Đức Phật, Người sáng lập ra Đạo Phật, một tôn giáo(1) vĩ đại, được biết đến với tên Tất-đạt-đa, sống ở miền Bắc Ấn cách đây trên 2500 năm. Theo tiếng Phạn, Tất-đạt-đa (Siddhàrtha) có nghĩa là người đã thành tựu được mục tiêu của mình. Họ của Ngài là Cồ- đàm (tiếng Phạn là Gautama ). Cha ngài là vua Tịnh- phạn (Suddhodana) trị vì lãnh thổ của dòng họ Thích-ca (Sakya) ở Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) trên biên giới xứ Nepal. Đức bà Ma-ha-ma-ya, công chúa của dòng họ Koliyas, là Hoàng hậu của Tịnh-phạn vương.
Ở Ấn Độ, vào ngày trăng tròn tháng năm - vasanta- tide, là lúc cây cối trĩu nặng những hoa quả, lúc con người, chim chóc và muôn thú đang độ tươi vui phơi phới, Hoàng hậu Ma-ha-ma-ya đang du hành từ thành Ca-tỳ-la-vệ đến Devadaha, quê hương của bà để chuẩn bị cho ngày hạ sanh Thái tử theo tục lệ thời đó; nhưng sự việc đã không xảy ra như dự tính, vì khi mới đi được nửa đường đến chỗ vườn Lâm-tỳ- ni, dưới bóng mát cây Vô ưu đang trổ hoa, Đức bà đã hạ sanh Thái tử.
Lumbini, hay Rummidei ở cách 100 dặm về hướng bắc thành Ba-la-nại (Vàrànàsi)(2) và trong tầm mắt nhìn thấy dãy Hy Mã Lạp Sơn với đỉnh núi phủ tuyết. Tại nơi kỷ niệm sự chào đời của Thái tử Tất-đạt-đa, vị Phật tương lai của nhân loại, 316 năm sau đó Hoàng đế A-dục (Asoka) đã dựng lên một trụ đá oai nghi hùng vĩ để đánh dấu nơi thánh địa. Bản văn 5 dòng gồm 93 chữ viết thuộc thời kỳ vua A-dục được khắc trên cột, trong đó có hàng chữ sau đây: “Hida, Budhe jàte Sàkyamuni”, “Nơi đây, Đức Phật, bậc Thánh triết của dòng họ Thích-ca-mâu-ni đã đản sanh”. Trụ đá hùng vĩ đó ngày nay người ta vẫn còn nhìn thấy. Cái trụ còn “mới mẻ như vào ngày nó được tạc lên” đã bị sét đánh ngã ngay khi ngài Huyền Trang, nhà chiêm bái Trung Quốc, nhìn thấy vào giữa thế kỷ thứ 17 sau công nguyên. Sự khám phá và nhận dạng ra công viên Lâm-tỳ-ni năm 1896 được coi như là công trình của nhà khảo cổ nổi tiếng General Cunningham.
Hoàng hậu Ma-ha-ma-ya, mẹ ngài qua đời vào ngày thứ bảy sau khi hạ sanh ngài và vị Hoàng nhi được bà di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề, chị của mẹ ngài nuôi nấng. Dù Hoàng nhi được nuôi dưỡng trong sự tinh tế cho đến lúc thành niên giữa xa hoa vật chất dẫy đầy, vua cha vẫn không quên huấn dục Ngài theo cách của một vị Thái tử. Ngài trở thành người tài giỏi về nhiều ngành tri thức và dễ dàng vượt qua những người khác về các môn thuộc kỹ thuật chiến đấu.
Tuy nhiên, ngay lúc còn niên thiếu, Thái tử đã có thói quen Thiền quán nghiêm túc. Khi Thái tử lớn lên, vua cha vô cùng mong muốn con trai duy nhất của ngài sẽ cưới vợ, gầy dựng một gia đình và là người kế vị xứng đáng ngôi vua; nhưng ngài sợ rằng một ngày nào đó Thái tử sẽ từ bỏ vương cung để sống cuộc đời lang thang của một nhà tu khổ hạnh.
Theo phong tục thời đó lúc mới vừa16 tuổi, Thái tử kết hôn với người em họ là công chúa Da-du-đà-la cùng tuổi với Ngài, con gái độc nhất của vua Suppabuddha và Hoàng hậu Pamità thuộc dòng họ Koliyas. Thái tử không thiếu một thứ gì trong các thú vui chơi của đời sống trần gian và Ngài sống không biết đến một chút sầu khổ nào. Vua cha cố để cho con mình sống trong ngục tù cảm giác và biến Thái tử thành một người có đầu óc thế tục; vua cố gắng tránh cặp mắt dò hỏi của Thái tử về những cảnh đau thương của cuộc sống. Thế nhưng tất cả những cố gắng đó đều vô ích và nó chỉ làm tăng thêm sự khát khao hiểu biết của Thái tử Tất-đạt-đa, Ngài quyết tâm đi tìm chân lý Giác ngộ.
Khi lớn lên và đến tuổi trưởng thành, Thái tử bắt đầu thoáng thấy những nỗi thống khổ của trần gian. Theo như sử sách đã ghi, Ngài trông thấy bốn cảnh tượng: cảnh thứ nhất là một người gầy yếu vì tuổi tác, hoàn toàn vô dụng; cảnh thứ hai Ngài trông thấy một người chỉ còn da bọc xương, cực kỳ bất hạnh và cô đơn, suy sụp vì phiền não; cảnh thứ ba là một đám họ hàng đang than khóc khiêng xác của một người thân đi hỏa táng. Những cảnh tượng thống khổ này đã làm Ngài xúc động vô cùng. Tuy nhiên cảnh thứ tư đã tạo cho Ngài một ấn tượng sâu xa hơn hết: Ngài trông thấy cảnh một ẩn sĩ, trầm lặng và thanh thản, không bận tâm và có tính cách độc lập; Ngài biết rằng đó là một người đã từ bỏ gia đình, sống một đời trong sạch để đi tìm chân lý và giải quyết cái bí ẩn của đời sống. Ý nghĩ xuất gia lóe lên trong tâm trí Thái tử, Ngài quay trở lại vương cung trong thiền quán sâu thẳm.
Tận trong lòng Ngài đã có tiếng vang đáp lại tiếng đập của con tim nhân đạo đang lo âu khắc khoải. Càng tiếp xúc với thế giới bên ngoài bức tường thành cung điện, Ngài càng nhận thức được rằng thế giới đang thiếu thốn một thứ hạnh phúc chân thật.
Trong cảnh im vắng của đêm sáng trăng đó, ngày trăng tròn tháng bảy, những tư tưởng sau đây đã đến với Ngài:
“Tuổi trẻ, thuở thanh xuân của đời người sẽ chấm dứt trong sự già nua tuổi tác, và các tri giác của con người sẽ rời bỏ họ vào lúc họ cần nó nhất. Sự suy yếu của tuổi già làm giảm đi năng lực và sức khoẻ của con người, rồi bệnh tật thình lình tìm đến! Và cuối cùng là cái chết, nó có thể đến bất ngờ ngoài sự mong đợi của chúng ta và kết thúc đời sống ngắn ngủi này. Chắc chắn là phải có một lối thoát để ra khỏi sự bất xứng ý, ra khỏi già và chết.”
Như thế đó, niềm say mê lớn lao về tuổi trẻ, về sức khỏe và đời sống đã từ bỏ Ngài. Vì nhìn thấy sự phù du và nguy cơ của ba sự say mê kích thích đó nên Ngài đã bị thôi thúc mạnh mẽ phải đi tìm và chiến thắng sự Bất Tử, phải cố gắng để giải thoát ra khỏi già, bệnh, khổ và cái chết(3) phải tìm ra nó cho chính Ngài và cho tất cả chúng sinh đau khổ. Chính lòng từ bi sâu thẳm đã dẫn Ngài đến việc truy tìm chân lý có cứu cánh trong sự Giác ngộ, trong quả vị Phật. Chính lòng từ bi lúc bấy giờ đã làm cho trái tim Ngài hướng về sự từ bỏ vĩ đại và mở tung những cánh cửa của chiếc lồng vàng giam giữ Ngài trong đời sống vương giả. Chính lòng từ bi đã làm Ngài có quyết định không gì lay chuyển được, ngay cả lúc Ngài đưa mắt nhìn lần cuối từ giã vị phu nhân yêu dấu cùng với Hoàng nhi trong tay.
Bấy giờ vào tuổi 29, thời kỳ rực rỡ nhất của đời trai trẻ, vào ngày mà nàng Da-du-đà-la mỹ miều của Ngài hạ sanh cho Ngài người con trai duy nhất là La-hầu-la, làm cho sự chia ly càng sầu thảm và lo buồn, nhưng Ngài đành bỏ ra đi - vị Thái tử với một nỗ lực của ý chí siêu phàm đã từ bỏ vợ con, phụ vương và một ngai vàng đầy hứa hẹn quyền lực vinh hoa, Ngài cải trang thành một đạo sĩ khổ hạnh bần cùng, sống ẩn dật đơn độc chốn rừng sâu để tìm ra chân lý vĩnh cửu của cuộc sống, để “Truy tìm sự tự do tối cao thoát khỏi mọi ràng buộc - tức Niết bàn.”(4) Đây là sự từ bỏ vĩ đại.
Hiến dâng đời mình cho trách nhiệm cao cả là khám phá phương thuốc để chữa trị căn bệnh giăng bủa khắp cuộc sống, Ngài được hai nhà hiền triết nổi tiếng, Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta dẫn dắt, hy vọng rằng những bậc thầy thiền định này sẽ chỉ cho Ngài con đường giải thoát. Ngài thực hành tập trung và đạt được những chứng ngộ cao nhất có thể đạt được bằng cách đó, nhưng Ngài không hài lòng với bất cứ thứ định nào còn thiếu sự Giác ngộ tối cao. Song mức độ hiểu biết của họ, giới hạn về kinh nghiệm huyền bí của họ không đủ để trao cho Ngài cái mà Ngài nỗ lực tìm kiếm. Ngài lần lượt từ bỏ họ để đi tìm điều chưa biết đó.
Trên đường lang thang đây đó, cuối cùng Ngài đến Khổ-hạnh-lâm (Uruvela), bên cạnh dòng sông Ni-liên-thiền (Nerànjaà) tại Giác Thành (Gayà). Những khu rừng nhỏ rậm rạp yên tĩnh và dòng sông nước trong vắt đã hấp dẫn Ngài. Nhận thấy đây là một nơi thích hợp để tiếp tục truy tìm sự Giác ngộ, Ngài quyết định ở lại đó. Năm nhà tu khổ hạnh khác thán phục sự nỗ lực kiên định của Ngài nên đã đến phục vụ ngài. Họ là Kon-dànnà, Bhaddiya, Vappa, Mahànàma, và Assaji.
Ở Ấn Độ thời đó và cho đến bây giờ vẫn còn một đức tin trong nhiều nhà tu khổ hạnh là người ta có thể đạt được sự tịnh hóa và sự giải thoát cuối cùng ra khỏi bệnh tật bằng cách tự hành xác khổ hạnh, và đạo sĩ Cồ-đàm quyết định thử nghiệm cái chân lý đó. Cho nên tại Khổ-hạnh-lâm Ngài bắt đầu một cuộc chiến đấu kiên quyết để hàng phục thân thể với hy vọng là khi thoát ra khỏi sự trói buộc của thân xác thì Trí tuệ Ngài có thể vượt lên đến những đỉnh cao của sự giải thoát. Trọn lòng nhiệt thành của Ngài được đặt nơi sự tu tập này. Ngài sống nhờ vào lá và rễ cây, vào một số đồ ăn ít ỏi bị rút bớt dần dần. Ngài mặc những miếng giẻ rách nhặt từ những đống rác, ngủ giữa những xác chết hay trên giường gai, và vì ăn uống quá kham khổ nên cơ thể Ngài đã bị suy kiệt.
“Ta đã sống khắc khổ trong hạnh đầu đà (kỷ luật của những đạo sĩ khổ hạnh). Ta đã sống khắc khổ hơn tất cả những người khác. Tứ chi của ta giống như những cây sậy khô héo bị phế thải...” Trong những năm về sau khi đã đạt đến giác ngộ viên mãn, Đức Phật đã mô tả cho hàng đệ tử về những sự ăn năn(5) trước đó của Ngài bằng những lời lẽ như thế đã gây ra một sự úy kính nơi họ.
Chiến đấu như thế trong sáu năm ròng rã, Ngài đã đến rất gần cánh cửa tử thần, nhưng Ngài nhận ra là chẳng đến gần được mục tiêu đã định! Sự hoàn toàn vô dụng của việc tu tập khổ hạnh đã trở nên quá rõ ràng với Ngài qua sự chứng nghiệm bản thân; cuộc thử nghiệm về giác ngộ đó đã thất bại. Nhưng không nản lòng, Trí tuệ vẫn còn siêu việt của Ngài đã tìm kiếm một con đường mới để đạt đến mục tiêu mong muốn. Rồi tình cờ Ngài nhớ lại sự thanh bình an lạc lúc thiếu thời, ngồi thiền định dưới cây táo hồng, Ngài cảm nhận một cách tin tưởng rằng: “Đây là con đường đưa đến giác ngộ”. Tuy nhiên ngài biết rằng với cái cơ thể hoàn toàn suy nhược như vậy, ngài không thể theo đuổi con đường đó với chút cơ hội thành công nào. Do đó, Ngài rời bỏ sự tự hành xác khổ hạnh và nhịn đói cực đoan mà ăn uống trở lại bình thường. Cơ thể gầy mòn hốc hác phục hồi sức khỏe và cái sức mạnh bị kiệt quệ chẳng bao lâu đã trở lại với Ngài. Bấy giờ năm người bạn đồng hành thất vọng từ bỏ Ngài vì họ nghĩ rằng Ngài đã thôi không chịu cố gắng nữa mà đã trở lại với một đời sống vật chất dư dật.
Thế nhưng, với quyết tâm vững chắc và niềm tin hoàn toàn vào sự trong sạch và sức mạnh của chính mình, không có sự giúp đỡ của bất cứ một vị thầy nào, không có một người bạn đồng hành nào, vị Bồ-tát(6) (chúng ta đã gọi Ngài như thế trước khi Ngài đạt đến giác ngộ) quyết định cuộc tìm kiếm cuối cùng trong sự đơn độc hoàn toàn. Dưới cội cây sau này được gọi là cây Bồ-đề tức “cây Giác ngộ” hay “cây Trí tuệ” trên bờ sông Ni-liên-thiền tại Gayà (bây giờ được gọi là “Buddha-Gayà”, Bồ-đề Đạo Tràng)- “một nơi an lạc, làm dịu đi những cảm giác và làm tăng trưởng trí tuệ”. Ngài ngồi kiết già, thực hiện nỗ lực cuối cùng với sự cương quyết không gì lay chuyển được: “Dù thân ta chỉ còn da bọc xương, dù máu thịt ta có khô héo và tàn tạ, nhưng ta sẽ không bao giờ rời khỏi chỗ ngồi này cho đến khi đạt được Giác ngộ hoàn toàn.” Với nỗ lực không biết mệt mỏi, và sự tận tuỵ không hề suy giảm, Ngài đã quyết chứng ngộ Chân lý và đạt đến Giác ngộ hoàn toàn.
Tập trung tư tưởng và năng lực vào “Chánh niệm trên hơi thở vô ra” (àna+apàna sati), phương pháp thiền định mà Ngài đã phát triển khi còn bé,(7) vị Bồ-tát nhập định và an trú miên mật trong tầng thiền thứ nhất (skt. Dhỹana,(8) một thuật ngữ khó dịch). Dần dần từng bậc một, Ngài nhập định và an trú trong đệ nhị, đệ tam và đệ tứ thiền. Tịnh hoá tâm trí ra khỏi những ô nhiễm như thế, với tâm an định như thế, Ngài hướng tâm về cái tri thức hồi tưởng những kiếp quá khứ (Túc mạng Minh-pubbenivàsànussatìnàna). Đây là tri thức đầu tiên Ngài đạt được trong canh đầu của đêm đó (6 giờ chiều đến 10 giờ tối). Rồi Bồ-tát hướng tâm đến sự hiểu biết về sự biến mất và tái hiện trở lại của đủ loại chúng sinh trong trạng thái hạnh phúc và đau khổ, mỗi trạng thái tiến triển tuỳ theo hành vi đã làm (Thiên nhãn minh-cuti + upapàtanàna). Đây là sự hiểu biết thứ hai Ngài đạt được trong canh giữa của đêm đó (10 giờ đêm đến 2 giờ sáng). Kế đó Ngài hướng tâm đến tri thức về sự hoại diệt những cái xấu ác (lậu hoặc).
Ngài hiểu như thật rằng: Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường diệt khổ(9). Ngài hiểu như thật rằng: Đây là các lậu hoặc, đây là nguyên nhân của lậu hoặc, đây là sự chấm dứt các lậu hoặc, đây là con đường dẫn đến chỗ chấm dứt các lậu hoặc. Biết như thế, thấy như thế, tâm Ngài được giải thoát ra khỏi các lậu hoặc, đó là dục lậu (kàmàsava), hữu lậu (bhavàsava) và vô minh lậu (avijàsava). Khi tâm Ngài được giải thoát như thế Ngài nhận ra sự “giải thoát” và hiểu rằng sự sanh ra đã bị hoại diệt, đời sống cao cả đã được sống, điều phải làm đã được làm, thân tâm này sẽ không trở lại nữa (nghĩa là: không có sự tiếp tục của tâm và thân nữa, không có Hữu và không có tái sanh nữa.) Đây là sự hiểu biết thứ ba (Lậu tận minh) Ngài đạt được vào canh cuối của đêm đó (2 giờ khuya đến 6 giờ sáng)(10)
Ngay sau đó, Ngài nói lên những lời chiến thắng:
“Ta đã chịu sanh, già, bệnh, chết, buồn rầu và thống khổ; nhìn ra mối nguy hiểm trong cái thân chịu đựng những điều đó ta đi tìm sự không sanh, không già, không bệnh, không chết, không buồn rầu, không ô nhiễm và tìm sự giải thoát cao cả ra khỏi ràng buộc- tức Niết Bàn (Nibbàna). Ta đã đạt được nó (theo nghĩa đen là ta đã chứng nghiệm được nó). Sự hiểu biết và khả năng thấy đó đã phát sinh trong ta; sự giải thoát tâm thức của ta không gì làm lung lay được. Đây là đời sống cuối cùng, không còn có Hữu, không còn có tái sinh nữa.”(11)
Như vậy, vào một ngày trăng tròn tháng năm, ở tuổi ba mươi lăm, Bồ-tát Cồ-đàm đã đạt được sự giác ngộ tối cao bằng sự triệt ngộ Tứ Diệu Đế, các chân lý vĩnh cửu và thành Phật, người Thầy thuốc vĩ đại, Đấng đại Y Vương toàn năng (bhisakko) có thể chữa lành những căn bệnh của chúng sinh.
Suốt một tuần lễ ngay sau khi giác ngộ, Đức Phật ngồi dưới gốc cây Bồ-đề để chứng nghiệm niềm phúc lạc của sự giải thoát. Rồi Ngài tư duy về lý Duyên Khởi (paticca samuppàda). Đức Thế Tôn trải qua thêm sáu tuần sống ẩn dật đơn độc trong sáu nơi khác nhau ở vùng quanh cội Bồ-đề. Cuối tuần lễ thứ bảy, Ngài quyết định truyền trao giáo pháp Ngài đã khám phá về Con Đường Cổ Xưa (purãnam maggam) cho năm người bạn đồng tu khổ hạnh của Ngài trước kia.
Biết họ đang sống tại xứ Ba-la-nại (Vàrànasì) trong Vườn Lộc Uyển ở Isipatana (tức Tiên Uyển, là nơi an trú của các nhà tiên tri, hiện nay là Sar-nath), vẫn còn đang dấn sâu vào sự khắc khổ vô nghĩa của đời sống tu sĩ khổ hạnh cực đoan, Đức Phật rời Gayà để đi đến Ba-la-nại xa xôi, thành phố thánh địa của Ấn Độ; Ngài đi bộ từng quãng đường 150 dặm, và tại Lộc Uyển (migadàya) Ngài đã gặp lại họ. Bấy giờ vào ngày trăng tròn tháng bảy, lúc xế chiều, khi mặt trăng đang lên trên bầu trời sáng rực phía đông, Đức Thế Tôn nói với năm đạo sĩ khổ hạnh:
“Này các thầy Tỳ-kheo, có hai cực đoan mà người ẩn tu đã rời bỏ đời sống gia đình không nên theo. Đó là: sự phóng dật của các giác quan và sự tự hành xác khổ hạnh, cả hai đều dẫn đến chỗ không tốt. Như Lai, Đấng Toàn Giác sau khi đã rời bỏ những cực đoan đã hiểu ra được con đường Trung Đạo, nó cho chúng ta cái sức nhìn, sự hiểu biết và dẫn chúng ta đến sự trầm tỉnh, sự nhận thức rõ ràng và sự Giác ngộ, Niết bàn. Và này các Tỳ-kheo, Trung đạo là gì? Đó là Bát Chánh Đạo, gồm: quan điểm chân chánh, suy nghĩ chân chánh, lời nói chân chánh, việc làm chân chánh, đời sống chân chánh, tinh tấn chân chánh, niệm chân chánh và định chân chánh.(12)
Rồi Đức Phật giải thích cho họ Tứ Thánh Đế.(13)
Như vậy Đấng Giác Ngộ đã tuyên dương Chánh pháp và chuyển bánh xe Chân Lý có một không hai.
Lần đầu tiên, với sự tuyên dương giáo pháp và sự quay trở lại của năm nhà tu khổ hạnh, Lộc Uyển ở Isipatana trở thành nơi khai sinh ra Thánh giáo của Đức Phật và của Tăng già, cộng đồng tu sĩ, những đệ tử xuất gia của Phật.
Trước kia, 55 người khác do Yasa, một thanh niên trẻ tuổi giàu có lãnh đạo đến gia nhập giáo hội Tăng già. Khi mùa mưa (vassàna, từ tháng bảy đến tháng mười) chấm dứt, Đức Phật nói với các đệ tử gồm sáu mươi người đã giác ngộ quả vị A-la-hán:
“Này các thầy Tỳ-kheo, ta được giải thoát ra khỏi tất cả mọi trói buộc ở cõi người lẫn cõi trời. Các ngươi cũng được giải thoát khỏi những giam cầm của cõi người lẫn cõi trời. Giờ đây hãy lên đường du hành khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của nhiều người do lòng từ bi đối với thế giới, với sự lợi ích, an lạc và hạnh phúc của trời và người. Mỗi người hãy đi về một hướng, hãy tuyên dương cái giáo pháp trỗi bậc ở lúc đầu, ở lúc giữa và lúc cuối, có ý nghĩa, và hoàn hảo trọn vẹn. Hãy tuyên dương đời sống thanh tịnh, đời sống thánh thiện, hoàn hảo và trong sạch. Có những chúng sinh bị che khuất không nhìn thấy chân lý, họ sẽ bị lầm lạc do không được nghe giáo pháp, và cũng có những chúng sinh sẽ hiểu giáo pháp. Ta cũng sẽ đi đến Khổ hạnh lâm, đến Senànigàma để dạy giáo pháp.”
Đức Phật đã bắt đầu sứ mạng cao cả của Ngài như thế và cái sứ mạng này kéo dài cho đến cuối đời Ngài. Cùng với các đệ tử, Ngài đã đi bộ qua những con đường chính và cả những con đường trong thôn xóm ở Jambudipa, đất nước của Táo Hồng (một tên khác của Ấn Độ), Ngài bao dung khắp tất cả trong dáng vẻ đặc biệt của lòng từ bi bao la và Trí tuệ vô hạn của Ngài.
Đức Phật không phân biệt đẳng cấp địa vị, bè phái hay giai cấp xã hội khi Ngài truyền bá giáo pháp. Nam nữ thuộc những tầng lớp xã hội khác nhau, người nghèo, kẻ túng thiếu, người hạ tiện nhất và kẻ mất mát thua thiệt, người học thức kẻ thất học, các vị Bà- la-môn hay kẻ bơ vơ, những ông hoàng hay người khốn cùng, bậc thánh hay kẻ tội phạm đều lắng nghe Ngài, nương tựa nơi Ngài, và đi theo Ngài, Đức Phật, Đấng đã chỉ ra con đường an lạc và Giác ngộ.
Đẳng cấp là một vấn đề quan trọng sống còn đối với những người Bà-la-môn Ấn Độ, nhưng Đức Phật hoàn toàn chống lại điều đó; Ngài lên án mạnh mẽ cái hệ thống làm mất phẩm cách con người đó. Đức Phật sẵn sàng chấp nhận cho vào Giáo Hội những người thuộc mọi thành phần và giai cấp xã hội khi Ngài biết rằng họ thích hợp với đời sống thánh thiện, và trong số đó có những người về sau đã nổi bật trong giáo đoàn. Đức Phật là một bậc đạo sư đương thời duy nhất đã nỗ lực kết hợp trong sự khoan dung và hoà hợp lẫn nhau giữa những con người mà cho đến nay vẫn bị chia rẽ, tách rời bởi những khác biệt về tầng lớp giai cấp.
Đức Phật cũng đã nâng cao thân phận phụ nữ ở Ấn Độ. Nói chung, trong thời đại của Đức Phật, do ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo, phụ nữ không được xã hội biết đến nhiều. Đôi khi họ bị khinh miệt mặc dù có những trường hợp đơn lẻ đã chứng tỏ sự uyên bác trong những vấn đề như triết học v.v... Với tình thương rộng lớn và sự cao thượng, Đức Phật đã đối xử với nữ giới một cách tôn trọng lễ độ và Ngài cũng chỉ cho họ con đường an lạc, thanh tịnh và thánh thiện. Lần đầu tiên trong lịch sử, Đức Phật đã lập nên Ni Bộ (Bhikkhunĩ Sãsana), vì trước kia không bao giờ có một giáo đoàn trong đó phụ nữ có thể sống đời sống xuất gia độc thân. Mọi tầng lớp phụ nữ trong xã hội đã gia nhập giáo đoàn. Đời sống cao quý của một số lớn chư ni, những nỗ lực lớn lao đạt đến mục tiêu giải thoát và những bài kệ của họ ca ngợi sự hỷ lạc của tâm giải thoát được mô tả sống đôïng trong bài thánh ca của Ni giới “Trưởng lão ni kệ” (Theirgàthà).
Du hành qua các làng mạc, thị trấn, Đức Phật giáo huấn, khai ngộ và làm cho nhiều người được hoan hỷ an lạc; Ngài thấy tính cách mê tín của dân gian thấm sâu vào vô minh, họ sát hại thú vật để thờ phụng thần linh. Ngài nói với họ:
“Cuộc sống, mọi người chỉ có thể nhận chứ không thể cho,
Cuộc sống mà mọi tạo vật đều yêu thương và cố gắng chiếm hữu,
Nó tuyệt vời, thân thương và kỳ thú đối với mọi loài,
Ngay cả với những hạng hèn kém nhất.”(14)
Như vậy khi người ta cầu xin lòng từ bi thương xót nơi thần linh là họ thiếu từ bi! Ấn Độ là nơi đẫm máu với những cuộc tế thần, họ sát hại những loài vật vô tội nơi bàn thờ những vị thần được dựng lên theo trí tưởng tượng không có tính chất thiêng liêng.
Những lễ lạc và các nghi thức cúng tế của các nhà tu khổ hạnh và Bà-la-môn đã mang đến những thảm họa và thống khổ không nói hết được. Đức Phật, vị đạo sư có Trí tuệ khoan dung, chỉ ra con đường cổ xưa, con đường của những Bậc Giác Ngộ, con đường của sự chánh đáng, của yêu thương và hiểu biết. Là một bậc Đạo Sư lúc nào cũng hành động theo đúng những điều Ngài thuyết giáo, những hành vi cử chỉ của Ngài luôn luôn thể hiện được bốn trạng thái cao cả nhất, hay Bốn Phạm Trú (Tứ vô lượng tâm).(15)
Đức Phật không bao giờ khuyến khích sự tranh cãi, thù địch. Có một lần Ngài nói với các thầy Tỳ-kheo: “Này các Tỳ-kheo, ta không tranh cãi với thế gian, chỉ có thế gian tranh cãi với ta. Một người giảng Pháp không tranh cãi với ai trên thế gian này”(16)
Dù lúc mới khởi đầu công cuộc hoằng pháp, Giáo hội Tăng già chỉ có sáu mươi đệ tử, sau đó đã phát triển đến hàng ngàn người. Trong những ngày đầu đó người Phật tử bước vào Giáo đoàn bằng cách đọc lên một thể lệ gồm ba câu được gọi là Tam quy y (ti-sarana):
“Buddham saranam gacchàmi
Dhammam saranam gacchàmi
Sangham saranam gacchàmi
Dutiyampi Buddham saranam gacchàmi
Dutiyampi Dhammam sa ranam gacchàmi
Dutiyampi Sangham saranam gacchàmi
Tatiyampi Buddham saranam gacchàmi
Tatiyampi Dhammam saranam gacchàmi
Tatiyampi Sangham saranam gacchàmi”
“Tôi về nương tựa Phật (Bậc Đạo Sư)
Tôi về nương tựa Pháp (Giáo lý)
Tôi về nương tựa Tăng (Đoàn thể Tăng Già)
Lần thứ hai Tôi về nương tựa Phật
Lần thứ hai Tôi về nương tựa Pháp
Lần thứ hai Tôi về nương tựa Tăng
Lần thứ ba Tôi về nương tựa Phật
Lần thứ ba Tôi về nương tựa Pháp
Lần thứ ba Tôi về nương tựa Tăng.”(17)
Vì số tu sĩ gia tăng nên xuất hiện các tịnh xá tự viện; vào những thời kỳ trước, các viện đại học Phật giáo Ấn Độ như Nàlandà, Vikramasilà và Odantapuri trở thành những trung tâm văn hoá dần dần có ảnh hưởng đến toàn thể châu Á, và qua đó ảnh hưởng đến đời sống tinh thần nhân loại.
Sau sự thành công của giáo đoàn trong suốt bốn mươi lăm năm, Đức Phật nhập Niết bàn lúc Ngài tám mươi tuổi, ở trong rừng cây Ta-la song thọ tại Mallas thuộc Câu Thi Na (nay là Uttara Pradesh khoảng 120 dặm về hướng đông bắc của thành Ba La Nại), với lời di giáo để lại cho hàng đệ tử:
“Vayadhammã samkhãrã, appamãdena sampãdetha”(18)
“Mọi vật thể kết hợp đều vô thường. Hãy tinh tấn lên để giải thoát.”
Tuy lúc ban đầu chỉ có ít người theo, đạo Phật đã dần dần giáo hoá được nhiều vùng và ngày nay là “tôn giáo” của trên 500.000.000 tín đồ, hơn một phần năm dân số thế giới. Đạo Phật tiến nhanh như thế nhờ vào giá trị nội tại của học thuyết và sự đòi hỏi tinh thần lý luận của nó, nhưng cũng còn có những yếu tố khác góp phần vào sự tiến bộ này: không bao giờ người truyền trao thông điệp của giáo pháp sử dụng những phương pháp trái đạo lý để truyền bá đạo Phật. Thứ vũ khí duy nhất được sử dụng là tình thương yêu rộng lớn và lòng từ bi. Hơn nữa, đạo Phật thấm dần vào các quốc gia này một cách hoà bình, không làm xáo trộn những tín ngưỡng đã có sẵn ở đó.
Đạo Phật không thực hiện sứ mạng của mình bằng sức mạnh của võ khí hay bằng bất kỳ phương thức ép buộc, quở phạt nào. Theo các biên niên sử về tôn giáo, hiếm có một tôn giáo nào sánh ngang với đạo Phật về việc này. Ép buộc vào đạo là điều mà Đức Phật và hàng đệ tử của Ngài không hề biết đến và tối kỵ.
Giáo sư T.W. Rhys Davids viết: “Theo chỗ tôi biết, trong toàn bộ lịch sử lâu dài của đạo Phật xuyên suốt nhiều thế kỷ, không có một bản ghi chép nào cho thấy người theo đạo Phật, trong những thời kỳ tột đỉnh kéo dài như thế mà có những hành động ngược đãi đối với những người theo một tín ngưỡng khác”.
Như vậy học thuyết nhà Phật có khả năng lan rộng sang những nền văn hoá khác biệt nhau trên khắp thế giới.
***
(1). Thuật ngữ tôn giáo ở đây được dùng theo nghĩa “Một cách sống” chứ không theo nghĩa thông thường như người ta hiểu.
(2). Tên này được chính phủ Ấn dùng thay thế cho Benares sau khi có độc lập.
(3). Xem A. i. 146, kinh 38.
(5). Để biết thêm chi tiết, xem M. 36, do I. B. Horner dịch trong The Middle Length Saying, q. I. (Hội Thánh Điển Pali, Luân Đôn)
(6). Một Bồ-tát (Skt. Bodhisattva) là người theo lý tưởng giác ngộ, hay nhận thức được Tứ Thánh Đế.
(8). Xem Chương 14, Chánh Định (sammã-samãdhi).
(9). Xem chi tiết ở Chương 3, Khổ Đế.
(12). Vinaya. I. 10, S. v. 420.
(13). Đạo đế, chân lý thứ tư, phát hoạ nên nền tảng của toàn bộ giáo lý sẽ được thảo luận ở những trang sau.
(14). Của Edwin Arnold, Ánh Sáng Á Châu.
(15). Bốn phạm trú là: Từ (mettã), Bi (karunã), Hỷ (muditã), Xả (upekkhã). Xem Chương 8.