Thực Tập Pháp Môn Đại Bi Của Bồ Tát Quán Thế Âm

Trong pháp hội kỷ niệm Bồ-tát Quán Thế Âm hôm nay, tôi muốn giới thiệu hạnh đại bi cứu độ chúng sinh của Ngài, giúp chúng ta có niềm tin sâu hơn, hiểu đúng hơn về Ngài. Các vị đều biết Bồ-tát Quán Thế Âm cầm tịnh bình và nhành dương liễu, đây là hai vật biểu thị cho hạnh đại bi vĩ đại cứu độ chúng sinh của Ngài. Thế gian như nhà lửa, trong tâm chúng sinh luôn bị lửa phiền não thiêu đốt, bức hại. Chúng sinh bị khổ não bởi sự thiêu đốt của lửa phiền não, ai ai không muốn được mát mẻ? Như chúng sinh ngu si, tha thiết cầu trí tuệ; thân thể suy nhược, bệnh tật, hi vọng sẽ được khỏe mạnh; chúng sinh nghèo khổ, truy cầu giàu sang, phú quí… Trong cuộc sống con người có rất nhiều thiếu hụt, cùng với các phiền não trong nội tâm, là nguồn gốc của nóng bức. Nóng bức, giống nắng hạn cần mưa. Mọi người tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm, tức khao khát tìm cầu nước cam-lộ của Bồ-tát, tiêu diệt nóng bức trong nội tâm. Bồ-tát Quán Thế Âm xác thật có nước cam-lộ chuyển nóng bức của chúng sinh thành mát mẻ, như chúng sinh ngu si, nhiều bệnh tật, có thể lúc nào cũng kiền thành lễ bái, trì niệm thánh hiệu Quán Thế Âm, sẽ được tâm bi của Bồ-tát cứu độ hộ trì, trí tuệ dần dần tăng trưởng, hoặc được mạnh khỏe.

     Nhưng, con người chúng ta có hiện tượng hết sức lạ lùng, lúc không gặp khổ nạn, thì không nghĩ đến Bồ-tát, tức là người này cũng có tín ưa, ngưỡng mộ, song không khẩn thiết, thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà một cách hời hợp, không thành tâm thành ý. Hành động lúc lâm nguy mới ôm chân Phật như thế này, bậc trí quyết không làm như vậy. Chân chính tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm, không chỉ lúc lâm nguy, gấp rút, mà càng phải chú trọng đến việc thực tập lúc bình thường, nếu chân thật thực tập, được cảm ứng với Bồ-tát, tự nhiên giải thoát khỏi thống khổ của cuộc sống và nóng bức của nội tâm. Cũng chỉ có lúc bình thường thực tập lời dạy của Ngài, mới có khả năng tăng trưởng công đức pháp tài(1) thanh tịnh. Ví như tin tưởng bác sĩ, luôn nghe theo lời dặn của ông. Lúc bị bệnh, tin tưởng vào sự chẩn trị của ông, nhưng một khi bệnh đã khỏi, mà chúng ta lại quên béng đi những gì bác sĩ dặn vệ sinh, siêng năng vận động, cẩn thận ăn uống, chú ý sạch sẽ… thế làm sao có thể cầu cho mình khỏe mạnh lâu dài được chứ? Không chỉ bị bệnh mới mong muốn được khỏe mạnh, mà lúc khỏe mạnh càng phải duy trì sức khỏe, thúc đẩy sức khỏe. Cho nên, lúc bình thường chúng ta cần phải hết sức chú ý đến lời dặn của bác sĩ, chú ý vận động, ăn uống, sạch sẽ… Tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm, cũng phải chú trọng đến việc chân thành thực tập lúc bình thường. Nếu những việc làm, lời nói, ý nghĩ hằng ngày của mình, trái ngược với những gì Bồ-tát dạy, đợi khi khổ nạn ập đến đầu, dù cầu cứu Bồ-tát, cũng đã quá muộn, là hạ sách. Vì thế, muốn triệt để giải quyết thống khổ, luôn được tắm mát trong nước cam-lộ và nhành dương, thường được mát mẻ không nóng bức, cần phải luôn luôn thật tâm thực tập lời dạy của Bồ-tát.

     Bồ-tát Quán Thế Âm giáo hóa chúng sinh luôn lấy thân mình làm mô phạm. Tự thân Ngài tinh tấn thực tập hạnh đại bi, cũng chỉ dạy chúng sinh thực tập hạnh đại bi; Ngài thực tập hạnh đại bi đạt được lợi mình lợi người, tích chứa vô lượng công đức, rời xa sinh tử khổ não đạt đến giải thoát cứu cánh. Nếu chúng ta chân thật thực tập theo những gì Bồ-tát chỉ dạy, chí ít cũng giải thoát khỏi khổ não của đời hiện tại, đạt được hạnh phúc, vui vẻ phải có trong kiếp người. Nếu có khả năng đời đời kiếp kiếp thực tập hạnh đại bi, có thể thành tựu công đức vô biên như Bồ-tát Quán Thế Âm, đạt giải thoát vô thượng. Vì thế, pháp môn đại bi của Bồ-tát Quán Thế Âm, thật không thể nghĩ bàn. Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm tham vấn với Bồ-tát Quán Thế Âm, lúc đó thầy cầu xin Bồ-tát từ bi chỉ dạy, nên học theo hạnh Bồ-tát như thế nào? Bồ-tát Quán Thế Âm trực tiếp chỉ dạy: Pháp môn Bồ-tát cần phải học nhiều vô lượng vô biên, nhưng trong vô lượng vô biên pháp môn đó, thầy thực tập theo đại bi hạnh giải thoát môn. Lúc đầu thầy thực tập dần dần, thực tập được thời gian dài, cuối cùng thâm nhập vào pháp môn đại bi cứu khắp chúng sinh, thành tựu công đức thanh tịnh vô biên, đạt được giải thoát tối thượng. Thiện Tài à! Con dùng pháp môn đại bi tu hạnh Bồ-tát, lấy mục đích giải trừ thống khổ cho hết thảy chúng sinh làm cứu cánh, cứu giúp và hộ trì họ, giúp họ giải thoát mọi sự sợ hãi.

    Nếu chúng sinh muốn được Bồ-tát gia hộ, không còn sợ hãi, cần phải thực tập pháp môn đại bi của Ngài. Nhưng phải thực tập đại bi như thế nào đây? Thực tập phương pháp đại bi hết sức đơn giản. Hễ khi thấy thống khổ của nhân loại, không kể người ấy có quan hệ gì với mình, đều phải bình đẳng chia sẻ, lắng nghe, tháo gỡ, giảm thiểu thống khổ của họ; nếu có thể đồng cảm bình đẳng với hết thảy chúng sinh, lúc nào cũng nghĩ làm sao giảm bớt thống khổ của họ, đây tức tâm bi của Bồ-tát. Tâm bi, mỗi một hữu tình đều có, nhưng tâm của chúng sinh nhỏ hẹp, không thể lan rộng trùm khắp tất cả, trở thành tâm bi của Bồ-tát. Trước kia, lúc tôi chưa xuất gia, tôi nhớ một đêm nọ chị tôi bị bệnh, nghe tiếng rên siết đau đớn của chị, trong lòng cũng cảm thấy vô cùng đau đớn. Bởi không hóa giải được tâm lo lắng cho bệnh của chị, cho nên nóng lòng, không thấy an ninh, đến nỗi không thể ngủ; nhưng càng nóng lòng, thì càng thấy đêm dài, chỉ mong sao trời mau sáng, đi mời bác sĩ. Do tôi đồng cảm với nỗi đau đớn của chị, từ đó thấy được nỗi đồng cảm với người khác, như cha mẹ thấy con mình bị bệnh, hoặc con cái thấy cha mẹ bị bệnh, trong lòng luôn có nỗi đồng cảm rất sâu sắc, vả lại còn vô cùng lo lắng, sốt ruột. Ai ai cũng có nỗi đồng cảm sâu sắc đối với người thương của mình, nhưng chẳng bao giờ hỏi đến sự thống khổ của người khác, thậm chí thấy, nghe người khác bi thảm đau đớn, thế mà mình lại vẫn dửng dưng xem như không có việc gì, do đó đã đi quá xa với tâm đại bi của Bồ-tát rồi. Chẳng lẽ mọi người có thể không có khả năng mở rộng lòng đồng cảm, trở thành tâm bi của Bồ-tát sao? Đây là do từ xưa đến nay chúng ta bị sự mê hoặc của phiền não, bị trói buộc bởi tình kiến (cái thấy của tình cảm điên đảo, vọng động) tự tư, cho nên không thể phát khởi tâm bi một cách bình đẳng được. Theo thuyết Duyên Khởi của nhà Phật nói: Quan hệ giữa con người và con người rất sâu, thường thường mọi người cho rằng bà con quyến thuộc, bạn bè của mình mới gọi là có quan hệ. Kì thật, người nông dân, cảnh sát, người lái buôn… bất cứ một hạng người nào chẳng lẽ không có quan hệ mật thiết với bạn sao? Tôi nghĩ: Nếu không có người nông dân cuốc bẫm cày sâu, vậy bạn lấy đâu lương thực để nuôi sống cơ thể? Nếu không có cảnh sát, ai là người bảo vệ mạng sống của bạn? Nếu không có người lái buôn, ai vận chuyển tất cả vật phẩm cần thiết đến cho bạn? Bạn nên quán xét như thế này: Hết thảy nhân loại đều có quan hệ mật thiết với bạn, đương nhiên toàn nhân loại là đối tượng đồng cảm của bạn. Tiến thêm một bước nữa, quán xét: Hết thảy loài hữu tình cùng là động vật có đầy đủ tình thức giống như bạn, ta và chúng đều là chúng sinh khổ não, nghiệp chướng nặng nề, từ xưa đến nay đã có quan hệ mật thiết với nhau. Có khả năng quán sát như vậy, tự nhiên tâm đồng cảm rộng lớn trở thành tâm bi bình đẳng cứu mình và người.   

    Có người nói rằng: Tôi không có quyền thế, hoặc không có tiền của, vậy làm sao cứu người? Kì thật đây chẳng phải là lí do viện cớ cho mình không có khả năng thương yêu và cứu giúp mọi người. Phát khởi tâm bi chân chính, tức là sức mình có bao nhiêu, tận tâm tận lực làm bấy nhiêu. Sức lực có thể lớn hoặc nhỏ, nhưng tuyệt đối chẳng phải hoàn toàn không có. Ví dụ thấy em bé bị té xuống nước, chẳng lẽ chúng ta không có khả năng nhảy xuống cứu em sao? Nếu không thể làm được, chẳng lẽ không có khả năng gọi người ta đến cứu sao? Chúng ta cần phải luôn có tâm thương yêu, cứu khổ, chẳng cần khả năng của mình như thế nào, chỉ cần làm hết sức với tấm lòng chân thật, ôm trọn cả thái hư. Khi mới đầu Bồ-tát Quán Thế Âm cũng giống như chúng ta, nhưng Ngài thực tập pháp môn đại bi, càng thực tập năng lượng càng nhiều, tâm bi càng lớn, công đức tròn đầy, như Quán Thế Âm ngày nay là vị đại Bồ-tát sắp đạt vào quả vị Phật (đây chỉ nói theo thường tình thế gian, chứ trên thực tế, Ngài là vị cổ Phật, nhưng vì thương tưởng chúng sinh mà thị hiện làm Bồ-tát vậy thôi), nhưng Ngài cũng bắt đầu từ phàm phu thực tập dần dần mới thành tựu được như vậy. Nếu chúng ta phát tâm mạnh mẽ, nguyện đời đời kiếp kiếp tu tập pháp môn đại bi, sau này không thể trở thành Bồ-tát Quán Thế Âm sao? Đại bi là pháp môn tối quan trọng để đạt đến cảnh giới của Phật, có hạnh đại bi, mới có khả năng tích chứa vô lượng công đức lợi mình lợi người, tiến thẳng đến quả vị Phật, còn bằng không, vĩnh viễn đừng mong có khả năng thành Phật. Thật tiễn của Đại thừa Phật giáo, chính là ở chỗ có tâm bi đầy đủ, thâm trọng. Tâm bi tuy ai ai cũng có, nhưng không được rộng lớn như Bồ-tát, nếu có thể tinh tấn thực tập mãi mãi, dần dần sẽ được phát triển, thành sâu rộng vô cùng. Bồ-tát Quán Thế Âm chỉ dạy hạnh đại bi cho Thiện Tài đồng tử, đồng thời Ngài cũng đã có được hạnh đại bi rộng lớn thật sự như thế, quả thật Ngài là vị Đại sư lấy mình làm mô phạm cho mọi người. Chúng ta nên lấy Bồ-tát Quán Thế Âm làm tấm gương, học theo từ từ, nhất định đến một ngày nào đó mình cũng sẽ thành tựu viên mãn hạnh đại bi. Song trên lộ trình tìm về bảo sở, không nên cho rằng từ bi và trí tuệ của Bồ-tát sâu rộng như vậy, mình không dám mơ tưởng tới, rồi khởi ý niệm sợ sệt khó khăn; nếu sợ khó, ắt sẽ bị niệm thất vọng ngăn che. Nên biết từ bi và trí tuệ sâu rộng của Bồ-tát, chẳng phải một đời mà có, Ngài phải tu tập trong vô lượng kiếp mới có được. Học theo Bồ-tát không nên có tâm vội vàng, chỉ cần xác định rõ mục tiêu, tinh tấn thực tập không dừng nghỉ, nhất định dần dần sẽ thâm nhập vào thánh cảnh. Vội vàng là bệnh của thế nhân, nhưng trên thế gian có việc gì dễ thành tựu được đâu? Quả thật, muốn thành công phải bỏ ra rất nhiều trí lực, sức lực, tài lực, tuyệt đối chẳng có chuyện ngồi mát ăn bát vàng. Tâm lí vội vàng chẳng có ích lợi gì cho việc học cả, ngược lại còn cản trở tiến bộ trên bước đường học vấn. Như có sức mạnh không sợ gian khó, nhẫn nại, chuyên tâm học tập, tự nhiên sẽ cảm thấy càng học càng thích thú. Giống em bé mới học, lúc đầu chỉ một hai câu có thể học thuộc không nổi. Nhưng cứ chuyên tâm, nỗ lực mãi không thôi, dần dần tăng trưởng khả năng hiểu biết, dù đoạn văn dài cả hàng ngàn chữ, cũng thuộc một cách dễ dàng. Thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, lúc mới đầu cũng cảm thấy không dễ dàng chút nào, nhưng cứ kiên tâm bền chí, tinh tấn dũng mãnh mãi, sức mạnh đại bi tự nó ngày một thêm lớn, đến khi năng lượng đại bi đầy đủ, thì có thể gánh vác công việc nặng nề cứu độ chúng sinh.

    Người chân chính thực tập thực tiễn theo Đại thừa Phật giáo, hết sức xem trọng việc tu học hạnh đại bi. Bởi phát tâm Bồ-đề của Đại thừa, độ khắp chúng sinh, chính làm sống lại tâm bi “Chỗ duyên của Bồ-đề, chính là duyên theo nỗi thống khổ của chúng sinh”. Nếu rời xa tâm đại bi, đồng nghĩa đánh mất lòng Bồ-đề, muốn thành Phật chẳng khác nào muốn nấu cát thành cơm. Không có hạnh Bồ-tát của tâm bi mà bố thí, trì giới… cho đến siêng năng lễ Phật, tụng kinh, cúng dường, đây đều là quả báo của trời người, hoặc công đức Tiểu thừa. Ngược lại nếu có đầy đủ tâm bi, hết thảy việc tu hành, đều là nhân duyên để tương lai viên thành quả vị Phật. Cho nên trong kinh nói đến việc tu hành, đều nói “đại bi là trên hết”. Tất cả công đức thanh tịnh để thành Phật, đều lấy đại bi làm đầu; tu tập hết thảy công đức mà thiếu lòng đại bi, cao lắm cũng chỉ được làm người, trời, hoặc quả nhỏ nhị thừa.

    Đồng cảm với tất cả, trở thành tâm bi bình đẳng của Bồ-tát, hạng phàm phu không dễ gì mong tưởng đến. Nhưng nếu chúng ta thường xuyên quán sát quan hệ giữa người và người, không khó nhận ra quan hệ mật thiết giữa mình và nhân loại. Xem thấu tính tương quan giữa mình và người, bất kể khó khăn gì của ai, cùng đều phát khởi tâm đồng cảm một cách dễ dàng. Thứ nữa, chúng ta phải thực tập xem thấy cái tốt của người, không nên xem thấy khuyết điểm của họ. Một người có bao nhiêu ưu điểm đi chăng nữa, cũng hoàn toàn không thể không có sai lầm. Nếu trước kia người nào đó mắng chửi ta, bây giờ thấy họ gặp khó khăn, bất hạnh, ta vui mừng, cười trên sự đau khổ của người khác, điều này hoàn toàn đi ngược lại tâm bi. Nếu mình không nhớ đến sai lầm của họ, mà thấy điều tốt của họ, nghĩ đến ưu điểm của họ, khi người đó gặp khó khăn, tự nhiên ta sẽ phát khởi được tâm đồng cảm sâu sắc. Có khả năng thấu suốt được tính tương quan giữa mình và người, chú trọng đến ưu điểm của người, tự nhiên dần dần sẽ phát khởi được tâm đồng cảm, đây tức là đang thực tập tâm đại bi của Bồ-tát Quán Thế Âm. Hôm nay chúng ta tổ chức pháp hội kỷ niệm Bồ-tát, cần phải phát huy rực rỡ tinh thần đại bi của Ngài. Chúng ta quán xét kỹ Bồ-tát, cùng sách tấn, khuyến khích nhau tiến bộ, thì bất luận mình hoặc người khác, đều thu hoạch được lợi ích vô lượng. Cuối cùng, tôi hi vọng các vị đều chân thành thực tập hạnh đại bi, trở thành Bồ-tát Quán Thế Âm đại bi cứu khổ.

 


    (1). Pháp tài (法財): Phật pháp, giáo pháp… Vì giáo pháp có khả năng tưới tẩm tinh thần của chúng sinh, giống như của báu thế gian, nên dụ là pháp tài.                  

 

 
00:00