Tư Tưởng Trung Tâm Của Đạo Phật - Chương V: THÁNH ĐẾ THỨ BA: DIỆT ĐẾ

    Sự chấm dứt đau khổ (Nirodha)

    Trong chương ba và bốn chúng ta đã thảo luận về khổ và nguyên nhân của nó. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của sự diệt khổ (dukkha-nirodha) được biết đến dưới danh từ Nirvàna (Sanskrit), tức Niết-bàn. Ý nghĩa từ nguyên học của từ này gồm ni + vãna, có nghĩa là không còn tham ái, đã ra khỏi tham ái, hoặc gồm: nir + vã, có nghĩa là ngừng thổi hay bị dập tắt.

    Dù nghĩa từ nguyên học trong tiếng Pãli và Phạn ngữ có thể giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của thuật ngữ này, nhưng chúng vẫn không giúp chúng ta chứng nghiệm được cái hạnh phúc của Niết-bàn vì sự chứng nghiệm này đến từ Giới, Định và Tuệ như chúng ta sẽ thấy trong chương kế tiếp. Niết-bàn là một giáo pháp, một sự chứng nghiệm không thể giải thích được vì tính chất tinh tế của nó. Nó được xem là cái Siêu Thế (lokuttara), cái Tuyệt Đối, cái Vô Vi (Asamkhata). Niết-bàn  phải được bậc trí tự chứng ngộ lấy.

    Đừng nói chi tới Niết-bàn, chỉ một việc đơn giản như vị ngọt của đường ta cũng không thể nhận ra được nếu trước đó chưa hề nếm qua nó mà chỉ có đọc những sách nói về tính chất hoá học của đường! Nhưng nếu ta cho một thỏi đường vào lưỡi thì ta sẽ nhận ra được vị ngọt của nó mà không cần phải lý thuyết dông dài về đường nữa.

    “Niết-bàn là gì?” Đó là câu hỏi mà một người theo Phật hay không đều có thể đặt ra ngay từ đầu. Đây không phải là một câu hỏi mới hôm nay hay hôm qua. Có thể có nhiều câu trả lời khéo léo và giải thích nó trong những lời tán thán nồng nhiệt, nhưng cho dù thuyết lý đến bao nhiêu chăng nữa cũng không đem chúng ta đến gần nó hơn một chút nào, bởi vì nó đứng ngoài ngôn ngữ, ngoài phạm trù lý luận. Nếu nói “Niết-bàn không phải là điều gì đó” thì dễ hơn và chính xác hơn vì người ta không thể diễn tả nó bằng ngôn ngữ. Niết-bàn là điều không thể mô tả và không thể truyền đạt được. Khi cố gắng giải thích từ này, chúng ta sử dụng những từ ngữ mang ý nghĩa bị hạn chế, những từ liên hệ đến thế gian. Trong khi Niết-bàn, cái Thực Tại Tuyệt Đối, chỉ chứng nghiệm được qua sự tu tập Tăng thượng Tâm và trí tuệ, nằm ngoài bất kỳ một trải nghiệm thế gian nào, ngoài khả năng diễn đạt của ngôn ngữ. Lý do chúng ta viết về nó là để ngăn ngừa sự hiểu lầm về khái niệm Niết-bàn của đạo Phật.

    Đức Phật nói:

    “Này các thầy Tỳ-kheo, cái giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ thì sâu thẳm, khó thấy, khó hiểu, an lạc và cao cả vượt ra ngoài lý luận đơn thuần, nó vi diệu và chỉ bậc trí giả mới có thể nhận thức được. Nhưng đời này con người lại thích thú, say mê và vui mừng trong dục lạc. Vì người đời thích thú, say mê và vui mừng trong dục lạc nên cũng khó mà thấy được cái lý duyên sinh hay cái duyên khởi tuỳ thuộc này. Cũng khó mà thấy được cái sâu lắng của các pháp hữu vi, khó thấy sự từ bỏ tất cả Sanh y (Upàdhi), sự dập tắt tham ái, sự ly dục, sự đoạn diệt, tức Niết-bàn. Và nếu Như Lai phải dạy về giáo pháp này, còn những người khác thì không hiểu Như Lai, đó là điều đáng lo phiền đối với Như Lai”. (Trung Bộ Kinh.26)       

    Như vậy, Đức Phật đã chỉ rõ là khó thấy, khó hiểu được sự dập tắt của tham ái (Niết-bàn).

    Trong bài pháp đầu tiên khi giải thích về Thánh Đế thứ ba, Đức Phật có nói: “Này các thầy Tỳ kheo, đây là chân lý cao cả về sự đoạn diệt đau khổ, đó là sự đoạn diệt hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly và không chấp vào chính cái tham ái đó.” (Tương Ưng Bộ Kinh.v.421)

    Dù trong định nghĩa này từ Niết-bàn không được đề cập đến, nhưng “sự đoạn diệt hoàn toàn tham ái” là có ý chỉ cho Niết-bàn. Ở nơi khác Đức Phật đã làm sáng tỏ điều này: “Chính thế, này Radha, sự dập tắt tham ái là Niết-bàn.” Trả lời cho một vị thiên tử, Ngài nói: “Sự đoạn tận tham ái là Niết-bàn.” Và ngài Xá-lợi-phất đã nói: “Sự khuất phục và từ bỏ tham dục đối với năm hợp thể chấp thủ chính là sự đoạn diệt đau khổ.

    Ở trên ta thấy rõ Nirodha hay Nibbàna là sự đoạn diệt, sự dập tắt tham ái. Như chúng ta đã thấy trong chương trước, tham ái chính là nguyên nhân của đau khổ, đau khổ chỉ đoạn diệt khi cái gốc của nó là tham ái bị đoạn diệt. Với sự xả bỏ tham ái, chúng ta cũng xả bỏ được đau khổ và tất cả những cái thuộc về đau khổ. Như vậy, Nibbàna được định nghĩa là sự dập tắt của đau khổ.

    Chúng ta có thể để ý thấy rằng mặc dù những thuật ngữ phủ định thường được dùng để định nghĩa Niết-bàn, nhưng chúng không có hàm ý Niết-bàn chỉ là sự phủ định hay sự hoại diệt của một cái Ngã. Nói cho cùng, sự phủ định không có nghĩa là cái Không tuyệt đối, cái chân không, mà chỉ là sự vắng mặt của một cái gì đó. Một bậc A-la-hán đã chứng được Niết-bàn là không còn tham ái. Tham ái không còn hiện hữu nơi họ, và đây không phải là cái Không đơn thuần hay sự hoại diệt cái Ngã, bởi vì không có cái Ngã nào để hoại diệt!

    Chúng ta cũng thấy rõ trong kinh điển các thuật ngữ tích cực như Khemam (an tịnh), Suddhi (thanh tịnh), Panìtam (cao cả), Santi (an lạc), Vimutti (giải thoát) được dùng để diễn tả vô sanh Niết-bàn. Thế nhưng, ý nghĩa thật sự của những thuật ngữ này bị giới hạn bởi những trải nghiệm của thế giới hữu tình; tất cả những định nghĩa tích cực xuất phát từ kinh nghiệm của chúng ta đối với thế giới hiện tượng. Quan niệm của người đời về mọi vật là samsàric (sinh tử), nghĩa là thuộc về sự hiện hữu hay cái đang trở-thành (hữu). Do đó mọi quan niệm của chúng ta liên quan đến Niết-bàn cũng dựa vào cái đang trở-thành, và vì vậy chúng ta không thể có một hình ảnh đúng đắn về Niết-bàn. Mọi ý nghĩ, khái niệm và lời nói của chúng ta đều bị giới hạn, hữu vi và không thể đem áp dụng cho Niết-bàn Vô tác, vô vi, vô tướng.

    Theo tập quán, chúng ta nói đến những thuật ngữ tích cực và tiêu cực, chúng cũng tương đối như mọi thứ khác; nhưng Niết-bàn thì vượt lên trên cái tích cực và tiêu cực đó, và không liên quan đến bất cứ cái gì do duyên sinh tức hữu vi. Đức Phật đã dùng những thuật ngữ của thế gian và hiểu rõ sự giới hạn của chúng. Về câu hỏi “Niết-bàn là gì?” chúng ta hãy lắng nghe những lời Phật dạy sau đây:

    “Này các thầy Tỳ-kheo, có hai giới Niết-bàn (Nibbàna dhàtuyo). Cái gì là hai? Đó là Niết-bàn còn lại các hợp thể tức Hữu dư y Niết-bàn (Saupàdisesa) và Niết-bàn không còn lại các hợp thể tức Vô dư y Niết-bàn (Anupàdisesa). Này các thầy Tỳ-kheo, ở đây một vị Tỳ-kheo là một vị A-la-hán, một người đã hủy diệt được những ô nhiễm, đã sống một đời sống, đã làm điều phải làm, đã cất được gánh nặng, đã chứng từng bực của Thánh quả A-la-hán, đã đoạn diệt hoàn toàn moị trói buộc (kiết sử) của hữu, đã giải thoát nhờ quan điểm chân chánh (Chánh kiến). Vì các căn không bị phá hủy nên người này cảm giác được điều dễ chịu và khó chịu, cảm thọ được lạc và khổ. Vậy năm hợp thể (năm uẩn) vẫn còn, và vì người này dập tắt được dục vọng, sân hận và vọng tưởng nên được gọi là Niết-bàn còn sắc thân (Hữu dư y Niết-bàn).”

    Và này các thầy Tỳ-kheo, Niết-bàn không còn lại các hợp thể (Vô dư y Niết-bàn) là gì?

    Này các Tỳ-kheo, ở đây một Tỳ-kheo là bậc A-la-hán, một người đã diệt được ô nhiễm, đã sống cuộc sống, đã làm điều phải làm, đã cất được gánh nặng, đã chứng từng bậc của quả Thánh A-la-hán, đã đoạn diệt hoàn toàn mọi trói buộc (kiết sử) của Hữu, là người đã giải thoát nhờ quan điểm chân chánh (Chánh kiến). Vì mọi cảm giác không còn được đón nhận, không còn được vui thú, ý chí trở nên nguội lạnh. Này các thầy Tỳ-kheo, chính điều đó được gọi là Vô dư y Niết-bàn.

    “Này các thầy Tỳ-kheo, đây là hai giới Niết-bàn.”

    Chân lý này đã được Đức Thế Tôn tuyên thuyết:

Nên Như Lai tuyên bố:

Hai giới Niết-bàn này, Đấng Giác Ngộ giải thích

Vững vàng, không bám chấp:

Khi một giới vẫn còn, tồn đọng lại các uẩn

Và đoạn diệt mọi cái, dẫn đến sự trở-thành (hữu).

Khi một giới không còn, tồn đọng lại các uẩn

Ởû kiếp sau đoạn diệt, hết mọi sự trở-thành.        

Người biết trạng thái tâm, vô sanh vô vi này

Sẽ được giải thoát bằng, đoạn diệt pháp trở-thành.

Chứng ngộ Pháp tinh yếu, và trong sự tĩnh lặng,

Họ Hoan hỷ vững vững, từ bỏ mọi sanh hữu.

                                            (Bổn Sự Kinh.38,39)

    Một chúng sinh gồm đủ năm hợp thể, tức danh và sắc (tinh thần và vật chất). Những hợp thể này thay đổi không ngừng nên chúng là vô thường, chúng sinh ra và diệt đi, vì “cái gì thuộc bản chất của sanh cũng đều thuộc bản chất của diệt.” (Tương Ưng Bộ Kinh.v.423)

    Dục vọng, hận thù và vọng tưởng trong con người sẽ đưa họ đến với luân hồi mãi mãi, vì như chúng ta đã nói: không từ bỏ được dục vọng thù hận và vọng tưởng thì con người sẽ không giải thoát được khỏi sinh lão bệnh tử...

    Người đã chứng được Thánh quả, được giải thoát ngay trong cuộc sống bằng cách nhổ bỏ tận gốc dục vọng, thù hận và vọng tưởng. Như trên đã nói, điều này được gọi là Hữu dư y Niết-bàn. Năm hợp thể (Ngũ uẩn) hay các căn hiện tồn của bậc A-la-hán đã sinh khởi do dục vọng, thù hận và vọng tưởng của vô lượng kiếp trước; vì còn sống nên năm hợp thể vẫn còn vận hành. Cho nên, bậc A-la-hán còn cảm giác những vui thú hay đau khổ do các căn còn tiếp xúc với các trần. Nhưng vì đã được giải thoát mọi trói buộc (kiết sử), mọi phân biệt và ý tưởng về cái ngã nên các ngài bất động đối với mọi cảm giác này.

    Và khi một vị A-la-hán qua đời, năm hợp thể (ngũ uẩn) hay các căn hiện tồn của họ ngừng vận hành. Chúng ngưng bặt vào lúc chết và những cảm giác của vị ấy không còn, và vì đã dứt bỏ tận gốc dục vọng, hận thù và vọng tưởng nên bậc A-la-hán không còn tái sanh và dĩ nhiên là lúc đó không còn cảm giác nào nữa. Cho nên nói rằng: “cảm thọ của bậc Thánh trở nên nguội lạnh.

    Tư tưởng này đã được diễn tả trong phẩm Tự Thuyết của Tiểu bộ kinh (Udàna) như sau:

                   “Thân tan, Tưởng diệt

                   Cảm giác nguội tanh,

                   Mọi hành bất động

                   Thức không luân hồi.

                               (Phẩm Tự Thuyết.viii.9)         

    Đây là thể Niết-bàn không còn sót lại các hợp thể (Vô dư y Niết-bàn).

    Từ đó, địa vị A-la-hán, bậc Toàn Giác đã rõ ràng. Khi một người đã hoàn toàn nhổ bỏ được Tam độc dẫn đến hữu-tức tham, sân, si-thì họ được giải thoát ra khỏi các trói buộc của vòng luân hồi, khỏi sinh tử triền miên. Bậc Thánh được tự tại trong ý nghĩa trọn vẹn của từ ngữ này. Ngài không còn một tính chất nào để làm cái nhân đưa đến tái sinh như một chúng sinh vì ngài đã chứng được Niết-bàn, tức đã dừng lặng hoàn toàn sự tương tục và sự trở-thành (hữu) (Bhava-nirodha). Vị ấy đã siêu việt lên trên những hoạt động thông thường hay thuộc thế gian và đã đạt đến trạng thái Siêu Thế trong khi vẫn còn sống ở thế gian; các hành động không dẫn đến nghiệp, không có hiệu quả tạo tác vì chúng không được dắt dẫn bởi Tam độc, bởi phiền não trong tâm (Kilesa: trói buộc, kiết sử). Vị ấy trở thành vô nhiễm đối với mọi cái xấu ác, đối với mọi phiền não trong lòng. Nơi các vị ấy không còn những tuỳ miên (Anusaya) phiền não mà đã vượt lên trên mọi thiện ác, đã vứt bỏ cả điều tốt lẫn xấu (Pháp Cú.39): họ không lo lắng về quá khứ, tương lai cũng như hiện tại. Họ chẳng chấp vào điều gì trong thế gian này, nên họ không bị đau khổ. Họ không bị chao đảo bởi những thăng trầm của cuộc sống. Tâm thức họ không bị lay động khi tiếp xúc với những cái dao động của thế gian; họ không ưu phiền, không ô nhiễm và an lành. Như vậy, Niết-bàn là một trạng thái có thể chứng nghiệm được ngay chính trong cuộc sống này. Người có suy nghĩ, có đầu óc ham hiểu biết sẽ dễ dàng hiểu được trạng thái này, và người ta có thể xem đó đúng là của vị A-la-hán chứ không phải một chúng sinh nào khác, hoặc ở trong thế giới này hay trong các cõi có phúc lạc cõi trời.

    Dù hữu tình chúng sinh cảm nhận được bản chất bất xứng ý của cuộc sống, và trực tiếp biết đau khổ là gì, phiền não hay tham ái là gì, họ vẫn không biết được sự đoạn diệt hoàn toàn của phiền não ra sao vì họ chưa bao giờ chứng nghiệm được nó. Nếu chứng nghiệm được nó qua thân chứng, họ sẽ biết cái trạng thái không có phiền não là như thế nào, Niết-bàn hay thực tại là gì, chân hạnh phúc là gì. Vị A-la-hán nói về Niết-bàn với sự chứng nghiệm của mình chứ không phải do nghe nói, nhưng vẫn không bao giờ có thể làm cho người khác hiểu về Niết-bàn bằng sự chứng ngộ của mình được. Một người từng làm vơi đi sự khao khát của mình sẽ hiểu được sự giải thoát mà họ đã đạt được, nhưng vẫn không thể nào giải thích sự giải thoát này cho người khác hiểu. Dù họ có nói về nó nhiều bao nhiêu đi nữa thì những người khác vẫn sẽ không chứng nghiệm được nó vì đó là sự tự chứng tri. Sự giác ngộ là chuyện cá nhân của mỗi người: mỗi người phải ăn và ngủ cho chính mình và tự chữa lành những căn bệnh của mình; những điều này chỉ là những nhu cầu hằng ngày, huống gì là những việc có liên quan đến sự phát triển nội tại của con người, với sự giải thoát tâm thức của họ.

    Cái khó nắm bắt là Vô dư Niết-bàn. Nói cách khác, Bát Niết-bàn (Parinibbàna) hay sự diệt tận của bậc A-la-hán.

    Một trích đoạn thường được dẫn ra từ phẩm Tự thuyết của Tiểu bộ kinh (Udàna) như sau:

    “Này các thầy Tỳ-kheo, có sự không sanh, không khởi, không tạo và không hữu vi. Nếu không có cái không sanh, không khởi, không tạo và không hữu vi thì sẽ không có thoát ra khỏi sinh, ra khỏi khởi, ra khỏi tạo và ra khỏi hữu vi. Vì có cái không sanh, không khởi, không tạo, không hữu vi nên có sự thoát ra khỏi sanh, khởi, tạo và ra khỏi hữu vi.

    “Ở đây không có cái yếu tố rắn (giãn nở), yếu tố lỏng (chất dính), yếu tố nóng và chuyển động, cũng không có cõi của không gian vô biên (không vô biên xứ) , không có cõi của thức vô biên (thức vô biên xứ) không có cõi của không có cái gì (vô sở hữu xứ), không có cõi của không tưởng không không tưởng (phi tưởng phi phi tưởng xứ)  không có thế giới này, không có thế giới khác, không có mặt trời, mặt trăng. Ở đây không có cái gì đến, không có cái gì đi, không có hiện hữu, không có diệt, không có sinh, không hỗ trợ, không hiện hữu, không có các duyên. Quả vậy, đây là sự đoạn diệt đau khổ.

    Như trên đây rõ ràng là Bát Niết-bàn, hay Niết-bàn Tuyệt đối là một trạng thái ở đó năm hợp thể (uẩn), hình sắc, cảm giác, ý tưởng, hành (hành vi có chủ ý) và thức, và tất cả mọi cái thuộc về các hợp thể cũng đều đoạn diệt. Do đó, đây là một trạng thái không có chỗ cho sự tương đối. Nó vượt lên trên và ở ngoài mọi cái tương đối. Nó không phải là hậu quả của một cái nhân, cũng không phải là cái nhân gây ra một cái quả. Nó không phải là con đường, cũng không phải là quả vị. Nó là sự Tuyệt Đối, sự Vô vi, Vô tướng.

    Đau khổ cùng với nguyên nhân của nó, tức tham ái, đều thuộc về thế tục; còn Niết-bàn không nằm trong thế giới này, nó đứng bên ngoài những cái hữu vi và do đó nó vượt ra ngoài nhân quả. Các pháp thế gian đều là tương đối, còn Niết-bàn là cái pháp không có tính chất tương đối, nó là pháp Tuyệt Đối.

    Trong một bài pháp rất quan trọng, trong đó có nói rất rõ về Lý Duyên Sinh và Tứ Thánh Đế, Đức Phật dạy các thầy Tỳ-kheo:

    “Cái mà cả thế gian đều coi là Chân Thật thì các bậc Thánh Trí cao cả (Arya) xem đó là hư vọng do sự chánh tri của các vị, và các bậc Thánh Trí cao cả cho là Chân Lý cái mà thế gian xem là giả dối.” Và Ngài dạy thêm rằng:

                   “Niết-bàn đâu phải dối gian

                   Mà là Chân lý của hàng Thánh nhân.

                   Bởi đà chứng ngộ Niết-bàn

                   Về nơi tịch diệt với lòng vô tham.

                                        (Tương Ưng Bộ Kinh.n.758)

    Đây không phải là thí dụ duy nhất Đức Phật dùng từ Chân lý để thay thế cho Niết-bàn, vì chúng ta cũng tìm thấy những câu sau đây:

    “Này các thầy Tỳ-kheo, Thực tại là một tên gọi của Niết-bàn.” (Tương Ưng Bộ Kinh.iv.195)

    Hoặc:

Trong Thực tại họ đà giải thoát

Diệt tham lam ngăn hữu trở về.

                                         (Bổn Sự Kinh.ii.12)

    Như đã được xác nhận trong một bài pháp cũng quan trọng không kém (kinh Giới Phân Biệt), bậc Thánh A-la-hán tuyệt đối trầm tĩnh trong nội tâm (ba ngọn lửa tham sân si đã hoàn toàn dập tắt, hoàn toàn ra khỏi nội tâm) khi các cảm giác vui, khổ, hay không vui không khổ (lạc thọ, khổ thọ, và vô ký) đến trong tâm, vị ấy hiểu rằng nó là vô thường và không bám chấp cái ý tưởng về “của tôi” hay “cái của tôi”, chúng không được thọ nhận với sự khoái cảm.

    Cho dù trải nghiệm bất cứ cảm giác nào, hoặc vui, buồn, hay không vui không buồn, bậc Thánh đều không bám víu, không bị ràng buộc vào nó. Ngài biết rằng với sự tan rã của thân (sau khi yếu tố của sự sống chấm dứt), tất cả những cảm giác, mọi kinh nghiệm sẽ trở nên nguội lạnh, định tĩnh, giống như một ngọn đèn cháy sáng nhờ vào dầu và bấc đèn, khi dầu và bấc hết thì đèn tắt. Cũng vậy, khi một Tỳ-kheo chứng nghiệm một cảm giác, về sự chấm dứt của thân, vị ấy biết là “tôi chứng nghiệm một cảm giác thân đã đoạn diệt”, và khi vị ấy chứng nghiệm một cảm giác về sự chấm dứt mạng sống, vị ấy biết là: “tôi chứng nghiệm một cảm giác  sự sống đã dứt” và vị ấy biết, “với thân tan rã và mạng sống kết thúc, mọi cảm giác sẽ trở nên nguội lạnh vì không còn vui thú ngay ở đây và bây giờ”. Như vậy, này các Tỳ-kheo, một người như thế là thành tựu được cái trí tuệ siêu việt, vì tri kiến về sự đoạn diệt mọi đau khổ là cái thánh trí tối thượng.

    “Sự giải thoát không gì lay chuyển được của vị ấy đặt nền tảng trên Chân Lý. Cái hư vọng là cái phi thực tại, còn cái thực tại thì không hư vọng. Niết-bàn là Chân Lý. Do đó, này các thầy Tỳ-kheo, một người đã thành tựu được cái Chân lý tối thượng, bởi vì cái Chân Lý Cao Cả Tối Thượng là Niết-bàn, là cái thực tại (không hư vọng).

    Trong Bảo Kinh (Ratana-sutta, Tương Ưng Bộ Kinh, n.14) có nói:

                   “Quá khứ họ đã chết,

                   Vị lai họ không còn,

                   Tâm họ không chấp Hữu

                   Ở đời sống tương lai.

                   Mầm sống đã đoạn diệt,

                   Họ không còn ước muốn

                   Về một sự tăng trưởng.

                   Các bậc Thánh Trí này

                   (tâm rất là kiên định)

                   Họ đều đã ra đi

                   Như ngọn đèn đã tắt”

    Đây là địa vị của bậc A-la-hán, người đã tịch diệt Niết-bàn (Parinibbuto). Con đường của vị ấy đi qua không để lại dấu vết, giống như chim bay trên bầu trời (Pháp Cú.92,93). Do đó, thật sai lầm khi nói rằng vị A-la-hán hay vị Phật nhập vào Niết-bàn, vì đó không phải là một nơi, một lãnh thổ hay một cõi trời nơi mà chúng sinh tiếp tục sống đời bất tận. Niết-bàn không có nơi chốn. Lần nhập diệt cuối cùng (Niết-bàn tối hậu) của vị Phật hay vị A-la-hán được mô tả trong những bản kinh là Parinibbuto, Parinibbàyi, có nghĩa là hoàn toàn tịch diệt, hoàn toàn lặng tắt; một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đó là sự đoạn diệt của Hữu (Bhavanirodha)-sự chấm dứt của một cuộc hành trình. Cái gì xảy ra cho vị Phật hay vị A-la-hán sau khi các ngài tịch diệt đều không thể nói được, không thể xác định được. Nó không có kích thước, không có chiều ngang chiều dọc. Đó là một câu hỏi không có câu trả lời, không xác định được (Avyàkata). Cái Chân lý Tối Thượng thì không thể diễn tả được và không tuyên thuyết được.

    Khi Upasìva chất vấn Đức Phật: một người qua đời là thôi không còn hiện hữu nữa hay là trường tồn mãi mãi trong cõi vĩnh phúc, câu trả lời của Đức Phật rất khẳng định:

                   “Việc một người nhập diệt

                   Thật là không thể lường,

                   Người ấy không còn có gì

                   Để mà có thể nói

                   Bất kỳ một điều gì.

                   Khi vạn pháp đoạn diệt,

                   Tất cả mọi cách nói

                   Cũng đều bị diệt tận.

                               (Tương Ưng Bộ Kinh. n.1076)(1)

    Khi không có sự hiện diện của một Atta, tức Linh hồn hay cái Ngã thì cái gì đạt đến Niết-bàn, hay ai chứng ngộ Niết-bàn, là một câu hỏi gây lắm phiền phức. Trước tiên chúng ta thử tìm hiểu xem cái được gọi là chúng sinh là ai hay là cái gì. Một chúng sinh là một phức hợp thay đổi liên tục của tinh thần và vật chất (danh và sắc). Đó là một tiến trình chịu sự thay đổi, không có cùng một cái giống nhau trong hai khoảnh khắc liên tục, và ở đây không có một cái gì là thường còn: sự đoạn diệt hoàn toàn của tiến trình này - tức cái phức hợp của các nhóm tâm-vật lý hay danh sắc này - được coi như là Niết-bàn (hoàn toàn bị dập tắt hay mất đi). Không có cái Tôi, cái Ngã hay Linh hồn đi vào Niết-bàn, hoặc vĩnh cửu hoặc hoại diệt trong Niết-bàn.

    Câu hỏi cái gì chứng đạt hay ai chứng ngộ Niết-bàn xuất hiện vì cái khái niệm mạnh mẽ về “Cái tôi”, “Chính tôi” và “Của tôi” nơi con người, và mọi câu hỏi đều xoay xung quanh cái “Tôi” này; thế nhưng không có “cái tôi” hay cái ngã nào ở đằng sau những hành động thuộc về thân khẩu ý của chúng ta. Không có người làm hành động, không có người tư duy một tư tưởng. Chỉ có Niết-bàn hiện hữu, chứ không có con người chứng ngộ Niết-bàn. Chỉ có các hiện tượng tiếp tục trôi chảy: trong ngôn ngữ quy ước, chúng ta nói về người đàn ông, đàn bà, cái tôi, chính tôi, v.v... nhưng theo ý nghĩa tuyệt đối thì không có một cá nhân nào như thế hiện hữu. Chỉ có một tiến trình xuất hiện và một tiến trình dừng bặt. “Bất cứ cái gì thuộc bản chất của sinh cũng thuộc bản chất của diệt.

    Năm hợp thể chấp thủ (năm thủ uẩn) tạo nên chúng sinh. Tham ái, nguyên nhân của đau khổ sinh khởi trong năm hợp thể chấp thủ và sự đoạn diệt của nó cũng nằm trong năm hợp thể chấp thủ. Như vậy, có một tiến trình sinh và một tiến trình diệt, và không có một cái Ngã hay cái Tôi thường hằng sản sinh ra các hợp thể và cuối cùng tiêu diệt chúng, và chắc chắn là không có một cái lực bên ngoài nào. Ở đây có một sự trở-thành (hữu) và sự đoạn diệt của nó. Đây là Chánh Kiến.

    Niết-bàn của đạo Phật được gọi là Hạnh phúc Tối thượng (Paranam sukham) và như chúng ta đã thấy ở trên, cái hạnh phúc này là do sự hoàn toàn trầm lắng, sự hoàn toàn dừng tắt của mọi cảm giác.

    Quả thật, bây giờ câu nói này hoàn toàn làm cho chúng ta, những kẻ đã từng cảm nhận rất nhiều tình cảm vui thú với các căn của mình, lấy làm bối rối.

    Udàyi, một đệ tử Phật, đã đề cập đến chính vấn đề này. Khi Ngài Xá-lợi-phất chỉ các thầy Tỳ-kheo nói: “Này các thiện hữu, chính Niết-bàn là hạnh phúc; chính Niết-bàn là hạnh phúc.” Ngài Udàyi mới hỏi: “Này thiện hữu Xá-lợi-phất, cái gì là hạnh phúc khi ở đây không có cái cảm giác (thọ)?”, “Hỡi thiện hữu chính cái ở-nơi-đây-không-có-cảm-giác mới là hạnh phúc.” (Tăng Chi Bộ Kinh.iv.414)

    Câu nói của ngài Xá-lợi-phất được hỗ trợ một cách đầy đủ bởi lời dạy sau đây của Đức Phật: “Bất cứ cái gì được chứng nghiệm, được cảm giác và được cảm thọ đều là đau khổ” (Yamkincy vedayitam dukkhasmim ti) (Tương Ưng Bộ Kinh.ii.53)

    Các bước cần thiết của con đường đưa đến diệt khổ - đến Niết-bàn - đã được Đức Phật chỉ rõ. Đó là con đường tu tập tâm trí nghiêm cẩn để đạt đến hạnh phúc thuần khiết và sự an lạc tối thượng tránh khỏi sự rối loạn của đời sống. Con đường này quả thật là rất khó khăn, nhưng nếu với sự tinh tấn miên mật và sự hiểu biết đầy đủ chúng ta cất bước lên đường và quán sát từng bước đi của mình, thì sẽ có một ngày chúng ta đạt đến đích. Cũng như một đứa trẻ tập đứng, tập đi từng bước một và rất khó khăn, tất cả những bậc vĩ nhân cũng vậy, trên con đường đi đến sự hoàn hảo họ đã phải đi từng bước một qua những thất bại liên tục trước khi đạt đến thành công cuối cùng.

                   “Nhớ Hành giả đời trước

                   cùng đường lối tu hành;

                   dù chỉ là hậu sanh

                   vẫn có thể chứng đạo

                   Đạt Hạnh phúc vĩnh hằng.

                               (Trưởng Lão Tăng Kệ.947).

 


(1). So sánh đoạn kệ này với câu Đức Phật trả lời cho Vaccha trong Trung Bộ Kinh i.486, bài 72: “Nếu nói rằng một vị A-la-hán tái sanh thì không đúng, còn nói rằng vị ấy không tái sanh cũng không thích hợp trong trường hợp này.            

 
00:00