Nghĩa Không Của Đại Thừa

    1. Không là nghĩa thâm áo Đại thừa: Đức Phật, do chứng ngộ tính Không mà được tự tại giải thoát. Cho nên từ sự giác ngộ chứng đắc của đức Như Lai mà nói, Không là tính chân thật của tất cả pháp, là Bát-nhã, chỗ giác ngộ chứng đắc Bồ-đề. Còn nói từ nhân giác ngộ chứng đắc mà giải thoát, Không là phương tiện thiện xảo giải thoát ràng buộc, dính mắc; Không, không có chỗ trụ, không chấp trước, không nắm giữ…, là phương tiện hướng thẳng đến chứng ngộ, thành quả của giác ngộ chứng đắc. Một là nói theo chân tính, còn một nói theo hành chứng. Nghĩa Không của Đại thừa mà hiện tại đang nói, chính là nói nghĩa chân thật.

    Trong pháp Đại thừa, Không được gọi là: “Thậm thâm nhất trong thậm thâm, khó thông đạt nhất trong khó thông đạt.” Như kinh Bát-nhã nói: “Thâm áo, không là nghĩa của nó, vô tướng, vô tác là nghĩa của nó, không sinh không diệt là nghĩa của nó…” Thập Nhị Môn luận cũng ghi: “Đại phân thâm nghĩa, chính là nghĩa Không”. Cho nên Không, vô sinh, tịch diệt... là nghĩa lí thậm thâm của Đại thừa. Vì sao được xem nghĩa thậm thâm nhất? Đây là tri thức thế tục, tri thức hiện có của thường thức, khoa học, triết học không thể nào thông đạt được, duy chỉ có trí tuệ vô lậu(1) vô phân biệt mới thể ngộ nổi. Là cái siêu việt thông thường của thế gian, cho nên gọi thậm thâm.

    2. Thâm nghĩa của Không và diệt: Đây là chỗ thậm thâm nhất, nhà Phật thường lấy Không, vô thường, diệt, tịch… để biểu thị. Tất cả những lời đức Như Lai nói ra, đều có thể nói thế gian có hết. Nếu dựa vào danh nghĩa thế gian để lí giải, đó chỉ là tri thức thế gian, không phải thâm nghĩa đức Như Lai nói. Cho nên những ngôn từ này, đều mang hàm ý không giống với thế gian, vả lại cũng không được “giải nghĩa theo văn”. Ví dụ như Không và tịch diệt của vô sinh diệt, theo lí giải thông thường của thế gian, cho rằng đây là hư vô tiêu cực, mà không biết nó hoàn toàn trái ngược, những từ ngữ này là sự thật mà còn ẩn chứa ý nghĩa hết sức tích cực.

    Không, trong kinh điển nhà Phật lấy hư không làm ví dụ, có khi còn gọi thẳng nó là hư không. Theo thế tục người ta cho rằng, hư không nghĩa là không có cái gì sở hữu; còn trong nhà Phật: Hư không là “vô ngại làm tính”, “sắc ở trong hành”. Vật chất, đặc tính “sắc”, là “trở ngại”; mà đặc tính của hư không là vô ngại. Vô ngại, không chỉ ngoài chất ngại của vật chất, cũng không tương ngại với vật chất. Do tính vô ngại của hư không, không những không trở ngại vật chất, mà còn là vật chất, nơi hoạt động của sắc. Ngược lại, nếu không có hư không, không phải vô ngại, ngay tức khắc vật chất không có khả năng tồn tại, không có khả năng hoạt động. Do đó, hư không và vật chất không rời xa nhau, hư không là nơi nương tựa của vật chất. Không và tính không mà Phật pháp nói đến, có thể nói là nghĩa rộng của ý nghĩa tính hư không vô ngại để giảng nói nghĩa thậm thâm. Không, không phải hư không, mà nơi nương tựa của tất cả pháp (sắc, tâm...), chỗ không rời chân tính của tất cả pháp, nguyên lí tồn tại hoạt động của hết thảy pháp. Ngược lại, nếu chẳng có Không, thì tất cả pháp không thể từ duyên mà có, không thể có sinh có diệt. Như vậy, tính Không có ý nghĩa thật sự.

    Nói đến tịch tĩnh, vốn đối lập với sinh diệt, tên gọi khác của bất sinh bất diệt. Sinh và diệt, là thông tính của sự tướng thế tục, liên tục trong quá trình sinh diệt, diệt sinh của tất cả pháp. Nhưng thông thường mọi người luôn đặt nặng ở sinh, xem vũ trụ và nhân sinh là thật tại sinh mãi không ngừng. Nhưng Phật pháp, lại chú trọng đến diệt mãi không ngừng. Diệt, không phải đoạn diệt, chẳng phải tiêu mất, mà là quá trình kéo dài sự tướng. Trái với sinh đã nói ở trên, “chung qui ở diệt”, diệt tất nhiên là kết quả của tất cả. Do diệt là trạng thái tĩnh lặng, quay về của tất cả pháp, cho nên làm nơi cho hết thảy hoạt động sinh khởi. Phật pháp xưng tán đức Phật A-di-đà là Vô lượng quang minh (ánh sáng vô lượng), Vô lượng thọ mạng (tuổi thọ vô lượng), nếu triển khai theo “mặt trời lặn”, chính là đồng nhất ý nghĩa. Diệt là trạng thái kéo dài quá trình, tất nhiên hết thảy quay về, qua ý nghĩa này suy ra thuyết tịch diệt, tịch diệt là bản tính bên trong của đối lập sinh diệt. Đương thể của sinh diệt diệt sinh, tức tính tịch diệt của bất sinh bất diệt. Do đây là bản tính của sinh diệt, cho nên sinh diệt mâu thuẫn lẫn lộn, rốt cuộc hướng về tịch diệt, mà cuối cùng nhân loại có khả năng thực hiện thể chứng của Bát-nhã.

     3. Quán thấy thâm nghĩa của Không tịch từ sự tướng: Tính Không hoặc tính tịch diệt tất cả pháp, là tính chân thật của hết thảy pháp, cho nên cần phải quán chiếu nhận thức từ trên tất cả pháp, chứ chẳng phải rời xa hết thảy pháp để thể hội. Như “Bát-nhã Tâm Kinh” ghi: “Lúc hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật, quán chiếu thấy năm uẩn là không”. Thâm Bát-nhã, là thông đạt nghĩa thậm thâm, trí tuệ quán thấy tất cả pháp Không. Kinh đã chứng minh, thậm thâm nghĩa Không, thì phải quán thấy từ ngũ uẩn (vật chất và tinh thần), chẳng phải rời sắc tâm tìm ảo tưởng vọng chấp bên ngoài. Nói đến quán sát từ tất cả pháp, đức Như Lai dùng “tất cả các loại trí” biết tất cả pháp, cũng chính thông đạt từ nhiều ý nghĩa, nhiều quán sát. Nhưng tổng quát trở lại, chủ yếu không rời tam môn: a. Quán sát từ trong liên tục trước sau, chính là xuyên suốt quán niệm thời gian để quán xét. b. Quán sát từ trong sự nương nhau tồn tại của đó đây, chính là xuyên suốt quán niệm không gian (hoặc không gian hóa, bình diện hóa) để quán xét. c. Quán thẳng đương thể của sự sự vật vật. Điều này giống như nét chấm, chiều dài, bề mặt của vật chất; trí tuệ thậm thâm chính từ quán chiều dọc trước sau của thời gian, quán chiều ngang đây kia của không gian, quán thẳng tự thể để thể hội, mà thông đạt tính của tất cả pháp, tính Không hoặc tịch diệt.

    a. Lúc quán sát liên tục trước sau, thấy định luật “các hành vô thường”. Tất cả pháp, bất luận vật chất hoặc tinh thần, khí thế gian(2) của vô tình hoặc thân tâm của hữu tình, đều ở trong sự lưu chuyển không ngừng. Tuy nhiên giống như dáng dấp thế gian có thể tạm trú hoặc an định, lúc dùng trí tuệ sâu để quán sát, phát giác ra không chỉ là sự biến dị của năm tháng, chính là (giả định) thời gian rất ngắn, trong khoảng khắc, cũng vẫn ở trong sự biến dị. Quá khứ đã sẵn có, bây giờ lại hiện khởi, đây là hiện tượng sinh diệt. Sinh diệt trong khoảng khắc này, hiển bày rõ tất cả đều là “các hành” (chuyển động), đều vô thường. Loại quán sát biến hóa không định này, những học giả thế gian có rất nhiều lí giải. Nhưng những học giả thế gian, trong đó có cả một phần học giả Phật giáo, đều từ biến hóa không định, chấp trước sự thật biến động này. Cũng chính là bị sự lừa gạt, che đậy của tất cả hình tượng, mà không có khả năng thông đạt thâm nghĩa của tất cả. Duy chỉ có nghĩa thậm thâm Bát-nhã của Phật, Bồ-tát, từ trong sự lưu chuyển không ngừng, thể ngộ được đây là các hành huyễn hiện, chẳng phải chân thật có. Tất cả không thật có, bất luận biến hóa liên tục, sinh diệt rõ ràng, song tìm cầu bản tính, thì chỉ là không tịch. Ngược lại nói vì bản tính không tịch của tất cả pháp, cho nên biểu hiện trong thế gian quán sát, không phải thường hằng bất biến, mà hiện tướng vô thường của từng sát-na(3) sinh diệt. Vô thường, là ý nghĩa “không có gì thường trú”, cũng chính là cách nói khác của tính không tịch.

    b. Lúc quán sát đó đây tồn tại của tất cả pháp, đạt đến định luật “các pháp vô ngã”. Ví dụ cá thể hữu tình, Đức Phật nói đó là sự hòa hợp của uẩn, xứ và giới(4), không ngoài hiện tượng vật lí, sinh lí và tâm lí. Cái gọi tự ngã, là tưởng lầm của hữu tình mê vọng, chẳng có tồn tại, chỉ là tướng hợp nhất của chỗ hiện khởi mà thân tâm nương tựa,  thống nhất quan hệ khắn khít giữa các sự vật. Gọi giải ngã là hòa hợp, tuy nhiên có thể, nhưng nếu tự ngã điên đảo, thì lại không đúng. Ngã (thần) của học giả Ấn Độ, nghĩa là “chủ tể”, chính là tự chủ tự tại, có khả năng chi phối nó. Ngược lại, nếu không thọ cái qui định của nhân duyên (như thân tâm) nó, mà ngược lại có khả năng quyết định thân tâm. Đây là ngã thể hoặc cá tính của chỗ kế chấp trong các nhà thần học. Chiếu theo cái họ thấy, tuy có chủ tể tự tại như vậy, mới có thể vì biến hoại mà biến hoại của thân tâm, mới có thể lưu chuyển sinh tử mà bất biến, mới có thể giải thoát sinh tử mà trở lại chủ thể tuyệt đối tự do. Song dưới trí tuệ thậm thâm quán chiếu của chư Phật, Bồ-tát, vốn dĩ chẳng có sự tồn tại như vậy. Vô ngã, mới có khả năng thông đạt thật tướng của thân mạng như huyễn. Khi dựa vào định nghĩa này khuyếch đại quán sát, thì nhỏ như vi trần(5), hoặc khoảng giữa vi trần và vi trần, lớn đến như khí thế giới (các vì sao), thế giới và thế giới, cho đến toàn thể vũ trụ, đều chỉ là hiện tượng hòa hợp của nhiều loại nhân duyên, chẳng có tự thể độc lập “nhỏ không trong”, “lớn không ngoài”. Vô ngã, hiển thị nghĩa Không của tất cả pháp. Vô ngã có nhân vô ngã và pháp vô ngã, không có nhân không và pháp không; không và vô ngã, có thể nói ý nghĩa tương đồng. Quán sát nghĩa không từ sự tồn tại đó đây, như đã nói ở trên. Như từ pháp tính không tịch quán tất cả pháp, đó chính là do tất cả pháp không tịch, cho nên triển khai hiện bày ra quan hệ tồn tại mình người, mà không có thật thể tồn tại. Như vậy, vô ngã lại là cái nói rõ của không tịch.

    c. Khi quán sát đương thể của từng pháp một, đạt được định luật “Niết-bàn tịch tĩnh”. Tuy đứng về phái sự tướng, có rất nhiều sai biệt, rất nhiều mâu thuẫn, rất nhiều rối loạn; song thật sự chỉ là ảo tưởng của duyên khởi, giống như có như không, giống như một như khác, giống như sinh như diệt, tất cả đều chung qui về bình đẳng, tịch tĩnh. Đây là bản tính của tất cả pháp như vậy, cho nên nhất định qui về chỗ tối cao cũng ở đây. Thật có khả năng thông đạt chân tướng, trừ bỏ mê vọng, liền có thể thực hiện cái bình đẳng tịch tịnh này. Những mâu thuẫn, kiềm chế, động loạn, biến thành bình đẳng, tự tại, an tĩnh, chính là Niết-bàn. Pháp Đại thừa mỗi mỗi đều chú trọng nghĩa này, trực tiếp quán sát thâm sâu tính Không, cho nên nói: “Vì không có tự tính cho nên Không, vì Không cho nên bất sinh bất diệt, vì bất sinh bất diệt cho nên xưa nay tịch tĩnh, tự tính Niết-bàn.”

    Từ dọc quán trước sau, từ ngang quán đây kia, quán thẳng tự thế, đạt được “các hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tĩnh”, “Tam pháp ấn”. Song đây chẳng phải là ba chân lí bất đồng, mà đây là chân lí có một không hai, được gọi là “nhất thật tướng ấn”, cách nói khác của pháp tính không tịch. Tam ấn chính là nhất ấn, nhấn ấn chính là tam ấn. Cho nên, nếu dựa vào đây để tu quán, thế thì quán các pháp vô ngã, là “Không giải thoát môn”; quán Niết-bàn tịch tĩnh là “Vô tướng giải thoát môn”; quán các hành vô thường là “Vô nguyện (tác) giải thoát môn”. Tam pháp ấn là thể hiện cho sự bất đồng của pháp tính không tịch, tam giải thoát môn(6) cũng là “đồng duyên thật tướng”, đồng qui về pháp không tịch diệt. Tóm lại, Phật pháp từ sự tướng quán sâu tất cả mọi pháp, thật là “nước của ngàn sông”, đều qui về biển lớn không tính tịch diệt. Cho nên nói: “Lên đến núi Tu-di, thấy toàn là màu vàng rồng.”

     4. Pháp không tịch diệt tức là chân thật (tự tính) của pháp: Những học giả ngoài đời thiếu kiến thức và thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, cho nên đối với tất cả pháp, bất luận là vật chất, tinh thần, lí tính, đều bị họ chấp sai lầm là thật có, cá thể, hoặc giả vĩnh hằng, kì thật chúng chỉ là giả danh như ảo. Giả danh, ý nghĩa chính xác là “giả thi thiết”, chính là dựa vào rất nhiều nhân duyên (có tác dụng chân lí chứng ngộ Phật đạo của ý thức ở trong) mà lập thành, chứ chẳng phải nó tồn tại một cách tự thành, tự có. Cho nên, tất cả đây đều thuộc về tương đối. Thế thì, chân thật cứu cánh là thế nào? Tìm hiểu quán sát tất cả pháp, hiển hiện ra chỗ cùng qui về của tất cả pháp là tịch tĩnh, đây là bản tính của tất cả pháp, tướng chân thật của tất cả pháp, cũng chính là tuyệt đối cứu cánh. Không tịch, không nên nghĩ rằng cái gì cũng đều không có, cái gì cũng đều bị tiêu mất, mà ý nghĩa của nó vượt thoát những biện luận có tự tính của học giả thiếu kiến thức và năng lượng thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, mà không rơi vào bất nhị tuyệt đối. Trong kinh luận, có khi gọi tất cả pháp (tướng) là chỗ biết của danh ngôn, xưng không tịch là pháp tính, mà nói là tướng và tính. Song đây là cách nói bất đắc dĩ, muốn đưa người từ tất cả pháp của hiện tượng thể ngộ tính không tịch. Pháp và pháp tính, hoặc pháp tướng cùng pháp tính, thật ra không thể xem chúng đối lập được. Điều này trên sự lí giải của nghĩa Không, phải nhận thức không thể thiếu được.

    Phương tiện mà nói, pháp và pháp tính (không tịch), trên sự lí giải, có thể thấy được hai phương diện này:

    a. Từ tất cả pháp mà nhận ra tính không tịch, đây chính là bản tính hoặc tự tính của tất cả pháp. Ví dụ như vật chất, mỗi mỗi đều chân thật rời xa lời nói tự tính dù nhỏ nhiệm nhất, chính là tính không tịch. Cho nên pháp tính không tịch, tuy không hai, bình đẳng, chẳng có sai biệt gì, song từ pháp ảo hiện mà nói, đây là tự tính của mỗi pháp, chẳng phải thông tính của trừu tượng.

    b. Từ không tịch của bình đẳng bất nhị, điều này không thể nói nhiều, cũng không thể nói tính tuyệt đối của một (một đối lập với nhiều). Không thể nói có sai khác gì với pháp, mà lại không thể nói chính là pháp.

    Tóm lại, tính không tịch là tự tính của tất cả pháp, cho nên là chỗ tự chứng bên trong của Bát-nhã, tựa như tính phổ biến trừu tượng, nhưng nó mang ý nghĩa thực sự cụ thể.

    5. Quan hệ giữa pháp tướng và pháp tính không tịch: Như trên đã trình bày, pháp và pháp tính, không thể nói một, không thể nói khác, điều này đã hết sức rõ ràng. Cho nên trong Phật pháp Đại thừa, đây không một không khác là sự kết luận không tranh cãi. Nhưng đứng về phương diện mà các bậc cổ đức thời xưa đã nói, dùng phương thức, tư tưởng khác nhau để thích ứng với căn cơ khác nhau của chúng sinh, do đó mới phát sinh ra ít nhiều sai biệt.

    a. Như học giả của pháp tướng duy thức, chú trọng ở pháp tướng. Trong luận duyên khởi “Chủng Hiện Huân Sinh”, nói rõ tất cả pháp thế xuất thế gian. Đương khi vị này nói rõ tất cả pháp, lúc vô thường sinh diệt, chưa từng luận có quan hệ với pháp tính bất sinh bất diệt. Theo vị ấy nói: “Dưới định nghĩa sinh diệt vô thường của tất cả pháp, mới có thể thành lập Chủng Hiện Huân Sinh, tính không sinh diệt là không thể thành lập tất cả pháp. Học phái này, luôn lấy nghiêm mật được mọi người xưng tán. Nhưng hoặc giả, sai lầm lấy không sinh diệt (pháp tính vô vi) và sinh diệt (pháp tính hữu vi), là điều nhiên biệt thể. Kì thật, đây chẳng phải ý của học giả pháp tướng. Bởi vì, tất cả pháp nhân duyên sinh diệt, rời xa vọng chấp thể kiến pháp tính, cùng với pháp cũng không một không khác. Đây chính là rời xa lời nói tự tính của tất cả pháp, có sai biệt gì với pháp đâu? Cho nên, hoàn toàn dựa vào sinh diệt thành lập tất cả pháp nhiễm ô và thanh tịnh, chỉ là chú trọng tính tướng không giống nhau mà thôi.

    b. Như tông Thiên Thai, Hiền Thủ, Thiền, chú trọng pháp tính, đều tự xưng là tông tính, làm lớn sự viên dung. Từ trên lập trường pháp tính bình đẳng bất nhị mà nói, tất cả sự tướng đều là chỗ dung nhiếp của pháp tính; tất cả pháp tướng nhiễm ô, thanh tịnh, đều có thể nói là sự hiện khởi của pháp tính. Do đó, tông Thiên Thai nói “tính cụ”, tông Hiền Thủ nói “Tính Khởi”, Thiền tông gọi “tự tính năng sinh”. Tất cả pháp, tức pháp tính, không khác pháp tính, cho nên không chỉ pháp tính là bất nhị, mà tướng và tính cũng bất nhị, lí sự không hai. Do sự lí bất nhị, tiến đến bước nữa là sự và sự bất nhị. Học phái chú trọng pháp tính này, cũng tự nhiên sẽ chú trọng bất dị. Tuy nhiên những học giả nghiên cứu, thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà chưa tới đâu, có khi không có, thường rơi vào hầm hố của chấp lí bỏ sự, song đây chẳng phải là bổn ý của tông pháp tính.

    c. Được gọi nhà trung quán của tông Không, bắt tay vào thẳng không một không khác của có không. Theo tông Không nói: “Tất cả pháp đều từ Duyên sinh, cho nên tất cả chúng là tính không. Bởi chúng tính không, cho nên cần phải nương vào nhân duyên hiện khởi. Như vậy, các pháp từ duyên mà có, các pháp bản tính không, duyên khởi (có) và tính không, không một không khác, cùng được cùng thành. Không và có, tính và tướng không ngại như vậy, song điều này không giống với tông pháp tướng, từ duyên khởi nói tất cả pháp, cũng không giống với tông pháp tính, từ pháp tính thành lập tất cả pháp, vì vậy nó mới được xưng Trung đạo quán không rơi vào nhị biên.

    Dù có ba hệ Đại thừa này; tuy nhiên pháp và pháp tính, gần giống với hiện tượng và bản thể của các học giả thế gian, nhưng những điều này không đồng với học vấn thế gian. Trong Đại thừa, không thành lập bản thể duy nhất, rồi lại nói rõ bản thể sinh hiện tượng như thế nào, bởi vì pháp tính là bản tính của tất cả pháp. Cũng chính vì vậy, pháp và pháp tính tuy không thể nói một, nhưng quyết chẳng tồn tại ngoài các pháp; càng không thể tưởng tượng ở một chỗ rất cao, hoặc rất sâu. Duy chỉ như vậy, mới có khả năng hiển lộ chân tướng của nghĩa Không Phật pháp.

 


    (1). Vô lậu (無漏 tiếng Phạn Anāsravaḥ): Pháp thanh tịnh, xa lìa phiền não.

Lậu nghĩa là rỉ chảy, tên khác của phiền não. Các phiền não như tham, sân… ngày đêm từ sáu căn môn như mắt, tai rỉ chảy ra không dừng, nêu gọi lậu. Lậu còn có nghĩa lọt rớt, phiền não có công năng làm cho người rơi vào ba đường ác, nên gọi lậu. Do đó, pháp có phiền não được gọi Hữu lậu, pháp thanh tịnh xa lìa phiền não cấu nhiễm là Vô lậu, như Niết-bàn, Bồ-đề và tất cả pháp có công năng đoạn trừ phiền não trong ba cõi đều thuộc về Vô lậu.

    (2). Khí thế gian (器世間 tiếng Phạn Bhājana-loka): Thế giới mà chúng sinh đang ở, một trong ba thế gian. Vì thế giới chứa đựng chúng sinh như dụng cụ chứa vật, nên gọi “khí”, dễ biến đổi tan hoại nên gọi “khí thế gian”.

Theo luận Đại Tì-bà-sa, trong một kiếp tạo thành khí thế gian, trong 19 kiếp thì loài hữu tình dần dần trụ. Khí thế gian chỉ đến cõi trời Sắc Cứu Cánh, phía trên đó là trời Vô Sắc. Tiểu thừa cho rằng khí thế gian là do cộng nghiệp của loài hữu tình chiêu cảm lấy. Đại thừa Duy Thức thì cho khí thế gian là cảnh do thức A-lại-da biến hiện.  

    (3). Sát-na (剎那 tiếng Phạn Kṣaṇa): Hán dịch là Tu du, Niệm khoảng. Từ chỉ thời gian rất ngắn như phút chốc, giây lát.

Theo luật Ma-ha Tăng-kì, 20 niệm là một chớp mắt, 20 chớp mắt là một cái khảy ngón tay, 20 lần khảy ngón tay là một la-dự, 20 La-dự là một Tu du, 30 Tu du là một ngày đêm.

    (4). Uẩn, xứ và giới (蘊、處、界): Tức là ngũ uẩn, thập nhị xứ và thập bát giới. Danh mục dùng để phân loại các pháp.

Về nguồn gốc Tam khoa, theo luận Câu-xá, do Ngu, Căn, Lạc của hữu tình mà thứ lớp nói Tam khoa. Về Ngu thì hoặc là ngu đối với tâm sở, sắc pháp hoặc là ngu đối với hai pháp sắc, tâm; vì Ngu đối với tâm sở mà nói Ngũ uẩn; vì Ngu đối với sắc pháp mà nói 12 xứ; vì Ngu đối với hai pháp sắc, tâm mà nói 18 giới. Căn có lợi căn, trung căn và độn căn; vì lợi căn mà nói 5 uẩn, vì trung căn mà nói 12 xứ; vì độn căn (hạ căn) mà nói 18 giới. Dục lạc của hữu tình cũng có ba thứ: Lược, trung và quảng. Vì người chủ trương dục lược mà nói 5 uẩn, vì người chủ trương dục trung mà nói 12 xứ và vì người chủ trương dục quảng mà nói 18 giới.  

     (5). Vi trần (微塵 tiếng Phạn Aṇu-raja hoặc Aṇu-rajas): Sắc lượng vi tế nhất mà mắt thấy được.

Theo luận Câu-xá, cực vi là đơn vị nhỏ nhất để sắc pháp tồn tại. Lấy một cực vi làm trung tâm, bốn phía và trên dưới nhóm họp lại cùng một cực vi làm một hạt, gọi là vi trần. Hợp bảy cực vi thành một vi trần, hợp bảy vi trần thành một kim trần, hợp bảy kim trần thành một thủy trần. Ngoài ra, các kinh luận cũng thường dùng “vi trần” để dụ cho lượng cực nhỏ, dùng “vi trần số” để dụ cho số lượng rất nhiều.  

     (6). Tam giải thoát môn (三解脫門 tiếng Phạn Trīṇi vimokṣa-mukhāni): Ba môn giải thoát: Không môn, Vô tướng môn, Vô nguyện môn.

1. Không môn: Quán tất cả pháp đều không tự tính, do nhân duyên hòa hợp mà sinh, nếu thông đạt như thế thì được tự tại đối với các pháp.

2. Vô tướng môn: Đã biết tất cả các pháp là Không, liền quán các tướng nam, nữ, nhất dị… thật bất khả đắc. Nếu thông đạt được các pháp vô tướng như thế thì lìa tướng sai biệt và được tự tại.

3. Vô nguyện môn: Nếu biết tất cả pháp vô tướng thì không mong cầu điều gì trong ba cõi; nếu không mong cầu thì không tạo tác các nghiệp sinh tử; nếu không có nghiệp sinh tử thì không có cái khổ quả báo và được tự tại.

Tam giải thoát môn là y theo ba tam-muội vô lậu Không, Vô tướng, Vô nguyện mà vào, tam-muội này giống như cánh cửa đi vào giải thoát, nên gọi Tam giải thoát môn. Nhưng tam-muội chỉ có hai thứ hữu lậu và vô lậu, còn Tam giải thoát môn hoàn toàn vô lậu. Vì Tam giải thoát môn có các pháp đặc biệt thế gian, xuất thế gian thanh tịnh và vô lậu, cho nên là cửa vào Niết-bàn.  

 
00:00