PHỤ LỤC: Tiểu Sử Các Luận Sư Buddhaghosa, Buddhadatta, Dhammapàla

 

 

 

 

BUDDHAGHOSA:

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

 

     Buddhaghosa là một tên tuổi lớn trong giới học thuật Phật giáo nói chung và là một luận sư nổi tiếng trong truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ. Cuộc đời và sự nghiệp của ngài tạo cảm hứng lớn cho sự xuất hiện nhiều truyền thuyết và nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Quần chúng Phật tử ở các quốc gia theo truyền thống Thượng tọa bộ tin tưởng vào các truyền thuyết nói về ngài, trong khi giới học giả thế giới quan tâm nhiều về các công trình sớ giải to lớn do ngài để lại. Người ta sánh những gì Buddhaghosa đã làm đối với Tam tạng Pàli cũng tựa như những gì Sàyana đã làm đối với văn học Vệ đà và Sìlànkha đối với kinh điển Kỳ Na giáo.(1) Cùng với Buddhadatta và Dhammapàla, Buddhaghosa đã đóng góp rất lớn vào kho tàng văn học Pàli bởi các công trình nghiên cứu và sớ giải vĩ đại của ngài.

     Tài liệu nói về cuộc đời Buddhaghosa được lưu giữ trong một số tác phẩm Pàli như Mahàvamsa-Supplement, Cùlavamsa, Buddhaghosasuppatti, Gandhavamsa, Sàsanavamsa và Saddhammasanghaha, trong đó đáng chú ý nhất là tác phẩm Mahàvamsa-Supplement do Dhammakitti biên soạn khoảng thế kỷ thứ 13. Trong ấn bản Visuddhimagga tiếng Thái gồm ba tập, Tỷ kheo Dhammatilaka có mô tả cuộc đời Buddhaghosa ở phần cuối tập ba, cơ bản dựa vào các tài liệu Saddhammasangaha và Mahàvamsa.

     Theo các tài liệu nói trên thì Buddhaghosa xuất thân trong một gia đình Bà la môn. Phụ thân của ngài là Bà la môn Kesì, làm cố vấn tôn giáo cho nhà vua và mẫu thân là bà Kesinì. Gia đình ngài cư ngụ trong một ngôi làng có tên Ghosa tọa lạc gần Buddha-gayà, chỗ đức Phật giác ngộ. Ghosa là tên của ngài, có lẽ lấy tên ngôi làng. Buddhaghosa (Phật Âm) hẳn là tên gọi về sau của Ghosa, khi ngài đã xuất gia theo Phật và nổi danh. Tự điển Pàli Proper Names do G. P. Malalasekera biên soạn giải thích rằng do ngôn ngữ của ngài sâu sắc giống như ngôn ngữ đức Phật và do các chú giải của ngài truyền khắp thế giới giống như những lời dạy của bậc Đạo sư nên ngài được tôn xưng là Buddhaghosa.(2) Theo tài liệu Mahàvamsa-Supplement và sử liệu Glass Palace Miến Điện thì Buddhaghosa ra đời khoảng cuối thế kỷ thứ tư Tây lịch. Vốn xuất thân trong một gia đình Bà la môn danh giá, Buddhaghosa được giáo dục rất tốt. Phụ thân ngài mong muốn con trai nối dõi truyền thống gia đình nên rất quan tâm dạy dỗ cho ngài các kiến thức Vệ đà và lễ nghi Bà la môn giáo. Năm lên bảy, Buddhaghosa bắt đầu học kinh điển Bà la môn và chẳng bao lâu đã làu thông ba tập Vệ đà. Ngài rất giỏi Vệ đà đến độ từng giúp phụ thân ngài nhận ra nghĩa lý của một số vấn đề mà ông không lý giải được. Ngài cũng rất giỏi văn chương và thành thạo hệ thống ngữ pháp của Pànini. Trước khi xuất gia đầu Phật, ngài từng theo đường hướng của Patanjali. Ngài thông thạo Sanskrit, truyền thống Yoga và triết thuyết Sànkhya.

     Buddhaghosa bắt đầu chuyển hướng sang Phật giáo kể từ sau lần đối thoại với vị tỷ kheo trưởng lão bạn thân của cha ngài, trong đó ngài được vị trưởng lão làm cho hài lòng không những bằng kiến thức yên bác về Vệ đà mà còn bởi các dẫn giải thâm sâu về Thắng pháp (Abhidamma). Vị trưởng lão cũng dạy cho Buddhaghosa một số vấn đề liên quan đến tư tưởng triết học Phật giáo mà sau đó được ngài trình bày lại trong tác phẩm Atthasàlinì, sớ giải về bộ luận Dhammasangani. Quá vui mừng về những hiểu biết mới lạ, Ghosa cầu xin xuất gia và được cha mẹ bằng lòng gởi cho vị trưởng lão. Ghosa được xuất gia tại Đại tinh xá Mahàbodhi ở Bodh-Gayà và được gọi là Tacakammatthàna, có nghĩa là thiền quán về tóc, lông, móng, răng và da. Tại đây ngài nỗ lực hành thiền, nghiêm trì mười giới Sa-di và học hỏi Tam tạng Pàli. Tác phẩm Saddhammasangaha cho biết trưởng lão Revata là người truyền giới cho Buddhaghosa. Tài liệu này nói rằng sau khi xuất gia, Buddhaghosa vân du khắp mọi miền đất nước và đánh bại tất cả những ai nêu vấn đề tranh luận. Một hôm ngài đi đến một tinh xá (ý chừng ở Nam Ấn) có hàng trăm tỷ kheo cư trú và tại đây ngài gặp vị trưởng lão Revata trí đức song toàn. Bị đánh bại trong cuộc đối thoại với vị trưởng lão bởi câu hỏi về Cittayamaka rút ra từ bộ luận Yamaka mà ngài không trả lời được, Buddhaghosa được Revata thu nhận làm đệ tử. Trong thời gian tu học dưới sự chỉ dạy của trưởng lão Revata, Buddhaghosa viết tác phẩm Nanodaya nói về sự giác ngộ chân lý và tác phẩm Atthasàlinì, sớ giải về bộ luận Dhammasangani. Theo tài liệu Cùlavamsa thì trong khi ngài chuẩn bị viết tiếp tác phẩm Parittatthakathà, sớ giải về Tam tạng, thì được trưởng lão Revata khuyên nên đến Tích Lan để nghiên cứu và chuyển dịch các sớ giải Tam tạng Pàli bằng tiếng Tích Lan sang tiếng Màgadhì, bởi theo lời vị trưởng lão này thì ở Ấn Độ chỉ có Tam tạng Kinh, Luật, Luận, còn các sớ giải của các Luận sư thì không tồn tại mà chúng chỉ có mặt ở Tích Lan  do La hán Mahinda mang đi và dịch sang tiếng Tích Lan (Sinhalese).(3) Buddhaghosa nghe lời thầy đáp thuyền đi Tích Lan. Tài liệu Vinaya-vinicchaya của Buddhadatta mô tả rằng trên đường đi Tích Lan, Buddhaghosa gặp Buddhadatta từ Tích Lan quay về Ấn Độ. Biết được tâm nguyện của ngài, Buddhadatta rất hoan hỷ vui mừng nói với Buddhaghosa: “Chừng nào ngài hoàn thành các luận sớ, mong ngài gởi cho tôi để tôi tóm tắt lại các công trình của ngài.”

     Theo tài liệu Mahàvamsa-Supplement của Dhammakitti thì Buddhaghosa đến Tích Lan  dưới triều vua Mahànàma (409-431 hay 409-421) và trú tại Đại tinh xá (Mahàvihàra) ở kinh đô Anuràdhapura bấy giờ do Đại trưởng lão Sanghapàla làm viện trưởng. Ngài trình bày với Sanghapàla mục đích sang Tích Lan của mình và được thu nhận vào hàng Tăng chúng của Đại tinh xá. Các tài liệu nói rằng các tỷ kheo ở Đại tinh xá muốn thử tài năng học thức của ngài nên đã nêu một bài kệ lưu trong Tương ưng bộ kinh (Samyutta Nikàya) và yêu cầu ngài giải thích ý nghĩa. Buddhaghosa dựa vào bài kệ này viết ngay tác phẩm Visuddhimagga thành ba tập và hoàn tất chỉ trong một buổi chiều tối. Tài liệu thuật rằng sau khi Buddhaghosa viết xong tác phẩm, vị Thiên chủ Sakka đã lấy cắp bản thảo ngay trong lúc ngài vừa chợp mắt ngủ quên. Việc đánh cắp bản thảo diễn ra hai lần khiến vị học giả này phải thức gần như trọn đêm hôm ấy để viết đến lần thứ ba. Dù việc tường thuật có vẻ huyền bí, ít nhiều nó ngụ ý rằng Buddhaghosa đã hoàn thành tác phẩm này trong một thời gian khá ngắn. Hôm sau tác phẩm được đệ trình cho Viện trưởng Sanghapàla và chư Tăng Đại tinh xá và được đưa ra đọc tụng trước Tăng chúng. Tất cả chư Tăng ở Đại tinh xá đều rất hoan hỷ về công trình xuất sắc của ngài; họ bắt đầu tìm mọi các giúp đỡ để ngài có thể chuyển dịch các sớ giải từ tiếng Tích Lan  sang tiếng Pàli. Riêng Đại trưởng lão Sanghapàla rất hài lòng với công việc của ngài, đã hết lời ca ngợi công đức của ngài và kể từ đó ngài trở thành nổi tiếng như một Buddhaghosa của Tích Lan.

     Trong thời gian lưu trú ở Đại tinh xá, Buddhaghosa sống ở tầng trệt của tòa nhà cao bảy tầng. Tại đây ngài bắt đầu dịch các sớ giải Tích Lan  sang tiếng Pàli. Mỗi ngày vào buổi sáng, trong lúc đi khất thực, ngài thu nhặt các lá cọ rơi rụng dùng để viết các công trình của mình. Một người bán rượu nhìn thấy ngài làm như vậy nên nhặt các lá cọ lành lặn đặt rải rác trên đường ngài đi khất thực. Xong buổi khất thực, ngài thu nhặt các lá cọ này rồi mang chúng về tinh xá. Buddhaghosa hoàn tất công trình dịch thuật của mình trong thời gian ba tháng. Sau đó ngài trở về Ấn Độ.

     Trong thời gian hoạt động ở Tích Lan, ngoài tác phẩm Visuddhimagga, Buddhaghosa đã dịch và viết rất nhiều sớ giải Tam tạng Pàli. Công trình của ngài bao gồm một sớ giải về Luật tạng, bốn bản sớ giải về bốn bộ đầu của Kinh tạng, sáu sớ giải về Luận tạng và một số sớ giải về Tiểu bộ. Như vậy, nhìn vào khối lượng công việc mà Buddhaghosa đã làm ở Tích Lan, ta khó hình dung chúng đã được hoàn tất chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, dù cho các mô tả trên khó được chấp nhận hoàn toàn, chúng gợi ý rằng Buddhaghosa là một học giả xuất sắc và rất được kính nể ở Tích Lan và tại một số quốc gia Phật giáo Thượng tọa bộ.

     Các tài liệu Mahàvamạsa-Supplement và Buddhaghosasuppatti thuật rằng sau khi hoàn tất công việc dịch thuật và chú giải ở Tích Lan, Buddhaghosa quay trở về Ấn Độ (Jambudvìpa). Đầu tiên ngài viếng thăm vị thầy của mình, báo cho người biết những gì ngài đã làm ở Tích Lan. Tiếp đó ngài khởi hành đi Bodh-Gayà, chiêm bái cội Bồ đề, đồng thời thăm cha mẹ và quê hương mình gần đó. Buddhaghosa sống những ngày cuối đời ở Bodh-Gayà, trong cảnh tĩnh lặng của chốn thiền môn, với một tâm tư an tịnh. Ngài rời việc viết lách, dành nhiều thời gian cho việc giữ giới và hành thiền. Ngài an nhiên thị tịch và tái sinh ở cõi trời Đâu Suất (Tusita). Nhục thân ngài được hỏa táng bằng gỗ trầm hương và các xá lợi được tôn trí trong các bảo tháp do các Phật tử địa phương dựng lên gần Bồ Đề đạo tràng.

      Các công trình do Buddhaghosa để lại cho thấy sự nghiệp văn học to lớn rất nổi tiếng của ngài. Buddhaghosa được biết đến trước hết bởi tác phẩm Visuddhimagga trình bày giáo lý đức Phật hay “Con đường thanh tịnh” theo ba đề mục lớn là Giới (Sìla), Định (Samàdhi), Tuệ (Pannà), được xem là bộ bách khoa của Phật giáo Thượng tọa bộ. Thêm vào đó, Buddhaghosa còn đóng góp rất lớn cho kho tàng văn học Pàli bởi các tác công trình chú giải:

     Về Luật tạng (Vinayapitaka), phần lớn các học giả đều cho rằng Buddhghosa viết các tác phẩm chú giải Samantapàsàdika và Kankhàvitaranì. Tuy nhiên theo B. C. Law thì tác giả hai bản chú giải trên cũng mang tên Buddhaghosa nhưng là một người khác.(4)

     Về Kinh tạng (Suttapitaka), ngài viết các tác phẩm:

     Samangalavilàsinì, chú giải về Trường bộ,

     Papancasùdanì, chú giải về Trung bộ,

     Sàratthapakàsinì, chú giải về Tương ưng bộ,

     Manorathapùranì, chú giải về Tăng chi bộ. Về Tiểu bộ,

     Paramatthajotikà, chú giải về tập Khuddakapàtha (Tiểu tụng),

     Dhammapadatthakathà, chú giải về tập Dhammapada (Pháp cú),

     Paramatthajotikà, chú giải về tập Suttanipàta (Kinh tập).

     Tác giả tập Jàtakatthakathà, chú giải về Jàtaka (Bổn sanh), đôi khi cũng được gán cho Buddhaghosa, tuy nhiên quan điểm này chưa được thống nhất giữa các học giả.(5)

     Ngoài ra, Buddhaghosa cũng là tác giả của các sớ giải về bảy bộ luận thuộc Luận tạng (Abhidhammapitaka), gồm:

     Atthasàlinì, chú giải về tập luận Dhammasanganì,

     Sammohavinodanì, chú giải tập Vibhanga,

     Dhàtukathàpakarana-atthakathà, chú giải tập Dhàtukathà,

     Puggalapannatti-atthakathà, chú giải tập Puggalapannatti,

     Yamakapakarana-atthakathà, chú giải tập Yamaka,

     Patthànapakarana-atthakathà, chú giải tập Patthàna,

     Kathàvatthu-atthakathà, chú giải tập Kathàvatthu.

     Có thể nói rằng Buddhaghosa đã đóng góp rất lớn cho nền học thuật Pàli bởi sự nghiệp nghiên cứu vĩ đại của ngài. Ngoài các chú giải quan trọng về giáo lý góp phần cho lịch sử phát triển văn học Pàli và mở đường cho công tác chú giải tiếp tục phát triển về sau, các công trình sớ giải của Buddhaghosa cung cấp nhiều thông tin quan trọng và gây hứng khởi lớn cho nền học thuật Pàli. Truyền thống Miến Điện và một số học giả xem Buddhaghosa là người từng đến Miến Điện và tạo được không khí học thuật ở đây. Các Phật tử Miến Điện mô tả Buddhaghosa từ Tích Lan đến Miến Điện sau khi ông hoàn tất công trình dịch thuật các sớ giải từ tiếng Tích Lan sang tiếng Pàli. Người ta nói vị đại luận sư này đã mang theo mình bản ngữ pháp Pàli của Kaccayàna và dịch sang tiếng Miến Điện. Ngài cũng được xem là đã viết một tập các ẩn dụ bằng tiếng Miến.(6) Mặc dù các thông tin trên không được tán trợ bởi các cứ liệu lịch sử, danh tiếng và các công trình chú giải vĩ đại do Buddhaghosa thực hiện ở Tích Lan  vào thế kỷ thứ năm có lẽ đã gây ấn tượng lớn đối giới học thuật Miến Điện.

     Nhận xét về thành quả văn học của Buddhaghosa, B. C. Law cho rằng các tác phẩm của Buddhashosa, Buddhadatta và Dhammapàla đích thực là các sớ giải Pàli quan trọng nhất. Chúng giàu có và phong phú về mặt tài liệu, rất cần cho việc tái tạo lịch sử xã hội và tôn giáo Ấn Độ cổ đại. Các tác phẩm của họ cũng soi sáng các khía cạnh triết học, tâm lý học và siêu hình học của những thời kỳ mà chúng đề cập.(7) Cũng theo học giả này thì các sớ giải Pàli cung cấp cho chúng ta một kho tàng đồ sộ về các thông tin giá trị liên quan đến lịch sử văn học, ngôn ngữ học, xã hội, kinh tế, chính trị, kiến trúc và tôn giáo Ấn Độ cổ đại. Sự phân tích tâm lý về các pháp hay hiện tượng, việc phân loại các dạng tâm thức khác biệt, các quá trình tâm lý, các tương quan nhân quả... được nói đến trong văn học Pàli góp phần đáng kể cho trí tuệ Ấn Độ.(8) K. L. Hazra nhấn mạnh thêm: “Các luận sớ Pàli là hết sức quan trọng đối với công tác nghiên cứu lịch sử và địa lý Ấn Độ cổ đại. Chúng không chỉ soi sáng về phương diện lịch sử xã hội, triết học và tôn giáo mà còn cung cấp nhiều thông tin về địa lý và lịch sử chính trị của Ấn Độ và Tích Lan cổ đại. Các sớ giải cũng cung cấp thông tin về Phật giáo Tích Lan, sự phát triển tu viện, các sinh hoạt tôn giáo và lịch sử Tăng già ở đây.”(9) Cũng theo Hazra thì chính nhờ Buddhghosa mà văn học Phật giáo đã đạt đến đỉnh vinh quang của nó. Buddhaghosa đã đưa ra tài liệu mới từ các nguồn tư liệu khác nhau và giúp cho văn học Phật giáo phát triển.(10)

****

BUDDHADATTA:

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

 

     Buddhadatta là một luận sư Pàli cùng thời với Buddhaghosa nhưng tài liệu nói về ngài không phong phú như Buddhaghosa. Tên tuổi của ngài cũng được đề cập trong nhiều tác phẩm Pàli nhưng hầu như không có tác phẩm nào chép lại tiểu sử của ngài. Sự thiếu vắng các tài liệu nói về cuộc đời của ngài có thể hiểu một phần do truyền thống mai danh ẩn tích của các đạo sư nhưng phần khác có lẽ do ngài không được nổi tiếng như Buddhaghosa. Tuy vậy, tập hợp một số thông tin tản mạn trong các tác phẩm Pàli, chúng ta cũng có thể phát họa đôi nét về cuộc đời của ngài, bên cạnh sự nghiệp văn học to lớn của ngài.

     Theo thông tin từ các tài liệu Vinaya-Vinicchaya và Abhidhammàvatàra thì Buddhadatta xuất thân từ nam Ấn, vùng Kàveri, thuộc vương quốc Cola. Uragapura là quê hương của ngài, nay là Uraiyur hay Uraiyyur. Tác phẩm Gandhavamsa đề cập ngài sau Buddhaghosa, có lẽ do ngài không nổi tiếng bằng Buddhaghosa. B. C. Law dẫn nhận xét của Tỷ kheo A. P. Buddhadatta nói rằng Buddhadatta hoặc lớn tuổi hơn hoặc bằng tuổi với Budhaghosa.(11) Tuy nhiên K. L. Hazra tỏ ra nghi ngờ về nhận định này. Học giả này dẫn nguồn tin từ Buddhaghosasuppatti trong đó Buddhadatta gọi Buddhaghosa bằng danh xưng “Hiền giả” (Avusa) và cho rằng Buddhaghosa trẻ hơn Buddhadatta.(12) Tài liệu Vinaya-Vinicchaya nói rằng trong lúc Buddhadatta từ Tích Lan  quay về Ấn, ngài đã gặp Buddhaghosa đang trên dường đến Tích Lan  để chuyển dịch các sớ giải sang tiếng Pàli. Theo tài liệu Cùlavamsa thì Buddhaghosa đến Tích Lan  dưới triều vua Mahànàma, khoảng 409-421. Như vậy ta có thể ước chừng rằng Buddhadatta ra đời khoảng cuối thế kỷ thứ tư Tây lịch, cùng thời với Buddhaghosa nhưng lớn hơn Buddhaghosa một ít tuổi.

     Theo khảo cứu của G. P. Malalasekera thì mặc dù là người Ấn, Buddhadatta xuất gia thọ đại giới ở Tích Lan , do các tu sĩ Đại tinh xá (Mahàvihàra) ở Anuràdhapura truyền giới.(13) Như vậy Buddhadatta là thành viên của Tăng chúng Đại tinh xá. Không ai biết chắc Buddhadatta đã sống ở Mahàvihàra bao lâu, chỉ biết rằng ngài đã có một thời gian tu học tại đó. M. Winternitz cho rằng Buddhadatta sinh ở Ấn Độ và sống những quãng thời gian khác nhau cả ở Tích Lan  và ở Kàncipura cùng các nơi khác ở nam Ấn.(14) Từ các ghi chú trong tác phẩm Abhidhammàvatàra và Vinaya-Viniccahya, chúng ta biết rằng Buddhadatta viết các tác phẩm Uttara-Vinicchaya, Vinaya-Vinicchaya, Abhidhammàvatàra, Rùpàrùpavibhàga và Madhuratthavilàsini tại tinh xá do Kanhadàsa hay Venhudàsa xây dựng ở Bhùtamangalagàma, bên bờ sông Kàverì nằm ở trung tâm kinh đô Cola. Nhà vua ở ngôi lúc bấy giờ là Accutavikkama được xem là người hộ trì lớn cho ngài. Một vài học giả cho rằng Buddhadatta đã viết tập Uttara-Vinicchaya trong thời gian ở Tích Lan, do có nguồn tin nói rằng Đại trưởng lão Sanghapàla đã  đề nghị ngài viết tác phẩm ấy. Tuy nhiên, theo K. L. Hazra thì không có bằng chứng nào nói rằng Đại trưởng lão Sanghapàla đã viếng thăm nam Ấn để yêu cầu Buddhadatta viết tác phẩm Uttara-Vinicchaya.(15)

     Từ các thông tin trên, chúng ta có thể hiểu rằng mặc dù từng xuất gia và tu học tại Đại tinh xá ở Tích Lan , Buddhadatta sống phần lớn thời gian ở nam Ấn, có lẽ sau khi ngài từ Tích Lan  trở về. Tài liệu Tài liệu Buddhghosasuppatti thuật rằng trong lúc Buddhghosa khởi hành đi Tích Lan thì gặp Buddhadatta giữa biển, đang trên đường quay về Ấn Độ. Khi biết được ý định của Buddhaghosa sang Tích Lan  để chuyển dịch các sớ giải sang tiếng Pàli, Buddhadatta nói rằng ngài cũng từng đến đó với mục đích tương tự nhưng đã không thể thực hiện được ý nguyện. Ngài chỉ biên soạn các tác phẩm Jinàlankàra, Dantavamsa, Dhàtuvamsa và Bodhivamsa. Và ngài rất mong Buddhaghosa hoàn thành tâm nguyện ấy. Tác phẩm Vinaya-Vinicchaya thuật câu chuyện tương tự, nói rằng khi Buddhadatta từ Tích Lan quay về Ấn, ngài đã gặp Buddhaghosa đang trên đường đến Tích Lan  để nghiên cứu các luận sớ. Biết được tâm nguyện của Buddhaghosa, Buddhadatta rất vui mừng nói rằng ‘khi nào hoàn tất các sớ giải, mong ngài vui lòng gởi cho tôi các bản thảo để tôi thâu tóm các công trình của ngài.’ Buddhaghosa hoan hỷ chấp nhận yêu cầu của Buddhadatta và sau khi hoàn tất các công trình của mình Buddhaghosa đã gởi các bản thảo cho Buddhadatta, theo đó Buddhadatta đã thâu tóm Abhidhamma thành tác phẩm Abhidhammàvatàra và Vinaya thành tác phẩm Vinaya-Vinicchaya. Không ai biết chắc Buddhadatta qua đời khi nào, nhưng cứ theo tường thuật của các tài liệu trên thì có lẽ ngài đã mất tại nam Ấn một thời gian sau khi đã hoàn tất các bản sớ giải.

     Như vậy, ngoài các tác phẩm viết ở nam Ấn như Vinayavinicchaya, Uttaravinicchaya, Abhidhammàvatàra, Rùparùpavibhàga và Madhuratthavilàsinì, Buddhadatta cũng được xem là tác giả của một số tác phẩm viết ở Tích Lan  như Jinàlankàra, Dantavamsa, Dhàtuvamsa và Bodhivamsa. Tuy nhiên học giả Lakshmi R. Goonasekera tỏ ra nghi ngờ về điều này.(16)

     Nhìn chung, Buddhadatta đã đóng góp rất lớn vào kho tàng văn học Pàli bởi các công trình chú giải về Tam tạng. Các tác phẩm Vinayavinicchaya và Uttaravinicchaya là các chú giải về Luật tạng; Abhidhammàvatàra và Rùparùpavibhàga, chú giải về Luận tạng; Madhuratthavilàsinì, chú giải về tác phẩm Buddhavamsa thuộc Kinh tạng. Các công trình của ngài làm phong phú thêm kho tàng văn học Pàli, cung cấp nhiều hiểu biết và thông tin quan trọng không những về Phật giáo Thượng tọa bộ mà còn về nhiều lãnh vực khác.

****

DHAMMAPÀLA:

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

 

     Dhammapàla là tác giả của nhiều sớ giải Pàli quan trọng, có một vị trí xứng đáng trong giới học thuật Phật giáo chỉ sau Buddhaghosa. Danh xưng của ngài, Dhammapàla, ngụ ý rằng ngài là người hộ trì hay bảo vệ Phật pháp.

      Tác phẩm Gandhavamạsa đề cập bốn học giả có tên như ngài. Tài liệu này cho biết vị Dhammapàla thứ nhất viết 14 tác phẩm, được nói đến bằng danh xưng “Đạo sư” (Àcariya). Vị Dhammapàla thứ hai có tên là Culla-Dhammapàla, được mô tả là đệ tử lớn của Ànanda người đã viết một tiểu sớ về các sớ giải Luận tạng của Buddhaghosa. Vị Culla-Dhammapàla này viết tác phẩm Sacca-Sankhepa. Vị Dhammapàla thứ ba có lẽ thuộc thế kỷ thứ 12. Vị này được xếp giữa Sanghakkhita, tác giả tập Vuttodaya và Anuruddha, tác giả bộ Abhidhammattha-sanghaha. Vị Dhammapàla thứ tư là một học giả từng sống ở Arimaddhnapura (Pagan) thuộc Thượng Miến Điện. Từ các thông tin nói trên, chúng ta có thể nói rằng tác giả Dhammapàla mà chúng ta đang đề cập chính là vị Dhammapàla thứ nhất được nói đến trong tác phẩm Gandhavamsa.

      Không ai biết chắc ngài ra đời lúc nào, chỉ biết rằng ngài nổi danh sau Buddhaghosa và sử dụng các tài liệu của Buddhaghosa trong các sớ giải của mình. Từ câu chuyện thuật về ngài trong ký sự của Huyền Trang và các chứng cứ ngài sử dụng các công trình nghiên cứu của Buddhaghosa, chúng ta có thể ước chừng rằng Dhammapàla sống vào khoảng cuối thể kỷ thứ năm hoặc đầu thế kỷ thứ sáu. Tác phẩm Sàsanavamsa cho biết Dhammapàla sống ở Badaratittha thuộc vương vuốc Damila gần Tích Lan. Địa danh Badaratittha này tọa lạc ở bờ biển đông nam Ấn Độ,(17) gần Madras. Xuất phát từ cơ sở này mà một số học giả cho rằng ngài là người Tamil hoặc thuộc tộc người Dravidian thông thạo ngôn ngữ vùng nam Ấn.

      Trong ký sự của mình, Huyền Trang có đề cập đôi điều về cuộc đời Dhammapàla. Tài liệu này thuật rằng vào năm 640 Tây lịch, Huyền Trang đến kinh đô Kàncipura thuộc vương quốc Dravida ở nam Ấn. Các tỷ kheo địa phương bảo cho ngài biết đây chính là nơi Dhammapàla đã ra đời. Ngài là con trai lớn của một vị bộ trưởng. Người ta kể rằng Dhammapàla là một đứa trẻ có nhiều tư chất tốt lớn lên sẽ có được sự thành công vượt trội. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài được nhà vua chọn gả con gái cho làm vợ. Tuy nhiên vào đêm trước hôm diễn ra lễ cưới, ngài cảm thấy chán ngán trong lòng và cầu nguyện trước một tượng Phật với ước mong được xuất gia. Đáp ứng lòng khẩn cầu chân thành của ngài, một vị thần mang ngài đến một tu viện nằm trên một ngọn núi cách xa kinh đô mấy trăm lí. Khi các tỷ kheo ở tu viện này hiểu rõ câu chuyện về ngài, họ chấp thuận lời thỉnh cầu xuất gia của ngài và cho phép ngài thọ đại giới.(18)

      Không có tài liệu nào nói rõ việc Dhammapàla sang tu học ở Tích Lan, nhưng đa số các học giả đều tin rằng ngài xuất thân từ trung tâm học vấn Mahàvihàra ở Anuràdhapura. Lối ghi chú trong các công trình của ngài cho thấy Dhammapàla nỗ lực theo đuổi phương pháp chú giải truyền thống được giảng dạy ở Mahàvihàra Tích Lan. Tài liệu Cùlavamsa đề cập việc Buddhaghosa sang Tích Lan học tập cho thấy các sớ giải Phật giáo Thượng tọa bộ không có mặt ở Ấn Độ và chúng chỉ được nghiên cứu bởi các tu sĩ Mahàvihàra ở Tích Lan. Các chứng cứ này gợi ý tưởng rằng Dhammapàla hình như đã theo học ở Mahàvihàra nơi mà Buddhaghosa từng đến nghiên cứu và viết các sớ giải. Giáo sư Rhys Davids tán trợ nhận định này khi cho rằng Buddhaghosa và Dhammapàla có cùng quan điểm, lưu tâm các tài liệu tương tự, sử dụng phương pháp chú giải giống nhau, đạt đến mức độ như nhau trong khoa học từ nguyên và triết lý và thiếu hiểu biết như nhau về các nguyên tắc của lý luận phê bình.(19) K. L. Hazra dẫn nhận xét trên của Rhys Davids và đi đến kết luận rằng Buddhaghosa và Dhammapàla hẳn đã tiếp thu nền học vấn của họ trong cùng một trường. Dhammapàla được xem là một trong số các nhân vật danh tiếng của Mahàvihàra. Các sớ giải của ngài dựa vào các sớ giải tiếng Tích Lan và vì các sớ giải này không có ở Ấn Độ nên ngài phải sang Tích Lan để nghiên cứu chúng ở Mahàvihàra.(20) M. Winternitz có cùng quan điểm khi nói rằng ‘giống như Buddhghosa, Dhammapàla đề cập về các sớ giải của Đại tinh xá’(21) ở Anuràdhapura.

      Dhammapàla đóng góp cho kho tàng văn học Pàli nhiều sớ giải và phụ chú. Ngài quan tâm đặc biệt về công tác chú giải các tuyển tập Tiểu bộ (Khuddaka Nikàya):

      Vimànavatthu-atthakathà, chú giải về tập Vimànavatthu (Thiên cung sự),

      Petavatthu-atthakathà, chú giải tập Petavatthu (Ngạ quỷ sự),

      Theragàthà-atthakathà, chú giải tập Theragàthà (Trưởng lão Tăng kệ),

      Therìgàthà-atthakathà, chú giải tập Therìgàthà (Trưởng lão Ni kệ),

      Cariyàpitaka-atthakathà, chú giải tập Cariyàpitaka (Sở hành tạng),

      Udàna-atthakathà, chú giải tập Udàna (Phật tự thuyết),

      Itivuttaka-atthakathà, chú giải tập Itivuttaka (Phật thuyết như vậy).

     Tất cả tác phẩm chú giải trên của Dhammapàla bao hàm trong tác phẩm Paramatthadìpanì của ngài.(22)  Ngoài ra, theo sử liệu Gandhavamsa, Dhammapàla còn là tác giả của một số tiểu sớ giải hay phụ chú về các công trình chú giải phần lớn do Budhghosa thực hiện:

     Tập Paramathamanjùsà, chú giải về tác phẩm Visuddhimagga,

     Lìnattha-pakàsinì, phụ chú về bốn sớ giải Kinh tạng hay Nikàya,

     Lìnatthavannanà, phụ chú về các sớ giải Luận tạng,

     Lìnattha-pakàsinì, phụ chú về sớ giải Jàtaka,

     Lìnatthavannanà, phụ chú về sớ giải tập Nettippakarana.

     Nhận xét về phương pháp nghiên cứu và thành quả các công trình của Dhammapàla, T. W. Rhys Davids nói rằng trong các chú giải của ngài, Dhammapàla luôn luôn theo một kế hoặch đều đặn. Đầu tiên ngài giới thiệu toàn bộ tuyển tập các bài kệ rồi đề cập từng bài kệ. Ngài mô tả các bài kệ riêng biệt. Sau khi nói rõ về lý do, thời điểm và nhân vật nói kệ, ngài chỉ trích dẫn mỗi một mệnh đề trong bài kệ và giải thích nó theo lối từ nguyên và triết học. Từ những mô tả và giải thích của ngài, các độc giả dễ dàng hiểu rõ các bản kinh khó hiểu.(23) G. P.Malalasekera cho rằng các tác phẩm của Dhammapàla cho thấy khả năng học vấn rộng lớn, kỹ năng luận giải tài tình và các nhận xét sâu sắc. Giữa ngài và Buddhaghosa có nhiều điểm giống nhau.(24) Theo B.C. Law, các tác phẩm của Dhammapàla cho thấy ngài đọc nhiều hiểu rộng. Ngài giải thích các thuật ngữ rất rõ ràng. Tương tựa các sớ giải của Buddhaghosa, các sớ giải của Dhammapàla soi sáng các quan điểm xã hội, tôn giáo, đạo đức và triết học đương thời.(25)

 


(1). B. C. Law, Buddhaghosa, tr. 1.      

(2). G.P.Malalasekera, Dictionary of Pàli Proper Names, Vol. II, tr. 306.          

(3). K. L. Hazra, Studies on Pàli Commentaries, tr. 95.     

(4). B. C. Law, Buddhaghosa, tr. 71-75.            

(5). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. II, tr. 472.             

(6). K. L. Hazra, History of Theravàda Buddhism in South-East Asia, tr. 65.   

(7). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. II, tr. 396.             

(8). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol.I, tr. xxvi.               

(9). K. L. Hazra, Studies on Pàli Commentaries, tr. 283.   

(10). K. L. Hazra, Studies on Pàli Commentaries, tr. 97.    

(11). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. II, tr. 386-387.     

(12). K. L. Hazra, Studies on Pàli Commentaries, tr. 89.    

(13). G. P. Malalasekera, Pàli Literature of Ceylon, tr. 107.               

(14). M. Winternitz, Hisitory of Indian Literature, Vol. II, tr. 220.    

(15). K. L. Hazra, Studies on Pàli Commentaries, tr. 91.    

(16). Encyclopaedia of Buddhism, Vol. III, tr. 395-396.   

(17). G. P. Malalasekera, Pàli Literature of Ceylon, tr. 112; M. Winternitz, History of Indian Literature, Vol. II, tr. 205.  

(18). The Great Tang Dynasty Record of the Western Regions, tr. 320; G. P. Malalasekera, Pàli Literature of Ceylon, tr. 114.          

(19). Encychopaedia of Religion and Ethics, IV, tr. 701.   

(20). K. L. Hazra, Studies on Pàli Commentaries, tr. 117.    

(21). M. Winternitz, History of Indian Literature, Vol. II, p. 205-206. 

(22). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. II, tr. 516; K. L. Hazra, Studies on Pàli Commnetaries, tr. 243.           

(23). Encychopaedia of Religion and Ethics, tr. 702.         

(24). G. P. Malalasekera, Pàli Literature of Ceylon, tr. 115.               

(25). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. II, tr. 392-393.     

 
00:00