Giảng Lược Kinh Pháp Ấn

    Phật Thuyết Pháp Ấn Kinh do thầy Thí Hộ Tam Tạng dịch vào đời nhà Tống: “Là pháp căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là pháp chỗ qui về của chư Phật.” Trong hết thảy kinh điển, pháp này có thể nói giản dị nhất, sâu sắc triệt để nhất, căn bản nhất! Tất cả pháp thậm thâm của Tiểu thừa và Đại thừa, đều không ngoài pháp môn này lưu xuất ra. Đây là con mắt của chư Phật “Tri kiến Phật”; làm chỗ quay về nương nấu cứu cánh của tất cả chúng sinh đồng thành Phật đạo. Nương vào bộ kinh này, có khả năng hiểu rõ chính xác cốt tủy của Phật pháp hết thảy đặc chất căn bản của kinh pháp là gì, cho nên bộ kinh này gọi là “Pháp Ấn Kinh”. Pháp Ấn (Dharma-mudrā) ý là chuẩn lượng Phật pháp; làm mực thước cho Phật pháp, y cứ vào đây nhận định những điều nói đó có phù hợp với Phật pháp không, có triệt để không. Trong hệ thống kinh điển vĩ đại, bộ kinh này đặc biệt được tôn xưng “Pháp Ấn Kinh”, có thể nghĩ thấy trọng yếu của bộ kinh này!

    Trong Phật pháp, luôn có sự phân biệt giữa Tam pháp ấn và Nhất pháp ấn. Thông thường cho rằng: Tiểu thừa nói Tam pháp ấn tức chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tĩnh; Đại thừa nói Nhất pháp ấn tức (Nhất thật tướng ấn) tất cả pháp không tính. Điều này giống như: Hễ nói Tam pháp ấn, thì ấn định chính xác là pháp Tiểu thừa; nói Nhất Phật ấn, thì ấn định xác thật là pháp Đại thừa. Kì thật, điều này chẳng chính xác! Phật pháp bình đẳng, chân lí tuyệt đối làm gì có sự đối lập như vậy? Phương diện này, Bồ-tát Long Thọ nói rất hay! Nếu cầu sâu sắc mà thấu triệt được, thì Tam pháp ấn chính Nhất pháp ấn. Đại thừa nói nhiều đến Nhất pháp ấn, Tiểu thừa nói nhiều đến Tam pháp ấn, chỉ là nghiêng về một phía khác nhau, chứ trên bản chất có gì sai biệt (luận Đại Trí Độ quyển 22). Vấn đề này, trong kinh Pháp Ấn nói hết sức rõ ràng: “Tính Không như vậy, các pháp cũng như vậy, gọi là Pháp Ấn”. Đây là Nhất pháp ấn, chỉ cho nội dung chư Phật (bậc thánh) chứng ngộ. Lại nói: “Pháp ấn này, tức ba môn giải thoát”, đây chính là Tam pháp ấn, nói theo phương pháp chứng ngộ tu hành. Như chúng ta đi đến công viên, cửa đi vào công viên, có thể ba hoặc bốn cửa…, nhưng đi ra khỏi cửa, công viên vẫn giống y như vậy. Bộ kinh này cũng chỉ dạy cho chúng ta như thế này: Nói theo sự chứng ngộ của hết thảy chư thánh, là Không tính, xưng là Pháp ấn. Còn nói theo pháp môn chứng nhập tính Không (Pháp ấn) mà được giải thoát, gọi Tam giải thoát môn.

    Bây giờ chúng ta sẽ phân biệt ra để nói, đầu tiên nói đến tính Không: “Tính Không” (Śūnyatā), chỉ cho nội dung của Phật (bậc thánh) chứng ngộ, hoặc gọi là cảnh giới tự chứng. Chỗ chứng ngộ của bậc thánh, vốn dĩ xa rời danh và tướng. Nhưng để dẫn dắt mọi người cùng chứng nhập, cho nên không thể không phương tiện đặt cho nó một cái tên. Không thể không lấy tên, vậy hay là gọi nó Không tính đi! Không tính được giải nói như thế này:

    1. “Không tính vô sở hữu”: Trong kinh văn lấy “vô xứ sở, vô sắc tướng” để nói: Không tính là chẳng rơi vào hình thái vật chất. Vật chất, trong nhà Phật gọi là sắc. Đặc tính của vật chất (sắc tướng) thay đổi và cản trở. Trong không gian đồng nhất, vật chất gian là tướng cản trở. Vì có cản trở, cho nên có thay đổi, vật chất luôn ở trong quá trình đông lại (nước), ổn định (đất), phân hóa (lửa), lưu động (gió). Hễ là vật chất, chính thuộc tính của không gian, có thể nói ở trong này, ở trong đó (xứ sở). Chư Phật chứng ngộ tính Không viên mãn, là không có chỗ có không rơi vào sắc tướng, cũng chẳng có không gian có thể nói.

    2. Không tính (không vọng tưởng): Trong kinh dùng “phi hữu tưởng” để nói. Tưởng là nắm giữ sự tướng của ý thức. Phàm là ý thức tất cả tâm thức, nhất định đều nhiếp thủ cảnh tướng (giữ như máy chụp hình), hiện khởi ra ấn tượng; do đây nắm giữ hình tượng mà thành khái niệm. Tất cả tưởng hình tượng, liên tưởng, dự tưởng, hết thảy quan niệm, hết thảy nhận thức, đều do đây thành lập nên. Song hình thái của loại ý thức này hữu tưởng, là hư vọng không chân thật; loại hư vọng phân biệt này (hoặc gọi là vọng niệm, vọng thức), không cùng khế hợp với tính Không mà chư Phật chứng ngộ. Cho nên, tính Không chẳng rơi vào hình thái ý thức (tinh thần, tâm).

    3. Tính Không (không có chỗ sinh, không có chỗ diệt): Trong kinh văn dùng “vốn chẳng có chỗ sinh” để nói. Thế gian không ngoài sắc tướng và tâm tướng (tưởng) vật và tâm. Vật chất có thuộc tính không gian; mà vật và tâm, lại nhất định có thuộc tính thời gian. Từ không mà có gọi là sinh, từ có mà không gọi là diệt, vật chất và tinh thần, luôn ở trong trạng thái sinh diệt như vậy. Do đó, sự sinh diệt của vật và tâm, hiện bày hình thái trước sau không đồng, có mang đặc tính thời gian. Nhưng mà sinh từ đâu đến, diệt đi về đâu? Khoa học hiện đại, đã tiến bộ đến mức hiểu được sự không diệt của vật chất; không diệt đương nhiên cũng không sinh. Từ trong sự chỉ dạy của đức Như Lai, tâm ý thức cũng giống như vậy; trong tiến bộ của tri thức nhân loại, nhất định sẽ chứng minh luận đề này. Nói từ chỗ thấy của thế tục, điều này tồn tại vĩnh hằng. Song không rời quan niệm thời gian, chỉ là tưởng tượng không sinh không diệt mà thôi. Trong hiện tượng sinh diệt, trong hình thái thời gian, vật cũng tốt, tâm cũng tốt, không có thể có tính thật thể cứu cánh tột cùng tự tính. Tất cả không rời xa sinh diệt, mà sinh diệt lại như huyễn, hư vọng, tồn tại tương đối; nói theo Không tính chư Phật tự chứng, hết thảy vốn không sinh, là tính thời gian siêu việt.

    4. Không tính (rời xa các tri kiến): Trong kinh văn dùng “phi tri kiến sở cập, rời xa các chấp trước” để nói: Chúng ta nhận thức cái gì, liễu giải thứ gì? Luôn không ngoài kiến văn giác tri(1). Cái nào từ mắt (căn và đến nhãn thức) đến gọi là thấy, từ tai đến gọi là nghe, từ mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm gọi là giác, từ ý đến gọi là tri. Hoặc gọi một cách đơn giản là tri kiến: Kiến là hiện kiến, thông qua hết thảy kinh nghiệm trực tiếp. Tri là bỉ tri, là tri thức của suy lí qua sự phân tích, tổng hợp. Tri kiến tất cả nhận thức của suy lí, trực giác, chính là tâm hoạt động của ý thức. Nhưng một khi có tâm phân biệt tri và kiến, liền có (cảnh giới sáu trần, sở phân biệt) tướng hiện tiền. Tâm cảnh đối lập như vậy, có tâm thì có tướng (hoặc vọng tưởng), có tướng thì có (báo) chấp trước, rơi vào thế giới tương đối (sai biệt), thế giới mâu thuẫn, đối lập, động loạn. Tính Không là chỗ mà tri kiến không thể nào rớ tới, cũng là chỗ mà những nhận thức thông thường không thể nhận thức. Như vậy, Không tính không rơi vào sắc tướng, tâm tướng, thời không tướng, vượt ra ngoài cảnh giới đối lập chủ quan khách quan. Trong sự nhận thức của chúng ta, còn chỗ có danh ngôn, có thể nói cái gì cũng đều không phải, ngay cả cái không phải cũng không phải, đúng là “nói giống một vật tức là không được”. Duy chỉ có tình kiến, vượt thoát chấp trước để thể ngộ, cho nên gọi là chỗ hay của Không tính. Không nghĩa là siêu việt (thẳng đứng, hướng lên trên), không nên hiểu lầm là không có, càng không được hiểu lầm là tương đối (nằm ngang, hướng xuống) cùng với không tương đối, mới tốt!

     Trong kinh văn dùng bốn ý nghĩa này, để hiển thị Không tính. Không tính chẳng phải chỉ có nói rõ của lí luận suông, mà cần phải từ trong sự tu tập, vượt thoát tình kiến để thể hội chứng nghiệm. Cho nên, nói đến Không tính chẳng phải chỗ mà tri kiến có thể ngó tới, sau khi rời xa tất cả chấp trước, chính là nói: Đương khi vượt thoát khỏi tình thức tri kiến, đã rời xa tất cả tướng, tất cả chấp trước, liền nhiếp thọ tất cả pháp mà dung nhập vào pháp tính bình đẳng, không hai không khác (không rơi vào sự đối đãi), như như bất động. Ở vào cái thấy bình đẳng không hai không khác, chính là tri kiến chân thật của bậc thánh. Thấy chân thật không hư vọng, chính là chính giác của bậc thánh, tri kiến của Như Lai!

     Nói đến đây, có thể trên sự lí giải, tu chứng, sẽ dẫn đến hiểu lầm, cho rằng hết thảy pháp của Không tính và cảnh giới tương đối, hoàn toàn là hai chuyện: Ngoài sinh tử có Niết-bàn, ngoài thế gian có xuất thế gian, giống như một số người tăng thượng mạn tự xưng mình là bậc A-la-hán. Cho nên, kinh văn nói: “Nên biết Không tính như vậy, các pháp cũng như thế”. Đây chính là nói: Không tính là như vậy không rơi vào cảnh giới tương đối (bất nhị pháp môn ), song chẳng phải nằm ngoài tất cả pháp. Không tính bình đẳng không hai, tất cả pháp không ngoài Không tính (không ngoài ở trong như), cũng cùng một dạng bình đẳng. Không tính chính là chân tướng của tất cả pháp, bản lai diện mục  của hết thảy pháp. Điều này giống như kệ tụng trong Trung Luận nói: “Không rời xa sinh tử, mà có Niết-bàn nào khác, nghĩa thật tướng như vậy, làm sao có phân biệt?” “Niết-bàn và thế gian, không có ít phân biệt; thế gian và Niết-bàn, cũng chẳng ít phân biệt”.

     Trong này, có phần phải giải thích thêm: Không tính là chỗ chứng ngộ của chư Phật (bậc thánh), do tu tam giải thoát môn mà chứng nhập, nhưng vì sao cần phải chứng nhập Không tính? Tu hành có ý nghĩa gì chứ? Nên biết: Đức Thế Tôn đem sự chứng ngộ của mình để chỉ dạy cho chúng ta, là từ nhận thức của chính mình, thế gian cầm chắc trong tay của chính mình. Chúng ta sinh ra trong thế gian, có thể nói là một loại hoạt động không tự chủ. Hết thảy hoạt động vật chất, xã hội, thân tâm của mình, đều có ảnh hưởng đến chúng ta, bó buộc cản trở chúng ta. Làm cho ý nguyện tự do tự chủ của mình, bị xén đầu bớt đuôi mà rơi xuống. Chúng ta khóc đó, rồi lại cười đó; được tất cả, lại mất tất cả. Trong lịch trình buồn vui được mất của nhân sinh, chúng ta bị cuốn theo chiều gió, không được tự chủ, có thể nói hoàn cảnh quyết định bó buộc chúng ta của vật chất, xã hội, thân tâm, đây chính là “trói buộc”. Kì thật, ai có khả năng quyết định ai? Cái gì có khả năng trói buộc được mình? Vấn đề là: Khởi tâm động niệm của tự thân, từ vô thỉ sinh tử cho đến ngày nay, rơi vào hầm hố cảnh giới tương đối của mâu thuẫn không thể tự nhảy ra. Cho nên hoàn cảnh giống như cây côn điều khiển của nhà ma thuật, mình theo cây côn ma thuật, mà nhảy múa theo nhạc khúc vui buồn. Trong sự đối lập khách quan và chủ quan, trong đối lập tâm và vật, trong tình huống thời không cục hạn, không có chân lí cứu cánh, không có đạo đức hoàn thiện, cũng chẳng có tự do chân chính. Duy chỉ có khả năng ngộ nhập bình đẳng Không tính, khế nhập thật tướng tuyệt đối, mới có khả năng được đại giải thoát, đại tự tại. Giống như sự không nhiễm của hoa sen, không ngăn ngại của hư không. Thực hiện an lạc vĩnh hằng, tự do vĩnh hằng, tịch tịnh vĩnh hằng (thường lạc ngã tịnh): Gọi là thành Phật.

    Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, mê mờ không giác ngộ, như không chịu khắc khổ thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, tích chứa nhiều loại khó quay trở lại, thế thì làm sao có khả năng bỏ mê về giác được! Tu hành là quá trình thật tiễn của bỏ mê về giác, trong kinh văn khác lược nói: “Chân thật nghe chân thật thọ”, là “thành tựu trí tuệ nhờ nghe”, nghe đọc tụng… sinh khởi tín giải sâu sắc đối với Phật pháp. “Suy nghĩ tư duy” là “trí tuệ thành tựu của tư duy”, cũng gọi “giới sở thành tựu”. Điều này chính là đem sự lí giải thâm sâu phương pháp giải thoát của Phật-đà, trải qua tư duy sâu sắc mà cầu thật hiện nơi ba nghiệp (tư tưởng, lời nói, hành vi đều hợp với chính pháp). “Quán sát như thật” là “trí tuệ thành tựu của tu”, là quán tuệ nương vào định mà sinh khởi. Đã có khả năng nói và hành động như pháp (giới), lại phải thêm tâm ý tập trung (định), mới có khả năng sinh khởi quán sát như thật. Bằng không, chẳng qua tán tâm phân biệt mà thôi, không có khả năng thâm nhập thể ngộ. Tam giải thoát môn mà kinh văn nói đến, đặt nặng ở tu tuệ.

    Tam giải thoát môn, là Không giải thoát môn, Vô tưởng giải thoát môn, Vô tác giải thoát môn. Kinh văn nói trải qua Tam giải thoát môn mà đạt được giải thoát cứu cánh. Kì thật, “Tam giải thoát môn cùng duyên với thật tướng” (Đại Trí Độ Luận), duy phương tiện quán sát bất đồng, song thật tướng (Không tính) chỗ quán như nhau, cho nên mỗi một môn đều có thể thông thẳng đến giải thoát.

    Trước tiên nói Không giải thoát môn: Phương tiện tu hành: “Quán sát như thật: Sắc là khổ, không, vô thường, chán ghét xa rời đương sinh, trụ vào bình đẳng kiến. Thọ, tưởng, hành, thức là khổ, không, vô thường, chán ghét xa rời đương sinh, trụ vào bình đẳng kiến. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là đối tượng quán sát. Sắc là vật chất. Thọ là tinh thần phản ứng sinh khởi lúc nội tâm xúc chạm với cảnh giới. Tưởng là biểu tượng tác dụng sinh khởi khi nội tâm đối cảnh. Hành là lúc nội tâm xúc chạm đối với cảnh giới, trải qua sự suy nghĩ, suy xét, hành vi quyết định việc làm, lời nói, cho nên là tác dụng ý chí. Thức là tâm thức chủ quan. Sắc cũng tốt, thức cũng tốt, đều thiên sai vạn biệt, tổng nhiếp chung lại làm ngũ đại chúng, vì thế gọi ngũ uẩn. Đức Như Lai nói: Thân tâm thế giới của chúng ta, không nằm ngoài năm uẩn. Đối với năm uẩn, nên quán sát như thế này: Năm uẩn là vô thường: Hết thảy vật lí, sinh lí, tâm lí, đều có tướng sinh diệt, thế thì giống như không qui về diệt tận! Năm uẩn là khổ: Tất cả đều qui về vô thường, như người lữ hành đi giữa đồng trống không có chỗ nghỉ ngơi, trùng độc, ác thú đều muốn đến xâm hại chúng ta, ăn nuốt chúng ta, đều này đáng sợ biết bao! Năm uẩn là không: Tất cả là vô thường, khổ, cho nên không được tự do, không làm chủ được. Hết thảy đều nương vào nhân duyên mà sinh diệt, nương vào nhân duyên mà hành động, sinh khởi từ nhân duyên, cho nên đều không vô tự tính. Quán sát như vậy, là quán sát như thật; nếu thấy thường, thấy lạc, thấy bất không, chính là điên đảo! Trải qua quán sát như thật như thế, đối với thế gian đầy dẫy mâu thuẫn khổ não bách bức, tự nhiên không sinh tâm ái nhiễm, hướng thẳng đến cảnh giới rời xa tương đối, mà trụ vào bình đẳng chính giác vô tự tính không.

    Quán như thật như thế, là có khả năng giải thoát. Vì để làm rõ thêm một bước nữa, cho nên lại nói: “Các uẩn vốn không”. Quán năm uẩn là vô thường, khổ, không, không phải vọng tưởng điên đảo của chủ quan, mà là bản tính của năm uẩn như vậy. Vốn bản tính đã Không, vậy sao lại sinh khởi? “Do tâm sinh”; đây là nguồn gốc trực tiếp ra khỏi mê vọng. Tâm là “thức có nắm giữ” của mê vọng, trong tất cả pháp (năm uẩn), khởi lên tác dụng chủ đạo. Do sự chấp thủ, ái nhiễm của tâm thức, cho nên sinh khởi ra phiền não, tạo nghiệp, chiêu cảm sinh tử của thế gian. Bởi vì tâm mộng mà có cảnh mộng, vì cảnh mộng mà sinh khởi tâm mộng, cứ mãi mê mộng không giác ngộ. Nếu có khả năng quán sát như thật, thông đạt pháp tính không mà chẳng có chỗ chấp trước, đó là tâm thức mê vọng không sinh, cũng sẽ không sinh khởi phiền não, tạo nghiệp, tạo tác các uẩn, đây chính là giải thoát. Tu tập tiến vào như vậy, gọi là Không giải thoát môn.

    Thứ đến là Vô tưởng giải thoát môn: Như rõ được năm uẩn vốn Không, có khả năng rời xa thấy biết hư vọng, sớm đạt được giải thoát. Nhưng cũng có khả năng quán năm uẩn vốn Không, mà trong tuệ quán vẫn còn tồn tại không tưởng - hình tướng ý của Không, nên tiến đến thực tập thêm vô tưởng giải thoát môn. Trong kinh văn nói: “Trú Tam-ma-địa(2)”. Như thật quán sát, đều cần phải ở trong Tam-ma-địa (dịch là chính định); chỉ và quán đi đôi, mới có khả năng thâm nhập. Chỗ này đặc biệt nói đến trú Tam-ma-địa, chỉ là cử ra làm ví dụ mà thôi. Tất cả tri kiến của chúng ta, không rời sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Cảnh tướng sáu căn chấp giữ, là sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp sáu cảnh. Do sáu căn khởi sáu thức nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức; cảnh tượng hiện khởi, chính là sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng. Hiện tại quán sát tất cả cảnh tướng sắc… như thật, giống như tam tai(3), hết thảy đều qui về diệt tận. Tất cả cảnh tướng diệt tận, thế thì tất cả pháp (hữu) tưởng ở trong tâm, cũng sẽ không sinh khởi. Chỗ nhiếp thọ của pháp tưởng là không tưởng, cũng sẽ không hiện khởi trở lại nữa, thế là nhập vào Vô tưởng giải thoát môn. Tất cả tưởng không khởi, cho nên tri kiến thanh tịnh không khởi cái thấy biết hư vọng, liền đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Tham lam, sân hận và si mê trong nội tâm, nương vào tướng sáu trần cảnh sinh khởi. Đạt được Vô tưởng giải thoát môn, tham lam, sân hận và si mê cũng sẽ không có chỗ nương tựa ắt tự diệt tận. Như vậy, ngoài rời sáu trần, trong diệt ba độc. Ngoài rời sáu trần tưởng, cho nên không khởi ngã sở kiến; trong diệt tam độc, cho nên không khởi ngã kiến. Ngã kiến và ngã sở kiến, là hữu kiến vô kiến, nhất kiến dị kiến, thường kiến đoạn kiến… chỗ nương tựa căn bản của tất cả kiến. Ngã kiến và ngã sở kiến không sinh khởi, tất cả chấp kiến cũng sẽ không có chỗ nương tựa mà không sinh khởi. Đến đây đã cắt đứt nguồn gốc sinh tử ngã kiến ngã sở kiến, đạt cảnh giới đại giải thoát.

Cuối cùng nói đến Vô tác giải thoát môn: Nếu thâm nhập Vô tưởng giải thoát môn, có thể một xong trăm thứ đều xong. Nhưng cũng có khi tuy rời xa tất cả cảnh tướng, rời xa ngã ngã sở kiến, mà tâm quán vẫn còn chỗ chấp trước, chính là chỗ sâu nhất của nguồn gốc sinh tử yêu tự ngã của nội tại, chẳng có tịnh tận. Như thật “dư (ngã) mạn chưa hết”, ái nhiễm vi tế vẫn còn tồn tại, thế thì lại nhập vào Vô tác giải thoát môn. Cho nên, trong kinh văn nói: “Đã rời xa ngã kiến, tức không kiến, không văn, không giác, không tri”, sẽ không khởi hết thảy vọng thức trở lại nữa. Sao vọng thức lại không hết? Bởi vì chấp trước vọng thức là tự ngã mà sinh ra ái nhiễm; có ái nhiễm, liền có tư nguyện, có tạo tác, xoay chuyển trong sinh tử không được giải thoát. Nếu như thật quán sát những vọng thức này: Đây đều là nương tựa vào nhân gá duyên mà sinh khởi. Nhân duyên năng sinh, đều là vô thường; vọng thức sở sinh, đương nhiên cũng là vô thường, thế thì có cái gì có thể ái thủ chấp trước chứ! Phản quan vọng thức như vậy, như đá lửa điện chớp, sinh diệt không trụ, tức sinh tức diệt. Tiến đến soi chiếu vọng thức, sinh không từ đâu đến, diệt không đi về đâu, khế nhập cảnh giới bất sinh bất diệt. Như mây tan trăng liền sáng rực cả bầu trời, rốt ráo sáng suốt trong sạch. Tất cả bất khả đắc như vậy, thức cũng bất khả đắc; ngộ nhập vọng thức tính Không, thì sẽ không có ái nhiễm, không tạo nghiệp mới, gọi là vô tác giải thoát môn. Đến đây, chứng biết tất cả pháp rốt ráo thanh tịnh; ở trong tất cả pháp mà không chấp trước, đạt đại giải thoát, đại tự tại; chứng nhập không tính “các pháp từ xưa nay, thường tướng tự tịch diệt.”

 


(1). Kiến văn giác tri (見聞覺知): Từ gọi chung cho tâm thức khi tiếp xúc với ngoại cảnh. Kiến là dụng của nhãn thức; Văn là dụng của nhĩ thức; Giác là dụng của tỉ, thiệt và thân thức; Tri là dụng của ý thức.     

(2). Tam-ma-địa (三摩地 tiếng Phạn Samādhi): Cũng gọi Tam-muội, Hán dịch chính định, chính tâm hành xứ. Chỉ cho trạng thái tâm chuyên chú vào cảnh, không hôn trầm, điệu cử, một trong 75 pháp của Câu-xá, trong 100 pháp của Duy Thức.

Ngữ nghĩa của Tam-ma-địa rất nhiều, theo thuyết Nhất Thiết Hữu bộ thì Tam-ma-địa là một trong 10 đại địa pháp, tương ứng với tất cả tâm, tâm sở pháp, thông cả định và tán, cũng thông cả ba tính thiện, ác và vô kí mà không có tự thể riêng biệt. Theo kinh Lượng bộ thì cảnh của tâm biến chuyển một cách liên tục, gọi là Tam-ma-địa. Hành giả trụ Tam-ma-địa, quán tưởng sự bất động chiếu soi, trí tuệ sáng rỡ, sẽ đoạn trừ được tất cả phiền não và chứng đắc chân lí.                

(3). Tam tai (三災): Kiếp có ba thứ tai ách.

Trong bốn thời kì Thành, Trụ, Hoại, Không của thế giới, hữu tình xuất hiện trong một thời kì của kiếp Trụ, đến thời kì cuối cùng của kiếp Hoại thế gian hoàn toàn bị phá hoại. Trong kiếp Trụ và kiếp Hoại lần lượt có ba thứ tai ách, gọi là Tam tai.

Theo Pháp Uyển Châu Lâm nêu hai thuyết Tiểu tam tai và Đại tam tai:

1. Tiểu tam tai:

a. Cơ cẩn tai: Tuổi thọ con người từ 84.000 tuổi, cứ 100 năm giảm một tuổi, giảm đến khi 30 tuổi thì trời hạn hán không mưa, cây cỏ không mọc, vô lượng nhân dân ở thế gian bị đói kém mà chết.

b. Tật dịch tai: Khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 20 tuổi thì các thứ bệnh xuất hiện, vô lượng nhân dân ở thế gian bị mắc bệnh mà chết.

c. Đao binh tai: Khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 10 tuổi thì mọi người đều sinh ra tranh đấu, tay cầm cỏ cây cũng biến thành đao gậy, tàn hại lẫn nhau, vô lượng nhân dân ở thế gian bị chết bởi đao binh.

2. Đại tam tai:

a. Hỏa tai: Vào kiếp Hoại thì có 7 mặt trời xuất hiện, mặt đất và núi Tu-di dần dần sụp đổ, nước trong bốn biển lớn dần dần cạn hết, cõi Dục và các tầng trời Sơ thiền đều bị thiêu hủy, không còn sót lại gì.

b. Thủy tai: Từ cõi trời Sơ thiền trở xuống trải qua 7 lần hỏa tai thì thế giới lại thành. Vào thời Hoại kiếp dần dần có mưa lớn, hạt nước lớn như bánh xe, lại có thủy luân dưới đất bắn vọt lên, từ cõi Dục đến các tầng trời Nhị thiền đều bị ngập lụt, tất cả đều hoại diệt, như hạt muối bị tan trong biển nước.

c. Phong tai: Từ cõi Nhị thiền trở xuống trải qua 7 lần thủy tai, lại trải qua 7 lần hỏa tai phá hoại cõi thế gian, đến khi thế giới hình thành trở lại, rồi đến kiếp Hoại, từ lớp phong luân phía dưới có gió mạnh nổi lên, cộng với sức nghiệp của chúng sinh đã hết cho nên nơi nào cũng nổi gió, từ cõi Dục cho đến các tầng trời Tam thiền thảy đều bị gió đánh bạt, sạch hết không còn gì.  

 
00:00