Giảng tại Trường hạ Tịnh xá Trung Tâm, ngày 17 - 07 - 2009
Phiên tả: Trần Liên
***
HOANG TƯỞNG VÀ SỢ HÃI
Bát chánh đạo là con đường tâm linh có khả năng giúp cho người phàm trở thành bậc Thánh. Trước hết là Chánh kiến, tứctầm nhìn chân chính, yếu tố đầu tiên trong con đường Thánh mà tất cả các bậc tâm linh phải đi qua. Trước khi phân tích, chúng ta hãy tham khảo câu chuyện về người hoang tưởng.
Chuyện kể về một người bị hoang tưởng, khủng hoảng ảo giác, gia đình đưa anh vào bệnh viện tâm thần. Tại đây, bác sĩ xét nghiệm, kiểm tra các giác quan và tâm thức của anh, phát hiện anh đang có vấn đề về ảo giác rất trầm trọng. Ảo giác gây cho anh sự sợ hãi vô lý: Sợ con gà cồ! Mỗi khi nghe tiếng gáy hay thấy con gà cồ, anh đều hoảng hốt bỏ chạy.
Trong trị liệu về tâm thần có phần tự kỷ ám thị, bác sĩ đã áp dụng phương pháp này, yêu cầu anh lặp lại như một tiến trình quán niệm: “Tôikhỏe hơn con gà, tôi giết được con gà; con gà nhỏ hơn tôi, con gà không thể hại được tôi”. Việc lặp đi lặp lại câu nói ấy nhiều lần, như nạp vào tâm thức một dữ liệu, có khả năng điều khiển, điều chỉnh các chức năng của nhận thức, làm cho các bệnh nhân sống trong ảo tưởng có thể chấn chỉnh lại nhận thức của mình. Anh thực tập suốt ba tháng, có cảm giác hân hoan, không còn sợ gà nữa.
Tin rằng mình đã khỏi bệnh, anh đến gặp bác sĩ và xin được xuất viện. Bác sĩ theo dõi những chuyển biến tâm lý của bệnh nhân; nhìn thái độ, cách giao tế của anh đối với mọi người xung quanh, thấy anh đã có tiến bộ nên đồng ý cho xuất viện. Sau khi làm thủ tục, bác sĩ thận trọng kiểm tra lần cuối: Thả ra trước mặt anh ba con gà cồ. Anh nhìn thấy ba con gà, con thì gáy, con thì vỗ cánh, con thì chạy… tinh thần lại bấn loạn! Hoảng quá, anh không dám đi ra cổng mà quay trở lại. Khi vô đến phòng của mình, không nhìn thấy ba con gà cồ nữa anh mới có cảm giác an toàn. Bác sĩ hỏi: “Mấy hôm trước anh bảo không còn sợ con gà cơ mà?”. Anh trả lời: “Thưa bác sĩ, tôi không sợ con gà, nhưng làm thế nào để con gà hiểu tôi có thể thắng được nó, để nó không thể cắn tôi, giết tôi bất cứ lúc nào?”
Khi hệ thống thần kinh bị lệch hướng, sự chạm mạch về nhận thức có thể xảy ra nên các phán đoán bao gồm diễn dịch, quy nạp, loại suy… đều dẫn đến sai lầm. Hậu quả của nó, trước nhất là biến chủ thể nhận thức trở thành nạn nhân khủng hoảng do sợ hãi; làm cho người đó không thể nào yên lắng, điềm tĩnh, an vui hạnh phúc được.
Các bệnh nhân tâm thần, nhận thức của họ hầu như lệch lạc. Do tưởng tri một cách thiếu nền tảng hiện thực và nhân quả, họ có cảm giác ngày càng ly tâm hóa với chân lý. Thay vì phản ánh trực tiếp, đúng với thực tại, họ lại phản ánh qua một lăng kính không chuẩn, đưa đến nhìn nhận mọi vấn đề lệch lạc, không đúng với thực tế.
Hoang tưởng là một chứng bệnh tâm thần, người sống với căn bệnh này có nỗi khổ niềm đau rất lớn. Con đường tâm linh của Phật giáo không chỉ đơn thuần dừng lại ở trị liệu tâm lý, mà cao nhất là trị liệu tâm, để hỗ trợ, điều chỉnh chuyển hóa nhận thức và hành vi. Tiến trình đó đóng vai trò quan trọng. Với những chạm mạch về tâm khó có thể được điều chỉnh, người bị vướng vào chứng bệnh này khi kết thúc đời sống hiện tại sẽ tái sanh với nhiều rắc rối về tâm trong kiếp sau.
Có người bị tâm thần do ảnh hưởng duy truyền từ cha mẹ. Có người do hoàn cảnh xã hội, ức chế tâm lý hoặc khủng hoảng đời sống gia đình. Những bệnh có gốc rễ xã hội và tâm lý có thể được bình phục khi các điều kiện khủng hoảng không còn nữa, người thân phối hợp với bác sĩ dùng các thủ thuật tâm lý, hỗ trợ cho người đang bị khủng hoảng không rơi vào nỗi sợ hãi. Cơ hội phục hồi có thể trong vòng vài ba năm.
Tất cả những nhận thức sai lầm là hiện tượng bất khả kháng, ngoài khả năng kiểm soát của người bệnh. Bất hạnh lớn ở những người này là không biết mình đang bị bệnh, không cần đến bác sĩ. Họ kháng cự và chống lại nhận định rằng họ có vấn đề về tâm thần. Sau khi uống thuốc được vài hôm, họ trở về thói quen ứng xử cũ. Kết quả là hành hạ bản thân và làm khổ các thành viên trong gia đình, nhất là những ai quan tâm, chăm sóc, thương yêu, quý mến họ; trầm trọng hơn thì có thể gây phiền toái cho làng xóm, gieo gánh nặng xã hội.
HAI LOẠI CHÁNH KIẾN
Chánh tri kiến được định nghĩa là yếu tố dẫn đầu, cũng như sự xuất hiện của mặt trời vào buổi bình minh, tạo ra sự sanh sôi nảy nở, phát triển, sinh hoạt… của các loài thảo mộc, con người và thế giới động vật nói chung. Nếu không có ánh sáng mặt trời thì bình minh không có mặt, các chủng loài sống trong bóng tối.
Tầm quan trọng của Chánh tri kiến được hiểu trong kinh tạng Pàli là sự mở đường của tri thức, đỉnh cao nhất của nó là trí tuệ. Mô tả Bát Chánh Đạo trong Kinh tạng, ấn tượng nhất là đưa Chánh kiến lên làm đầu. Nó được hiểu là điểm xuất phát. Người xuất phát bằng Chánh tri kiến là đang điều chỉnh nhận thức của mình về thế giới quan, nhân sinh quan và các tương quan xã hội trên nền tảng của đạo đức và đi trên quy chuẩn nhận thức đó. Sau một thời gian thực tập, đạt được tuệ giác, kinh điển gọi là mắt pháp hay làmắt tuệ, ngược lại với tưởng tri sai lầm, hay tưởng tri bình thường. Điểm xuất phát tu là chánh kiến, kết quả tu tập đạt được cũng là chánh kiến, tức tuệ giác.
Kinh tạng Pàli chia Chánh kiến thành hai cấp độ, Chánh kiến hữu lậu và Chánh kiến vô lậu. Có đời sống đạo đức, phát triển các hành vi thiện, tạo ra phước báo hữu lậu, chẳng hạn việc giữ năm điều đạo đức, ba ngôi tâm linh, sau khi tái sanh làm người, được hưởng những phước đức mà mình đã tạo. Bên cạnh năm điều đạo đức, thực tập thêm mười điều lành, sau khi chết, theo cấp bậc dụng tâm và mức độ đầu tư về các việc thiện, hành giả có thể tái sanh ở nhiều cảnh giới chư thiên khác nhau, tức là đời sống con người ngoài hành tinh.
Việc thực tập Chánh kiến cũng có hai cấp độ khác nhau. Ở mức độ dụng tâm đơn giản, ứng dụng trong xã hội, chánh kiến sẽ tạo ra phước hữu lậu. Ở cấp độ tu rốt ráo - phần lớn dành cho các tu sĩ thực tập - chánh kiến dẫn đến con đường giải thoát, quả chứng của nó là không rơi trong ba cõi sáu đường nên được gọi là vô lậu.
Sử dụng tầm nhìn chân chính của thánh đạo vào mục đích được phước an vui hạnh phúc, quả chứng hữu lậu trong ba cõi; dĩ nhiên dù tái sanh ở cảnh giới nào vẫn còn chịu ảnh hưởng của luân hồi. Hành giả Chánh kiến là người sống rất chuẩn mực, nghĩa là ngày càng tiến bộ hơn, đi xa hơn trên con đường hạnh phúc, không dừng lại ở chủ nghĩa thành quả mà ta đã đầu tư. Nếu phân tích về hai khái niệm Chánh kiến hữu lậu và Chánh kiến vô lậu, ta thấy được Bát chánh đạo dưới góc độ vô lậu thì quả chứng là vô thượng chánh giác. Cũng tầm nhìn Chánh kiến đó nếu là người cư sĩ tại gia, tu học Phật, áp dụng cho đời sống gia đình thì quả trổ phước báo hữu lậu.
Con đường thực tập của người tại gia không nhất thiết phải hướng đến sự giải thoát. Sử dụng Chánh tri kiến hữu lậu là để tạo dựng hạnh phúc qua đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và các phương diện khác một cách chuẩn mực. Chánh kiến vô lậu là nội lực, mục tiêu của người xuất gia, còn Chánh kiến hữu lậu là con đường, là quỹ đạo của những người tại gia.
Nhận diện được vấn đề này, ta không cần thiết sử dụng “gu” tâm linh giải thoát của người xuất gia cho người tại gia như ta đã sử dụng nó trong lịch sử mấy chục thế kỷ phát triển Phật giáo ở các châu lục. Hầu như không có nghi thức khác biệt giữa người tại gia và xuất gia cho đến thời điểm hiện nay, và đây là điểm khác biệt rất căn bản về quan niệm thánh đạo đức Phật đã chủ trương và con đường tu đạo mà ta đang dấn bước. Sau một thời gian thực tập, những người cư sĩ miên mật với pháp môn hành trì, trở thành người xuất gia về phương diện tâm thức. Thân vẫn là người tại gia, nên phát huy không hết tính năng của người xuất gia, kết quả là đứng chựng giữa tại gia và xuất gia.
Do lẫn lộn, nhiều người tại gia từ bỏ công ăn việc làm, không muốn dấn thân vào những thành công của mình. Theo tôi, người tại gia chỉ cần hướng đến chánh kiến hữu lậu là đủ. Người xuất gia với phương tiện, điều kiện, không gian, mục tiêu, lý tưởng… buộc họ phải tu có kết quả giải thoát để đền đáp lại ơn Tam Bảo, đàn na mà họ đã được kỳ vọng và tiếp nhận.
ĐIỀU KIỆN CHÁNH KIẾN
Theo Kinh tạng Pali, để có được Chánh tri kiến hành giả cần phải nương vào hai yếu tố: Thứ nhất lắng nghe, thứ hai như lý tác ý. Lắng nghe được Kinh Chánh tri kiến mô tả bao gồm nỗ lực với sự cam kết: gần gũi, tham vấn, học hỏi từ các bậc chân nhân, thánh nhân, hiền nhân về nội dung Phật pháp; trao đổi tiếp xúc, chia sẻ trên nền tảng học hỏi từ các vị pháp hữu đi trước và những người có kinh nghiệm tu tập tốt hơn, nhờ đó kiến thức về Phật pháp ngày càng được mở rộng cả chiều sâu lẫn chiều rộng.
Thế kỷ hai mươi trở đi, công nghệ thông tin bùng nổ. Các bản văn cổ xưa và kinh điển dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Pali, Sanskrit, Tây Tạng, Hán cổ được dịch sang ngôn ngữ của nhiều quốc gia. Đặc biệt Việt Nam, các Kinh điển được dịch ra từ văn hệ Pali, Hán Tạng đã được phổ biến trên internet. Các bản kinh này đã được thu âm và phổ biến, nhờ đó việc học hỏi chánh pháp thông qua con đường lắng nghe, giúp cho ta điều chỉnh được những nhận thức sai lầm.
Nghe trong Phật giáo là đế thính, tức lắng nghe vững, có lập trường, có quan điểm, không lắng nghe một cách mù quáng như tín đồ các tôn giáo được huấn luyện chỉ nghe không được đặt vấn đề. Đặt vấn đề là thách đố quyền lực với thượng đế và được xem là tội ngỗ nghịch. Phật giáo dạy ta lắng nghe và nhận thức, thậm chí ta có thể nhắm mắt lại và quán từng âm thanh với nội dung đang diễn đạt, để ta có nhận thức độc lập, không bị lệ thuộc vào người thầy. Ở đâu có sự lắng nghe, ở đó có kiến thức được tiếp nhận một cách tốt đẹp.
Tiến trình tư duy có thể đưa đến sự thực tập, cho nên đế thính trong Phật giáo là một tiến trình thanh lọc tâm, khác với tình huống các học trò, sinh viên ngồi trong lớp lắng nghe thầy cô giáo giảng bài để hiểu và tích tụ kiến thức. Lắng nghe trong Phật giáo là yếu tố dẫn đến Chánh tri kiến vốn dựa vào các quy luật, giáo pháp, đưa đến sự hành trì; giúp cho ta có cơ hội khai mở được tầm nhìn chân chính chớ không dừng lại ở kiến thức đơn thuần.
Như lý tác ý là điều kiện quan trọng để mở mắt pháp hay tuệ giác cho các hành giả. Nếu như lắng ngheđược xem là cơ sở dữ liệu trong quá trình tương tác giữa những cái đã có, không lấy cũ làm nền tảng đánh giá cái mới, dẫn đến tiến trình tiếp nhận nó một cách dễ dàng, như lý tác ý là dữ liệu quyết định.
Như lý được hiểu là sự phù hợp với chân lý, tác ý là sự khởi tâm, nhận thức thông qua phán đoán, diễn dịch, quy nạp, tổng hợp. Nó phải được đặt trên đối tượng của hiện thực diễn ra, thấy, nghe, ngửi, biết phải phản ánh trung thành. Người có tiến trình như lý tác ý sẽ tránh được các thành kiến, ác kiến, tà kiến, mặc cảm, tự ti. Những thái độ tâm lý trái chiều làm con người bám vào cái tôi, đề cao nó quá mức hay hạ bệ nó quá đáng đều là những biểu hiện của si và phiền não. Kết quả là không thể có được nhận thức chuẩn, đúng với bản chất của thực tại.
Như lý tác ý là lăng kính mà tất cả các dữ liệu được tiếp nhận, phản ảnh đều trung thành với thế giới hiện thực. Người nhận thức sẽ không có các phán đoán sai lầm. Nếu so sánh khái niệm này với Nhân minh học, hay logic học Phật giáo Đại thừa thì như lý tác ý được hiểu là hiện lượng. Hiện lượng là cái nhìn trực quan, chưa có sự can thiệp của ý thức và thức chấp trước (mạt na), cho nên phán đoán này rất chuẩn.
Như lý tác ý là tri thức trực quan của khoa học. Phần nhận thức của như lý tác ý giúp cho các hành giả đánh giá được thế giới thực tại, không để dòng cảm xúc hay các kiến thức từ phong tục tập quán can thiệp vào, không cho những tư duy mang tính cách chủ nghĩa thực dụng cá nhân tác động tiêu cực. Thấu kính hội tụ của như lý tác ý giúp ta có cách nhìn bao quát và chuẩn xác về đối vật mà ta đang đối diện ở trong tâm, không phải chỉ đối diện bằng con mắt.
Nói cách khác, như lý tác ý phán đoán đúng do ta có được đế thính về Phật pháp, thông qua văn học kinh điển Pali đại thừa nói chung. Để có được Chánh tri kiến ở mức độ dẫn đến phước hữu lậu, đế thính và như lý tác ý là hai dữ liệu không thể bỏ qua.
HIỂU SÂU VỀ NHÂN QUẢ
Người có Chánh tri kiến luôn luôn có tri thức nhân quả. Tri thức nhân quả có hai dạng: Nhân quả mặt phẳng và nhân quả hình học không gian. Ta tạm sử dụng toán học để mô tả chiều sâu của nhận thức nhân quả. Dân gian có câu: “Trồngdưa được dưa, trồng đậu được đậu” đó là nhân quả mặt phẳng, có trồng thì có kết quả. Tính chất liên hệ giữa nhân và quả thể hiện qua hạt dưa, cây dưa, hoa dưa, trái dưa là điều ta không thể phủ định được.
Nhân quả có tiến trình thống nhất, duyên tác động kiểu gì, tính chất đồng nhất vẫn được duy trì. Ngay cả trong tình huống ta ghép từ cây A qua chủng loại B, tính chất đồng nhất vẫn còn giữ lại, không bị phá vỡ. Ta vẫn xem đây là loại nhân quả mặt phẳng, có rất nhiều trường hợp trồng dưa không thu hoạch một trái dưa nào, thậm chí phá sản.
Người nông dân năm nay thấy trồng ớt có giá, họ đầu tư ớt, vay tiền ngân hàng, mua hạt giống, mua phân, bỏ sức lao động, thuê người làm. Khi đồng loạt các hộ nông dân đều làm việc đó, sản phẩm ớt vẫn tốt như mọi năm, nhưng giá trên thị trường giảm, quy luật thị trường là cung và cầu. Khi cung ứng nhiều, nhu cầu ít, giá thành sẽ giảm, kết quả đầu tư có thành quả về thu hoạch, nhưng không có thành quả về kinh tế, nhiều người phải mang nợ.
Tương tự, trong các lĩnh vực đầu tư khác cũng vậy. Trong khoảng gần hai năm, dưới tác động của sự khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều hộ nông dân phải tán gia bại sản, đó là do nhìn nhân quả dưới góc độ mặt phẳng. Phát triển nhân quả không gian, tức sự tác động đa chiều của duyên, những hạt giống con người đã tạo cho mình không phải chỉ hiện đời quá khứ, không chỉ riêng bản thân mà còn tương quan với nhân quả của toàn xã hội.
Mỗi giai đoạn lịch sử đi qua, cộng nghiệp mới có mặt, tác động tích cực đến nhân quả theo chiều hướng tốt hoặc xấu. Chủ nghĩa xã hội có mặt để giải phóng chủ nghĩa giai cấp. Kinh tế quốc doanh đặt trên nền tảng hợp tác xã, do đó không khích lệ mức độ đầu tư nên con người sở hữu, tư hữu hóa. Kết quả nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không cao dẫn đến tình trạng mà ai cũng thấy.
Mô hình kinh tế tư bản trước đây bóc lột sức lao động. Khi có xã hội chủ nghĩa ra đời, nó tự thay đổi, tham khảo học thuyết xã hội chủ nghĩa để cách tân. Xã hội chủ nghĩa đưa ra mô hình hay nhưng không phát huy được do nhiều giới hạn. Trong khi đó chủ nghĩa tư bản lại được nhiều quốc gia chọn lựa học thuyết kinh tế tự do tự nhiên trở thành lựa chọn của giai đoạn hiện tại.
Hiện nay các nước xã hội chủ nghĩa vẫn sử dụng mô hình này nhưng vì học thuyết mối quan hệ trước và sau, người ta đang tìm tòi nền “kinhtế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Trong cộng nghiệp mới, người ta chấp nhận để có thể giữ được nền tảng hấp thu những tích cực. Tuy nhiên xã hội chủ nghĩa hay tư bản, bản chất của thị trường là cung và cầu.
Áp dụng nhân quả dưới góc độ của kinh tế học, ta thấy sự tác động đa chiều về mọi phương diện rất lớn, khủng hoảng tài chánh dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng về bất động sản dẫn đến kết quả tương tự, khủng hoảng thị trường chứng khoán dẫn đến hậu quả làm tê liệt cơ chế kinh tế thị trường nói chung. Người có Chánh tri kiến có tầm nhìn nhân quả hình học không gian, không đánh giá hời hợt những gì chúng ta đầu tư.
Cú lừa của Madoff chưa từng có trong lịch sử nhân loại, làm cho thế giới tổn thất hàng trăm tỷ đô la. Phương thức ông lừa đảo thiên hạ là lấy uy tín các tỷ phú, triệu phú, những ai muốn hợp tác đầu tư vào hoạt động tài chính, thị trường. Khi được giới thiệu, người đầu tư yên tâm chọn mặt gửi vàng, khoảng lợi nhuận Madoff cung cấp cho người đầu tư cao hơn so với các ngân hàng thế giới. Từ việc khích lệ lòng tham, kéo theo lòng si, người ta không cần nhận xét Madoff có đủ khả năng tạo ra khoản lợi nhuận cao hơn từ dịch vụ ngân hàng của ông hay không. Họ đầu tư vào Madoff ngày càng nhiều. Nhu cầu rút tiền mặt để sử dụng không có, nếu có cũng không đáng kể. Ông lấy tiền người nạp vô sau trả lãi cho người nạp vô trước, lấy tiền của người nạp vô trước trả lãi cho người nạp vô sau, số tiền vận hành liên tục, mặc dù ông không có hoạt động gì hết. Ngoài những hoạt động tài chánh giả mạo, làm các dữ liệu tài chánh để báo cáo cho người ta không hoài nghi, nhân viên của ông được lương cao hơn những nơi khác.
FBI của Hoa Kỳ đã cảnh báo vấn đề này từ 45 năm trước, người ta vẫn bỏ qua. Cho đến bây giờ mới phát hiện ra được, có người đòi rút gần một tỷ đô la, ông không có tiền để trả. Thế giới kết tội ông 170 năm tù, phạt một trăm mấy chục tỷ, toàn bộ tài sản bị tịch thu. Nhiều cơ quan từ thiện nổi tiếng bao gồm hội chữ thập đỏ, ngân hàng thế giới, ngân hàng Thụy Sỹ phải điêu đứng vì gửi tiền cho Madoff. Hệ thống tài chánh của Madoff có mặt trên 130 quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến những quốc gia này. Vào những thập niên 80, người ta phong tặng ông danh hiệu là God of Finance tức “Thượng đế của tài chính”, nay mới biết ông là quỷ dữ của tài chính toàn cầu. Madoff đã làm cho thế giới điêu đứng, thất điên bát đảo trong cơn khủng hoảng. Nhiều triệu phú gởi tiền cho ông chịu không nổi phải tự tử chết, trong đó có triệu phú người Đức, đứng thứ 95 trên toàn cầu và đứng thứ 5 trên nước Đức. Họ nhìn quá đơn giản về nhân quả trong đầu tư tài chính, các hoạt động khác của kinh tế, lòng tham dẫn dắt đính kèm theo lòng si. Kết quả toàn bộ những đầu tư chân chính của ta bỏ sông bỏ biển, đốt cháy hết, đó là một nỗi đau. Ta hiểu rõ về nhân quả không gian ngược chiều, không nên dễ dãi trong vấn đề gởi cho các ngân hàng hay các tư nhân để có tiền lãi suất cao mà không cần biết lãnh vực họ đầu tư là gì, hoạt động kinh tế như thế nào, mơ tưởng trong một năm sau tiền của ta tăng lên 15%, hay nhiều hơn nữa, cứ như thế mà tăng trưởng theo tỉ lệ thuận. Kết quả là không còn gì hết.
Chánh tri kiến về nhân quả giúp cho người thực tập nó sống chuẩn, không rơi vào chủ nghĩa hoài nghi, phán đoán, nhận định bằng trực quan, kết quả xác suất cao, không trở thành nạn nhân của các cú lừa vì thiếu kiến thức. Ai rơi vào những vụ lừa đều là người chưa có Chánh tri kiến về nhân quả, đánh giá về nhân quả một cách thiển cận. Sống với Chánh tri kiến, ta có thể hạn chế tối đa các rủi ro trong kinh tế; giảm thiểu tai nạn lao động và tai nạn giao thông, đảm bảo được an toàn hạnh phúc ở mức độ cao nhất.
Chánh tri kiến là tầm nhìn mang tính cách giải quyết vấn đề, khác với cách nhìn khủng hoảng. Người có cách nhìn khủng hoảng, khi không có năng lực giải quyết vấn đề sẽ tìm cách đào tẩu khỏi thế giới thực tại, dẫn đến tình trạng thất bại, khổ đau, ám ảnh ngày càng nhiều hơn. Một người bệnh nặng, giới hạn mình trên chiếc giường hay chiếc xe lăn, không có Chánh tri kiến, người đó dễ sinh ra cảm giác tiêu cực, yêu cầu bác sĩ hay người thân sử dụng các phương pháp trợ tự tử để kết liễu đời sống, giúp cho họ có cái chết nhẹ nhàng, thoát khỏi cảm giác khổ đau trên cơ thể.
Thế giới phương Tây có sự kiện làm nhiều người chú ý, cụ ông 84 tuổi và cụ bà 75 tuổi có trên 50 năm sống hạnh phúc vợ chồng, họ đã kết liễu đời mình bằng cách: Cả hai người cùng uống thuốc độc và đi vào cõi thiên thu. Khi pháp y thử nghiệm, kết quả cho thấy cụ ông bị bệnh ung thư giai đoạn cuối và bà cũng có chứng bệnh tương tự. Hai người thấy việc mạng sống không còn bao lâu nên chọn cái chết, mong kiếp sau họ tiếp tục làm vợ chồng.
Thế giới luật đặt ra những vấn đề mới. Hiện nay có nhiều quốc gia cấm trợ tử. Người khích lệ, đồng ý, hỗ trợ cho người khác chết bị phạt có thể lên đến 14 năm tù, có nơi ba năm tù. Mỗi quốc gia có khung hình phạt khác nhau. Trong khi đó một số nước khác chấp nhận sử dụng phương pháp trợ tử bằng thuốc, để các bệnh nhân khi chịu không nổi cơn đau vật lý, có thể chết êm xuôi nhẹ nhàng, đỡ cực cho người thân, đỡ tốn kém tiền bệnh viện, xem đó là giải pháp nhân đạo. Những kỹ thuật trợ tử hiện nay đang còn trong vòng tranh luận về phương diện đạo đức.
Ta áp dụng cái nhìn ở góc độ nhân quả, thấy rằng việc đào tẩu khỏi cái khổ của thọ thân bằng cách kết thúc nó sớm hơn, không đồng nghĩa là kiếp sau ta không còn trả quả về những chứng bệnh thân thể. Dù trì hoãn hay đào tẩu ta vẫn phải tiếp tục trả nó ở kiếp kế tiếp.
Đức Phật dạy: Hãy để cái chết diễn ra theo quy trình tự nhiên: Sanh, già, bệnh, chết. Có người sanh ra chưa trải qua già bệnh đã chết, có người già không bệnh cũng chết. Quy luật nhân quả đối với con người là vậy. Ta hãy hoan hỷ chấp nhận diễn tiến của nhân quả để sống an vui. Người có Chánh tri kiến không đào tẩu khỏi thực tại bao gồm những nỗi khổ niềm đau, các bế tắc, trở ngại, chướng duyên, thử thách đến với mình. Vấn đề còn lại là xử lý nó bằng cách nào.
IM LẶNG THÁNH
Kinh tạng Pali có thuật ngữ Im lặng Thánh. Hòa Thượng Minh Châu dùng khái niệm đảo ngược theo cấu trúc của tiếng Pali là Thánh im lặng, tức một vị thánh nhân giữ thái độ im lặng. Nghĩa gốc là im lặng Thánh. Chữ Thánh ở đây là tính từ nói về nội dung của sự im lặng.
Trịnh Công Sơn có nhiều bài ca mang đạo lý vô ngã, vô thường, thân phận mong manh của con người, nhân tình thế thái… để khích lệ người ta tiến tu. Bài Im Lặng thở dài và nhiều bài khác mang phong cách tiêu cực và tuyệt vọng, bản thân Trịnh Công Sơn là người sống ám ảnh bởi nỗi tuyệt vọng. Cuối cuộc đời ông mượn rượu giải sầu, mặc dù là Phật tử nhưng ông không vượt qua được thói quen này. Một trong những bài ca của ông được nhiều ca sĩ thể hiện tâm đắc - trong đó có Khánh Ly, Phương Thanh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng - là bài Im lặng thở dài: “Tôiđã lắng nghe im lặng của đêm, tôi đã lắng nghe im lặng của ngày, tôi lặng lắng nghe im lặng của đời, tôi lặng lắng nghe im lặng của tôi”. Những câu chữ với các ca từ trong bài Imlặngthởdàicho thấy một sự tuyệt vọng, chỉ biết im lặng, thở dài, chán chường, thất vọng, bế tắc không biết làm gì. Cảm thấy mình bất lực trước nhân quả, bất lực trước mọi diễn biến của cuộc đời, bất lực trước những tình thế bất công của xã hội, bất lực trước tất cả những thứ mình muốn mà không làm được. Đức Phật gọi là khổđế. Rất nhiều người bất lực trước khổ đế trở thành im lặng thở dài. Đạo Phật dạy ta im lặng không phải để thở dài mà im lặng thánh. Im lặng thánh được hiểu là gì? Là im lặng như thiền định.
Thiền định là tiến trình chuyển hóa cảm xúc, thay đổi nhận thức và hành vi làm cho con người đánh giá lại chính mình, phân tích các dữ liệu, những diễn tiến để có thể tìm ra một lối thoát như một giải pháp chân chính, không có những phản ứng phụ tiêu cực. Khi thực tập im lặng thánh, các ức chế tâm lý do bất công xã hội, muốn mà không được, ghét mà phải gặp, thương mà phải chia lìa, mong trẻ mãi không già, bệnh, chết v.v... không trở thành áp lực đối với chúng ta.
Người im lặng trong thiền định, im lặng như thiền định, im lặng như bậc thánh có thể giải tỏa một cách ổn thỏa tất cả những bất hạnh đến với mình. Chánh tri kiến giúp cho ta có bản lĩnh đối diện, không phải bản lĩnh chịu đựng tiêu cực, an phận thủ thường, chấp nhận mọi thứ một cách tuyệt đối như vận mệnh đã được an bày.
Thực tập Chánh tri kiến ta không còn thở dài theo kiểu chán nản, mà thở thật sâu, ra vào, thư lắng, nhẹ nhàng, thoải mái, tự tại, thảnh thơi. Thấy rất rõ dòng chảy của cảm xúc buồn vui lẫn lộn, thấy rõ chiều hướng của tâm với các phạm trù đối lập với nhau, thấy rõ các ý niệm về quá khứ và tương lai không có giá trị.
Quay trở về chính mình trong hiện tại để thấy rất rõ thân thể không phải là tôi, tôi không lệ thuộc vào thân thể, nỗi khổ niềm đau bám trên thân, bám trên cảm xúc sẽ rơi rụng. Có Chánh kiến, những khó khăn trở ngại đối với ta chỉ là duyên như bất kỳ một duyên nào khác diễn ra. Duyên có thuận và nghịch, thuận thì vui, nghịch cũng không buồn. Không có lý do gì để chùng bước trên con đường lý tưởng ta đang theo đuổi, dù có tổn thất hay kết quả chỉ ở mức độ tương đối.
THỰC TẬP CHÁNH TRI KIẾN
Người thực tập và sống với Chánh tri kiến là người thể hiện vô ngã dưới hai góc độ, tâm lý học và nhận thức luận. Vô ngã về mặt nhận thức luận trước nhất là hiểu rõ vũ trụ không có nguyên nhân khởi thủy, dù đó là thượng đế hay duy vật, hay đất, nước, gió, lửa. Dù duy tâm cũng thấy rất rõ tiến trình tương quan duyên khởi tạo ra sự vận hành, tồn tại, phát triển, hoại diệt… để một tiến trình mới có những bước tương tự. Một sai lầm lớn là người ta cho rằng thế giới tạo nên từ vật chất hay từ tâm. Duy vật và duy tâm là hai thái cực khác nhau. Đạo Phật không phải là duy tâm. Nhiều người hiểu sai chữ duy thức nên nói đạo Phật là duy tâm.
Duy thức học nên hiểu là tâm thức học. Việc hiểu rõ duyên khởi giúp ta không chấp nhận bất cứ duyên gì làm nguồn gốc của vũ trụ, nó là sự tương quan đa chiều. Ứng dụng Chánh tri kiến giúp ta thấy rõ thân thể vật lý gồm có 4 nguyên lý: Nguyên lý chất rắn tức da, thịt, xương, tủy, các tế bào và tất cả các nguyên tử, phân tử tạo ra những tế bào đang vận hành với tốc độ rất nhanh, giữa chúng có một khoảng cách rất lớn không bao giờ thường hằng như chính nó. Mỗi tích tắc nhỏ nhất của thời gian trôi qua nó luôn luôn trở thành một cái khác.
Nguyên lý chất lỏng bao gồm: Nước mắt, nước mũi, nước vãi, nước tiểu, nước miếng, mồ hôi và nhiều thứ bên trong làm cho cơ thể hàn gắn với nhau, duy trì sự sống tạo ra quá trình tuần hoàn trao đổi chất. Nó chỉ là một tiến trình vay mượn. Trong khi đó hai nguyên lý chất nhiệt và chất vận động, thuộc về thân nhiệt cao và thấp, vận hành của hơi thở ra vào, tác động của gió, không khí bên ngoài đến cơ thể làm cho con người sống một cách thoải mái. Không có hai yếu tố đó con người khó sống thọ, dù có chất rắn và chất lỏng. Ai ít vận động dẫn đến bệnh tật, kinh A Di Đà dạy nguyên tắc:
“Phạn thực kinh hành”. Ăn cơm xong từng bước thảnh thơi, tức phải đi thiền hành hay kinh hành.
Đức Phật thiền hành, kinh hành không có niệm Phật. Chỉ đi hít thở nhẹ nhàng, thư thái, chánh niệm với thân, thọ, tâm, pháp do đó không bị áp chế hơi thở trong bao tử. Phần lớn các tu sĩ yếu bao tử vì sử dụng hơi nhiều do tụng niệm. Thực tập về nhận thức luận giúp cho hành giả có Chánh tri kiến, không đánh đồng một trong bốn nguyên lý, hay cả bốn nguyên lý. Tôi và thân thể chỉ được hiểu như một cỗ xe, đóng vai trò chức năng, nghĩa là khi nào nó hòa hợp thì ta sống khỏe và có tuổi thọ; khi nào bất hòa diễn ra, ta sẽ bệnh và chết tùy thuộc theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Hành giả Chánh tri kiến không đánh đồng thân thể còn sống là tôi, sau khi chết thi thể là họ, hài cốt khi thiêu không phải là họ, thi thể khi chôn không phải là họ, nhờ đó họ có thể thoát ra khỏi thân thể, tái sinh liền ngay lập tức.
Về Phương diện tâm lý học, người vô ngã có thái độ khiêm cung, thấy rõ kiến thức mình có không phải do mình sáng tạo, kiến thức đúng là quy luật, định lý, hệ quả của tất cả những phán đoán phù hợp về thế giới vật chất vũ trụ; phù hợp nhân sinh quan, diễn biến đang diễn ra xung quanh ta. Đức Phật nói rất rõ trong kinh rằng Ngài không phải tác giả của chân lý, Ngài chỉ là người vạch ra được quỹ đạo con đường đi để tiếp cận được chân lý. Hình ảnh đó được Ngài ví dụ tòa nhà báu vật ở trong rừng. Các dây tầm gửi bao phủ xung quanh các cây cổ thụ, làm cho rất nhiều người không nhìn thấy. Khi Ngài phát hết những cỏ dại, tạo ra một lối đi để những người đi theo Ngài đều đến được, tận mắt nhìn thấy các bảo vật có trong ngôi nhà. Ta thấy chân lý không có tính tác giả. Chân lý chỉ có người đi đúng hay đi sai, dù là người quá khứ, người hiện tại, người vị lai.
Đi đúng quy luật có thể đạt được chân lý giống như nhau. Đức Phật xác định ngài là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Ngài phủ định tính cách tác giả chân lý bằng câu nói: “Bốn mươi chín năm thuyết pháp, ta chưa từng nói một lời nào”. Không phải Ngài thiếu trách nhiệm với những gì đã tuyên bố mà muốn dạy chúng ta về vô ngã trong phương diện tác quyền. Đối với người tu học Phật, không có vấn đề tác quyền. Chân lý là của chung, ta có trách nhiệm phổ biến rộng rãi. Đối với thế gian, những phát minh đều có tác quyền. Bán các tác quyền có thể sống vài ba chục kiếp. Giá trị nhân quả của việc bán và mua tác quyền thì ngay sau đó là kết thúc; tặng tác quyền mới có giá trị lâu dài.
Người thực tập Chánh tri kiến có tầm nhìn ứng dụng về vô ngã, phương diện nhận thức luận và tâm lý học. Phong cách người đó thoải mái, nhẹ nhàng, bình dân, giản dị mà vẫn giữ được cung cách uy nghiêm có chiều sâu. Hòa quang đồng trần không nhiễm bởi bùn nhơ, nước độc. Hoa sen của người Chánh tri kiến vô ngã luôn tỏa sáng với gương, nhụy, cánh, hạt; các loại hoa khác không thể nào so bì kịp.
HIỂU RÕ VÔ THƯỜNG
Người có Chánh tri kiến luôn là người sống thuận hợp với nguyên lý vô thường. Vô ngã áp dụng cho vật chất, vô thường cho thời gian hay nói cách khác vô ngã là không gian vô thường là thời gian. Không có vật chất trong không gian nào tồn tại phát triển không liên hệ đến thời gian. Không gian là không gian của thời gian, thời gian là thời gian của không gian. Ai hiểu được Chánh tri kiến về phương diện vô ngã sẽ hiểu được Chánh tri kiến phương diện vô thường.
Thực tập Chánh tri kiến giúp ta nhìn thấy rõ chiều biến thiên của thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai. Không kỳ vọng, không sống trong chủ nghĩa lý tưởng, không sống tượng hóa, tuyệt đối hóa. Mọi thứ diễn ra trong cuộc đời không bao giờ theo ý mình. Nó theo quy luật nhân duyên, nhân quả trong tự thân chính nó và những sự vật xung quanh. Mọi đổi thay bao gồm nhân tình thế thái, biển trở thành đất, đất trở thành biển, cây trở thành tro bụi, sa mạc trở thành cây… là nguyên lý vô thường.
Người ta hiểu vô thường Phật giáo là tô đen thế giới thực tại, làm cho con người chán chường, thất vọng, không còn nỗ lực phấn đấu để làm bất cứ gì hết. Đó là hiểu mặt tiêu cực của vô thường. Vô thường, hai tòa tháp đôi của Hoa Kỳ trở thành cát bụi, hai tượng Phật cao nhất ở Afganistan trở thành kỷ vật trong tâm của các Phật tử. Do vô thường, có nhiều ngôi chùa đã dột nát. Do vô thường, người trẻ trở thành già, người khỏe trở thành bệnh, chết. Do vô thường mọi thứ đổi thay. Do vô thường, chính thể, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục không là chính nó như ở quá khứ, tất cả luôn luôn thay đổi. Nhận diện bản chất vận hành, ta không thất điên bát đảo, phải sống một cách bình thường.
Áp dụng tinh thần vô thường, Trịnh Công Sơn phát biểu: “…Tôi ơi đừng tuyệt vọng... Em ơi đừng tuyệt vọng... Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông… em chính là tôi, tôi chính là em..”. Khi thấy rõ được vô thường, con người biết sống gắn bó, thương yêu, chăm sóc nhau trong mối tương quan xã hội. Mỗi lần có thiên tai diễn ra, tình thương được gieo trồng. Ở đâu có bạo chúa xuất hiện ở đó có Bồ tát ra đời. Ở đâu có nỗi khổ niềm đau, ở đó có an vui và hạnh phúc. Chính vô thường mà có sự đối lập này, không có vô thường, chuyện đó không bao giờ xảy ra. Hai tòa tháp đôi của Hoa Kỳ sụp đổ, trên thế giới trong vòng ba chục năm có vài chục tháp đôi tương tự mọc lên. Hai tượng Phật ở Afghanistan không còn nhưng ở Trung Quốc và nhiều nơi khác đã bắt đầu xây dựng.
Vô thường có thể tạo ra những tiến trình mới có giá trị tích cực, tốt đẹp hơn, hay hơn. Nhân dân Trung Hoa có câu: “Sóng đợt sau đẩy đợt trước”, ý muốn nói thế hệ đi sau ngày càng tiến bộ hơn, giỏi hơn, hay hơn thế hệ đi trước. Cộng nghiệp của giai đoạn lịch sử ngày càng được khắc phục, phát huy những phát minh mới. Con người càng về sau kiến thức càng phát triển ở mức độ lớn hơn, nhanh hơn so với trước đây thế hệ ông bà tổ tiên của ta phải mất đến vài thế kỷ mới có được. Tất cả những diễn tiến tích cực trong cuộc đời đều do vô thường mà có. Đây là cách nhìn chánh tri kiến đặc biệt.
Bồ tát Long Thọ trong tác phẩm Trung Quán Luận phát biểu một câu rất sâu: “Dĩ hữu không nghĩa cố, nhứt thiết pháp đắc thành”. Do có nguyên lý tánh không, mọi sự vật hiện tượng trong cuộc đời đều được thành tựu, câu thứ hai nói về phương diện tích cực của vô thường. Phần lớn thế gian không biết nên cho đạo Phật là tiêu cực, chữ “không” trong triết học Trung Quán được hiểu đồng nghĩa với duyên khởi: “Mọi sự vật hiện tượng được tạo từ nhân duyên, tất cả gọi là không” (Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không).
Mọi sự vật hiện tượng sanh ra hình thành, tồn tại, phát triển từ điều kiện, từ nhiều duyên được gọi là không. Điều gì tồn tại phát triển từ duyên, được hiểu là vô thường. Nhân duyên bằng với không, bằng với chữ vô thường. Nhân duyên nói về phương diện vật lý là vô ngã, nhân duyên phương diện thời gian là vô thường. Nó là hai mặt một vấn đề, không thể tách rời nhau. Nhờ vô thường, các diễn tiến tích cực tiếp tục có mặt. Bên cạnh tiếp xúc phương diện tiêu cực - tức mặt trái của vô thường - ta cũng có cơ hội tiếp xúc được mặt tích cực của vô thường.
Không có vô thường thì không có ban đêm, ban ngày, không có vận hành của mặt trăng, không có ánh sáng của mặt trời. Không có những bước đi, ta không có điểm đến; không có những nỗ lực, ta không có thành quả. Tất cả thay đổi diễn tiến như trên đều gọi là vô thường. Đừng hiểu vô thường chỉ mang đến hậu quả, vô thường cũng có kết quả tốt. Người có Chánh tri kiến thấy rõ điều này.
GIÁ TRỊ CỦA CHÁNH KIẾN
Người có Chánh tri kiến luôn sống thuận hợp với đạo đức. Giá trị của người có Chánh tri kiến vượt lên khỏi những người có kiến thức bình thường, điều này kinh điển xác định rõ.
Hiện nay ở Hoa Kỳ có khoảng 40 trường đại học có phân khoa Phật học như một department độc lập hoặc là liệt Phật học vào nhóm chuyên ngành trực thuộc Tôn giáo học, Châu á học, Ấn Độ học, Ngôn ngữ học, Pali học v.v… Ở Hoa Kỳ số lượng Phật tử rất ít, phần lớn các giáo sư đều là những người theo Tin Lành hay Thiên Chúa giáo. Tương tự, ở Ấn Độ, phần lớn các giáo sư Phật học là người Ấn Độ giáo, hoặc không có tôn giáo nào. Tu sĩ Phật giáo hay cư sĩ Phật giáo tham gia giảng dạy các trường lớp Phật học không là bao. Tình huống này cũng diễn ra ở các quốc gia khác đang có bộ môn Phật học. Như vậy kiến thức về Phật học khác với Chánh tri kiến về phương diện ứng dụng.
Ai có học Phật, học với người thầy có kinh nghiệm giảng dạy, sau bốn năm có thể giảng kinh thuyết pháp, phân tích và giải quyết các vấn đề một cách chuẩn. Điều đó không có gì để cam kết đây là người sống thuận hợp với đạo đức trong xã hội. Kiến thức về Phật học chỉ là phương tiện dẫn đến Chánh tri kiến, không phải là bản thân của Chánh tri kiến. Có áp dụng vào đạo đức, cách sống mới gọi là Chánh tri kiến thiết thực.
Người có Chánh tri kiến không bao giờ giết người, lúc nào cũng ý thức bảo vệ hòa bình, kêu gọi tinh thần thương yêu chủng loại, bảo hộ các loài động vật và góp phần ngăn chận sự hâm nóng toàn cầu, không tạo ra những khủng hoảng môi trường do lòng tham, sân, si. Người có Chánh tri kiến không tuyên bố sai sự thật, không sử dụng ngôn ngữ kém văn hóa. Mỗi khi phát biểu điều gì luôn mang đến ý nghĩa, giá trị lợi lạc cho cuộc đời.
Người có Chánh tri kiến là người không vi phạm ngoại tình, chung thủy trên nguyên tắc một vợ một chồng; khi nào khế ước hôn nhân kết thúc về mặt pháp luật, lúc đó mới được quyền chọn người khác. Người có Chánh tri kiến là người không sử dụng những chất say như rượu, ma túy, thuốc lắc và nhiều độc dược khác để hại mình, hại người; không tham gia các hoạt động sản xuất, mua bán những loại vũ khí nói chung. Như vậy người có Chánh tri kiến luôn là người chuẩn mực về mặt đạo đức trong hành động lời nói và tư duy, có được phước báo hữu lậu ngay hiện đời.
Tu tập hai yếu tố cuối cùng của Bát Chánh Đạo, đó là Chánh Niệm và Chánh Định, trên nền tảng của Chánh Tinh Tấn hành giả Chánh tri kiến trở thành người đạt được niềm an vui hạnh phúc vô lậu, tức phát huy tuệ giác ở mức độ cao nhất là tri kiến Phật, giác ngộ vô thượng chánh đẳng bồ đề, không có gì có thể ngang bằng được. Nói tóm lại theo tinh thần kinh Chánh tri kiến và văn học Pali, người có Chánh tri kiến không có quan niệm về chánh trị như thế gian hiểu.
Trong chữ Hán, Chánh kiến về phương diện Phật học và chính trị học khác nhau hoàn toàn. Trong chính trị học, chánh kiến là quan điểm chính trị lệ thuộc vào một đảng phái hay quan niệm chính trị, ví dụ tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa hay đảng dân chủ, đảng cộng hòa, đảng lao động v.v…
Trong khi đó, Chánh kiến hay là Chánh tri kiến của Phật giáo được hiểu là tầm nhìn chuẩn xác về mọi quy luật nhân quả, duyên khởi, đạo đức, hành trì, an vui hạnh phúc. Là cách giải quyết vấn đề, nỗ lực để cho ta ngày càng tốt đẹp, an vui hơn, hạnh phúc và thánh nhân hơn. Người theo chính kiến của chính trị có lúc khổ, có khi vui, có lúc là người chân chính, có khi là kẻ đồi bại. Người sống với Chánh kiến về tầm nhìn thế giới quan, vũ trụ quan dựa vào nhân quả, duyên khởi, vô thường, vô ngã chắc chắn chuẩn mực về đời sống đạo đức.
Đức Phật nói Bát Chánh Đạo là hạnh khó làm nhất. Thành tựu được Chánh tri kiến không phải một ngày một đêm mà được. Nhiều người phải mất hàng chục kiếp tái sinh mới có thể hành trì được. Có người do sự phát triển kiến thức đã chuẩn mực ở một mức độ nhất định, chỉ cần nghe là có thể đạt được Chánh kiến.
Vai trò của Chánh kiến đi đầu trong bảy yếu tố còn lại của thánh đạo. Giá trị của Chánh kiến thấp nhất là đạt được hạnh phúc hữu lậu, cao nhất là trở thành bậc thánh vô lậu.
***