Sanskrit được kiết tập song song đồng thời với Tam tạng bằng tiếng Pàli. Trong ý hướng đó, J. Przyluski cho rằng ‘Thánh điển đầu tiên biên soạn bằng tiếng Magadhi. Khi Thượng tọa bộ và Hữu bộ củng cố xong cứ địa tại các vùng Kausambì và Mathura, bộ phái nào cũng sẵn có trong tay một ngôn ngữ văn chương riêng dùng vào việc truyền bá và gây uy tín cho mình. Vì vậy, thánh điển được dịch ra tiếng Sanskrit tại Mathura và tiếng Pàli tại Kausambì.’ L. De La Vallée Poussin xác đáng hơn, cho rằng ‘Trong khi các giáo hội vùng Kausambì, Sànchì, Malava khai nguyên Tam tạng bằng tiếng Pàli, thì các giáo hội vùng lưu vực sông Yamuna và Tây-Bắc Ấn, nương theo ngôn ngữ thời thượng của địa phương, biên soạn lại các kinh văn khẩu tụng xưa bằng tiếng Magadhi ra tiếng Sanskrit, và trong công cuộc này hẳn phải có ít nhiều tham chiếu với kinh văn Pàli kiết tập tại Kausambì, Sànchì và Malava. Đại công trình này bắt đầu một cách đáng kể trước kỷ nguyên Tây lịch và còn tiếp tục lâu dài về sau.’”(16) So sánh toàn bộ hai bản văn Kinh Trung bộ chữ Pàli và Kinh Trung A hàm chữ Hán, Tỷ kheo Thích Minh Châu luận chứng rằng ‘tỷ lệ cao những điểm tương đồng giữa hai bản kinh chữ Hán và Pàli, sự hiện diện nhiều đoạn văn khác nhau chứng tỏ rằng đã có một nguồn gốc chung cho cả hai bản dịch Pàli và chữa Hán; và căn bản chung ấy không chỉ về lý thuyết mà còn về hình thức văn bản… Tất cả điều này chứng tỏ đã hiện hữu một tạng kinh cổ, có lẽ là tạng kinh Magadhi đã mất mà học giả Winternitz đã nói đến trong tác phẩm Lịch sử văn học Ấn Độ.’(17) Quan điểm của các học giả trên gợi ý tưởng rằng một sự so sánh tỷ giảo về hai văn tạng Thượng tọa bộ và Nhất thiết hữu bộ sẽ gợi mở nhiều điều bổ ích, nhất là về phương diện lịch sử văn bản học và văn học Pàli cũng như văn học Sanskrit mà hầu hết chỉ hiện diện dưới hình thức bản dịch chữ Hán. 

    7. Văn học Vệ đà-Bà là môn giáo, cho thấy tính kế thừa có sáng tạo của văn chương Phật giáo và sự khác biệt cơ bản giữa tư tưởng Vệ đà-Bà la môn và tư tưởng Phật giáo. Ai cũng biết rằng về phương diện tư tưởng triết học, Phật giáo hoàn toàn đối lập với Bà la môn giáo. Tuy nhiên, không ai phủ nhận sự hiện diện ở Phật giáo những yếu tố Bà la môn giáo được cải biến theo nội dung và quan điểm Phật giáo. Có khá nhiều từ ngữ, khái niệm và thậm chí giáo lý Bà la môn được tiếp tục sử dụng trong văn học Phật giáo nhưng với một nội dung và ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. E. J. Thomas cho rằng có một điều khác thường là trong phương pháp lập luận của mình, các Phật tử thường vận dụng các khái niệm của những người đối thoại và rồi cho chúng một ý nghĩa mới.(18) Ta có thể lấy danh từ Bràhmana (Bà la môn) và ý nghĩa của nó được dùng riêng biệt trong Bà la môn giáo và Phật giáo để chứng minh trường hợp này.

    Bràhmana được dùng trong truyền thống Vệ đà-Bà la môn như một danh hiệu ngụ ý một dòng dõi huyết thống, tự nhận là con cháu của Phạm thiên (Brahmà), sinh ra từ miệng Phạm thiên và do đó tự cho là dòng dõi cao quý nhất trong xã hội mà mọi dòng dõi khác phải kính trọng. Văn học Phật giáo cũng dùng từ Bràhmana, thứ nhất để chỉ những người thuộc dòng dõi Bà la môn và thứ hai để trỏ những người có đức hạnh và trí tuệ nói chung.(19) Trong văn chương Pàli, Bràhmana đôi khi được dùng đồng nghĩa với Arahanta (A la hán), thánh quả cao nhất trong giáo lý Phật giáo nguyên thủy mà tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp hay giới tính, đều có thể thành tựu. Như vậy, trong khi Bà la môn giáo dùng danh từ Bràhmana với dụng ý đề cao đẳng cấp Bà la môn, Phật giáo mở rộng khái niệm Bràhmana bằng cách tái định nghĩa danh từ này theo một nội dung hoàn toàn mới mẻ và nhân bản. Tương tự, giáo lý bốn Phạm trú (catu-Brahmavihàra) cũng được xem là có nguồn gốc từ Bà la môn giáo, sau đó tiếp tục được vận dụng trong văn học Phật giáo với một ý nghĩa và mục đích khác biệt.(20) Trong các bản kinh Pàli, bốn Phạm trú (catu-Brahmavihàra), từ (mettà), bi (karunà), hỷ (mudità), xả (upekhà), đôi khi cũng được xem như là con đường cộng trú với Phạm thiên.(21) Quan điểm này là đồng nhất với quan niệm Bà la môn, nghĩa là thực hành từ, bi, hỷ, xả để được sanh lên Phạm thiên giới sau khi chết. Tuy nhiên, do mục tiêu của Phật giáo không dừng lại ở chỗ cộng trú hay đồng nhất với Brahmà nên việc nuôi dưỡng bốn tâm thái từ, bi, hỷ, xả được xem là cần thiết cho sự phát triển tâm thức hướng đến trí tuệ giác ngộ. Bản kinh Dhànanjàni, Trung bộ, cho biết Đức Phật từng quở trách vị để tử đầu tay của mình, Sàriputta, bởi vị này đã giảng dạy cho một tín đồ dòng dõi Bà la môn con đường hướng đến cộng trú với Brahmà, một mục tiêu được xem là thấp kém (hìna) theo lời Đức Phật.(22) 

    8. Các tài liệu Kỳ Na giáo, giúp củng cố thêm các chứng cứ văn học sử Pàli. Chẳng hạn, phần gọi là ‘Giải thoát lỗi lầm’ trong bản kinh Sùtrakrtànga Kỳ Na giáo đề cập các quan điểm triết học được ấp ủ bởi các Sa môn và Bà la môn đương thời.(23) Thông tin này có thể giúp thêm luận cứ cho tài liệu kinh Phạm võng (Brahmajàla Suttanta), Trường bộ, đề cập về 62 quan điểm tư tưởng triết học của các Sa môn và Bà la môn đương thời dưới cái nhìn trí tuệ của Thế Tôn. Bản kinh Bhagavatì Kỳ Na giáo nêu một danh sách về các quốc gia Ấn Độ cổ đại(24) cũng có thể giúp thêm cứ liệu chứng thực danh mục 16 quốc gia lớn ‘Solasa Mahàjanapada’ được đề cập ở kinh Tăng chi bộ (Anguttara Nikàya). Giáo sư Kimura Taiken nêu quan điểm rất thuyết phục rằng ‘người muốn tìm hiểu Phật pháp chân chính không những chỉ nghiên cứu các kinh điển Phật giáo mà tất cả cái gì có liên quan đến văn hóa đương thời, như tư tưởng tôn giáo chẳng hạn, cũng đều phải tham khảo và so sánh.’(25)

     9. Các tài liệu Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan, nói về các giao lưu văn hóa giữa Tích Lan và Miến Điện, giữa Tích Lan và Thái Lan cơ bản thông qua đường trao đổi Phật giáo, giúp xác định tình hình phát triển của Phật giáo Thượng tọa bộ và văn học Pàli tại các xứ sở Miến Điện và Thái Lan. Ví dụ, các tác phẩm Tích Lan như Cùlavamsa, Pùjàvaliya và Nikàyasangrahava đề cập các vương triều Tích Lan thiết lập quan hệ với các vương triều Miến Điện cho thấy bắt đầu từ thế kỷ thứ 11 trở đi Phật giáo Thượng tọa bộ lần lượt được củng cố và phát triển mạnh tại Miến Điện, mặc dù một vài bia ký phát hiện được ở Hmawza chứng tỏ văn học Pàli đã xuất hiện trước đó. Một số tác phẩm Miến Điện như biên niên sử Glass Palace, Sàsanavamsa, Hmannan Yazawin Dawgyi và các bia ký Kalyànì ghi nhận các quan hệ tôn giáo giữa Miến Điện và Tích Lan ở các thế kỷ tiếp theo gián tiếp cho thấy tình hình phát triển của Phật giáo Thượng tọa bộ nói chung và văn học Pàli nói riêng ở Miến Điện vào cuối thế kỷ thứ 12 trở đi. Đặc biệt, tác phẩm Gandhavamsa được phát hiện ở Miến Điện cung cấp nhiều sử liệu quan trọng về các tác giả và tác phẩm văn học Pàli. Về tình hình học thuật Pàli tại các trung tâm Phật học Sukhodaya, Ayudhya và Nabbisipura Thái Lan, các tác phẩm như Jinakàlamàlì,  Càmadevìvamsa, Mùlasàsanà, Sangìtivamsa, Saddhammasangaha… đề cập lịch sử bang giao giữa các vương triều Thái Lan và Tích Lan cũng như các kỳ kiết tập được tổ chức ở Thái là các tài liệu cung cấp nhiều thông tin quan trọng, đáng được xem xét.

    10. Các công trình nghiên cứu của các học giả hiện đại, bao gồm các công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Tích Lan và một số quốc gia Phật giáo Thượng tọa bộ, các công trình biên khảo về Phật giáo nguyên thủy, đặc biệt là các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học Pàli. Rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị của các học giả trên thế giới có thể giúp nhiều thông tin và kết luận bổ ích cho công tác khảo sát văn học Pàli. Ở đây chúng ta giới hạn việc tham khảo đối với một số tác phẩm chuyên sâu về chủ đề văn học Pàli:

    - Văn học sử Phật giáo, do Giáo sư Cao Hữu Đính biên khảo, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1996.

    - A History of Pàli Literature, tập I, II, do B. C. Law biên soạn, Nhà xuất bản Indological Book House, Delhi, 1983.

    - History of Indian Literature, Vol. II, do Maurice Winternitz nghiên cứu, Srinivasa Sarma dịch sang tiếng Anh, Nhà xuất bản Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., Delhi, 1993.

    - The Pàli Literature of Ceylon, do G. P. Malalasekera biên soạn, ấn bản Colombo, 1928.

     - A Handbook of Pàli Literature, do Oskar Von Hinuber biên khảo, Nhà xuất bản Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd., Delhi, 1997.

     - An Introduction to Pàli Literature, do S. C. Banerji biên soạn, Nhà xuất bản Punthi Pustak, Calcutta, 1964.

     - Pàli Literature and Language, do Wilhelm Geiger kháo cứu, Nhà xuất bản Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd, Delhi, 1996.

III. Tình hình nghiên cứu văn học Pàli trên thế giới:

    Cho đến đầu thế kỷ thứ 19, văn học Pàli chỉ được biết giới hạn ở Tích Lan  và một số các quốc gia châu Á. Ngoài các ghi chú quan trọng trong các sớ giải nói rõ mối quan tâm lớn của các thế hệ Phật tử đối với văn học Thượng tọa bộ, công tác nghiên cứu văn học Pàli được tìm thấy qua một vài tác phẩm tiêu biểu xuất hiện khoảng từ thế kỷ 15 trở đi. Đáng chú ý nhất là tác phẩm Saddhamma-sangaha (Khảo sát về Thiện pháp) do Dhammakitti biên soạn, có lẽ vào đầu thế kỷ 15 ở Thái Lan. Một tác phẩm khác, Gandhavamsa (Lịch sử các kinh sách), do Nandapanna viết, cung cấp nhiều thông tin quan trọng về các tác giả và tác phẩm Pàli. Tiếp theo tác phẩm này là cuốn Sàsanavamsa (Lịch sử Giáo pháp), nguyên bản tiếng Miến Điện, được biên soạn vào năm 1831 và cũng bao hàm thông tin nói về các tác phẩm kinh sách. Tác phẩm Pitakat samuin, do Man Krì Mahàsirijeyasù, vị cán bộ thư viện cuối cùng thuộc hoàng gia Miến Điện, sưu tập vào năm 1888, nêu con số 2047 tác phẩm tiếng Pàli cũng như tiếng Miến Điện và Sanskrit.(26)

    Ảnh hưởng công cuộc thực dân lâu ngày của người châu Âu lên các lãnh thổ châu Á, đặc biệt ở Ấn Độ và Tích Lan, đã khiến Phật giáo bắt đầu được chú ý trở lại bởi những người Tây phương mà trước đó các thế hệ tổ tiên xa xưa của họ có lẽ đã ít nhiều biết đến qua công cuộc truyền bá Phật pháp được khuyến khích bởi Asoka vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Sự phát hiện ra giá trị to lớn của các văn bản cổ xưa của đạo Phật được tìm thấy ở Ấn Độ, Nepal và Tích Lan đã mở đường cho công tác nghiên cứu Phật giáo ở lục địa châu Âu với kết quả Hội đồng Kinh tạng Pàli (Pàli Text Society) ra đời ở Anh quốc vào năm 1881, tập hợp nhiều học giả và dịch giả nổi tiếng về văn tạng Pàli. Tên tuổi của các học giả châu Âu bắt đầu được biết đến trong lãnh vực nghiên cứu, biên tập và dịch thuật các bản văn Pàli ra tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, Ba Lan.

    Nỗ lực của các học giả châu Âu trong lãnh vực nghiên cứu Phật học đã đánh thức các học giả Ấn Độ. Theo gương châu Âu, Hội đồng Kinh tạng Phật giáo (Buddhist Text Society) đã ra đời ở Calcutta vào năm 1892, đánh dấu giai đoạn phục hưng của đạo Phật ở Ấn Độ sau một thời gian dài dường như không còn được biết đến trên quê hương của nó. Nhiều cổ bản Sanskrit lần luợt được phát hiện song song với công tác nghiên cứu, phục hồi, biên tập và dịch thuật được thực hiện đã làm sống lại các giai đoạn lịch sử xa xưa đầy huy hoàng của Phật giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu như phần lớn các bản văn Sanskrit được phát hiện và được quan tâm nghiên cứu ở Ấn Độ thì tại châu Âu, văn học Pàli được biết đến khá rộng rãi bởi công tác nghiên cứu, biên tập, dịch thuật và xuất bản khá năng động của hội Pàli Text Society.

    Công cuộc nghiên cứu văn học Pàli bắt đầu ở châu Âu vào các thập niên đầu của thế kỷ 19, khi E. Burnouf và Christian Lassen cho công bố lần đầu (1826) ở Pháp các bài viết của họ về Pàli. Công tác Roman hóa và dịch sang tiếng Anh 38 chương đầu của tác phẩm Mahàvamsa được thực hiện bởi George Turnour (1837) đánh dấu sự nỗ lực quan trọng đầu tiên của một học giả châu Âu trong việc giới thiệu văn học Pàli ở phương Tây. Năm 1855, Vincent Fasuboll góp phần quan trọng cho độc giả phương Tây với bản dịch kinh Pháp cú (Dhammapada) và bản sớ giải Pàli cổ xưa của nó. Một thời gian sau đó, (1858) sự ra đời hai tác phẩm “The Life and Legend of Gautama” và “The Buddha of the Burmese” dựa vào các bản thảo tiếng Tích Lan  và Miến Điện đã tiếp tục gây sự chú ý của giới học giả châu Âu. Đến lượt một loạt các công trình nghiên cứu được thực hiện bởi R. Spence Hardy như Eastern Monarchism (1850), A Manual of Buddhism (1860), Legends and Theories of the Buddhist compared with History and Science (1866) lần lượt được xuất bản đã đánh thức các độc giả châu Âu về đạo Phật. Cuốn tự điển Pàli đầu tiên do Robert Caesar Childers biên soạn được xuất bản ở London năm 1875 đánh dấu một bước tiến quan trọng của giới nghiên cứu Pàli châu Âu. Khoảng thời gian từ 1877-1879, V. Fausboll người Đan Mạch cho ra đời bảy tập Jàtaka và V. Trenckner, một học giả Đan Mạch khác, cho xuất bản tập Milindapanha ở London năm 1880. Năm 1878, H. Oldenberg cho xuất bản bản dịch Dìpavamsa của mình và tiếp tục công tác biên tập Luật tạng Pàli (Vinaya-pitaka) thành năm tập vào các năm 1879-1883. Năm 1881 là năm đánh dấu sự ra đời của Hội đồng Kinh tạng Pàli (Pàli Text Society) ở London do Rhys Davids làm chủ tịch nhằm ‘giới thiệu kho tàng phong phú của văn học Phật giáo nguyên thủy cho các sinh viên.’ Cho đến nay, Hội này đã ấn hành và xác định niên đại của toàn bộ Tam tạng Pàli và tất cả các tác phẩm quan trọng của văn học Pàli hậu Kinh tạng, kể cả các sớ giải.

    Kể từ khi hội Pàli Text Society ra đời vào năm 1881, công tác biên tập và dịch thuật các tác phẩm văn học Pàli được tiến hành lần lượt cùng với sự xuất bản các bản gốc của chúng. Các tác phẩm Luật tạng Pàli (Vinaya-pitaka) được biên tập bởi H. Oldenberg vào năm 1879-1883 và được dịch sang tiếng Anh bởi chính Oldenberg và Rhys Davids vào các năm 1881-1885, trong khi một số trích đoạn của chúng được Minayeff chuyển dịch sang tiếng Nga (1870) và Karl Seidenstucker chuyển sang tiếng Đức (1924-1925). Một bản dịch tiếng Anh về Vinaya-pitaka lại được I. B. Horner thực hiện sau đó và được xuất bản lần lượt vào các năm từ 1940-1952.

    Về phía Kinh tạng (Sutta-pitaka), tuyển tập Trường bộ (Dìgha-nikàya) do Rhys Davids và J. Estlin Carpenter biên tập vào các năm 1889-1911 và được chính Rhys Davids và vợ ông, C. A. F. Rhys Davids, dịch sang tiếng Anh và xuất bản vào các năm 1899-1921; K. E. Neumann dịch sang tiếng Đức (1907-1928) và M. P. Grimblot chuyển một số sang tiếng Pháp (1876). Năm 1987, một bản dịch Dìgha Nikàya Anh ngữ do Maurice Walshe thực hiện đã được nhà xuất bản Wisdom, Boston, ấn hành. Tuyển tập Trung bộ (Majjhima-nikàya), do V. Trenckner, R. Chalmers và C. A. F. Rhys Davids biên tập (1888-1925), được K. E. Neumann dịch sang tiếng Đức (1896-1902); K. E. Neumann và G. de Lorenzo chuyển sang tiếng Ý (1907) và Lord Chalmer dịch sang tiếng Anh (1926-1927). Sau đó, một bản dịch tiếng Anh về Majjhima-nikàya lại được I. B. Horner thực hiện và được hội Pàli Text Society ấn hành nhiều lần từ 1954-1990. Gần đây, 1995, nhà xuất bản Wisdom, Boston, đã cho ra đời bản dịch Majjhima Nikàya bằng Anh ngữ do Tỷ kheo Nànamoli và Tỷ kheo Bodhi thực hiện. Tuyển tập Tương ưng bộ (Samyutta-nikàya), do Leon Feer biên tập (1884-1904), được C. A. F. Rhys Davids và F. L. Woodward chuyển sang tiếng Anh (1917-1930) và được Wilhelm Geiger dịch sang Đức ngữ (1925-1930). Thời gian gần đây, nhà xuất bản Wisdom, Boston, đã cho ra mắt độc giả một bản dịch Samyutta Nikàya mới bằng tiếng Anh của Tỷ kheo Bodhi. Tuyển tập Tăng chi bộ (Anguttara-nikàya), do R. Morris, E. Hardy và Mabel Hunt biên tập (1885-1910), được Tỷ kheo Nanatiloka dịch sang tiếng Đức (1907-1920); F. L. Woodward và E. M. Hare chuyển sang tiếng Anh (1932-1936).

    Trong số 15 tuyển tập thuộc Tiểu bộ (Khuddaka-nikàya), tập Khuddakapàtha, do Helmer Smith và Mabel Hunt biên tập (1915), được Nànamoli dịch sang tiếng Anh (1960). Tập Dhammapada do O. V. Hinuber và K. R. Norman biên tập, được Vincent Fasuboll dịch sang tiếng La tinh vào năm 1855; Max Muller dịch ra tiếng Anh (1881); được dịch sang tiếng Đức bởi A. Weber (1860), Leopold von Schroeder (1892), Neumann (1893), Dahlke (1919), Walter Markgraf (1912), R. O. Franke (1923); được P. E. Pavolini dịch sang tiếng Ý (1908); St. Fr. Michalski-Iwienski chuyển sang tiếng Ba Lan (1925). Tập Suttanipàta, do Danis Anderson và Helmer Smith biên tập (1913), được V. Fausboll dịch ra tiếng Anh (1881). Tập Udàna do S. Steinthal biên tập (1885) và được F. L. Woodward dịch sang tiếng Anh (1935). Tập Itivuttaka do E. Windisch biên tập (1889) và được F. L. Woodward dịch sang tiếng Anh (1935). Tập Vimànavatthu do N. A. Jayawickrama biên tập và được Jean Kennedy và H. S. Gelman dịch sang tiếng Anh (1942), I. B. Horner (1974). Tập Petavatthu được dịch ra tiếng Anh bởi H. S. Gelman (1942). Tập Theragàthà và tập Therìgàthà do H. Oldenberg và R. Pischel biên tập (1883), được C. A. F. Rhys Davids dịch sang tiếng Anh (1909, 1913). Tập Jàtaka do V. Fausboll biên tập (1877-1897) và được E. B. Cowell dịch sang tiếng Anh (1895-1913); Julius Dutoit chuyển sang tiếng Đức (1908-1911). Tập Niddesa do L. de La Vallée Poussin và J. Thomas biên tập phần Màhàniddesa (1916-1917) và W. Stede phần Cullaniddesa (1918). Tập Patisambhidàmagga do A. C. Taylor biên tập (1905-1907) và được Nànạamoli dịch sang tiếng Anh (1982). Tập Apadàna do M. E. Lilley biên tập (1925-1927). Tập Buddhavamsa do N. A. Jayawickrama biên tập (1974) và được I. B. Horner dịch ra tiếng Anh (1975). Tập Cariyàpitaka do N. A. Jayawickrama biên tập (1974) và được I. B. Horner dịch sang tiếng Anh (1975).

    Trong số bảy bộ luận thuộc Luận tạng Pàli (Abhidhamma-pitaka), bộ Dhammasanganì do E. Muller biên tập (1885), P. V. Bapat và R. D. Vadekar (1940) và được C. A. F. Rhys Davids dịch sang tiếng Anh (1900); Nyanaponika chuyển sang tiếng Đức (1950). Bộ Vibhanga do C. A. F. Rhys Davids biên tập (1904) và được U. Thittika chuyển sang tiếng Anh (1960). Bộ Dhàtukathà do E. R. Gooneratne biên tập (1892) và do U. Nàrada dịch sang tiếng Anh (1962). Bộ Puggalapannatti do R. Morris biên tập (1883) và Nyanatiloka chuyển sang tiếng Đức (1910); B. C. Law dịch ra tiếng Anh (1924). Bộ Kathàvatthu do A. C. Taylor biên tập (1894-1897) và được Shwe Yan Aung và C. A. F. Rhys Davids dịch sang tiếng Anh (1915). Tập Yamaka do C. A. F. Rhys Davids biên tập (1911-1913). Tập Patthàna do C. A. F. Rhys Davids biên tập (1921-1923) và được U. Nàrada dịch sang tiếng Anh (1969-1981).

    Nguồn văn liệu Pàli hậu Kinh tạng (Post-canonical Pàli literature) rất phong phú, đa dạng và đã được nghiên cứu, phiên dịch một phần bởi các học giả và dịch giả Pàli. Các tác phẩm Nettippakarana, Petakopadesa, Milindapanha và một số tác phẩm sử liệu Tích Lan như Dìpavamsa, Mahàvamsa Thùpavamsa, Dàthavamsa... đã được biên tập và dịch thuật. Một số tác phẩm của Buddhaghosa cũng đã được nghiên cứu và phiên dịch, chẳng hạn Visuddhimagga, Samangalavilàsinì. Tuy nhiên, phần lớn nguồn tài liệu này vẫn còn nằm trong dạng bản thảo hoặc chỉ mới được biên tập nhưng chưa được nghiên cứu và dịch thuật. Công tác nghiên cứu và phiên dịch văn học Pàli do đó vẫn đòi hỏi và trông chờ nhiều nỗ lực.

    Nhìn chung, văn học Pàli tiếp tục được nghiên cứu, phiên dịch và giảng dạy tại các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ như Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia cũng như tại nhiều trung tâm Phật học và đại học trên thế giới. Ngoài ra, các quốc gia chịu ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa cũng nỗ lực lớn trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và phiên dịch văn tạng Pàli. Nhật Bản đã hoàn tất một bản dịch Pàli gồm 65 tập.

IV. Công tác nghiên cứu dịch thuật và giới thiệu văn học Pàli ở Việt Nam:

    Ở Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử và địa lý, Phật giáo Bắc truyền hay Đại thừa Phật giáo ảnh hưởng phần lớn đời sống tinh thần của người dân và các sinh hoạt của Tăng già. Khoảng thập niên 30 của thế kỷ 20, Phật giáo Nam truyền hay Thượng tọa bộ được truyền vào miền Nam Việt Nam qua đường Campuchia nhưng không mấy phát triển. Tuy vậy, song song với sự nghiệp phiên dịch Tam tạng Hán ngữ, công tác phiên dịch Tam tạng Pàli đã được khuyến khích và đưa vào nội dung hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bốn thập niên cuối của thế kỷ 20. Một văn bản giới thiệu bản dịch Trường bộ kinh tập I do Viện Tăng Thống hồi ấy chủ trương, cho biết:

    “Trước ngày trăng tròn 2508, Viện Tăng Thống có quyết định khuyến khích sự phiên dịch Tam tạng thuộc văn hệ Pàli và Hoa văn. Riêng văn hệ Pàli, Thượng tọa Thích Minh Châu phát nguyện phiên dịch, và sẽ được xuất bản tuần tự từng tập một. Tam tạng thuộc văn hệ Pàli là tài liệu tương đối chánh xác của tư tưởng hệ Phật giáo nguyên thỉ, hiện vẫn là kinh sách căn bản của hết thảy Phật giáo ở các quốc gia Tích Lan, Thái Lan, Ai Lao, Miến Điện, Cao Miên và quốc mẫu Phật giáo Ấn Độ. Với Tam tạng quan trọng như vậy, ban đầu Viện Tăng Thống nghĩ tổ chức một hội đồng phiên dịch và kiểm duyệt cho viên mãn. Nhưng sau thấy như vậy sẽ khó thực hiện được trong tình trạng Phật giáo hiện tại... Viện lại thấy công tác phiên dịch Tam tạng không thể trì hoãn, nên thà là tạm làm bởi một người, huống chi người ấy là Thượng tọa Minh Châu, bác sĩ văn học Pàli xuất xứ từ Nàlanda, nơi xưa kia đã đào tạo ra ngài Huyền Trang.”(27)

    Trong suốt thời gian gần hai thập kỷ, Tỷ kheo Thích Minh Châu đã nỗ lực phiên dịch và cho xuất bản hầu hết các tác phẩm thuộc Kinh tạng Pàli (Sutta-pitka). Đại học Vạn Hạnh là nơi vinh dự được tiếp nhận việc xuất bản các bản dịch và là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Việt Nam được may mắn tiếp cận nền văn học Pàli. Từ 1965 trở đi, văn học Pàli được đưa vào nội dung giảng dạy tại Phân khoa Phật học của Viện Đại học Vạn Hạnh. Về tầm quan trọng của các dịch bản Pàli đối với các công trình nghiên cứu và dịch thuật Hán tạng lúc bấy giờ, Thượng tọa Thích Thiện Siêu nêu nhận xét:

    “Ngày nay, được đọc Trường bộ kinh tập I, II, III, IV và Trung bộ kinh tập I, II, bản dịch của Thượng tọa Thích Minh Châu, tôi thấy sáng lên các nghi điểm của mình ở Hán tạng đương đương và Đại thừa Hán tạng. Tôi xác nhận rằng, đạo Phật chỉ có một. Không có Nam hay Bắc, Đại hay Tiểu...”(28)

     Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn tạng Pàli trong các hoạt động giáo dục và hoằng pháp, công tác nghiên cứu và dịch thuật Tam tạng Pàli tiếp tục được khuyến khích bởi Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập. Chương trình giảng dạy văn học Pàli được tiếp tục tại các Học viện Phật giáo và nhiều Trường Trung và Cao đẳng Phật học. Năm 1986, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ra đời, đảm nhiệm công tác nghiên cứu và phiên dịch văn tạng Phật giáo các nước trong đó có văn tạng Pàli. Cho đến thời điểm này, Viện đã song hành xuất bản được 35 tập các bản dịch Kinh tạng Pàli và A hàm Hán tạng. Phần Kinh tạng Pàli (Sutta-pitaka) do Tỷ kheo Thích Minh Châu đảm nhiệm phiên dịch đến nay cơ bản đã hoàn tất và đã được xuất bản, còn lại phần Luật tạng (Vinaya-pitaka) và Luận tạng (Abhidamma-pitaka) Pàli vẫn đòi hỏi công phu sưu tầm các dịch bản và công tác phiên dịch, hiệu đính, xuất bản. Hy vọng một bản dịch Tam tạng Pàli bằng tiếng Việt sẽ sớm được hoàn thành để Phật tử Việt Nam có thể cảm nhận hương vị giải thoát trực tiếp từ những giáo lý được xem là nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất của đạo Phật. Trong khi chờ đợi sự hoàn tất một bản dịch lớn lao và đầy công phu như vậy về văn tạng Pàli, công trình biên khảo này xin được góp một phần nhỏ về các thông tin góp nhặt liên quan đến văn học Pàli.

V. Dự kiến công trình và phương pháp khảo cứu:

    Do số lượng văn bản quá nhiều và đa dạng về thể loại, công trình khảo cứu sẽ được tiến hành lần lượt và cho ra đời từng tập một với mục đích khảo sát nội dung chính của các văn bản theo trình tự Kinh, Luật, Luận và các tác phẩm Pàli khác thuộc hậu Kinh tạng sắp theo bộ loại tác phẩm hay chủ đề tương ứng. Trên cơ sở khảo sát các tài liệu văn bản, các học giả Pàli thường xếp Tam tạng Pàli theo thứ tự Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng. Trong công trình khảo cứu này, chúng tôi chú ý khảo sát văn tạng Pàli theo thứ tự Kinh, Luật, Luận. Do thiếu vắng nhiều lượng thông tin cần thiết và khả năng giới hạn, công trình này sẽ tập trung chủ yếu vào việc khảo sát và giới thiệu nội dung các văn bản thuộc Tam tạng Pàli, phần còn lại của văn học Pàli sẽ tùy điều kiện và hoàn cảnh mà thực hiện được chừng nào thì tốt chừng đó. Một vài chương đầu của tập I được dành cho việc xem xét một số vấn đề mang tính văn học sử.

 

 


(1).  Tỷ kheo Thích Minh Châu, So sánh Kinh Trung A Hàm chữ Hán và Kinh Trung Bộ chữ Pàli, tr. 22; “Từ lâu, các sử gia tin rằng Tam tạng bằng tiếng Sanskrit được Kiết tập song song đồng thời với Tam tạng bằng tiếng Pàli. Trong ý hướng đó, J. Przyluski cho rằng ‘Thánh điển đầu tiên biên soạn bằng tiếng Magadhi. Khi Thượng tọa bộ và Hữu bộ củng cố xong cứ địa tại các vùng Kausambì và Mathura, bộ phái nào cũng sẵn có trong tay một ngôn ngữ văn chương riêng dùng vào việc truyền bá và gây uy tín cho mình. Vì vậy, thánh điển được dịch ra tiếng Sanskrit tại Mathura và tiếng Pàli tại Kausambì.’ L. De La Vallée Poussin xác đáng hơn, cho rằng ‘Trong khi các giáo hội vùng Kausambì, Sànchì, Malava khai nguyên Tam tạng bằng tiếng Pàli, thì các giáo hội vùng lưu vực sông Yamuna và Tây-Bắc Ấn, nương theo ngôn ngữ thời thượng của địa phương, biên soạn lại các kinh văn khẩu tụng xưa bằng tiếng Magadhi ra tiếng Sanskrit, và trong công cuộc này hẳn phải có ít nhiều tham chiếu với kinh văn Pàli Kiết tập tại Kausambì, Sànchì và Malava. Đại công trình này bắt đầu một các đáng kể trước kỷ nguyên Tây lịch và còn tiếp tục lâu dài về sau.’” (Dẫn lại Cao Hữu Đính, Văn học sử Phật giáo, tr. 68)

(2).  O. V. Hinuber, A Handbook of Pàli Literature, tr. 1      

(3).  N. Dutt, Đại thừa và Sự liên hệ với Tiểu thừa, Thích Minh Châu dịch, tr. 11.          

(4).  G. S. P. Misra, The Age of Vinaya, tr. 158.      

(5). N. Dutt, Đại thừa và Sự liên hệ với Tiểu thừa, Thích Minh Châu dịch, tr. 11; Kimura Taiken, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, tr. 10-14; G. C. Pande, Studies in the Origins of Buddhism, tr. 1.

(6). N. Dutt, Đại thừa và Sự liên hệ với Tiểu thừa, tr. 15.      

(7). Thích Minh Châu, Đức Phật, Nhà Đại giáo dục, tr. 37. 

(8). T. W. Rhys Davids, Dialogues of the Buddha, Part I, tr. xii.              

(9). N. Dutt, Đại thừa và Sự liên hệ với Tiểu thừa, tr. 16.      

(10). G. C. Pande, Studies in the Origins of Buddhism, tr. 2.    

(11). N. Dutt, Đại thừa và Sự liên hệ với Tiểu thừa, tr. 16.     

(12). O. V. Hinuber, A Handbook of Pàli Literature, tr. 89-91.                

(13). Thích Tâm Minh, A Dục Vương: Cuộc đời và Sự  nghiệp, tr. 153-156. 

(14). Buhler, On the Origin of the Indian Bràhmì Alphabet, tr. 90-91.     

(15). Rhys Davids, Dialogues of the Buddha, Part I, tr. xiv. 

(16). Dẫn lại Cao Hữu Đính, Văn học sử Phật giáo, tr. 68.   

(17). Tỷ kheo Thích Minh Châu, So sánh Kinh Trung A Hàm chữ Hán và Kinh Trung Bộ chữ Pàli, tr. 22.               

(18). E. J. Thomas, The Life of Buddha as legend and history, tr. 126.      

(19).   Xem các định nghĩa của Đức Phật về Bràhamana trong kinh Pháp Cú, phẩm Bà la môn (Bràhmanavagga).             

(20). E. J. Thomas, The Life of Buddha as legend and history, tr. 126-27.        

(21). Kinh Tevijjà, Trường bộ; Kinh Makhàdeva, Kinh Dhànanjàni, Kinh Subha, Trung bộ.       

(22). Xem Kinh Dhànanjàni, số 98, Trung Bộ.        

(23). Jana Sutras, II, pp. 405-409.             

(24). H. C. Raychaudhuri, Political History of ancient India, pp. 95-96; J. C. Jain, Life in ancient India sa depicted in the Jain Canons, p. 251.             

(25). Kimura Taiken, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, tr. 23.  

(26). O. V. Hinuber, A handbook of Pàli Literature, tr. 3.      

(27).  Lời giới thiệu của TT. Thích Trí Quang, Tổng Thư ký Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, nhân dịp Đại học Vạn Hạnh xuất bản Trường bộ kinh tập I do TT. Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, phiên dịch từ nguyên bản Pàli. (Xem Thích Minh Châu, Trường Bộ Kinh, tập I, Lời giới thiệu, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1973) 

(28). Lời phát biểu của TT. Thích Thiện Siêu tại buổi lễ Giới thiệu và phát hành Trung bộ kinh tập II, do Viện Đại học Vạn Hạnh tổ chức, 1974.       

 

 
00:00