VẤN ĐÁP

Trong Luận bảo vương tam muội, có câu: “Oan ức thì không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả. Nhưng nếu như có người bị tố cáo là giết người mà họ thật sự không giết thì có nên biện bạch không?

Đó là điều thứ mười trong Mười điều tâm niệm. Chúng tôi xin chia sẻ ngắn. Ta phải biết trong một số tình huống ứng dụng những điều tâm niệm có giá trị nhưng cũng có tình huống thiếu khôn ngoan sẽ đưa đến phản tác dụng. Trong mười điều tâm niệm có điều năm, sáu và bảy ta thấy rằng tất cả đều có giá trị tốt. Riêng với điều tâm niệm thứ mười thì quan niệm của Tổ Diệu Hiệp và đức Phật hoàn toàn khác nhau.

Trong kinh Trường Bộ và Trung Bộ, đức Phật dạy những câu nói xác định để tự minh oan cho mình trước khi được luật pháp can thiệp. Câu nói đức Phật dạy: “Cái này không có trong tôi, tôi không phải”. Trong tình huống nếu không tự xác minh rằng ta không phải là tác giả thì đồng nghĩa rằng ta thừa nhận mình là kẻ tội phạm. Do đó, cần phải tự minh oan. Cách minh oan của Phật tử khác với người thanh minh thanh nga, họ bị cái tôi làm cho thất điên bát đảo và chao ngã. Ta biết rất rõ mình không phải là tác giả, nhưng cũng nên giải thích một cách có nghệ thuật. Sau khi làm công việc đính chính, người khác vẫn tiếp tục hiểu sai về mình thì cái gút đó có mặt một chiều. Bản thân mình đã tháo được cái gút đó thì con đường tu tập là chỗ này.

Tương tự như vậy, rất nhiều cặp vợ chồng nếu áp dụng điều tâm niệm thứ mười sẽ dễ dàng ly dị. Người vợ, người chồng khi giải thích điều bị hiểu sai, sợ rằng ta chưa xả được nhân ngã hay là hèn nhát, họ ôm sai lầm đó suốt mấy năm trời thậm chí là vài chục năm. Lẽ ra bằng nghệ thuật truyền thông giải thích, ta có thể nói vài ba câu với nhau là đã tháo gỡ được. Cuối cùng, chẳng lợi ích cho ai còn mang hậu quả. Hơn nữa, con em của họ trở thành nạn nhân trực tiếp của sự hiểu sai và ứng dụng sai. Lời của Tổ mang tính cách bao quát về phương tiện, có tình huống hấp dẫn và hay; nhiều tình huống sử dụng sai cũng có tác dụng phụ.

Lời dạy của đức Phật hoàn toàn khác, Ngài dạy ta nhưng không rơi vào tình trạng chấp nhân chấp ngã. Chúng tôi có thể cam đoan rằng trong tất cả các bản kinh từ Pàli cho đến Đại thừa, chưa có lần nào người ta phê bình, chỉ trích vu khống đức Phật mà đức Phật ngồi yên lặng từ đầu đến cuối. Ngài chỉ im lặng trong thản nhiên, sau khi người ta ngưng sự chống đối, chửi bới Ngài mới nói rằng: “Cái này không có trong chúng tôi, tôi không phải”. Có khi Ngài sử dụng những hình ảnh rất nhẹ nhàng mang tính triết lý để giúp họ hiểu rằng làm vậy là sai.

Trong kinh 42 Chương, diễn tả khi lâm vào tình cảnh bị phỉ báng, đức Phật chỉ nói đơn giản: “Rất tiếc Tôi không có chỗ để nhận quà, xin anh hãy mang về nhà”. Ngài xem điều chỉ trích, vu khống là quà tặng, đức Phật không chấp nhận rằng tôi là nạn nhân và người khác đáp trả tạo ra tính cách nạn nhân đối với mình. Mặt khác, đức Phật cũng xác định cho những người có mặt ở đó biết rằng Ngài không phải là người có nhân cách bị vu khống bởi người xấu miệng xấu mồm nào đó.

Trong năm điều đạo đức, điều thứ tư liên hệ đến cái miệng; có tất cả bốn phương diện: Thứ nhất quan trọng hơn hết là nói sự thật. Nếu mình không có thì nói không, im lặng hoặc nhận mình có là nói sai sự thật; vừa bị người ta hiểu lầm, lại rắc rối về luật pháp và bị phạm giới. Thứ hai là nói chân lý bằng lời tình thương để người nghe dễ dàng tiếp nhận. Thứ ba là nói lời văn hóa, không tục tĩu chửi bới, nguyền rủa. Thứ tư là không nói những điều vô ích. Có những điều chân lý nói ra không giúp ích cho ai nên ta cứ im lặng trong thiền định để tự chuyển hóa.

Như vậy, bốn phương diện truyền thông cho người Phật tử hành trì, ta thấy rằng mình không nên im lặng. Dĩ nhiên, nghệ thuật nói như thế nào để cho người vu khống không bị sốc, từ đó cảm phục mà hồi đầu thì rất thành công. Nhưng nếu tìm cách ta vẫn có thể làm được. Do đó, trong các mối quan hệ, nếu có sự lục đục, lấn cấn, phải xác định là ta không có, nếu mình không phải là tác giả để người khác không hiểu lầm. Nếu người vẫn cố tình hiểu lầm thì cái gút đó là một chiều và mình không bị vướng vô cái gút này. Ta vẫn thong dong và vô ngã.

Xin thầy giải đáp về ý nghĩa tình thương của đức Phật Thích Ca cũng như đức Phật A Di Ðà và Quan Thế Âm đối với con người như thế nào, tức là Phật thương người như thế nào, và tâm thương giữa người với người?

Trong kinh có một ví dụ: Chư Phật thương chúng sinh hơn là người mẹ hiền thường con ruột. Mẹ hiền thương con ruột thì đồng nghĩa là mẹ hiền không thương con người khác. Như vậy tình thương đó có đối đãi, có điều kiện. Con ruột của mình, chánh dòng thì mới thương. Trong bài ca có đoạn “Cha thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống cha. Cả nhà ta cùng yêu thương nhau”. Nếu như đứa con đó mà giống người hàng xóm là sẽ có chuyện!

Vì ta nghĩ rằng nó là hoa trái của tình yêu, là giọt máu do ta tạo ra, ta có trách nhiệm và luật pháp cho ta có trách nhiệm đó. Nhưng tình thương của cha mẹ dành cho con luôn luôn là tình thương có điều kiện. Ðứa con nào ngoan ngoãn thì cha mẹ thương cách khác. Ðứa nào không ngoan ngoãn, ngỗ nghịch thì cha mẹ thương cách khác, mặc dù tình thương của cha mẹ là lai láng, hiếm khi nào có cha mẹ từ bỏ con; nhưng vẫn có vài trường hợp xảy ra trong cuộc đời. Hiếm khi nào làm cho con khổ đau; nhưng có những tình huống cha mẹ bỏ con lăn lóc ở ngoài sọt rác để đưa vào trong cô nhi viện không phải là ít. Tình thương đó là tình thương tương đối. Nên ta cần phải vun đắp tình thương tương đối này bằng một tình thương tốt đẹp, có ý nghĩa, có tương lai cho đứa con. 

Tình thương của đức Phật A Di Ðà, đức Phật Thích Ca và Quan Thế Âm là tình thương không có điều kiện; bởi vì nó được gọi là từ bi. Từ bi khác với tình thương ở chỗ: Tình thương chỉ để lo lắng, chăm sóc, tính kết quả của niềm an vui hạnh phúc có hay không không quan trọng. Còn lòng từ bi phải có hai tiêu chí là mang lại niềm vui, nhổ đi nỗi khổ; niềm vui Phật dạy không phải là khoái lạc giác quan.

Ví dụ, đứa con yêu cầu mẹ cho tiền ăn sô cô la, mẹ biết rằng hàng tiền vệ của nó bị rụng hết rồi nên không cho; vì ăn như vậy sẽ hại sức khỏe. Trong tình huống đó đứa con sẽ không vui, không có nghĩa là mẹ không có lòng thương, bởi vì mẹ không muốn cho con bị sún răng. Con thích chơi game điện tử, muốn trở thành game thủ quốc tế, nó xin cha mẹ mua máy vi tính, và nó muốn chơi như vậy, là mùa hè, tám tiếng và mùa đi học là bốn tiếng. Cha mẹ không đáp ứng, chỉ khi nào nghỉ ngơi thì dẫn con đi chơi nhà người bạn và chỉ cho chơi một tiếng đồng hồ. Như vậy là con cau có và không đồng tình. Sự không hoan hỷ đó không thể gọi là không có lòng từ bi; giá trị của tình thương mang lòng từ bi là niềm vui tốt, niềm vui tích cực, đạo đức, văn hóa, niềm vui đi lên, mang tính cách giáo dục, chứ không phải niềm vui đi xuống.

Nếu chúng ta là con thảo, cháu hiền, mẹ của mình bảy chục tuổi, cô đơn ở nhà không có gì làm; mẹ nói con ơi, hôm nay ra video plaza mua cho mẹ mấy bộ phim chưởng kiếm hiệp Hồng Kông hay là phim tình cảm, xã hội gia đình của Triều Tiên thì bà sẽ ngồi luyện phim tám giờ tới mười giờ một ngày. Kết quả là bị tiểu đường, tăng xông máu, tâm không phát triển, tuệ giác ngày càng suy bại, và bệnh tật, rất nhiều chướng duyên cũng theo đó mà phát sinh. Như vậy ta có thể mang niềm vui giác quan cho mẹ già bớt cô đơn nhưng đã đánh mất hạnh phúc của bà. 

Giả sử bà có nhu cầu, ta cố tình mua những phim truyện Phật giáo: Bồ Ðề Ðạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng, hay Xuân Hạ Thu Ðông có tính giáo dục cao, có minh lý và triết lý của đạo Phật, có tính cách giải quyết vấn đề theo nhân quả, những điều để người ta suy tư sau khi xem bộ phim xong; còn có thể đọng lại trong tâm nhiều giá trị sâu sắc khác. Như vậy, khi cha mẹ ghiền phim kiếm hiệp, mình cho coi phim Phật thì coi chừng một tiếng là chán; nhưng những giá trị tâm linh đó sẽ không mất đi mà còn gieo vào chủng tử hạt giống bồ đề. Như vậy cách thức này không được xem là không có và tổn thương lòng từ bi mà được xem là từ bi có hiệu quả bởi vì nhổ lên được nỗi đau. 

Niềm cô đơn của người già trong ngôi nhà quá lớn, không có con cháu thăm nuôi, vỗ về nên cảm thấy buồn chán. Chúng ta nên tìm những việc nhẹ nhàng để cha mẹ già làm. Thí dụ như để tượng Phật hơi bụi rồi nói: Mẹ ơi, cha ơi giúp con lau bàn Phật và tượng Phật, con bận quá! Mặc dù không dơ nhưng cha mẹ làm việc đó vẫn có phước báu nhờ lòng tôn kính Phật.

Tạo điều kiện cho cha mẹ ra ngoài vườn hái hoa vào cúng Phật để bớt cô đơn. Có việc làm thì sự cô đơn sẽ mất đi. Như vậy ta tìm phương tiện để giúp cha mẹ, nhờ đó cha mẹ có được bình an lại thêm phước báu. Điều đó được gọi là gieo hạt giống từ bi. 

Tình thương của đức Phật Thích Ca là như thế, Ngài không bao giờ sợ đệ tử đi theo thầy khác. Điển hình như trong kinh A Di Ðà, đức Phật Thích Ca đã giới thiệu, và diễn tả về cảnh giới của đức Phật A Di Đà rất vi diệu, và nói pháp môn Tịnh độ để gởi gắm học trò của Ngài cho đức Phật A Di Đà; nếu ai có nguyện vọng sinh về Tây phương sau khi qua đời.

Ta thấy rất nhiều trường hợp thầy kỵ với thầy. Thầy không muốn cho đệ tử của mình đi chùa khác, theo thầy khác, vì đi rồi mất luôn sao. Phật Thích Ca thì không sợ. Nếu Phật A Di Ðà lo lắng, chăm sóc giùm đệ tử thì Ngài khỏe để lo độ người khác. Ðó chính là tâm dung thông. Nên ta không cảm thấy việc giới thiệu là mất, ai có tinh thần như thế, đệ tử chẳng những không mất, ngược lại đi đâu cũng trở về như lá rụng về cội.

Giống như thả con chim bồ câu đi vào buổi sáng, buổi chiều nó không chỉ bay về một con mà nhiều con, nếu cái lồng đó có thực phẩm, có màu sắc đẹp. 

Như vậy bản chất của vị thầy, ở đây là Phật Thích Ca rất từ bi, tuệ giác của Ngài vô lượng, dạy rất nhiều pháp môn nhưng nếu đệ tử của Ngài muốn một pháp môn khác, Ngài vẫn giới thiệu. Phật A Di Ðà có pháp môn Tịnh Ðộ. Phật Dược Sư ở phương Đông có pháp môn Dược Sư. Phật Ðại Nhật Như Lai có pháp môn Mật tông. Ai theo pháp môn nào cũng được, miễn là đi theo Phật là tốt, còn đi theo Chúa là mê tín dị đoan.

Ta thấy rõ lòng tư bi đó không có giới hạn. Ðức Phật A Di Ðà cũng có phát nguyện nhưng có những lời phát nguyện khi còn là Pháp Tạng Tỳ kheo qua bản kinh Quán Vô Lượng Thọ mang tính khích lệ và khuyến tấn hơn là mô tả về một hiện thực. Khi đức Phật A Di Ðà thành Phật được giới thiệu trong kinh A Di Ðà và kinh Niệm Phật Ba La Mật thì toàn bộ pháp môn hành trì của Tịnh Độ tông là tự lực, tự lập, nhân quả, chuyển hóa, tự tu chứ không có tha lực. Vì vậy, lòng từ bi của đức Phật A Di Ðà cũng không hề khác với lòng từ bi của đức Phật Thích Ca. 

Bồ tát Quan Thế Âm tu hạnh từ bi qua hai phương diện: Thứ nhất là hiến tặng thái độ không sợ hãi cho cuộc đời nên ngài còn có danh xưng là Thí Vô Úy Giả, tức là người mang niềm vui không sợ hãi đến cho tha nhân. Trong xã hội phương Tây, đề cao đến tự do, trên thực tế là để phục vụ cho cái tôi và sự riêng tư của cái tôi. Con người có cảm giác rất thoải mái, hạnh phúc trong nền tảng của tự do, nhưng nhiều người ở trong tự do như thế vẫn không dám hưởng quyền tự do.

Mỗi khi có phương tiện truyền thông chửi một vị Hòa thượng nào thì họ sợ và không dám đi theo, vì họ không dám tự do!?. Nếu đã được tự do thì cứ đến. Quý ngài dạy đúng thì mình theo, dạy sai thì mình không học. Hòa thượng có được gán trên đầu nón cối hay nón sắt cũng kệ, đức Phật dạy trong kinh Bốn Mươi Hai Chương thái độ không nhận quà. Có nghĩa là xem lời phê bình, chỉ trích của người khác như một tặng phẩm. Đã là tặng phẩm thì nhận hay không là tùy mình; dù gì họ cũng đã có lòng đem đến tặng. Ta thấy không có nhu cầu, không có chỗ để thì trả lại cho chủ nhân. Cũng như phun nước miếng lên trời, nước miếng rớt ngược vào mặt. “Ngậm máu phun người thì miệng mình dơ trước”, đó là triết lý rất sâu xa để mình không hận, không thù, không trả đũa, không ghét, không buồn phiền người cố tình hại mình thông qua các phương tiện truyền thông. Đây cũng là phương pháp hóa độ rất đặc biệt của đức Phật Thích Ca và Bồ tát Quan Thế Âm. Các Ngài dạy năng lực quán chiếu để mình không sợ hãi, nhờ hiến tặng sự không sợ hãi, người ta sống rất bình an, hưởng được tự do trong thực tại.

Phương pháp thứ hai ngài Quán Thế Âm sử dụng đó là tuệ giác và từ bi phải song hành. Ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn (ngàn tay ngàn mắt) là hiện thân của Bồ tát Quan Thế Âm. Mỗi một bàn tay là một hành động. Trong mỗi bàn tay có con mắt. Con mắt là đạo diễn để dẫn đường cho hành động; bởi vì có rất nhiều người có tình thương nhưng thể hiện không đúng cách. Bồ tát Quan Thế Âm dạy là thể hiện tình thương phải có tuệ giác dẫn đầu. Nơi nào có tuệ giác nơi đó có tình thương chân chính. Nơi nào có tình thương chân chính thì nơi đó tuệ giác phát sinh. Hai phạm trù này không tách rời nhau.

Mỗi người chỉ có hai bàn tay để làm Phật sự, vậy mà có nhiều người còn muốn đốt ngón tay. Thế là trở thành người làm biếng. Hai tay làm không đủ, nên các vị Bồ tát phát nguyện trở thành mười tám cánh tay như ngài Chuẩn Ðề. Làm thành chín người chưa đủ, các ngài còn muốn nâng thành năm trăm người; năm trăm là con số biểu tượng triết lý của Phật giáo chỉ cho số nhiều. Nghĩa là các Phật sự phải nối kết năm trăm người thành một ngàn bàn tay, thành vô số người để Phật sự được liên minh, để niềm vui, hạnh phúc, giá trị đó được tăng trưởng, mở rộng luôn được lưu truyền.

Làm riêng một mình không phải là tinh thần của Phật dạy, chúng ta phải làm tập thể; nương vào hình tượng một ngàn cánh tay nhưng không cánh tay nào sử dụng pháp khí giống nhau, mỗi tay có một pháp cụ riêng, do đó không giẫm lên chức năng của nhau. Không giành giựt quyền hạn của nhau mà các bàn tay đó đều hỗ trợ cho thân tuệ giác Quan Thế Âm hoàn thành công tác Phật sự độ sinh.

Các giáo hội nếu có đi đúng đường Phật pháp thì phải xem rằng mình chính là một bàn tay của ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn. Bàn tay này đừng lấy pháp khí chống lại các bàn tay kia mà phải hỗ trợ lẫn nhau. Nếu ta có sở trường về pháp môn A trên cơ chế hành chính của giáo hội B thì ta đi theo pháp môn A đó và tuyên dương giáo hội B. Đừng phủ định các giáo hội khác, bởi vì sự phủ định sẽ làm chúng ta trở thành những kẻ đối lập, đánh mất lòng từ bi chấp nhận sự đa dạng phong phú của đạo Phật hay là của Quan Thế Âm.

Học theo lòng từ bi thì những gì chưa có ta cố gắng học hỏi và tham khảo từ người khác; những cái hay của người khác ta phải thừa nhận. Đi theo các đảng phái, cái xấu của họ một ta nói thành mười; cái hay của họ một trăm ta nói còn lại một thôi. Cuối cùng ta trở thành người cực đoan và không thừa nhận như thị đang là, đã là và sẽ là. Lòng từ bi này cũng không khác gì đức Phật Thích Ca hay đức Phật A Di Ðà đã dạy.  

Tất cả các hành giả Phật giáo dù mới sơ phát tâm, hay đã phát tâm lâu năm, dù có kinh nghiệm nhiều hay là tập tễnh mới vào đạo, nếu đi đúng theo hạt giống từ bi thì ta, Phật, và chúng sinh, tam vô sai biệt. Ðây là điều các Tổ đã dạy.

Việt Nam có hai Giáo hội Phật giáo, hai Giáo hội này chống đối nhau kịch liệt. Thưa thầy, chiếu theo tinh thần lục hòa của nhà Phật, các thầy có thể ngồi lại với nhau để hòa giải và tìm một hướng đi chung không? Phật tử chúng con rất đau lòng khi thấy các thầy chia rẽ, và như vậy làm giảm uy tín của đạo Phật?

Chúng tôi rất lấy làm cảm kích với câu hỏi được đặt ra như là sự quan tâm đối với tương lai của Phật giáo Việt Nam. Trước nhất phải xác định rõ là tông chỉ của đạo Phật mô tả về bản chất của Tăng đoàn là hòa hợp chúng; trong bài Tam tự quy y ở phần cuối “Thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại”. Thống lý là xuyên suốt. Ðại chúng là nhiều giáo hội, nhiều tông môn, nhiều thành phần, nhiều người khác nhau và kết quả là không có bất kỳ chướng ngại, trở ngại nào. Làm được như thế thì bản chất của Tăng đoàn mới được phát huy và ta mới xem đó là viên ngọc quý.

Hiện nay Việt Nam có hai Giáo hội. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) được thành lập năm 1964, như là kết quả tất yếu của vận động thống nhất sau việc đấu tranh thành công đối với chính quyền Ngô Ðình Diệm. GHPGVN được thành lập vào năm 1981. Đứng từ hải ngoại, ta có cảm giác rằng hai Giáo hội đang chống đối lẫn nhau kịch liệt. Nhưng hầu như những thành phần trong nước không hề có ý kiến phân biệt như vậy.

Ðây là đại phước báu của Phật giáo Việt Nam. Nếu tất cả trong số bốn mươi lăm ngàn Tăng Ni có mặt tại Việt Nam chống lại GHPGVNTN như một số người suy diễn, thì đạo Phật sẽ đi về đâu? Ðạo Phật sẽ trở thành một địa ngục trần gian. Rất may họ đều ẩn nhẫn, không đính chính, không chống, cứ thầm lặng đi trên con đường hoằng pháp, giáo dục, từ thiện để đưa đạo Phật đi vào trong cuộc đời với một nghịch cảnh mà đạo Phật đã có mặt ở Việt Nam trong mấy chục năm trở lại đây. 

Trong bài thuyết trình về bốn thách đố đối với PGVN, có nêu ra thách đố thứ nhất là thách đố ý thức tư tưởng. Ðể được tồn tại và không mất đi thì rất khó. Tồn tại thế nào để mang an vui cho Phật tử lại càng khó. Tồn tại thế nào để trong Tăng đoàn vẫn được hòa hợp mà không bị nát ra thành từng mảnh vụn như ở hải ngoại tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác lại càng khó hơn. 

Trở về truyền thống tâm linh của Phật giáo là pháp môn hành trì. Ðừng quá đặt nặng tầm quan trọng của Phật giáo vào các giáo hội, vì giáo hội được thành lập do con người tạo ra. Khi thành lập cơ chế hành chánh cho giáo hội, một mặt có cái tốt nếu tông chỉ của giáo hội đúng theo lời Phật dạy trong các pháp môn, thì con đường hành trì sẽ được nhất quán trên toàn quốc, hay toàn thế giới. Nếu tông chỉ, hay các giáo chỉ, sắc lệnh, giới lệnh đưa ra từ các giáo hội mà ngược lại tông chỉ pháp môn của đức Phật thì toàn là súng ống, tang tóc, hận thù, phiền não, nghiệp chướng. Do vậy bản chất cơ chế của giáo hội luôn cho một yếu tố thế tục hóa về phương diện hành chánh. Khi thế tục hóa này có mặt, nếu không khéo sẽ có trường hợp buôn thần, bán thánh như Va-ti-căn đã từng diễn ra mấy nghìn năm trước.

Chính vì thấy rõ đều này, nên trước khi đức Phật nhập Niết bàn, đệ tử của Ngài đã hỏi ai sẽ kế Ngài để lãnh đạo Tăng đoàn; lời giáo huấn của đức Phật là lấy giới luật làm thầy, lấy giáo pháp làm thầy chớ không cắt cử một người nào lãnh đạo Tăng đoàn. Hiện nay, bất cứ giáo hội nào ta thấy không có Tăng thống thì cũng có Pháp chủ. Đó cũng có phần hay, nhưng ngược lại có nhiều giáo chỉ, sắc lệnh của các giáo hội chẳng đi đâu vào đâu, chẳng đúng vào pháp môn của đức Phật, nên rất nhiều Phật tử phải khổ đau bởi những giáo chỉ, sắc chỉ đó.

Trong điều tâm niệm: “Nghiên cứu tâm tánh đừng cầu không khúc mắc” thì ta phải đặt lại tất cả các giáo chỉ, giáo luật, sắc chỉ, sắc luật hiến chương của giáo hội xem có phù hợp với lời Phật dạy hay không, nếu phù hợp thì ta hành trì; không phù hợp thì lẳng lặng làm thinh không theo. Ta cũng không cần phải chống đối vì mỗi người làm sai đều phải chịu trách nhiệm, hậu quả của mình trước những quy luật vận hành tự nhiên của vạn vật. Do đó, ta không cần phải bận tâm chống đối hay ủng hộ. Cứ đi theo Pháp môn hành trì của đức Phật thì có được an vui, hạnh phúc, bình an, giáo hội nào đi sai sẽ chịu về nhân quả. 

Giữa Phật và giáo hội ta nên chọn Phật bởi vì Phật là người đã trút sạch phiền não tham, sân, si. Ngài không bao giờ sai. Tuệ giác của Ngài là siêu việt, vượt thời gian không có giới hạn. Giáo hội dựng lên các giáo luật để phù hợp với môi trường, hoàn cảnh lịch sử, nên có cái đúng, cái sai. Ta không dại gì bỏ cái đúng mà đi theo cái sai. Giữa hành chánh của giáo hội, và pháp môn của Phật ta nên chọn pháp môn. Sẽ có một tương lai rất gần, đạo Phật Việt Nam sẽ đi vào con đường pháp môn hoặc là Thiền, Tịnh, Mật.

Trong các pháp môn đều có phương diện hành chính để vận hành, hướng dẫn, xây dựng tâm linh, và cơ cấu hành chính của giáo hội rụng bớt; bởi vì có một cơ chế hành chính là có biết bao sự rắc rối. Giáo hội nào, cơ chế hành chính nào dù có vận hành cách mấy, vẫn có những cực đoan và điểm bất toàn. Còn cơ chế của Pháp môn ta thấy ứng hợp với phần lớn căn cơ, không tranh chấp, quyền lợi, đấu tố mà chỉ toàn là sự hành trì. Con đường tâm linh mới chính là giải pháp cho PGVN ở hiện tại và tương lai.

Con số 0,0% của giáo hội trong nước bất đồng với GHPGVNTN là lên tiếng mang tính cách cá nhân chớ không thuộc về quan điểm của giáo hội trong nước, điều đó vô cùng hay. Ở hải ngoại, ta thấy những vị có chủ trương trung lập, trung hòa theo giáo chỉ số chín đã bị loại ra khỏi GHPGVNTN vì đã vu cáo những Tăng, Ni chân chính. Họ đang phải suy nghĩ lại phương cách làm đạo và chủ trương của GHTN. Hầu như những người theo thống nhất cực đoan, toàn là những người vu cáo, chụp mũ hầu như là gần năm chục ngàn Tăng, Ni trong nước, trong đó có rất nhiều Tăng, Ni tu hành chân chính là cộng sản, thì những vị vu cáo phải chịu trách nhiệm trước nhân quả. “Ðừng quơ đũa cả nắm” là câu nói trong dân gian ảnh hưởng tuệ giác của nhà Phật. Năm mươi mấy ngàn Tăng Ni chỉ một đường theo Phật mà gán ghép họ theo này theo nọ là một sai lầm về phép luận. Xét về nhân quả, nói xuyên tạc như thế sẽ gây ra hậu quả nặng nề. 

Chúng tôi cũng rất mong những giáo hội, bất kỳ là giáo hội nào, đi theo con đường tâm linh nào, nếu chưa đủ dữ liệu thì đừng vội vàng gán, kết tội người khác. Làm như thế sau này hối hận cũng muộn màng. Cứ đi theo con đường tâm linh, điều gì đúng theo chân lý, ta tuyên bố. Điều gì tuyến bố đúng thì tốt, tuyên bố không có lợi ta nên yên lặng. Yên lặng không đồng nghĩa với hèn nhát. Nếu hiểu đồng nghĩa với hèn nhát thì đức Phật phải là hèn nhát số một. Bởi vì Ngài dạy ta yên lặng trong thiền định. Ngài chẳng những không hèn nhát mà còn có bản lĩnh về tuệ giác để nhìn xa, thấy rộng, chuyển hóa phiền não trở thành con người minh triết; không vướng bận trong khen chê, để ta có cuộc đời thong dong, và trung lập.

Ðây chính là con đường tâm linh mà ba đời đức Phật hiện tại, quá khứ và vị lai đã đi qua, đang đi qua và sẽ đi qua. Là những người tu sĩ Phật giáo, nên đi theo con đường trung lập, đừng để chính trị làm cho chúng ta thất điên bát đảo; vì điều đó sẽ chịu nhiều chi phối của quy luật thời gian. Chính thể nào dù họ có cho là đỉnh cao của hiện đại hay là vĩnh viễn với thời đại đi nữa cũng vô thường tan biến, chân lý là siêu việt thời gian. Rất mong các nhà cầm cân, nảy mực của các giáo hội ý thức rõ về lời dạy bất hủ của đức Phật, để không hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử vào con đường bế tắc.

Việc trở về với pháp môn sẽ làm cho hòa khí của các giáo hội không thương tổn lẫn nhau. Nếu không đạt được mức tối đa như Hoa Kỳ sẽ làm cho Phật giáo chia thành nhiều mảnh vụn. Ta thử đặt vấn đề rằng đạo Phật Việt Nam mấy chục năm với nhiều tông môn khác phái, với nhiều giáo hội khác nhau, ta đã làm gì cho Phật giáo ngoài việc đấu tố và chụp mũ lẫn nhau trên báo đài, các phương tiện truyền thông, Internet và trên các diễn đàn, hầu như toàn là sự đổ nát. Do đó phải trở về pháp môn hành trì.

Cứ đi theo con đường hành thiền nếu ta thích thiền. Đi con đường của Tịnh độ nếu ta thích Tịnh độ. Ta đi con đường của Mật tông nếu ta thích Mật tông thì quần chúng sẽ đến với ta ngày càng nhiều. Phật tử đang thiếu là tâm linh, là an vui, là giải thoát, chứ họ không thiếu chính trị. Họ quá dư thừa, quá chán nản mệt mỏi mới tìm đến đạo Phật; khi vào chùa lại bị các thầy truyền nạp chính trị, chống bên này, ủng hộ bên kia, cuối cùng họ sẽ bỏ chùa, Phật tử là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất. 

***

 
00:00
 
00:00