Kinh Vu-lan Báo Hiếu là tên gọi tắt của Kinh Vu-lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ, dạy về đạo hiếu thảo của Phật giáo theo truyền thống Bắc tông. Hai tụng bản trong nghi thức này là bản dịch song thất lục bát của HT. Thích Huệ Đăng, mà phần lớn Tăng Ni và Phật tử đều thuộc lòng. Nghi thức được biên soan gồm ba phần: Phần dẫn nhập, phần Chánh kinh và phần hồi hướng. Đây là nghi thức thuần Việt có nhiều bài sám nguyện, thường đọc tụng suốt mùa Vu-lan tháng bảy như là tháng báo hiếu của người con Phật. Nhưng thật ra kinh này có thể được đọc tụng hàng ngày để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền, đồng thời thắp sáng truyền thống hiếu đạo cho con cháu.
Mục Lục
Lời nói đầu
Phần Nghi Thức Dẫn Nhập
- Nguyện Hương
- Tán Phật và Đảnh Lễ Tam Bảo
- Tán Hương
- Phát Nguyện Trì Kinh
- Tán Dương Giáo Pháp
Phần Chánh Kinh
6. Phật Nói Kinh Vu Lan Bồn
7. Phật Nói Kinh Báo Hiếu Công Ơn Cha Mẹ
Phần Sám Nguyện Và Hồi Hướng
8. Kinh Tinh Hoa Trí Tuệ
9. Niệm Phật
10-A. Sám Mười Ân Đức Của Mẹ
10-B. Sám Vu-lan
10-C. Sám Bốn Ơn
10-D. Sám Tống Táng
10-E. Sám Niệm Phật
10-F. Sám Nhất Tâm
10-G. Sám Phát Nguyện
11. Hồi Hướng Công Đức
12. Phục Nguyện
13. Đảnh Lễ Ba Ngôi Báu
LỜI NÓI ĐẦU
I. VÀI NÉT VỀ NGHI THỨC
Kinh Vu-lan Báo Hiếu là tên gọi tắt của Kinh Vu-lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ, dạy về đạo hiếu thảo của Phật giáo theo truyền thống Bắc tông. Hai tụng bản trong nghi thức này là bản dịch song thất lục bát của HT. Thích Huệ Đăng, mà phần lớn Tăng Ni và Phật tử đều thuộc lòng.
Nghi thức được biên soan gồm ba phần: Phần dẫn nhập, phần Chánh kinh và phần hồi hướng. Đây là nghi thức thuần Việt có nhiều bài sám nguyện, thường đọc tụng suốt mùa Vu-lan tháng bảy như là tháng báo hiếu của người con Phật. Nhưng thật ra kinh này có thể được đọc tụng hàng ngày để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền, đồng thời thắp sáng truyền thống hiếu đạo cho con cháu.
Ngoài ra, nghi thức này có thể được sử dụng trong những dịp chúc mừng sinh nhật mẹ cha, chúc thọ cho ông bà và ngay cả các khóa lễ kỳ siêu cho cha mẹ quá cố và cửu huyền thất tổ. Vì tính đa dạng của nghi thức, người thọ trì đọc tụng phải chọn đúng bài sám nguyện với nội dung thích hợp. Tụng nghi thức này là để tiếp tục nuôi lớn các hạt giống biết ơn và đền ơn đối với hai đấng sinh thành.
Niên đại xuất hiện của hai kinh này không rõ, nhưng trễ nhất là vào thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch. Mặc dù tính chất nguyên thủy của bài kinh còn trong vòng nghi vấn và gắn liền với văn hóa Trung Quốc, nhưng giá trị giáo dục đạo hiếu và đạo đức làm người trong hai kinh này này là điều nổi bật và không thể phủ nhận. Đó là đường hướng truyền bá Phật pháp chung của các kinh điển Đại thừa, nhấn mạnh tính giáo dục và đạo đức chứa tải trong từng bài kinh hơn là lai lịch và xuất xứ của các bài kinh đó.
II. SƠ LƯỢC Ý NGHĨA VU-LAN
Thuật ngữ Vu-lan viết đủ là Vu-lan-bồn là từ dịch âm của người Trung Quốc về chữ Phạn “Ullambana”. Một dịch âm khác nữa là Ô-lam-bà-na tuy tương đối gần âm với chữ Phạn hơn nhưng chữ này lại không thông dụng trong giới Phật giáo. Ý nghĩa của chữ Vu-lan-bồn còn trong vòng tranh luận.
Theo quan niệm thông thường, “ullambana” được ngài Trí Húc dịch nghĩa là “giải đảo huyền” (Vạn 35/151 B), về sau được diễn dịch thành “giải đảo huyền, cứu thống khổ”. Giải là động từ có ý nghĩa là cởi trói, hay giải phóng ai ra khỏi một cái ách nào đó. Đảo là “ngược” hay “dốc đầu xuống đất, chân chỏng lên trời”, nhằm ám chỉ cho hình thức nghiêm khắc và đau đớn tột độ của hình phạt. Huyền là “treo”. Như vậy “giải đảo huyền” có nghĩa là “tháo bỏ các cực hình treo ngược [của nghiệp xấu]” và “cứu thống khổ” là cởi trói ách đau khổ cùng cực của chúng sanh trong các đường dữ.
Theo tinh thần của kinh Vu-lan, cái khổ nguy khốn nhất của chúng sanh là bị sanh vào cảnh giới quỷ đói. Do đó, tháo gỡ cái cực hình treo ngược là tháo gỡ cái ách bị đày đọa trong cảnh giới ngạ quỷ và địa ngục.
Xin lưu ý thêm rằng cách giải thích chữ “bồn” với ý nghĩa là cái chậu, cái thau để đựng đồ cúng dường trong ngày rằm tháng 7 của chư tăng là cách giải thích dựa vào nghĩa chữ Hán của chữ “bồn”, vốn là từ phiên âm của thành tố “bana” chứ không có trong ý nghĩa từ nguyên của từ “ullambana”. Cách giải thích như vậy rõ ràng không có cơ sở và lạc dẫn, mặc dù trong suốt mạch văn của kinh có đề cập đến việc sử dụng cái thau chậu để dâng cúng phẩm vật cho các vị thánh tăng.
III. TÓM TẮT NỘI DUNG KINH VU-LAN
Phật thuyết Vu-lan-bồn kinh là một bản kinh ngắn kể về nguyên nhân và phương pháp báo hiếu của tôn giả Mục-kiền-liên đối với thân mẫu của ngài. Đại ý của kinh gồm có 3 phần chính: (1) nói về nguyên nhân của pháp báo hiếu Vu-lan, (2) phương pháp báo hiếu nhờ vào đạo đức cộng đồng và (3) báo hiếu là trách nhiệm chung của những người con.
Duyên khởi của kinh như sau: Ngài Mục-kiền-liên vận dụng 6 phép thần thông tìm thấy mẹ bị tái sanh trong cảnh giới ngạ quỷ, đói khát, tiều tụy. Ngài liền lấy bát đựng cơm đem hiến dâng cho mẹ. Do vì lòng tham, bà mẹ lấy tay trái che lấy cái bát, tay phải vội vã vốc cơm. Nhưng cơm đã biến thành lửa, nên không ăn được. Tôn giả sầu than trở về thưa Phật để cầu cách cứu mẹ ngài.
Đức Phật dạy rằng chỉ nhờ vào uy lực đạo đức tu tập của chư tăng trong ba tháng an cư mới có thể độ được mẹ ngài Mục-kiền-liên. Ngài Mục-kiền-liên đã y theo lời Phật dạy thiết lập trai đàn, nhờ oai đức chuyển hóa nghiệp lực của chư tăng mà mẹ ngài đã thoát khỏi cảnh ngạ quỷ, tái sanh về cõi trời.
Nhân dịp đó, đức Phật đã khuyên tất cả những người con nên học theo gương hiếu hạnh của ngài Mục-kiền-liên để báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ hiện tại và cha mẹ bảy đời quá khứ.
IV. TÓM TẮT NỘI DUNG KINH BÁO ÂN
Nhân sự kiện đức Phật đảnh lễ đống xương khô trong đó có cha mẹ nhiều đời trong quá khứ của ngài, đức Phật đã giảng dạy về 10 đức ân của hai đấng sanh thành như sau: 1) Gìn giữ con khi mang thai, 2) khổ đau trong sinh nở, 3) lo lắng trăm bề đến lúc sinh, 4) nuốt đắng nhả ngọt, 5) nhường khô nằm ướt, 6) bú mớm nuôi nấng, 7) tắm rửa săn sóc, 8) thương nhớ không nguôi, 9) quá vì con, thậm chí làm ác, 10) thương con trọn đời.
Để con cháu đền đáp công cha nghĩa mẹ, Phật dạy phương pháp báo hiếu về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Nếu đối với cha, công ơn trời biển thuộc về phần nuôi nấng và giáo dục con cái thì đối với mẹ là cả bầu trời tình thương, mười tháng cưu mang, ba năm bú mớm, cho đến lúc con cái được trưởng thành và hạnh phúc trong đời.
Trong hành trình mang lại hạnh phúc cho con cái, đôi lúc cha mẹ đã hy sinh hạnh phúc của bản thân. Có nhiều bậc cha mẹ trong kế sinh nhai đầy lao khó đã phải bất đắc dĩ “tính sao có lợi thì làm khác, Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm”.
Hiểu được công ơn trời biển của hai đấng sinh thành, tất cả những người làm con phải lo báo hiếu cù lao. Đạo đức của lòng hiếu thảo theo kinh này khởi đi bằng đời sống đạo đức của bản thân, thấy được song thân ân trọng, nỗ lực đền đáp bằng tất cả tấm lòng trong mọi tình huống, dù trong lúc khốn đốn khó khăn, vật đổi sao dời, lòng hiếu kính của con cháu đối với cha mẹ trước sau như một.
Vì tình thương và tấm lòng của cha mẹ dành cho con cái là không bờ bến. Tất cả sự báo hiếu của con thảo cháu hiền chỉ đáp đền được phần nào đó trong muôn một. Những kẻ bất hiếu là tự gieo bất hạnh cho bản thân, và khó có cơ hội sống trong hạnh phúc thật sự. Do đó hiếu thảo là nhu cầu không thể thiếu của hạnh phúc và là giá trị làm thăng hoa mọi giá trị trong cuộc đời.
V. CÁC VẤN ĐỀ PHẬT HỌC
5.1. Đạo hiếu thảo
Điểm nổi bật và quan trọng nhất trong kinh Vu Lan và kinh Báo Ân Cha Mẹ là đạo hiếu như một phương pháp tu tập. Nếu trong kinh Vu-lan, đương sự báo hiếu là ngài Mục-kiền-liên, vị đệ tử lỗi lạc với thần thông số một, thì trong kinh Báo Ân, sự báo hiếu được khởi đi bằng sự kiện đức Phật đảnh lễ đống xương khô, trong đó có cửu huyền thất tổ của ngài. Giá trị giáo dục ngụ ý của hai kinh này rất cao: Thánh nhân và Phật còn hiếu thảo với cha mẹ như vậy thì huống hồ là người phàm phu tục tử chúng ta mà không chịu sớm lo báo đáp. Điều đó còn nói lên rằng đạo hiếu là nền tảng của đạo làm người và đạo thánh nhân. Thiếu hiếu thảo, tính cách đạo đức của con người đã bị phá vỡ và do đó không thể trở thành các bậc hiền thánh để đời ca tụng và học hỏi theo được. Chính vì thế mà kinh Nhẫn Nhục thuộc hệ Đại thừa đã đẳng thức hóa “hiếu” với “điều thiện tối cao” và “bất hiếu” là điều ác nguy hại: “Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác tối cao là bất hiếu”. Kinh điển Đại thừa cũng khẳng định: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” nhằm xác quyết rằng đạo hiếu là con đường mà tất cả các bậc thánh hiền, các bậc giác ngộ đã đi qua.
Nói cách khác đạo hiếu thảo là đạo làm người và đạo làm thánh. Đây là bước khởi đầu của mọi đạo lý trên đời. Nếu tính cách thiêng liêng của đạo hiếu bị phá vỡ thì tính cách đạo đức của một cá nhân cũng không thành tựu được. Nghĩa là người bất hiếu không phải là người hiền lương và đạo đức, và do đó không phải là con người đúng với nghĩa là một động vật tiến hóa về ý thức và đạo đức. Bằng cách đưa vai trò của chữ hiếu lên ngang hàng với điều kiện cao cấp, Phật giáo Đại thừa đã nhấn mạnh tinh thần luân lý đạo đức của xã hội loài người như là điều kiện tiên quyết của sự sống nhân loại.
5.2. Thần thông, tha lực và nghiệp báo
Các nhà Phật học Nguyên thủy dù khó tánh cách mấy cũng phải thừa nhận điểm mấu chốt của kinh Vu-lan là “thần thông và tha lực không thể thắng được nghiệp lực”. Kinh Vu-lan còn đề cập đến sự kiện bốn vị Thiên vương hộ đời (Trì Quốc ở phương đông, Tăng Trưởng ở phương nam, Quảng Mục ở phương tây, Đa Văn ở phương bắc) cũng không thể giúp tôn giả Mục-kiền-liên ra khỏi quả báo ngạ quỷ.
Đây là điểm nhất quán giữa hai hệ tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa: Thần thông và tha lực không thể giúp chúng ta thoát khỏi luân hồi sinh tử được. Với sáu phép thần thông (thần thông biến hóa, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, lậu tận thông) và dù cho có được sự trợ giúp (tha lực) của bốn vị Thiên vương hộ đời, vậy mà tôn giả Mục-kiền-liên đã không thể giúp cho mẹ ngài ăn được bát cơm, huống hồ là cứu mẹ ra khỏi cảnh khổ hành hình của ngạ quỷ.
Sự kiện sáu phép thần thông của ngài Mục-kiền-liên mà không thể cứu được nghiệp ngạ quỷ của người mẹ cho thấy rằng nghiệp của chúng sanh chỉ có thể cải tạo và chuyển hóa do chính nội tâm và hành vi thiện ích của họ. Tất cả sự hỗ trợ nếu có của người khác cũng chỉ là những chất xúc tác để giúp họ tự chuyển hóa nghiệp của chính họ mà thôi.
5.3. Oai lực của đạo đức cộng đồng
Cách thức mà ngài Mục-kiền-liên cứu thoát mẹ ngài khỏi cảnh quỷ đói là nhờ vào oai đức giáo hóa qua hình thức chú nguyện của cộng đồng tỳ-kheo thanh tịnh và có đủ giới đức. Đây là điểm quan trọng trong kinh Vu-lan. Oai đức của cộng đồng được xem như biển cả bao la (chúng đức như hải), có thể giúp chúng ta hoàn tất các Phật sự một cách mỹ mãn: Ở đây là giáo hóa và cứu độ nạn nhân trong thế giới ngạ quỷ. Nội dung của bài kinh khuyến khích và dạy bảo chúng ta nên sống nương tựa vào đạo đức cộng đồng trong việc tu tập và làm Phật sự. Do đó đạo đức cộng đồng được xem là giải pháp của mọi vấn đề đạo đức và luân lý của thời đại.
Tương tự trong công cuộc giáo hóa chúng sanh, chúng ta cần đến một sức mạnh đạo đức tổng hợp và mang tính cộng đồng như vậy. Chính nhờ vào đạo đức cộng đồng của các vị thánh tăng và cao tăng nghiêm trì giới luật, mẹ ngài Mục-kiền-liên đã được “cảm hóa” rồi đi đến “tự chuyển hóa” và nhờ đó bà được giải thoát.
Cần nói rõ thêm rằng, bà được thoát cảnh ngạ quỷ không chỉ đơn thuần do sức chú nguyện của mười phương tăng. Thật chất là do sức oai thần đạo đức của mười phương tăng đã cảm hóa được bà, giúp bà tự chuyển hóa các nghiệp xấu ác của ngạ quỷ, phát huy tối đa nghiệp thiện, tái sanh về cảnh giới tốt. Đây là một quy trình vừa tâm lý vừa đạo đức trên nền tảng nỗ lực của tự tâm.
Nói cách khác nếu bản thân mẹ của ngài Mục-kiền-liên không tự nỗ lực để chuyển hóa nghiệp xấu ác của chính bà thì oai đức của chư tăng cũng vô phương cứu chữa. Đó là mấu chốt của vấn đề cứu độ trong kinh điển Đại thừa nói chung và kinh Vu-lan-bồn nói riêng.
5.4. Phẩm vật và tấm lòng
Một vấn đề cần lưu tâm về kinh Vu-lan là vấn đề phương pháp báo hiếu qua việc cúng dường trai tăng trong ngày rằm tháng 7. Kinh văn chép đó là ngày Phật hoan hỷ và chư tăng thanh tịnh sau ba tháng chuyên ròng tu tập thiền định và phát huy giới đức. Thực ra, không phải chỉ có ngày rằm tháng 7 Đức Phật mới hoan hỷ. Đức Phật luôn luôn hoan hỷ trong mọi thời gian. Nói cách khác nơi nào và lúc nào, có những người con hiếu thảo, cung kính, nuôi dưỡng cha mẹ đúng pháp, nơi đó có sự hoan hỷ của Phật, nơi đó có sự sống đạo đức. Nơi nào con cái bất hiếu ngỗ nghịch với cha mẹ, nơi đó không có sự hoan hỷ, mà chỉ có mặt của đau khổ và bất hạnh. Sở dĩ kinh văn nói đến rằm tháng 7 là ngày Phật hoan hỷ là nhằm nhấn mạnh vào hành vi hiếu thảo của các người con trong ngày mang tính biểu tượng đạo hiếu và báo hiếu này.
Kế đến vấn đề cúng dường chư tăng, kinh văn có nói “sắm đủ mọi phẩm vật tươi tốt và thượng hạng”. Đây là một cách mô tả mang tính ẩn dụ văn học trong kinh điển Đại thừa. Cách mô tả của kinh văn phản ánh một quan niệm rằng người con hiếu thảo phải sẵn lòng vì cha mẹ không tiếc tiền của để báo đáp công ơn sanh thành của cha mẹ. Sắm các thức ăn ngon và sang trọng phải được hiểu là cách thể hiện lòng chí thành hay chân thành của người con đối với việc chu lo cho cha mẹ, chứ không nhất thiết là các phẩm vật thượng hạng trong thực tế. Một khi lòng đã chân thành rồi thì số lượng và khối lượng vật chất dùng vào việc hiếu thảo không còn là vấn đề nữa. Nói cách khác, khi có đủ lòng chân thành thì cúng cho Tam bảo một nén hương, một bát nước, một cành hoa, một trái cây cũng là báo hiếu cha mẹ được. Thế mới biết trong đạo Phật chữ tâm quan trọng đến thế. Tâm là tiêu chí đánh giá thiện ác và là cái cân để đo lường các trị số đạo đức của hành vi, trong báo hiếu nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Đạo Phật trong ý nghĩa này được xem đạo dạy về tâm, huấn luyện về tâm và tu tập về tâm.
5.5. Đối tượng giáo dục
Khi nghiên cứu kinh Vu-lan và kinh Báo Ân có một vấn đề cần đặt ra là đối tượng giáo dục của kinh này là ai? Ngài Mục-kiền-liên? Mẹ ngài Mục-kiền-liên? Hay chúng sanh nói chung? Câu trả lời ngắn gọn là thông điệp của hai bài kinh đạo hiếu này dành cho tất cả loài người, những người từng là con và do đó phải có trách nhiệm đền đáp ân nghĩa sanh thành và nuôi nấng của cha và mẹ. Kế đến thông điệp kinh Vu-lan và kinh Báo Ân còn hướng đến những chúng sanh đang bị đau khổ, do bị nghiệp bất thiện gây ra trong đời sống hiện tại cũng như trong quá khứ.
Do đó việc báo hiếu không chỉ dành cho hàng đệ tử tại gia mà còn chung cho hàng xuất gia; việc cứu độ không chỉ dành cho người sống mà còn cho người quá vãng. Với tinh thần cứu sanh độ tử, đạo Phật đã thật sự đi vào ngõ ngách của cuộc sống. Độ người còn sống để giúp họ sống hạnh phúc ở hiện tại và tương lai. Độ người đã chết để giúp họ sớm thoát khỏi cảnh giới xấu xa và đau khổ. Nếu người hành trì đạo Phật muốn biến đạo Phật thành đạo chỉ “độ người sống” mà không có “độ người chết” thì họ đã làm cho đạo Phật trở nên không trọn vẹn. Ngược lại, nếu biến đạo Phật thành đạo chỉ có độ người chết mà không có độ người sống lại càng làm cho đạo Phật không còn là đạo Phật nữa. Nói cách khác, đạo Phật quan tâm đến nhiều phương diện của đời sống, bao gồm sống và chết. Các hình thức nghi lễ cúng kiến cho người chết mà không thuyết pháp để độ người sống sẽ biến đạo Phật thành một “đạo ma chay”, điều mà đức Phật đã từng lên án khi Ngài còn tại thế. Mong sao những người con Phật ý thức được việc làm của mình, không biến đạo Phật từ một đạo vị nhân sinh sống động thành một đạo vì người chết.
5.6. Giá trị đạo đức
Nếu kinh Vu-lan-bồn và kinh Báo Ân là thông điệp hiếu kính cha mẹ thì mùa Vu-lan là mùa biểu tượng của đạo hiếu trong đạo Phật. Đó là mùa gợi chúng ta nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Mùa Vu-lan do đó trở thành mùa báo hiếu. Lễ hội Vu-lan là lễ hội của hiếu thảo, thương kính cha mẹ. Hiếu thảo cha mẹ thì chúng ta phải biết kính trọng cha mẹ, vâng lời cha mẹ dạy, phụng dưỡng nuôi nấng cha mẹ, sớm thăm tối viếng khi cha mẹ đau ốm, hướng dẫn cha mẹ quy y Tam bảo, trở thành người Phật tử chân chánh, nếu cha mẹ chưa trở về với chánh pháp. Nói chung, người Phật tử phải biết đền ơn cha mẹ hiện đời cũng như cha mẹ trong đời quá khứ. Đạo lý của Vu-lan như vậy là đạo lý vì con người, vì sự an lạc của tất cả chúng sinh.
Từ phương diện xã hội, lễ Vu-lan Báo Hiếu còn là dịp tốt để người Phật tử phát tâm cúng dường Tam bảo, làm việc nhân từ, phóng sanh cứu vật v.v… Tinh thần Vu-lan dạy chúng ta ý thức độ lượng, bao dung, hướng đến và giúp đỡ người khác trong tinh thần vô vị lợi. Ngoài ra, Vu-lan còn là cơ hội tốt cho chúng ta phát tâm bồ-đề hướng đến các chúng sanh ngạ quỷ đang đau khổ, làm các việc công đức để hồi hướng cho họ. Một lễ hội có nhiều giá trị đạo đức và luân lý như vậy cần được phát huy để cho sự sống của con người hôm nay và mai sau thật sự an lạc trong đạo lý và tình người.
VI. KẾT LUẬN
Nói tóm lại, hai bản kinh Vu-lan và kinh Báo Ân cùng chung một thông điệp gồm 3 nội dung: (1) Đề cao đạo đức chữ hiếu, (2) hướng dẫn phương pháp độ sanh qua chuyển hóa tâm thức của đối tượng và (3) khuyến khích các hình thức tôn kính và phụng sự Tam bảo trong các dịp thích hợp.
Đề cao đạo đức chữ hiếu để cuộc đời có nhiều người con hiếu thảo, bớt đi tình trạng suy thoái đạo đức trong dân gian, xây dựng một xã hội an bình và hạnh phúc. Độ sanh qua chuyển hóa tâm thức chúng sanh là phương pháp đề cao giáo lý nghiệp và tinh thần tự lực của từng chúng sanh trong ba cõi. Chỉ có con đường tự chuyển hóa tâm thức chính mình, qua sự hướng đạo của Tam bảo, hành vi và lời nói của chúng ta sẽ trở nên thiện. Đây là con đường cứu độ bản thân và tha nhân có hiệu quả nhất.
Mọi hình thức trông chờ vào tha lực của người khác chỉ là phản ánh của một nhận thức sai lầm về lý nhân quả “ai làm lấy chịu, ai tu nấy chứng” của đức Phật và tệ hơn nữa là một sự đổ vỡ của đời sống hướng thượng của bản thân. Khuyến khích các hình thức tôn kính và cúng dường Tam bảo một mặt gắn liền sự sinh hoạt của người con Phật với đạo pháp, mặt khác phản ánh thái độ tôn kính chân lý và đạo đức của người con đã dày công tu tập, quảng bá chánh pháp vì lợi ích của số đông, vì lợi ích cho chư thiên và loài người.
Với một thông điệp gồm ba nội dung như vậy, kinh Vu-lan Báo Hiếu và lễ hội báo hiếu đã, đang và sẽ còn tiếp tục sống mãi trong đạo đức chữ hiếu và đạo lý làm người, của tất cả con người trên hành tinh này cho dù, nguồn gốc của nó còn trong vòng tranh luận. Nói cách khác, các giá trị đóng góp của kinh Vu-lan Báo Hiếu và lễ hội Vu-lan cho đạo đức cuộc sống của nhân sinh đã lấn át hoàn toàn các nghiên cứu có tính cách lịch sử nhưng lại không phục vụ được gì cho cuộc sống đầy đau khổ và thương tâm của con người hôm qua, hôm nay và mai sau. Trong bối cảnh đó, kinh Vu-lan Báo Hiếu đã nghiễm nhiên chói sáng mãi như vị cứu tinh cho đời sống đạo đức, cho đạo lý hiếu thảo, cho tình người hôm nay và mai sau.
Mùa Vu-lan tại Ấn Độ 2000
Thích Nhật Từ
cẩn chí