MỤC LỤC
Lời giới thiệu
PHẦN DẪN NHẬP
1. Nguyện hương
2. Đảnh lễ Tam bảo
3. Tán hương
4. Tán dương giáo pháp
PHẦN CHÁNH KINH
I. Phẩm Song Đối
II. Không Phóng Dật
III. Phẩm Tâm
IV. Phẩm Hoa
V. Phẩm Ngu
VI. Phẩm Hiền Trí
VII. Phẩm A La Hán
VIII. Phẩm Ngàn
IX. Phẩm Ác
X. Phẩm Hình Phạt
XI. Phẩm Già
XII. Phẩm Tự Ngã
XIII. Phẩm Thế Gian
XIV. Phẩm Phật Đà
XV. Phẩm An Lạc
XVI. Phẩm Hỷ Ái
XVII. Phẩm Sân Hận
XVIII. Phẩm Cấu Uế
XIX.Phẩm Pháp Trụ
XX. Phẩm Đạo
XXI. Phẩm Tạp Lục
XXII. Phẩm Địa Ngục
XXIII. Phẩm Voi
XXIV. Phẩm Tham Ái
XXV. Phẩm Tỳ-kheo
XXVI. Phẩm Bà-la-môn
PHẦN SÁM NGUYỆN
1. Bát-nhã Tâm Kinh
2. Niệm Phật
3. Năm điều quán tưởng
4. Quán chiếu thực tại
5. Sám quy nguyện
6. Hồi hướng công đức
7. Lời nguyện cuối
8. Đảnh lễ Ba ngôi báu
LỜI GIỚI THIỆU
Là một trong 15 quyển thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya), Kinh Pháp Cú (Dhammapada/ Dharmapada) là quyển kinh Phật được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới và là Kinh phổ biến nhất trong cộng đồng Phật giáo, đặc biệt tại các nước Phật giáo Nam tông bao gồm Tích-lan, Miến-điện, Thái-lan, Lào và Campuchia.
Kinh Pháp Cú được xem là quyển kinh Phật bỏ túi, kinh gối đầu giường của người học Phật, tu Phật và trải nghiệm chân lý Phật. Dù không phải là bài kinh theo dạng pháp hội được thuyết giảng từ đầu chí cuối như phần lớn các bài Kinh khác, Kinh Pháp Cú là một tuyển tập 423(1) bài thơ thiền của đức Phật, vốn có xuất xứ và được trích lại từ trong bốn bộ Kinh như Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh và Tăng Chi Bộ Kinh. Do vì có xuất xứ từ bốn bộ Kinh quan trọng nhất của Kinh tạng Pāli, Kinh Pháp Cú được xem là Kinh giới thiệu bao quát về triết lý cao siêu của đức Phật bằng ngôn ngữ thi ca giàu chất văn chương.
Có thể nói, toàn bộ các lời dạy cao quý về chân lý (dhamma) và đạo đức (vinaya) được đức Phật khám phá và truyền bá trong 45 năm đều được chọn lọc cô đọng trong 423 câu lời vàng này, được phân thành 26 chủ đề (phẩm / chương) khác nhau. Mỗi chủ đề gồm nhiều bài thơ có cùng tư tưởng và nội dung, đề cập đến các khía cạnh chân lý và các giá trị cao quý, mà người đọc có thể học và ứng dụng trong cuộc sống, mang lại hạnh phúc và bình an cho bản thân, gia đình, xã hội, bây giờ và tại đây.
Về từ nguyên, “Pháp cú” (Dhammapada) là tổ hợp gồm 2 từ “pháp” (dhamma) và “cú” (pada), vốn đều là các từ đa nghĩa trong các ngữ cảnh khác nhau. Khái niệm “pháp” trong Kinh Pháp Cú có nghĩa là “chánh pháp” (Buddhadhamma), “học thuyết của Phật” (Buddha’s doctrine) hay “chân lý” (truth), trong khi, “cú” (pada) có nghĩa là “chân” (foot), “con đường” (path), “thi kệ” (verse) hay danh ngôn. “Pháp cú” có thể được dịch bằng nhiều cụm từ khác nhau như: “Con đường chân lý” (path of truth), “con đường chánh pháp” (Path of Buddha’s Teaching), “danh ngôn chánh pháp”, “lời Phật dạy” (Buddha’s Teachings) hay “lời vàng của Phật” (Buddha’s Golden Sayings).
Về phương diện văn học, Kinh Pháp Cú là tập hợp hơn 400 bài thơ của đức Phật, rất chuẩn về niêm luật Pāli cổ, sử dụng loại ngôn ngữ quần chúng, giản dị, gần gũi với đời thường, với nhiều hình ảnh, ẩn dụ sâu sắc, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và đạo đức. Nhặt lấy các hình ảnh và sự kiện từ cuộc sống thật trong thời đại của ngài, đức Phật đã làm cho từng “bài thơ danh ngôn” của Ngài trở nên sinh động, sâu huyền, người đọc cảm nhận các giá trị nội tĩnh, mà mỗi lần đọc và chiêm nghiệm, người đọc sẽ cảm nhận được sự bình an đích thực.
Về nội dung, Kinh Pháp Cú đề cập đến thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan và giải thoát quan của đức Phật. Về thế giới quan, đức Phật chủ trương không có nguyên nhân khởi thủy của sự sống và mọi sự vật hiện tượng, dù đó là duy thần, duy vật hay duy tâm. Thế giới là một tương quan đa chiều, tương tác và tương thuộc. Về nhân sinh quan, đức Phật cho rằng con người là trung tâm của vũ trụ, con người là gốc của các hoạt động nhân văn, đạo đức và xã hội. Con người quan trọng hơn Thượng đế và thần linh. Về xã hội quan, đức Phật chủ trương công bằng xã hội, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, nhằm góp phần thiết lập một xã hội hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Đạo đức quan Phật giáo gồm ba phương diện: Không làm điều phi pháp, làm tất cả việc thiện, giữ tâm trong sáng và cao thượng. Về giải thoát quan, đức Phật chủ trương giải phóng tất cả nỗi khổ niềm đau của kiếp người bằng cách thừa nhận bế tắc, truy tìm nguyên nhân (tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ), trải nghiệm hạnh phúc niết-bàn và thực hiện chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định).
Mỗi một bài thơ thiền trong Kinh Pháp Cú là một triết lý sống vị nhân sinh, bây giờ và tại đây. Mỗi ngày, dành 10-15 phút đọc các bài thơ thiền của đức Phật trong Kinh Pháp Cú, đọc thật chậm rãi, suy nghĩ nghĩa lý, chiêm nghiệm những điều minh triết của Phật, ta sẽ học được nhiều bài học cao quý, trong việc làm chủ cảm xúc và hành vi, nhờ đó, làm chủ được vận mệnh.
Mỗi khi có nỗi buồn, lo lắng, căng thẳng, sầu bi, bất hạnh, thất bại khổ đau, thử thách và trở ngại, hãy đọc Kinh Pháp Cú, người đọc như được truyền thêm nghị lực để vượt qua, sống lạc quan, tích cực và thăng hoa các giá trị cao quý. Những lúc gặp thuận duyên, thành công, hạnh phúc, đọc Kinh Pháp Cú sẽ nuôi lớn các đức tính cao quý như từ bi, hoan hỷ, buông xả, vô ngã, vị tha, nhờ đó, ta có thêm lý do để tinh tấn vươn đến nhiều thành công to lớn hơn, góp phần làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Vì những giá trị thực tiễn vừa nêu, vào năm 2011, tôi phát tâm dịch Kinh Pháp Cú ra tiếng Việt, bằng thể thơ song thất lục bát, đăng trên nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay, do tôi làm Chủ biên, nhằm giới thiệu những lời dạy nguyên chất của đức Phật, đượm nhuần chất liệu an lạc và giải thoát. Mong sao, mỗi nhà Phật tử đều có Kinh Pháp Cú trên bàn thờ Phật, mỗi Phật tử đều có Kinh Pháp Cú trên bàn làm việc của mình. Hãy cùng phát tâm truyền bá Kinh Pháp Cú đến tất cả mọi người, để ngọn đèn chánh pháp có thể soi sáng tất cả chúng ta.
Rằm Phật đản 2637 (PL.2557, DL.2013)
Sa-môn Thích Nhật Từ
Tổng biên tập Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay
***********
1. Bản dịch này dựa vào ấn bản Pāḷi Dhammapada, ấn bản thông dụng nhất với 26 chương và 423 câu. Ấn bản Patna Dharmapada chỉ có 22 chương với 414 câu. Ấn bản Gāndhāri Dharmapada có 26 chương và 540 câu. Ấn bản Udānavarga có 33 chương và 1.050 câu, được xem là ấn bản có số câu nhiều nhất.