Đến đây chúng ta thấy rõ Bốn Chân Lý Cao Cả chính là khái niệm trung tâm của đạo Phật. Điều mà Đức Phật đã dạy trong suốt thời gian bốn mươi lăm năm hoằng pháp bao gồm những chân lý này: đó là Dukkha, khổ hay bất xứng ý, nguyên nhân của khổ, sự đoạn diệt khổ và con đường ra khỏi trạng thái đau khổ. Người có tư duy sâu sắc sẽ giải thích những Chân lý này như là con người và mục tiêu của nó, tức sự giải thoát cuối cùng; đó là nội dung toàn bộ của Bốn Chân Lý Cao Cả. Cái mà chúng ta gọi là con người, theo nghĩa căn bản của nó, chính là sự kết hợp của Tâm và Thân, hay là năm hợp thể chấp thủ. Trên hành tinh loài người, dukkha (đau khổ) không thể hiện hữu độc lập đối với con người, với thân và tâm con người. Cho nên rõ ràng là dukkha chẳng phải là gì khác ngoài chính con người. Như Đức Phật đã dạy: “Năm hợp thể chấp thủ là khổ.” Và chúng ta biết rằng chân lý thứ hai là Tanhã, tức tham ái hay khát ái, đó là nguyên nhân của khổ. Bây giờ ta hỏi sự tham ái này sinh khởi ở đâu? Nơi nào có năm hợp thể chấp thủ nơi đó có tham ái sinh khởi. Thứ ba là sự bất động, sự đoạn diệt của tham, tức Niết-bàn, sự giải thoát cuối cùng. Cũng vậy, điều này không nằm ngoài con người. Cái cuối cùng và là chân lý thứ tư là Đạo, con đường để ra khỏi trạng thái đau khổ, sự tái sinh, luân hồi.
Bằng vào sự phân tích chặt chẽ chúng ta hiểu ra rằng sự cố gắng ở đây là để chỉ ra luân hồi và nguyên nhân của luân hồi, chỉ ra Niết-bàn và con đường đưa đến Niết-bàn (Samsara). Luân hồi chỉ là một sự tương tục của các hợp thể chấp thủ thuộc thân tâm; nói cách khác, là sự sống lặp lại, và không phải cái thế giới vật lý với mặt trời mặt trăng, sông và biển, đá và cây cối. Theo nghĩa này, luân hồi là một cái tên khác chỉ con người gồm các hợp thể chấp thủ. Đây là chân lý thứ nhất. Trong chân lý thứ hai, chúng ta thấy nguyên nhân và điều kiện của luân hồi. Trong chân lý thứ ba, chúng ta thấy sự bất động, sự đoạn diệt của luân hồi, sự giải thoát tối cao ra khỏi ràng buộc – tức Niết-bàn. Trong mối tương quan này có thể để ý thấy rằng trong phái Nguyên thuỷ, luân hồi là hoàn toàn đối nghịch với Niết-bàn vì chúng ta thấy luân hồi là sự tương tục của các hợp thể chấp thủ, trong khi Niết-bàn là đoạn diệt sự chấp thủ này. Trong đời sống người nào hưởng những cảm giác dục lạc đều không giải thoát ra khỏi luân hồi được. Chừng nào mà sự tham ái và bám chấp của họ không được dập tắt, thì họ còn bám vào những hợp thể (uẩn) và những điều thuộc về chúng. Tuy nhiên, người đã giải thoát chứng nghiệm được hạnh phúc Niết-bàn ở đây bây giờ bởi họ không bám vào các đối tượng cảm giác; lòng tham ái và bám chấp của họ đã đoạn diệt và do đó đối với họ, không còn sự tương tục của các hợp thể nữa, không còn tái sinh, luân hồi nữa.
Chân lý thứ tư và là chân lý cuối cùng chính là Tám Con Đường Chân Chánh (Bát Chánh đạo). Như bây giờ chúng ta có thể nhận ra được trong Bốn Chân Lý Cao Cả, Tám Con Đường Chân Chánh là khía cạnh duy nhất đề cập đến pháp hành (sự tu tập). Bất cứ điều gì trong đạo Phật có sự thực hành tu tập đều đi vào lãnh vực của Tám Con Đường Cao Cả. Đó chính là sự mở đầu và kết thúc lối sống Phật giáo. Đạo là sự tóm tắt của những phương tiện cho chúng ta khả năng ra khỏi cái rối rắm của luân hồi, và chứng nghiệm Niết-bàn, cái giáo pháp vô duyên sinh trong đạo Phật. Cho nên cần phải nhớ rằng đạo không vận hành như là nhân duyên của Niết-bàn mà nó chỉ là một phương tiện để đưa đến Niết-bàn.(1)
Nếu đây là mục tiêu để Đức Thế Tôn dạy Pháp và vạch ra một con đường cho hàng đệ tử thì rõ ràng là mục tiêu của người nghe pháp hay người theo con đường này cũng phải cùng một mục đích đó, chứ không có mục đích nào khác. Thí dụ, mục tiêu của một thầy thuốc có lòng từ bi và hiểu biết là chữa trị cho những bệnh nhân đến với ông để giúp đỡ và mục đích duy nhất của bệnh nhân phải là được chữa lành càng sớm càng tốt. Đó là mục tiêu duy nhất của người bệnh.
Chúng ta cũng biết rằng dù đã được hướng dẫn, cảnh giác và dạy bảo, việc tu tập Giáo pháp thật sự, việïc bước đi trên con đường đạo là do chúng ta. Chúng ta nên tiếp tục vượt qua mọi chướng ngại với sức mạnh không hề suy giảm, và phòng hộ những bước đi của mình theo Chánh Đạo – cái Chánh Đạo mà chư Phật trong mọi thời đã đi qua và chỉ ra.(2)
Để giải thích tư tưởng vượt qua, Đức Phật đã dùng sự so sánh của một chiếc bè.(3) Chúng ta hãy lắng nghe lời Ngài dạy:
- “Này các thầy Tỳ-kheo, dùng sự so sánh của một chiếc bè, ta dạy Giáo pháp đã được trình bày để vượt qua, chứ không phải để giữ lại. Hãy lắng nghe và lưu ý cẩn thận đến điều ta nói.”
Chư Tỳ-kheo đáp: “Xin vâng, bạch Thế Tôn.”
Đức Thế Tôn dạy tiếp:
- Này các thầy Tỳ-kheo, một người bắt đầu một chuyến đi và đến một dãy nước mênh mông. Bờ ở cạnh đó thì nguy hiểm còn bờ bên kia thì an toàn; nhưng không có một con thuyền nào đến bờ bên kia và không có một chiếc cầu nào. Người đó nghĩ: “Dãy nước này mênh mông thật, cái bờ gần thì không an toàn, mà bờ xa kia thì chẳng có nguy hiểm. Ta phải nhặt lấy cỏ, lá cành, cây để làm một chiếc bè dùng nó bơi bằng tay bằng chân của mình để đưa mình qua đến bờ bên kia.”
- Này các thầy Tỳ-kheo, thế là người đó làm một cái bè, an toàn đi qua bờ bên kia, cố gắng qua đó bằng chính tay chân của mình. Khi đã qua rồi, người đó nghĩ: “Cái bè này thật là hữu ích, vì nó giúp đỡ ta để đến bờ một cách an toàn: tốt hơn ta nên mang nó trên đầu trên lưng đi đến bất cứ nơi nào ta muốn.”
- Này các thầy Tỳ-kheo, các thầy nghĩ sao, nếu làm thế thì người đó có hành động đúng với chiếc bè không? Thí dụ người đó khi đã qua đến bờ bên kia nghĩ là: Cái bè này thật là hữu ích, nhờ nó giúp đỡ ta đã đến bờ này một cách an toàn, ta nên đem nó lên bờ hoặc để nó trên dòng nước mênh mông và đi bất cứ nơi đâu ta muốn. Này các thầy Tỳ-kheo, nếu người đó hành động như thế là hành xử đúng với chiếc bè. Này các thầy Tỳ-kheo, cũng vậy, dùng ví dụ chiếc bè ta đã dạy cái giáo pháp cho sự vượt qua chứ không phải để nắm giữ. Này các thầy Tỳ-kheo, các thầy hiểu giáo pháp đã dạy bằng ví dụ của chiếc bè, chánh pháp (dhamma) còn phải bỏ đi, huống gì là phi pháp (a-dhamma)(4).
Người ta có thể hỏi tại sao Con Đường lại được gọi là Tám Con Đường Chân Chánh, và hỏi tại sao từ “Chánh” lại được đặt ở mỗi yếu tố trong tám yếu tố đó. Câu trả lời đơn giản là cũng có một con đường không cao cả, vì nó sai lầm và từ ngữ “tà” được đặt ở mỗi một trong tám yếu tố sai lầm đó. Trong hai chuyện ngụ ngôn có tính giáo dục, Đức Phật làm cho sáng tỏ cái chánh và tà.
Bậc Đạo Sư đã nói với Trưởng lão Tissa:
- Này Tissa, thí dụ có hai người, một người không khôn ngoan, người kia khôn ngoan biết đường đi. Người không khôn hỏi người khôn đường đi và người đó trả lời: “Vâng, đây là đường đi. Hãy tiếp tục đi một lát bạn sẽ thấy ngã ba đường. Hãy bỏ con đường bên tay trái mà đi con đường bên tay mặt. Đi một lát bạn sẽ trông thấy một khu rừng rậm... rồi một cái ao đầm lầy... và một cái vách đá đứng. Đi xa một chút bạn sẽ trông thấy một dãy đất bằng phẳng vui thú.”
- Này Tissa, bây giờ ta sẽ minh hoạ ý nghĩa câu chuyện ngụ ngôn này. Người không khôn trong việc nhận ra con đường là chỉ cho người thế tục. Người khôn ngoan hiểu biết đường đi là chỉ cho Như Lai, bậc A- la-hán, Bậc Chánh Đẳng Giác. Ngã ba có nghĩa là làm rắc rối. Con đường bên tay trái là chỉ cho tám con đường tà vạy, tức là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Con đường tay phải là chỉ cho Bát Chánh Đạo, nghĩa là Chánh kiến, v.v... Khu rừng rậm là chỉ cho sự vô minh, cái hồ đầm lầy chỉ cho những dục lạc. Vách đá dốc đứng chỉ cho sự phiền toái và thất vọng; dãy đất bằng phẳng vui thú chỉ cho Niết-bàn. Này Tissa, hãy chọn sự vui đó, hãy chọn sự vui đó! Ta khuyên ông như vậy; ta sẽ dạy cho ông.(5)
Câu chuyện ngụ ngôn thứ hai hơi giống chuyện trên, được tìm thấy trong bài pháp thứ mười chín của Trung Bộ kinh. Ở đây Đức Phật nói đến một bầy nai sống trong một thung lũng có rừng cây nơi đó có một cái hồ đầm lầy. Bây giờ có một người đi đến, người này không muốn thấy chúng hạnh phúc mà lại có vẻ phá hoại chúng. Nếu người này chặn ngang con đường an toàn và mở ra một con đường giả trá, đặt một cái bẫy mồi và buộc một sợi dây vào con nai cái như là một miếng mồi, đàn nai lớn đó sẽ bị thương và còn ít dần.
Nhưng nếu có một người khác muốn chúng hạnh phúc và an lạc, sắp mở ra một con đường an toàn và đóng lại con đường giả trá, tháo cái bẫy và con nai cái ra, đàn nai lớn sẽ phát triển và tăng lên. Rồi Đức Phật giải thích ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn: hồ đầm lầy là một cái tên khác chỉ cho dục lạc; đàn nai lớn chỉ cho con người; người đến đầu tiên là ma vương, tức kẻ ác; con đường giả trá chỉ cho tám đường tà vạy, tức là tà kiến, v.v... bẫy mồi chỉ cho tham dục; nai cái chỉ cho vô minh; người ham muốn hạnh phúc cho bày nai chỉ cho Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác; con đường hạnh phúc an lạc và chắc chắn là Tám Con Đường Chân Chánh, tức là Chánh kiến, v.v...
Đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, ta đã mở ra con đường hạnh phúc, an lạc, chắc chắn, đã đóng lại con đường giả trá và đã tháo gỡ cái bẫy và miếng mồi. Này các thầy Tỳ-kheo, bất cứ điều gì mà vị thầy có lòng từ mong muốn sự an vui cho hàng đệ tử phải làm, thì Như Lai đã làm vì lòng từ bi đối với các ông. Đây là những cây cối, đây là những túp lều yên tĩnh, các thầy hãy thiền quán, đừng buông lung, đừng để ân hận về sau. Ta khuyên các ông như vậy.”
Đức Phật, Đấng Đại Từ, nay không còn nữa, nhưng Ngài đã để lại một di sản Giáo Pháp cao siêu. Giáo Pháp này không phải là một phát minh mà là một sự khám phá. Nó là một định luật vĩnh cửu; nó ở khắp nơi với mọi người nam nữ, theo Phật hay không theo Phật, đông hay tây. Giáo Pháp Phật không có những nhãn hiệu, nó hiểu biết không giới hạn thời gian, không gian và chủng loại. Nó là của mọi thời. Mỗi người sống Giáo Pháp sẽ làm Giáo Pháp sáng ngời, nhìn ra và tự thân chứng nghiệm được Giáo Pháp. Nghe hiểu giáo pháp không đem lại giải thoát mà nó phải được tự chứng ngộ. Đức Phật Cồø-đàm đã khám phá ra Giáo Pháp này, cũng như chư Phật của quá khứ trước đó. Nếu chúng ta muốn nhìn nó như thật bằng chính cặp mắt trí tuệ của chúng ta, chứ không phải như cách nó đã được trình bày trong sách vở, thì chúng ta nên đi theo con đường Cổ Xưa này. Các Đấng Giải Thoát, Đấng Viên Mãn, đã nói trong những câu nói sáng chói của Đạo và sự Giải Thoát tối hậu trong những Bài Thánh Thi của các vị Cổ Phật. Những ai nghe đến sự chứng ngộ của các vị đều hoan hỷ và có được nguồn cảm hứng. Nhưng chỉ vui thú và cảm hứng suông thôi thì không thể dẫn đến mục tiêu mong muốn. Cho nên cần phải tu tập theo Đạo Đế:
“Hãy thương yêu và giàu lòng thương xót
Và khéo léo kiểm soát theo những lề lối đạo đức,
Tinh tấn hướng đến mục tiêu,
Và tiến lên mãi mãi nỗ lực can cường.
Cái nguy hiểm nằm trong lời ve vãn dối gian;
Sự nghiêm túc mới chắc chắn an toàn:
Giáo pháp này khi bạn trông thấy nên tu tập
Bát Chánh Đạo, bạn sẽ đạt được,
Con Đường Bất Tử, hãy chứng ngộ nó.”(6)
Con đường Bụt đi mở ra cho tất cả, không hề có sự phân biệt trong Niết-bàn. Đề cập đến Tám Con Đường Chân Chánh và so sánh nó với một cỗ xe, Đức Phật dạy:
“. . . Và dù là tín nữ hay thiện nam
Cỗ xe đó vẫn đợi họ,
Với cỗ xe đó họ sẽ đi vào
Thực tại Niết-bàn.”(7)
Như trên, rõ ràng là người nào không có cỗ xe này, và người nào khi đã có cỗ xe này mà không tiến lên hướng đến mục tiêu, người đó sẽ không đạt đến đích. Có một bài pháp thoại lý thú giữa Đức Phật và phạm tăng Ganaka-Moggallàna trong bài pháp thứ 107 của Trung Bộ Kinh. Trả lời câu hỏi của phạm tăng này Đức Phật giải thích chi tiết cách Ngài giáo dục và huấn luyện hàng đệ tử. Vị phạm tăng này khi đã lắng nghe một cách nhiệt tình, muốn biết là có phải tất cả hay chỉ một số các đệ tử được Như Lai dạy đã đạt được mục tiêu bất thối chuyển – Niết-bàn. Đức Phật trả lời là một số được Ngài dạy đã đạt được mục tiêu còn một số thì không. Lúc đó vị này đã đặt câu hỏi với Đức Phật:
“Thưa Ngài Cồ-đàm hiền thiện, thế vì đâu và lý do nào, trong khi Niết-bàn là hiện hữu, con đường đưa đến Niết-bàn là hiện hữu, và Ngài Cồ-đàm hiền thiện là hiện hữu như một người hướng dẫn mà một số đệ tử Ngài khi được giáo huấn đạt được mục tiêu bất thối chuyển tức Niết-bàn, còn một số thì không?”
“Này người bà-la-môn, để trả lời tôi sẽ hỏi ông về điểm này. Ông có thể trả lời cho ta tuỳ ý. Ông nghĩ sao về điều này, người bà-la-môn, ông có rành con đường dẫn đến Ràjagaha[8] không?”
“Vâng, thưa Ngài, tôi rành con đường dẫn đến Ràjagaha.”
“Ông nghĩ sao về điều này: một người có thể đi và muốn đến Ràjagaha, họ đến gần ông nói: thưa ông, tôi muốn đi đến Ràjagaha. Hãy chỉ cho tôi con đường đến đó. Ông có thể trả lời: vâng, ông bạn tốt, con đường này đi đến Ràjagaha, hãy đi theo nó một chập. Một sau lúc ông sẽ thấy một ngôi làng; hãy đi một chập, sau đó ông sẽ trông thấy một thị trấn chợ; hãy đi một chập, một lúc sau ông sẽ thấy Ràjagaha với những công viên vui vẻ của nó, những khu rừng, những cánh đồng, những cái ao vui thú. Nhưng dù cho ông đã khích lệ và chỉ dẫn như thế, nhưng anh ta vẫn có thể đi trật đường về hướng tây. Rồi người thứ hai có thể đến và muốn đi tới Ràjagaha,...(cũng nói như trên)... ông sẽ trông thấy Ràjagaha với những… cái ao vui vẻ. Người đó được ông khích lệ và chỉ dẫn như thế có thể đến Ràjagaha một cách an toàn. Này bà- la-môn, cái gì là nguyên nhân, cái gì là lý do, vì Ràjagaha chắc chắn là hiện hữu, vì con đường đưa đến Ràjagaha hiện hữu, vì ông hiện hữu như một người hướng dẫn, một người dù cũng được khích lệ và chỉ dẫn như vậy nhưng có thể đi trật đường về hướng tây trong khi người khác có thể đến Ràjagaha một cách an toàn?”
- Thưa Ngài Cồ-đàm hiền thiện, tôi có thể làm gì trong việc này? Ngài Cồ-đàm hiền thiện, tôi chỉ là người chỉ đường.”
- Cũng vậy đó, này bà-la-môn, Niết-bàn hiện hữu, con đường dẫn đến Niết-bàn hiện hữu và ta hiện hữu như một người hướng đạo. Nhưng trong khi có một số đệ tử được ta khích lệ chỉ dẫn như thế đạt được mục tiêu bất thối chuyển, tức Niết-bàn, một số khác lại không được. Này phạm tăng, ta có thể làm gì trong việc này? Này bà-la-môn, Như Lai chỉ là một người chỉ ra con đường.
Người ta có khuynh hướng xem bất cứ cái gì cũ đều là lỗi thời. Những phê phán vội vàng có thể đưa đến chỗ kết luận cho rằng Tám Con Đường Chân Chánh được Đức Phật Cồ-đàm khám phá ra đã hai mươi lăm thế kỷ qua và vì vậy không còn thích hợp với những điều kiện hiện thời nữa. Nhưng đây là ý nghĩ nông cạn và lệch lạc. Điều quan trọng là xét xem cái cũ hay mới đó có thực tiễn không, có thể áp dụng được không.
Trên thế giới đã từng có nhiều vấn đề bắt đầu từ một thời kỳ nào đó không nhớ rõ, mỗi giai đoạn lại có những vấn đề riêng của nó và thái độ của chúng ta đối với chúng cũng khác nhau; nhiều giải pháp đã được đưa ra. Tám Con Đường Chân Chánh rút bớt những vấn đề đó xuống còn một điều mà Đức Phật gọi là dukkha, khổ. Ngài gọi nguồn gốc và nguyên nhân của nó là Avjja, tức vô minh hay tà kiến, và Tanhã tức tham muốn hay những động cơ ích kỷ. Bây giờ vấn đề là, liệu con người thời đại có tìm ra giải pháp cho những vấn đề này không, hay là chúng ta chỉ làm cho chúng trầm trọng thêm lên? Ngày nay con người sống trong một tình trạng an lạc hạnh phúc hay tình trạng sợ hãi và luôn căng thẳng? Họ đi theo con đường dẫn đến sự ôn hoà hay đến sự điên loạn?
Bây giờ chúng ta hãy xem con đường Bụt đã đi qua này là gì. Nó gồm có tám yếu tố: Quan Điểm Chân Chánh, Suy Nghĩ Chân Chánh, Lời Nói Chân Chánh, Hành Động Chân Chánh, Đời Sống Chân Chánh, Nỗ Lực Chân Chánh, Niệm Chân Chánh và Định Chân Chánh. Yếu tố nào chúng ta có thể để qua một bên vì lỗi thời và không đưa đến sự tiến bộ vật chất hay tinh thần cho con người? Yếu tố nào cản trở sự phát triển của con người về mặt thế tục hay mặt nào khác? Chắc chắn chỉ có người nào có đầu óc đần độn mới có thể gọi Tám Con Đường Chân Chánh là lỗi thời, vì dù cho nó có là con đường cổ xưa nhưng nó vẫn vĩnh viễn mới mẻ. Như đã nêu trên, mọi giải pháp của đời sống có thể được rút lại còn một vấn đề, đó chính là dukkha, khổ. Và giải pháp được chư Phật hay các đấng Giác Ngộ của mọi thời đưa ra chính là Tám Con Đường Chân Chánh. Cũng như bằng chứng cho sự hiện diện của chiếc bánh dồi là việc ăn nó, thì bằng chứng cho sự hiện hữu của giải pháp này nằm trong việc thực hiện nó.
“Dù theo Phật hay không theo Phật, tôi đã từng khảo sát mỗi một tôn giáo trong các hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới, và tôi đã không tìm ra được tôn giáo nào trong số đó một điều gì vượt qua được cái đẹp và sự toàn diện như Tám Con Đường Chân Chánh của Đức Phật. Tôi hài lòng uốn nắn cuộc đời tôi theo con đường ấy.”(9)
Để kết luận, tôi cho rằng không có gì quá đáng khi nói sự vĩ đại của Đức Phật vẫn còn chói sáng đến ngày này giống như mặt trời xoá đi sự rực rỡ của những ánh sáng kém hơn; Con đường Ngài đã đi qua vẫn vẫy tay ra dấu cho người hành hương đến gần bến Giải Thoát và An Lạc của Niết-bàn
Và như một câu tục ngữ cổ xưa đã nói: “Người chạy nhanh, kẻ đi bộ, người bò một cách đau khổ, nhưng hễ ai còn tiếp tục đi thì sẽ đạt đến đích.”
***
(1). M. 35; D. 25.
(2). S. ii. 106.
(3). M. 22
(4). Ở đây theo bản Chú giải, Dhamma có nghĩa là định (sanatha) và tuệ (vipassanà). Việc chấp thủ vào những chứng đạt tâm linh cao như thế còn phải bỏ, nói gì đến những ác pháp.
(5). S. iii. I08 (sinh 84).
(6). Psalms of the Early Buddhists, The Brethren, P.T.S. 1951, caâu979, 980.
(7). Kindred Saying, i. p.45.
(8). Một thị trấn lớn ở Ấn Độ, bây giờ là Ràjgir. Đức Phật đã sống ở đó nhiều trong tu viện Veluvân nổi tiếng. Nó nằm trong một hang động của thị trấn này, nơi mà cuộc kết tập kinh điển đầu tiên được tổ chức ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt. Hang động này ngày nay vẫn còn được trông thấy.
(9). T.W. Rhys Davids, Chủ tịch sáng lập Hội Thánh Điển Pali của Luân Đôn.