Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 13-06-2010
Phiên tả: Diệu Hòa Trần Thúy
***
♦ THAM NHIỀU KHỔ NHIỀU
“Tham nhiều khổ nhiều” có thể được hiểu xuất phát từ hai chiều. Chiều thứ nhất, là động cơ của lòng tham và sự hưởng thụ. Rất nhiều người đã chìm đắm trong khổ đau như một hệ quả tất yếu. Chiều thứ hai, do việc quá khổ nên lòng tham khởi dậy theo công thức “bần cùng sinh đạo tặc”. Do hoàn cảnh kinh tế thiếu thốn, họ thường rơi vào vòng lao lý, bản thân không có công ăn việc làm, cha mẹ, người thân thương đang bị bệnh tật, tiền bạc chu cấp cho các dịch vụ y tế quá cao, do đó khởi ý tưởng làm liều.
Dù phát xuất từ chiều nào thì ta vẫn thấy dây mơ rễ má của vô thức là một vấn nạn, mà việc chuyển hóa nó sẽ giúp chúng ta khắc phục được các cấp độ khổ đau ở mức độ tương đối.
Nguyên văn của điều giác ngộ thứ hai như sau:
“Đa dục vi khổ,
Sanh tử bì lao,
Tùng tham dục khởi,
Thiểu dục vô vi,
Thân tâm tự tại”.
Năm câu này có thể chia thành ba vế. Vế thứ nhất, gồm câu đầu, là định đề nói đến tác hại khổ đau có gốc rễ từ dục.
Vế thứ hai, gồm câu hai và ba, là tất cả các vấn nạn mệt mỏi, khổ cực, bi lụy của cõi sanh tử cũng đều có gốc rễ hoặc liên lụy đến tham dục.
Vế thứ ba, gồm câu bốn và năm, nói về giá trị chuyển hóa lòng tham ở ba cấp độ thứ nhất là thân tự tại, thứ hai là tâm tự tại và thứ ba thể ngộ vô vi, tức là an vui hạnh phúc của Niết bàn.
Vấn đề đầu tiên đặt ra là, dục trong ngữ cảnh này được hiểu như thế nào mới có thể gọi là nguồn gốc của khổ đau. Bởi vì nguyên bản Sanskrit của kinh Bát Đại Nhân Giác đã không còn nên ta có thể suy luận. Trong tiếng Sanskrit, dục theo nghĩa hưởng thụ tính dục là “kama”, trong khi dục theo nghĩa ham muốn là “chanda”. Hai nội hàm dẫn đến hai kết quả hoàn toàn khác nhau. Có một số tình huống từ “chanda” tức là ham muốn dẫn đến tính dục “kama”, rồi cũng từ những hệ lụy của tính dục “kama” mà có rất nhiều người đã không còn màng đến bất kỳ ham muốn gì trên cuộc đời, tức là vẫy tay chào với “chanda”, đó là tình trạng lãnh cảm hay trầm cảm, do vậy sức sống cũng như ham muốn coi như không tồn tại trong giai đoạn bị vướng vào những chứng bệnh tâm lý vừa nêu.
Vì không có bản nguyên ngữ nguyên tác cho nên chúng tôi tạm phân tích cái dục ở đây dưới ba cấp độ, đó là sự tham lam, lời ước nguyện, và sự hưởng thụ tính dục.
1. Dục từ lòng tham
Về sự tham lam, đa dục ở đây là cái gì cũng tham, cái gì cũng muốn, thậm chí không chỉ muốn ít mà còn muốn nhiều. Hệ quả của tính tham vừa nêu có thể được đúc kết trong câu phương ngữ của người Việt Nam “Tham thì thâm”, người tham nhiều, kết quả đạt được chẳng bao nhiêu dẫn đến sự tổn thất to lớn về phương diện đầu tư. Rõ ràng lòng tham như thế không đáng để chúng ta theo đuổi. Hoặc một câu phương ngữ khác của người Việt Nam “Tính già hóa non”, ham muốn nhiều, tính chi tiết, cân, đo, đong, đếm nhưng kết quả không được 50% những gì mình dự trù cũng dẫn đến sự tổn thất về phương diện đầu tư.
Phần lớn các loại tham lam đều có động cơ vị kỷ, tham quá hóa quái, không còn thấy rõ đâu là luật pháp, đâu là đạo đức, đâu là nên và không nên, đâu là điểm dừng và đâu là nỗ lực để chuyển hóa. Người ta giống như con thiêu thân cứ hút đến lửa tham. Khi lao tới đỉnh điểm của lòng tham thì lúc đó ta cũng đã hóa kiếp, cái chết được diễn ra khi các con thiêu thân tiếp xúc được với ánh đèn.
Báo Công An và báo An Ninh Thế Giới có mặt tại Việt Nam gần ba mươi lăm năm, chuyên phản ánh rất nhiều tệ nạn xã hội lẫn khung hình phạt mà con người phải đối diện sau khi phát xuất từ lòng tham vị kỷ. Hậu quả phải sống trong vòng lao lý, đôi lúc suốt đời, không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Do vậy hầu như hạnh phúc chẳng có bao nhiêu chỉ vì cái tham trước mắt.
Chiều hướng của lòng tham thường tăng dần đều tạo ra tính lệ thuộc tâm lý ngày càng cao. Ví dụ ta có câu mô tả: “Lòng tham không đáy”, tức là không có giới hạn của lòng tham. Rót vào bao nhiêu, tích góp bao nhiêu hay biến của công thành của tư bao nhiêu mà vẫn cảm thấy chưa hài lòng, bởi vì bao nhiêu rồi cũng mất hết. Còn nếu hiểu theo nghĩa bóng thì lòng tham không có chỗ để giữ được niềm an vui, hạnh phúc cho mọi người, rót bao nhiêu nó cũng không còn.
Cũng như cái ly dung lượng 300ml bị thủng đáy. Dù ta rót vào 30 lít, thậm chí 300 lít, nước cũng không giữ lại giọt nào. Lòng tham tiêu cực làm cho con người thủng lương tâm, và do đó những sự rỉ rọt thông qua việc tích góp, tư hữu hóa một cách phi pháp dẫn đến tình trạng “ Của thiên trả địa”, vào cửa trước ra cửa sau, kết quả tay trắng vẫn hoàn trắng tay, cộng thêm một chuỗi quả báo xấu đang chờ đợi trước mắt mà gần nhất là tù tội, kế đến là mất tình thân, xã hội lên án, oán ghét, hận thù, và sau đó là quả xấu không chỉ kiếp này mà còn nhiều kiếp về sau.
Cho nên, đứng từ góc độ kinh tế, việc thỏa mãn lòng tham vị kỷ nếu được đưa lên bàn cân lợi hại, chúng ta sẽ có câu trả lời nên hay không. Lợi ích nhãn tiền có thể làm ta mờ mắt, nhưng hậu quả về sau sẽ khiến ta thất điên bát đảo và về phương diện đầu tư, đó là một sự lỗ lã vô cùng.
Bốn tháng trước, một chàng thanh niên vừa mãn hạn tù tại trại giam K20, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre, đến thăm chúng tôi tại chùa Giác Ngộ. Cậu sống ở Gò Vấp, xuất thân từ một gia đình trung lưu. Chỉ vì tội uống bia và cùng nhóm bạn rủ rê đi cướp giật mà cậu đã bị tuyên án năm năm tù và phải trả án phí lẫn tiền bị phạt đến gần mười triệu đồng, trong khi giá trị tiền cướp được chỉ vài trăm ngàn. Về phương diện kinh tế thì đó là sự tổn thất rất lớn, mặc dù lòng tham chỉ nhất thời do rượu bia khống chế khiến cậu không còn tự chủ, nhưng chiếu theo luật, người ta vẫn phải có khung hình phạt nhất định dành cho cậu, chứ không phải vì lý do vị thành niên, do tác động của rượu nên bản án nhẹ hơn.
Trở về với gia đình nhưng mấy tháng qua cậu không thể tìm được công ăn việc làm vì lý lịch đã có vết nhơ, xin việc ở đâu người ta cũng sợ. Cậu nói trong nước mắt: “Cha mẹ muốn con đi học nhưng con đã nghỉ mấy năm rồi, học lại thì phải học bổ túc. Vừa mặc cảm và vì ngưng học quá lâu, nếu bắt đầu trở lại thì hơi mệt mỏi, cho nên con muốn đi làm. Tìm việc mãi vẫn chưa có, thầy có việc làm nào giới thiệu cho con với”. Chùa thì chịu thua, vì chùa đâu phải trung tâm tìm việc làm hay cung ứng việc làm. Tuy nhiên nếu trong tương lai, các chùa có thể kết nối được với các doanh nghiệp Phật tử có lẽ sẽ giải quyết được vấn đề kế sinh nhai, từ đó tạo điều kiện cho mọi người đến chùa nhiều hơn.
2. Dục từ những ham muốn ở dạng trung tính
Có thể đó là những ước muốn về thành quả, những ước muốn chân thành nhưng lại thiếu tác nhân và điều kiện duyên tích cực, gọi chung là thuận duyên, cho nên càng ước vọng nhiều chừng nào con người sẽ rơi vào thất vọng chừng ấy, và đỉnh cao nhất của thất vọng là tuyệt vọng.
Kết quả của những ước muốn như thế sẽ không dẫn đến bất cứ cái gì có thể làm chúng ta hài lòng. Không khéo thì ta sẽ sống trong thế giới của chủ nghĩa duy lý hay duy ý chí chứ không đặt ra điều kiện thiết thực với những bước đi gần, xa, vừa, giai đoạn, thời điểm. Do đó kết quả lại rơi vào cái khổ mà đức Phật đã nói trong tám khổ: “Cầu bất đắc khổ”.
Rất nhiều người rơi vào chứng bệnh hoang tưởng, mong muốn nhiều, thậm chí muốn nổi bật, những gì mình có phải đặc biệt hơn, giá trị hơn thiên hạ nhưng lại không tạo tính điều kiện cho ước muốn đó trở thành hiện thực, vì thế, niềm mong mỏi trở nên mệt mỏi, không giải quyết được vấn đề.
Ở mức độ tác hại nhẹ hơn thì những ước muốn này có thể dẫn đến tình trạng tạo tiêu chí hóa. Những người như thế thường tự tạo áp lực về phương diện cảm xúc cho chính bản thân và các cộng sự hay đối tác nói chung. Chẳng hạn, người đó có thể hình dung cha mẹ tôi phải như thế này, anh chị tôi phải như thế kia, con cháu tôi phải thế nọ, bạn bè tôi cũng phải có một chuẩn mực nào đó,… Người đặt ra quá nhiều tiêu chí sẽ luôn mệt mỏi và không bao giờ có được trạng thái hài lòng. Cho nên áp lực về cảm xúc cũng dẫn đến tình trạng căng thẳng mà nếu đi tư vấn các nhà tâm lý thiếu kinh nghiệm sẽ có thể bị phán đoán những chứng bệnh như trầm cảm hay lãnh cảm.
Bốn ngày trước, một phát thanh viên Đài Tiếng Nói thành phố Hồ Chí Minh cùng bạn trai đến thăm chúng tôi với vẻ mặt xanh xao, nhợt nhạt, khác hoàn toàn với khoảng tám tháng trước, khi cô đến phỏng vấn chúng tôi hàng loạt bài nói chuyện buổi sáng trên kênh FM về vấn đề người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, quan hệ giữa người chủ và người hợp tác lao động cũng như những quan hệ đạo đức xã hội từ cái nhìn Phật giáo. Cô cho biết trong ba tháng vừa qua, cô và bạn trai đã đi gặp bốn nhà tư vấn tâm lý để tháo mở bế tắc mà cô đang gặp phải nhưng đâu cũng vào đấy, uống quá nhiều thuốc lại càng mệt mỏi hơn.
Biết cô này thường tin bói toán nên chúng tôi yêu cầu cô đưa bàn tay ra. Trên bàn tay cô chằng chịt chỉ tay mà ngành bói toán học gọi là “bàn tay cảm xúc”. Người bị vướng vào những chứng bệnh cảm xúc dễ tự tạo áp lực cho chính mình vì họ khó buông bỏ bất cứ thứ gì, từ trách nhiệm cho đến những chuyện không đâu. Thật ra cô chẳng bệnh gì cả, mà chỉ vì căng thẳng nên cô không còn màng chuyện gì trên đời này. Chúng tôi cũng đề nghị cô và bạn trai thực tập bốn bài buông xả mà chúng tôi đã có dịp trình bày tại đây rất nhiều lần.
1) Bài thực tập thứ nhất là khóa các công việc ngay tại nơi nó xuất phát, ngay thời điểm nó có mặt.
Khi về nhà sau chín tiếng làm việc tại Đài phát thanh thì công việc mình cần làm là sinh hoạt gia đình. Hãy tạm gác lại những dự toán, kế hoạch, chương trình cho ngày mai. Như vậy việc thay đổi không gian và nội hàm của công việc làm cho tâm mình trở nên mới.
Về vấn đề này, Hòa thượng Thích Trí Quảng trong buổi khai mạc hội trại Lý Công Uẩn ngày 03/06/2010 tại Đại Nam đã dạy một điều rất chí lý: “Các bạn trẻ hãy xem làm việc là một sự giải trí, học một môn học mới là một sự giải trí, thay đổi môi trường tích cực là một sự giải trí”. Như vậy ngoài việc vui chơi, thể thao để giải trí, chúng ta còn phải hướng đến những phương diện giải trí tích cực nhằm đổi mới tâm mình. Nhà vua Lý Công Uẩn xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi, thân phận chẳng ra gì lại trở thành một vị minh quân, đóng góp cho việc dựng xây đất nước hùng cường về phương diện văn hóa, tôn giáo, giáo dục, kinh tế và các phương diện khác, mà thế hệ trẻ ngày nay càng nên học hỏi và noi theo. Như vậy, khóa công việc ở nơi nó xuất phát sẽ không đè nặng thêm áp lực. Chúng ta không phải nhớ quá nhiều những thứ không cần nhớ ngay thời điểm công việc đang diễn ra.
2) Bài thực tập thứ hai là cố gắng buông xả những thứ không nên vướng mắc.
Chẳng hạn lời thị phi, lời nói thiếu cảm thông, những nhận xét, đánh giá tiêu cực phát xuất từ động cơ xấu, hoặc những hiểu lầm dẫn đến thái độ phản ứng không hân hoan của người khác. Ta để tâm bận bịu với những phản ứng như thế sẽ làm cho nó trở nên lừ đừ, khi đó ta chẳng còn thiết gì đến ăn uống, ngủ nghỉ, và làm việc nữa.
3) Bài thực tập thứ ba là hãy mặc áo mưa trong mùa mưa.
Liên tưởng rằng những giọt sầu, giọt đau, giọi khổ não dù chủ ý hay vô ý của người khác gây ra cũng giống như giọt mưa đang bám lên ta, và công việc duy nhất của ta là mặc áo mưa để tránh bị ướt lạnh và được an toàn. Mình không thể chủ quan làm cho cơn mưa tạnh được, cũng không thể mê tín nghĩ rằng cầu nguyện mưa tạnh là sẽ tạnh. Mưa tác động theo nguyên lý tự nhiên trong thế giới tự thân của nó, dưới tác động đa chiều của khí hậu, thời tiết…, vấn đề còn lại là chúng ta tự xử lý tình huống khi phải sống trong mưa. Tương tự trong mối tương quan xã hội, đôi lúc chúng ta phiền não nhưng hãy mặc áo mưa để ngăn các phiền não làm mình ướt lạnh, đó mới là biết tự thương mình.
4) Bài tập thứ tư là xả.
Thiền sư Hương Văn Hội, một vị thiền sư lỗi lạc của Việt Nam đã dịch chữ “xả” bằng một động từ kép rất mạnh: “Phóng khí”. Phóng là quăng đi, khí là buông mạnh xuống. Ai mà chẳng có những nỗi đau, việc thực tập bằng những động tác thông qua sự quán tưởng đó sẽ giúp chúng ta rũ bỏ được muộn phiền, như vậy áp lực trên cảm xúc ngày càng giảm đến độ không còn nữa. Khi đó ta không cần uống thuốc mà vẫn có thể vượt qua được những chứng bệnh trầm cảm.
Thật ra trường hợp cô phát thanh viên không phải là trầm cảm mà vì cô nhạy cảm quá mức, dẫn đến tự tạo áp lực cảm xúc, nên hậu quả là trạng thái chán chường mệt mỏi, muốn buông xuôi.
3. Dục trong sự hưởng thụ các khoái lạc giác quan
Hưởng thụ của mắt là hình thái, màu sắc, du lịch, thời trang, nhan sắc, trang sức phẩm, trang trí nội thất,… Phần tiêu thụ cho các vật dụng này làm cho chúng ta tốn kém gấp nhiều lần so với nhu cầu hưởng thụ của khẩu vị hay mũi, nó cũng tốn gấp nhiều lần so với nhu cầu hưởng thụ của tai, đó là nghe âm thanh, âm nhạc v.v...
Việc hưởng thụ giác quan sẽ dẫn đến tình trạng bị lệ thuộc, ban đầu là thói quen nhưng về sau trở thành sợi dây xích. Thói quen trói buộc con người như một phản ứng có điều kiện. Ví dụ, mỗi ngày chúng ta có thói quen nghe radio hay xem tivi vào lúc sáu giờ sáng. Tuy nhiên hôm nào cúp điện thì đến giờ đó, ta cảm thấy ray rứt khó chịu, vừa ngột ngạt, vừa mất cơ hội không được nghe thông tin. Sự nhận thức về những đối vật như một sản phẩm mà thiếu nó ta cảm thấy đói khát sẽ tạo rất nhiều thói quen làm cho ta bị lệ thuộc một cách tỉ lệ thuận.
Thiền sư Nhất Hạnh khi được phỏng vấn bởi các đài truyền hình ở phương Tây với câu hỏi: “Mỗi ngày thiền sư có xem báo và xem tivi hay không?”, thì câu trả lời của ngài là: “Tôi hoàn toàn tách ly với thế giới của tivi và cũng không hề xem báo, nhưng không vì thế mà tôi cách ly với thế giới thông tin đang diễn ra xung quanh tôi và toàn cầu này. Tôi thường nhờ các thị giả thuật lại những gì họ được đọc, được thấy trên truyền hình một cách chuẩn xác, vắn tắt, và do đó tôi có dữ liệu để chia sẻ với các bạn”.
Ở góc độ một nhà tâm linh, nếu tự mình dính vào thế giới thanh sắc đôi lúc trở ngại cho chính mình, cho nên Thiền sư Nhất Hạnh chủ trương không sử dụng điện thoại di động, cũng không sử dụng điện thoại bàn. Mọi liên lạc phải thông qua một vị thị giả. Sử dụng điện thoại dĩ nhiên có cái hay nhưng nếu từ sáng đến chiều tối lúc nào cũng bị gọi sẽ dễ phiền não, bất an.
Giảm bớt những phương tiện hưởng thụ vì hưởng thụ càng nhiều, tuổi thọ càng giảm. Các loại gia súc ngày nay được ăn phần lớn thực phẩm hóa chất kích thích biến đổi gien để cơ thể chúng phát triển nhanh chóng, thế nhưng tuổi thọ và biến chứng bệnh tật do tác động tiêu cực của hóa chất đồng thời ảnh hưởng rất mạnh. Con người cũng vậy, ai hưởng thụ nhiều thì tuổi thọ giảm. Người sống trong tù từ năm đến mười năm thường có tuổi thọ dài hơn người khác.
Các vị tôn đức, tu sĩ Phật giáo ít tiêu thụ thực phẩm, ít tiêu thụ về ngủ nghỉ, và về các phương tiện tiêu dùng nên sống thọ hơn. Hòa thượng Thích Trí Tịnh, pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Minh Châu, phó pháp chủ giáo hội; Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, pháp chủ giáo hội, ba vị hiện nay đều trên chín mươi tuổi, được xem là độ tuổi rất đặc biệt so với các vị tăng thống và chủ tịch giáo hội của các nước trên hành tinh hiện nay. Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Hòa thượng Thích Phổ Tuệ xuất gia từ nhỏ. Hòa thượng Phổ Tuệ đến nay vẫn tự nấu cơm ăn, không có thị giả hầu, ngài vẫn không sử dụng kính lão hay bất kỳ loại kính hỗ trợ thị lực nào. Hòa thượng Trí Tịnh mỗi sáng vẫn tụng kinh Pháp Hoa, đi đứng không cần gậy. Phật tử đến thăm vẫn có thể được nghe ngài thuyết pháp đến hai giờ đồng hồ. Hòa thượng Thích Huệ Thành ở Cần Thơ năm nay chín mươi chín tuổi vẫn khỏe mạnh, có thể ngồi xe bốn đến năm giờ. Ngoài ra còn nhiều vị cao đức của Phật giáo Việt Nam cũng có được phước báu như thế, do làm chủ thế giới tiêu thụ, không để cho các giác quan thúc bách và biến mình thành nô lệ.
Về phương diện nhân quả, người ít tiêu thụ là biết tiết kiệm phước và tích phước. Tiêu thụ nhiều thì phước tiêu hao nhiều, mặc dù các phương diện tiêu thụ phát xuất từ tiền bạc chân chính, phù hợp luật pháp. Các vị tôn đức của Phật giáo sống rất giản đơn, thanh cao, giá trị tâm linh cũng theo đó mà tăng trưởng.
Hưởng thụ tính dục được đức Phật xác định bằng một câu nói: “Mọi sự mệt mỏi, khổ nhọc trong cõi sinh tử này đều có gốc rễ từ tham dục”. Dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu là ba thác ghềnh đắm chìm con người và các chủng loại chúng sinh hữu tình trong sinh tử luân hồi.
Ngày nay thế giới phương Tây phát triển đề cao tự do cá nhân cho nên một số nữ đại gia và những người nữ nổi tiếng có khuynh hướng giống như các nam đại gia, tức là sống với thế giới hưởng thụ và xem đó là một mốt mới.
Hưởng thụ tính dục đối với người đồng tính luyến ái lại phức tạp hơn bởi vì mức độ thỏa mãn hầu như không bao giờ có. Thứ nhất do áp lực mặc cảm sự bất bình thường của bản thân; thứ hai, do xã hội không đồng tình ủng hộ ở mức độ phổ quát hóa hay luật lệ hóa; thứ ba, họ vẫn chưa được nhận sự cảm thông từ người thân trong gia đình; và thứ tư, phần lớn những bạn tình của thế giới đồng tính đến với nhau vì sự lợi dụng. Cho nên thế giới của những người đồng tính là khổ đau và đáng tội nghiệp. Có lẽ vì lý do này mà đức Phật đã qui định người đồng tính không được xuất gia làm tăng sĩ, mà chỉ nên thực tập đạo đức tại gia. Bởi vì có những vấn đề tế nhị và phức tạp trong đời sống tâm linh, nếu những người đó không vượt qua được sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy trong đời sống tăng đoàn.
Dù là dục của nam, nữ hay đồng tính thì chúng ta thấy hệ lụy làm cho họ bị đắm nhiễm và lệ thuộc rất cao. Thế giới của họ đòi hỏi hương sắc, mùi vị, xúc chạm. Thực phẩm phải là những thứ có thể bồi bổ và giúp họ có đủ sức lực để tiếp tục hưởng thụ, cho nên tính cách bị lệ thuộc ngày càng gia tăng. Đức Phật nói, dục như một khúc xương, dục là cốc nước muối biển, dục như lửa cháy, dục như kẻ nô lệ, dục như kẻ sát nhân, dục như kẻ bất hạnh. Có rất nhiều định nghĩa mà đức Phật nêu ra trong kinh tạng Pali cho thấy tác hại của dục trên phương diện tâm lý, cảm xúc, đời sống cũng như xã hội và gia đình của những người bị vướng vào nó.
♦ DỤC VÀ TÁI SANH
Từ dục dẫn đến việc tái sinh là mối quan hệ biện chứng về phương diện nhân quả trong sinh tử luân hồi. Điều đó được đức Phật nêu ra trong học thuyết Mười hai nhân duyên với năm mắc xích: Xúc, thọ, ái, thủ và hữu. Xúc là sự tương quan tiếp xúc giữa các giác quan đối với trần cảnh của nó, ví dụ mắt với hình thái, màu sắc; tai với âm thanh; mũi với mùi; lưỡi với vị; thân với sự xúc chạm; ý với sự hình dung. Trong kinh Tương Ưng, đức Phật đã nói: “Nỗi đam mê lớn nhất của người nam là người nữ, và ngược lại”, kinhTăng Chi ở chương năm, đức Phật cũng nói: “Nỗi đam mê và thu hút lớn nhất của người nam là nhan sắc, âm thanh, mùi hương, cử chỉ, tính tình của người nữ, và ngược lại”.
Việc phân tích đó giúp ta thấy các tiếp xúc về phương diện giác quan dẫn đến sự thu hút giới tính và tình trạng bị lệ thuộc lẫn nhau, mà trước nhất là sự tiếp thụ về phương diện cảm xúc. Có người khi vừa tiếp xúc, lòng cảm thấy thương liền, có người mới gặp vài ba lần thì lòng cảm thấy quyến luyến không quên. Xúc nào cũng dẫn đến sự cảm nhận và cảm nhận nào cũng dẫn đến tình cảm, ái bắt đầu xuất hiện. Tình cảm tiếp tục dẫn đến sự chấp trước, đó là thủ. Nhu cầu tư hữu hóa người đó để trở thành một phương tiện dành riêng cho mình, do vậy sự tái sinh trong tương lai có mặt, được gọi là hữu.
Năm mắc xích này quyết định tiến trình tái sinh của con người và các chủng loại nói chung. Cho nên ta có thể định nghĩa, ái dục là từ trường của sinh tử, là nam châm của luân hồi, là sức hút của trần lao. Nó làm cho ta sinh ra lúc thì thân phận này, khi thì thân phận khác; lúc là phước của con người, khi là tội của các loài động vật,… cứ luẩn quẩn như thế, nếu không chuyển hóa sẽ không bao giờ có điểm dừng.
Các vị thánh, A la hán được mô tả trong kinh Phật, “sanh đã tận, phẩm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái sinh tử nữa” là nhờ họ chuyển hóa được đến tận gốc rễ năng lượng tiêu cực đó. Còn người tại gia, đức Phật khuyên không nên, bởi vì họ khó làm việc này. Đối với người tại gia, đức Phật khuyên chánh dấp, tức là thể hiện sự hưởng thụ đúng người, đúng pháp luật thông qua khế ước hôn nhân như một mặc định được luật pháp và xã hội bảo hộ. Tà dâm là hưởng thụ sai người, sai tình huống, sai luật, sai đạo đức Phật dạy, nên bị cấm bởi nhiều khung hình phạt khác nhau.
Thử đặt câu hỏi, nhân gian này cho rằng trong ba điều bất hiếu thì không nối dõi tông đường là bất hiếu lớn nhất. Thế nhưng đạo Phật lại cho rằng sanh là khổ. Như vậy đạo Phật có trực tiếp khích lệ sự tiệt chủng của con người hay không?
Dĩ nhiên là không. Chữ khổ như chúng tôi định nghĩa nhiều lần gồm ba phương diện. Thứ nhất là thái độ không thỏa mãn, không hài lòng về bất kỳ điều gì liên hệ đến ta của thế giới xung quanh. Thứ hai, khổ là một tiến trình dao động do vô thường chi phối dẫn đến mọi biến thiên và nó không còn là chính nó. Nó luôn diễn tiến trong một thế giới của sự trở thành cái mới nhưng lại có liên hệ mật thiết về nhân quả với bản thân nó. Thứ ba là thái độ sầu, bi, ưu, não. Nếu ta hiểu chữ Dukha bằng giới hạn sầu, bi, ưu, não thì sanh là khổ đã bị hiểu một cách rất tiêu cực.
Sanh ra con người là khổ, đâu phù hợp với ước vọng của phần lớn con người, nhất là những bậc cha mẹ. Nhiều người không có khả năng sinh con hay hiếm muộn nếu nói theo ngôn ngữ an ủi của y khoa Việt Nam, người ta đã cảm thấy tuyệt vọng thì việc có một đứa con bằng các phương tiện y khoa phát minh chẳng hạn thụ tinh qua ống nghiệm hoặc nhờ mang thai hộ v.v... là nỗi niềm hạnh phúc lớn, chứ có khổ đâu. Về sau, đứa con đó bất hiếu hay không là một chuyện, nhưng trước nhất việc có được đứa con là niềm vui khôn tả với rất nhiều người.
Phụ nữ mất khả năng sinh con được xem như mất quyền lợi thiêng liêng nhất trong cuộc đời. Họ sầu khổ vô cùng. Mặt khác, họ còn phải đứng trước nguy cơ tan vỡ gia đình nếu người đàn ông của họ là người mê tín dị đoan theo nền văn hóa tôn giáo của Nho gia, tức là đi tìm người phụ nữ khác.
Sự kiện mang thai giả vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 là một minh chứng cho việc có được con cái là niềm hạnh phúc lớn nhất của chị em phụ nữ. Họ bất chấp mê tín dị đoan, những lời hứa hẹn không đâu vào đâu, để phải uống thuốc rồi cầu nguyện Chúa. Họ không được phép báo với bác sĩ, không được đi khám, mà âm thầm nuôi ảo vọng cùng bào thai giả trong bụng. Đôi lúc một hai năm trôi qua, thân thể béo phì, xấu xí, những chứng bệnh trữ nước do ăn thực phẩm kích thích khiến đời sống hạnh phúc gia đình giảm nhiệt. Trong khi đó cũng có rất nhiều người không muốn sinh con nhưng cứ phải sinh liên tục rồi dẫn đến hiện tượng phá thai, hủy thai. Việt Nam hiện nay đang đứng đầu bảng về việc phá thai trẻ vị thành niên. Rất may là Việt Nam cấm hoạt động hưởng thụ của lầu xanh trên phương diện luật, ấy thế mà vẫn còn có những biến động đối với đời sống gia đình, huống hồ cho phép thì đất nước Việt Nam không biết sẽ đi về đâu.
Qui trình của hiện hữu bao giờ cũng bắt đầu bằng sự tiếp xúc dẫn đến hệ lụy hưởng thụ dục và tiếp tục có mặt trong tương lai. Cho nên chỉ cần chặt đứt mắc xích ngay điểm tiếp thọ hoặc ngay cái ái dục thì con đường diễn tiến trong tương lai là giải thoát, và điều này chỉ có thể được thực hiện một cách trọn vẹn ở những vị xuất gia chân chính, còn thế giới tại gia khó vượt ra được. Tu theo pháp môn Tịnh độ, mong sau khi chết được sanh Tây Phương, nếu hiểu về phương diện Phật học thì đó là chuyện không thể thực hiện được nếu trong quá trình sống, ta vẫn duy trì đời sống vợ chồng.
Do đó theo chúng tôi, ta nên thiết lập một Tịnh độ nhân gian ngay lúc mình còn sống, tạo nhiều phước báu, nhiều nhân duyên tốt, rồi từ gốc căn lành, tức là không tham sân si, biết quán tưởng pháp tâm và niệm Phật nhất tâm bất loạn thì lúc ấy mọi người sẽ có được an lạc tại trần thế, việc tái sanh chắc chắn sẽ diễn ra theo ý muốn. Còn chưa chữa được năng lực tính dục thì sẽ không thể nào tái sanh.
“Ái bất nhiễm bất sanh Ta bà,
Niệm bất nhất bất sanh Tịnh độ”
Mới đạt được nhất tâm bất loạn là chỉ đạt được một yêu cầu, còn vế quan trọng nhất ta chưa đạt được với tư cách là người tại gia. Do đó người tại gia không nên tu tập giống người xuất gia, chủ yếu là sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội, làm kinh tế thật giỏi để trở nên giàu sang nhưng không đắm nhiễm, biết chia sẻ nỗi đau của tha nhân. Thời đức Phật, ngài rất rõ ràng về khuynh hướng đó, nhưng sau này khi các pháp môn được các Tổ thiết lập, lúc đầu cũng dành cho người xuất gia nhưng dần dần lại áp dụng đồng đô với người tại gia cho nên cái gu tâm linh của người xuất gia đã làm cho người tại gia hầu như không còn thiết tưởng đời sống của thế gian nữa. Họ tu như thể người xuất gia, khéo léo một thời gian rồi buông xả tất cả, bỏ hết trách nhiệm gia đình và xã hội. Như thế thì làm sao người bạn đời có thể hoan hỷ, và những người thân thương có thể có cái nhìn thiện cảm với Phật giáo được.
Cho nên, theo Tổ có nhiều cái hay nhưng cũng có những vấn đề. Các Tổ vì nhiệt tình với pháp môn mà mình tâm đắc nhất cho nên chỉ truyền ở một phương diện, một lăng kính chứ không phải là toàn thể. Đi theo lăng kính đó, ta cũng có thể đạt được những thành tựu, gọn hơn thông qua kinh nghiệm của các Tổ đi trước, nhưng không vì thế mà ta hiểu đó là tất cả giáo pháp đức Phật đã dạy. Chúng ta là Phật tử nên đi theo đức Phật bởi vì tầm nhìn của Ngài bao giờ cũng là tuệ giác toàn triệt, không có phản ứng phụ.
Càng đòi hỏi nhiều, ham muốn nhiều thì áp lực càng cao. Thống kê xã hội học gia đình ở phương Tây cho chúng ta biết, phần lớn các cặp vợ chồng ly dị sau năm năm lập gia thất đều vì vấn đề liên quan đến hưởng thụ tính dục. Đó là vấn đề rất tế nhị, khó nói ra nhưng nó lại đóng vai trò khá quan trọng. Ví dụ người chồng đòi hỏi quá nhiều trong khi quan điểm của vợ cho rằng việc đáp ứng nhu cầu sẽ làm giảm nhan sắc lẫn tuổi thọ của bà. Mâu thuẫn vợ chồng bắt đầu phát sinh. Dần dà người chồng có thể ngoại tình để bù đắp nhu cầu hưởng thụ mà ông ta cần phải có. Tương tự đối với người nữ cũng vậy, nếu nhu cầu ấy cao cũng dẫn đến sự phá vỡ về đời sống vợ chồng.
Tâm lý học phương Tây tạo ra nhiều hấp lực giới tính bằng những lời khuyên trái chiều. Một trong những lời khuyên đó là, vợ chồng nên ngủ riêng thay vì gần nhau quá nhiều giờ trong một ngày. Không ngủ chung một ngày tám tiếng như vậy thì khi gặp lại buổi sáng, cả hai đều cảm thấy mới và có hấp lực hơn, đời sống vợ chồng trở nên hạnh phúc hơn. Những lời khuyên đó tốt cho người tại gia nhiều chừng nào thì nó lại càng giới hạn và tạo ra tiến trình sanh tử luẩn quẩn chừng ấy.
Đối với người Phật tử, ta học theo lời Phật dạy, giảm bớt sự quyến luyến và dính lẫn nhau quá nhiều trong đời sống vợ chồng. Đức Phật khuyên cứ mỗi nửa tháng vợ chồng đều thọ giới bát quan trai, tức là tập sự người xuất gia trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ. Suốt ngày ấy, sinh hoạt vợ chồng được chuyển hóa để chúng ta không bị đắm nhiễm vào nó, do đó chúng ta có cơ hội đầu tư thời gian, công sức cho những việc làm có ý nghĩa vì xã hội, gia đình, và vì tha nhân.
Ba tháng an cư kiết hạ của chư tăng vào mùa mưa cũng là dịp mà rất nhiều cư sĩ tại gia được khích lệ xuất gia đoản kỳ. Từ bát quan trai dẫn đến xuất gia đoản kỳ là một tiến trình phát triển mà ngay thời đức Phật, nó không phổ biến. Sau thời Phật nhập Niết bàn, nó trở thành như phong trào.
Cho nên theo chúng tôi, các chùa không nên tổ chức bát quan trai thường xuyên, vì bát quan trai chỉ thích hợp cho người độc thân hoặc góa bụa. Vợ hoặc chồng ra đi sớm, người còn lại không có nhu cầu tái giá để giữ hạnh phúc với sự hài lòng về những gì đời sống vợ chồng trước đây đã có, thì việc tu tập bát quan trai như thế rất thích hợp. Hoặc những người đang trong giai đoạn tìm hiểu đời tu, muốn trải nghiệm xem mình có thực hiện được đời sống người tu hay không. Việc thực tập bát quan trai từ một đến ba ngày, tám ngày, mười ngày trong một tháng sẽ giúp họ dần dần làm quen đời sống của người xuất gia. Tổ chức bát quan trai nhiều chừng nào trong các chùa sẽ làm cho giới trẻ không đến chùa. Nó chỉ thích hợp với những người lớn tuổi.
Bát quan trai có những qui định rất khắt khe như không sinh hoạt vợ chồng, không nhan sắc, hương phấn, trang sức phẩm, chưng diện trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Chỉ được ăn giữa trưa và sau đó không ăn nữa, vì giảm tiêu thụ sẽ giảm đòi hỏi. Người nặng về tính dục thì nên thực tập bát quan trai để giảm bớt, để cân bằng lại và đảm bảo được đời sống hạnh phúc mà không thèm “phở” bên ngoài. Còn nếu không phải là những người như thế thì không cần thiết phải thọ trì bát quan trai thường xuyên.
Phong trào “Một ngày ở chùa” trong mấy chục năm gần đây tại các chùa thuộc về Phật giáo Đài Loan và Triều Tiên là một hướng mới cho giới trẻ tham gia. Ngày ở chùa đó, giới trẻ sẽ trải nghiệm đời sống tâm linh, thực tập thiền, kinh hành, chánh niệm trong đi, đứng, nằm, ngồi v.v… để rũ bỏ những nỗi phiền muộn, sầu não, căng thẳng, áp lực của cuộc đời chứ không nhất thiết phải ngừng đời sống tính dục hay những sinh hoạt của người tại gia. Hình thức này thiết thực, gần gũi hơn với người tại gia.
Khóa tu “Một ngày an lạc” do Hòa thượng Thích Trí Quảng chủ xướng mấy năm gần đây có khuynh hướng như thế, và khóa tu giới trẻ tại chùa Hoằng Pháp trong ba năm vừa qua cũng vậy.
Hội trại Lý Công Uẩn do chúng tôi chủ xướng trong bốn năm trước cũng có nội hàm tương đương. Các em được sinh hoạt, tụng niệm, thiền quán, rồi thi ứng xử, thi kỹ năng sáng tạo, thi giáo lý, thi văn nghệ, ca múa, thi thử sức trí thông minh v.v…, giúp cho tinh thần tập thể, tương nhượng, đoàn kết lẫn nhau, trở thành nỗi niềm hạnh phúc, để sau này thắng và thua trong cuộc đời không còn là nỗi sợ hãi, ngược lại nó là nguồn lực lớn giúp các em được rèn luyện và vượt qua.
♦ CHUYỂN HÓA TÍNH DỤC
Phần cuối cùng của bản kinh, đức Phật xác quyết rằng ai ít muốn sẽ đạt ba điều lợi ích từ sự chuyển hóa năng lực tính dục, ham muốn tiêu cực và những ước muốn không có nguyên nhân, chánh nhân hỗ trợ. Đó là đạt được thân tự tại, tâm tự tại và hướng đến thế giới vô vi, tức Niết bàn.
1. Thân tự tại
Thân tự tại, đối với người tại gia, không có nghĩa ngồi yên một chỗ, không vận động, không lao động, không nghề nghiệp, suốt ngày chỉ gõ mõ hay vào chùa công quả, không đóng góp gì cho xã hội. Thân tự tại là dù ở hoàn cảnh nào, điều kiện kinh tế nào, ta cũng không bị bức bách, câu thúc bởi lòng tham trong thế giới tiêu thụ và hưởng thụ, vì ta thấy rất rõ rằng khi mình tiêu thụ vật chất hay hưởng thụ các đối tượng của thế giới giác quan, thì đồng thời thế giới vật chất và giác quan đang tiêu thụ chúng ta.
Chúng ta nghĩ rằng mình đang hưởng thụ con mắt, hưởng thụ tai, mũi, lưỡi, thân hay ý niệm, nhưng kỳ thực những thứ đó đang tiêu thụ chúng ta, biến chúng ta trở thành nạn nhân bị lệ thuộc về tâm lý, cảm xúc, thái độ, nhận thức, và về cách sống. Bằng phương pháp quán chiếu như thế, con người rất dễ dàng hài lòng tích cực với những gì đang có, đã có, sẽ có mà không dẫn đến sự bức bách chạy đua, rơi vào tình trạng vi phạm luật pháp hay gây sức ép cho gia đình và người thân. Do đó thân tự tại là an vui, hài lòng, không chạy theo các đòi hỏi vô lý, làm tổn phước, tổn đức và tự ràng buộc mình ở thế giới của sự hưởng thụ.
Người đạt trình độ thân tự tại thì ngoại hình hay những gì họ có trong tương quan cộng đồng không làm cho họ phải so sánh đối chiếu để rồi sầu, bi, ưu, não. Họ biết rõ những giới hạn của mình, biết rõ những ưu thế và biết biến những sở đoản trở thành điểm ưu.
Một thanh niên người Úc khoảng ba mươi tuổi, từ lúc mới sinh chỉ có một chân nhỏ xíu, đến bây giờ nó chưa được 5cm và chiều dài của nó không quá 10cm, nhìn xa giống như cụt hai chân. Anh cũng không có tay. Đối với rất nhiều người thì đây là nỗi bất hạnh khủng khiếp. Phần lớn bậc cha mẹ nếu không có chiều sâu và bản lĩnh để giải nghiệp thì có thể hủy phá bào thai khi đã xác định giới tính và tình trạng bất hạnh của đứa con trong bào thai này, thế nhưng cha mẹ anh vẫn quyết giữ để nuôi, rồi huấn luyện anh trở thành một nhân tài.
Hiện nay anh là giảng sư nổi tiếng, đồng thời là nhà hùng biện được rất nhiều trường đại học mời đến thuyết trình. Lương trả cho anh còn cao hơn các giáo sư cấp một. Trên gương mặt anh hiếm nét ưu tư sầu não, ngược lại rất vui vẻ, hài hước. Trong quá trình học tập, anh dùng răng để viết, và ghi chú bài giảng. Anh đỗ đạt đại học, thăng tiến trên con đường học vấn và dần dần trở thành giảng viên đại học, đó đâu phải là chuyện đơn giản.
Tuy không có tay và một cái chân bé xíu dị tật, nhưng anh cũng rất cừ khôi ở môn bơi lội, đánh golf, lướt ván. Trong lúc chúng ta có đủ tay chân khỏe mạnh còn không chơi thể thao được, bơi còn uống nước, đôi lúc vọp bẻ nhưng anh chàng không tay chân lại làm được việc ấy.
2. Tâm tự tại
Tâm tự tại liên hệ đến sự làm chủ dòng cảm xúc, thái độ, nhận thức. Rất nhiều người khi ở riêng một mình lại cảm thấy hạnh phúc, bởi vì họ không giao tế với ai. Điều này khác hoàn toàn với tình huống những người vốn đã được sống trong vòng tay thương yêu của cha mẹ và người thân thương. Họ luôn được chiều chuộng, nâng đỡ nhưng khi tiến bước ra cộng đồng thì gặp nhiều đối thủ không hoan hỷ, ganh tỵ, ghét bỏ. Từ đó phiền não trỗi dậy, người đó sẽ có khuynh hướng rút đầu và tứ chi vào trong, xa lánh cuộc đời, cô lập hóa xã hội, rồi trốn tránh không muốn giao dịch, tiếp xúc với ai, giống như con rùa ẩn mình dưới mai và có ảo giác mình được an toàn. Trên thực tế thì kẻ thù vẫn đang chầu chực xung quanh, những thử thách vẫn tiếp tục diễn ra, đôi lúc còn nghiêm trọng hơn.
Người đạt tâm tự tại thì dù trong hoàn cảnh thuận hay nghịch, họ vẫn làm chủ được mình, vẫn xử lý một cách an toàn để không cho các phản ứng phụ tạo ra sự căng thẳng và áp lực, cho nên họ vẫn an vui, vô sự. Đó là cái giá quý nhất mà người tu có thể đạt dù xuất gia hay cư sĩ. Muốn như thế, theo đức Phật là hãy ít muốn, hài lòng với nhân quả, hài lòng với những nỗ lực chân chính, hài lòng với phương pháp chúng ta đầu tư, hài lòng với những gì chúng ta có. Đó là hài lòng tích cực, không phải an phận thủ thường, không làm gì cả. Chúng ta làm bằng pháp luật, bằng phương pháp luận, bằng trái tim, bằng nhận thức, bằng cam kết, bằng nỗ lực hết mình, còn kết quả ra sao thì ta hài lòng như thế.
3. Hướng đến vô vi
Nhận hay giữ cái gì thì có lợi, buông cái gì thì ta rũ bỏ được nỗi đau. Nếu không canh phân những tiêu chí như thế, đôi lúc ta giữ quá nhiều cái bất hạnh, trong khi hạnh phúc an vui ta lại vứt bỏ. Chỉ nên giữ lại những cái có giá trị để nó dẫn đến niềm an vui một cách lâu dài.
Đỉnh cao nhất cũng là giá trị thứ ba trong việc nhận dạng tác hại của tham dục, đó là từng bước hướng đến thế giới vô vi. “Vô vi” theo nghĩa đen chữ Hán là không làm gì. Còn “vô vi” trong triết học Phật giáo là làm tất cả nhưng không bị dính vào cái gì, tu tất cả nhưng vượt lên trên mọi thành quả, và tâm chuyển hóa hết tham, sân, si để đạt được cảm giác bình an tuyệt đối. Đỉnh cao nhất của cái vô vi đó là Niết bàn. Hay nói cách khác vô vi đồng nghĩa với Niết bàn, tức là hạnh phúc cao nhất mà con người có thể đạt được bây giờ và tại đây, trên hành tinh này.
Câu thứ tư, đức Phật nói “Thiểu dục vô vi”. Bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh trong trường hợp này, người ít muốn thì không bị hoàn cảnh sai sử. Đó là dịch ý để mạch văn đơn giản bình dị hơn. Thực ra, vô vi không có nghĩa thoát khỏi sự sai sử, mà vô vi là tiếp cận Niết bàn, trải nghiệm Niết bàn và đạt được Niết bàn. Hay ít nhất, nó là bước khởi đầu để chúng ta có giá trị đó, mà muốn đạt được thì trước nhất ta phải cố gắng tu tập làm sao để có thân và tâm tự tại. Thân không tự tại thì phiền não vẫn còn, tâm bị dao động bất an. Tâm bất an lại là kẻ thù của an vui hạnh phúc, làm sao có được Niết bàn. Cho nên nó được mô tả bằng thuật ngữ tương đương là “vô vi”.
Một vị Thiền sư Việt Nam phát biểu: “Vô vi cư điện cát, xứ xứ dứt đao binh”. Ngồi trên cung vàng điện ngọc mà vẫn trải nghiệm được hạnh phúc của Niết bàn, nơi nơi không còn chiến tranh, hận thù; hòa bình có mặt khắp chốn. Như vậy bản chất của sự thực tập chuyển hóa lòng tham để đạt được Niết bàn là cảnh giới thanh bình quan trọng nhất, mà không biết bao giờ thế giới này mới đạt được, chỉ để trải nghiệm được Niết bàn vô vi. Còn phần lớn chúng ta trong thế giới hữu vi, gây khổ cho nhau trong cái hữu vi, vì hữu vi, nhân danh hữu vi v.v…
Nói tóm lại, điều giác ngộ thứ hai, đức Phật xác nhận và khích lệ chúng ta phải nhận chân được tác hại của tham dục mà nặng nhất là tính dục, kế đến là ước muốn không có cơ sở nhân quả, sau cùng là muốn quá nhiều thứ cho nên thiếu tập trung, và kết quả là đa hệ nhưng không trở thành chuyên môn ở bất cứ lĩnh vực gì. Điều thứ hai, nhiều hệ lụy trong các cõi sanh tử luân hồi đều ít nhiều liên hệ đến thế giới tham dục không ở phương diện này cũng ở phương diện khác. Nó rất phức tạp dù chúng ta muốn phủ định nhưng thực tế nó vẫn thế. Điều thứ ba, muốn được thân tâm an vui mà đỉnh cao nhất là Niết Bàn thì bước đi đầu tiên phải chuyển hóa những năng lực tính dục, chuyển hóa được lòng tham, chuyển hóa những ước muốn quá nhiều, sau đó mọi người mới có thể làm chủ được thân, khẩu, ý. Ý có ba phương diện tâm, ý và thức, chi tiết hơn nữa là các mức độ tâm lý được gọi trong tâm lý học Phật giáo là các tâm sở. Ai làm chủ được chúng thì tiếp cận được với thế giới an vui của Niết bàn.
***