Chương 22 : TÀI SẮC: NGỌT ÍT, ĐẮNG NHIỀU

I. DỊCH NGHĨA

Tài sắc hệ lụy người. Người không xả bỏ được tài sắc chẳng khác nào trên lưỡi dao có dính chút mật, không đủ một bữa ăn ngon, thế mà, trẻ em không biết, tham ngọt liếm vào, tất sẽ bị tai họa đứt lưỡi.

II. LƯỢC GIẢI

Tài, sắc, danh, thực, thùy là ngũ dục hạ liệt sa đọa hóa con người, và chương này, Đức Phật đề cập đến tài, sắc (còn thực và thùy đã được đề cập ở chương 3 rồi, nên chương này sẽ không đề cập nữa) và đề cập chúng như một từ ngữ đôi, không tách biệt tài riêng sắc riêng.

Theo quan điểm của nhà Nho, tiền tài được xem như không có giá trị, trái lại đạo đức được đề cao trên hết: “Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim”. Họ quan niệm tiền tài như đất, như phân, còn nhân, nghĩa, lễ, trí, tín tức ngũ thường, giá trị đến ngàn vàng. Đối với Đức Phật, chúng ta không thấy Ngài nhận xét gì về tiền tài, mà dưới cái nhìn sâu xa của Ngài, chúng là một thứ làm trụy lạc con người nếu con người sử dụng chúng với mục tiêu sa đọa. Trong giới luật của hàng xuất gia, Đức Phật cấm tuyệt không cho hàng xuất gia cầm giữ tiền bạc của báu, vì ôm giữ tiền bạc, tinh thần chúng ta có thể bị chi phối, lo ra, mà không lo trau dồi phạm hạnh. Đối với hàng Phật tử tại gia, Đức Phật vẫn khích lệ dưới nhiều hình thức để cho mọi người có một nếp sống chánh mạng, chánh nghiệp. Nghĩa là tiền tệ kiếm sống phải hợp pháp, chứ không do trộm cắp, lừa lọc, man trá. Như vậy cũng có nghĩa là Ngài không miệt thị, cấm kỵ tiền tài, mà chỉ cấm kỵ tiền tài phi nghĩa. Như vậy, tại sao ở đây Đức Phật lại dạy rằng tiền tài hệ lụy con người? Chúng ta có thể giải thích như sau: 1/ Đối tượng giáo dục chính yếu ở đây có thể là hàng xuất gia. Và điều lệ hoàn toàn phù hợp với những điều khoản truyền thống Ngài quy định (giới thứ 10 của Sa di và giới … trong 90 đơn đọa của Tỳ kheo). 2/ Cũng có thể là giáo dục chung cho cả hai đối tượng xuất gia và tại gia. Xuất gia như đã nói. Còn tại gia, thì chúng ta phải hiểu rằng ở đây ý của Đức Phật muốn nhấn mạnh: sự giàu sang làm người ta khó học đạo như ở điều 2 chương 12, Đức Phật đã dạy: “Giàu sang mà học đạo là một điều vô cùng khó”. Do đó, Đức Phật nói tiền tài hệ lụy con người là hệ lụy với nghĩa này. Tức là sự giàu có làm con người chỉ mải đam mê thú vui vật chất tầm thường của thế tục, mà không biết tìm những nguồn vui tinh thần như nghe và học hỏi chánh pháp của Đức Phật.

Một phần quan trọng khác mà Đức Phật muốn nêu rõ ở đây là tác hại của sắc dục. Chính sắc dục mới là nhân tố hệ lụy con người. Trong các kinh, Đức Phật mô tả ái dục là nguyên nhân tập khởi mọi đau khổ, vì tính chấp thủ (chấp pháp) của nó:

“Này các Tỳ kheo, ái là khổ tập khởi.”[1]

Một đoạn kinh khác, Đức Phật còn cho biết sắc dục là đầu mối của dây chuyền bất thiện: “Do duyên sắc dục nên tìm cầu. Do duyên tìm cầu nên có tham dục. Do tham dục nên có đắm trước. Do đắm trước nên có xan tham. Do xan tham nên có bảo thủ, chấp trượng đấu tranh, nói lời ly gián ngữ, vọng ngữ, rất nhiều các ác, bất thiện pháp khởi lên từ đây.”[2]

Cả hai đoạn kinh vừa nêu trên đều xoáy vào trọng tâm tác hại của sắc dục hạ liệt gây đau khổ con người. Và ngay cả các kệ Pháp Cú, Đức Phật cũng khẳng định như vậy:

“Ai sống đời này, bị sắc dục buộc ràng, sầu khổ sẽ tăng trưởng, như cỏ bi gặp mưa.”[3] Như chúng ta biết, nếu cỏ bi gặp mưa nó sẽ phát triển, trưởng thành nhanh chóng thì ai bị hệ lụy sắc dục cũng vậy, sẽ phát triển, tăng trưởng nhanh chóng trong các bất thiện pháp. Do đó, muốn chặn đứng mọi nguyên nhân đau khổ, nhất thiết và trước tiên phải chặt dây ái dục:

“Như cây bị chặt đốn, gốc chưa hại vẫn bền, ái tùy miên chưa nhổ, khổ này vẫn sinh hoài.”[4]

Dây ái dục chưa chặt đứt mà muốn an lạc, thì dầu có muốn vẫn phải bị luân hồi:

“Người đời thích sắc dục, ưa thích các hỷ lạc. Tuy mong cầu an lạc, chúng vẫn phải sinh già.”[5]

Đó là một sự thật. Chất ngọt của ái dục thì ít, chất đau khổ của nó thì nhiều. Biết vậy mà còn nhảy vào sắc dục, Đức Phật cho đó là hành vi của những kẻ chưa trưởng thành nhân cách, chưa trưởng thành trí tuệ, mặc dù tuổi đã lớn. Và họa đau khổ ràng buộc vào thân là một điều hiển nhiên không thể tránh khỏi.

“Người không xả bỏ được tài sắc, chẳng khác nào trên lưỡi dao có dính chút mật không đủ một bữa ăn ngon, thế mà trẻ em không biết, tham ngọt liếm vào tất sẽ bị tai họa đứt lưỡi”. Như vậy, cũng có nghĩa là ngay chất ngọt của sắc dục, chất đau khổ đã hiện hành kề bên, như hình với bóng không tách rời nhau trong sự hình thành và tồn tại.

 


[1] Tăng Chi II, tr. 402.

[2] Tăng Chi III, tr. 236.

[3] Dhp.335.

[4] Dhp.33.

[5] Dhp.341.

 
00:00