Xá Lợi Tử Giải Thích Nghi Nan

    Trong giới Phật giáo rất xem trọng xá-lợi tử, tôn kính hết mực. Nhưng lúc đầu chỉ là xá-lợi, sau đó mới chú ý đến xá-lợi tử. Xá-lợi là tiếng Ấn Độ, hoặc dịch là Thất-lợi-la, Thiết-lợi-la; nghĩa là “cốt thân, thể, di thân”, từ gọi chung cho thân thể sau khi chết. Đất nước chúng ta đối với di thể của người quá cố, đều chôn cất kỹ càng trong phần mộ, vô hình trung phần mộ trở thành đối tượng tôn kính của tôn giáo dân tộc chúng ta. Nhưng tục lệ Ấn Độ phần lớn là thiêu, xương tro còn lại sau khi thiêu xá-lợi, được an trí trong các đồ vật làm bằng vàng, đá, đồ sành, chôn lại xuống đất, để lộ trên mặt đất một ít, gọi là tháp, tháp nghĩa là to lớn hiển hách, điều này giống với phần mộ của nước ta. Đồ vật an trí xá-lợi, không nhất thiết phải được làm bằng vàng, đá, có hình thức đặc thù, chỉ cần có thể thờ cúng trong nhà, cũng gọi là tháp. Loại tháp an trí xá-lợi này, chính là nguồn gốc của bảo tháp tại Trung Quốc. Ấn Độ chú trọng thiêu, trong tháp an trí thờ cúng xá-lợi, xá-lợi và tháp, trong tôn giáo dân tộc Ấn Độ, cũng trở thành đối tượng tôn kính!

    Dựa vào sự tôn kính di thể đạo lí của toàn thân thể hoặc xương tro, chính là tóc được cắt ra, móng tay chân được cắt, răng khi còn sống, đều là di thể xá-lợi được tôn kính. Cho nên trong Phật giáo, có xá-lợi tóc, xá-lợi móng, xá-lợi răng, cho đến tháp thờ tóc, thờ móng, thờ răng…

    Vì sao tôn kính di thể? Người bình thường đối với di thể của cha mẹ quyến thuộc, do lúc còn sinh tiền có ân ái với nhau, cho nên sau khi họ qua đời hoặc an táng toàn thi thể, hoặc thâu nhặt xương tro xá-lợi, cung kính an trí vào tháp. Đặc biệt đối với cha mẹ, ông bà… biểu thị hiếu đức kính yêu “nhớ thương người quá cố”. Điểm này, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều giống nhau. Nếu người nào có công có đức đối với xã hội, mộ phần của y, sẽ được cả nhân dân Trung Quốc tôn kính. Trong Phật giáo, đức giáo chủ Thích-ca Mâu-ni Như Lai, cùng với chúng đệ tử chư vị Bồ-tát hoặc A-la-hán, cho đến cao tăng đại đức đời sau, xá-lợi có được sau khi hỏa táng, đều được sự cung kính cúng dường rộng khắp của Phật tử. Mấy năm trước, tháp Tán-kì-cổ ở Ấn Độ, phát hiện xá-lợi các vị đệ tử lớn của đức Như Lai, đó là xá-lợi của thầy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, những viên xá-lợi này được chính phủ Ấn Độ hết sức kính trọng. Sau đó, nó được làm lễ vật tối trân quí, cúng dường cho Phật giáo Tích Lan. Vào thời kì kháng chiến, người Nhật phát hiện xá-lợi của thầy Tam tạng pháp sư Huyền Trang tại Nam Kinh, xá-lợi của thầy từng được xây tháp cúng dường tại Nam Kinh, Bắc kinh, Nhật Bản. Năm trước chư tăng Nhật Bản thỉnh một phần xá-lợi của thầy đem sang cúng dường cho Đài Loan, được chính phủ và dân chúng cung đón xem là quốc bảo, lại còn quyết định xây dựng tháp bên đầm Nhật Nguyệt để cúng dường. Xá-lợi của đức Thế Tôn và chúng đệ tử được mọi giới cung kính cúng dường, là do đức Như Lai cùng chúng đệ tử, từng dựa vào di thể này, khêu gợi ra công đức trí tuệ, từ bi…, chỉ dạy ý nghĩa chân thật của nhân sinh, hóa độ không biết bao nhiêu người mà kể, đưa người thực tập bỏ ác hướng thiện, tiến thẳng vào cảnh giới tốt đẹp tột cùng. Cho nên, kinh Kim Quang Minh nói: “Xá-lợi có được do huân tập, thực hành công đức giới định tuệ, còn ngoài ra không dễ gì có được, là ruộng phước tối thượng”. Kinh Bát-nhã cũng nói: “Thân tướng đức Như Lai và Thiết-lợi-la (xá-lợi), đều do huân tập, thực hành công đức thậm thâm của Bát-nhã Ba-la-mật-đa như vậy, do đó được tất cả thế gian trời người, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen”. Xá-lợi của Đức Phật và chư thánh đệ tử, được sự cung kính cúng dường của Phật tử, không chỉ nghĩ đến hiếu cung kính, nghĩ nhớ ngưỡng mộ (như người bình thường tôn kính di thể của ông bà); do công đức thậm thâm của đức Như Lai và chư đệ tử, vì thế cúng dường xá-lợi, có khả năng khêu gợi tín tâm, tâm hướng thượng, có khả năng kích động phát khởi niệm lành của nhân loại, cổ vũ nhân loại hướng về truy cầu chân lí.

     Mãi đến ngày nay, các nước Phật giáo như Miến Điện, Thái Lan…, vẫn chỉ cung kính cúng dường xá-lợi, mà nước chúng ta lại đặc biệt chú trọng xá-lợi tử. Theo sử sách: Xá-lợi của đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai sau khi thiêu xong, kiên cố không hoại diệt, giống như hạt kim cương. Các vị cao tăng đại đức nước chúng ta, sau khi hỏa táng, cũng thường phát hiện trong xương tro có những hạt rất cứng (nhưng theo sử liệu: Xá-lợi của Phật vĩnh viễn không hoại diệt, mà xá-lợi tử bình thường, chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định nào đó). Do đó, tín đồ Phật giáo nước ta, đối với những hạt cứng chắc trong xá-lợi, tôn kính đặc biệt, xưng đó là xá-lợi tử. Xá-lợi tử chính là hạt cứng trong xá-lợi. Vì thế nên cất giữ cẩn thận, đáng để lại cho tín đồ cúng dường từ đời này sang đời khác.

     Vì sao sau khi hỏa táng có được xá-lợi tử này? Đất nước chúng ta lưu truyền tín niệm thế này: Nếu người nào đoạn trừ dâm dục thời gian dài, tràn đầy tinh hoa, sẽ có được xá-lợi tử kiên cố. Theo tôi thấy, xá-lợi chính là tinh hoa của máu, thịt, xương, mỡ…, dưới sức nóng của lửa nó kết tụ thành. Điều này trong chư tăng nước ta, vốn là chuyện bình thường không có gì kì lạ lắm. Mùa xuân năm Dân Quốc thứ 36 (1947), Đại sư Thái Hư viên tịch tại Thượng Hải, đây là lần đầu tiên tôi thấy xá-lợi tử. Mùa thu năm đó, ghé qua Tô Châu, đặc biệt đi Mộc Độc Linh Nham sơn, chiêm lễ xá-lợi tử của Đại sư Ấn Quang. Lần đó, tận mắt chiêm ngưỡng xá-lợi tử của Đại sư Chương Gia. Về số lượng, Đại sư Chương Gia nhiều hơn một ít; nhưng xá-lợi tử sáng trong, thì nhị vị lão sư Thái Hư và Ấn Quang nhiều hơn. Mấy năm trước tại Đài Loan, Ưu-bà-di Diệu Trần chùa Tì-lô ở Hậu Lí và Tì-kheo ni Đạt Tâm ở tu viện Tịch Chỉ Tĩnh, đều phát hiện có xá-lợi tử. Năm ngoài, pháp sư Chấn Đông ở Man Dung, lúc sinh tiền là vị tăng bình thường, nhưng sau khi làm lễ hỏa táng, phát hiện có rất nhiều xá-lợi tử. Cuối năm ngoái, gia sư mất tại Singapo, theo như những gì pháp sư Quảng Hiệp… viết trong thư, sau khi hỏa táng thu nhặt được rất nhiều xá-lợi tử. Sư đệ của tôi gói mấy viên gửi qua đường bưu điện cho tôi, hiện đang được thờ trong cái tháp bằng bạc nhỏ. Xá-lợi tử, vốn bình thường mà lại chẳng có gì kì lạ lắm. Song, xá-lợi tử của Đại sư Thái Hư, tổ Ấn Quang, pháp sư Chương Gia, đáng để chúng ta cung kính, xây tháp cúng dường, bởi vì công đức khi còn thị hiện cõi nhân gian đức tốt như từ bi, trí tuệ, lợi mình lợi người. Xá-lợi tử của các thầy, là công đức huân tập, thực hành giới, định, tuệ, cho nên là “rất khó có được, ruộng phước vô thượng!”

     “Nhật Báo Trung Ương”, từng đưa tin có liên quan đến xá-lợi tử của Đại sư Chương Gia “Phật thân Tam Bảo”. Vị kí giả không am tường Phật giáo cho lắm (như gọi Lí Tử Khoan là pháp sư). Đối với bài báo xá-lợi tử, trong câu văn, con chữ chứa đầy bệnh hoạn, do đó dẫn đến nghi vấn cho người đọc. Có một số câu hỏi, theo như giải thích bài viết, có thể không cần giải đáp nữa, song cũng có một số cần phải làm sáng tỏ. Thân thể hoặc di thể của con người xá-lợi, duy chỉ có mình, mới có quyền cho bệnh viện hoặc phòng hóa nghiệm, được phép giải phẫu hoặc hóa nghiệm. Xá-lợi tử của Đại sư Chương Gia, là đối tượng tín ngưỡng của người dân và tín đồ Phật tử, vì thế không ai có chủ quyền, lấy tặng cho khoa học nghiên cứu thí nghiệm. Cho nên có người đề nghị, hội “Cơ Ư Ái Quốc Tâm” của Phật giáo, quyên tặng xá-lợi tử của thầy cho khoa học làm thí nghiệm, rõ ràng hiểu sai từ “ái quốc” (yêu nước), cũng chính là đang lạm dụng trướng yêu nước. Xá-lợi tử của Đại sư Chương Gia, hiện đang được thờ cúng tại ngã tư Thanh Điền thành phố Đài Bắc nơi làm việc khi thầy còn tại thế, để cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng lễ lạy, cho nên nếu có hứng thú nghiên cứu, có thể đến đó xem, đâu nhất định phải để trong viện bảo tàng (cũng có người kiến nghị quyên tặng cho viện bảo tàng). Còn như hỏi: “Đối với sự phát triển của xã hội, tiến bộ của khoa học, chúng ta có giúp đỡ gì?” Tôi xin lấy ví dụ thay cho lời phúc đáp: Quốc phụ Tôn Trung Sơn tiên sinh, sau khi qua đời, thi thể được khử trùng, giải phẫu, an táng trong quan tài bằng thủy tinh, phụng an tại lăng Trung Sơn ở Nam Kinh, chi phí cho việc đó tương đối lớn. Thử hỏi: Tự thân di thể Trung Sơn tiên sinh mà nói, đối với phát triển của xã hội chúng ta, tiến bộ của khoa học, có giúp được gì? Di thể của Trung Sơn tiên sinh, cùng với di thể của anh, tôi sau khi chúng ta nhắm mắt lìa trần, có khác nhau là bao? Nhưng vì khi còn sinh tiền Trung Sơn tiên sinh có đức tốt đối với nước với dân, mới được mọi người tôn kính. Chiêm ngưỡng lễ bái nghĩa trang Trung Sơn, có khả năng được sự chiêu cảm đức tính tốt của Trung Sơn tiên sinh, mà nỗ lực thực hiện lí tưởng vĩ đại xây dựng dân quốc, tiến đến xã hội đại đồng (xã hội không còn phân biệt giai cấp, dân tộc, quốc gia, mọi người đều sống bình đẳng, tự do, hạnh phúc như nhau.) Cũng như thế, tôn kính xá-lợi tử, quả thật do đức hạnh tốt của vị đó khi còn sinh tiền; mà xá-lợi tử trong tâm của tín đồ, tràn đầy sức mạnh lớn cổ vũ họ hướng thượng.

     Tôn kính xá-lợi tử, còn một nhân tố khác, mỗi xá-lợi tử có hiện tượng đặc biệt riêng. Đương nhiên, chẳng phải xá-lợi của ai cũng đều có kì tích khó nghĩ ra được. Hiện tại chỉ đưa ra hai điểm:

     1. Xá-lợi tử có thể có được nhờ sự chí thành khẩn thiết, trong sử Phật giáo có ghi: Thời Ngô Tôn Quyền, thiền sư xuất chúng người Việt Nam - Khương Tăng Hội (không hiểu tại sao khi phiên âm họ của thầy, người ta phiên âm chữ “康” Khang thành Khương) cùng với chúng đệ tử, kiền thành kì cầu, quả nhiên trong bình xuất hiện xá-lợi tử. Thầy Tuệ Đạt (tên đời Lưu Tát Hà) thời Tây Tấn, kì cầu ở huyện Mậu, có xá-lợi và tháp từ trong đất vọt lên. Tháp xá-lợi chùa A-dục Vương ở Ninh Ba nổi tiếng xưa nay, đã có 1.700 năm tuổi. Có lẽ mọi người cho đây là chuyện đã xa xưa rồi! Thế thì, vào khoảng năm Dân Quốc hai mươi mấy, tướng quân Chu Khánh Lan đi Tây An, người hướng dẫn đưa ông tham quan chùa Hưng Giáo  tháp viện của Tam tạng pháp sư Huyền Trang nhà Đường. Chu tướng quân kiền thành lễ bái, tự nhiên có nửa viên gạch từ trên tháp rơi xuống, nhặt lên xem, phát hiện có hai viên xá-lợi tử dính trên đó. Do đó mới bắt đầu tu bổ tháp của thầy Huyền Trang, đồng thời cũng tu bổ tháp của đệ tử thầy, tháp của hai thầy Khuy Cơ và Viên Trắc (đều ở trong chùa Hưng Giáo).

     2. Xá-lợi tử có khả năng sinh trưởng: Đầu nhà Minh, Đại sư Tông Khách Ba (Tsoṅ-kha-pa) người Tây Tạng, người sáng lập Hoàng giáo, những năm cuối đời may mắn được người ta cúng dường cho một cái răng xá-lợi, thầy giao cho người đệ lớn nhất cất giữ, tôn thờ. Sau đó hỏi đệ tử về việc cung kính cúng dường xá-lợi ra sao. Người đệ tử cung kính lấy ra xem, thật không ngờ xung quanh chiếc răng xá-lợi đó mọc ra nhiều xá-lợi nhỏ. Lúc đó, thầy lấy những viên xá-lợi được sinh ra, phân phát cho chúng đệ tử cúng dường. Càng vi diệu hơn, chiếc răng xá-lợi đó, tiếp tục được cung kính cúng dường, lại sinh ra nhiều hạt xá-lợi khác, cho mãi đến ngày nay. Có lẽ mọi người cho rằng việc này đã xảy ra quá lâu xa về trước, không biết có đáng tin cậy không? Thế thì, tôi lấy việc vừa mới xảy ra, gần đây tại Đài Bắc, cư sĩ viện trưởng Tư Pháp, khi còn sinh tiền ông hết sức cung kính cúng dường 5 viên xá-lợi. Sau khi qua đời, gia đình đem 5 viên xá-lợi đó đến cúng dường cho chùa Thiện Đạo. Năm ngoái, phát hiện thấy xá-lợi đó đã tăng lên gấp đôi (10 viên). Vào mùa xuân năm nay, thỉnh ra 5 viên cúng dường cho tháp Phúc Tạng ở Thanh Thảo Hồ-Tân Trúc. Năm viên xá-lợi còn lại tại chùa Thiện Đạo, không biết hiện tại có sinh thêm không!

    Có lẽ có người sẽ kiến nghị, xá-lợi tử giống như vậy, nên tặng cho khoa học gia để họ “nghiên cứu thí nghiệm”, phân tích chính xác. Kì thật không cần phân tích thí nghiệm, tôi có thể nói với quí vị như thế này: Đây chỉ là khối vật chất nguyên tố, chẳng có thành phần linh thiêng kì lạ; song chẳng phải vì thế mà xá-lợi tử mất đi sự vẻ vang, rực rỡ vốn có của nó. Vấn đề này giống như nhân loại, bất luận ai, khi đưa vào phòng thí nghiệm khoa học, trải qua phân tích thí nghiệm chính xác, họ cho biết: Chẳng tốt, cũng không xấu; không trung thành, cũng không có gì gian ác. Qua sự phân tích thí nghiệm của khoa học, điều này chẳng có căn cứ gì cả. Người, chỉ là có bao nhiêu hàm lượng nước, bao nhiêu chất sắt…, những vật chất nhỏ bé này, được bao nhiêu đồng... hào… xu... Song có thật nhân loại không phân biệt tốt xấu, trung tà không? Thật sự chỉ đáng giá có bấy nhiêu đồng, hào, xu đó thôi sao?

    Gần đây do khoa học phát triển nghiêng về vật chất, tạo thành ý thức độc hại nghiêm trọng của nhân loại, nhân sinh quan biến thành thấp hèn, vị lợi, duy vật, đưa xã hội thế giới này, xem ra rất tiến bộ, song kì thật tiến bộ đến bờ vực hủy diệt. Không biết vật chất có thế giới của vật chất, ý thức có nội dung của ý thức, đạo đức có lãnh vực của đạo đức, tôn giáo có cảnh giới của tôn giáo. Xử lí sự vật bằng con đường phân tích thí nghiệm, không phải thích hợp hết với tất cả. Xá-lợi tử, mặc dù có hiện tượng vi diệu thù thắng không thể nghĩ bàn, song chẳng phải luôn cố định như vậy. Mà sở dĩ chúng ta tôn kính xá-lợi của đức Như Lai và chư đệ tử, như tôn kính xá-lợi tử của chư vị Đại sư gần đây, tổ Ấn Quang, Đại sư Thái Hư, thầy Chương Gia…, lí do chủ yếu, vẫn là do công đức của các vị đó khi còn sinh tiền, đức hạnh từ bi trí tuệ, lợi mình lợi người, hoằng dương giáo pháp giải thoát của Phật-đà, hộ trì đất nước!

 
00:00