Luận Tam Thừa Và Nhất Thừa Từ Tâm Hành(1) Của Học Giả
Tam thừa và Nhất thừa, luôn là chỗ tranh luận của học giả Phật giáo. Tam thừa là Quyền hay là Thật(2)? Nhất thừa là Đại thừa trong Tam thừa, hay vượt ra ngoài Tam thừa? Tranh tới bàn lui, rốt cuộc cũng không thấu suốt được nó. Gần đây đọc đến dịch giả của bộ “Chính Pháp Hoa Kinh” “Tu Hành Đạo Địa Kinh” do thầy Trúc Pháp Hộ dịch mà mọi người tôn xưng Đôn Hoàng Bồ-tát. Phát hiện thấy có liên quan đến nghĩa xưa của Tam thừa và Nhất thừa, tuy lời lẽ giản đơn nhưng rất rõ ràng, nay xin đặc biệt giới thiệu sơ qua.
Nói từ phát tâm, có tâm sợ sinh tử và tâm đại Bồ-đề; nói từ mục tiêu, có nhập Niết-bàn và thành Phật đạo. Do căn tính của chúng sinh không giống nhau, cho nên tùy theo căn cơ giảng thuyết phương pháp giải thoát của đức Như Lai cũng khác nhau, do đó mà có Tam thừa đạo, có Nhất thừa đạo; có Đại mà bỏ Tiểu, có quay lưng với Tiểu hướng về Đại, trở thành tình hình phức tạp của cơ giáo tương quan.
Thanh văn, là vị xưa nay chưa từng phát tâm Bồ-đề (tâm làm Phật); thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, kết thúc việc lớn sinh tử của chính mình. Trong Thanh văn cũng có hai hạng: Có hạng, cảm thấy thống khổ bách bức vô cùng của Tam giới sinh tử, lại cũng không đủ khả năng nhẫn thọ, dẹp xuống lối sống yếu chết nhát. Vấn đề duy nhất, là việc lớn sinh tử, vị này đối với chúng sinh, “chỉ mong tự mình được yên ổn, còn người khác thì không quan tâm.” Vị này đối với tam giới (ba cõi), “nếu nghe nói đến tên của đất nước khác, liền run sợ hoảng hốt. Với căn tính như vậy, sợ đời hiện tại không có khả năng liễu thoát sinh tử, không có khả năng đạt được cứu cánh. Do đó, đức Như Lai phương tiện giáo hóa vị đó nên chê trách sinh tử, ca ngợi Niết-bàn, hóa hiện Niết-bàn thành(3), chỉ dẫn cho vị ấy thấy Tứ đế(4), được giải thoát. Hạng căn tính này, tự cho mình đã đạt đến cứu cánh, không cần phải nỗ lực tiến tu Đại thừa; đòi hỏi vị ấy, “lúc sắp diệt độ, Đức Phật hiện ra trước mặt, hiện đại đạo”, như vậy mới biết được mình chưa đạt được cứu cánh, rồi hướng tâm về Đại thừa. Còn hạng Thanh văn thứ hai: Có tâm từ bi nhưng không có khả năng cứu độ rộng khắp, cũng có thể tu “thí giới đạo tuệ”. Tuy cũng liễu thoát sinh tử, chuyên ròng thiền định tư duy, đạt đến Vô vi Niết-bàn giới(5). Nhưng tự vị ấy có khả năng “biết A-la-hán vốn chẳng đạt đến cứu cánh”, tự mình cầu học con đường Bồ-tát, thọ giáo với Đức Phật, quay tâm trở lại với Đại thừa. Thực tập hạnh Đại từ đại bi, sáu Ba-la-mật (lục Ba-la-mật(6)), không dính mắc không đoạn diệt; tức vẫn có thể vào trong sinh tử để độ thoát chúng sinh.
Duyên giác, trước kia đều có phát tâm Bồ-đề, song bị thối chuyển đạo tâm ấy. Hoặc là trước kia có phát đại tâm, nhưng hiện tại lại bị bánh xe thời gian làm cho quên mất; hoặc là lục độ (sáu Ba-la-mật) mà chấp tướng, niệm Phật dính mắc nơi sắc tướng. Đối với căn tính này, đức Như Lai nói Tam thừa đạo, gặp thời có Phật ra đời, tự vị đó tìm nơi thanh vắng, hang núi, quán vạn vật từ duyên mà đạt được đạo quả. Điểm chung của hai hạng này, đều có phát tâm Bồ-đề, song không rõ nghĩa lí sâu xa, dính mắc nơi tướng tốt của thân đức Như Lai. Nhưng đến cuối cùng họ cũng hồi tâm hướng về Đại thừa; đợi đến lúc liễu thoát sinh tử nhập vào cảnh giới Niết-bàn, Đức Phật liền “hiện Đại thừa, không có Tam thừa”, đây mới có thể “không thấy ba cõi, chẳng có tưởng Niết-bàn” mà thể nhập với Đại thừa.
Bồ-tát, là vị phát tâm đại Bồ-đề. Ngoài những vị trở lại hướng về Duyên giác, cũng có hai hạng. Một: Dần dần nhập vào, hiểu rõ ba cõi như ảo hóa, tất cả đều không; thực tập lục độ, luôn tinh tấn tiến thẳng về trước, tích chứa vô lượng vô biên công đức, cứ tiến lên mãi. Cuối cùng, thành tựu phương tiện, mới thể ngộ Vô sinh pháp nhẫn(7) đạt được địa vị bất thoái(8). Thứ hai, siêu hành: Lúc vừa phát khởi tâm đại Bồ-đề, liền có khả năng ngộ Vô sinh pháp nhẫn, đạt địa vị bất thoái, vị này trực tiếp thể hội Pháp tính không(9) của mình, “tất cả bổn vô (bổn vô là tên gọi khác của Chân như) không thể phân biệt.” Bạn cho rằng nhiễm ô của tâm phiền não trói buộc mình sao? Cần phải rõ, “không hiểu rõ, càng khởi ngô ngã (ngô ngã là tên gọi khác của ngã), vừa mới chấp trước liền dính mắc, lấy trói buộc cầu giải thoát. Không chấp trước không trói buộc, vậy cầu thoát làm gì?” Đây tức là chỉ dạy “ai trói buộc bạn” của người xưa, tức khắc nhập vào cảnh giới vô sinh. Nếu nói: “Bậc trí tuệ quán xét ba cõi, ngũ ấm thảy đều như mộng. Lấy chỗ Vô xứ, đạt được bất khởi nhẫn (bất khởi tức vô sinh). Đạo (đạo tức cách nói khác của Bồ-đề) pháp không xa gần, giống như không vô nơi chốn. Tâm Không giải Bổn vô: Hốt như ánh sáng mặt trời lớn, trí tuệ lúc đó, không đắc cũng không có chỗ mất, đạo không đến đi, giác vốn chẳng một.” Trong tuệ lớn bình đẳng của tâm Không này, không trú ba cõi, không chấp Niết-bàn: Không thấy có chúng sinh được độ, vận năng lượng đại nguyện phương tiện độ thoát chúng sinh; không thấy có Phật đạo được thành tựu, vận dụng năng lượng đại tinh tấn phương tiện tu lục độ: Đây là lợi căn của Bồ-tát (theo luận của thầy Long Thọ, Bồ-tát còn phân làm ba hạng).
Cùng quay về nghĩa lí tột cùng của Nhất đạo, thật chỉ rõ giải ngộ bổn vô của tuệ bình đẳng; nếu nói rộng ra, hồi tâm hướng về Đại thừa, cũng có thể nói đồng quay về Đại thừa. Phật pháp dựa vào căn cơ mà chỉ bày phương pháp thực tập, Tam thừa Nhất thừa, đều là lập luận dựa trên tâm hành của người học Phật. Cho nên nếu bỏ qua điểm này, cho rằng bộ kinh này Đại thừa, bộ kinh kia Tiểu thừa; hoặc giả nói bộ pháp này Tam thừa, bộ pháp kia Nhất thừa, đều không dính líu gì đến nhau cả! Thực tập phương pháp giải thoát của Đại thừa mà chứng quả Tiểu thừa, rơi vào ngoại đạo, việc này thường xảy ra. Hành giả thực tập phương pháp giải thoát của Đại thừa, tu học Nhất thừa, thì nên lúc nào cũng phải kiểm điểm tâm ý và hành động của mình. Xem thử mình khởi tâm động niệm như thế nào vì liễu thoát sinh tử, hay là vì độ chúng sinh? Thực tập như thế nào thực tập hạnh xuất li, hay là thực hành lục độ từ bi? Ngộ giải ra sao chấp tướng dính mắc vào Hữu, hay là tức tâm Không mà nhập vào Vô sinh? Tuy nhiếp hết thảy chúng sinh kết cục đều muốn thành Phật, nhập vào đại tuệ bình đẳng của Nhất thừa, nhưng khi chưa bước chân vào mảnh đất đó, tuyệt đối không được cho mình là học giả Nhất thừa khi chỉ có đọc kinh Nhất thừa, học pháp Nhất thừa!
(1). Tâm hành (心行 tiếng Phạn Citta-carya): Thuật ngữ “Tâm hành” có năm cách giải thích:
1. Những tác dụng hoạt động hay trạng thái biến hóa của tâm, như vui, buồn, yêu, ghét. Luận Đại Thừa Khởi Tín cho rằng tâm hành của chúng sinh không giống nhau mà luận này soạn ra là nhằm vào những người có tâm ưa thích lời văn đơn giản mà nghĩa phong phú.
2. Tâm hành là đối tượng của tâm, tức phạm vi tác dụng của tâm.
3. Tâm hành là chí hướng, chí nguyện của tâm.
4. Tâm hành là ý thức phân biệt, vọng tưởng, suy lường khởi lên từ tâm.
5. Tâm và hành tức là an tâm và khởi hạnh trong Tịnh Độ giáo. Đây là tâm hành của tha lực, còn tâm Bồ-đề và nhiều hạnh lành khác là tâm hành tự lực.
(2). Quyền thật (權實): Tức là quyền và thật.
Quyền: Giả lập tạm mượn, không thật. Thật: Như thật bền chắc, rốt ráo.
Thật giáo là giáo pháp nội chứng của Đức Phật, căn cứ vào sự thật mà nói ra, là giáo pháp rốt ráo căn bản; Quyền giáo là pháp phương tiện được lập ra để dẫn dắt người vào Thật giáo, sau khi đến cảnh giới Thật giáo rồi thì phải phế bỏ Quyền giáo.
Thật trí còn gọi là Chân thật trí, Như thật trí, là trí như thật sáng suốt; Quyền trí còn gọi là Phương tiện trí, là trí tuệ khởi lên để dẫn dắt hóa độ người khác. Thật nhân chỉ cho hạnh viên đốn; Quyền nhân là chỉ các hạnh của Tam giáo (Tạng giáo, Thông giáo và Biệt giáo). Thật quả chỉ cho Đại Niết-bàn bí tàng ba đức; Quyền quả là hóa hiện thân vàng một trượng sáu…
Thật nhân chỉ cho người hiện thật, Quyền nhân chỉ cho người do quyền hóa mà có, là các tướng mạo do người hoặc chư thiên do Phật, Bồ-tát giả hiện ra để dẫn dắt chúng sinh. Thật hóa là giáo hóa chúng sinh bằng cách phế bỏ ba thừa qui về Nhất thừa của Phật, Quyền hóa là sự giáo hóa bằng cách chia Nhất thừa thành Tam thừa.
(3). Niết-bàn thành (涅槃城): Theo kinh điển Phật giáo, từ “Niết-bàn thành” có hai nghĩa.
1. Dùng “thành” để dụ cho Niết-bàn: Niết-bàn là chỗ chứng đắc bất sinh bất diệt, đạt đến chỗ an lạc giải thoát của bậc thánh, cho nên lấy thành làm thí dụ.
Theo luận Đại Trí Độ ghi: 37 phẩm trợ đạo là con đường hướng đến Niết-bàn, thực hành đạo này sẽ đến được thành Niết-bàn. Thành Niết-bàn có ba cửa: Không, Vô tướng, Vô tác. Khi chứng ngộ cảnh giới này, đều gọi là đến thành Niết-bàn.
2. Chỉ cho thế giới Cực Lạc: Cực Lạc là cõi Niết-bàn vô vi, cho nên chứng đắc Niết-bàn tịch tĩnh là thành quách của quả vi diệu.
(4). Tứ đế (四諦 tiếng Phạn Satya): Bốn chân lí Khổ, Tập, Diệt, Đạo chân thật, không hư dối. Bốn chân lí này là chỗ thấy biết của bậc thánh nên cũng gọi là Tứ Thánh đế. Về mặt đại thể, Tứ đế là sự qui nạp thuyết “Thập nhị duyên khởi” mà Phật giáo dùng để giải thích các hiện tượng trong vũ trụ, là đại cương của giáo nghĩa Phật giáo Nguyên thỉ, là bài thuyết pháp đầu tiên của đức Thế Tôn. Tứ đế theo thứ lớp được gọi là Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế và Khổ diệt đạo thánh đế hoặc Khổ đế, Khổ tập đế, Khổ tận đế và Khổ xuất yếu đế… Trong đó, Khổ và Tập biểu thị cho Quả và Nhân trong thế giới mê vọng, còn Diệt và Đạo biểu thị Quả và Nhân trong thế giới chứng ngộ. Tức quả hữu lậu thế gian là Khổ đế, Nhân hữu lậu thế gian là Tập đế, Quả vô lậu xuất thế là Diệt đế, Nhân vô lậu xuất thế là Đạo đế.
Theo kinh Phân Biệt Thánh Đế, trung A-hàm, luận Đại Tì-bà-sa… giải thích nghĩa Tứ đế như sau:
1. Khổ đế (苦諦 tiếng Phạn Duḥkha-satya): Khổ đế là chỉ chung cho trạng thái thân tâm bị bức bách khổ não. Xét rõ sự thật của sự vật ở thế gian thì bất luận hữu tình hay vô tình thảy đều Không, cũng tức là phán đoán giá trị những gì do con người và hoàn cảnh tạo ra, cho rằng bản chất của tất cả thế tục đều là khổ. Khổ đế chính là chân đế về “sinh tử quả thật là khổ”.
2. Tập đế (集諦 tiếng Phạn Samudaya-satya): Tập nghĩa là chứa nhóm. Xét rõ sự thật của tất cả phiền não hoặc nghiệp thì chúng thật có công năng chứa nhóm quả khổ sinh tử trong ba cõi. Tập đế chính là chân đế về sự sinh khởi và nguồn gốc của các khổ mà con người ở thế gian phải chịu.
3. Diệt đế (滅諦 tiếng Phạn Nirodha-satya): Diệt là tịch diệt. Xét rõ sự thật và đoạn trừ cội gốc của các khổ cùng ái dục thì được khổ diệt, nhập vào cảnh giới Niết-bàn. Diệt đế chính là chân đế về sự diệt tận Khổ và Tập.
4. Đạo đế (道諦 tiếng Phạn Mārga-satya): Đạo là thông suốt. Xét rõ sự thật về con đường diệt khổ chính là Bát chính đạo.
Nếu thực tập theo đây thì siêu thoát được Khổ đế và Tập đế, đạt đến cảnh giới Niết-bàn vắng lặng. Đạo đế chính là chân lí về Bát chính đạo.
(5). Vô vi Niết-bàn giới (無為涅槃界): Cảnh giới vô vi Niết-bàn bất sinh bất diệt, lìa tất cả tướng hữu vi, đạt đến sự giác ngộ tuyệt đối bất biến, nên gọi là vô vi Niết-bàn giới. Thế giới Cực Lạc của tông Tịnh Độ chính là vô vi Niết-bàn giới.
(6). Lục Ba-la-mật (六波羅蜜 tiếng Phạn ṣaḍ-pāramitā): Hay còn gọi là Lục độ, Lục đáo bỉ ngạn. Đây là sáu hạnh rốt ráo mà Bồ-tát Đại thừa cần phải thực hành để Đạt đến quả vị Phật.
1. Bố thí Ba-la-mật (布施波羅蜜 tiếng Phạn Dāna-pāramitā): Nghĩa là bố thí một cách rốt ráo viên mãn, gồm có tài thí, pháp thí và vô úy thí. Hạnh này dùng để đối trị lại lòng tham lam bỏn xẻn, tiêu trừ được bần cùng.
2. Trì giới Ba-la-mật (持戒波羅蜜 tiếng Phạn Śīla-pāramitā): Giữ gìn giới luật một cách trọn vẹn, để đối trị với nghiệp xấu ác, làm cho thân tâm được an lạc.
3. Nhẫn nhục Ba-la-mật (忍辱波羅蜜 tiếng Phạn Kṣānti-pāramitā): Nhẫn nhục mà không trụ tưởng, để đối trị với sân hận, khiến cho tâm được an vui.
4. Tinh tấn Ba-la-mật (精進波羅蜜 tiếng Phạn Vīrya-pāramitā): Tự khuyến thân tâm thực hành không gián đoạn 5 Ba-la-mật kia, để đối trị với lười biếng, làm tăng trưởng pháp lành.
5. Thiền định Ba-la-mật (禪定波羅蜜 tiếng Phạn Dhyāna-pāramitā): Thiền định thù thắng nhất, Bồ-tát thực tập thiền định này sẽ đạt đến cảnh giới cứu cánh.
6. Trí tuệ Ba-la-mật (智慧波羅蜜 tiếng Phạn Prajñā-pāramitā): Trí tuệ không phân biệt, nương vào trí tuệ này có thể thành tựu 5 Ba-la-mật kia.
(7). Vô sinh pháp nhẫn (無生法忍 tiếng Phạn Anutpattika-dharma-kṣānti): Pháp nhẫn Vô sinh, một trong ba nhẫn, nhẫn thứ tư trong năm nhẫn được nói trong kinh Nhân Vương (Phục nhẫn, Tín nhẫn, Thuận nhẫn, Vô sinh nhẫn, Tịch diệt nhẫn). Tức quán lí không sinh không diệt của các pháp, nhận rõ lí ấy, an trụ tâm bất động.
Theo Đại Trí Độ luận ghi: “Vô sinh pháp nhẫn là tin nhận thông đạt, vô ngại bất thoái đối với thật tướng không sinh không diệt của các pháp.”
Theo luận Du-già Sư Địa ghi: “Bồ-tát ở địa vị bất thoái chuyển nương vào ba tính Biến kế sở chấp, Y tha khởi và Viên thành thật mà được ba loại Vô sinh nhẫn: Bản tính, Tự nhiên và Phiền não khổ cấu.
a. Bản tính vô sinh nhẫn: Nghĩa là quán thể tính của Biến kế sở chấp đều không, biết rõ bản tính Vô sinh.
b. Tự nhiên vô sinh nhẫn: Nghĩa là quán các pháp Y tha do nhân duyên sinh, biết rõ chẳng phải tự nhiên mà sinh.
c. Phiền não khổ cấu vô sinh nhẫn: Nghĩa là pháp tính chân như của thật tính các pháp an trụ vô vi và không tương ưng với tất cả tạp nhiễm, biết rõ xưa nay vắng lặng.
(8). Bất thoái (不退 tiếng Phạn Avinivartanīya): Không thoái chuyển. Chỉ sự tu hành không lui sụt cho đến khi thành Phật. Còn thoái chuyển chỉ cho sự lui sụt rơi vào đường ác hoặc Nhị thừa địa (hàng Thanh văn và Duyên Giác).
Bất thoái địa còn gọi là bất thoái chuyển địa. Trong giai vị Tứ thiện căn của Hữu bộ, đến Nhẫn vị thì không còn rơi vào đường ác, được xếp vào bất thoái vị.
Thuyết về bất thoái có nhiều, như tam bất thoái (Vị bất thoái, Hạnh bất thoái và Niệm bất thoái), tứ bất thoái (Tín bất thoái, Vị bất thoái, Chứng bất thoái và Hạnh bất thoái), ngũ bất thoái (Tín, Vị, Chứng, Hạnh và Phiền não bất thoái).
(9). Pháp tính không (法性空): Bản tính vốn vắng lặng của các pháp.
Theo Nhân Vương Kinh Hiệp Sớ ghi: “Pháp tính không, nếu tính vốn chẳng không thì không thể làm cho không được. Vì tính nó vốn tự không, nên các pháp đều không.”