Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 24-01-2010.
Phiên tả: Phạm Văn Dũng
I. PHÁ CHẤP VỀ TỨ ĐẾ
Chương thứ 6 của Bát-nhã Tâm Kinh dạy ta nghệ thuật phá chấp khổ và chứng đắc. Khổ có mặt với con người như là một hiện thực bao gồm tâm lý, thân thể và những di hại của nó trong đời sống của con người. Khổ như là một nỗi ám ảnh và là nỗi đau không dễ dàng vượt thoát khỏi tâm của con người. Chấp vào khổ sẽ làm cho khổ có tuổi thọ dài lâu hơn.
Nhiệm vụ tu học của người con Phật là làm thế nào để vẫy tay chào khổ đau, chứ không phải chỉ sử dụng phương pháp chấm dứt khổ một cách có nghệ thuật là khổ có thể kết thúc được. Do đó, sau khi sử dụng các phương pháp mà khổ tiếp tục đeo mang thì quan trọng nhất theo tinh thần kinh Bát-nhã là phá chấp về nó.
Trước nhất ta phải thấy rõ việc phá chấp khác hoàn toàn với phá hoại. Hai động từ này nghĩa rất khác nhau và nếu ta gắn tân ngữ sau động từ ‘phá’ thì ý nghĩa của nó lại càng rõ ràng hơn. Ví dụ: ‘Phá chấp pháp’ khác hoàn toàn với ‘phá hoại pháp’. Nếu pháp là sự vật hiện tượng về phương diện tục đế là chân lý, trong khi giải thoát là an vui về phương diện chân đế thì “phá chấp pháp” không có nghĩa là hủy hoại phê bình chỉ trích phủ định giá trị của sự vật hiện tượng hay là chánh pháp có khả năng trị liệu cho chúng ta, mà là không chấp vào nó như là một cứu cánh.
Nguyên văn Bát-nhã Tâm Kinh phần này chỉ có câu vài chữ thôi: “Vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc”. Nghĩa đen là: “Không có thực tại khổ đau, không có nguyên nhân dẫn đến khổ đau, không có thực tại niết bàn tuyệt đối, không có con đường dẫn đến niết bàn, không có trí tuệ cũng như không có sự chứng đắc”.
Đây cũng là đoạn rất dễ bị hiểu lầm nếu hiểu theo nghĩa đen. Ở đây, ta nên hiểu sự quán chiếu “không có về khổ đau” để giúp ta vượt qua nó một cách dễ dàng, chứ không phải là phủ định.
1. Đối tượng áp dụng
Phá chấp vào Tứ diệu đế khác hoàn toàn với phá hoại tứ diệu đế. Vấn đề là trong tình huống nào, đối với ai, việc áp dụng phá chấp vào tứ diệu đế là có kết quả và trong tình huống nào, đối với người khác được xem như phản tác dụng.
Nếu ta lấy thước đo là một bậc thánh sơ quả làm chuẩn, từ quả thứ nhất cho đến A-la-hán, Bồ-tát, Phật, hành giả phá chấp vào tứ diệu đế nhiều chừng nào thì khả năng thăng tiến trên con đường tâm linh này nhiều chừng ấy, như ta đi trên các thềm thang, bỏ thềm thang thứ nhất thì ta mới đặt chân mình lên bậc thang thứ hai và cứ thế ta mới có thể lên đến bậc thang cuối cùng.
Từ sơ quả trở xuống bao gồm các vị xuất gia và tại gia, việc phá tứ diệu đế có nghĩa là phá chiếc bè, phá chiếc phao và những công cụ cứu hộ và ta phải lội qua sông bằng chính sức của mình và do vậy sự thách thức và mạo hiểm trong động tác bơi vào bờ giải thoát sẽ dẫn đến giải thoát rất cao. Do đó, đoạn văn này áp dụng cho các bậc thánh trở lên, nhất là phá chấp về trí tuệ, phá chấp về con đường và phá chấp về niết bàn.
2. Mục đích của phá chấp khổ và chứng đắc
Ta cần phải học phá chấp để làm gì? Khi ta chấp vào khổ đau như là thực tại và chấp vào nguyên nhân của nó, sẽ làm cho khổ đau nặng hơn, tồn tại dai dẳng hơn như là một nỗi ám ảnh và trở thành thành kiến, mặc cảm, ác cảm, những tỵ hiềm, những thù hằn, những hoạt động của tâm thức dưới chiều sâu của vô thức. Do đó, áp dụng phá chấp tứ diệu đế để nhổ lên khổ đau, khi nó vẫn tồn tại trong ta một cách có ý thức hay không có ý thức.
Toàn bộ giáo pháp của đức Phật đặt trên nền tảng Tứ diệu đế và đây là sự phát minh sâu sắc nhất của đức Phật. Như chúng tôi đã nói nhiều lần pháp môn gì, tôn chỉ nào mà không dựa vào Tứ diệu đế thì không được xem là thuần chủng của giáo pháp đức Phật.
Mổ xẻ một nỗi đau, một bế tắc, một trở ngại, một chướng duyên dưới hai lớp nhân quả, truy tìm nguyên nhân và thực hiện con đường được xem là tình huống tốt nhất. Nhưng trong tình huống ngắn gọn ta chỉ tìm con đường để vượt thoát khổ đau là cũng đủ rồi, không cần phải phân tích nguyên nhân của nó, bởi vì tính chất khẩn trương của vấn đề thoát khổ, còn việc sự lựa chọn và phương tiện hỗ trợ để nhận ra nguyên nhân của nỗi khổ niềm đau, thực ra là không còn nhiều thời gian để làm thì tốt nhất là tìm giải pháp thôi. Bởi vì có nhiều trường hợp ta có thể ngã quỵ trước khi nguyên nhân được phát hiện.
Phá chấp pháp giúp cho hành giả chứng đắc tâm linh ở mức độ cao hơn, bởi vì tất cả các giáo pháp, bao gồm cả Tứ diệu đế chẳng qua chỉ là chiếc bè để qua sông, là phương tiện giao thông trên các trục lộ. Giáo pháp không phải là đối tượng để chúng ta vác trên đầu, đưa lên bàn thờ, mà giáo pháp là một phương tiện để đi. Ở đây, đi được hiểu là hành trì, ứng dụng, tiêu hóa và biến nó thành chất liệu của đời sống.
Đời sống tu tập theo Phật giáo, thực sự là một đời sống để sống và để chứng nghiệm, không phải là một khái niệm để suy tưởng và tinh hoa trong Phật giáo là đời sống an lạc bền vững của những Thánh nhân hiền triết – chứ không phải là hệ thống triết lý chỉ để nói suông.
Ngôn ngữ Bát-nhã Tâm Kinh thường dùng những động từ mạnh để giúp cho ta chặt đứt buông bỏ nhanh chóng, còn ý nghĩa nội hàm cũng giống như Pháp là chiếc bè. Thay vì nói thế, kinh văn nói rằng không có con đường, vậy thôi. Bằng không, người ta dễ chấp vào con đường, trong khi đó, con đường chỉ là một trong những sự lựa chọn. Không có con đường này, ta đi con đường khác; không sử dụng phương tiện này thì sử dụng phương tiện khác, chứ đâu chỉ có con đường duy nhất. Sự phá chấp giúp cho hành giả có cái nhìn viên thông hơn, toàn triệt hơn, bao quát hơn và vượt qua những chướng duyên thử thách cũng dễ dàng hơn.
Trong sự ngộ nhận phá chấp pháp thành phá hoại pháp, có nhiều người có khuynh hướng không muốn đi trên con đường làm gì, nhất là dẫn chứng câu ‘không có khổ tập diệt đạo’. Khổ không có, tôi sống như hiện nay, ăn sung mặc sướng, phương tiện đủ đầy rồi, danh dự tiếng thơm quá sá rồi. Đến với Phật giáo chủ yếu là để có hạnh phúc, mà hạnh phúc tôi có rồi cần gì phải đến nữa. Đó là chấp vào sự phá, trong khi phá chỉ là phương tiện để chúng ta không chấp, một khi chấp vào sự phá, lại càng nguy hại hơn.
Hoặc ai đó có thể dẫn chứng câu này cho rằng, đức Phật phủ định những gì ngài đã truyền bá là không có con đường, do vậy đạo lý của con đường đó cần gì phải theo nữa. Cho nên, theo Phật cũng bằng thừa. Ngụy biện như vừa nêu làm cho bản thân mình mất đi quyền lợi được tiếp cận chánh pháp để tiêu hóa nó.
II. PHÁ CHẤP VỀ KHỔ
Bây giờ ta đi vào từng phần phá chấp khổ. Trong đời sống nhân thế vượt qua khổ bao gồm trong các nhóm như sau.
1. Không có khổ đau thực sự
Khổ đau ở đây liên hệ đến chính tấm thân-tâm sinh-vật-lý này. Phá chấp về khổ đau bằng cách quán tưởng không có khổ đau. Đau liên hệ đến thân thể như đau răng, đau đầu, đau gan, đau tim, đau thận, đau tay chân, đau mình mẩy dẫn đến nhức nhối có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề hơn. Khổ thuộc về tâm lý thái độ nhận thức, nói chung là tinh thần. Và mối liên hệ giữa đau và khổ là hai chiều. Có những cái đau dẫn đến khổ, có những cái khổ dẫn đến đau và có những trường hợp khổ đau cùng hiện hữu. Khổ và Đau nương nhau mà sinh trưởng.
Áp dụng công thức phá chấp không có khổ đau ta phải thấy như thế này, không có khổ đau như là một hiện thực đang diễn ra, mặc dù khổ đau đang diễn ra như chúng đang là.
Quán như thế không có nghĩa là bịt mắt, bịt lỗ tai để che đậy khổ đau, dấu diếm nó. Không phải thế. Bởi vì việc thừa nhận nó như là một nỗi ám ảnh sẽ làm cho nỗi khổ đau tồn tại lâu dài, chi bằng quán tưởng trong đầu rằng, khổ đau không thực có thì sau một thời gian nó có thể thoát ra khỏi thái độ và hành động của con người.
Lợi ích đầu tiên của việc quán không có khổ đau là người thọ khổ không quan trọng vấn đề có khổ đau, không cường điệu khổ đau và không bị khổ đau làm khủng hoảng mình. Thử vào bệnh viện quan sát cách người thân chăm sóc các bệnh nhân, sẽ thấy có những phản ứng trái ngược. Ví dụ, người con vỗ về: Tội nghiệp ba quá, phải chăng con có thể chịu đựng thay ba được. Người cha đáp rằng: Tấm lòng của con như thế là rất tốt, cha rất cảm động nhưng cha phải gánh hết những cái đau cho con chứ đâu để con phải chịu thay cha. Bởi vì mong mỏi nhất của cha là con được hạnh phúc chứ không mong con gánh lấy những cái cha đang cảm nhận.
Chỉ cần chừng đó sự quan tâm và đối thoại có thể làm cho người cha bớt đi đau nhất thời. Vì ít nhất ngoài cái đau, còn có người thân thương đứng kế bên mình, ủng hộ tinh thần giúp bệnh nhân vượt qua dễ dàng.
Mặc dù không ai có thể chịu thay nỗi đau của người khác, nhưng sự chia sẻ mối quan tâm cũng làm người khác bớt đau đi. Đó cũng là một hình thức phủ định cái đau. Trên thực tế, tuy người cha đau quặn thắt bên trong, nhưng phải giả vờ tươi tỉnh bên ngoài để cho con cái người thân của mình không phải vì thế mà đau hơn, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống, tinh thần của họ. Đó là sự hy sinh và là phương pháp phủ định cái đau. Về mặt tâm lý, khi một tâm trạng khác nổi lên, tâm trạng cũ bị diệt đi. Thực tế rất nhiều người chúng ta làm như thế nhưng lại không nghĩ đó là một sự phá chấp và sử dụng nó như là một nghệ thuật thôi.
Khi con cái ra về, tâm trạng cũ xuất hiện trở lại, bệnh nhân đó mới ôm bụng kêu la: Trời ơi đau quá – nhăn mặt, nhíu mày, bám víu vào thành giường để làm giảm cơn đau về phương diện vật lý.
Nhiều khi mình gồng với nỗi đau, nó cũng gồng lại với mình và sức gồng cũng có giới hạn thôi. Do đó, phương pháp phủ định nỗi đau chỉ tạm thời thôi, giống như uống thuốc giảm đau chứ không phải nhổ lên tận gốc rễ của nó.
Dù sao đi nữa nó vẫn được sử dụng như một công cụ trong tình huống ta chưa có giải pháp an toàn hơn. Người đang có bệnh mà nghĩ không có bệnh thì bệnh tật không đe dọa người đó được, đó là sự thật. Đang đối diện với cái chết mà người đó thản nhiên như chưa có gì xảy ra làm cho quãng đời còn lại có ý nghĩa hơn, sống hạnh phúc hơn, bình an hơn và cái chết đó sẽ dẫn đến sự tái sinh như ý. Đó là giá trị của việc quán không có khổ đau để vượt qua những bế tắc mà mình đang có.
Trọng tâm của phương pháp phá chấp khổ đau trong tình huống này là gì? Đó là không thừa nhận khổ đau đang có mặc dù nó có thật; thứ hai là không quan trọng những gì diễn ra với mình như là một nạn nhân.
Trên thực tế ta đang bị thương, ta đang bị đau, bị khổ mà không nghĩ mình là nạn nhân thì cái khổ đau đó nó thoát ra bên ngoài nhẹ nhàng hơn. Đó là nghệ thuật tâm lý. Áp dụng phương pháp đó vào các phạm trù khổ đau nói trong kinh thì ta thấy như thế.
2. Không có khổ khi già
Quán không có khổ khi già, nên khi già đến ta không phải mặc cảm vì tóc bạc, da nhăn, chân mỏi, gối mòn, các giác quan bắt đầu yếu, phản ứng của chúng ta trước các vấn đề chậm luật, sự năng động giảm thiểu đi và hầu như con người chấp nhận nhiều hơn là phấn đấu để vượt qua những cái đang diễn ra với chúng ta như khi còn trai trẻ.
Tác dụng của việc phủ định cái khổ khi già làm chúng ta không cảm thấy cô đơn khi tuổi xế chiều, không nghĩ mình mất đi hết giá trị là vật vô dụng vì vậy những mặc cảm do tuổi già gây ra không còn nữa. Cho nên, người đó sống lạc quan hơn, yêu đời hơn, tươi trẻ hơn.
Bác Tống Hồ Cầm năm 2010 đã 94 tuổi. Bác là Phó tổng biên tập báo Giác Ngộ, tất cả phóng viên trẻ đều quen gọi là Bác. Mỗi ngày vẫn đạp xe đến tòa soạn để làm việc, vẫn bình thơ, duyệt thơ và nếu ở đâu có lễ lạc mời bác đến thì bác vẫn phát biểu sáng suốt như là một người 60 tuổi thôi. Khỏe mạnh, không uống thuốc bởi vì tâm lúc nào cũng trẻ. Bác không nghĩ cái già nó đến với mình. Còn người nào có thói quen cường điệu hóa cái già mới 60 tuổi mà ‘trời ơi sao già quá rồi!’, chỉ mới cái đau nho nhỏ đã làm người đó đi không nổi, bệnh chút xíu ‘trời, bữa nay bệnh quá! Phải chi có tiền uống thuốc đỡ biết mấy’ làm cho bệnh hoành hành mình nhiều hơn.
3. Không có khổ do bệnh tạo ra
Tương tự ta quán không có khổ do bệnh tạo ra, nhờ đó ta có bản lĩnh đối diện, sống chung, hòa mình và đồng hành với khổ đau và không thấy khổ đau đang hành hạ mình, bởi vì có những chứng bệnh nó đeo mình suốt đời, có muốn hay không nó vẫn là người đồng hành với mình thôi. Thay vì kháng cự nó dẫn đến sự nổi loạn rồi bực dọc căng thẳng thì hãy xem nó như là cái bóng của mình và đừng quan trọng nó nữa. Vẫn điều trị bệnh, vẫn tập thể dục, vẫn điều tiết chế độ sinh hoạt, vẫn làm hết tất cả mọi thứ mà bác sĩ giỏi hướng dẫn chúng ta nhưng đừng quan tâm là nó hết hay nó còn với mình, nó hết thì tốt mà không hết thì cũng không sao. Thái độ sống thoải mái như vừa nêu làm cho bệnh mau qua. Cho nên, người tu trị bệnh dễ hơn người không tu bởi vì không sợ chết, họ không sợ bị bệnh dẫn đến cái chết, rồi cái bệnh vụt thoát ra lúc nào không hay nữa.
Thượng tọa Bửu Chánh là Viện phó Học viện PGVN tại TP. HCM 10 năm trước khi khám bệnh ở Ấn Độ biết rằng mắc bệnh siêu viêm gan C và đối diện với cái chết, ai cũng lo hết trơn mà thầy sống thoải mái chẳng lo gì, lúc nào nó chết thì chết ấy thế mà đến bây giờ vẫn sống vui vẻ. Cho nên, người nào sợ bệnh và sợ chết thì liền bị chúng đe dọa. Cái đau đôi lúc không nhiều lắm nhưng nỗi khổ về cái đau đó làm cho người đó trở nên bạc nhược, bại hoại.
Phủ định bệnh và chết khi đối diện với nó, hoặc khi ta đối diện với đau bệnh và chết của người thân, giúp ta có đủ khôn ngoan cần thiết để biến những khổ đau thành những hành động có phước báu, mà theo kinh Địa Tạng là kẻ còn và người mất đều được lợi lạc. Việc thực tập phủ định khổ đau chủ yếu là để ta đạt được như thế thôi.
4. Không có khổ do ái biệt ly
Thương nhau mà phải chia ly, quý mến vật nào đó mà nó lại bị hư hỏng dẫn đến sự tiếc nuối và khó chịu lắm.
Bây giờ ta quán không có khổ đau do ái biệt ly gây ra thì khi thất tình ta không bị khổ lụy về nó. Đôi lúc mình nghĩ là may mắn cuộc tình này cắt đứt ra làm đôi chứ còn kéo dài thì cả hai còn khổ đến mức độ nào. Tự an ủi như thế tự nhiên khổ hết. Nhiều chị em phụ nữ lại không thực tập được như vậy, đôi lúc nhiều mối tình không xứng đáng với đức hạnh của người ấy và những gì người đó đã dành cho người tình của mình, rồi người tình sang ngang làm cho tiếc nuối cứ hỏi tại sao tôi tốt thế này mà người kia ứng xử bạc bẽo đến thế. Cứ tức và tiếc như thế để cái khổ nó bám theo mình hoài. Lẽ ra mình phải cúng chuối, cúng ông địa để ăn mừng vì mình đã vẫy tay chào với khổ đau là được rồi.
Còn phải chia ly với một người xứng đáng quả thật là tiếc nhưng đức Phật dạy tiếc như thế vẫn là khổ đau thôi. Bây giờ ta không còn sự lựa chọn nào khác và hãy nghĩ chưa từng có chuyện đó xảy ra, chưa từng quen người ấy nên bây giờ lỡ hai người có đi hai ngả đã nỗ lực hết mình rồi mà không đoàn tụ được thì hãy chấp nhận như là một hiện thực thôi. Gọi là phủ định nó.
5. Không có khổ do cầu bất đắc
Hoặc mình quán không có khổ do cầu bất đắc, tức là cầu mong mà không được toại nguyện. Người bình dân và thương gia cầu nhiều, chính trị gia lại cầu nhiều hơn nữa nhưng cầu thầm lặng bởi vì họ sợ mất đi những thứ mà họ đang có, những thứ mà họ đang đầu tư, những cái làm cho họ hạnh phúc, có giá trị, lời khen tiếng tốt v.v… Càng có nhiều chừng nào thì nỗi mong cầu càng gia tăng chừng ấy và cầu mà không được toại nguyện thì khổ đau gia tăng gấp bội, nên Phật dạy không có cầu nguyện mà phát nguyện bằng lòng từ bi thôi, để ta khỏi phải lo lắng, khỏi để cho nỗi lo khống chế làm thương tổn mình quá nhiều.
Trong mấy tháng vừa qua báo Sài Gòn đề cập đến hiện tượng có mang thai nhưng không có thai nhi. Sự kiện đó không phải bây giờ mới có, hàng trăm ngàn năm trước đã có như thế nhưng mà trình độ khoa học chưa đầu tư phân tích về nó. Cho nên, sự kiện đó bị bỏ qua và không đề cập đến thôi. Thời nào cũng có sự kiện như thế.
Ta tưởng tượng nhiều quá với niềm tin với khấn nguyện với niềm hy vọng rằng chúa, đức mẹ Maria, hay Quan Thế Âm hay bất cứ nhân vật nào mình có niềm tin sẽ phù hộ cho mình có được đứa con khấn nguyện thì tự động cái bao tử ngày càng lớn ra, bụng ngày càng to ra. Thậm chí có người mang bụng to như mang một tảng đá trước bụng đến 18 tháng, 20 tháng rồi đi siêu âm mà không hề thấy thai nhi bên trong đâu. Tiền mất tật mang kết quả là tổn thất và sụp đổ về tinh thần.
Nhiều nơi tổ chức các lễ khấn nguyện như thế cũng có thể xuất phát từ thiện chí nhưng mà cũng có thể xuất phát từ nhận thức kém cõi về khoa học và cũng có thể lợi dụng vào nó để khuyếch trương tôn giáo, khuyếch trương quyền lợi nào đó v.v… Nhưng hậu quả mà các chị em phụ nữ phải chịu là lớn lắm, phải mất cả năm trời để dưỡng thai, đeo đuổi cái thai đó phải mua thuốc, tiền xe cộ đưa đón, phải ngưng công ăn việc làm và kết quả chỉ là con số không thôi.
Đan Viện ở Thủ Đức là nơi nổi tiếng về vấn đề này, rồi nhiều chỗ khác cũng có những hoạt động ăn theo. Chị em thì dễ tin và những nơi khám và cam kết sẽ có thai do khấn nguyện thường đưa ra những yêu cầu đó là phải thành tâm suốt ngày đêm trước khi đi ngủ cũng khấn nguyện rằng Chúa/Bồ-tát v.v… gia hộ có đưa con như ý mẹ tròn con vuông.
Ban đầu nó là sự trấn an hay an ủi nhưng về lâu về dài nó là nỗi đe dọa; và không được quyền đi siêu âm để xác định thai nhi bởi vì nếu đi siêu âm thì biết rõ là không có rồi thì làm sao tiếp tục kéo dài tình trạng mang thai giả đó được.
Báo chí đánh một loạt trong vòng tháng vừa qua nhưng vẫn còn đây đó trong Sài Gòn người ta vẫn tổ chức. Và họ thành lập một hội gọi là hội khấn thai với hy vọng giúp chị em phụ nữ bớt đi cái khổ và có cái quyền thiên nhiên nhất đó là quyền làm mẹ.
Theo đạo Phật thì phải hiểu nhân duyên, phải phù hợp với khoa học, có phương pháp hẳn hoi mới có thể sinh ra con chứ bằng không thì sao được. Trong kinh Trung Bộ chúng ta đã học rồi đấy có 3 yếu tố cấu thành sự sống của một đứa con trong bụng mẹ, đó là tinh trùng của người cha, trứng của người mẹ và hai cái này phải kết hợp trong giai đoạn người mẹ có thể mang thai. Yếu tố thứ tư là ở đâu đó trên hành tinh này vừa có một người qua đời mà nghiệp cảm tương thích tức là họ hàng nghiệp như là có mẫu số chung dẫn đến tình trạng tự động gặp nhau trở thành con cái trong gia đình để ảnh hưởng và chịu trách nhiệm về cái gien di truyền của gia tộc đó, ảnh hưởng của bối cảnh giáo dục, văn hóa, chính trị, xã hội, nghề nghiệp của gia đình đó chứ không phải bỗng dưng cái tâm thức vừa thoát khỏi thân thể của một người vừa chết tự động nhảy vô bất cứ chỗ nào, không có như thế. Nó phải có sự tương thích nhất định.
Cũng có rất nhiều chị em vĩnh viễn không có khả năng sinh con do bệnh hoặc do từ người chồng thì ta phải chấp nhận như là một hiện thực sau khi bác sĩ giúp đỡ rồi mà không thành công thì ta phải biết đó là đường cùng rồi, hãy hoan hỉ chấp nhận và sống hạnh phúc với nó chứ đừng nghĩ rằng gái không con là gái độc, hoặc là không có con cái nối dõi tông đường thì gia đình đó sẽ bị suy sụp. Những quan niệm mê tín dị đoan làm cho cả người vợ và người chồng đều khổ đau và đau nhiều nhất chính là chị em phụ nữ.
Khi học được nhân duyên, biết rõ, làm hết mình rồi mà vẫn không thành tựu thì hãy hoan hỉ chấp nhận chứ đừng buồn đau làm chi cho khổ. Do đó, hãy phủ định nó như chưa từng có cho nó khỏe.
Các khổ đau như Sinh, Lão, Bệnh, Tử, Oán tăng hội, Ái biệt ly, Cầu bất đắc thuộc về nguyên lý vô thường biến dịch của thế giới hiện tượng. Cái khổ vô cùng vi tế, chính là nỗi khổ trầm luân của sự nô lệ của loài người vào những điều-kiện của vũ trụ vô biên, như là môt mạng lưới vô hình của vô minh. Sự hiện hữu của loài người trong mạng lưới ấy, ngay từ bản chất đã là khổ đau – nếu thiếu đi sự thức tỉnh đúng đắn.
III. PHÁ CHẤP VỀ NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ
Phá chấp thứ hai là chấp về tác nhân hay nguyên nhân. Có những cái đau do chính mình tạo ra, có những cái đau do hoàn cảnh xã hội đưa đẩy, có những cái đau do thiên nhiên gây ra chứ không phải do thượng đế thần linh phạt hay là hành hạ con người cũng có cái đau do người khác cố ý tạo ra hoặc có nhiều người nhiệt tình nhưng không có kiến thức Cho nên, càng giúp người nào đó thì càng làm người đó khổ đau hơn. Rõ ràng đứng về phương diện vật lý và tương tác xã hội thì có nguyên nhân gần nguyên nhân xa, nguyên nhân chính nguyên nhân phụ, có những tác nhân rõ ràng là thế.
Nhưng đức Phật vẫn dạy chúng ta một phương pháp để nhổ nỗi đau một cách an toàn và nhẹ nhàng, tốt nhất là phủ định không có tác nhân. Nhất là tác nhân đó là người thân thương nhất thì nỗi đau trỗi dậy hơn bao giờ hết. Người dưng nước lã làm đau cho mình thì mình bỏ qua dễ vì mình không có mối quan hệ gì với người đó nên quên đi dễ lắm, còn người càng thân càng thương thì theo công thức thương nhau lắm cắn nhau đau thì sự chấp trước nỗi đau liên hệ đến tính tác nhân gây ra sẽ là nỗi ám ảnh lâu dài hơn.
Lúc đó chỉ cần áp dụng không có tác nhân gây ra khổ đau tức là không có nguyên nhân của khổ đau. Cái này khác hoàn toàn với việc ta phủ định tính nguyên nhân. Ví dụ, uống rượu bia nhiều làm hại đến gan tì phế thận làm cho giảm tuổi thọ và mang bệnh tật. Ta phải thừa nhận đó là một sự thật để không đi vào con đường ấy. Còn việc phủ định nguyên nhân khổ đau ở đây lại khác, tác nhân cụ thể là con người hay hoàn cảnh gì đó mình không có giận cái đó, không có hận thù với những tác nhân đó để cho ta vượt qua nỗi đau đó dễ hơn.
Kinh điển Phật giáo đưa ra một ẩn dụ, khi bị một người nào đó bắn một mũi tên xuyên qua cơ thể của chúng ta, nỗi đau quặn thắt, máu chảy, độc tố ngấm vào trong cơ thể thì lời khuyên của đức Phật là tốt nhất nên bẻ gãy và rút mũi tên ra một cách an toàn thay vì đi tìm tác nhân đó là ai, động cơ gì, lý do vì sao, ai thuê, ai bắt buộc, ai cài bẫy, bởi vì ta có thể chết trước khi nguyên nhân đó hiển lộ.
Một phương diện khác là ý thức càng nhiều về nguyên nhân khổ đau sẽ dẫn đến hận thù, trả thù, tạo thêm nhiều nghiệp đối lập và thanh trừng lẫn nhau thay vì công việc đó để luật pháp làm.
Là người thân của các nạn nhân bị người ta gây ra cái chết khi bắt được tác nhân gây ra cái chết thương tâm cho người thân của mình thì nhiều người cũng nổi sân hận muốn giết lại mạng đền mạng, răng đền răng, máu đền máu. Đó là một công lý dã man, mà trong trường hợp này, tòa án phán quyết người giết người trả thù không kém gì người giết người vì mục đích xấu vậy. Rồi oán oán tương báo đi về đâu không có kết thúc. Cho nên, ai làm xấu để cho luật pháp nghiêm trị còn mình không phải làm thay thế công việc của luật pháp. Còn việc của chúng ta là xử lý nỗi đau đó một cách an toàn.
Cho nên, phương pháp quán này dạy chúng ta không nên tiêu phí năng lực vào việc truy tìm mục đích, công cụ, phương tiện, đồng lõa của tác nhân khổ đau đã tạo ra cho mình. Và nhờ đó ta dành thời gian để tìm kiếm giải pháp để giải phóng khổ đau đang có. Đây là phương pháp nhanh chóng nhất và hiệu quả nhất.
IV. PHÁ CHẤP VỀ NIẾT BÀN
Quán không có Niết bàn là câu rất dễ bị hiểu lầm và ứng dụng sai nên tác hại rất lớn. Mặc dù niết bàn chỉ có một nhưng sự cảm nhận về nó có nhiều cấp độ khác nhau. Niết bàn của Phật chắc chắn phải toàn diện và sâu sắc hơn niết bàn của Bồ-tát; niết bàn của Bồ-tát phải cao siêu hơn của thanh văn A-la-hán và niết bàn của Thanh văn, A-la-hán chắc chắn phải cao siêu hơn hạnh phúc con người phàm phu tục tử.
Nhưng tại sao ta phải quán không có niết bàn? Ở đây không phải là phủ định niết bàn, mục đích tu là để đạt được niết bàn, đỉnh cao nhất là đạt thánh quả, ở mức độ bình thường là vẫy tay chào những khổ đau phàm tục.
Mức độ của vấn đề nằm ở chỗ đức Phật thấy rất rõ giới hạn của ngôn ngữ và giới hạn của sự mô tả nói chung. Dùng ngôn ngữ để miêu tả bản chất của Niết bàn thường làm chúng ta bám chấp vào nó và do đó, đánh đồng sự mô tả với Niết bàn là một, trong khi chúng là hai.
Nói cách khác, niết bàn không phải là cái để nhận biết thông qua sự mô tả, mà là cái chúng ta phải thực tập để chứng đắc, chứ không khéo mình trở nên buôn bán niết bàn. Thay vì sống với niết bàn để được an vui thì lại biến nó thành mặt hàng. Trong những tình huống như thế ta phải quán không có niết bàn để khỏi gắn lòng tham lên trên nó.
Nhiều người gắn lòng tham lên niết bàn nên cứ nghe quảng cáo rằng, một đời thành Phật, tu theo phương pháp này đạt tâm ấn rất nhanh, giác ngộ rất sớm. Không ngờ rằng những phương pháp sơn đông mãi võ tâm linh như thế thường có giá trị rất thấp, thậm chí là không có giá trị nữa. Tâm linh không cần phải sơn đông mãi võ.
Để đạt niết bàn cần phải có một tiến trình rất tự nhiên, phải có trình tự thứ lớp và thực tập được giới định tuệ, giải phóng được nỗi khổ niềm đau thì niết bàn tự có thôi. Nếu không có sự nỗ lực như thế dù có mong mỏi, dù ai có hứa hẹn cũng không có gì hết.
Kinh điển Phật giáo thường sánh ví Niết bàn với việc uống nước, cái hương vị của nước như thế nào, nóng hay lạnh thì tự người uống biết thôi. Việc mô tả chỉ giúp ta thấy được bóng dáng thôi chứ không phải sự thật. Mô tả thường dẫn đến nhiều sự hiểu lầm vì người ta hay đánh đồng hai cái gần giống nhau là một.
Ví dụ, người có mắt miêu tả mặt trời giống như vòng tròn, giống như cái đĩa, ánh sáng phát ra liên tục ngày lẫn đêm và không bao giờ lặn tắt. Người chưa nhìn thấy mặt trời mà nghe mô tả như thế thì tiếp xúc với một vật nóng nào đó, có ánh sáng và có chút nóng lại tưởng là mặt trời. Cho nên, mô tả là làm giới hạn thực tại.
Đạo Phật dạy sự trải nghiệm giúp ta sống với nó một cách trọn vẹn hơn, hơn là chỉ hưởng lấy sự mô tả của người khác mà bản thân mình vĩnh viễn không bao giờ có. Như vậy, việc không chấp vào niết bàn trong tình huống này là để khuyến khích mỗi hành giả tự trải nghiệm nó thay vì hưởng ké từ người khác, vì đó là vọng tưởng.
V. PHÁ CHẤP VỀ CON ĐƯỜNG TUYỆT ĐỐI
Phá chấp cuối cùng là không có con đường tuyệt đối. Theo lịch sử, sau khi tu 6 năm khổ hạnh tại núi khổ hạnh, đức Phật đã nhận ra được rằng đó là con đường sai lầm và suýt nữa đức Phật bỏ mạng. Nếu chết trong giai đoạn tu khổ hạnh thì cuộc đời này sẽ nguyền rủa ngài từ kiếp này sang kiếp khác, như nào là một Thái tử ngu ngốc, nào là một đứa con bất hiếu với cha, nào là Đông cung thái tử không có trách nhiệm với xã tắc quê hương, nào là một người chồng vô dụng, nào là một người cha không có trách nhiệm với đứa con thân thương và còn hàng loạt những lời ta thán chỉ trích nặng lời khác nữa.
Rất may đức Phật đã nhận ra khổ hạnh là sai và do đó, ngài phát hiện ra con đường trung đạo, gọi là Bát chánh đạo, gồm có 8 yếu tố có thể giúp cho một người phàm trở thành một bậc thánh, hay nói cách khác là đi trên con đường thánh để trở thành thánh trong tương lai.
Tất cả các pháp môn Phật giáo đều dựa vào một hoặc nhiều yếu tố trong bát chánh đạo. Niệm Phật chỉ là một phần rất nhỏ của chánh niệm thôi. Thiền cũng là một phần rất nhỏ của chánh niệm. Mật tông cũng là một phần rất nhỏ của chánh niệm thôi. Do đó, để việc thực tập các pháp môn có kết quả cao nhất thì ngoài việc thực hành theo tôn chỉ của pháp môn ta phải thực tập các yếu tố còn lại của bát chánh đạo thì kết quả thực tập sẽ trọn vẹn hơn, nhanh chóng hơn. Ai không chịu khó đồng thời thực hành 8 yếu tố vừa nêu sẽ cảm nhận niết bàn chậm hơn, đó là quy luật nhân quả tự nhiên.
Đức Phật không hứa hẹn, nhưng các Tổ vì phương tiện hứa hẹn rất nhiều. Giữa lời hứa hẹn của các Tổ và lời dạy nhân quả dứt khoát của đức Phật, theo tôi, chúng ta chọn đức Phật tốt hơn. Nói như thế không có nghĩa là phủ định các Tổ, bởi vì Tổ rất tâm lý, khi nói khó khăn quá, đòi hỏi thực tập nhiều quá, nhiều người ngán, muốn thực tập ít lại có kết quả nhiều. Cho nên, phải phương tiện hạ giáo pháp thấp xuống chút xíu để cho những người chưa có năng lực tự lập đủ mạnh với quyết tâm cao có thể đi một phần nào đó trên con đường còn hơn là không thèm đi cái gì hết.
Ở đây, đức Phật không hề phủ định con đường ngài khám phá là sai bằng cách là không có con đường, mà đức Phật khuyên không nên chấp vào tính tác quyền phát minh con đường. Trong kinh Tương Ưngđức Phật sánh ví vai trò của ngài như là “người chỉ đường” thôi, có nghĩa là thừa nhận con đường là có sẵn. Có thể con đường đó chưa đẹp, gồ ghề, hơi nhỏ, khi ngài thấy được nó trước, ngài tô bồi đắp cho nó rộng hơn, an toàn hơn, tránh ổ gà để người sau đi nhanh hơn và vẽ bản đồ chỉ nó một cách tường tận hơn và nếu ta đi trên con đường đã được ngài kinh nghiệm trải qua thì mức độ an toàn và sự cam kết đạt được điểm đích cuối cùng chắc chắn hơn. Điều này không có nghĩa là đức Phật là tác giả của con đường.
Đây là điều mà ngài khẳng định rất rõ: “Trong đêm tối hãy tự thắp đuốc lên mà đi, trong đại dương luân hồi hãy tự lội vào bờ giải thoát, Như Lai chỉ là bậc đạo sư trên nguyên tắc”. Đó là một phần phát biểu của ngài trong kinh Pháp Cú. Rất phù hợp với giáo dục hiện đại.
Người thầy, dù là giáo sư, viện sĩ, chẳng qua cũng là người hướng dẫn sinh viên của mình trở thành viện sĩ trong tương lai thôi, chứ không phải là tặng biếu những kiến thức mình có cho sinh viên bằng cách lấy não của mình nạp vào não sinh viên để có sự thông minh. Chuyện đó không thể làm được.
Dẫm theo lối mòn là cách tệ hại nhất phá vỡ tiềm năng sẵn có. Cống cao ngã mạn cho mình là nhất cũng là một phương cách đối lập phá vỡ tất cả những năng lực mình có thể thực hiện được. Hai thái cực này cần nên tránh.
Con đường trung đạo của đức Phật là dựa vào những gì đã có để làm những cái hay hơn, sâu sắc hơn, có giá trị hơn, đóng góp nhiều hơn trong thời gian ngắn hơn và tác dụng của nó bao quát hơn.
Cứ mỗi một giai đoạn đi qua thì các phát minh khoa học càng tân tiến hơn và con đường tâm linh cũng như thế, nhưng đừng bao giờ nghĩ mình là tác giả của những phát minh đó, bởi vì không bao giờ có kiến thức hoàn toàn mới, không bao giờ có khám phá hoàn tòan mới, nó dựa trên giả thuyết A, B, C suy luận, tổng hợp, quy nạp, loại suy, trải qua nhiều thí nghiệm ta tìm được cái người khác chưa biết, chưa công bố, chưa đăng ký tác quyền mà ta gọi là mới hoàn toàn nhưng thực ra nó chỉ mới một phần nào đó thôi.
Ngạn ngữ cổ La Mã nói rằng: “Chẳng có gì là mới, dưới ánh mặt trời”. Việc dành tác quyền hoàn toàn trên một phát minh nào đó là hoàn toàn sai lầm, chấp ngã. Đức Phật dạy nên phủ định tính tác giả của con đường để ta không đòi hỏi quá mức về những gì mình đã đóng góp. Tinh thần vô ngã trong phụng sự sẽ làm cho giá trị đóng góp ngày một cao hơn. Chính vì thế đức Phật nói trong kinh Viên Giác, “trong 49 năm ta chưa hề nói một lời nào”. Đây không phải là sự mâu thuẫn mà là sự xác định rõ là chân lý là của chung, đức Phật có ra đời hay không thì chân lý vẫn là thế thôi, quá khứ cũng vậy, hiện tại cũng vậy và tương lai không có gì thay đổi, chân lý có quy luật của nó.
Sinh già bệnh chết là quy luật không ai có thể phủ định được. Trước đức Phật cũng có người cảm nhận được như thế nhưng không nói ra bằng ngôn ngữ, sau đức Phật có người chưa hiểu Phật nhưng cũng cảm nhận được quy luật đó. Trước đức Phật hàng nghìn tỉ năm các đức Phật quá khứ cũng phát hiện ra như thế thôi. Cho nên, đức Phật chỉ nói rằng ngài chỉ là trở về nhà chân lý có sẵn sống phù hợp với quỹ đạo của nó thôi.
Trong thế gian, ta có thói quen tán dương khích lệ tinh thần đóng góp những cái mới nên thừa nhận tính tác quyền. Những quỹ đạo của mặt trời, mặt trăng các thiên thể đã có sẵn trong vũ trụ, không phải các nhà khoa học tạo ra nó mà chỉ có công tìm ra nó thôi, nên vẫn được trao tác quyền và được đặt tên theo người đã tìm ra nó đầu tiên. Trong y khoa cũng vậy, có những loại vi trùng được đặt theo tên người phát hiện ra nó.
Phủ định chứng đắc là con đường tuyệt đối để ta dung thông với các pháp môn hơn, chứ không có nghĩa rằng không có con đường, không có bát chánh đạo (không có chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định). Phủ định chính là không chấp vào nó, vì con đường chỉ là phương tiện để ta đi đạt tới mục đích ở trên con đường hay cuối con đường.
Ta có thể lý luận thế này, niết bàn không được tạo ở cuối con đường, nhưng đi trên con đường, ta sẽ được niết bàn. Ngôi nhà trên con đường không phải là quả do con đường tạo ra, nhưng đi đúng đường, ta sẽ đến được ngôi nhà ta muốn đến.
Cây cỏ, vật trang sức nằm dọc hai bên đường không phải là kết quả trực tiếp từ con đường, nhưng đi theo đúng con đường đó, ta sẽ thấy cảnh vật này hiện bày. Như vậy, con đường chỉ là phương tiện để ta cảm nhận được cái ta cần, để ta đạt được cái ta cần phải có, con đường là tác nhân còn cái ta cần là kết quả hai cái đó khác nhau hoàn toàn. Đó là phá chấp về con đường chứ không phải là phủ định về nó.
VI. PHÁ CHẤP VỀ TRÍ TUỆ
1. Phá chấp không có trí tuệ
Trí tuệ được đức Phật sánh ví trong kinh ở mức độ đơn giản là lửa con đom đóm về đêm, ở mức độ khá hơn là ánh đuốc trong đêm tăm tối và khá hơn nữa là vầng mặt trăng vào rằm hay mồng một, mức độ cao nhất là vầng thái dương chiếu soi suốt ngày đêm không phút giây ngừng nghỉ cho đến khi nó lụi tàn thì thôi. Cho nên, khái niệm “không có trí tuệ” không có nghĩa là phủ định vai trò soi sáng của trí tuệ.
Ta có thể hiểu theo nghĩa bóng như thế này. Ví dụ, lúc ta mới học một điều gì đó, ta tiếp thu kiến thức nhiều hơn một chút, như học đến lớp 12 ta thấy có kiến thức rộng hơn lớp 11, lên đến đại học chúng ta có tầm hiểu biết rộng hơn lớp 12, có bằng tiến sĩ ta thấy kiến thức của mình sâu hơn cử nhân nhiều.
Nhưng những người có kiến thức chân chính thấy rằng kiến thức của họ chẳng là gì so với vũ trụ bao la này. Kiến thức là một phương diện ứng dụng – mặt dụng – của vô trí. Càng biết nhiều chừng nào thì càng thấy mình ngu và thiếu kiến thức chừng đó. Người không biết thì thấy cái gì mình cũng biết nên hay làm liều, có cái nhìn thiển cận, chủ quan; còn người nào biết càng nhiều càng thận trọng, biết càng nhiều càng thấy mình nhỏ, bé không là gì hết. Cho nên, phủ định trí tuệ dưới góc độ phá chấp sẽ giúp chúng ta không đề cao bản thân và những gì mình biết.
2. Nội hàm của trí tuệ
Theo kinh Tăng Chi, chương Năm pháp, trí tuệ được định nghĩa với các lớp ý nghĩa như sau. Thứ nhất, đó là kiến thức và hành xử phù hợp với đạo đức được Phật dạy, chứ không phải đạo đức tôn giáo, bởi vì hai cái này khác nhau. Đạo đức Phật dạy là những lời nói việc làm xuất phát từ cái tâm chân chính lợi ích cho mình cho người và không vi phạm luật pháp, ở hiện tại và trong tương lai. Có những cái ta tưởng nó tốt trong hiện tại nhưng sau đó không còn tốt nữa thì điều đó không phải là đạo đức Phật giáo. Cái chuẩn mực thước đo về đạo đức Phật giáo như vừa nêu, bao quát hơn.
Thứ hai, trí tuệ là kiến thức và hành xử phù hợp với nhân quả. Kiến thức chưa đủ mà cần phải hành xử nữa. Kiến thức chỉ cần học trong thời gian ngắn, nhưng nếu không hành xử phù hợp với nhân quả ta học thì người đó chỉ được coi là có kiến thức chứ không có trí tuệ.
Thứ ba, trí tuệ là kiến thức về sự sanh diệt của vạn pháp. Sanh diệt là mối tương quan đa chiều. Có kiến thức như thế thì ta không còn thấy có nguyên nhân đầu tiên, có Thượng đế và các thần linh không phải là tác nhân của hên xui may rủi, hạnh phúc, khổ đau mà tất cả đều là tương quan đa chiều mà hành động nghiệp của chúng ta đóng một vai trò quan trọng.
Thứ tư, trí tuệ là kiến thức và hành xử dẫn đến chấm dứt khổ đau. Theo đức Phật đây là đỉnh cao nhất của trí tuệ và chỉ có những con người đang đi trên con đường thực chứng những giá trị chánh pháp đức Phật dạy mới có được chiều sâu tuệ giác như vừa nêu. Còn phần lớn chúng ta dừng ở ba điểm đầu là quý lắm rồi.
Khổ, ai cũng có, nhưng nhận thức về khổ để chấm dứt nó, đôi lúc không phải là mối quan tâm.Có người biết mình đang mắc chứng bệnh rất là nặng nhưng làm liều lúc nào chết thì chết, điếc không sợ súng, cùi không sợ lở, nghĩ rằng thôi thân phận mình cũng vô dụng rồi, uống thêm rượu, ăn thêm độc tố, hành hạ nó đến lúc nào chết thì hay thì đó không phải là phá chấp mà chấp vào cái liều mạng làm cho cái chết diễn ra nguy hiểm hơn, đau khổ hơn và bế tắc hơn.
Trong kinh đức Phật xác định: “Xưa cũng như nay từ lúc thành đạo dưới cõi bồ đề đến lúc dư nhập Niết bàn, Như lai chỉ tuyên bố hai nội dung, thứ nhất chỉ vẽ ra đâu là mặt mũi của khổ đau; thứ hai dạy con đường chân chính và ngắn nhất để đạt hạnh phúc”. Có hai thứ thôi.
Không thấy rõ khổ đau thì không cảm nhận được hạnh phúc là gì và con đường để đi đến nó. Thấy khổ mới tránh được nó. Phải thấy từng ổ gà đang có mặt trên con đường thì xe chạy trên đó không vấp ngã, đôi lúc thấy còn bị vấp huống hồ không thấy. Cho nên, muốn an toàn thì phải thấy rõ đâu là chỗ nguy hiểm trên giao thông, chẳng hạn vượt đèn đỏ là một nguy hiểm, đi ngược chiều là một nguy hiểm, đi quá tốc độ là nguy hiểm, không đeo dây an tòan là một nguy hiểm, phanh hư là một nguy hiểm, không có đèn, không có gương là nguy hiểm, bật nhạc quá lớn là một nguy hiểm, xem video trong khi đang lái xe là nguy hiểm, ít nhất ta phải thấy được những nguy hiểm đang trực chờ đó thì ta mới có thể tạo ra sự an toàn trong giao thông.
Trí tuệ bao giờ cũng là kiến thức để chấm dứt khổ đau. Kiến thức đó là kiến thức về phương pháp, kiến thức đó là tinh tấn, kiến thức đó là kiến thức lợi lạc. Thói quen của ý thức là luôn luôn tích cóp, vay mượn và thỏa mãn trên sự tích cóp vay mượn kinh nghiệm của người khác truyền lại thông qua giáo dục hay tự nghiên cứu tự học của từng con người. Không khéo việc tích cóp, vay mượn kiến thức đó sẽ trở thành một trở ngại thực sự.
Có những sự tích cóp kiến thức thì có lợi. Ví dụ, nói “đi đêm có ngày gặp ma” và mọi người nhớ nằm lòng, nên không dám đi đêm và không gặp tai nạn, không bị giật dọc, không bị cưỡng bức, không bị cạm bẫy, không bị người ta hại v.v…đó là theo nghĩa đen. Theo nghĩa bóng “đi đêm” là làm những chuyện phi pháp, làm chuyện mờ áp mà gặp ma là có nghĩa là bị luật pháp truy tố, bị sờ gáy, bị trừng phạt tù đày, bị xã hội ruồng bỏ, cô lập, khinh bỉ, chỉ trích v.v… dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng thì câu tích lũy kiến thức từ câu đi đêm có ngày gặp ma bao giờ cũng tốt cho con người.
Có nhiều loại tích lũy kiến thức không có lợi ích gì hết. Do đó, nếu phải tích cóp kiến thức thì chỉ nên tích cóp kiến thức có lợi thôi, có lợi về phương diện đạo đức và hạnh phúc, không có hại cho bản thân và hại người khác, chứ đừng nên chứa hết tất cả mọi thứ kiến thức. Có nhiều kiến thức trở thành rác rưởi và có nhiều kiến thức trở thành vô dụng.
Trong học đường cũng thế, để thành cử nhân, sinh viên phải mất trung bình 4 năm và trong số đó có rất nhiều kiến thức được dạy từ đời này sang kiếp khác mà trong thực tế không có chỗ sử dụng nào hết, nhưng phải học để có kiến thức nền tảng, giúp cho người đó suy luận tìm kiếm phát minh những cái mới. Mặc dù thấy cũ rích và đôi khi vô ích nhưng vẫn phải học.
Có những cái mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm hoàn toàn có hại mà ta có thói quen cứ tiếp tục, do vậy, người ta phải giải phóng nó đi bằng cách phủ định không có kiến thức, thà chẳng biết những thứ này còn hơn. Biết những chuyện xấu chuyện tiêu cực rác rưởi, chuyện phiền não thị phi làm cho mình tập nhiễm khổ đau dày đặc hơn.
Những kiến thức tích tập, khiến con người trở nên cống cao ngã mạn được đạo Phật gọi là “Thế trí biện thông nạn”, nghĩa là trở ngại do biết quá nhiều mà lại không đem lại giá trị sử dụng cho mình và cho người. Người biết nhiều cái xấu của người khác cũng dễ dàng bị hại, vì người đó trở thành mối đe dọa.
Phủ định trí tuệ về phương diện phá chấp giúp cho người có kiến thức sâu rộng không tự cao, không cho mình là số 1, nên thái độ sống của người đó rất hài hòa, đi đến đâu cũng đắc nhân tâm, không có khoảng cách trong giao tiếp, dù là vô hình hay cụ thể, nên người đó dễ dàng vẫy tay chào những chướng ngại do kiến thức tạo ra.
3. Đỉnh cao của trí tuệ
Đỉnh cao nhất của trí tuệ là trí tuệ vô sư. Đức Phật được gọi là một bậc vô sư trí tức là tuệ giác của ngài không do bất cứ một vị thầy nào tạo nên. Khi tất cả mọi người đạt thành Phật thì năng lực vô sư trí đó đồng đều với nhau.
Phần lớn chúng ta học là kiến thức có thầy, hay kiến thức do mình trải nghiệm trên những kiến thức đã được công bố, còn kiến thức về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, ngay thời điểm đức Phật tìm ra chúng thì chưa có ai biết nên được gọi là trí tuệ vô sư. Đó là đỉnh cao nhất của trí tuệ, mà theo đạo Phật, gọi là vô sư trí, gọi gọn lại là vô trí, chứ không phải là người mất trí hoặc không có trí khôn, không còn cảm nhận gì ngòai hệ thần kinh thực vật. Tu mà để trở thành như thế thì tu làm gì.
VII. PHÁ CHẤP SỰ CHỨNG ĐẮC
Cuối cùng, phá chấp không có sự chứng đắc. Trí tuệ là con đường ngắn nhất để dẫn đến chứng đắc đạo quả, sự an vui hạnh phúc. Việc phá chấp vào chứng đắc giúp chúng ta chứng đắc cao hơn, toàn triệt hơn.
Hiểu theo ý tuyệt đối thì tất cả mọi thứ đã có sẵn rồi, người phát minh chỉ việc tìm kiếm sắp xếp lại theo một trật tự nào đó để cho người khác cùng đạt được thông qua sự chia sẻ và giáo dục thôi. Người nào tâm đắc quá nhiều vào thành quả mình đạt được dễ ngủ quên trên chiến thắng và dẫn đến nhiều hậu quả sau này.
Câu chuyện Rùa và Thỏ là một bài học. Thỏ có ý niệm mình là người chiến thắng vì nhanh chân lẹ tay sức lại mạnh mà sức dẻo dai nên không phải lo có thể ngủ vài ba ngày khi nào thích thì đi cũng có thể về tới đích sớm hơn rùa nhiều lần. Chú rùa biết thân phận mình bò từ từ chậm rãi đều đặn không có giải đãi, không ngừng nghỉ nên kết quả về trước chú thỏ.
Người có sở đắc nhiều chừng nào thì thỏa mãn nhiều chừng ấy. Để ngăn không cho các vị xuất gia không rơi vào chủ nghĩa thỏa mãn khi chứng đắc, đức Phật yêu cầu ai thi thố thần thông là phạm giới, tuyên bố rộng về nó là vi phạm giới đã đành, nhưng nếu có thật mà thi thố để người khác say mê mình, tôn vinh mình và có thể xem thường những người còn lại cũng là vi phạm giới.
Chiều sâu của đức Phật rất ấn tượng ở chỗ, việc thi thố nhiều phép màu có thể dẫn đến chủ nghĩa thần tượng cá nhân, mà đó là mối đe dọa nguy hại trong tôn giáo. Đức Phật muốn chúng ta đến với đạo Phật bằng chánh pháp, đó là giá trị cao nhất được người trí tán thán, thiết thực trong hiện tại mà lại không bị giới hạn trong thời gian, có lợi lạc trước mắt và lâu dài, tòan thiện ở đoạn đầu, toàn thiện ở đoạn giữa và toàn thiện ở đoạn cuối, chứ không phải là đầu tốt mà đuôi xấu.
Do đó, việc thần tượng hóa cá nhân qua những năng lực đặc biệt của người đó, mà ở người khác không có, ta dễ bị sụp đổ niềm tin, nếu sau đó, ta phát hiện ra điều gì không hay ở người này thì hầu như ta vẫy tay chào với chánh pháp. Ngạn ngữ có câu: “Sau lưng thần tượng nào cũng có bụi giăng”.
Phải lấy chánh pháp làm thầy, đó là tiêu chí mà đức Phật dạy. Tất cả các vị xuất gia cũng phải thế. Dĩ nhiên người xuất gia và người tại gia nào cũng phải có một vị thầy quy y, hướng dẫn mình vào con đường tâm linh và chúng ta vẫn phải nhớ ơn biết ơn như Phật đã dạy, nhưng không nên thần tượng hoá người thầy. Ta vẫn tôn kính, vẫn nhớ ơn, vẫn đền ơn, nhưng sự thần-tượng-hóa sẽ dẫn đến mê tín.
Có rất nhiều điều nguy hại từ sự thần tượng hóa đã từng xảy ra trong lịch sử. Đức Phật thấy rất rõ điều đó, nên yêu cầu ta không nên rơi vào tình huống như thế.
Ai cho mình chứng đắc nhiều thì người đó bị “tẩu hỏa nhập ma”, nhiều người tu tốt, bài bản, mẫu mực, nhưng nghĩ rằng chỉ mình chứng thôi, còn thiên hạ không ai chứng hết, nên trương bản tuyên bố trong các sách và băng đĩa giảng là: “Đây là nơi đào tạo A-la-hán, Đây là nơi đào tạo người chứng đắc”. Hiện tượng này đã xảy ra, nếu để ý, quý vị sẽ thấy.
Theo giới luật đạo Phật thì không được làm như thế, giả sử mình có chứng đắc thật cũng không đi quảng cáo, hãy để cho người ta tự cảm nhận thôi, không cần phải tạo ra những scandal làm gì.
Người không có thật, ưa quảng cáo, còn người có thật lại không ưa quảng cáo. Ai tuyên bố mà không có sự thật về sự chứng thánh thì vi phạm giới nặng thứ tư đó là vọng ngữ, bị trục xuất ra khỏi tăng đoàn và từ đó, không được phép trở thành người tu lần thứ hai. Đó là khung hình phạt nặng nhất mà đức Phật quy định.
Có một số người có ảo giác rằng mình được chứng đắc hoặc bị hoang tưởng về chứng đắc thì lại khác, trong giới luật có Bất si tì ni, đó là biểu quyết 3 lần theo đa số là người đó không còn chứng bệnh hoang tưởng và si mê nữa, nên từ nay, nếu người đó còn vi phạm vào những tuyên bố như trên, cho rằng mình bị chứng bệnh tâm lý hay tâm thần mà được quyền làm điều xấu điều quấy thì người đó bị trục xuất, không có dung tha.
Quy định Bất si tì ni này nhằm tránh tình trạng lợi dụng, khi làm bậy làm sai, có ai nói đến thì cho rằng tôi bị tâm thần, lúc đó tôi không khống chế tâm tôi được nên hãy hoan hỉ bỏ qua cho tôi.
Hoang tưởng về cái tôi là một chứng bệnh rất nguy hiểm, làm cho người đó quan trọng hóa chính mình, nghĩ mình chứng đắc, người khác không là gì hết. Người hoang tưởng bao giờ cũng tự cao tự đại hết. Chánh pháp của đức Phật không dạy người ta như thế, nên ta có thể lấy đây làm thước đo, chỗ nào quảng cáo sự chứng đắc nhiều là chỗ đó dởm hết, chỗ nào cho là thánh là thần là phật đều rởm hết.
Đức Phật di huấn lúc cuối cuộc đời của ngài là, “hãy lấy chính pháp làm thầy, hãy lấy đạo đức làm thầy”, chứ ngài không nói hãy lấy sự chứng thánh làm thầy hay chứng đạo làm thầy, hòan toàn không có. Do đó, có ai nói họ chứng đạo có sao đâu, họ chứng chứ mình có chứng đâu mà mừng làm gì, để cho họ không có thần tượng cái đó. Ta tu tập giải phóng nỗi khổ niềm đau nhưng không có thần tượng trên sự chứng đắc.
Cái gì mình dụng tâm nhiều quá đôi lúc nó bị lạc quẻ, các tổ Trung Hoa đưa ra câu như thế này: “Hữu ý bồi hoa hoa bất phát, vô tâm tháp liễu, liễu thành Lâm.” Có nghĩa là: “Có dụng ý trồng hoa thì hoa lại không trổ; không bận tâm với liễu thì liễu thành rừng xanh tươi”. Ít ra về phương diện tâm lý ta không bị sức ép, còn về phương diện hiện thực quý vị áp dụng sẽ có kết quả thật.
Ví dụ, người nào muốn làm đẹp cho chính mình thì đừng quá bận tâm bởi vì bận tâm nhiều trở thành áp lực và do đó, da mình không được đẹp, căng thẳng nhiều làm mình bị già. Cứ sống an lạc, ngủ sớm, dậy sớm, tập thể dục, ăn uống đều, không đưa những độc tố, chất nóng vào trong cơ thể, tâm hoan hỉ buông xả, rộng lượng tha thứ thì tự động cơ thể mình trở thành đẹp, không muốn nó cũng đẹp. Vọng cầu càng nhiều thì càng bị vướng bận nhiều, vướng bận nhiều thì nỗi sợ hãi thầm lặng trong vô thức nhiều và ta không thể nào đạt được cái ta muốn.
Nếu lấy bộ phim hay truyện Thiên long bát bộ làm ví dụ, thì hai nhân vật sau đây rất là ấn tượng. Người cầu thì không được còn người không cầu lại chứng đắc. Mộ Dung Phục là một người rất yêu nước nhưng cực đoan lúc nào cũng đau đáu muốn phục hưng nước Đại Yên. Cho nên, phải sử dụng hết tất cả mưu mô chước quỷ và kết quả là ông trở thành Ngụy công tử, ai cũng sợ, nghe đến tên là người ta rợn tóc gáy xanh da mặt, muốn trốn cho bình an vô sự. Ông không từ một mưu mô nào để đạt được kết quả. Mặc dầu mục đích ông hướng đến là tốt nhưng phương pháp ông áp dụng là sai. Kết quả là ông trắng tay trong tác phẩm Thiên long bát bộ và cuối cuộc đời chết trong sự điên loạn vì mưu tính nhiều quá lại không có kết quả gì hết.
Nhân vật đối lập với ông là Đoàn Dự là thái tử không thích võ, dù là con nhà võ, không thích ngai vàng, chỉ thích ngao du sơn thủy thôi, không màng con đường hoạn lộ lại tình cờ có được bí quyết võ công. Một lần ông bị thù nhân giam vào hang đá, để bảo vệ khí tiết, ông nuốt con cóc độc Mãng Cổ suýt chết, nhưng lại được khả năng hút nội công của đối phương mà không làm cho người đó chết, đưa tất cả những thần công đó vào trong cơ thể của mình. Dĩ nhiên đây là câu chuyện giả tưởng không có thật nhưng ý nghĩa câu chuyện rất hay.
Sau đó, ông lại học được Lăng ba vi bộ tức là môn võ công uyển chuyển nhanh như sấm chớp để tránh đòn độc chiêu của đối phương. Rồi tại chùa Thiên Long, ông lại may mắn học được Lục mạch thần kiếm là võ công đệ nhất thiên hạ. Một mình ông sở hữu được những võ công cao cường nhất thiên hạ nên cuối cùng được làm vua nước Đại Lý và đạt được tất cả mọi quyền thế, thứ mà trong thực tế ông không muốn. Tình cờ mà được thôi.
Đừng nên mưu tính quá, nhân gian thường có câu: “Người tính không bằng trời tính”, mặc dù có vẻ tiêu cực ở chỗ chấp nhận mọi thứ do thượng đế an bài, có số phận hết rồi, tính cũng không làm gì được, hãy để cho vận mệnh của mình ra sao thì cứ ra. Dù sao câu ấy cũng cũng có nghĩa bóng là vọng cầu mà không có chánh tâm thì không có kết quả, vọng cầu mà không tương thích về nhân quả thì không trở thành hiện thực.
Đạo Phật dạy ta cứ làm tất cả, làm có phương pháp bằng tấm lòng, nỗ lực hết mình đừng bận tâm về kết quả. Rồi nó sẽ đạt được thôi. Đó là sự phá chấp về sở đắc. Phá chấp như thế không có nghĩa là mình không chứng đắc được gì hết, thậm chí trên thực tế có thể đắc cao hơn, đạt được mức cao hơn.
VIII. KẾT LUẬN
Lục tổ Huệ Năng chủ trương: “Vô niệm, vô tu, vô chứng”. Vô niệm là tâm mình không dấy lên ý niệm nhị nguyên thương ghét hận thù, bạn & thù, ta & người và dung thông với mọi thứ nên thoát ra khỏi mọi sự đối lập của cuộc đời. Tu tất cả mọi thứ, làm tất cả mọi việc lành, chuyển hóa các tâm phiền não nhưng nghĩ mình không có tu gì hết. Cho nên, không cống cao ngã mạn. Do đó, chứng đắc được đạo quả mà không thấy mình chứng gì hết thì đó mới là tuyệt đỉnh của sự chứng đắc. Còn không, dễ dàng cho mình là số một và những người khác là số 1 từ dưới đếm lên, dầu là ám chỉ hay là công khai.
Nói tóm lại câu tuyên bố của đức Phật trong Bát-nhã Tâm Kinh, “không có khổ, tập, diệt, đạo”, không có nghĩa là phủ định Tứ diệu đế; “không có trí tuệ, không có sự chứng đắc”, không có nghĩa là phủ định trí tuệ mà ngài đã khám phá, phủ định sự chứng đắc mà ngài đã thành tựu cũng như mong mỏi và hướng dẫn chúng ta cùng đạt được như thế. Đây là sự phá chấp, giúp chúng ta đạt được những giá trị an lạc, hạnh phúc, bình an hơn.
***