Điều 3,4: SỞ HỌC THẤU ĐÁO VÀ ĐẠO HẠNH THANH CAO

Giảng tại Đạo tràng Từ Bi Nguyện, San Jose ngày 23-08-2008

Phiên tả: Diệu Thanh Nguyễn Mai Khả Quyên


 CÁC CÕI QUY CHIẾU VÀO TÂM

Ðiều tâm niệm thứ ba: “Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo”.

Ta lấy ý tưởng của vế thứ ba, câu thứ nhất và vế thứ hai, câu thứ hai đặt thành chủ đề là “Ðạo học và sở hạnh”, vì hai điều này có mối liên hệ mật thiết với các hành giả, dù theo Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông hoặc bất kỳ tông phái nào trong con đường tâm linh của nhà Phật. Bản chất sự cứu xét tâm là phân tích về sự vận hành của nó, để nhận dạng được trong lúc quán chiếu tâm ta đang diễn ra theo tư thế gì; thiện hay ác, chơn hay ngụy, tích cực hay tiêu cực. Nói chung, tâm con người thường diễn ra theo các cặp phạm trù mang tính đối lập, thường được gọi trong triết học là nhị nguyên. Phương pháp này hoàn toàn phù hợp với bài kinh Tứ niệm xứ.

Ðối tượng quán chiếu thứ ba là tâm: Tâm chơn, tâm vọng, thiện, ác, tích cực, tiêu cực, tham, buông xả, sân, từ bi, trí tuệ, si mê... Nếu hành giả quyết tâm cứu xét về tâm tính, thì cơ hội làm chủ được vọng tâm dễ dàng hơn những người chỉ chạy theo phản ứng của các hành động, lời nói, và việc làm vốn do tâm điều khiển. Cứu xét tâm là trọng tâm của con đường tâm linh trong Phật giáo.

Tổ Diệu Hiệp xác quyết và đề nghị khi phân tích sự vận hành của tâm, ta đừng mong cầu không bị những khúc mắc, bởi vì tâm thức học Phật giáo có chiều sâu. Do vậy, không phân tích sâu sắc, ta không hiểu tường tận thì sự tu tập sẽ trở ngại. Ta thấy trong tiếng Hán, chữ tâm viết bốn nét, và được miêu tả bằng một bài thơ:

                  “Tam điểm như tinh tượng

                  Hoành câu tợ nguyệt tà

                  Phi mao tùng đới giác

                  Tố Phật giả do tha”.

Hai câu đầu là nghệ thuật chơi chữ, mô tả chữ tâm theo cách viết của người Hoa, gồm có bốn điểm. Ba điểm ngắn và một đường nguyệt câu giống như trăng tà. Khi nhìn, ta thấy hình ánh trăng và có ba điểm xung quanh tạo ra chữ tâm. Hai câu sau là một minh triết của nhà Phật để phân tích tác dụng chữ tâm.  

Phi mao đới giác” là một khái niệm, dịch tiếng Việt là “mang lông đội sừng”, chỉ cho cảnh giới tái sanh, bao gồm loài bò sát, loài có cánh, loài trên cạn. Do tâm đi theo chiều hướng của sự hưởng thụ, khoái lạc, phi đạo đức và dẫm lên đời sống lương thiện trong việc mưu cầu hạnh phúc; kết quả sẽ làm cho họ tái sanh vào cảnh giới động vật.

Tố Phật là làm Phật. Làm Phật, Bồ tát, Thanh văn và Thánh Tăng, hay làm người Phật tử chân chính thì cũng do tâm này mà ra. Tâm ta bao gồm mười pháp giới, thực tế, chỉ có tám pháp giới. Ðối với hàng Thánh là Phật, Bồ tát và A la hán. A la hán được nhân rộng thành hai bậc: Thanh văn, Duyên giác. Nhưng thực tế có thêm Ðộc giác. Như vậy cả ba xưng pháp Thanh văn, Duyên giác và Ðộc giác là ba cách tu mà quả vị chứng đắc là A la hán. Như vậy về Thánh chỉ có ba.

Ðịa ngục vốn không có thật, chỉ là phương tiện hoằng hóa độ sinh, ta thấy cảnh giới tái sanh của đối tượng phàm phu cao nhất về phước báu là chư Thiên: Tức là con người ngoài hành tinh. Con người, tức là chúng ta. Kế đến là các loài động vật. Nếu bốn loại hình này bị vướng vào tình yêu, tình thương, tình cảm, gia tài, sự nghiệp, hận thù, và sự oan ức quá lớn trước khi cái chết được diễn ra, thì bị rơi vào cảnh giới ngạ quỷ. Như vậy, lục phàm chỉ còn là ngũ phàm; mười pháp giới chỉ còn tám. 

Nếu phân tích rộng hơn: Chư Thiên, A tu la và con người đều là loại hình nhân loại, có tầng số phước báu khác nhau. Theo kinh mô tả: Phước tướng, tuổi thọ, nhan sắc, trình độ khoa học kỹ thuật, môi trường hòa bình của chư Thiên nhiều hơn con người. A tu la ở khoảng giữa. Như vậy, ba cảnh giới đó đều là con người, trong lục phàm chỉ còn con người, động vật, và ngạ quỷ. Sáu cảnh giới ba phàm, ba thánh đều xoay vòng ở trục xoay của tâm. 

Nếu ta tu tập năm điều đạo đức, giữ ba ngôi tâm linh sau khi qua đời, nếu không quyến luyến hay chấp trước gì, thì sẽ tái sanh làm người, hoặc chư Thiên, hoặc A tu la, để hưởng phước báu theo nhân quả. Nếu sống đời sống thú tính, đắm say hưởng thụ quá nhiều, đi ngược lại luật pháp và đạo đức thì sẽ rơi vào cảnh giới súc sinh.

Chấp trước vào tình cảm quyến luyến sẽ bị rơi vào trong cảnh giới của ngạ quỷ. Bản chất ngạ quỷ không phải là những người phạm điều xấu ác, mà là những người tiếc nuối tình yêu, tình cảm, gia tài, và bất cứ cái gì còn vấn vương trong lòng do chưa rũ bỏ được trước khi chết. Vì thế, ngạ quỷ không đáng sợ, mà chỉ đáng thương, họ là đối tượng cần được quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của chúng ta để họ có thể rũ bỏ thân xác phàm, tái sanh theo nghiệp đúng như những gì họ đã gieo trồng. 

Như vậy, ta thấy sự vần xoay của các chủng loại sinh vật không phải tự nhiên, vô duyên, ngẫu nhiên; cũng không phải do thượng đế và các thần linh tạo ra, mà do nghiệp dẫn vào trong luân hồi sanh tử. Mỗi chủng loại có cộng nghiệp. Cộng nghiệp là nghiệp chung của một quốc gia, dân tộc trong từng quốc gia, tập thể trong rất nhiều dân tộc, và nghiệp chung của những người tâm đầu ý hợp, quan điểm, ý tưởng, lập trường cùng chí hướng. 

Bên cạnh nghiệp chung chúng sinh còn có nghiệp riêng. Nghiệp riêng quyết định hạnh phúc và khổ đau trong tầm ảnh hưởng của nghiệp chung. Sanh ra làm người, không phải muốn hay không muốn làm người Việt Nam là được. Nghiệp đã phân định, ngoại trừ ta nỗ lực chuyển nghiệp theo hướng tích cực.

Ví dụ một người Việt Nam sống quá thiếu thốn về kinh tế nên cuối đời họ khởi ra một ý niệm không muốn làm người Việt Nam, muốn tái sinh ở nước Thụy Sĩ; để hưởng thụ hòa bình, không hận thù, chiến tranh, tang thương, chết chóc; không có những cảnh hại lẫn nhau như ở Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình. Nếu họ gieo trồng đủ phước nhân sau khi chết, sẽ có mặt ở nước Thụy Sĩ. Sự có mặt đó vừa là lôi kéo của nghiệp về phương diện nhân quả, vừa là sự phát nguyện định hướng. 

LÀM CHỦ TÂM Ý

Nếu chúng ta biết làm chủ tâm ý thì sự dẫn nghiệp đi trong luân hồi sẽ theo ý muốn, chủ định của mình. Ta không bị lệ thuộc vào chúng một trăm phần trăm như những người thiếu sự tu học và huấn luyện chuyển hóa tâm. Sở dĩ, nghiên cứu về tâm rắc rối vì sự khởi tu nằm trên tâm. Quá trình tiến tu là để tăng trưởng các hạt giống tốt, gạn lọc những hạt giống tiêu cực, đích điểm cuối cùng là chuyển hoàn toàn tâm thức thành tuệ giác.

Việc quán chiếu tương đối khó vì ta không thấy được mặt mũi thật của tâm, chỉ nhìn nhận thông qua các biểu hiện tâm lý, hành động, thái độ và biểu hiện của sự giao tế trong sinh hoạt thường nhật, phải tinh tế lắm ta mới nắm bắt được mặt mũi thật của tâm. Thế nên, Tổ dạy chúng ta không nên ngại về sự khúc mắc, tức là rắc rối trong sự phân tích về tâm. 

Tâm lý học Phật giáo phân tích tâm thành ba dạng: Tâm, ý và thức. Tâm được sử dụng trong thế giới nhị nguyên, để diễn tả trạng thái: Thiện, ác, tốt, xấu, chơn, vọng. Ý: Phân tích chức năng nhận thấy của các giác quan: Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm và ý thức tưởng tượng. Như vậy, các chức năng giác quan này là một phần biểu hiện, tạo ra thực phẩm của tâm.

Nếu ta có một căn nhà gồm sáu cửa kiếng, mỗi cửa để một màu, và bật đèn sáng lên trong nhà, ta quan sát căn phòng này sáng lên từ bên ngoài, sẽ có cảm giác trong nhà đang thắp lên sáu ngọn đèn màu: Xanh, vàng, đỏ, trắng, cam… khác nhau hoàn toàn. Trên thực tế, chỉ có một màu được thắp, kết quả do dán màu khác nhau tạo ra phản ứng về quang học là các màu đó khác với màu được thắp trong phòng.

Tương tự như vậy, phương tiện hiển bày của ý, thức để cho thực phẩm của tâm được tiếp nạp nuôi dưỡng biệt nghiệp, thì cộng nghiệp của con người và các chủng loại chúng sinh sẽ có chức năng khác nhau. Do đó, từ một tâm với hai thế đối lập ta có các phản ứng của thức. Hành giả tu tập theo Duy thức học Phật giáo là làm thế nào để chuyển hóa các vọng động của thức trở thành chơn tâm thường trú, thể tánh tịnh minh.

Khi sử dụng đến ý là ta đang nhấn mạnh tính cách động cơ của hành động, thể hiện khi tâm có mặt trong mọi ứng xử, hành vi. Kinh Tăng Chi đức Phật định nghĩa: “Này các Tỳ kheo, tác ý là nghiệp. Khi tác ý, con người có khuynh hướng thể hiện hành động qua lời nói và việc làm”. Ðịnh nghĩa đã làm cho nhiều nhà Phật học hiểu một cách phiến diện vì đã bỏ mất vế thứ hai, giữ vế đầu “tác ý là nghiệp” từ đó loại suy bằng một dấu bằng.

Hành động nào không tác ý, tức là không có mặt của ý thức, hành động đó không kết quả về phương diện nhân quả. Ðây là phương thức diễn dịch sai dụng ý của đức Phật trong ngữ cảnh như kinh Tăng Chi vừa nêu. Ta nối kết vế thứ hai “Khi tác ý, con người có khuynh hướng thể hiện hành động qua lời nói, và việc làm”. Đức Phật muốn nhấn mạnh tầm quan trọng động cơ của tâm ý, bởi vì nếu không nảy sinh ý tưởng, con người không có hành động để làm, hoặc sẽ bị động trong một thời gian nhất định nào đó. 

Các nhà bác học, khoa học, nương tựa vào sự linh động của ý để phát minh ra những công trình mới. Dựa vào hình dáng các loài chim bay trên bầu trời, người ta đã chế tạo ra trực thăng và các loại máy bay. Dựa vào hình dáng và cách lướt nước của loài thủy tộc, người ta đã chế tạo ra được tàu thủy, và thậm chí là tàu ngầm. Dựa vào những gì con người có thể tư duy được, các nhà phát minh, sáng kiến, tạo ra những sản phẩm mới đa năng hơn, hữu dụng hơn.

Cách đây 20 năm, làm sao chúng ta tưởng tượng được rằng sẽ có một loại viết đóng nhiều chức năng như một camera quay phim, chụp ảnh, thâu âm thanh, có chức năng thu nhận mọi thứ. Những gì con người nghĩ được từ mươi năm trước bây giờ đã trở thành hiện thực. Như vậy, ý là sự tiên phong của động cơ dẫn đến thái độ, quan điểm, lập trường, chính trị, tôn giáo và nhiều học thuyết xã hội với các phương diện, ngành nghề khác trong xã hội. Do đó, khi phân tích về tâm, các Tổ dạy ta phải thấu đáo tâm, ý và thức. Khi nào thì cần làm chủ, khi nào làm lơ, khi nào chuyển hóa, khi nào giữ nguyên vị trí, lúc đó sở học của chúng ta mới được gọi là đến nơi, đến chốn. 

NỀN TẢNG PHẬT PHÁP CẦN NẮM

Trong đạo Phật có một môn được gọi là Duy thức học, chúng tôi đề nghị đổi thành Tâm thức học. Chữ duy dễ dàng làm cho người học hỏi, phân tích rơi vào một trong hai chủ nghĩa duy tâm, đối lập với duy vật. Theo Phật giáo, tất cả sự việc, hiện tượng, trong đó có con người, ý thức, đều được hình thành theo cơ chế vận hành, tương tác. Tâm mà không có thân để tồn tại thì tâm sẽ không phát triển. Thân mà không có tâm hiện hữu, thì chỉ là một thi thể vật lý, xác chết.

Trong cơ thể sống, cần phải có tâm và thân vận hành, tương tác, hỗ trợ qua lại. Từ đó tạo ra nghiệp thiện, nghiệp bất thiện. Khi đổi khái niệm Duy thức học thành Tâm thức học, ta không rơi vào chủ nghĩa “duy”, bởi vì học thuyết duyên khởi không chấp nhận nguyên nhân đầu tiên, dù nó được gán vào vật chất, hay là tâm. 

Từ quan niệm này, ta thấy Tâm thức học là một ngành học để giúp phân tích sự vận hành của tâm, các động lực tốt và xấu, tiêu cực và tích cực, để theo đó ta làm chủ. Khi đã làm chủ được tâm thì hành động, lời nói, việc làm chắc chắn đi vào quỹ đạo của an vui và hạnh phúc. Cần phải nêu ra những thắc mắc về các phương diện của tâm, cách ứng dụng hành trì như thế nào, nếu không sở học làm sao thấu đáo. Theo Tổ Diệu Hiệp, sở học về tâm tức là phân tích sự vận hành của tâm, là một nhu cầu không thể thiếu đối với các hành giả tu học Phật. 

Nội dung thứ hai, từ lời dạy này có thể rút ra: Khi tu học Phật ta phải sử dụng tâm phân tích để thấy rõ đâu là chánh tín, đâu là mê tín, đâu là đường nên đi, đâu là đường ta phải đặt vấn đề. Một trong năm đặc điểm giáo pháp của đức Phật là “Đến để mà thấy”, khác hẳn với các tôn giáo khác là “Đến để mà tin”.

Ðến để mà tin là ta đặt giá trị chân lý như cái cày trước con trâu. Mọi biện giải và lý luận kéo theo sau chỉ là sự minh họa cho chân lý tiền đề, vốn không hề có sự thay đổi. Chính vì thế niềm tin mê tín của các tôn giáo nhất thần và đa thần trong lịch sử tư tưởng của nhân loại rất nhiều, thậm chí mang lại nỗi khổ niềm đau cho con người không ít. Theo lời Phật dạy, chúng ta đến với đạo Phật bằng sự hiểu biết để thấy rõ đâu là nhân, đâu là quả, đâu là duyên tác dụng giữa nhân và quả để tạo ra giá trị chân như. Do đó, cần phải sử dụng ý thức khách quan để nhận định đánh giá. Tất cả dữ liệu truyền thông chỉ xem như đơn thuần, đừng xem nó là giá trị chân lý hay phi chân lý, ngoại trừ ta phân tích bằng các thước đo chân lý. 

Như vậy, khi phân tích chúng ta lấy đâu để làm chuẩn? Trong kinh điển từ Pali cho đến A hàm, và Ðại thừa, ta thấy có tất cả sáu thước đo rất chuẩn. Ngoài sáu thước đo này, bất cứ lời giảng, pháp môn nào, nếu không phát triển, và đặt nền tảng theo sáu thước đo đó, ta được quyền đặt nghi vấn. Nếu trong kinh điển Pali có nói, mà kinh điển Ðại thừa không thì ta cũng được quyền đặt vấn đề. Nếu trong kinh điển Ðại thừa có nói mà kinh Pali không, thì ta cũng được quyền đặt vấn đề. Nếu cả hai nguồn kinh điển đều nói, thì có thể đảm bảo. Dưới đây là những thước đo căn bản về phương diện phương pháp luận. 

1. Duyên khởi: Học thuyết Duyên khởi được xem là tuệ giác - phát minh đầu tiên do đức Phật Thích Ca, cách đây hơn hai mươi sáu thế kỷ để xác định vũ trụ, con người, vạn vật không do Thượng đế và các thần linh tạo dựng. Do đó, với vai trò của một con người, chúng ta chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi, đạo đức do mình tạo ra. Ta không thể đổ thừa cho bất cứ trường hợp nào, con người nào, hay do Thượng đế, thần linh, trời, đất... mọi nguyên nhân chủ quan hay khách quan của xã hội. Như vậy, học thuyết Duyên khởi giúp con người có trách nhiệm đạo đức.

Về phương diện nhận thức luận, học thuyết Duyên khởi giúp con người có một nhận thức phân tích về bản chất của nhân và duyên rất da đạng. Ta không thể giải quyết vấn đề một cách đơn giản mà phải tổng hợp hết mọi thứ và đưa ra kết luận. Ðây là phương pháp khoa học mà các ngành học hiện đại đang sử dụng, nó hoàn toàn phù hợp với lời Phật dạy.

2. Nhân quả: Nhân quả là một phương diện ứng dụng của duyên khởi, là thước đo của đời sống đạo đức, phước và tội, hạnh phúc và khổ đau, thuận và nghịch. Tất cả các pháp môn của Phật giáo đều đặt trên nền tảng nhân quả. Nếu chúng ta tu học theo bất kỳ một pháp môn nào, trong đó có quá nhiều hứa hẹn, chẳng hạn như đạt được sự mầu nhiệm chỉ cần làm việc A, B, C... thì mọi nỗi khổ niềm đau sẽ tan biến mà ta không phải nỗ lực nhiều, dù biết rằng đó là lời khích lệ hơn là mô tả chân lý. Chân lý không thể nào ngược lại với nhân quả. Lời khích lệ giúp chúng ta có giá trị trấn an trong một hoàn cảnh bị bấn loạn về tâm mà ta không đủ sức vươn lên trên con đường tu học và hành trì.

3. Tứ diệu đế: Là một phương diện giải quyết vấn đề cho nhiều tình huống nghịch cảnh khác nhau. Công thức của Tứ diệu đế là hai lớp nhân quả:

Thứ nhất, thừa nhận bế tắc, khổ đau có mặt với mình là một hiện thực. Do vậy người tu học theo Phật giáo không chán nản, trốn chạy cuộc đời và nghịch cảnh mà phải trực diện với chúng thật bản lĩnh không sợ sệt để ta xem gốc rễ của nó nằm ở đâu. Từ thái độ phân tích này, ta mới truy ra nguyên nhân xa và gần, khách quan và chủ quan, mình và người, hoặc bao gồm tổng hợp những thứ vừa nêu. Trong kinh tế học và lĩnh vực ngành nghề khoa học, hầu như không có phương pháp nào vượt khỏi cấu trúc thừa nhận sự bế tắc, để tìm ra nguyên nhân.

Thứ hai, đối đầu lớp nhân quả trước tiên là an vui hạnh phúc, đỉnh cao nhất là Niết bàn, không bị trở về trạng thái của khổ đau thêm lần nữa, cũng không có được từ cầu nguyện, van xin hay phép mầu. Nó có được bằng con đường thực tập Bát chánh đạo, bắt đầu bằng Chánh tư duy và kết thúc bằng Chánh trí tuệ. Như vậy, ta thấy rõ con đường thực tập trong Phật giáo chính là tiến trình nhân quả. 

Ðúc kết lại lời Phật dạy trong kinh, Ngài khẳng định, xưa cũng như nay; từ lúc Ngài thành đạo dưới cội bồ đề cho đến trước lúc nhập Niết bàn, trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp, Ngài chỉ đưa ra hai vấn đề là vạch mặt khổ đau và chỉ rõ con đường để vượt qua khổ đau. Như vậy, tu học mà không dựa trên giải quyết vấn đề bằng Tứ diệu đế, thì ta sẽ đi ngoài quỹ đạo của chánh pháp.

Tứ diệu đế là một phạm trù mang nặng về phương diện phép mầu. Còn có nghĩa là Tứ thánh đế. Sở dĩ có chữ Thánh là vì bất kỳ hành giả nào, tại gia hay xuất gia, thực tập đúng con đường Bát chánh đạo, thì sau thời gian thực tập, tính cách phàm phu sẽ giảm thiểu một cách đáng kể, thay vào đó là tính cách của Thánh nhơn. Nếu tu tập một cách rốt ráo, thì người phàm sẽ không còn là phàm nữa mà sẽ trở thành Thánh nhơn với quả chứng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả A la hán, Bồ tát và Phật. Vấn đề là thời gian và phương pháp luận cũng như sự nỗ lực, dụng công như thế nào.

4. Vô Ngã: Nếu pháp môn nào cho rằng tự ngã là thật, được xem bằng với danh xưng do cha mẹ đặt, trên thân thể vật lý ba mươi sáu thể trượt, được cấu tạo bởi nguyên lý chất rắn, chất nhiệt, chất lỏng, không khí. Hoặc dòng cảm xúc, ý niệm quán, tâm tư, và nhận thức phân biệt là tôi, và cái tôi đó bị lệ thuộc vào một trong năm yếu tố, hay cả năm yếu tố thì người đó đang đi trên đường tà.

Khi hiểu được Vô ngã về phương diện nhận thức luận; đối diện với già, bệnh, chết và những thiên tai, hành giả vẫn thản nhiên, hoan hỷ chấp nhận, không có những phản ứng trỗi dậy dẫn đến những nỗi đau, hay sự tàn phá cõi tâm, người như thế được xem là hiểu được vô ngã.

Về phương diện tâm lý học, người hiểu được vô ngã sẽ có thái độ khiêm hạ, từ tốn, không cống cao ngã mạn, không cho mình là trung tâm của vũ trụ. Chỉ xem mình là bộ phận cơ cấu tập thể của sự sống, trong đó rất nhiều người và mỗi người đóng chức năng khác nhau. Ta có thể là thầy của thiên hạ về sở trường tốt nhất của mình, nhưng cũng là học trò của thiên hạ về hàng trăm lĩnh vực khác. Bằng tinh thần như thế, việc tu học cần phải tinh tấn vươn lên và sẽ không bao giờ cảm giác rằng mình đã tu học đủ, trọn vẹn, mà không cần tìm kiếm để học hỏi thêm. 

Vì thế, thước đo này sẽ giúp ta không mê tín vào cái tôi, để không rơi vào chủ nghĩa ngã si, ngã kiến, ngã mạn, không có thần tượng cái tôi là trên hết, để trở nên khiêm hạ, hòa nhã, kính trên, nhường dưới và dung thông trong mọi phương diện đối tác.

5. Vô thường: Là dòng chảy của thời gian. Lúc đầu, tạm gọi là quá khứ, kế tiếp là hiện tại và những gì chưa diễn ra là tương lai. Tương lai dần dà trở thành hiện tại. Hiện tại tức tốc trôi qua trở thành quá khứ. Cứ như thế, dòng chảy không bao giờ có sự dừng. Một vũ trụ tồn tại, phát triển, hoại diệt được gọi là sinh, trụ, dị, diệt. Sự hình thành lên chúng gọi là thành, trụ, hoại, không.

Mỗi chúng sanh có bốn giai đoạn: Sinh, già, bệnh, chết. Thời gian gồm có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông; mỗi mùa có 3 tháng; ngắn hơn có ngày và đêm. Sự vận hành đó luôn trôi chảy và cách tiếp nối không dừng. Như thế, khi đối diện với già, bệnh, chết, ta thấy đó là một quy luật tự nhiên, không có thần linh hay đấng tối cao nào cưỡng lại được. Không thể kháng lại, không phủ định mà phải thuận theo để chuyển hóa tâm thức; không để cho nỗi khổ, niềm đau bám trên sự chấp trước này, nhờ vậy, hành giả được thong dong tự tại. 

Tất cả các pháp môn và kinh điển của Phật giáo Ðại thừa, đều là sự phát triển về lĩnh vực nào đó trên năm thước đo vừa nêu. Không có pháp môn nào vượt ra khỏi năm thước đo này. Có thể bằng những ngôn ngữ khác, nhưng nội dung chỉ là một. Có thể quá chi tiết và ấn tượng, rộng rãi mang tính thuyết phục hơn, giống như một tác phẩm văn học thời hiện đại, nhưng tất cả đều trên nền tảng của năm thước đo đó.

Như vậy, khi ta học thấu đáo, nên lấy năm thước đo này ra để làm chuẩn thì không bao giờ sợ chủ nghĩa thần tượng về một ai, làm cho mình có thể mê tín dị đoan. Thà ta chấp nhận sự khó khăn về nhân quả, để nỗ lực tự tu, tự học có mặt từ ban đầu, ta sẽ trở thành người thành công được mấy mươi phần trăm. Nếu ta nghe theo những lời hứa hẹn, chẳng khác gì ăn bánh vẽ, chỉ hấp dẫn giai đoạn đầu, nhưng nó vô vị trong tiến trình đi, không có kết quả gì ở điểm cuối.

HAI LỚP NGHĨA CỦA LỜI PHẬT

Ðiều kế tiếp trong việc học thấu đáo ta phải hiểu rõ là mỗi bài kinh Phật dạy có hai lớp ý nghĩa: Thứ nhất là nghĩa đen và nghĩa trắng, lớp ý nghĩa thứ hai là biểu tượng. Bản chất của biểu tượng là ngấm ngầm, ám chỉ một triết lý. Nền văn hóa Ấn Ðộ, người ta không thích nói quá rõ ràng, giống như trong văn chương Việt Nam, truyện Kiều được xem là kiệt tác, không phải vì câu chuyện quá lâm ly bi đát, mà vì nó có nhiều điển tích và sử dụng ngôn từ ấn tượng làm cho người ta chấp nhận và cho rằng nó hay hơn nguyên tác mà Nguyễn Du đã mượn từ Trung Hoa.

Người Ấn Ðộ cũng tương tự, nói bằng nghĩa đen, nghĩa trắng thì họ xem đó là một tác phẩm bình thường. Nói bằng biểu tượng để tạo cơ hội cho họ giải mã các triết lý, được xem là tác phẩm hay. Ðạo Phật có mặt trong nền tảng văn hóa tâm linh này, vì Phật giáo Ðại thừa đã sử dụng các kỹ năng đó để mô tả triết lý cao siêu của lời kinh. Khi tiếp xúc với kinh, phân tích về tâm tính, các sự kiện, ta cũng cần phân tích bằng hai lớp ý nghĩa: Đen trắng và biểu tượng. 

Phần lớn ngôn ngữ diễn đạt trong kinh Ðại thừa thường thuộc dạng biểu tượng. Tiếp xúc lớp biểu tượng ta mới hiểu thấu đáo được triết lý sâu xa mầu nhiệm trong kinh Ðại thừa. Ví dụ, Diệu Pháp liên hoa là nêu ra hoa sen diệu pháp để cho chúng ta thấy khi sen còn trong bùn, dưới mặt nước với hình thức là một cái nụ, khi ở giữa chừng là cái búp, trồi lên mặt nước cũng là búp. Sau đó nở ra vài chục phần trăm, và nở trọn một trăm phần trăm.

Phân tích về tiến trình vừa nêu, ta thấy, trong búp sen và hoa sen có đầy đủ bốn yếu tố: Gương, nhụy, cánh và hạt. Ðiều đó đồng thời giúp ta hiểu về nhân quả. Bốn vị trí của sen ở dưới bùn, vượt vừa mặt nước, lên mặt nước và nở đầy đủ tượng trưng cho các trình độ tâm linh của các chủng loại chúng sinh khi còn trong cảnh giới của ngạ quỷ, súc sinh, người, A tu la, Thiên, A la hán, Bồ tát và Phật; sự khác nhau còn phụ thuộc vào thời gian tu tập chuyển hóa.

Tính giác ngộ, điểm cao nhất là Phật tính vốn không mất đi trong tiến trình của đời sống. Khi đã nhận dạng, hiểu được như thế thì hàng chúng sinh sẽ không rơi vào trạng thái mặc cảm, tự ty; nghĩ rằng mình là kẻ phàm tục, không tu được, không đắc được, không đạt được trình độ tâm linh như các vị Phật, và Bồ tát. Khi đã đạt được ta cũng không rơi vào sự cống cao, ngã mạn vì việc đạt được đó nhiều người cũng thành công trong quá khứ như các đức Phật, Bồ tát, A la hán, Thánh Tăng, các vị cư sĩ đã từng đạt được trong quá khứ, và tương lai cũng như vậy. Vì vậy không có gì để hãnh diện, tự hào, nhờ đó hành giả vượt qua khỏi hai phương diện đối lập của cái tôi là cống cao và mặc cảm (tự tôn và tự ty).

Cống cao là sự trương sình, mặc cảm tự ti là xẹp lép cái tôi. Giống như một bên là bánh xe quá trương phồng, hơi được bơm quá đầy thì sẽ dễ bị nổ. Còn một bên là bánh xe xẹp lép không có hơi, chạy chút xíu thì ruột bị cán nát có thể xảy ra tai nạn. Hai phương diện trương sình và xẹp lép cái tôi là kẻ thù của tâm linh, con đường hạnh phúc. Vì vậy hành giả cần phải phân tích thấu đáo để vượt qua.

Đừng hiểu đơn thuần hình ảnh hoa sen chỉ là một loại hoa để dâng cúng Phật, hoa đẹp nở vào mùa hè. Hoa sen có nhiều chức năng: Tim sen dùng nấu nước uống có tác dụng an thần ngủ ngon giấc. Hạt sen để chế biến thức ăn, nấu chè hỗ trợ cho tim. Ngó sen dùng để làm gỏi, xào, nấu canh.... Lá sen dùng để gói bánh, gói cơm và những phần còn lại làm thuốc Nam. Nếu ta nghĩ theo nghĩa đen đơn thuần thì chỉ đạt được giá trị y học từ cây hoa sen. Nếu dùng hoa sen như biểu tượng để mô tả về Phật tính, ta sẽ không rơi vào mặc cảm phàm phu, cũng không rơi vào trạng thái cống cao ngã mạn. Toàn bộ kinh điển Ðại thừa đều diễn ra theo một kết cấu như thế. 

Trong kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy: Khi đức Phật tuyên diễn về pháp môn Nhứt Phật thừa, mấy ngàn người đã đứng dậy bỏ đi, rất nhiều người hoang mang, đức Phật nói hãy ngồi yên đó. Những người bỏ đi chính là những hạt lúa lép, họ như thế ra đi càng tốt để đạo tràng tu học còn lại toàn những hạt giống chắc, và đức Phật vẫn tiếp tục tuyên diễn giáo pháp nhiệm mầu.

Sau khi đức Phật trình bày xong có nhiều vị Bồ tát đến từ hành tinh khác phát nguyện với Ngài rằng: “Xin Như Lai Thế Tôn hãy cho chúng con một cơ hội truyền bá học thuyết cao siêu này cho cư dân của Ngài, để góp một bàn tay vận chuyển bánh xe chánh pháp”. Ðức Phật nói: “Lành thay, lành thay, Ta xin ghi nhận thiện chí của các vị, nhưng ở cõi Ta bà này cũng có nhiều vị Bồ tát tương tự, dầu chỉ mới phát tâm, chưa có kinh nghiệm nhiều, nhưng Như Lai tin chắc rằng họ sẽ làm thành công như các vị”.

Vừa dứt lời, từ dưới đất vọt lên vô số Bồ tát mới phát tâm, đứng ra phát nguyện trước Phật và các vị đại Bồ tát rằng: Chúng tôi xin làm công việc này, truyền bá học thuyết Nhứt Phật thừa, để mang an lạc, bình an, rũ bỏ mặc cảm tự ty cho chúng sinh trong tiến trình sanh tử và luân hồi. Nói xong các ngài đó làm Phật sự, dẫn dắt rất nhiều chúng sinh. Câu chuyện kết thúc tại đây. Và đó chính là toàn bộ nội dung của phẩm Tùng Ðịa Dõng Xuất. 

Nếu phân tích bài kinh bằng nghĩa đen thì ta đang hồi tưởng về chuyện kiếm hiệp của Kim Dung, tức là có năng lực độn thổ từ dưới đất nhảy vọt lên. Trên thực tế không có những truyện, phim ảnh cho phép chúng ta tư duy. Ðạo Phật dựng ra những câu chuyện này không phải để giải trí, mà để ta động tâm, suy nghĩ, nghiên cứu thấu đáo tại sao Ngài phải dùng từ dưới đất vọt lên mà không từ trên nhảy xuống.

Mỗi người có một mảnh đất tâm, trong đó có rất nhiều hạt giống. Các vị Bồ tát phát tâm được hiểu là tiềm năng ở mỗi con người. Nếu ta biết khai thác, tạo điều kiện cho tiềm năng này có mặt, thì mỗi ước mơ sẽ trở thành hiện thực. Vấn đề là tính thời gian. Các vị Bồ tát ở các hành tinh khác tượng trưng cho sự viện trợ bên ngoài.

Mặc dù ta biết các vị Bồ tát ở hành tinh khác đến hành tinh này nghe đức Phật thuyết giảng cảm kích mà phát tâm không có điều kiện. Nhưng vấn đề ta phải hiểu: Cái gì tiếp nhận từ bên ngoài, sau khi xài hết mỗi lần làm Phật sự, ta phải thỉnh mời từ phương xa đến. Do đó, phải thỉnh cầu nguồn tuệ giác ở địa phương và con đường làm đạo của Phật giáo đều diễn ra như vậy. 

TRUYỀN THỐNG VÀ TIẾP BIẾN

Các Tổ đầu tiên truyền đạo Phật sang Việt Nam chỉ có vài người Việt Nam lãnh thọ, và các Tổ Việt Nam chính là người làm Phật sự thành công cho người Việt Nam vì họ thuận, hợp với nền văn hóa của người Việt. Các Tổ từ Ấn Ðộ sang và truyền đạo cho các Tổ bên Trung Quốc, nhưng chính các Tổ ở Trung Quốc đã làm nên đại sự nghiệp.

Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma giới thiệu đạo Phật sang Trung Quốc, nhưng ngài không làm nhiều Phật sự tại đây. Chính các Tổ, và đỉnh cao nhất là ngài Huệ Năng, đã làm Phật sự nở rộ ở mảnh đất này. Cũng thế, nếu ta muốn làm đạo ở Hoa Kỳ và nhiều xứ khác, thì ta phải độ nhiều người địa phương. Chính họ, với những cảm tính văn hóa, phong tục tập quán, tri thức, quan niệm, cách thức, đời sống của họ, giới thiệu đạo Phật bằng ngôn ngữ và văn hóa, thì người bản địa sẽ tiếp nhận dễ dàng hơn. Nếu nhập cảnh nguyên xi đạo văn vào Hoa Kỳ, kết quả là ta chỉ phục vụ cho người Việt Nam ở Hoa Kỳ, còn cộng đồng ngoại quốc vẫn đứng ngoài cổng chùa. Con em chúng ta, từ thế hệ một rưỡi, thứ hai trở đi, mặc dù ở trong chùa, nhưng về phương diện tri thức vẫn đứng ngoài cổng chùa, vì đọc kinh bằng âm Hán-Việt, chẳng hiểu gì cả.

Trong tương lai, muốn cho Phật giáo Việt Nam tồn tại ở các quốc gia khác thì ta phải có nghi thức đọc, tụng bằng ngôn ngữ bản địa. Ở Hoa Kỳ, Úc, Anh và các nước nói tiếng Anh, thì nghi thức tụng niệm và sinh hoạt phải bằng tiếng Anh. Ở Pháp thì nghi thức tụng niệm và sinh hoạt phải bằng tiếng Pháp. Ở Ðức thì bằng tiếng Ðức. Tương tự, ở châu Phi phải bằng ngôn ngữ của châu Phi. Như thế đạo Phật mới tồn tại. 

Lịch sử của đạo Phật hoàn toàn phù hợp với các điều như đức Phật nêu trong phẩm Tùng Ðịa Dõng Xuất, đây là biểu tượng và tiềm năng mà đức Phật khích lệ chúng ta phải phát huy. Ai cũng có sẵn tiềm năng, các vị Bồ tát và Phật đang trong tâm thức. Ta phải có niềm tin dùng chìa khóa mở cửa tiềm năng này để sử dụng một cách lâu dài và thành công.

Ðức Phật đã chỉ cho ta thấy trong kinh Pháp Hoa khi Ngài vừa dứt lời, từ dưới đất vọt lên, tức là mảnh đất tiềm năng trong tâm thức con người, với niềm tin ta cũng làm được Phật sự như các vị Bồ tát lão luyện kinh nghiệm độ sinh ở hành tinh khác. Nếu nhìn góc độ vi tế hơn thì lời của đức Phật đối với một số người làm Phật sự vì cầu danh, như gáo nước lạnh tạt vào mặt họ. “Bạch Như Lai Thế Tôn, chúng con xin phát nguyện làm Phật sự ở cõi Ta bà, xin Ngài cho chúng con một cơ hội”. Phật nói: “Lành thay, lành thay Tôi xin ghi nhận nhưng Tôi không cần đến các vị”. Nếu làm Phật sự bằng cái tôi tự ngã, khi được trả lời như thế ta có thể vận động quần chúng đến ngôi chùa khác liền.

Con đường Phật sự bằng cái tôi thường diễn ra như vậy. Bởi thế các vị trụ trì thường chiều theo những người có công làm Phật sự với tư cách là những người dẫn đạo tràng, dẫn ban hộ niệm, hay vận động tài khoản, tài chánh cho chùa. Như vậy, động cơ làm Phật sự đó là vì cái tôi, chớ không phải cho Phật sự được thành công. Đức Phật đã làm một bài kiểm tra, nói rằng không cần, để xem các vị Bồ tát có giận, hờn, và vận động quần chúng đi hay không. Tuy vậy, các ngài vẫn có chí nguyện vững mạnh như trước khi phát nguyện. Ta chỉ cần thử một chiêu là biết họ làm Phật sự bằng động cơ nào.

Hiểu phẩm kinh Tùng Ðịa Dõng Xuất theo nghĩa đen, nghĩa trắng ta sẽ nghĩ rằng đây là câu chuyện hoang đường; đơn giản hơn, giải trí cho vui, như truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Nếu tiếp xúc về nghĩa biểu tượng của chân lý, ta thấy sự giải mã, chìa khóa giải mã và phương pháp giải mã phải ứng hợp với nền văn hóa của Ấn Ðộ là không thích nói quá rõ ràng mà nghĩa lý thật khó khăn cho người ta phải suy nghĩ. Với cách thức dùng dấu chấm, thậm chí bằng những dấu chấm hỏi thật to, khi giải mã được rồi thì họ mừng vô cùng. Cũng như khi đọc một tác phẩm khó hiểu, làm cho ta phân vân, nhiều lúc chán nản muốn bỏ, cuối cùng hiểu ra được thì hạnh phúc vô cùng. 

ĐẠI NGHI ĐẠI NGỘ

Các Tổ Thiền tông Trung Hoa có dạy: “Tiểu nghi tiểu ngộ, trung nghi trung ngộ, đại nghi đại ngộ”. Nghi ở đây không phải là hoài nghi, không phải là chủ nghĩa hoài nghi của triết học mà là đặt vấn đề để tìm những thước đo giải mã. Nếu ta không đặt vấn đề, sẽ dễ dàng tin theo mê tín dị đoan, vì chư Tổ thấy rất rõ trong quá trình biên tập kinh điển có thể khác với những gì đức Phật đã nói. Có những điều rất sâu sắc, Phật nói trong suốt bốn mươi chín năm, người biên tập không thể nhớ hết, nên đã bỏ đi những điều rất hay. Có nhiều điều Phật không dạy nhưng trong quá trình biên tập, các Tổ dùng phương tiện đã thêm thắt một vài câu, vài chữ. Chẳng hạn như học thuyết địa ngục nếu ta tin là có, về phương tiện dẫn dụ, thì trong thời hiện tại này nó mất đi độ ảnh hưởng. 

Ðây là lý do mà đức Phật đã nêu ra trong kinh Ca La Ma: “Đừng vội tin vào một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển. Ðừng tin một điều gì, chỉ vì điều đó được đức Phật, hay các đạo sư thuyết giảng”. Ðây là hai cách thức đặt vấn đề sẽ làm cho con người phát triển trí tuệ về học thuyết của đạo Phật, từ đó việc ứng dụng mới có chiều sâu; dù thời gian chậm, nhưng kết quả nhanh. Nếu không có phương pháp đặt vấn đề để giải quyết như thế thì dễ dàng tin theo những lớp ý nghĩa cạn, chỉ trong phạm vi nghĩa đen, nghĩa trắng.

Nếu đặt vấn đề không đúng cách cũng dễ bị tẩu hỏa nhập ma. Chúng ta cần phải đến với những vị cao Tăng tham vấn mỗi khi bế tắc, phải tìm thầy học đạo. Như Thiện Tài đồng tử đã tham vấn trên năm mươi vị thầy nhờ đó tích tụ được tinh hoa của tất cả các vị thầy. Chúng ta nên học Phật bằng tinh thần như thế.

Nghiên cứu kinh điển, ứng dụng hành trì các pháp môn, ta được quyền đặt vấn đề. Khi đặt vấn đề, chúng ta bỏ qua chính tác giả là Phật, đừng nghĩ đó là Phật, mới dám đặt vấn đề, nghiên cứu, phân tích, đưa vào ứng dụng giá trị lợi lạc ngày càng cao, không có tác dụng sai, thì đó mới là chánh pháp. Những người rơi vào chủ nghĩa hoài nghi, bất cứ tốt hay xấu họ cũng nghi; rốt cuộc đánh mất cơ hội không học được những cái tốt. Như vậy họ chỉ chú ý hình thức bên ngoài, còn bên trong thì không hề có được tâm an vui hạnh phúc.

Hoài nghi là một bế tắc, là phản ứng phụ thuộc của si mê. Người tu có tuệ giác thì không do dự, chần chừ, tiến thối lưỡng nan; vì họ thấy bằng trực quan sinh động, giải quyết vấn đề nhanh chóng và kết quả. Người hoài nghi, có kiến thức mà không dám sử dụng, chấn chỉnh để đi trên đường tốt, chỉ đặt những vấn đề không chính đáng, kết quả là dậm chân tại chỗ.

XÂY DỰNG ĐẠO HẠNH

Ðiều tâm niệm thứ tư: “Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không ma chướng, vì không ma chướng thì sở nguyện không kiên cường”.

Trong điều tâm niệm này ta thấy xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, và lý do đưa ra của ngài Diệu Hiệp là nếu không có ma chướng thì chí nguyện không được kiên cường. Ở đây có ba vế: Đạo hạnh, ma chướng, kiên cường của tâm chuyên pháp môn hay là của tâm trên con đường đạo đức. Nó có thể diễn ra theo chiều thuận và nghịch của dấu mũi tên.

Nếu đặt theo chiều hướng thuận, đạo hạnh kéo theo ma chướng; ta chấp nhận nó là một sự thật hiển nhiên, rõ ràng trong lúc làm Phật sự, có quá nhiều người “chọc gậy bánh xe”, điều đó rất bình thường. Nếu làm Phật sự mà không có ma chướng, thì biết rằng Phật sự của ta chỉ là cỏn con. 

Sự truyền bá Phật pháp Việt Nam sang hải ngoại của các vị cao Tăng cận đại gặp ma chướng rất nhiều. Cách đây vài năm, HT.Thích Thanh Từ sang Hoa Kỳ và Úc châu thuyết pháp, làn sóng phản đối Hòa thượng dâng cao chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Họ lý luận rằng: Tại sao có Hòa thượng A, B bị quản thúc, không được đi, còn Hòa thượng này lại được cấp hộ chiếu ra, vào Việt Nam dễ dàng như thế? Như vậy Hòa thượng là người đội mũ cộng sản, hay là cộng sản, mới được uy quyền, ưu đãi; những người khác không phải nên không được xuất ngoại.

Lý luận về phương diện logic rất hấp dẫn. Trên nữa thì không hề có chân lý vì ai học triết đều biết rằng có nhiều thứ chỉ có logic mà không có chân lý, và chân lý không nhất thiết phải bị lệ thuộc vào logic. Chân lý là chân lý, có tình huống đi từ logic, có cái không lệ thuộc vào logic, bởi vì chân lý là cái diễn ra hiển nhiên không phải ai cũng có thể cảm nhận, đong đo bằng cảm nghĩ của mình.

Trước năm 1975, Hòa thượng không tham gia Giáo hội. Sau năm 1975, cũng không hề tham gia Giáo hội. Sư phụ của HT.Thanh Từ là cao Tăng Thích Thiện Hoa, bực mô phạm đã để lại rất nhiều phương pháp hành trì, thông qua bộ sách nổi tiếng Cây thang giáo lý về sau ấn bản đổi thành Phật học phổ thông. HT.Thích Thiện Hoa là Đệ nhị Viện trưởng Viện hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. HT.Thích Thanh Từ tu học với HT.Thích Thiện Hoa, nhưng người vẫn không tham gia Giáo hội. Ngài đã tự tìm cho mình một pháp môn tu là Thiền tông.

Sau năm 1975, Hòa thượng âm thầm xây dựng các đạo tràng trở thành thiền viện; hiện nay ở Việt Nam ta thấy có vài chục thiền viện ở các tỉnh thành. Hoa Kỳ, Úc, và nhiều nước khác cũng có những ngôi chùa rất lớn do Hòa thượng Thanh Từ hướng dẫn về Thiền.

Như vậy, đi về pháp môn, chính là con đường xa xưa các đức Phật, Tổ sư đã đi qua chứ không đi theo con đường hành chính của Giáo hội. Hòa thượng không tham gia bất kỳ một Giáo hội nào, chỗ đứng của người là độc nhất. Vậy mà khi sang hải ngoại, các phương tiện truyền thông, phần lớn là người Thiên Chúa giáo, họ rải bụi tung mù cho người ta nghĩ rằng Hòa thượng là cộng sản để quần chúng Phật tử không nghe Hòa thượng thuyết pháp, do đó con đường hoằng truyền Phật pháp của ngài bị giới hạn. Họ ngồi phía trong cười như con lật đật được giựt dây. Nhiều người không có cái nhìn sâu xa cho rằng là thật, cuối cùng Phật giáo không được mở rộng. 

Thế nên ta phải thấy rằng, trên con đường xây dựng đạo và hạnh gồm có hai vế. Vế một là tu tập cho bản thân, về phương diện đạo đức, đó là hạnh. Ðạt được đạo đức ta sẽ có định và kéo theo là tuệ giác. Như vậy, con đường đạo tức là tâm linh chúng ta sẽ được thanh lọc. Bản chất tu tập của Phật giáo không thể cho riêng mình, nơi nào có nhu cầu, ta đến. Thậm chí những chỗ chưa có nhu cầu, ta cũng đến để truyền bá. Ðây chính là kinh nghiệm của đức Phật.

Có những nơi, đức Phật đến người ta ném đá, chọi gạch, chửi bới, Ngài vẫn kiên nhẫn, vì nếu không truyền con đường tâm linh mới tại đây thì làm sao người ta biết đến đạo Phật. Tôn giả A Nan đã chùn chân thối chí và nghĩ nếu ngày nào cũng có người dùng đá chọi như thế thì chúng sanh gieo nghiệp xấu, đọa địa ngục, thôi thì Thầy trò mình hãy tìm chỗ bình an khác.

Ðức Phật hỏi: “Nếu đến chỗ khác vẫn có người ném đá như vậy, ông làm sao?”. A Nan nói: Thì tiếp tục đi. Ngày hôm sau, tháng sau, năm sau nữa, chẳng lẽ cứ như vậy tiếp tục đi tìm chỗ bình an. Đức Phật dạy: Cứ ở, tiếp tục đối diện với nghịch cảnh, nghịch cảnh này sẽ được truyền qua bằng đạo lực và sự chuyển hóa của Thầy trò chúng ta. Kết quả là vài ngày sau không còn ai chống đối nữa.

Như vậy, ta thấy rằng đạo hạnh càng cao thì ma chướng càng lớn ở giai đoạn xuất phát và tiến trình. Nhưng ở tích điểm cuối cùng thì ma lực vẫn kém hơn Phật lực. Ma lực phải ngã quỵ trước Phật lực, cũng như bóng tối phải nhường lại cho ánh sáng ngự trị. Ban đêm phải nhường cho ban ngày. 

Ðây là một nhận thức rất quan trọng, tạo nên sự bền bỉ để chúng ta đi trên đường tu đến nơi đến chốn. Nếu khi làm Phật sự, gặp quá nhiều chướng duyên mà bỏ cuộc thì đó là sự tổn thất. Như vậy, mình trở thành nạn nhân của sự thiếu tinh tấn mà lại đổ thừa cho nghịch cảnh. Chỗ nào Phật sự càng cao thì ma chướng càng nhiều, vì ma không muốn cho mình thành tựu, nó sợ mất quyến thuộc.

Phật tử nên lưu tâm điều này, nhất là ở hải ngoại vì phương tiện truyền thông nằm vào tay Thiên Chúa giáo cực đoan. Họ kích động để Phật tử của thầy A chống lại Phật tử của thầy B, và kết quả là Phật tử chống quý thầy. Tăng Ni chống lẫn nhau. Phe ta đánh phe mình. Do đó bản chất hòa hợp, thanh tịnh của Tăng đoàn không còn. Phật giáo sẽ bị chia rẽ thành nhiều mảnh vụn. Người này phủ định người kia, người kia chụp mũ người nọ, cuối cùng người nào cũng là cộng sản. Đức Phật dạy: “Trùng sư tử nhục”, nghĩa là không một con thú nào có thể hại được sư tử, ngoại trừ con trùng nằm trong cơ thể sư tử mới giết chết sư tử; cũng vậy, không một ngoại đạo nào có thể phá được đạo Phật, chỉ có những huynh đệ trong đạo Phật tranh giành ganh ghét nhau làm lũng đoạn đạo của mình.  

Tại Hoa Kỳ chừng vài năm sau, hầu như không có vị thầy, sư cô nào không bị chụp mũ là cộng sản, không bởi người này cũng bởi người khác. Tất cả hành giả chân chính của Phật giáo không đội bất kỳ cái nón cối hay là nón sắt nào trên đầu; vì chính trị thuộc về thế gian. Con đường tâm linh Phật, Pháp, Tăng là vĩ đại hơn hết, trường tồn vĩnh cửu, siêu việt với thời gian.

Đừng bỏ giá trị của đạo Phật như kim cương để đổi lấy nón cối, hay nón sắt chẳng đáng ba xu, bởi vì nó thuộc về cuộc đời hận thù, chiến tranh, tàn phá, loại trừ mất lòng từ bi. Đạo Phật dạy chúng ta con đường Trung đạo, không đứng về phía nào để ta có thể hướng dẫn cho hai phía. Vấn đề họ có chấp nhận chúng ta hay không là quyền tự do, con đường tâm linh của nhà Phật là không đứng về phía nào.

Nên, khi làm đạo mà gặp ma chướng ta phải cười nhẹ nhàng như không có gì xảy ra, vì lúc đó tâm lý cường điệu hóa, một hạt cát nho nhỏ mà nghĩ như một tảng đá thì sẽ thương tổn tâm làm Phật sự, tâm tinh tấn tu hành kiên nhẫn của nhiều hành giả khác. Do đó phải gieo vào tâm mình những hạt giống không sợ hãi.

Nếu chúng ta sống đạo đức như thước đo trong cuộc đời thì không có lý gì, nguyên do gì phải sợ. Người không có đạo đức mới sợ. Sợ luật pháp trừng trị, sợ con người nguyền rủa, sợ xã hội cô lập và sợ khổ đau theo đuổi như bóng không rời hình, âm vang không tách rời tiếng. Nếu ta cương trực thẳng thắn, đàng hoàng, đạo đức, giới luật tốt thì không có lý do gì để sợ ai. 

NGHỊCH CẢNH VÀ ĐẠO HẠNH

Trên đường đạo, khi gặp nghịch cảnh, ta phải xác định rõ là Phật pháp không tranh luận với đời, chỉ có thế gian mới tranh luận với Phật pháp. Bản chất của Phật pháp là hóa giải hận thù, thế gian thì chất thêm những thứ đó vì lợi ích riêng tư của cái tôi được bình phong dựng lên rất đẹp như: Chủ nghĩa này, học thức kia. Nhưng con đường tâm linh khác hoàn toàn với con đường thế tục của chính trị. Do đó các nhà chính trị không nên gán ghép Phật giáo vào bất kỳ cái nón nào, nó không đáng để cho đạo Phật phải quan tâm. Phật tử và tu sĩ giữ gìn Phật, Pháp, Tăng phải tôn thờ Tam bảo như nhau. 

Phật, Pháp, Tăng là ba viên ngọc quý, không lý do gì để ta tôn thờ một chủ nghĩa khác trên đầu. Ði trên đường đạo pháp ma lực lúc đầu có thể nhiều, nhưng dần dần sẽ ngã quỵ và nhường bước cho Phật lực. Nếu ai chưa đủ sức để vượt qua thì có thể học câu trong phẩm Quan Thế Âm: “Niệm bỉ Quan Âm Lực”. Toàn bộ phương pháp của kinh Phổ Môn nằm ở Quan Âm lực chớ không phải ở Quan Âm tượng, Quan Âm ảnh, hay chính ngài Quan Thế Âm.

Rất nhiều hành giả nghĩ rằng ngài Quan Âm có lòng từ bi vô lượng, cứu khổ độ sinh trong các tình huống khổ ách như thiên tai, sóng thần, động đất, hạn hán, lũ lụt, mất mùa, chiến tranh hay những tai nạn do chính con người tạo ra là một sai lầm. Đức Phật dạy Quan Âm lực là năng lực Quán Thế Âm. Năng lực đó chúng ta phải thực tập. Quán âm thanh bao gồm những lời phê bình, chỉ trích, kháng cự, chống đối, nịnh hót cũng đều là thái độ của tâm. Hành giả không nên để tâm chạy theo khen chê vì đây là hai ngọn gió có thể làm ta ngã quỵ. Do đó ta phải vượt lên trên con đường thuận và nghịch của khen và chê. Ai làm được như thế thì đang thực tập Quan Âm lực. 

Thứ hai là sự quán chiếu bằng tuệ giác. Không phải nghe bằng lỗ tai, mà bằng sự quán. Quán là bằng tuệ giác, khác với cái nhìn của con mắt. Nhìn bằng mắt thì khi bị mờ, ta thấy không rõ, thiếu ánh sáng cũng không xong, ta không thể thấy. Do đó phiến diện, cận thị, viễn thị làm cho ta phản ứng sai với bản chất thật của hiện tại. Khi nghe bằng sự quán chiếu ta thấy “ngũ uẩn giai không” và kết quả là “độ nhứt thiết khổ ách”. 

Như vậy niệm Quan Âm lực, lúc nào cũng hành trì, để tâm, năng lượng Quan Âm hóa giải các hận thù bằng từ bi và tuệ giác thì sẽ không có ma chướng nào có thể tồn tại lâu. Kháng cự lại ma chướng là ta dùng lòng sân kháng cự lại với lòng sân. Ta có thể thành công tạm thời cũng giống như công thức là dùng một bạo lực, bạo động lớn hơn để khống chế một bạo lực, bạo động nhỏ. Nhưng lâu dài sẽ dẫn đến các ức chế, do vậy sức của hận thù vẫn tiếp tục diễn ra. 

Ví dụ trong nhà có người tụng kinh mà con em đùa giỡn ồn ào quá mức; mẹ, cha, hay ông, bà có thể la: “Này tụi bây hãy im lặng để cho ba tụng kinh, ngồi thiền”. Chúng cũng sợ mà im lặng nhưng ta biết rằng đó là một cưỡng lực lớn hơn để khống chế cái ồn ào nhỏ, đó không phải là giải pháp. Chúng ta chỉ cần gọi con em lại và nói rằng con hãy im lặng vì đây là giờ phút quan trọng. Chúng sẽ hiểu, cũng có thể yên lặng mà không cưỡng lực kháng cự lại. 

Ta thấy khi chủ nghĩa khủng bố có mặt trên khắp thế giới, phản ứng của các quốc gia là phải dấy khởi cuộc chiến tranh chống khủng bố trên cơ chế liên minh và dùng quân sự để diệt. Có vẻ cũng thành công, như Hoa Kỳ đang ở Afganistan và Irag; nhưng cái ngấm ngầm của khủng bố vẫn có mặt khắp đây đó và hậu quả lớn nhất của sự kháng cự chính là sự sụp đổ hai tòa nhà thương mại của Hoa Kỳ 11-9-2001.

Như vậy, chủ nghĩa bạo động là một giải pháp tạm thời, nó cũng rất cần trong nhiều tình huống khác nhau. Khi kẻ khủng bố đã không còn lắng nghe bởi sự tuyên huấn đạo đức thì lúc đó phải “Bảo chử chống ma quân”. Giá trị trị liệu chỉ là tạm thời, nếu sau đó ta không tưới tẩm bằng những hạt giống từ bi để hóa giải hận thù thì hận thù sẽ đeo dính mãi và tạo ra nhiều chướng duyên hơn. 

Đức Phật không dùng phương pháp đấu tranh giai cấp để giải quyết vấn nạn của giai cấp. Ngài không sử dụng các phương tiện đấu tranh hận thù để giải quyết hận thù, Ngài khuyên chúng ta dùng từ bi để hóa giải hận thù thì hận thù mới có ngày kết thúc. Ma chướng nhiều ta mới thấy con đường đi là đúng, không được nản chí, sờn lòng mà phải nghĩ nhờ có ma chướng chí nguyện của ta mới lớn. Nếu không có những cảnh giới tù ngục khổ đau trên dương gian thì Bồ tát Ðịa Tạng cũng không phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm bạn với thế giới anh chị; từ đó đồng hành, đồng sự giúp họ vượt qua những vật cản để trở thành người tốt. Nhờ có động lực như thế chí nguyện của ngài Ðịa Tạng trở thành kiên cường không thể lay chuyển. 

Thông qua các thiên tai mà lòng từ bi được gieo rắc khắp mọi nơi, con người đã xóa bỏ được giai cấp của tôn giáo, phong tục tập quán, địa dư, màu da, sắc tộc, đến với nhau bằng bàn tay chăm sóc và thương yêu để giúp những nạn nhân vượt qua khổ ách. Ðó là nhờ ta có chí nguyện lớn, lòng từ bi lớn, có đại hùng, đại lực, đại hỷ, đại xả và do đó ta có được đại thành công, mang lại niềm an vui, hạnh phúc cho cuộc đời. 

Khi làm Phật sự, dấn thân làm lành, hay làm các chương trình tốt đời đẹp đạo mà gặp khó khăn thì đầu tiên ta phải quán chiếu theo lời tâm niệm thứ tư. Khi gặp ma chướng ta sống trên ma lực như chiếc thuyền cưỡi lên sóng mà đi thì sẽ thành công. Những người chơi trên sóng, chỉ cần tấm ván nhỏ, lượn theo sức gió để biến sóng thành lực đẩy, tạo ra bức tranh rất đẹp và cũng là sự thưởng ngoạn giải trí rất ấn tượng; chỉ có những người phương Tây mới làm được, hầu như người châu Á ít ai dám, vì quá mạo hiểm.

Những người tu theo Phật, với điều tâm niệm thứ tư, ta còn “lướt trên sóng” gấp trăm lần, kể cả “sóng thần” còn lướt được, nói chi đến những ngọn sóng cỏn con cấp hai, cấp ba. Đã tu học Phật thì phải có bản lĩnh chịu đựng trước những chướng duyên và thử thách của cuộc đời. Khi gặp một vị thầy, hay những vị xuất gia chân chính đang lướt sóng phiền não, sóng nghịch cảnh mà tiến; chúng ta đừng quay lưng với họ vì như vậy sẽ làm cho đạo Phật bị dừng lại và cuối cùng phải chào thua. Ðó là điều ta phải cân nhắc.

Trong hai điều tâm niệm ba và bốn, ta thấy sở học nghiên cứu về tâm sẽ giúp mình tăng trưởng về đạo và hạnh. Ðạo là con đường để đi. Khi đi trên con đường của đạo ta có được hạnh tức là sự thực tập; có được đạo đức, đó là kết quả của sự chuyển hóa; có được tuệ giác, đó là chuyển về trí. Do đó đi trên đường đạo sẽ không còn nỗi khổ, niềm đau, không có phiền não. Đi trên đường đời thì chông gai, cam go, thử thách, chướng duyên, nghịch cảnh, và nhiều phiền não khác dẫn đến sanh tử luân hồi.

Chính trị là con đường cam go nhất của thế tục. Tâm linh là đỉnh cao nhất của đường đạo và các nhà sư Phật giáo phải đi trên con đường tâm linh. Bỏ con đường tâm linh mà đi theo con đường thế tục tức là bỏ sở trường mà chọn sở đoản, kết quả ngày càng rời xa con đường tâm linh đã chọn. Cuối cùng, thầy chùa, sư cô đang đội Tam bảo thì có thêm vô số các nón cối, bởi vì cứ mỗi lần làm Phật sự bị ma chướng là có một nón cối để đội.

Trong thời gian mấy chục năm trên đời, nếu không có tâm buông xả thì sẽ có trăm, ngàn vô số nón cối nghiệp chướng làm cho ta thất điên bát đảo. 

Khi gặp nghịch cảnh, điều đầu tiên các hành giả phải thực tập là buông xả, xem mình không phải là đối tượng để người ta đánh hạ. Ta không phải là nạn nhân của những cuộc đánh ngã đó hãy xem ta là vô ngã thì khổ đau bám níu vào đâu. Do vậy, bao nhiêu vụ đánh, vụ chụp mũ phải thản nhiên với niềm vui, vững tâm, bản lãnh, vô úy đi về phía trước để thành công. Nhiệm vụ của ta là xây dựng đạo hạnh chớ không phải đi về phía ma chướng. Ta cứ đi xây dựng đạo hạnh, những ma chướng: Quăng rác, quăng kẽm gai, quăng súng ống đầy đường, ta tìm nơi nào không có thì đi, có đi rồi sẽ đến; còn ma chướng sẽ bị bỏ lại sau lưng. Ðây là hai điều răn nhắc rất cần thiết trong sự tu tập mà Tổ Diệu Hiệp đã dạy trong mười điều tâm niệm.  

 
00:00
 
00:00