Giảng tại Trường hạ Tịnh xá Trung Tâm, ngày 24-7-2009
Phiên tả: Nguyên Như
***
VƯỢT TRÊN TƯ DUY TÍCH CỰC
Ta tìm hiểu về phần thứ hai “Con đường thánh tám ngành”, vốn được xem là độc lộ an vui và giải thoát. Khái niệm độc lộ không chỉ được hiểu theo nghĩa đen là con đường duy nhất, con đường có hiệu quả nhất mà còn phải hiểu ở mức hành giả đi trên nó nếu có sự thực hành, ứng dụng, sẽ đạt được phước đức hữu lậu, có được sự giải thoát, trở thành thánh.
Tính năng hiệu quả của Bát Chánh Đạo giúp cho hành giả vượt lên hai phong cách sống: Một bên là hưởng thụ các khoái lạc giác quan, đỉnh cao là đời sống tình dục vợ chồng; một bên là nỗ lực khổ hạnh, ép cơ thể, làm cho mất đi các hứng thú giác quan. Từ đó lầm nhận rằng, đây chính là con đường giải thoát. Bát Chánh Đạo giúp ta xa lánh hai thái cực, hai phong cách sống vừa nêu, giúp cho con người phát triển tầm nhìn chân chính, ứng dụng lòng tin vào tư duy chân chính.
Ta không nên hiểu tư duy chân chính là tư duy chín chắn như cách nói thông thường trong dân gian. Tư duy chín chắn có chiều sâu, suy nghĩ mọi vấn đề có trước có sau, có trong có ngoài, có tự thân và tương quan xã hội. Người có tư duy chín chắn được xem là người trưởng thành, không có thái độ bồng bột, vội vã, hấp tấp, bất đồng, bất mãn, bỏ cuộc giữa chừng. Tư duy chín chắn chỉ là phần nhỏ của Chánh tư duy. Có rất nhiều tư duy chín chắn không có nội dung của đạo đức và tâm linh, chỉ nhằm đáp ứng phước báu nhân thừa.
Hàng triệu người có tư duy chín chắn vẫn còn mê tín dị đoan. Họ nghĩ rằng Thượng đế là đấng sáng thế, tạo ra con người, tạo nên sơn hà, vũ trụ. Mặt khác, ta cũng không nên hiểu Chánh tư duy đồng nghĩa với tư duy tích cực. Phần lớn tư duy tích cực chỉ xử lý tình huống, giúp cho cảm xúc bế tắc được tháo mở, những trở ngại được hanh thông. Tự trấn an chính mình để vượt qua những gian truân thách đố của cuộc đời chỉ là tư duy tích cực.
Ví như một người đi trong sa mạc chỉ còn nửa cốc nước để uống. Người ấy khởi lên ý nghĩ rằng: May mắn quá, ta vẫn còn nước để uống khỏi bị chết khát. Trong tình huống tương tự, một người bi quan nghĩ: Thân ta to lớn thế này chỉ có nửa cốc nước thấm vào đâu, thà không uống còn hơn. Do không uống, khát nước làm cho người ấy bị kiệt sức, dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực khác. Người biết tận dụng những gì mình đang có với thái độ hài lòng vì không còn sự lựa chọn khác hơn sau khi đã nỗ lực có phương pháp là người tư duy tích cực. Họ hoan hỷ với những gì mình đang có ở thực tại. Nửa cốc nước có thể làm cho họ phục hồi phần nào sức khỏe. Các cơ bắp được thư giãn, những căng thẳng của trí não được phóng thích. Người đó cảm thấy thoải mái. Tư duy tích cực này không phải Chánh tư duy. Nó chỉ là thái độ tích cực dưới nhiều góc độ khác nhau, giúp con người xử lý được những tình huống khó khăn.
Ý NGHĨA CHÁNH TƯ DUY
Chánh tư duy là gì? Chữ Chánh, tiếng Pali gọi là Samma. Do giới hạn sự biểu đạt bằng tiếng Việt, chín chắn và tích cực chỉ là phần rất nhỏ của Chánh tư duy. Kinh điển Pàli định nghĩa Chánh tư duy là tất cả mọi khởi tâm, tác ý của con người, không vướng mắc vào tư duy tham đắm, tư duy sát hại và tư duy si mê. Theo tâm thức học Phật giáo, mọi phiền não dẫn đến những nỗi khổ đều có gốc rễ trực tiếp từ ba độc tố tham, sân, si.
Khi xác định tất cả mọi trở ngại xuất phát do thái độ, tâm lý, nhận thức từ ba độc tố này, vấn đề còn lại là làm thế nào để vượt qua nó. Muốn vượt qua, không nên đồng hành với chúng dưới bất kỳ hình thức nào. Tư duy của con người vốn được xem là đạo diễn của các hành động. Sau khi tu học, hành trì một thời gian, dù còn giới hạn nhưng mức độ tiến triển, chuyển hóa tâm thức của ta sẽ tiến bộ.
Những người tu có phương pháp, trong vòng một vài năm là thành công trong việc làm chủ lời nói và hành động. Đây là phần thô mà người có khả năng điềm tĩnh dễ dàng vượt qua không mấy khó khăn. Có nhiều người không cần tu học Phật cũng thể hiện được điều đó bằng những quyển sách dạy làm người, hoặc huấn luyện tư cách của mình trở thành những người có chiều sâu, có thể trì hoãn các phản ứng cảm xúc, suy nghĩ chín chắn hơn trước khi quyết định đánh giá vấn đề nào đó.
Bằng thuật ngoại giao, ta có thể có được những nụ cười, niềm vui, hớn hở trước nghịch cảnh. Ta không nói những lời chướng tai gai mắt, mang lại cho người khác nỗi buồn đau. Người làm được như vậy vẫn chưa được xem là chánh tư duy, mà chỉ là bằng sự khéo léo kinh nghiệm, bằng kết quả của sự giáo dục, con người tự huấn luyện mình để đắc nhân tâm; những ý niệm về giết hại vẫn còn che đậy bên trong tâm thức, nó chưa được biểu đạt bằng những hành động cụ thể, những người như vậy vẫn có thể đang sống với tà tư duy.
TÀ TƯ DUY SÁT HẠI
Sự bùng nổ công nghệ thông tin làm cho con người phải thách đố với tà tư duy. Phần lớn những bộ phim bạo lực thường gây ra cơn nghiện cho người xem. Bộ phim nào không có các yếu tố này giới trẻ cảm thấy không hứng thú. Khi tiếp xúc các bộ phim như thế, những hạt giống của bạo động được tiếp nhận một cách vô thức. Một số khác tiếp nhận một cách hữu thức. Do đó, tư duy đồng thuận hay gọi là phản ứng thuận nghịch hai mô típ nhân vật trong phim bạo lực làm cho người xem sống với tà tư duy, đồng hành với các yếu tố của sự sát hại.
Những bộ phim lịch sử tái dựng lại những chuyện đã qua như chiến tranh thế giới Thứ I, chiến tranh thế giới thứ II, chiến tranh Việt Nam, nội chiến Mỹ… luôn dẫn người xem đến những thái độ đứng về một phía, đối lập với phía còn lại. Người ta thường gọi đó là chính nghĩa và phi chính nghĩa. Khi ta đồng tình với chính nghĩa vì họ hi sinh cho quê hương, đất nước, nếu không có sự huấn luyện về cảm xúc, ít nhiều gì ta sẽ khởi lên tâm niệm hài lòng, đồng tình với chuyện những kẻ giặc bị giết chết thê thảm. Điều này là tà tư duy. Ta đang đồng hành ý niệm giết hại một cách gián tiếp.
Những trò chơi điện tử ngày nay rất tinh vi, các em bị cuốn hút vào những pha bạo lực bắn nhau, đánh nhau để trở thành những xạ thủ, võ sĩ ảo. Tà tư duy vô tình gieo rắc một cách rất nguy hại. Trong tương lai, chỉ cần một bất đồng hay bất mãn nhỏ, các hạt giống của trò chơi điện tử bạo lực nảy mầm, trở thành nỗi ám ảnh, biến các em trở thành bản sao các hành động ấy. Do tà tư duy mà các em không ý thức được điều đó.
Tâm lý học phương Tây cho phép sử dụng đối tượng thay thế để giải phóng nỗi đau sân hận người mình không ưa, bằng cách bán rất nhiều hình nộm, hoặc cho phép vẽ hình. Từ đó, họ có thể dùng gậy gộc, dao búa, đâm, chặt, chém trên hình nộm hay hình vẽ đó. Họ có cảm giác người đó đang bị mình hành quyết. Người Ấn Độ thích làm việc này. Tuy người Ấn được xem là sống hài hòa với thiên nhiên và các loài vật, nhưng các đảng phái chính trị đối lập trước những cuộc bầu cử thường đem hình nộm các đảng đối lập mình ra bắn, giết, đốt lửa để nhục mạ. Luật pháp Ấn Độ cho phép điều này. Tà tư duy rất nguy hiểm, mặc dù không có sự sống thật bị kết thúc, nhưng hành động, tâm tưởng về giết chóc vẫn đang được diễn ra, hậu quả của hành động tiêu cực này rất lớn.
Ta phải thấy rõ, ai gieo rắc những tà tư duy về sát hại mặc dù không có người chết thật nhưng quả xấu của tư duy tiêu cực mang lại hậu quả giảm tuổi thọ, chết yểu. Chưa nói đến những tác động tiêu cực khác có thể làm cho họ bị bệnh liệt giường, hay những chứng bệnh nan y. Bởi vì tâm lúc nào cũng căng thẳng, con dao của sự sát hại hiện diện trong tâm của mình. Đối tượng mình ghét chưa chết, nhưng người giữ con dao sát hại trong tâm lại chết dần chết mòn qua năm tháng.
Tà tư duy chính là kẻ thù của sự sống. Một số binh sĩ khi làm công tác bảo vệ bờ cõi - một nghĩa cử cao thượng giúp cho người khác an cư lạc nghiệp - họ sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình. Nếu họ không được phân tích, huấn luyện, tà tư duy sẽ xuất hiện hàng ngày hàng giờ. Tà tư duy sát hại có thể trở thành nguồn động lực làm cho người ta không còn sợ hãi cái ác.
Tiếng súng đối với người bình thường là nỗi sợ, đối với tà tư duy sát hại của các binh sĩ trở thành động lực làm cho họ ham bắn. Mùi khói súng, mùi máu, chết chóc tạo thành nguồn lực sân hận rất mạnh làm cho họ xông lên phía trước để giết chóc. Tà tư duy ấy làm cho con người thất điên bát đảo. Trong khi đó, người nghĩa sĩ làm công việc bảo vệ biên cương bờ cõi thông qua cuộc chiến tranh vệ quốc khởi phát từ lòng từ bi, không muốn kẻ thù gieo nghiệp sát trên quê hương của ta, không muốn người hiền lương phải chết vô tội, không muốn cho nghiệp bất công có mặt. Họ bóp cò để cho quân xâm lăng phải ngưng các hoạt động bất chánh. Từ bi trổ quả công đức, hành động bóp cò là nghiệp sát, hai nghiệp này bù trừ lẫn nhau. Quả phúc từ người nghĩa sĩ xuất phát bởi lòng từ bi cao hơn các chiến sĩ xuất phát bởi lòng sân hận muốn giết chóc.
Ta thấy nhiều vị tướng phác thảo kế hoạch, ra lệnh cho những trận chiến gây chết hàng chục ngàn người mà vẫn sống thọ. Bởi vì tâm trạng của họ trong suốt thời gian làm không xuất phát từ sát hại, mà xuất phát từ lòng từ bi, trách nhiệm. Nghiệp sát của họ vẫn có nhưng bù lại thì phước báu lớn hơn. Trong khi đó, nhiều người sống yểu mặc dù họ có tài đóng góp. Sự khác nhau chính ở chỗ động cơ của sự sát hại.
Khi kẻ thù ngã xuống, một số binh sĩ có thói quen nã đạn thêm vài phát. Hành động sát này chỉ giết một người nhưng tâm sát có thể gấp hai chục lần nếu bắn thêm hai chục phát. Sức nặng của nghiệp sát mạnh hơn nhiều lần so với nghiệp sát bình thường. Quả xấu hết sức nghiêm trọng. Tà tư duy sát hại mang lại nhiều hậu quả xấu.
Người Việt Nam từng trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh. Nếu ta không thấm nhuần đạo lý từ bi của đức Phật, ân oán trong chiến trường làm cho tái sanh trở lại nhiều lần, trở thành thù hận triền miên. Hận thù khó có thể tháo mở một cách có hiệu quả nếu ta không chuyển hóa được những hạt giống sát sanh trong tâm thức.
TÀ TƯ DUY SÂN HẬN
Tư duy sân hận có thể thể hiện qua các hành vi khạc nhổ, liếc mắt, trừng mi, quát tháo, đập bàn, xô ghế, giậm chân, la hét, chửi bới, ra lệnh đánh đập hoặc tự bản thân sử dụng những phương tiện vũ khí khác nhau tạo ra thương tích cho đối tượng. Tà tư duy trên nền tảng của lòng sân là mối đe dọa lớn trong tất cả các hành vi ứng xử.
Nhiều cặp vợ chồng tính cách của họ như nước với lửa. Người này nói một câu, người kia phản ứng lại năm bảy câu. Trí thức chừng nào, phản ứng chơi chữ tinh vi chừng đó. Kẻ ít học, ruột để ngoài da, thể hiện một cách bộc trực. Dầu bộc trực hay tinh vi, đều để lại nỗi đau ở người nghe và người nói.
Tư duy sân hận rất nguy hiểm. Nhiều người chết do ức chế nỗi đau không giải phóng được. Người ta cứ ôm nó như sự hiềm khích hay mối hận thù. Các biểu hiện bên ngoài thông qua hai cái khổ trong tám cái khổ đức Phật đã nêu đó là: Oán tắng hội và ái biệt ly. Nỗi đau oán tắng hội được thể hiện ở chỗ phải nhìn, phải tiếp xúc, sống chung, giao lưu, sinh hoạt và giải quyết vấn đề với người ta không thích, ác cảm, mặc cảm, thành kiến. Nỗi đau đó ngày càng tăng trưởng không tháo bỏ được, dẫn đến những ức chế, chỉ cần một xúc tác nhỏ, hành động sân bình thường có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng. Tốt nhất ta xử lý bằng cách nhường nhịn trên nguyên tắc thương lượng và tương nhượng. Về quyền lợi, ta thương lượng hòa đàm, về ranh giới ta tương nhượng để mỗi bên ở một phạm vi nhất định. Không nên vượt qua sự cho phép làm cho người khác cảm thấy mình bị khinh thường, thiệt thòi nhiều quá.
Mỗi thái độ sân hận trỗi dậy trong tâm làm cho con người bất mãn. Sự bất mãn này có hai hướng. Hướng một, nêu ra những quyết tâm lớn, chí nguyện mạnh để trong tương lai ta không rơi vào những vết xe hay thất bại của người đi trước. Đây là loại bất mãn tích cực. Hướng thứ hai rất nguy hiểm, sống trên nền tảng lý tưởng hóa, thần tượng hóa, nhưng trên thực tế không đạt được những chuẩn mực như ta đặt ra. Bực tức, khó chịu, cay cú làm cho ta mệt mỏi. Không chuyển hóa cảm xúc tà tư duy, ta trở thành nạn nhân của chúng. Kết quả ta có thể tự vẫn hoặc điên loạn, trở thành những người có tâm lý cóc cần, dẫn đến tình trạng phá phách, khủng hoảng bản thân và gây khủng hoảng cho người khác.
Câu chuyện của quan Khuất Nguyên là bài học lịch sử. Sống trong bối cảnh nước mất nhà tan, vua chỉ nghe những lời sàm tấu; là người trung thần có tầm nhìn, có tấm lòng, có phương pháp, có trách nhiệm nhưng ông không được tin dùng. Trong các buổi lên triều, nhà vua chỉ nghe những lời xúi giục của kẻ xấu. Lòng cương trực của ông trở thành mối đe dọa để nhà vua phỉ báng, chửi bới. Giận quá, ông bỏ nước đi. Khi ông rời khỏi nước khoảng vài ba tháng, chiến tranh giữa nước của ông và các nước lân bang diễn ra khốc liệt. Nghe tin này, lòng ông đau như cắt. Cuối cùng, ông nghĩ rằng không còn điểm nào để tựa và luôn tâm niệm trong đầu mình để tự an ủi: “Đờiđục cả, một mình ta trong. Đời say cả, một mình ta tỉnh”. Phán đoán của ông trong bối cảnh lịch sử đối với những gì ông đang sống không sai, nhưng nó không phải cách giải quyết vấn đề tư duy sân hận, mối đe dọa. Nó đã khống chế tâm hồn ông. Gặp một lão chăn trâu với lời khuyên đơn giản: “Sao ông không biết tận dụng nước trong để uống, nước vừa để rửa mặt, nước dơ để tưới ruộng đồng”. Nước nào cũng có tính năng sử dụng của nó. Đâu phải bỏ đi khi nước không trong, ta trong ta biết ta trong, người khác không trong nhưng có những phần khác ta xài được. Vì vậy, không cần phải có một ức chế sân hận sai sử đời sống của ta. Thế nhưng ông không lắng nghe theo lão chăn trâu, do cái tôi lớn, ông nghĩ lão chăn trâu là người bình thường, không đủ khả năng khuyên giải mình.
Bất mãn triều đình, trở về cuộc sống nông thôn nhưng Khuất Nguyên sống không thoải mái. Ám ảnh ray rức bởi những nghịch duyên, Khuất Nguyên chịu không nổi nên đã quyết định trầm mình xuống sông tự vẫn vào ngày mùng 5 tháng 5, ta gọi là tết Đoan Ngọ.
Tà tư duy sân hận dù là sân hận hữu lý cũng dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Nó vẫn được xem là đối tượng để các hành giả chuyển hóa. Dù có bất mãn trước cảnh quan quân rượu chè, bài bạc, đá gà, ăn chơi, nhưng Hịch tướng sĩ với những lời lẽ thống thiết, chí thành, kẻ vô trách nhiệm nhất đọc vào, vẫn rung cảm được trái tim, nhớ đến trách nhiệm với quê hương xã tắc. Những bất mãn như vậy, tuy có một ít tà tư duy nhưng chúng được định hướng trên Chánh kiến để đóng góp, phụng sự. Ta cố gắng, nỗ lực làm mới tích cực hơn. Tà tư duy được tháo bỏ một cách trọn vẹn, chánh kiến vẫn là yếu tố để hỗ trợ. Trong kinh TrungBộ, đức Phật nói: Chỗ nào có Chánh kiến chỗ đó có Chánh tư duy. Nhờ có Chánh kiến ta có niềm tin vào mặt trời để quên đi bóng đêm, có niềm tin vào đích đến để quên đi vất vả của việc đi trên sỏi đá, gai góc của con đường chưa được san lấp bằng phẳng.
Tư duy tích cực chính là hệ quả tất yếu của chánh kiến. Sử dụng tà tư duy sân hận làm cho ta dễ bỏ cuộc giữa chừng. Giận quá, chịu đựng không nổi ta phá bỏ uổng phí tất cả những gì mình đóng góp. Độ bền bĩ muốn có, ta phải giải phóng tà tư duy sân hận.
Cuộc đời rất phức tạp, đôi lúc những việc rất đơn giản, nhiều người biết nhưng trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, làm hoài không xong, bị hạn chế bởi luật định, những người cầm cân nảy mực trong các chính sách chưa có cái nhìn thoáng, nhìn sâu, những đề nghị đúng đắn hầu như không được lắng nghe. Bực tức trước thực trạng đó, nhiều người chán nản bỏ cuộc, không đóng góp. Muốn phá bỏ những trở ngại, kinh Đại thừa dạy ta phải thực tập kham nhẫn. Dịch ngữ trong tiếng Việt thường dùng là nhẫn nhục. Chữ nhẫn nhục dùng ở đây không đúng. Kham nhẫn là thái độ chịu đựng tích cực. Nhẫn nhục là chịu đựng như một sự an bày.
Kham nhẫn bao gồm các nghịch cảnh, đối tượng của người giao tiếp như thấy mặt khó ưa, làm cho ta không thấy thoải mái, mọi ứng xử ngược lại với sở thích của ta, bao gồm cả thời tiết và các ảnh hưởng của thế giới vật chất nói chung. Như vậy, tính kham nhẫn giúp cho con người chánh kiến huấn luyện được Chánh tư duy, không để cho lòng sân trỗi dậy dưới hình thức ngấm ngầm hay biểu hiện công khai.
Một vài tình huống của sân hận có tác hại cho chính tác giả và những người xung quanh. Ví như trongTam Quốc Chí, câu chuyện Khổng Minh bày mưu lập kế cho Trương Phi không tốn một mũi tên, cây giáo vẫn thắng được quân Tào Tháo. Khổng Minh biết dưới cây cầu lớn có một con cá Kình sống lâu năm và quân Tào Tháo sẽ đi ngang qua cầu này để giao chiến với Trương Phi. Trương Phi xem Khổng Minh như bậc thầy. Trước khi giao chiến, Khổng Minh yêu cầu Trương Phi đến giữa cây cầu mới mở bí kiếp võ công Khổng Minh đưa, không được mở ra xem trước. Trương Phi tuân thủ nghiêm lệnh. Khi đứng trên cầu, thấy lính Tào Tháo đông gấp ông đến hàng chục lần, Trương Phi mở lá thư ra thì trong đó không có một chữ nào. Sân hận của người hữu dũng vô mưu làm cho Trương Phi bật lên tiếng hét lớn. Tiếng hét làm cho con cá kinh động, hốt hoảng, giận dữ khiến nó vùng vẫy, nhảy vọt lên và cây cầu ngã sập xuống làm cho lính Tào Tháo chết như rạ. Đó là sự bày mưu, lập kế của Khổng Minh. Sau khi chiến thắng được trận đánh, Trương Phi mới bội phục Khổng Minh nhiều hơn nữa.
Câu chuyện cho ta cảm giác bên ngoài nghĩ rằng do sân hận qua tiếng hét của Trương Phi, tạo ra một tần sóng cộng hưởng sân hận của con cá Kình làm cho cầu bị sập. Nó cũng là hậu quả của lòng sân. Kết quả quân lính đối phương bị chết không cần tốn vũ khí. Chiến thắng này đặt trên nền tảng của lòng sân. Trên thực tế cho thấy, trong chiến tranh, người ta sử dụng lòng sân một cách lạm dụng. Lòng sân được xem là yếu tố để giúp cho các nghĩa sĩ hăng máu, giành lại độc lập chủ quyền cho dân tộc. Đó chỉ là một lựa chọn bất đắt dĩ. Hầu như các tình huống còn lại, xử lý dựa trên nền tảng của lòng sân không bao giờ có kết quả. Một cách tình cờ, sự việc đã được sắp xếp bởi nhà mưu trí tài ba Khổng Minh, nếu là người khác e khó có kết quả như ý.
TƯ DUY MÊ TÍN DỊ ĐOAN
Tà tư duy thiếu hiểu biết nhân quả hoặc tư duy dựa trên nền tảng mê tín dị đoan. Các Phật tử vài chục năm đi chùa vẫn còn tư duy gồm các suy nghĩ: Trong nhà nên thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẹ sanh Mẹ độ, Quan Công, Táo Quân, Thần Tài, Thổ Địa… dù trong ngày quy y Tam bảo, đã phát nguyện Quy y Phật bất quy y thiên thần quỷ vật.
Đức Phật không muốn mình có vai trò độc tôn như các tôn giáo khác. Ở đây, ta phải hiểu tại sao không cần phải nương vào thượng đế, các thần linh, các vật linh? Tất cả mọi người, mọi chủng loại đều sống theo quy luật nhân quả. Nếu Thượng đế và các vị thần có thật, các vị ấy cũng không thể vượt ra khỏi quy luật nhân quả. Nương vào các vị ấy làm gì để rơi vào chủ nghĩa định mệnh. Tin vào nhân quả, thẳng bước mà đi, khỏi phải nhọc công vào những niềm tin vu vơ không có giá trị. Phật tử lâu năm vẫn còn thờ các thần linh ở trong nhà là đang sống với tà tư duy, không xử lý vấn đề dựa trên nhân quả. Điều này cực kỳ khó, rất nhiều Phật tử tự an ủi rằng, mình thờ dư, không có thần này cũng có thần khác bảo vệ, lỡ không thờ, sau này làm ăn không lên (?!). Chính niềm tin tham lam này làm cho mê tín ngày càng có chỗ để sống.
Giống như những dây chùm gửi làm đẹp thân cây, nhưng sức sống của cây ngày một yếu đi. Các tà tư duy thiếu nhân quả rất khó bỏ vì ta không biết nó là mối đe dọa của trí tuệ. Sống với tà tư duy thiếu nhân quả, trí tuệ con người bị giới hạn. Các Phật tử phải mạnh dạn tháo mở những thói quen gắn liền với phong tục tập quán Nho giáo để trở về nền minh triết đạo Phật.
Nhiều Phật tử đi du lịch Trung Quốc và Đài Loan đến các trung tâm bán quà lưu niệm. Trong đó có con vật gọi là Tỳ Hươu. Vật này bụng to, miệng lớn nhưng không có hậu môn. Người Trung Quốc quan niệm mê tín thờ con vật này làm cho ta mua may bán đắt, tiền vào trong nhà mà không xuất ra. Điều này đồng nghĩa có vốn, tạo thêm lời lãi, ăn vào mà không tiêu hóa, không bị mất gì. Đây là suy luận mê tín dựa trên nền tảng logic hình thức trái với khoa học. Con vật nào hay bất kỳ ai ăn vào mà không thải ra sẽ chết. Ta có nhiều bộ phận phóng thải những gì ta tiêu thụ, gồm đường đại tiện, tiểu tiện, mồ hôi và sự chết của các tế bào. Tiến trình vô thường tạo nên sự sống qua hàng giây, hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm… mà ta không biết. Nạp vào bên trong càng nhiều, càng giàu; có tiền nhiều không làm từ thiện, khi chết với tâm bỏn xẻn, keo kiệt, khó được siêu, do thương tiếc vướng víu vào những tài sản. “Văn hóa Tỳ Hươu” là văn hóa mê tín, không dựa trên nền tảng của nhân quả.
Một số người thờ Thần Tài để mong mua may bán đắt. Thần Tài thường được thờ ở tư thế đứng, chiều cao của tượng khoảng một thước, để tượng trên bàn thờ hoặc ở góc nhà, không để trong phòng ngủ vì đó là nơi không trang nghiêm. Thần không phù hộ, tài sản bị tổn thất. Niềm tin mê tín của người Trung Hoa rất lớn, họ nghĩ thờ tượng càng to, sang trọng, phước báu càng được gia tăng. Ta đâu biết, Thần Tài chưa cứu được chính mình làm sao cứu được người. Cuối năm 2008, chúng tôi đọc được tin hết sức đau lòng nhưng rất triết lý. Một công ty sản xuất tượng Thần Tài bằng đất nung ở Việt Nam bị phá sản do sự cạnh tranh của hàng tượng sành sứ Trung Quốc. Chất lượng tượng của công ty không cao nhưng giá lại mắc hơn. Kết quả công ty ứ hàng và dẫn đến phá sản. Nếu Thần Tài có khả năng phù hộ, thì vài triệu tượng được sản xuất ra phải làm cho ông chủ giàu, đằng này, công ty lại phá sản. Ý niệm giàu sang, phú quý không đặt trên nền tảng nhân quả, mọi đầu tư dẫn đến thất bại là chuyện rất bình thường.
TƯ DUY THAM ÁI
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài 18 tháng, từ giữa năm 2007 đến tháng 1 năm 2009. Có khoảng hơn một tỷ người Trung Hoa, 87 triệu người Việt Nam và mấy trăm triệu người có liên hệ gián tiếp đến nền văn hóa Trung Hoa như Nhật Bản, Thái Lan,… đã cầu Thần Tài nhưng đâu có vượt qua được khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng mặc dù có những gói kích cầu chưa từng có trong lịch sử nhân loại khởi xuất từ Hoa Kỳ, hơn tám trăm tỷ đô la và nhiều quốc gia khác cũng hưởng ứng rất ngoạn mục, vẫn chưa có thể phục hồi.
Phải cần đến bàn tay của chính quyền quốc tế, quốc gia vào các hoạt động tài chính. Nền tảng của thị trường tự do với trục xoay của nó là lòng tham, sản xuất hàng loạt mặt hàng với giá rẻ. Người mua hàng được quyền sử dụng và trả lại trong khoảng thời gian nếu không ưng ý mà không tốn tiền. Điều này làm cho người tiêu dùng cảm thấy hài lòng với các nhà sản xuất, cung ứng trên thị trường. Ai cũng nghĩ rằng việc tiêu thụ là có cơ sở để thanh toán trong tương lai nên mạnh ai nấy mua. Chỉ cần có mười phần trăm tiền so với giá một căn nhà là có quyền mua trả góp. Sức ép về đời sống tinh thần của người phương Tây rất cao. Cứ mỗi tháng, theo cam kết tài chính với các ngân hàng, trả từ 1.000 – 2.000 đô la, tùy theo hợp đồng tài chính. Chỉ cần vài tháng thất nghiệp, ngôi nhà ta đóng được năm năm, hai năm nữa kết thúc vẫn bị phát mãi. Nhiều tư nhân vì lòng tham, nghĩ rằng mình có thể mua được căn nhà, mua mà không cần quan tâm đến khả năng thanh lý và thanh toán sau này. Kết quả ngôi nhà bị ngân hàng phát mãi. Ngân hàng nghĩ rằng cho tư nhân vay lãi cao có thể làm giàu cho mình. Không ngờ khi các tư nhân, các con nợ bị phá sản, ngân hàng cũng phá sản, bỗng dưng giá đất bị tuột xuống chỉ còn hơn một phần ba.
Ta thấy khả năng thanh khoản là yếu tố quyết định vậy mà các ngân hàng và thị trường bất động sản vì lòng tham không quan tâm đến vấn đề đó. Tư duy lòng tham là tư duy tà, ngược lại với chánh tư duy, dẫn đến khủng hoảng thị trường bất động sản, và thị trường chứng khoán phố Wall, ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Ta thấy, không giải quyết vấn đề dựa trên nhân quả làm cho con người tham, luyến tiếc cái này, mơ tưởng cái nọ, kết quả không đưa đến đâu. Để Chánh tư duy có mặt, ta phải cố gắng sống với nhân quả, phải hiểu rõ tác động của nhân trong hiện tại với nhân trong quá khứ, tác động của duyên trong hiện tại với nhân trong hiện tại, tác động của nhân và duyên trong hiện tại với tổng thể những gì ta đã gieo trồng trong quá khứ, kết quả của nó ở hiện tại và trong tương lai.
Phân tích vấn đề nhân, duyên, quả như vậy giúp ta có những giải pháp cho các vấn nạn nói chung. Giải quyết vấn đề có kết quả khá ổn định, không phải giải quyết nhất thời mang hậu quả nghiêm trọng. Kiến thức và ứng xử nhân quả là nền tảng rất vững chắc để ta có được Chánh tư duy.
Sự phát triển về lòng tham - đỉnh cao nhất là tham ái - chính là Tà tư duy. Tư duy về tính dục vợ chồng thuộc về tà tư duy. Kinh điển Pàli phân định rất rõ, người tại gia khi thực tập Bát chánh đạo, chỉ đạt được kết quả phước hữu lậu. Người xuất gia thực tập nghiêm túc thì quả đạt là Thánh quả. Bởi vì, người xuất gia được khích lệ, chuyển hóa năng lượng tính dục trở thành lòng từ bi.
Thay vì chăm sóc, phục vụ vợ chồng con cái trong gia đình, người xuất gia phụng sự tất cả chúng sinh như cúng dường chư Phật với tâm vô tư. Sự vướng mắc vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của người xuất gia ít hơn. Người tại gia, còn đời sống vợ chồng, dù thực tập Bát chánh đạo không thể chứng đắc được đạo quả giải thoát. Ta áp dụng công thức này vào các pháp môn, việc tu tập sẽ có kết quả.
Học thuyết “đới nghiệp vãng sanh” chỉ là khuyến tấn, không thể là sự thật. Tà tư duy về khoái lạc giác quan trên nền tảng tham ái vẫn còn, không thể nào ta có mặt ở Tây phương cực lạc. Các tổ đã dạy rất rõ: “Ái bất nhiễm bất sanh Ta bà. Niệm bất thiết bất sanh Tịnh độ”. Ái là nguyên nhân đẩy ta vào trong hệ lụy của sinh tử. Chấm dứt được ái là điều kiện tiên quyết, giúp ta có mặt ở Tây phương, nếu ta có nguyện vọng về thế giới ấy.
Người tại gia có ba loại khác nhau:
Thứ nhất, người độc thân: Người từ nhỏ tới lớn không đời sống vợ chồng, hoặc người bạn đời ra đi trước, không tái giá. Độc thân có thể gần với đời sống người xuất gia nhưng không được xem là tương đương, vì không màng đến không có nghĩa là đã chuyển hóa nó.
Thứ hai, khi tuổi tác đến một mức độ, các hoạt động sinh lý gần như tắt lịm ở người nữ và ngấm ngầm ở người nam. Ta không màng đến những hoạt động tình dục nhưng chưa chuyển hóa nó, nghĩ rằng nó không có mặt, nó đã hết nhưng thực ra vẫn còn đang ngấm ngầm dưới hình thức các hạt giống.
Thứ ba, vẫn có đời sống vợ chồng, giữ năm giới một cách chuẩn mực, một vợ một chồng. Trong ba tình huống này, tình huống một và hai có khả năng vượt trội hơn tình huống thứ ba nhưng cũng không thể bằng người xuất gia. Đức Phật phân định rất rõ, tại gia có những giới hạn, hạnh phúc giác quan là cao nhất. Xuất gia như sống ngoài bầu trời, không có một giới hạn. Không thỏa mãn đời sống hạnh phúc tại gia, ta có thể phát nguyện trở thành người xuất gia. Người tại gia khó có thể giải thoát.
Người tại gia tu tập Bát Chánh Đạo, quả chứng là nhân thiên, có phước báu, hiểu được Phật pháp, được sinh ra trong giai đoạn gần với đức Phật có cơ hội sống an vui và hạnh phúc, không cần đến giải thoát, nếu muốn giải thoát phải xuất gia. Tư duy đời sống tính dục không bao giờ trở thành một bậc Thánh.
Quán tưởng đóng vai trò quan trọng và hình ảnh là đối tượng chính của quán tưởng. Trong các giáo phái của Phật giáo Tây Tạng ta thấy có một hình ảnh Phật và tiên nữ giao dâm trong tư thế cả hai cùng ngồi trên hoa sen. Phật giáo Tây Tạng lý giải, đức Phật trong tư thế này biểu hiện lòng từ bi, tiên nữ biểu tượng của trí tuệ. Giao hợp giữa từ bi và trí tuệ làm cho việc tu tập đạt mức độ cao nhất. Hình ảnh quán tưởng đó được xem là nét đặc biệt hầu như các hành giả Mật tông đều tôn thờ để thực tập.
Bản chất của sự quán tưởng nếu tốt làm cho ta có được nội dung tâm linh nhất định, nếu xấu ta sẽ bị ám ảnh. Tà tư duy được định nghĩa trong kinh tạng Pàli là tư duy tính dục, tư duy về sát hại, tư duy về lòng sân, tư duy không dựa trên nền tảng nhân quả.
Quán tưởng hình ảnh giao dâm gọi là tà tư duy. Dù nội dung của nó được lý giải kiểu gì nó vẫn là tà tư duy, không thể trở thành Chánh tư duy. Kết quả, gần như ba trường phái của Phật giáo Tây Tạng tu sĩ lập gia đình. Chỉ có trường phái Mũ Vàng của đức Đạt Lai Lạt Ma giữ đúng truyền thống xưa đức Phật dạy: Tăng sĩ sống độc thân.
Đức Phật là người duy nhất trong lịch sử nhân loại thấy rõ tác hại của đời sống tính dục đối với người xuất gia. Đức Phật dạy các phương pháp tu để chuyển hóa, giúp ta không bị ức chế tâm lý, trở thành một bậc thánh thật sự. Các tôn giáo khác không bận tâm vấn đề này. Tu sĩ được quyền lập gia đình, ngay cả trong Kinh Thánh Thiên chúa giáo cũng không cấm.
Đức Phật thấy rõ hệ lụy của sanh tử gắn liền với tham ái. Tư duy tham ái chính là tà tư duy. Người tại gia sống đời vợ chồng, còn sống với tà tư duy ở mức độ tham ái. Đó là điểm khác nhau giữa đạo Phật và các tôn giáo khác.
Một cách lý giải khác về Phật giáo Tây Tạng, khi đời sống các tu sĩ thế tục hóa, người xuất gia bắt đầu lập gia đình, họ phải tìm nhiều lý do để biện hộ. Trong giai đoạn đó, họ đã tạo ra nhiều bản kinh mới của Mật tông. Trong đó có bản kinh nói Bồ Tát Quan Thế Âm đóng vai trò là cư sĩ có vợ con, cũng chứng đắc. Thực chất đó chỉ là lời biện hộ về việc tăng sĩ có gia đình là chuyện bình thường.
Phối hợp giữa lòng từ và trí tuệ, ta không cần dùng hình ảnh để thực tập quán tưởng. Đức Phật nói, nước và sữa khi hòa với nhau không phân được ranh giới, hoặc khi các con kênh, rạch, ao hồ tiếp xúc với sông, sông giao với biển. Ở cửa biển, giữa biển và sông không còn ranh giới, chỉ còn một vị mặn duy nhất của biển. Ta còn có hàng trăm hình ảnh khác để nói lên sự hòa hợp giữa bi và trí. Không cần sử dụng hình ảnh tà tư duy tham ái ở sự giao dâm. Hình ảnh giao dâm không thể nào có được trí tuệ, sự giải thoát, các hệ lụy của nó chắc chắn diễn ra.
Phật giáo Tây Tạng đóng góp rất lớn cho Phật giáo thế giới về truyền thống tái sinh. Phương Tây nhờ đó mà biết được đạo Phật. Thế tục hóa là vấn đề phương Tây rất thích. Điều đó giải thích cho ta tại sao họ chấp nhận đạo Phật Tây tạng hơn các đạo Phật khác, bởi vì nền văn hóa phương Tây dựa trên nền tảng tham ái.
Người ta xem chuyện tham ái rất bình thường. Họ thể hiện chuyện đó ở khắp mọi nơi, không có gì là sai văn hóa của họ. Các hoạt động gắn liền thế tục hóa của Phật giáo Tây Tạng đã được thế giới phương Tây chấp nhận rất nhanh. Dựa vào Bát chánh đạo truyền thống, ta thấy nó vẫn được liệt vào một trong các phạm trù của tà tư duy. Hành giả không có cơ hội tiến xa trên con đường tâm linh.
Nói tóm lại bốn nội dung của tà tư duy cần được các hành giả Phật giáo chuyển hóa bao gồm tư duy giết hại, tư duy sân hận, tư duy si mê và tư duy tham ái. Ai nỗ lực để giải phóng cả bốn tà tư duy được xem là chánh tư duy. Chánh tư duy ở đây không chỉ là tư duy tích cực, tư duy chín chắn hay tư duy đúng đắn theo quy nạp, tổng hợp, diễn dịch, loại suy... mà còn là tư duy vượt trội, xứng đáng cho ta tu tập, để có được an vui, giải thoát trong đời.
***