Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 06-06-2010
Phiên tả: Diệu Duyên Quốc Mỹ
***
♦ THẾ GIAN VÔ THƯỜNG
Điều giác ngộ đầu tiên có chủ đề là “Cuộc đời vô thường”, nguyên văn gồm 11 câu, mỗi câu 4 chữ như sau :
“Đệ nhất giác ngộ
Thế gian vô thường
Quốc độ nguy thúy
Tứ đại khổ không
Ngũ ấm vô ngã
Sanh diệt biến dị
Hư ngụy vô chủ
Tâm thị ác nguyên
Hình vi tội tẩu
Như thị quán sát
Tiệm ly sinh tử.”
Hai câu cuối cùng của điều giác ngộ thứ nhất này nói về tính giá trị của việc ứng dụng nó trong đời sống thông qua sự chiêm nghiệm. Đó là ai quán sát và thực tập thì trước sau gì cũng giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Điều này rất thống nhất với chủ trương của đoạn kinh đầu tiên.
Người đệ tử Phật, ngày cũng như đêm, phải thực tập quán chiếu, hành trì ứng dụng Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân. Giá trị của Phật pháp nằm ở chỗ ứng dụng. Kiến thức Phật pháp dù cao siêu vi diệu khó nghĩ bàn nhưng nếu biết học đúng phương pháp thì chỉ trong vòng bốn năm, chúng ta đã có thể lĩnh hội đủ. Càng học sâu hơn nữa thì ta càng biết về cái diệu dụng của nó, còn căn bản bốn năm có thể giúp chúng ta trở thành một nhà tâm linh. Giá trị đó dài hay ngắn, nhiều hay ít hoàn toàn lệ thuộc vào khả năng thực tập của chúng ta.
Các nội dung căn bản được đề cập trong điều giác ngộ thứ nhất như sau.
“Thế gian vô thường”
Hiểu nôm na là cuộc đời vô thường. “Loka” được định nghĩa trong chữ Hán là thế gian, có nội hàm rất rộng, từ thế giới vật chất hữu hình nhỏ nhất cho đến cực đại, thế giới vô hình. Những cái mà ta suy nghĩ rồi tư duy, cảm giác, nhận thức đều thuộc về một phần của thế giới. Cho nên ý niệm về thế giới được hiểu bao gồm là thế giới vật chất, thế giới tâm lý và sự tương quan giữa thế giới vật chất và tâm lý thông qua các phương tiện của nhận thức được đức Phật thừa nhận là trôi chảy không dừng trụ. Thông hiểu tuyên ngôn đó, người tu học Phật sẽ tránh được những nỗi khổ niềm đau do cõi vô thường xuất hiện.
Trong toàn bộ kinh tạng Pali, có thể nói 60% các bài kinh ngắn dạy chúng ta chiêm nghiệm về sự tương quan ba chiều, bắt đầu từ vô thường đến khổ và vô ngã. Nếu ta sắp xếp mối tương quan ba chiều này thành một tam giác thì góc đầu tiên là thái độ vô ngã, đối trị với hai phương diện của cuộc sống là vô thường và khổ đau. Có những nỗi khổ, niềm đau bắt đầu từ vô thường, ví dụ, chúng ta chứng kiến thân thể mình ngày càng già nua, người thân của mình vẫy tay chào với cuộc đời, nhà cửa hư hao, tài sản tổn thất, sự nghiệp suy sụp. Tất cả bất hạnh ba chìm bảy nổi xuất hiện hầu như đến mức chóng mặt, có nỗ lực nhiều nhưng thành công cũng chẳng bao nhiêu. Lúc ấy phản ứng khổ đau là hệ quả kéo theo một cách tất yếu từ khi đối diện với sự thật vô thường của cuộc sống.
Điều quan trọng nhất mà người tu học Phật cần thực hiện khi vô thường dẫn đến khổ đau là ta phải quán không có cái tôi, không có sở hữu của tôi và không có tự ngã của tôi. Khác biệt căn bản giữa người tu học Phật và người không tu học Phật nằm ở chỗ này. Vô thường không thể tránh khỏi, khổ đau có nhưng là một phản ứng tất yếu. Khổ trên thân hay khổ với tâm thì cũng đều là khổ hoặc bao gồm cả hai. Khi giác ngộ được triết lý nhà Phật, chúng ta quán chiếu vô ngã dưới ba phương diện vừa nêu bằng hai góc độ.
Thứ nhất, không thừa nhận hoặc ly tâm hóa nỗi khổ niềm đau và bản thân chúng ta. Do đó ta có thể tách ly khỏi khổ đau một cách dễ dàng, an toàn và không có bất kỳ một phản ứng phụ nào.
Thứ hai, không thừa nhận mình là nạn nhân đang oằn oại cảm thọ những nỗi khổ niềm đau do tác nhân hoặc do xã hội, điều kiện, môi trường, hoàn cảnh gây ra, mặc dù trên thực tế nỗi khổ đang tồn tại. Tuy có tác nhân trực tiếp tạo ra những bất hạnh nhưng người tu học Phật phải quán chiếu không có tác giả hoặc không có thọ giả để nỗi khổ niềm đau có nhưng không báo ứng trên cuộc sống của ta.
Phương pháp quán vừa nêu có thể được sánh ví như một chiếc áo mưa và một chiếc nón lá. Áo mưa được hiểu là quán không có thọ giả và chiếc nón lá là không có tác giả. Người đi trong mưa sẽ không bị ướt, không bị nhiễm lạnh và do vậy ta được sống an toàn trong bão táp phong ba cuộc đời với rất nhiều thách đố. Vì không thấy được cõi vô thường nên mỗi sự thay đổi nhỏ có thể làm ta chao đảo, vì không thấy được sự biến hoại của cuộc đời nên mỗi bất hạnh nhỏ có thể nhấn chìm chúng ta trong sầu, bi, khổ, ưu, não.
Đức Phật dạy quán chiếu vô thường là nguyên tắc đầu tiên nhằm vượt qua khổ đau. Một ngộ nhận đáng lưu tâm đó là rất nhiều người đã tố cáo Phật giáo quá tô đen về nỗi khổ niềm đau trong cõi vô thường này khiến con người trở nên dè dặt, thận trọng, thậm chí chán nản cuộc đời. Từ khi hiểu rõ thế gian vô thường thì ta sống năng động, tích cực, và lạc quan hơn. Chìm trong khổ đau không phải là giải pháp, càng chìm vào nỗi đau nhiều chừng nào thì ta càng bế tắc chừng đó. Cho nên, ý thức về cõi vô thường và nhận chân được sự vô thường trong mọi sự việc hiện tượng sẽ đưa ta thoát khỏi nỗi khổ niềm đau do vô thường tạo ra.
Vô thường trong triết học Phật giáo đôi lúc còn được hiểu bằng một từ tương đương đó là “không”, tức là không thực thể. Cái gì không thực thể về phương diện bản chất, cái đó chịu sự chi phối của vô thường. Ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai là một tiến trình thời gian ba thì. Cõi quá khứ, hiện tại, và tương lai cũng là một tiến trình thời gian ba thì liên hệ đến ba kiếp sống. Nếu ta chia nhỏ tiến trình thời gian đó bằng các đơn vị nhỏ nhất mà tâm mình có thể liên tưởng được thì rõ ràng không có lúc nào có một sự dừng trụ. Đôi lúc do thiếu hiểu biết hay do kiến thức khoa học kém, chúng ta có cảm giác ngộ nhận rằng cuộc sống này bền vững, nó an định với chúng ta nhưng khi sự thật diễn ra làm cho chúng ta thất vọng, từ thất vọng dẫn đến khổ đau. Do đó quán thế giới vô thường giúp ta vượt qua khổ đau một cách an toàn.
♦ ĐẤT NƯỚC MONG MANH (QUỐC ĐỘ NGUY THÚY)
Có hai cách dịch trong ngữ cảnh này, cuộc đời là “dòn bở” hay đất nước là “dòn bở”. Về phương diện nghĩa đen, hiểu như thế không sai, nhưng về nghĩa bóng thì thế giới vô thường rồi đất nước “dòn bở”, cụ thể “dòn bở” thế nào? Ta phải hiểu theo nghĩa bóng và do đó cách dịch thứ hai được thiền sư Nhất Hạnh đề cao. Tức là mọi chế độ, chính trị rồi sẽ qua đi, không có một thể chế nào có thể vững vàng qua chiều dài lịch sử con người, đó cũng là một phương diện của vô thường ở mức độ quản trị một quốc gia.
Tại Việt Nam, triều đại nhà Lý được xem là giai đoạn vàng son khi Phật giáo và đất nước hòa quyện với nhau thành một. Trong các bước thăng trầm, triều đại nhà Lý cũng là một dấu mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự dời đô về Thăng Long Hà Nội mà năm nay là năm chúng ta tưởng niệm một nghìn năm xây dựng thủ đô. Điều đó cho thấy các đóng góp của triều đại nhà Lý rất to lớn, đã làm cho triều đại này trở thành một triều đại vàng son. Các biến động của nó về phương diện chính trị, xã hội, văn hóa hầu như không diệt. Đó là xã hội với hai trăm năm lịch sử hạnh phúc nhất, an bình nhất với các vị vua đều là những vị minh quân. Đến giai đoạn nhà Trần thay thế nhà Lý thì sự tồn tại của giai đoạn lịch sử này cũng khoảng hai trăm năm. Trong khi đó các quốc gia khác cũng có giai đoạn tồn tại tương tự hai trăm năm, ba trăm năm, nhiều nhất là bốn trăm năm. Có rất nhiều thể chế chính trị tồn tại một nhiệm kỳ bốn năm, nhưng cũng có nhiều thể chế chính trị tồn tại chưa hết một nhiệm kỳ đã bị tan rã.
Từ năm 2006, kể từ khi cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin bị lật đổ, đất nước Thái Lan rơi vào khủng hoảng chính trị lớn. Đã có vài thủ tướng thay thế nhau lên ngôi nhưng bất ổn vẫn tiếp tục kéo dài. Tháng 3, 4, 5 năm 2010, ba tháng được xem là biến cố chính trị nguy hại nhất trong chiều dài lịch sử mấy mươi năm tại đất nước này. Gần hai trăm người thiệt mạng, mấy ngàn người trọng thương. Sự rạn nứt trong các cộng đồng người Thái Lan diễn ra chưa từng thấy, các đảng phái công kích nhau rất khốc liệt để chứng minh rằng mình làm một chủ trương với đường lối, chính sách tốt cho dân v.v… Và rồi gần như sự biến động về chính trị đó vẫn không làm cho đất nước này bình yên với mệnh danh là đất nước của những nụ cười. Đây đó khắp nơi các thể chế chính trị đều diễn ra một cách tương tự, đều bị các thách đố. Nếu thể chế chính trị nào không tiếp tục cách tân vì lợi ích của dân, vì hạnh phúc và phát triển đất nước bền vững thì thể chế chính trị đó sẽ bị thay thế bởi một thể chế chính trị khác, hoặc đảng phái chính trị này sẽ bị thay thế bởi một đảng phái khác.
Sự nối ngôi nhau trong chiều dài lịch sử của các quốc gia là điều không thể cố định. Thấy được điều đó thì những người hoằng pháp và khuynh hướng tu tập của các tông đồ khác phái trong Phật giáo phải độc lập với các khuynh hướng chính trị. Đây cũng chính là điều đức Phật đã dạy.
Đức Phật vốn là một nhà chính trị. Trước khi xuất gia ngài là một Đông cung Thái tử từ bỏ ngôi vua vì thấy rằng giá trị chính trị chỉ là tương đối, không thể phục vụ cho tất cả chúng sinh ở mức độ rộng và dài. Cho nên ngài đã chọn con đường tâm linh và kể từ khi trở thành nhà minh triết giác ngộ cao siêu thì sự lợi lạc do ngài mang lại cho cuộc đời vô cùng to lớn.
Trải qua hai mươi sáu thế kỷ, bất kỳ ở đâu người ta cũng ngưỡng vọng, tôn kính vì những giá trị đóng góp của ngài về văn hóa, tâm linh, đạo đức, xã hội, giáo dục và các phương diện khác. Nếu lúc ấy ngài không đi tu mà trở thành vua của đất nước Sakia thì chưa chắc đã được các thần dân Sakya tôn kính trọn vẹn, huống là mười lăm nước cộng hòa liên bang còn lại trong thể chế liên bang cộng hòa của Ấn Độ bấy giờ. Đó là điều mà ta thấy chắc chắn nó phải diễn ra như thế. Tại sao các thể chế chính trị dễ bị thay đổi với cơn lốc vô thường. Có rất nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, có một số đảng phái chính trị chỉ thấy quyền lợi của đảng phái mình mà không thấy lợi ích của toàn dân tộc, toàn quốc gia. Cho nên càng đấu tranh giành quyền lợi của đảng phái mình nhiều chừng nào thì càng xé nát hạnh phúc và sự hòa hợp của quốc gia ấy ra thành từng mảnh vụn chừng ấy.
Bán đảo Triều Tiên nam bắc đang rơi vào khủng hoảng lớn. Việt Nam ta rất may mắn đã giành được độc lập toàn quốc ba mươi lăm năm, nhưng nam bắc Triều Tiên vẫn còn trong thế cuộc chiến có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Tháng 5 vừa qua, Liên Hiệp Quốc cáo buộc Triều Tiên đã dùng thủy lôi bắn chìm tàu của Hàn Quốc, và trong diễn đàn về an ninh cách đây hai ngày thì Hàn Quốc đã dấy lên hồi chuông báo động đó. Họ quy kết tất cả mọi trách nhiệm cho Triều Tiên, trong khi đó Triều Tiên đã không cử bất cứ một đại diện chính thức nào đến với cuộc họp.
Các tranh luận về những bất ổn không chỉ dừng lại ở Triều Tiên mà còn ở toàn khối; toàn khu vực; giữa Palestin và Ixrael; giữa khối tư bản G7, G20 với khối Trung Đông, giữa các thể chế chính trị tôn giáo với các thể chế chính trị tự do khác. Hầu như các bất đồng ngày càng đè nặng trên hành tinh con người. Nếu không có những nỗ lực một cách có phương pháp vì lợi ích chung cho toàn cư dân trên hành tinh thì cơ hội của một thế chiến thứ ba có thể bùng nổ dưới nhiều hình thức khác nhau. Iran vẫn còn sở hữu rất nhiều nhà máy sản xuất nguyên tử hạt nhân, thách đố với toàn thế giới có thể sẵn sàng sử dụng thế mạnh về hạt nhân để đối đầu với Hoa Kỳ và liên minh của Hoa Kỳ. Do đó nỗi bất ổn thường trực luôn diễn ra trên hành tinh chúng ta.
Năm 2009, sự kiện tổng thống Mỹ Barack Obama được trao giải Nobel hòa bình là một bất ngờ lớn, bởi vì trong nhiều năm qua người ta đã không thấy ông nỗ lực thiết lập các nền hòa bình. Hoa Kỳ được xem là nước sản xuất các loại vũ khí lớn nhất toàn cầu, bao gồm những loại vũ khí tầm nhỏ, trung, tầm lớn và hạt nhân. Cho đến thời điểm hiện nay, Hoa Kỳ sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất. Và năm 2009, với sự nỗ lực của tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã chính thức công bố số lượng hạt nhân mà mình đang sở hữu cùng với các loại vũ khí giết người tập thể. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn kêu gọi Nga, Trung Quốc và các cường quốc sở hữu các loại vũ khí tương tự công bố tổng số sở hữu mình đang có.
Vì những nỗ lực đáng khích lệ và có ý nghĩa vừa nêu mà Barack Obama đã được trao giải Nobel hòa bình. Một người khi vừa nhận giải thì hành động, lời nói sau đó phải luôn hướng về hòa bình của toàn cầu và ta tin chắc rằng với sự khởi đầu tốt như thế thì chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trên toàn cầu sẽ thay đổi so với các vị lãnh đạo tiền nhiệm của Nhà Trắng trong nhiều năm qua.
Trong bài phát biểu nhậm chức của tổng thống Obama có một vài ý mà ta cần lưu tâm. Trước đây các vị tổng thống tiền nhiệm nhấn mạnh đến thế đặc tu của Hoa Kỳ trên chính trường thế giới thì Barack Obama đã kêu gọi một thế giới phân cực về các quy lệ, tức là tạo cho các châu lục có những quyền lợi và những thế độc lập để giảm bớt thế độc tôn của Hoa Kỳ về quân sự, chính trị trên toàn cầu. Trong rất nhiều năm qua, đất nước Hoa Kỳ đã nắm vai trò đó, nhưng đến nay còn chăng chỉ là sự tương quan giữa các khu vực để đảm bảo hòa bình trong khu vực và các châu lục, chứ không còn là thế độc tôn như trước đây nữa. Đó là một chính sách hết sức khôn ngoan làm giảm đi các căng thẳng vốn hiện hữu. Sau khi chiến tranh lạnh giữa Nga Xô và Hoa Kỳ kết thúc, ta thấy thế giới ngày càng nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, thế vào sự đối cực đó là Trung Quốc.
Sự thay đổi thể chế chính trị diễn ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như chính thể nào, đảng phái nào khi cầm cân nảy mực, quản trị một quốc gia mà không đảm bảo được những quyền lợi tối thiểu con người cần phải có, không đảm bảo được công bằng xã hội, đất nước ngày càng phát triển bền vững thì chính thể đó, đảng phái đó sẽ bị thay thế bởi một chính thể hay đảng phái khác.
Ngoài ra còn rất nhiều các điều kiện khách quan. Thấy được điều đó thì việc truyền bá Phật pháp cần phải được độc lập khỏi các ảnh hưởng của chính trị, vì chính trị là giới hạn trong khi Phật pháp là trường tồn.
♦ ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA LÀ KHÔNG THỰC THỂ (TỨ ĐẠI KHỔ KHÔNG)
Tứ đại gồm bốn yếu tố phổ quát bao gồm: Đất, nước, gió, lửa. Nếu thích hợp, ta có thể diễn dịch nó thành bốn nguyên lý: Nguyên lý chất rắn, nguyên lý chất lỏng, nguyên lý chất nhiệt, và nguyên lý chất vận động.
Bốn nguyên lý này hình thành nên thế giới vật chất từ cái nhỏ nhất đến cái cực đại trong vũ trụ không cùng tận. Đó là bốn yếu tố tạo nên mọi sự vật, hiện tượng và như vậy không có nguyên nhân đầu tiên là Thượng đế dưới bất kỳ một danh xưng nào như Phạm Thiên, Alla, chúa trời, v.v… Khi nhận rõ bốn yếu tố tạo ra sơn hà vũ trụ là “khổ” tức là không hài lòng; và “không” tức là không thực thể thì con người sẽ không sống với tính cách trở thành nô lệ cho chúng, mà ngược lại làm chủ chúng, biến chúng thành công cụ phục vụ cho lợi ích an vui và hạnh phúc chân chính. “Dukkha” mà các tổ Trung Hoa đã dịch là “khổ” có ba nội dung:
- Thứ nhất là khổ về phương diện tâm lý với năm cấp độ sầu, bi, khổ, ưu, não.
- Thứ hai là sự không hài lòng, tức một phương diện tâm lý khác khi ta có những kỳ vọng, mơ ước nhưng không thực hiện được.
- Thứ ba là sự đối diện với nhiều thách đố biến thiên không cùng tận.
Trong khi đó dịch chữ “kha” thành khổ, phần lớn chỉ thể hiện được phương diện tâm lý khổ đau mà thôi, nó không chứa đựng hai phương diện còn lại.
Ở bài này, về ngữ cảnh của tứ đại khổ không, tôi kính đề nghị nên được hiểu chữ “khổ” là sự không hài lòng và biến thiên giao dịch lớn. Nói một cách khác, bốn yếu tố: Đất, nước, gió, lửa không còn là chính nó trong từng tích tắc của thời gian. Nó luôn luôn trở thành một cái khác, khác với chính nó, duy trì chính nó trong mối liên hệ với chính nó và không bao giờ là chính nó một cách vĩnh hằng. Có những biến thiên dễ dàng nhận ra qua vài tích tắc nhưng cũng có những biến thiên phải mất đến cả trăm năm để nhận ra, tùy theo tuổi thọ của từng sự vật trong cõi biến thiên.
Ví dụ, giảng đường mà ta đang ngồi học được xây dựng trên 40 năm. Nếu nhìn vào các đà, bê tông cốt sắt ta thấy nó vẫn còn rất kiên cố, chưa có một vết nứt nào, do vậy ta có cảm giác tòa chính điện trên và tòa giảng đường dưới là vĩnh hằng, ít nhất nó có khoảng bốn mươi năm không hề hấn gì. Nhưng năm mươi năm sau nếu ta tái sinh và có mặt tại giảng đường này ta sẽ thấy nó không còn như bây giờ nữa. Gỗ có thể vẫn nguyên, vì là gỗ lim, nhưng song sắt bắt đầu mục; bê tông cốt thép bắt đầu bị hư hoại ở một mức độ nào đó; các vết nứt bắt đầu xuất hiện và nhu cầu tái trùng tu chắc chắn phải có. Lúc đó ta thấy rằng chín mươi năm, bao gồm bốn mươi năm đã trôi qua và năm mươi năm sau đó, thể hiện rất rõ vô thường của đất, nước, gió, lửa tạo nên ngôi chính điện và ngôi giảng đường này.
Có nhiều cái ta nhìn thấy rõ ràng, cụ thể, nhanh chóng hơn, từ đó có hai phản ứng cảm xúc diễn ra rất khác biệt, một bên là tiếc nuối về những gì không còn nữa, một bên thấy nó là quy luật hiển nhiên nên không dại gì chìm đắm vào nỗi khổ niềm đau. Đó cũng là sự khác nhau căn bản giữa người có tu và người không tu.
Đất, nước, gió, lửa là không thực thể ta dễ cảm nhận, nó phù hợp hoàn toàn với ngành vật lý học hiện đại hay khoa học nói chung. Đất không phải là thực thể ở trong tự thân của nó, nước gió lửa cũng tương tự như thế. Đất sở dĩ được tạo thành bởi vì nó có sự tương quan với nước, gió và lửa. Nếu chỉ có một mình nó, nó cũng sẽ không tồn tại được. Trong ngũ hành tương xứng và tương khắc của người Trung Hoa, triết lý sâu sắc nằm ở chỗ này. Đất do lửa tạo ra hay lửa là nguyên nhân, là chất hỗ trợ để hình thành nên đất. Lửa đốt làm tất cả các vật chất hay chất rắn trở thành tro bụi, mà tro bụi là một dạng thù của đất, đó là sự tương xứng.
Về phương diện tương khắc, nước có mặt chỗ nào thì rã đất chỗ đó, nhưng nếu không có nước thì đất sẽ không có tính năng sử dụng. Dù đất khác nước hay nước khác đất, đất vẫn cần đến sự hỗ trợ của nước để tạo ra các tác dụng. Cho nên quy trình tương xứng và tương khắc trong đất, nước, gió, lửa không mang tính thực thể, tức là nó không phải là chính nó một cách vĩnh hằng. Nó phải bị lệ thuộc, tương tác qua lại đa chiều.
Ngày 23, 24, 25 tháng 3 âm lịch năm 2010 vừa qua, tôi được mời về Bạc Liêu để giảng lễ hội Quan Thế Âm. Có lẽ mọi người sẽ rất ngạc nhiên khi thấy ngày lễ này không liên hệ đến 19 tháng 2, 19 tháng 6, hay 19 tháng 9 như tại Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, và Triều Tiên đã tưởng niệm trong nhiều năm qua, mà lại là ngày 23 tháng 3. Rất đơn giản, Phật giáo Bạc Liêu đã có tầm nhìn xa mấy mươi năm về trước. Nhân ngày lễ hội Chúa bà, Chúa xứ, tại địa phương đã dựng lên tượng Quan Âm cao mấy chục mét ngay bờ biển Bạc Liêu. Vào thời điểm đó có những năm tháng nước biển dâng cao làm hư hại đế tượng đài, phải trùng tu lại. Trải qua mấy mươi năm đất bồi, đến nay, từ chân tượng đài đến mực nước biển xa hơn một km, đó là điều rất mầu nhiệm. Trong khi đó tại Kiên Giang, người ta phải lấp đất ra đến mấy cây số để mở khu dân cư mới sang trọng như Phú Mỹ Hưng của Thành phố Hồ Chí Minh. Dù quy luật bồi đất do con người tạo ra hay sự tương tác trong vũ trụ giữa đất và nước ở ngay địa điểm được bồi và lở đó thì ta vẫn thấy tính không thực thể luôn có mặt như một hiện thực.
Do vì không có thực thể cho nên đất có thể bị bồi, bị lở. Do vì không thực thể cho nên nước có thể lúc sâu, lúc cạn, lúc dạng hơi, lúc dạng lỏng, lúc dạng ngâm ngập như một bộ ẩm thấp; gió và lửa cũng như thế. Đây là yếu tố tích cực từ học thức vô thường của Phật giáo.
Bồ tát Long Thọ đã dạy một câu sâu sắc như thế này: “Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành”. Do vì có nguyên lý tánh không, nghĩa là không thực thể, mà mỗi sự vật hiện tượng được thành tựu tồn tại, phát triển ngày càng tốt đẹp hơn. Đó là phương diện vô cùng tích cực của vô thường mà ta không để ý đến. Rất nhiều nhà triết học, tôn giáo học, xã hội học đã công kích Phật giáo vì không hiểu rõ chữ “không” là không thực thể. Do không thực thể nên nó phát triển khác hơn với chính nó và luôn thay đổi theo chiều hướng: Nếu biết vận dụng thì tích cực, nếu không biết vận dụng sẽ trở thành tiêu cực. Thế nhưng, người ta chỉ thấy phương diện tiêu cực của vô thường rồi công kích Phật giáo mà quên đi phương diện tích cực lại quan trọng gấp bội phần.
Vì không thực thể nên một cô bé tám tuổi ở mười năm trước, bây giờ là một thiếu nữ mười tám tuổi. Vì không thực thể nên một chàng thanh niên hai mươi tuổi, ba mươi năm sau trở thành một người trung niên năm mươi tuổi. Nếu mọi sự vật hiện tượng đất, nước, gió, lửa mà có thực thể thì nó còn là chính nó, nó mãi mãi là chính nó chứ không bị thay đổi gì cả. Cho nên trong sự biến thiên không thực thể đó, người nào biết cách tận dụng sẽ nương vào sự thay đổi tạo ra những giá trị tích cực cho mình và người, còn không, có thể nuối tiếc những cơ hội bị đánh mất.
♦ CON NGƯỜI LÀ VÔ NGÃ (NGŨ ẤM VÔ NGÃ)
Ngũ ấm là từ dịch cũ, ngũ uẩn là từ dịch mới. “Ấm” và “uẩn” là hai dịch ngữ khác nhau của “skanda”, tức tổ hợp từ hai trở lên. Nếu dùng phương pháp vật lý học hiện đại để phân tích và mổ xẻ mọi sự việc hiện tượng từ vật lý đến tâm lý, ta có thể thấy tuyên ngôn của đức Phật là hoàn toàn chuẩn xác. Không có sự vật hiện tượng nào trong vũ trụ từ nhỏ đến lớn, từ vật lý đến tâm lý mà không được hình thành từ các yếu tố khác nhau. Cứ chẻ chít và truy nguyên từng vấn đề, ta sẽ thấy yếu tố A được thành lập bởi hàng loạt các yếu tố A+, A-, A2, A3, An cực và nếu ta truy nguyên A+, A- thì lại thấy nó được hình thành tác động bởi những B+, B-, C+, C-, hay A+, A- khác nữa. Cứ truy nguyên như thế và không bao giờ có điểm cực cùng tận.
Học thuyết vô ngã của Phật giáo có mặt để phủ định nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ mà nền triết học phương Tây bao gồm Hy Lạp và Ai Cập cho rằng, có thể nó bắt nguồn từ lửa, có thể bắt nguồn từ nước, từ đất, hay từ gió. Theo Phật giáo, nó không bắt nguồn từ đâu cả, mà nó là cái gốc tổng hòa của đất, nước, gió, lửa và mọi sự vật, hiện tượng vô cùng, vô tận trong vũ trụ bao la. Dù giới hạn nó trong một yếu tố nào cũng đều là cái nhìn phiến diện về bản chất của thế giới thực tại đa nhân duyên và tác động đa chiều giữa chúng.
Thân thể con người được hình thành bởi bốn yếu tố: Đất, nước, gió, lửa. Nó vô thường chóng vánh. Bốn yếu tố còn lại trong tương quan sự sống của con người là thọ, tưởng, hành, thức, hiểu nôm na là cảm giác, ý niệm, tâm tư và nhận thức cũng đều được hình thành bởi các tổ hợp. Cho nên trong thuật ngữ Phật học nó được gọi là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Ta gọi tắt là thọ, tưởng, hành, thức; còn nếu gọi đủ thì phải có chữ “uẩn” theo sau, nghĩa là tổ hợp của cảm xúc, tổ hợp của ý niệm hóa, tổ hợp của tâm tư và tổ hợp của nhận thức. Nhận thức rất đa dạng và các phương diện còn lại của tâm, ý và thức cũng như thế.
Điều quan trọng ở đây là sự quán chiếu về vô ngã như một nghệ thuật trị liệu khi ta đang sống trong cõi vô thường khổ đau. “Thân thể này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào thân thể này” đó là tâm niệm mà người còn sống cần phải có. Còn đối với người chết muốn siêu thoát nhanh thì phải quán chiếu “Thi thể này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào thi thể này”. Chi tiết hơn nữa là: “Đất, nước, gió, lửa tạo nên thi thể này cho nên nó không phải là của tôi và tôi không dại gì đánh đồng tôi với nó”. Từ đó ta thoát khỏi sự chấp ngã trên nền tảng của thân thể vật lý, dù sống hay đã chết. Tương tự “Dòng cảm xúc, ý niệm hóa, tâm tư và nhận thức phân biệt không phải là tôi, không phải là sở hữu của tôi, không phải là tự ngã của tôi”, do đó cái gọi là ngã, ngã sở hữu và tự ngã cũng chỉ là một ảo giác hay ngộ nhận về phương diện nhận thức, nó không nên bị đánh đồng với bất kỳ một yếu tố nào thuộc năm tổ hợp tâm vật lý. Ai quán chiếu được như thế, người đó dần dà xa rời khỏi những nỗi khổ niềm đau vốn có.
Sau khi dạy ta quán chiếu về sự không thực thể và vô ngã của tâm vật lý, đức Phật dạy hai nội dung về bản chất biến dịch của chúng, đó là: Sanh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ.
♦ SINH DIỆT BIẾN ĐỔI (SANH DIỆT BIẾN DỊ, HƯ NGỤY VÔ CHỦ)
Sanh, rồi trải qua một giai đoạn tồn tại, hoại diệt và tạo ra cái mới, do đó nó không bao giờ còn là chính nó mà luôn luôn thay đổi.
Câu thứ hai, vì nó luôn thay đổi nên nó không phải là một chủ thể. Nó không là một chủ quyền vĩnh hằng của chúng ta mà nó là “hư ngụy”, giả dối, tạm thời và không có một chủ thể nào hết. Thấy được điều này, ta không dại gì trở thành nô lệ hoặc bị chúng sai sử thiếu khôn ngoan dẫn đến những ân hận, nuối tiếc về sau.
Vì thấy tính chủ quyền của tâm vật lý không còn hoài với mình nên ta có thể thay đổi nó theo chiều hướng tích cực, chẳng hạn, không chấp nhận số phận an bày, làm mới đời sống, làm mới nhận thức, làm mới mọi tương quan xã hội theo chiều hướng có lợi cho mình và cho người nói chung.
♦ TÂM LÀ NGUỒN ÁC (TÂM THỊ ÁC NGUYÊN)
Đây là một phương diện tiêu cực của tâm.
Tâm là nguồn gốc của tội lỗi. Đó chỉ là một phân tích về phương diện tiêu cực của tâm, trong khi tâm có ba phương diện. Ngoài tiêu cực với những nguồn gốc của tội ác bắt đầu bằng tham, sân, si, thì tâm còn là nguồn gốc của các điều lành, nguồn gốc của sự thanh tịnh tuyệt đối bởi các động cơ. Đó là một điều chiêm nghiệm giúp chúng ta làm chủ được tâm, từ đó vẫy tay chào với những điều xấu ác và tiêu cực. Đức Phật chỉ nhấn mạnh phương diện dẫn đầu tâm lý tiêu cực phát sinh ra những hành động tiêu cực, vi phạm luật pháp trái với đạo đức và trở thành tội nhân bị trừng phạt hoặc trở thành nạn nhân chịu đựng những nỗi khổ niềm đau do chính mình tạo ra.
Khi đức Phật xác định nguồn gốc của mọi tội lỗi bắt đầu bằng tâm thì ta không dại gì đi thù hận những tác nhân trực tiếp hay gián tiếp tạo ra nỗi bất hạnh cho ta, hay cho người thân thương, quốc gia, dân tộc của ta. Đây là phép quán chiếu rất tích cực. Nói cách khác, theo đức Phật, con người không là kẻ thù của con người. Sự tham lam tiêu cực, sân hận tiêu cực và si mê thiếu sáng suốt mới là kẻ thù chung của mọi sự sống trên hành tinh. Thay vì trả thù, triết lý Phật giáo dạy ta hãy chuyển hóa nguồn gốc xấu xa của tâm sân si để những nỗi khổ niềm đau không đeo mang, bám víu như cái bánh xe chạy theo con vật kéo, như cái bóng không tách rời khỏi hình,… Như vậy mỗi khi có nỗi khổ niềm đau nào đó, ta không nên quy trách nhiệm cho tổ tông chẳng hạn như một số tôn giáo quan niệm. Tội của con người do chính con người tạo ra. Có nhiều người tạo tội do vì hoàn cảnh đưa đẩy, có người tạo tội do điều kiện kinh tế; do không làm chủ bởi các yếu tố độc hại như rượu, ma túy, thuốc lá chi phối; do tham, sân v.v… hàng trăm ngàn nguyên nhân dẫn đến các tội phạm khác nhau. Tội do mình tạo ra thì không thể đổ trách nhiệm cho ông bà tổ tiên ngàn đời được.
Một số tôn giáo nhất thần đưa ra học thuyết tổ tông để mặc cảm hóa hay tội lỗi hóa con người, làm cho con người luôn cảm thấy mình là kẻ bất toàn, từ đó phải lệ thuộc vĩnh viễn vào Thượng đế, chấp nhận số phận an bày và tôn vinh Thượng đế như nguồn cứu chuộc tội lỗi cho con người. Chúa Jêsu, Kitô khi đối diện với cái chết ở tuổi 33, vốn là khung hình phạt nặng nhất cho những kẻ tội phạm nguy hiểm, đã phát biểu một câu mà phân tích về góc độ tâm lý ta thấy ông đâu có sẵn lòng chết cho chính ông: “Lạy đấng chúa cha trên trời, sao cha lại bỏ con?”. Câu tuyên bố đó đã có mặt trong ít nhất ba bộ kinh thánh của Matthew, Luca và John. Ta có thể kiểm chứng trong các bài kinh hoặc có thể dùng “google search” gõ câu “lạy đấng chúa cha trên trời, sao cha lại bỏ con” để được dẫn vào các nguyên văn của kinh thánh.
Tuy nhiên các nhà thần học lại rất khéo léo lái nó qua một hướng mới thay vì uất hận, đổ lỗi, than vãn, và không thừa nhận chết trước cái chết. Hướng mới được lèo lái đó là nguồn năng lượng bác ái, chết để chịu tội cho con người. Muốn như thế thì phải tạo ra học thuyết tội tổ tông.
Trong khi đó, đức Phật nói rất rõ tội do đâu. Do tâm nghĩ quấy nên mới có hành động quấy, vì tâm là đạo diễn. Hành động chỉ là con cờ của tâm. Cũng như múa rối, con rối được trang trí bằng hình thù này, vóc dáng nọ, thể hiện hành động đây, kia đều do sự giật dây từ bàn tay phía sau. “Bàn tay giật dây” đó chính là tâm. Cho nên, thay vì đổ lỗi cho cuộc đời, cho con người, cho điều kiện này, điều kiện kia thì đạo Phật dạy ta hãy quán chiếu lại tâm với các động cơ, thái độ trong lúc các hành động được thực hiện. Lúc đó ta truy tìm nguyên nhân xa gần, chủ quan hay khách quan và ta làm chủ để không tái phạm nó trong tương lai.
♦ THÂN DỄ TẠO TỘI (HÌNH VI TỘI TẨU)
“Hình” là thân thể này, nó đối lập với tâm hoặc hỗ trợ cùng tâm trong việc thực hiện các hành vi. “Tội tẩu” là nguồn gốc của tội lỗi, nó đối lại với chữ “ác nguyên”, mặc dù nghĩa giống nhau. “Tẩu” và “nguyên” đều là nguồn gốc, là cội nguồn, là điểm xuất phát. Tội và ác giống nhau về phương diện trái với luật pháp, ngược với đạo đức, làm ray rứt lương tâm, gây khổ cho mình và bất hạnh cho người. Ở đây, một lần nữa đức Phật xác định rõ những hành vi xấu đó do thân thể này làm ra, cho nên khi đối diện trước pháp luật ta không đổ lỗi. Nhiều người khi bị truy tố trước pháp luật đã bao biện rằng: “Lúc đó tôi bị con ma tâm thần xui khiến nên tôi không biết mình đang làm gì”. Họ đổ lỗi cho tâm thần nhưng cũng đâu qua mặt được luật pháp. Nếu biết thuê các luật sư nổi tiếng thì tội trước mắt có thể được giảm án vì có gắn kết với tâm thần, may ra không bị khung hình phạt nặng.
Cách đây vài năm khi chúng tôi thuyết giảng tại chùa Pháp Hoa ở Adelaide Nam Úc, ngôi chùa phát hỏa. Lúc đó khoảng 11g trưa, các tiếng đổ vỡ đập phá mạnh từ trong chùa vang ra, chúng tôi đã đi cách chùa khoảng 10 km thì được hòa thượng trụ trì báo quay về. Tăng chúng trong chùa cùng các Phật tử tập hợp khá đông. Trong số đó có hai vị tỳ kheo trẻ võ thuật cao cường, muốn đột nhập vào chính điện để xem ai đập phá, nhưng theo luật của nước Úc thì không được làm như thế. Ở đất nước phương Tây, mọi thứ đều được bảo hiểm, bảo hiểm chống cháy, bảo hiểm chống trộm, bảo hiểm thân mạng, bảo hiểm bệnh tật,… vì mọi thứ đều phải trả tiền. Nếu ngôi chùa bị đốt cháy thì bảo hiểm sẽ lo. Không nên liều mạng sống khi chưa biết bên trong đó có bao nhiêu người, họ là ai, có vũ khí hay không. Cứ như thế mà chờ lực lượng an ninh hoặc cảnh sát đến. Tuy nhiên, nếu không có lính cứu hỏa thì cảnh sát cũng không được quyền đột nhập vào vì đó là luật, cho nên phải chờ thêm một hai giờ nữa cho tới khi lính cứu hỏa đến.
Khi lính cứu hỏa và cảnh sát có mặt, hai bên đã cùng phối kết một công thức chung, đột nhập vào bên trong thì chỉ có một anh chàng bị bệnh tâm thần. Trường hợp này nếu ở Việt Nam vốn không có những quy định ràng buộc như thế thì ta đã có thể khống chế anh chàng tâm thần đó một cách dễ dàng bằng phương pháp loại suy. Chẳng hạn nghe tiếng đổ, ngã từng hồi nối tiếp nhau, ta biết chỉ có một người gây ra. Phương pháp loại suy sẽ giúp ta xác định rõ số lượng người và hung khí sử dụng để đập phá như thế nào, nguy hiểm hay không, từ đó ta có thể lượng định mức độ nguy hại của nó.
Luật pháp vẫn là luật pháp, hòa thượng trụ trì khi được phỏng vấn đã trả lời trên các phương tiện truyền thông, truyền hình, radio và báo chí lúc bấy giờ rằng “tôi hoàn toàn không có hận thù gì với người tạo ra nỗi khổ niềm đau cho ngôi chùa. Tôi cũng cầu mong cho chàng thanh niên đó sớm tỉnh thức để không gây bất cứ một hậu quả tiêu cực nào cho bất kỳ ai”. Sau khi nhốt anh ta vào trại tạm giam nửa tháng, các bác sĩ xác định rằng anh này có vấn đề về tâm thần và tâm thần lớn nhất của anh là cứ hễ nhìn thấy cái gì có hai con mắt sáng rỡ, mở to thì anh khủng hoảng, sợ bị người đó giết nên anh phải tấn công trước. Đối chiếu lại những suy luận của bác sĩ với các tượng Phật Bồ Tát, các hình vong trong chùa bị phá hủy, người ta thấy khớp nhau. Tất cả pho tượng Phật Bồ tát đều bị móc mắt, tượng Hộ pháp, Ông tiêu bị móc mắt sau đó mới bị đập phá, tương tự rất nhiều hình của các hương linh cũng như vậy. Và tiền án anh này đã từng như thế, cách đó vài năm ở một bang khác, anh ta tới nghĩa trang đập hết tất cả những con mắt của các hình thờ trên bia mộ. Đó là vấn đề tâm thần mà tâm thần thì được thả. Anh ta được đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị, không bị một bản án nào.
Cùng thời điểm đó, việc bầu cử trong cộng đồng Việt Nam đang diễn ra, nên báo chí suy luận đủ kiểu, rằng có lẽ đảng phái này bị thất cử nên thuê người quậy phá gây bất ổn cho một ngôi chùa có cộng đồng cư dân nhiều nhất Nam Úc. Bao nhiêu suy luận cuối cùng đều phải nhường bước cho phán quyết của tòa án.
Dù là tâm thần, thân thể này tạo ra những việc ác, luật pháp có thể tha thứ nhưng nhân quả sẽ không bao giờ tha thứ. Anh ta quậy phá một trăm công trình thì phải đền tội cho một trăm công trình nếu anh ta không chuyển nghiệp. Dù anh sợ và phản ứng tự vệ trong cái nhìn sai lầm do bệnh tâm thần gây ra thì hậu quả nghiêm trọng đó anh vẫn phải gánh lấy không ở kiếp này cũng ở kiếp sau.
Do đó, đức Phật xác định rõ, nếu bàn tay này là nguồn gốc tạo ra tội lỗi thì đừng dại gì chặt bỏ nó, như thế cũng không rửa được tội. Hãy sử dụng nó thực hiện những hành động tích cực để chuộc lại lỗi lầm của mình. Tương tự, thân thể bao gồm tay chân, lục phủ ngũ tạng, nếu trước đây vì cái ngon của khẩu vị và bao tử, ta đã giết biết bao loài vật thì bây giờ cũng cái bao tử này, cũng khẩu vị này, ta hướng nó về một cõi thanh cao hơn, đó là ăn chay. Sau đó ta khích lệ mọi người phóng sanh, thả vật tạo sự sống, bảo vệ môi trường sinh thái. Đó là sự chuyển nghiệp rất thiết thực. Còn nếu cứ hành hạ thân thể, nghĩ rằng bao tử này đã nấu bao nhiêu loài vật nên bây giờ phải mổ bụng mình ra, phơi cái bao tử này để trừng phạt nó. Làm như thế không thể hết tội. Thấy thân tạo ra tội lỗi ta phải nghĩ đến nguyên nhân sâu xa là tâm. Tâm nhận thức sai lầm thì thân là nạn nhân trực tiếp. Thân là nạn nhân thì hành động tay chân, lời nói việc làm lớn, nhỏ, công khai hay ngấm ngầm đều là nguồn gốc của tội lỗi.
Do đó để chặn đứng các tội lỗi do thân tạo ra, điều trước nhất là chặn đứng ở tâm. Các nhà tù, các trung tâm cải tạo hầu như không làm công việc đó, đó là một thiếu sót lớn. Nếu không phối hợp với các tổ chức tâm linh của Phật giáo và nhiều tổ chức tâm linh của các tôn giáo khác thì tội phạm vẫn tiếp tục diễn ra ở mức độ bành trướng. Mấy năm ngồi tù, các phạm nhân chưa hẳn đã quay đầu về bờ. Không khéo thì tội nhân sau bao năm ngồi tù, trước đây chỉ vì một sơ suất ví dụ uống rượu rồi giết người, sau thời gian sống trong tù nghe người ta kể quá nhiều những câu chuyện tội lỗi ác độc trong cuộc đời, họ lại bị nhiễm theo, từ mức độ tội phạm nhỏ, khi ra tù có thể gây những án mạng lớn hơn. Sự tương tác trong xã hội là thế, trong tương quan giao tế cũng thế, cái gì mạnh hơn cái đó sẽ khống chế; cái gì yếu hơn, cái đó sẽ bị phủ trùm.
Chúng tôi luôn luôn mong mỏi các trại tù ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới nên mạnh dạn cho phép các tu sĩ Phật giáo vào hướng dẫn tâm linh bằng các phương pháp thiền chuyển hóa. Nhờ đó các anh chị em phạm nhân dù với động cơ nào, tốt hay xấu, dù bị cạm bẫy hay do một phút bồng bột nhất thời, khi đã được thực tập sẽ chuyển hóa đến tận gốc rễ của tâm và do đó thân thể này không còn là nguồn gốc của tội lỗi nữa. Lúc đó mỗi hành động, lời nói, việc làm chắc chắn phải mang lại hạnh phúc, bình an cho mình và cho người.
Những ai làm được như thế, quán niệm như thế, tư duy như thế và ứng dụng như thế thì người ấy dần dà sẽ vẫy tay chào với sinh tử luân hồi, đó là lời kết thúc của đức Phật ở trong phần đầu tiên của kinh Bát Đại Nhân Giác.
***