XXVI. PHẨM BÀ-LA-MÔN
(Brāhmaṇa-vagga)
383. Hãy tinh tấn dứt dòng ái dục
Bỏ thú vui vật chất bao đời
Các hành đoạn diệt, thảnh thơi
Bà-la-môn ấy rạng ngời vô vi.
384. Nhờ an trụ pháp tu chỉ, quán
Mà tiến về bỉ ngạn an vui
Bà-la-môn trí sáng ngời
Diệt trừ kiết sử, thảnh thơi đạo vàng.
385. Người không chấp bờ này, bờ nọ
Tâm chẳng màng chấp có, chấp không
Khổ đau dứt, trói buộc buông
Người tu ấy Bà-la-môn tuyệt vời.
386. Tu thiền định, ẩn cư, không nhiễm
Lậu hoặc lìa, bổn phận đã xong.
Hoàn thành mục đích tối tôn
Người tu ấy Bà-la-môn sáng ngời.
387. Trời, trăng sáng ngày, đêm tùy lúc
Các vua quan sáng rực kiếm cung
Tu thiền chói sáng ngoài trong
Trí tuệ Phật sáng soi chung đất trời.
388. Người dứt ác xứng hàng Phạm chí
Hạnh thanh cao xứng vị Sa-môn
Xuất gia hết cấu uế tâm
Xứng danh thượng sĩ xuất trần xưa nay.
389. Đừng hãm hại Sa-môn, Phạm chí
Gặp nghịch duyên xin chớ trả thù.
Khổ thay, hại bậc chân tu
Chớ nên trả đũa oán cừu mà chi.
390. Bậc Phạm chí tâm không tham ái
Không trả thù, sân, hại một ai
Khổ đau dứt sạch trong ngoài
Niềm vui to lớn, nạn tai không còn.
391. Người không tạo nghiệp nhân ác độc
Miệng, ý, thân trau chuốt, giữ gìn
Hành vi, lối sống tịnh thanh
Xứng danh Phạm chí hiền minh, đức từ.
392. Biết đền đáp ân sâu của bậc
Hướng dẫn ta hiểu Phật, Pháp, Tăng
Thành tâm lễ tạ, cúng dàng
Như người Phạm chí thờ thần lửa kia.
393. Gọi Phạm chí đâu vì bện tóc
Giai cấp hay chủng tộc bảy đời
Chân thành, chánh niệm, thảnh thơi
Bà-la-môn ấy sáng ngời đức tu.
394. Phạm chí “ngố” chỉ lo bện tóc
Lợi ích gì áo mặc da dê
Tâm còn phiền não, u mê
Tu toàn hình thức, đường về còn xa.
395. Phạm chí “ngố” mặc y vá nhớp
Da lộ gân, thân hốc hác gầy.
Người tu thiền định đêm ngày
Bà-la-môn ấy sánh tày núi cao.
396. Phạm chí thật đâu do huyết thống
Giai cấp cao, nguồn gốc thọ sanh.
Ai không phiền não, tịnh thanh
Phạm chí không chấp, cõi tâm an lành.
397. Người dứt sạch cả mười trói buộc
Không sầu lo được, mất, thua, hơn
Bao điều chấp trước xả buông
Người tu ấy Bà-la-môn tuyệt vời.
398. Bậc Phạm chí bỏ đai “sân hận”
Cắt cương “tham”, tà kiến, tùy miên
Vô minh hết, trí trọn nên
Hướng về giác ngộ, thoát miền trầm luân.
399. Lấy đức nhẫn làm quân xông trận
Không ác tâm, phỉ báng, phạt hình
Từ bi, từ bỏ hận, sân
Bà-la-môn ấy sáng danh đạo đời.
400. Không tức giận, làm tròn bổn phận,
Giới thanh cao, ái, hận không còn
Giác quan làm chủ luôn luôn
Thân này cuối, Bà-la-môn sáng ngời.
401. Người đã dứt dục tâm hoen ố
Có khác gì “nước đổ lá sen”
Cũng như “hạt cải đầu kim”
Bà-la-môn ấy xứng hàng chân tu.
402. Phạm chí học trên đời hiểu rõ
Nào khổ đau, gốc khổ, niết-bàn
Nương theo chánh đạo tu hành
Ái sạch, giải thoát, rạng danh trên đời.
403. Người có trí thực hành hiểu rõ
Nguồn gốc từ hai nẻo chánh tà.
Chứng đạo giải thoát sâu xa
Bà-la-môn ấy thật là xứng danh.
404. Không thân thiết cả Tăng lẫn Tục
Hạnh độc cư, thiểu dục, hài lòng
Như mây đây đó thong dong
An vui, tự tại, không còn sầu đau.
405. Ngừng nghiệp sát, tổn thương sinh mạng
Yếu hơn ta hay mạnh khỏe hơn
Không ưa sai bảo, tán đồng
Đây là Phạm chí xứng hàng chân tu.
406. Sống thân thiện giữa bao thù nghịch
Giữ ôn hòa với địch hung hăng
Tịnh thanh giữa chốn hồng trần
Bà-la-môn ấy xứng hàng chân tu.
407. Người tu tập không còn dính dáng
Tham, sân, si, kiêu mạn, tị hiềm
Cũng như hạt cải đầu kim
Bà-la-môn ấy trọn nên đạo vàng.
408. Người tu tập nói lời từ ái
Chân thật và ích lợi cho đời
Không hề làm mất lòng người
Bà-la-môn ấy sáng ngời tấm gương.
409. Người tu tập tránh xa trộm cắp
Vật không cho không lấy, chỉa chôm
Cho dù lớn, nhỏ, quý, thường.
Bà-la-môn ấy tấm gương sáng ngời.
410. Không tham vọng đời này, đời tới
Không dính gì ba cõi trầm luân
Buông tất cả, giải thoát tâm
Bà-la-môn ấy rạng danh đạo đời.
411. Người tu tập không vương ái dục
Trí tuệ nhiều, nghi hoặc không còn
Chứng vào cảnh giới niết-bàn
Bà-la-môn ấy xứng hàng chân tu.
412. Ai không vướng chuyện đời thiện ác,
Tu xả ly, giải thoát buộc ràng
Không sầu, thanh tịnh, lạc an
Bà-la-môn ấy xứng hàng chân tu.
413. Như trăng sáng thoát mây che khuất
An tịnh lòng, hết trược, sáng trong
Đam mê hiện hữu dứt xong
Bà-la-môn ấy vào dòng thánh nhân.
414. Hết tham ái, không nghi, không chấp
Vượt hiểm nguy sống chết, luân hồi
Thực hành thiền định, đến nơi (1)
Phạm chí tịch tịnh, thảnh thơi vượt dòng.
415. Vì lý tưởng xuất gia, học đạo
Lìa gia đình, dục lạc chẳng màng
Dứt trừ hiện hữu, ái tham
Bà-la-môn ấy xứng hàng chân tu.
416. Vì lý tưởng xuất gia, học đạo
Lìa gia đình, khát ái chẳng màng
Dứt trừ hiện hữu, ái tham
Bà-la-môn ấy xứng hàng chân tu.
417. Tu thoát khỏi buộc ràng hai cõi
Thế giới người, cảnh giới chư thiên
Buộc ràng, giải thoát không còn
Bà-la-môn ấy vào dòng thánh nhân.
418. Không vướng bận những điều ưa ghét
Hết sanh y (2), năm uẩn (3) vượt qua
Anh hùng chiến thắng nhiễm ô
Bà-la-môn ấy thật là chân tu.
419. Ai hiểu rõ đường đi sống chết
Không nhiễm ô, sáng suốt vượt lên
Học Tứ đế (4), ngộ lý chân
Bà-la-môn ấy xứng danh tu hành.
420. Với hành giả mà trời, thần, quỷ
Không một ai biết chỗ tái sanh
Lậu hoặc hết, chứng thánh nhân
Bà-la-môn ấy xứng hàng chân tu.
421. Người không dính vị lai, quá khứ
Hiện tại thì chẳng sở hữu gì
Xả buông, chẳng kẹt thứ chi
Bà-la-môn ấy sánh vì trăng sao.
422. Như trâu chúa sức thần uy dũng
Bậc anh hùng, chiến thắng nhiễm tham
Trí mầu giác ngộ, tịnh thanh
Bà-la-môn ấy xứng danh tu hành.
423. Rõ quá khứ, vị lai, hiện tại
Cõi trời, người, cảnh giới tái sanh
Mâu ni (5), thắng trí, viên thành
Tử sanh kết thúc, sáng danh đạo đời.
****
1. Đến bờ bên kia, đạt được giải thoát.
2. Cơ sở và điều kiện tái sinh gồm tham ái và chấp thủ.
3. Gồm thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức.
4. Khổ, nguyên nhân khổ, hạnh phúc – niết bàn và con đường thoát khổ.
5. Người tu tập đã chuyển hóa được tham, sân, si và thanh tịnh thân, khẩu, ý.