Năm Mới Nên Có Quan Niệm Mới

 (giảng tại đài phát thanh Đại Đông ở Ma-ni-lạt)

    Kính thưa toàn thể chư vị kiều bào! Kính thưa toàn thể các vị Phật giáo thiện hữu! Ấn Thuận tôi đến từ Đài Bắc của đất nước mới được tự do, lại gặp đúng dịp năm mới; nhân dịp năm mới, muốn giới thiệu với các vị quan niệm mới của Phật hóa. Nếu mọi người có khả năng tiếp nhận được nó, trở thành tín niệm mới, thế thì năm nay thật là năm mới cần phải bước vào!

    Điều tôi muốn nói, là tín niệm cổ xưa đã có trong giới Phật giáo từ hàng ngàn năm nay. Nhưng một lần nhắc đến, lại là một lần thấy mới, đặc biệt trong thời đại buồn bã, lỗi thời này. Cái tôi cần nói đó là: Xưa kia Bồ-tát Thường Bất Khinh, gặp ai cũng đều nói: “Tôi chẳng dám khinh các người, vì các người đều sẽ thành Phật”. Câu nói này, chỉ ra ý nghĩa chân thật thâm sâu của nhân sinh, cũng khai thị cho chúng ta cần phải có thái độ nên có đối với chính mình và đối với nhân loại.

    Các vị biết, thế gian này, bức tường thành ngăn cách giữa con người và con người vẫn còn rất dày. Có người thông minh cũng có người ngu muội; có người nhu nhược cũng có người kiên cường; có người hướng thượng, có người đình trệ, cũng có người đọa lạc; trên tư tưởng, có người sai lầm, có người chính xác; trên hành vi, có người thiện, có người ác. Nhưng tuyệt đối không nên cho sự sai biệt này, vĩnh viễn như vậy không thể biến đổi. Chớ có đem sự khác biệt của nhân loại, xem là sự mạnh yếu của chủng tộc; xem là bản tính bất đồng của con người; hoặc xem là ưu việt vĩnh viễn, lạc hậu vĩnh viễn, cố định vĩnh viễn không sửa đổi. Theo nhà Phật, người hiện tại trí ngu không giống nhau, mạnh yếu không giống nhau, nghèo giàu không giống nhau, tốt xấu không giống nhau, là một giai đoạn trong quá trình sinh mạng, chẳng phải kết cục. Hễ chưa đạt đến bước cứu cánh, người nào cũng giống như vậy mà thôi, đều ở trong quá trình nhân trước quả sau, tạo nghiệp thọ báo. Không có khả năng nỗ lực hướng thượng, ai cũng phải đọa lạc; còn có khả năng nỗ lực hướng thiện, ai cũng sẽ tiến bộ. Không chỉ như vậy, do nhân loại đều có đức tính hướng thượng, hướng thiện, hướng đến cứu cánh, cho nên trong quá trình kéo dài liên tục của sinh mạng vô hạn, cuối cùng phải đạt đến bước cứu cánh hoàn mãn. Như những gì Bồ-tát Thường Bất Khinh nói, mọi người đều sẽ thành Phật. Do đó, trong Phật pháp chẳng có tội ác vĩnh viễn, chẳng có khổ nạn vĩnh viễn, cũng không có đọa lạc vĩnh viễn. Ngược lại, mọi người có khả năng làm mới mê vọng thành giác ngộ, làm mới nhiễm ô thành thanh tịnh. Như vậy, tiền đồ của nhân loại, sẽ được tốt lành vĩnh viễn, an lạc vĩnh viễn, quang minh vĩnh viễn. Đối với bản thân, đối với người khác, chúng ta đều nên có quan niệm như vậy. Người như thế này là người tích cực, lạc quan, có khả năng chấn chỉnh lại mình, sách tấn chính mình, phá trừ khó khăn khổ nạn như thế nào cũng không bao giờ thất vọng.

    “Nhân loại bình đẳng, cùng thành Phật đạo”, có được loại tín niệm này, mới có khả năng “không khinh mọi người, mọi loài”. Khinh là sao? Là coi thường, khinh mạn, miệt thị, sỉ nhục. Nhân loại ai ai cũng có khuynh hướng coi trọng mình, nhục mạ người khác. Đây là ngã mạn mà tôi xem thấy được, từ xa xưa đến nay, quan niệm xưa cũ nó đã ăn sâu vào trong tâm mình. Loại quan niệm này, đưa chúng ta mãi mãi lưu chuyển trong sinh tử, đưa thế gian vĩnh viễn rơi vào hầm hố khổ nạn. Tâm khinh mạn, có khi nó nghiêm trọng lắm, song cũng có khi nó phát triển thành ngạo mạn tự tôn tự đại, xem mình là chủ nhân, siêu nhân, bắt mọi người phải phục tùng, phải hi sinh lợi ích để thỏa mãn lòng tham vọng của mình. Có khi, lại biến thành “ti mạn”, tự ti mà lại không phục, tâm này càng ngày phát triển thành tâm lí căm phẫn, thù hận, ganh ghét, nham hiểm, tàn hại, xem mọi người đều là kẻ thù, đây là quan niệm xưa cũ đã thâm căn cố đế. Có một số tôn giáo, chính trị hoặc học thuyết, đều mắc vào căn bệnh trầm trọng này, nghĩ rằng chỉ có mình mới là người đại diện cho chân lí. Cho rằng tín ngưỡng họ, theo họ, tuân thủ ý chỉ của họ, chấp hành chủ trương của họ, mới là đúng, mới được sinh tồn. Còn ai không thuộc về họ, không tín ngưỡng họ, bất luận bạn là người như thế nào, đều bị xem tội nhân cực ác, không thể tha thứ, không thể không hủy diệt. Loại có mình không có người này, kì thật đây là quan niệm xưa cũ hại mình hại người, quả thật không thể không xem xét, cải đổi lại.

    Nếu có quan niệm mới mọi người đều bình đẳng, đồng thành Phật đạo, tâm kiêu mạn tự nhiên dần dần tiêu tan, không còn xem thường, bác bỏ tất cả mọi người. Cho nên đệ tử Phật chân chính, tâm lượng phải rộng lớn, bao dung, nhẫn nại, tôn trọng nhân tính và làm việc lành cho người. Đối với tất cả tôn giáo, học thuyết, tuyệt đối không được xem đó là tà giáo, tà thuyết không đáng để học, toàn bộ nói bậy. Cho dù những điều đó không được trọn vẹn, sai lầm lớn, thậm chí độc hại vô cùng, cũng chẳng phải hoàn toàn không có thành phần chính xác, ít ra cũng có chân thật gần giống với chúng ta, đáng để mình tham khảo. Đối với mọi người, bất luận là người phản đối Phật pháp, tín ngưỡng các tôn giáo khác, hoặc không tin thứ gì cả (vô thần), không nhất định đó là người xấu hoàn toàn, biết đâu trong người đó cũng có nhân cách cao thượng, phẩm học tốt đẹp, có lợi ích gì đó đối với nhân loại. Giả sử người ác, cũng chẳng phải không có chút ít tâm lành, hoặc chẳng có một lời nói, một hành động có thể khen ngợi. Tin chắc chắn cuối cùng nhân loại cùng trở về Phật đạo, tâm địa tự nhiên được bình tĩnh, đối với mọi người tự nhiên được rộng rãi. Tất cả mọi người nên quán xét lại hành vi của tự thân, hoặc lành hoặc dữ, mà tự mình quyết định tiền đồ cho mình hướng thượng hoặc đọa lạc, chịu đau khổ hoặc hưởng thọ an vui. Tín ngưỡng Phật pháp, nhất định sẽ được đi trên đạo lộ chính xác, bình thản, bước vào cảnh giới cao thượng, hoàn thiện mà thôi.

     Đối với mọi người, đối với sự việc, đối với lí luận, Phật pháp chẳng có tâm oán ghét xem chúng như thù hận, cho rằng không thể không hủy diệt. Phật pháp được xác lập trên lí tưởng hướng thượng hướng thiện, kiên định chính mình, bổ khuyết chính mình, làm lợi ích cho chúng sinh với tâm đầy nhẫn nại; mở rộng vòng tay thương yêu tất cả những người tà ác, có tâm hãm hại, chẳng những không coi thường anh ta, mà còn làm sống dậy tâm hướng thượng trong anh ta, giúp anh ta làm mới dần dần cho đến khi hoàn thiện. Thể hội được quan niệm này, mới lí giải vì sao Phật pháp lại muốn chúng ta: “Không được coi thường những người chưa học”, “không được xem thường những người hủy hoại giới cấm”. Bởi vì mọi người đều bình đẳng, đều có tính hướng thượng, người chưa chịu tu học ngược lại sai lầm điên đảo, không nên thấy thế mà coi thường, vì anh ta có thể học tập dần dần và trở thành người nghe nhiều học rộng; còn người hủy phạm giới luật, có thể sám hối, trở thành người có hành vi đạo đức. Dưới quan niệm như vậy, đối với mọi người mới có tình bằng hữu chân thành, mà không mang tính lợi dụng; mới có từ ái chân thành, mà không mang mầm mống chiến tranh; mới có bình đẳng chân thật, mà không phải cho mình là người lãnh đạo. Nếu chúng ta có được tín niệm kiên định như vậy, tự nhiên sẽ tăng trưởng được chân từ bi lợi ích tha nhân, phát sinh chân trí tuệ vô ngã, do thực tập theo hạnh Bồ-tát mà tiến thẳng lên Phật đạo. Nếu chúng ta có khả năng truyền bá tín niệm này cho khắp nhân loại, tự nhiên nhân loại sẽ có hòa bình chân chính, cùng nắm tay nhau bước vào thời đại tha thứ, tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau.

     Bồ-tát Thường Bất Khinh nói: “Tôi chẳng dám khinh các người, vì các người đều sẽ thành Phật”, thật là câu danh ngôn chí lí thách thức với thời gian, hôm nay đặc biệt đem ra hiến dâng cho các vị. Cuối cùng, kính chúc chư vị năm mới bình an!

 
00:00