I. DỊCH NGHĨA
Đức Phật dạy rằng: Người hành đạo giải thoát như con trâu chở nặng đi trong bùn lầy, dù mệt nhọc cũng không dám ngó nhìn hai bên, khi ra khỏi bùn lầy mới được thanh thản. Cũng vậy, người xuất gia nên tuệ quán tình dục còn nguy hiểm hơn bùn lầy, hãy trực tâm chánh niệm đạo giải thoát, mới có thể tránh khỏi đau khổ.
II. LƯỢC GIẢI
Cũng là hình ảnh con trâu, nhưng hoàn toàn khác với nội dung ở chương 40. Nếu như ở chương trước, con trâu, một loại hình lao động cơ bắp thiếu trí tuệ không thể so sánh với hạnh người xuất gia trau dồi hai mặt tu tập thân và tu tập tâm, phát triển ba mặt giới, định, tuệ, thì trái lại, chương này con trâu chở nặng đi trong bùn lầy không dám ngó hai bên rất phù hợp với hạnh xuất gia không được rong ruổi, tầm cầu thất tình lục dục khi chưa vượt khỏi tam giới. Một hình ảnh mà hai vấn đề khác nhau nhưng lại cùng hướng đến một mục đích duy nhất là giáo dục phạm hạnh cho người xuất gia hướng đến con đường xuất ly giải thoát. Đó là phương tiện, nghệ thuật ứng cơ thiện xảo trong hóa độ của Đức Phật, mà các nhà giáo dục so sánh hay giáo dục tỷ dụ, một nhu cầu vô cùng cần thiết đối với hàng tu sĩ hay những ai làm công tác hoằng pháp, giáo dục.
1.- Hình ảnh con trâu là hình ảnh của người tinh tấn
Có thể nói, tinh tấn là điều kiện tiên quyết, là chìa khóa vạn năng, là cẩm nang ý chí hướng đến thành công và thành công một cách mỹ mãn. Tinh tấn, là sự gia công nỗ lực để đạt được mục đích hướng thượng. Khác với dục là ý muốn mãnh liệt để thực thi điều bất thiện, tinh tấn hướng hành giả đến sự an lạc, giải thoát. Do đó, hành đạo giải thoát mà không có tinh cần tinh tấn, thời không bao giờ đạt được đạo quả.
Nội dung các phạm trù tinh tấn được đề cập trong Phật giáo rất rộng và luôn hướng về mục đích hoàn thiện hóa con người, đạo đức hóa con người. Nó luôn là một sự gia công đoạn trừ các ác pháp, song song thực hành, trau dồi các thiện pháp, bỏ cái xấu, chọn lựa cái tốt, một thái độ nhân bản cương quyết.
“Này các Tỳ kheo, hãy nỗ lực với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sinh, thời không cho sinh khởi lên. Các ác, bất thiện pháp đã sinh được trừ diệt. Các thiện pháp từ trước chưa sinh, nay làm cho sinh khởi. Các thiện pháp đã sinh, cố gắng duy trì, làm cho tăng trưởng, quảng đại, được tu tập, được viên mãn.”[1]
Ở một đoạn kinh khác, Đức Phật còn phân dạng bốn phạm trù khác của tinh tấn, thông qua đó, ác pháp bị đoạn tận, thiện pháp được tăng trưởng và phạm hạnh được lớn mạnh: “Này các Tỳ kheo, có bốn loại hình tinh cần. Tinh cần chế ngự. Tinh cần đoạn tận. Tinh cần tu tập. Tinh cần hộ trì.”[2]
Và Đức Phật giải thích kỹ càng từng phạm trù một:
a/ Tinh cần chế ngự: Là nỗ lực phòng hộ sáu căn, không để sáu căn phóng dật theo sáu trần mà sinh sáu thức nhiễm đắm: “Này các Tỳ kheo, với mắt thấy sắc, với tai nghe tiếng, với mũi ngửi hương, với lưỡi nếm vị, với thân cảm xúc, với ý nhận thức pháp… mỗi mỗi đều không nắm giữ tướng riêng, tướng chung. Những nguyên nhân nào khiến sáu căn không được chế ngự, khởi lên tham ái, các bất thiện pháp, thời nỗ lực chế ngự các nguyên nhân ấy.”[3]
b/ Tinh cần đoạn tận: Là nỗ lực phấn đấu từ bỏ mãi mãi các bất thiện pháp, duy trì phát huy các thiện pháp: “Này các Tỳ kheo, hãy nỗ lực không cho các dục tầm, sân tầm, hại tầm, các ác bất thiện pháp khởi lên. Hãy từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, khiến không cho hiện hữu lại”.
c/ Tinh cần tu tập: Là nỗ lực, phấn đấu tu tập các giác chi, để hướng đến thiền định, xả ly: “Này các Tỳ kheo, hãy nỗ lực tu tập niệm giác chi, trách pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi… để y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt ác, đưa đến xả ly”.
d/ Tinh cần hộ trì: Là nỗ lực phấn đấu hộ trì các định tướng đã phát sinh trong tu tập thiền định: “Này các Tỳ kheo, hãy hộ trì các định tướng hiền thiện đã sinh: tướng hộ xương, tướng trùng ăn, tướng bầm xanh, tướng đầy ứ, tướng nứt nẻ, tướng phồng trướng…”.
Vì mục đích tinh tấn của Phật giáo gắn liền với hành vi thiện ích, do, cho nên, nó thật là những việc nan hành. Một lần nọ, khi đề cập đến sự khác nhau trong hai cái tinh cần khó làm giữa hàng xuất gia và hàng cư sĩ, Đức Phật phân tích:
“Có hai loại hình tinh cần khó thực hành ở đời: sự tinh cần của các gia chủ ở nhà với mục đích bố thí các vật dụng như y, đồ ăn, sàng tọa, dược liệu. Và sự tinh cần của người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình với mục đích từ bỏ các sanh y.”[4]
Nhưng khi phân tích về giá trị lợi ích, Đức Phật nhất hướng đề cao loại hình tinh cần của người xuất gia, vì nó hướng đến mục đích giải thoát.
“Trong hai loại hình tinh cần này, tối thắng là tinh cần với mục đích từ bỏ tất cả sanh y. Do vậy, hãy tu tập như sau: ta cố gắng tinh cần để từ bỏ tất cả sanh y”.
Thái độ của Đức Phật hay thái độ của Phật giáo bao giờ cũng dứt khoát, mạnh dạn trên con đường từ bỏ ác, hướng thiện đạo đức. Do đó, theo Đức Phật, không phát huy thêm nữa các hành vi đạo đức, trong chiều kích tiến hóa tu tập, được xem như là “tổn giảm”.
“Này các Tỳ kheo, ta không tán thán đứng một chỗ trong các thiện pháp, còn nói gì đến tổn giảm.”[5]
Và Đức Phật giải thích tiếp:
“Này các Tỳ kheo, những ai đang cố gắng để đạt được lòng tin, giới đức, nghiên cứu nhiều, bố thí, biện tài, trí tuệ… Các pháp ấy đối với ai đứng lại một chỗ không tăng trưởng. Này các Tỳ kheo, ta gọi như vậy là “tổn giảm” trong các thiện pháp.”[6]
Đức Phật còn cho biết đến những nguyên nhân sâu xa làm cho một hành giả không phát huy thiện pháp, mà chỉ dừng lại một chỗ, là do phát xuất từ những tâm lý cầu an hết sức phiến diện, nông cạn:
“Có việc ta sẽ phải làm. Nhưng nếu ta làm, thời thân sẽ mỏi mệt, vậy ta hãy nằm xuống.
Có việc ta đã làm…nằm xuống.
Có con đường chính ta sẽ phải đi…nằm xuống.
Ta đã đi con đường …nằm xuống.
Ta đi khất thực trong làng hay thị trấn, không nhận được phẩm vật. Nay thân mệt mỏi, không thể chịu đựng, vậy ta hãy nằm xuống.
Ta đi khất thực …nhận được phẩm vật đầy đủ như ý muốn. Nay thân ta nặng nề…nằm xuống.
Nay bệnh nhẹ khởi lên nơi ta, có lý do để ta nằm xuống.
Ta đau bệnh mới khỏi, còn yếu… nằm xuống.”[7]
Chính vì những tác ý giải đãi, người hành đạo giải thoát “không có cố gắng để đạt những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc” (Kinh đã dẫn). Do đó, không phóng dật là nền tảng đạt được Niết bàn, giải thoát, như kệ Pháp Cú dưới đây xác nhận:
“Vui thích không phóng dật
Không thể bị thối đọa
Tỳ kheo sợ phóng dật
Nhất định gần Niết bàn.”[8]
2.- Phạm hạnh là trừ khử thất tình, lục dục
Sự cực khổ, mệt nhọc của con trâu chở nặng đi trong bùn lầy mà không dám ngó hai bên của kinh văn làm chúng ta liên tưởng đến lời bộc bạch của Bồ Tát Địa Tạng với Đức Phật: “Nếu gặp những việc thiện, phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu. Còn khi gặp duyên sự bạo ác lại lần lần thêm lớn. Những hạng người trên đó như kẻ mang đá nặng đi trong bùn lầy, càng nặng thêm lần, càng khốn đốn thêm lần, chân đạp lún lút sâu.”[9]
Thật vậy, bùn lầy thất tình lục dục sẽ nhận chìm dần dần những ai đắm nhiễm nó, lội đi trong nó. Chính vì thế mà Đức Phật dạy: “Hãy tuệ quán tình dục còn nguy hiểm hơn bùn lầy. Hãy trực tâm chánh niệm đạo giải thoát, mới có thể tránh khỏi đau khổ”. Và như vậy có thể xem đó là đời sống phạm hạnh an trú.
Đức Phật thường đề cập đến các chi phần phạm hạnh, khử trừ thất tình lục dục là giản dị trong ăn vận:
“Này các Tỳ kheo, y phấn tảo, thực phẩm khất thực, gốc cây, nước đái, là những thứ không quan trọng để tìm được không có phạm lỗi so với các y tốt, thức ăn ngon, sàng tòa quý và dược phẩm đắt. Nhưng ta tuyên bố rằng, đây là những chi phần của sa môn hạnh, phạm hạnh.”[10]
Phạm hạnh là nếp sống tuy giản dị nhưng thiêng liêng, cao cả. Nó nói lên được tính chất thoát tục của hành giả phạm hạnh. Trong các kinh, Đức Phật đề cập nhiều đến các cơ sở để duy trì phạm hạnh được trọn vẹn, đó là:
“1/ Có chánh tín đối với thiện pháp. 2/ Có lòng hổ thẹn các bất thiện pháp. 3/ Có lòng sợ hãi các ác pháp. 4/ Luôn luôn tinh tấn với các thiện pháp. 5/ Có trí tuệ đối với thiện pháp. Nhờ có năm pháp này, dầu với đau khổ, ưu tư, nước mắt giàn giụa, thì Tỳ kheo, Tỳ kheo ni vẫn sống đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh.”[11]
Và cũng có rất nhiều đoạn kinh, Đức Phật cho biết rõ những nguyên nhân làm người xuất gia, tu đạo giải thoát bị tổn thất phạm hạnh, mất phạm hạnh. Những nguyên nhân này là do:
“1/ Ưa sự nghiệp. 2/ Ưa đàm luận. 3/ Ưa ngủ nghỉ. 4/ Ưa đông đảo. 5/ Không quán sát tâm như đã giải thoát. Năm pháp này khiến Tỳ kheo hữu học thối chuyển.”[12]
Người phạm hạnh phải là người có tu tập thân, tu tập tâm, tu tập giới, tu tập tuệ. Không tu tập bốn phạm trù này, sẽ làm cho phạm hạnh không an trú lâu dài, chánh pháp không được cửu trụ: “Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, chúng sẽ truyền đại giới cho những người khác, nhưng chúng không có thể huấn luyện người khác trong tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ. Các người ấy sẽ trở thành các người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập. Như vậy, này các Tỳ kheo, do pháp ô nhiễm nên luật bị ô nhiễm, do luật ô nhiễm nên pháp bị ô nhiễm.”[13]
Do vậy, người phạm hạnh hay chánh hạnh luôn được Đức Phật tán thán, ca ngợi, dù người đó là xuất gia hay cư sĩ cũng vậy.
Chánh hạnh của cư sĩ là một vợ một chồng và giữ gìn thanh tịnh tam quy, ngũ giới. Chánh hạnh của xuất gia là xa lìa các dục hạ liệt, xả ly ân ái và thọ trì hoàn thiện các giới khoản. (Sa di 10 giới, Tỳ kheo 250 giới, v.v…)
“Ta tán thán hai loại chánh hạnh, này các Tỳ kheo, ở người gia chủ, hay ở người xuất gia, này các Tỳ kheo, sống theo chánh hạnh, do nhân duyên chánh hạnh, sẽ đem lại chánh lý, thiện pháp.”[14]
Hơn thế nữa, phạm hạnh hay chánh hạnh của người Phật giáo hành trì chỉ nhằm vào mục đích duy nhất là đánh tan các màn vô minh, lậu hoặc, hướng đến xuất ly giải thoát. Do đó, phạm hạnh rất cần thiết cho mọi người, nhất là người tu đạo giải thoát:
“Phạm hạnh được sống, này các Tỳ kheo, không vì mục đích lừa dối quần chúng. Không vì mục đích mơn trớn quần chúng. Không vì mục đích được lợi ích về lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Không vì mục đích tránh dư luận, phê bình. Không với ý nghĩ, mong quần chúng biết ta như vậy. Và này các Tỳ kheo, phạm hạnh được sống với mục đích “chế ngự”, với mục đích được “đoạn tận”, với mục đích “ly tham”, với mục đích “Niết bàn.”[15]
Nói tóm lại, nội dung của chương này, Đức Phật dạy chúng ta muốn hướng đến con đường giải thoát, trước tiên phải có hạnh tinh tấn từ bỏ ác, bất thiện pháp, trau dồi, phát huy các thiện pháp, trên cơ sở đó, phát triển tu tập phạm hạnh, viễn ly thất tình lục dục. Hoặc ít ra, chúng ta vẫn là người đang đeo đuổi mục đích cao thượng ấy, bằng cách luôn hướng tâm, tác ý về chánh đạo, luôn quán tính nguy hại, vị đắng đau khổ của tình dục, để nỗ lực trên con đường phạm hạnh, thoát tục. Được như vậy thì con đường giải thoát mới có thể hiện bày, và ở trong nhà lửa tam giới mới có thể được chút an tâm. Bằng chưa đạt được tình trạng của hai trường hợp trên thì ít nhất chúng ta phải có thái độ sợ sệt, thận trọng như “con trâu chở nặng đi trong bùn lầy, dù mệt nhọc cũng không dám ngó trông hai bên, khi ra khỏi bùn lầy mới được thanh thản…” để giải thoát mọi sanh y, khổ uẩn, hướng đến xuất ly, Niết bàn.
“Chớ sống đời phóng dật
Chớ say mê dục tình
Tinh tấn và phạm hạnh
Đạt được an lạc lớn.”[16]
[1] Tăng Chi I, tr. 365.
[2] Kinh đã dẫn.
[3] Kinh đã dẫn, tr. 365-366.
[4] Tăng Chi I, tr. 61.
[5] Tăng Chi III, tr. 389.
[6] Kinh đã dẫn.
[7] Tăng Chi III, tr. 160-168.
[8] Dhp.32.
[9] Kinh Địa Tạng, phẩm 7, tr. 183.
[10] Tăng Chi I, tr. 379.
[11] Tăng Chi II, tr. 12.
[12] Tăng Chi II, tr. 123) (xem thêm Tăng Chi II, tr. 123, 124, 182.
[13] Tăng Chi II, tr. 112.
[14] Tăng Chi I, tr. 83.
[15] Tăng Chi I, tr. 377-378.
[16] Dhp.27.