I. DỊCH NGHĨA
Đức Phật dạy rằng: Người tuệ tri được Đạo cũng như đem đuốc vào trong nhà tối, bóng tối liền tan, chỉ còn lại ánh sáng. Người học đạo thấy được chân lý, vô minh sẽ bị tiêu diệt, nhưng ánh sáng trí tuệ sẽ ngự trị mãi mãi.
II. LƯỢC GIẢI
Nội dung câu Phật ngôn trên tuy ngắn ngủi, nhưng lại hàm chứa giáo nghĩa cao siêu, mà người học Phật không thể nào bỏ qua được. Đầu tiên, Đức Phật xác định giá trị khai sáng của một hành giả đã đạt ngộ được đạo, khi vị đó ở đây, ở đó sẽ được chói sáng bởi trí tuệ của vị ấy, nghĩa là sẽ đem đến lợi lạc. Phần còn lại, Đức Phật đưa ra tính độc tôn của trí tuệ của một vị gọi là đạt đạo, kiến đạo hay thể nhập đạo. Cách trình bày vấn đề ở đây, rõ ràng là nêu quả trước và nhân sau. Quả là tác dụng khai sáng của một vị tuệ tri được đạo. Nhân là phương tiện tu tập loại trừ vô minh, để hiển thị tri kiến tuệ giác do kiến đạo đem lại. Nêu quả để hiển nhân, âu cũng chính là sở trường hoằng hóa thuyết giảng của Đức Phật mà ngay thời pháp Tứ đế đầu tiên Đức Phật đã vận dụng và thành công tốt đẹp.
A.- Đề cập đến người tuệ tri được đạo, tưởng cũng nên tìm hiểu khái lược về ý nghĩa của từ này
Đạo hiểu theo Hán ngữ bao gồm nhiều nghĩa. Đạo là con đường, với nghĩa chung chung. Đạo là bổn phận hay mối quan hệ hữu cơ giữa người trên với kẻ dưới, và giữa con người với con người như đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng v.v… Nhưng đạo theo Phật giáo, còn có nghĩa sâu hơn và đầy đủ hơn.
1.- Hữu lậu đạo: Chỉ chung cho thiện và ác. Thiện là con đường dẫn đến hạnh phúc, an vui, cán cân của luân lý đạo đức. Ác là con đường dẫn đến bất hạnh, đọa lạc, yếu tố của phi luân lý đạo đức. Ngay ý nghĩa này, đã bao hàm ý nghĩa đạo là con đường và ý nghĩa đạo là bổn phận hay mối quan hệ. Vì trong mối quan hệ như đã nói có thể có mối quan hệ thiện và cũng có thể có mối quan hệ ác. Dù thiện hay ác, cũng chỉ là hữu lậu đạo mà thôi.
2.- Vô lậu đạo: Hiểu nghĩa chung là con đường, là phương pháp giải thoát, vượt ngoài cái thiện ác, vượt ngoài các ý niệm luân lý nhị nguyên. Nó có thể hiểu là chân lý tuyệt đối, chung cánh, như Hoa Nghiêm Đại Sớ 8 nói: “Thông đến Phật quả là Đạo.”[1] Hay ta còn có thể hiểu Đạo là con đường đạt đến tịch diệt giải thoát, như Luận Câu Xá 25 nói: “Thế nào là Đạo? Đạo là con đường đạt đến Niết bàn. Nghĩa là đi theo con đường này sẽ đến được thành trì Niết bàn”. (Đạo nghĩa vân hà? Vị Niết bàn lộ. Thừa thử năng vãng Niết bàn thành).
Như vậy, ta có thể xác quyết rằng thuật ngữ Đạo trong kinh văn của chương này phải là con đường Niết bàn, con đường Phật quả hay nói gọn là Đạo đế trong Tứ thánh đế. Do đó, Đạo cũng có thể hiểu là chân lý chánh pháp. Phối hợp với kinh văn cho dễ hiểu, có thể viết là: “Người tuệ tri được chân lý chánh pháp (thay vì đạo hay đạo đế) cũng như đem đuốc vào trong nhà tối, bóng tối liền tan, chỉ còn lại ánh sáng”. Và chúng ta vẫn còn nhớ một bài kệ Pháp Cú đã nói rằng: “Chánh pháp, đường thù thắng. Đường này không đường khác. Đưa đến kiến thanh tịnh. Nếu ai theo đường này. Vô minh sẽ đoạn trừ.”[2]
So sánh hai lời dạy chúng ta thấy hoàn toàn đồng nhất về nội dung. Chính yếu tố này, cho phép chúng ta khẳng định đây là nét giáo lý truyền thống của Kinh Bốn Mươi Hai Chương. Và bài kệ Pháp Cú dưới đây góp phần khai sáng vấn đề: “Nếu ai theo chánh pháp. Đau khổ được đoạn tận. Ta dạy đường chánh pháp. Trí còn, gai chướng diệt.”[3]
Hay một bài kệ khác còn nói lên được người chứng đạt chân lý chánh pháp (đạo, đạo đế) đã làm xong phận sự của mình trên đường tu tập, không những được mọi người cung kính mà còn là người viên mãn giới đức, trí đức: “Trú pháp, chứng chân lý. Tự hoàn thành công việc. Được quần chúng ái kính. Đủ giới đức, chánh kiến.”[4]
Chính ở giá trị độc hữu này, người tuệ tri Đạo có một vị trí rất thù thắng, siêu vĩ giữa nhân loại và chư thiên: “Giữa những loài hai chân, pháp nhãn, người thù thắng.”[5]
Cũng vì thế, người tu tập đạo đế, thực hành chánh pháp, chân lý của Đức Phật sẽ đạt đáo bỉ ngạn giải thoát, không còn vô minh cấu uế nào: “Ai hành đạo đế. Theo chánh pháp khéo dạy, sẽ đến bờ bên kia. Hết vô minh cấu uế.”[6]
Đó là điều mà kinh văn, Đức Phật gọi là: “Người tuệ tri được đạo, cũng như đem đuốc vào trong nhà tối, bóng tối liền tan, chỉ còn lại ánh sáng” vậy.
B.- Để quán triệt ý nghĩa phần kinh văn còn lại chúng ta cũng nên điểm qua từ ngữ trí tuệ
Theo các luận sư Bắc tông, hai từ ngữ TRÍ và TUỆ hoàn toàn khác nhau. Trí như một sự giản trạch, phân tích, phân giải. Tuệ là trạng thái sáng suốt không phân biệt. Cũng có vị cho rằng trí là phán đoán, tuệ là giản trạch. Nhưng có vị lại cho rằng tuệ tri về tục đế là trí, tuệ tri về chân đế là tuệ (tri tục đế viết trí, chiếu chân đế viết tuệ). Căn cứ vào Đại Thừa Nghĩa Chương 9 thì: “Trí là quán chiếu, tuệ là tuệ tri. Hai từ này khác nhau. Quán triệt thế đế là trí. Quán triệt đệ nhất nghĩa đế là tuệ”. Dù sự giải thích của các luận sư có khác nhau nhưng vẫn toát lên yếu nghĩa trí tuệ thù thắng hơn trí thức. Vì trí thức chỉ đơn thuần là tri (biết để mà biết). Còn trí tuệ là sự hiểu biết thông qua quá trình thực nghiệm, khám phá, thể nhập tu tập (tu thiền, trí tuệ sinh. Không thiền, trí tuệ diệt – Dhp.282). Người có trí tuệ thì không còn tạo nghiệp ác, không bị ác chi phối, nhưng người trí thức thì không được như vậy.
Trong khi đó, theo định nghĩa truyền thống của Phật giáo Nam tông, không có sự khác biệt nào giữa trí và tuệ. Trí tuệ được định nghĩa như là một năng lực tinh thần giác ngộ, minh, sáng suốt và chói diệu: “Thế nào là trí tuệ? Trí tuệ là trí hiểu, hiểu rõ, lựa chọn, cân nhắc, trạch pháp, tham khảo, phân định, thông thái, rành mạch, khôn ngoan, sáng suốt, suy xét, tinh tường, minh mẫn, hồi quang, quán minh, tỉnh giác, tuệ quán, chánh kiến, vô si.”[7]
Chúng ta cũng còn biết, trí tuệ là nấc thang cuối cùng của sáu pháp ba la mật của Bồ Tát. Trí tuệ còn là pháp ba la mật trong các ba la mật, thù thắng hơn ba độ trước[8]. Kinh Nikaya cũng diễn tả tương tự, khi đặt vị trí của trí tuệ trên hết năm lực: “Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Này các Tỳ kheo, trong năm lực này, cái này là cái tối thượng, cái này là cái tổng nhiếp, cái này là cái thâu tóm, tức là trí tuệ.”[9]
Hay trí tuệ là ánh sáng thù diệu trong các ánh sáng:
“Này các Tỳ kheo, có bốn loại ánh sáng. Ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời, ánh sáng của lửa, ánh sáng trí tuệ. Nhưng cái tối thượng nhất trong bốn loại, chính là ánh sáng trí tuệ.”[10]
Chính với trí tuệ, chứ không phải trí thức, hành giả tu tập sẽ tuệ tri được chư hành là vô thường. Khổ, vô ngã, nhờ đó, khổ đế được nhàm chán, viễn ly, con đường tịch diệt hé mở, ánh sáng sẽ chói lòa:
“Tất cả hành vô thường…
Tất cả hành khổ đau…
Tất cả hành vô ngã…
Với tuệ tri thấy vậy
Đau khổ được viễn ly
Minh tỏ, đường thanh tịnh.”[11]
Vì thế ở bài kệ kế tiếp, Đức Phật tái khẳng định giá trị của trí tuệ là vô song trên lộ trình giác ngộ, giải thoát. Không có trí tuệ thì xa lìa chân lý. Không có trí tuệ thì không thấy được chánh đạo:
“… Nếu không có trí tuệ
Không sao có chân lý
Không sao thấy chánh đạo.”[12]
Mà trí tuệ là một cái gì đó không dư tàn vô minh, không dung chứa vô minh, không tích tập vô minh. Có trí tuệ thì vô minh sẽ tiêu diệt, minh hiện. Minh hiện, chân lý thể nhập không còn là điều khổ, như kinh văn Đức Phật dạy:
“Người học đạo thấy được chân lý (đế), vô minh sẽ bị tiêu diệt, nhưng ánh sáng trí tuệ sẽ ngự trị mãi mãi”.
[1] Thông chí Phật quả cố danh Đạo.
[2] Dhp.274.
[3] Dhp.275.
[4] Dhp.217.
[5] Dhp.273.
[6] Dhp.86.
[7] Bộ Pháp Tụ số 44, tr. 31.
[8] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phân Biệt Công Đức, tr. 431.
[9] Tăng Chi II, tr. 17.
[10] Tăng Chi I, tr. 523.
[11] Dhp.277-279.
[12] Dhp.280.