Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 27-05-2010.
Phiên tả: Nguyễn Thị Kim Anh
I. TUỆ GIÁC KHÔNG SỢ HÃI
Phần cuối cùng của Bát-nhã Tâm Kinh – mà phần lớn các Phật tử Bắc tông đều thuộc lòng qua các bản dịch, hoặc các bản Hán Việt, do ngài Cưu-ma-la-thập hay ngài Huyền Tráng dịch – đã đề cập đến phép mầu của trí tuệ Bát-nhã Ba-la-mật.
Trước hết, trí tuệ là một phán đoán đúng với nhân quả và là một tiến trình nhận thức loại trừ các khả năng sai lầm. Bởi vì nhận thức sai lầm là biểu hiện của việc thiếu trí tuệ, có thể dẫn đến các hành vi đáp ứng hay ứng xử tiêu cực, hậu quả trước tiên là tạo cho chính bản thân người thiếu trí ấy hay người nhận thức sai lầm ấy có một nỗi sợ hãi thường trực và thường xuyên. Sợ, không biết tại sao và do nguyên nhân nào mà sợ nữa?
Theo lời Phật dạy, ứng dụng đầu tiên của trí tuệ là giúp con người sống thanh thản, không sợ hãi gì đeo mang. Sợ hãi trước nhất là thái độ nghĩ đến sự an toàn của bản thân, mà không cần biết rằng tánh mạng của mình thực sự có bị đe dọa hay không.
Sợ hãi đôi lúc có thể xuất hiện dưới hình thức phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do đó, nó thôi thúc và kéo đẩy ta vào những phương cách phòng bị lẽ ra không nên có. Cho nên, sợ hãi sẽ dẫn đến những thặng dư trong sự đầu tư, quan tâm, lo lắng và kết quả là dẫn đến nhiều sự tổn thất.
Sợ hãi còn biểu hiện qua các mối lo. Cái lo thuộc về thế giới nội tại. Nhưng bản chất của thế giới khách quan đang diễn ra xung quanh ta không lệ thuộc vào nỗi lo của chúng ta và cũng không phải là kết quả của nỗi lo. Mọi hiện tượng đều diễn ra theo quy luật nhân quả. Nỗi lo chỉ kéo theo nỗi sợ hãi trong tự thân của nó.
Khi ta biến nỗi sợ hãi trở thành một sự thật, lúc đó bản chất của thực tại vốn rất khác xa với những nỗi lo đã bị đồng hóa với nỗi sợ hãi. Kết quả là ta có thể dẫn đến một phán đoán rằng thà phòng bệnh còn hơn liều lĩnh.
Phần cuối của Bát-nhã Tâm Kinh là một câu rất ngắn nhưng nội dung rất sâu. Bất kỳ ai có cơ hội trải nghiệm điều ấy trong đời sống, sẽ tái tạo được nguồn năng lượng an vui, hạnh phúc mà đôi lúc mình bỏ quên hoặc đã bị nỗi sợ hãi vùi dập đến tận cùng của bế tắc. Tu tập Bát-nhã Tâm Kinh có phương pháp thì giá trị thiết thực mà ta đạt được là giải phóng khỏi mọi nỗi sợ hãi. Giá trị đó thực sự to lớn.
Người không giải phóng khỏi sợ hãi thì đừng mong chứng đắc, giác ngộ, giải thoát. Một khi sự sợ hãi vẫn còn thì nỗi khổ đau vẫn còn đeo bám. Sợ hãi, khổ đau, luân hồi, bế tắc là quan hệ đa chiều. Bát-nhã Tâm Kinh là một phép màu, giúp ta tháo mở được chúng.
Nguyên văn đoạn kinh như sau: “Tam thế chư Phật, y Bát-nhã ba-la-mật đa, cố đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề, cố tri Bát-nhã ba-la-mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú. Năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư. Cố thuyết Bát-nhã ba-la-mật đa chú, tức thiết chú viết, yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”.
Dịch nghĩa là: “Các đức Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều nương tựa vào trí tuệ siêu tuyệt mà chứng được quả vị giác ngộ giải thoát nên biết rằng trí tuệ ba-la-mật là chú đại thần, là chú đại minh, là chú vô thượng, là chú siêu tuyệt, chân thật, không hư vọng, có khả năng tiêu trừ tất cả mọi khổ đau. Khi đức phật nói xong, Bồ-tát Quan Thế Âm đã tuyên thuyết thần chú Bát-nhã”.
Một đoạn kinh ngắn nhưng lại là phương pháp chơi chữ, làm nổi bật giá trị của trí tuệ.
II. TRÍ TUỆ LÀ MẸ SINH CÁC ĐỨC PHẬT
Thông thường trí tuệ thuộc về nam tính, vì đã gắn kết với bán cầu lý trí mà ở người nam có phần nổi trội hơn ở người nữ. Nhưng năng lực của trí tuệ lại là nữ tính vì trí tuệ có thể làm một người phàm trở thành bậc giác ngộ. Một hạt giống trí tuệ nhỏ, gieo xuống một mảnh đất tâm linh, sau một thời gian đầu tư đúng phương pháp, sẽ trở thành một tàng cây bóng mát, mang lại giá trị lợi lạc, an vui, hạnh phúc cho mình và cho người.
Ngày hôm qua, tôi dẫn một phái đoàn Việt Nam khoảng 70 vị, đến thăm chùa Dammakaya, tức là chùa Pháp Thân. Ngôi chùa có diện tích trên 460 mẫu tại Bangkok. Chùa này được xây dựng cách đây khoảng hơn 30 năm, bắt đầu bằng sự nỗ lực của một vị nữ tu.
Bà đã gieo một hạt giống đặc biệt. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, bà mù chữ từ thưở nhỏ. Bà gặp được Phật pháp bởi vì quyết tâm theo học và truyền bá Phật pháp ở tuổi 60. Người học trò đầu tiên của bà bây giờ là vị Hòa thượng trụ trì của ngôi chùa này đã làm cho công trình đó trở nên vĩ đại hơn.
Vị Hòa thượng này có tầm nhìn xa, đã mạnh dạn xây hội trường một triệu chỗ ngồi. Lúc đó rất nhiều người đã nói là ông thầy này bị ảo tưởng, số lượng Phật tử ở đâu mà đến 1 triệu người đến ngồi nghe thuyết giảng, làm lễ.
Thực tế sau mấy năm xây dựng đã chứng minh, hòa thượng trụ trì hoàn toàn không ảo tưởng, mà những người đặt câu hỏi đó là có vấn đề về nhận thức. Hội trường đó hình vuông, mỗi một cạnh một cây số. Ở chính giữa là một hình tháp, nhìn từ xa giống như hình mặt trời ló dạng ở trên quả địa cầu, tượng trưng cho trí tuệ của đức Phật phổ hóa khắp năm châu, bốn biển. Xung quanh mặt tháp tròn bằng đá đó có 300.000 tượng Phật chiều cao 8 tấc, bề ngang 8 tấc và bên trong tháp đó có 700.000 tượng Phật, nâng tổng số 1 triệu tượng Phật.
Khi tầm nhìn gắn kết với trí tuệ thì cũng với công sức đó, năng lực đó, thời gian đó, sự đầu tư đó, ta có thể phục vụ và làm lợi ích cho nhiều người hơn. Vấn đề là ở tầm nhìn.
Do đó, năng lực tuệ giác có khả năng giúp ta chuyển hóa được nhận thức, thái độ, cảm xúc, làm chủ được các hành vi một cách trọn vẹn kể từ lời ăn, tiếng nói, suy nghĩ, việc làm, giao tế, ứng xử, v.v… Người trí rũ bỏ được hết tham, sân, si và hướng đến an vui, hạnh phúc. Tuệ giác có năng lực là khai sinh ra các đức Phật. Đó là triết lý của Đại thừa.
Đại thừa nâng lên một cấp giúp ta có cái nhìn rõ ràng hơn là ngoài mối quan hệ huyết thống, tuệ giác là một năng lực đặc biệt mà ta có thể xem như là Thánh mẫu khai sinh ra sự giác ngộ của các đức Phật.
Khi nhận dạng rằng, trong chúng ta có tiềm năng của một Thánh mẫu thì các mặc cảm, tự ty, những lối ứng xử tiêu cực, vị kỷ, nhỏ nhoi sẽ bắt đầu nhường bước lại cho tầm nhìn tuệ giác với tâm hướng thượng vĩ đại và thái độ vô ngã, vị tha.
Phải có tầm nhìn lớn thì mới có được Phật sự lớn. Phải có tầm nhìn tuệ giác xa thì mới có thể độ tận chúng sinh. Nếu tầm nhìn giới hạn và nghĩ đến quyền lợi trước nhất là cho mình thì làm tới đâu vướng tới đó.
Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, trí tuệ còn được gọi là kim cương tam muội. Tam muội là thiền định, một năng lực mà sức bền vững của nó như là kim cương, có khả năng chặt đứt tất cả các loại kim loại nhưng không có một kim loại nào có thể chặt đứt được nó. Tuệ giác là nguồn năng lượng đặc biệt đó. Tức là số một trong tất cả mọi năng lực.
Hành giả sống với tuệ giác có khả năng trải nghiệm được tánh không của thực tại. Tức là tính chất vô ngã, vô thường diễn ra trong mọi sự vật hiện tượng, từ điều nhỏ nhất, cho đến điều lớn nhất, nhờ vậy ta không vướng mắc vào mọi hiện tượng và sử dụng chúng như là công cụ, hỗ trợ chúng ta trong cuộc đời. Trước mọi biến cố, ta vẫn sống bình an, không bị khổ đau. Mọi biến thiên diễn ra trong cuộc đời, ta hiểu được và không bị cuốn hút theo. Đó là năng lực chuyển hóa của tuệ giác.
III. TRÍ TUỆ LÀ ĐỈNH CAO NHẤT CỦA SÁU NĂNG LỰC
Bồ tát thực tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định. Hành giả không trải nghiệm và sống với trí tuệ, vẫn mãi mãi là một tín đồ chứ chưa phải là Phật tử.
Tín đồ là người sống với niềm tin. Niềm tin có giá trị của nó. Để được an vui, hạnh phúc thật sự thì ta hãy trở thành Phật tử. Hiểu nôm na tức là Phật con. Là Phật con tức là năng lực tuệ giác có sẵn rồi, nhưng khả năng khai thác quặng Phật vẫn còn quá giới hạn.
Tuệ giác Phật là một năng lực lớn, giúp ta khai thác quặng tâm, có giá trị an lạc lớn. Quặng Phật của chúng ta bị bỏ quên, do vì ta thiếu phương tiện, thiếu đầu tư, thiếu phương pháp, thiếu tu tập. Tuệ giác sẽ giúp ta san lấp được những mặt yếu kém đó, để khai thác quặng Phật trong ta một cách trọn vẹn. Trí tuệ là đỉnh cao của các pháp môn, giúp ta đi vào Phật pháp bằng con đường ngắn nhất. (Đại Trí Độ: Phật pháp bước vào bằng niềm tin và thành tựu bằng Chánh kiến).
Làm Phật con tốt hơn làm một tín đồ nhiều. Nhiều người không thích làm Phật con, thích làm tín đồ thôi. Có người vô chùa dừng lại ở lạy Phật, xin Phật cho bình an. Cũng tốt thôi, nhưng uổng lắm. Phật sẵn sàng cho ta quặng Phật mà không sử dụng, lại chỉ thích dùng vài phước lộc đã thấy thỏa mãn rồi, như “cho thằng Bờm mâm xôi, Bờm cười”, chứ “cho ba bò, chín trâu, cho gỗ lim Bờm không khoái”, vì nhận thức của Bờm mâm xôi là số một những cái khác quý hơn không phải là mối quan tâm của Bờm.
Đến với Phật bằng góc độ tín đồ, ta trở thành thằng Bờm và chỉ muốn có được mâm xôi phước thôi. Trong khi đó là Phật con, tức là Phật tử thì ta có đủ phước hơn mà đỉnh cao nhất là tuệ giác. Do đó, cố gắng làm sao để Phật con trở thành Phật cha, Phật mẹ, lúc đó ta sử dụng được nguồn năng lực dồi dào mà đôi lúc ta không nghĩ rằng mình có.
Vị nữ tu của chùa Dhammakaya có lẽ cũng không nghĩ đến một lúc ngôi chùa do bàn tay của bà xây dựng có sức chứa một triệu chỗ ngồi. Cách đây 37 năm khi bà tiếp nhận lô đất 8 mẫu chỉ có 5 Phật tử làm tín đồ thôi, và bây giờ đã trở thành nơi có vài ba triệu người đến tu tập. Nếu ta gieo hạt giống Phật đúng trên mảnh đất đó với chăm sóc, ánh sáng và bàn tay thương yêu của chúng ta, hạt giống đó khác hẳn. Nếu ta gieo vài trăm tấn lúa loại tốt, mà không chăm sóc thì chưa chắc đã có thành quả. Vấn đề ở chỗ là phương pháp.
Trí tuệ dưới cội Bồ đề mà đức Phật đạt được, là nội hàm quan trọng nhất. Nếu ta đạt được trí tuệ ở mức tương đối thì việc khai thác nó sẽ giúp ta trải nghiệm được hương vị của an lạc.
Sau khi nhận diện 6 năm khổ hạnh là cực đoan, sai lầm, đức Phật đã mạnh dạn từ bỏ lối tu này. Từ núi Khổ Hạnh Lâm đi tới Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 8 đến 12 cây số đường chim bay. Hai khu vực này như hai thái cực.
Đến Bồ Đề Đạo Tràng như mảnh đất tâm linh mới, đức Phật rũ bỏ những lối tu khổ hạnh hướng tới con đường trung đạo. Rũ bỏ là một nghệ thuật. Vấn đề là rũ bỏ cái gì, giữ lại điều gì, phát triển điều gì? Niềm thao thức hướng đến tuệ giác là một năng lực kỳ vĩ, hướng tới tuệ giác, nên cần giữ lại.
Các phương pháp tu sai lầm, các nhiệt huyết cực đoan và các nỗ lực tinh tấn thiếu phương pháp là bà con của vô mình, hay nói cách khác là kẻ thù của trí tuệ. Nếu không rũ bỏ chúng có lẽ đức Phật đã chết một cách uổng phí mà mỗi khi ai nhắc đến có thể gắn kết Ngài bằng bốn tội. Thứ nhất là một đông cung thái tử bất trung, tức không bận tâm gì đến quốc gia, xã tắc. Một người con bất hiếu, vì cha muốn truyền ngôi mà không giữ ngôi, không cung phụng cha già. Một người chồng bất nghĩa, vì không lo cho vợ và một người cha bất nhân, vì không lo cho con thơ mới có một ngày tuổi.
Từ bỏ những phương pháp sai lầm, đức Phật chọn con đường Trung đạo tuệ giác, nhờ đó, chỉ sau 49 ngày thiền định, đức Phật đã rũ bỏ xác phàm, rũ bỏ tâm phàm, trở thành bậc giác ngộ đầu tiên và chưa từng có trong lịch sử.
IV. BA NĂNG LỰC TUỆ GIÁC
a) Túc mệnh minh là năng tuệ giác về quá khứ, với một chuỗi dài các kiếp sống quá khứ từ đại cương cho đến chi tiết, danh tánh, họ tộc, nghề nghiệp, thân phận, vị trí xã hội và tất cả các hành động, không có gì là không tương phản trong mặt gương tuệ giác quá khứ này.
Năng lực tuệ giác đó là một tấm gương kinh nghiệm bản thân – như là một cuốn phim quay ngược không bỏ sót chi tiết nào. Làm chủ được những trải nghiệm tích tập, người trí tuệ về quá khứ sẽ là một tập hợp của những bài học quý giá về nhân quả đạo đức.
Học thuyết nhân quả của đức Phật là đúc kết từ kinh nghiệm bản thân, chứ không nói xuông bằng học thuyết. Học thuyết này tác động vào tâm của con người, làm cho con người hướng đến sự ứng dụng nhiều hơn. Người nói lý thuyết không thể có được sức truyền cảm mạnh.
b) Thiên nhãn minh là năng lực tuệ giác về tái sinh tương lai của các chủng loại, bao gồm con người, các loại động vật, từ đại cương đến chi tiết.
Đó là lăng kính tiên tri về tương lai của tha nhân và hoàn toàn đặt trên nền tảng nhân quả. Binh pháp có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Biết mình không rơi vào chủ quan. Biết người, ta nắm rõ được phương pháp.
Hai năng lực tuệ giác mà đức Phật đạt được là tuệ giác về quá khứ của bản thân, tuệ giác về tương lai của tha nhân. Giữa hai tuệ giác này có mối liên hệ về nhân quả. Đức Phật lập nên con đường trung đạo dựa trên hai tuệ giác này và rất phù hợp với khoa học, vì không có gì trong vũ trụ này thoát khỏi mạng lưới chằng chịt của nhân quả.
c) Lậu tận thông. Người chứng được năng lực tuệ giác này biết rằng mình đã kết thúc được vô minh, phiền não, khổ đau. Khi năng lực chuyển hóa thanh lọc phiền não một cách trọn vẹn thì tuệ giác tự động xuất hiện.
Ví dụ, trong phòng, khi bật công tắc thì đèn phát sáng, bóng tối tự động biến mất, ta không cần nỗ lực làm cho bóng tối bị mất. Khi ta có điện, có tăng phô, có con chuột, có công tắc, mà không bật công tắc thì bóng tối vẫn hoàn viên bóng tối.
Tuệ giác là công tắc để có thể xua tan bóng đêm vô minh, phiền não, lậu hoặc, nghiệp chướng, trần ô trong chúng ta và năng lực đó được gọi là lậu tận, tức kết thúc những gì đi ngược lại giải thoát. Đây là năng lực quan trọng nhất. Ai sở hữu được lậu tận thông sẽ có được hai năng lực tuệ giác về quá khứ và tuệ giác về tương lai.
Niềm thao thức hướng đến tuệ giác là nỗ lực kỳ vĩ trong “kịch bản tâm trí” của đức Phật. Chính năng lực này đã sinh khởi 3 minh của đức Phật.
Tinh tấn được đức Phật nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các kinh. Trong 8 chánh đạo, 4 chánh cần, 4 như ý, 5 căn, 5 lực, 7 Bồ đề phần và 6 Ba-la-mật đều có tinh tấn. Khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài cũng nhắc nhở các đệ tử nên tinh tấn tu tập đạo đức và trí tuệ.
Người có năng lực ngoại cảm, dù biết được một phần quá khứ, hay một phần tương lai, vẫn không phải là năng lực tuệ giác lậu tận.
Các nhà ngoại cảm không hướng đến tuệ giác giải thoát. Họ chẳng có Chánh Tín, Chánh Tư Duy, Chánh Tri Kiến, không có “kịch bản tâm trí”[1]. Họ bị trói buộc trong thế giới thần bí, chẳng thể gỡ ra được, nói gì đến giải thoát.
Đó là khác biệt rất lớn giữa các nhà ngoại cảm, các nhà tiên tri và các vị cao tăng Phật giáo. Rất nhiều người vẫn còn mơ hồ khi nghĩ rằng các nhà ngoại cảm nổi tiếng như Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Phương là những vị thánh. Đó là một ý nghĩ sai lầm.
Nhà ngoại cảm thường trải qua cảm xúc khổ đau mà muốn chết vì họ đang tiếp xúc với hai thế giới con người và thế giới của ma – những người chưa siêu. Họ nghe nhiều sóng âm, hình dung được hình thù, vóc dáng của hương linh cố chấp chưa siêu thoát. Sự khủng hoảng đó có thể kéo dài suốt năm mới có thể ổn định được đời sống bình thường. Dần dà, bằng kinh nghiệm, họ làm quen được, làm chủ công tắc bật và mở năng lực ngoại cảm.
Năng lực tuệ giác lậu tận giúp ta sử dụng được kiến thức quá khứ, kiến thức tương lai, theo nhân quả và không vướng mắc vào bất kỳ hiện tượng nào, không làm bất kỳ ai sợ hãi. Đó là nội hàm của tuệ giác.
Đức Phật đã kiểm chứng tuệ giác đó dưới cội Bồ đề 49 ngày, trải nghiệm niềm an lạc đặc biệt của tuệ giác giải thoát. Thực ra, đức Phật đang kiểm định lại chân lý trước khi truyền bá. Đức Phật là người rất có trách nhiệm về những gì Ngài nói và tính giá trị của nó cho những người có duyên nghe được Ngài.
Trên đời, có nhiều học thuyết không trải nghiệm gì, chỉ có quá độ, khi nào trật thì quay trở về điểm xuất phát. Hậu quả khó lường. Đức Phật trải nghiệm chân lý bằng cách kiểm chứng lại trong suốt 49 ngày. Đó là bài học rất đáng trân trọng từ đức Phật.
V. TUỆ GIÁC LÀ PHÉP MẦU
Vấn đề quan trọng trong bản kinh này là trí tuệ là một phép mầu nhiệm, ngôn ngữ của kinh văn là đại thần chú. Chữ “thần” ở đây được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa đen là một vị thần, phần lớn là các vị thiện thần, như thần Kim Cương, tứ đại Thiên vương, thần Hộ Pháp, thần Tiêu Diện Đại Sỹ mà phần lớn các ngôi chùa Bắc tông thường thờ.
Nghĩa bóng, “đại thần chú” có nghĩa là “trí tuệ là một phép mầu lớn”. Trí tuệ là một phép mầu vì năng lực của nó có thể chuyển hóa khổ đau. Ngôn ngữ Bát-nhã thường dùng biểu tượng hơn là nghĩa đen. Đại thần chú là thần chú vĩ đại của trí tuệ như một phép mầu nhiệm. Đây là nghệ thuật chơi chữ đặc biệt của đức Phật.
Thần chú Đại Bi, Thập chú, Ngũ Bộ chú hay Án Ma Ni Bát Di Hồng của Phật giáo Tây Tạng thường được các tín đồ (khác với Phật con) quan niệm là tên của các vị thiện thần. Đọc danh hiệu của các vị thiện thần thì các vị thiện thần nghĩ mình biết ơn họ nên phù hộ. Mỗi khi có chuyện gì đều kêu gọi, khẩn cầu thần linh mong giảm nhẹ khổ đau, tín ngưỡng này thiếu cơ sở nhân quả.
Trí tuệ ba-la-mật là đại thần chú. Nếu ta đổi vị trí của hai vế, đại thần chú “yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha,” là năng lực tuệ giác lớn. Như vậy, ta lệ thuộc vào các thần linh.
Ở đây, đức Phật đặt ngược cấu trúc lại: “Trí tuệ ba-la-mật tuyệt hảo, như phép mầu nhiệm vĩ đại”. Nói cách khác, “chỗ nào có tuệ giác ba-la-mật, chỗ đó có an vui, hạnh phúc, có phép mầu, có sự chuyển hóa, có sự làm mới, có sự thay đổi nghiệp và do vậy ta trở thành con người an vui, hạnh phúc”. Vì vậy trong Bát-nhã Tâm Kinh không có thần chú theo kiểu “tên của thiện thần” nào hết.
Trong tiếng Sanskrit, câu “ga tê, ga tê, pa ra ga tê, pa ra sang ga tê, bô đi swá ha” là một câu có nghĩa, không phải tên của thần. Nghĩa đen của thần chú này là: “Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, vượt qua hoàn toàn, an trú trong giác ngộ”. Ở đây, đức Phật đã sử dụng mệnh lệnh cách, thúc giục chúng ta đi vào quỹ đạo của tuệ giác, để ta giải phóng mình khỏi ách nô lệ của các thần linh mà do vô minh và nỗi sợ hãi đã làm ta phải bị lệ thuộc. Nhiệm vụ quan trọng nhất của đức Phật là giải phóng ta khỏi ách nô lệ đó.
Nhân quyền mà thế giới phương Tây đấu tranh là tự do ngoại tại. Tự do ngoại tại là quyền tự do được bảo hộ bởi hiến pháp và luật pháp, để có thể phát huy cái tôi ở mức độ hữu ích nhất, trên cơ sở dung hợp “cái tôi chung” của bối cảnh quốc gia ấy.
Ai sống với tự do ngoại tại nhiều chừng nào thì sự nô lệ vào cái tôi sẽ gia tăng chừng ấy. Khi tự do ngoại tại bị giới hạn thì cảm thấy như đang trong ngục tù. Đó là sự trói buộc của tâm thức vào một định chế nhất định.
Tuệ giác là năng lực chuyển hóa bên trong, giúp ta có được tự do nội tại. Hoàn cảnh thuận hay nghịch, tình huống tốt và xấu, ta vẫn thản nhiên, an vui, hạnh phúc, bình an vô sự và hướng tới con đường giác ngộ. Đây là sự cởi trói tâm thức con người khỏi các định chế.
Chữ “thần chú” trong tiếng Sanskrit là Mantra. Mantra được kết nối bởi hai từ “mana” có nghĩa là tâm và “tra” có nghĩa là bảo vệ. Mantra được hiểu là “sự bảo hộ” hay “giữ gìn tâm”. Người Việt Nam thường dạy con em “ăn coi nồi, ngồi coi hướng” hay “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đó là sự bảo hộ tâm.
Nếu áp dụng câu đó trong ngữ cảnh rộng hơn như Bát-nhã Tâm Kinh đã dạy, hành vi “coi nồi, coi hướng” sẽ giúp ta làm chủ tâm, bảo hộ tâm ở mọi nơi, mọi lúc, ta sẽ không làm ai buồn phiền.
Có nhiều người sống vô duyên, mà không biết mình vô duyên. Nói ra một câu là khiến người khác bị phật lòng, khổ đau. Cho nên, “ăn coi nồi, ngồi coi hướng” phải hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là sự bảo hộ tâm.
Mantra là sự bảo hộ tâm như thế, hoàn toàn không có gì là thần chú. Nhưng khi được phát triển tại Tây Tạng từ thế kỷ thứ 8 trở đi, những mantra được thần thánh hóa. Do đó, các mantra và tantra của Ấn Độ đã trở thành danh hiệu của các vị thần. Mỗi khi cầu nguyện các thần linh, người ta thường niệm thần chú để có cảm giác được bình an, vì nghĩ rằng thần đang đứng về phía mình, là vệ sỹ cho mình.
Theo đức Phật, tuệ giác chính là vệ sỹ, hộ pháp, Bồ-tát quan trọng nhất cho ta. Ta thử so sánh câu nói đó với câu nói của Nho giáo: “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”, có nghĩa là ông trời không phụ người có lòng tốt nào, tức người làm việc thiện thì trời sẽ ban phúc.
Đó là nô lệ về nhận thức, mặc dù có tác dụng an ủi con người. Về sau, sự nô lệ đó làm kéo dài khổ đau. Khi có điều không như ý xảy ra, con người thường nói ông trời không có mắt hay trốn đâu mất rồi. Chẳng hạn, Chúa Giêsu Ky Tô trước khi chết có phát biểu một câu: “Lạy đức Chúa cha trên trời, sao cha lại bỏ con”. Chúa Giêsu Ky Tô đâu muốn chết đâu, nhưng phải bị tử hình trên cây thập ác, bị chết tức tưởi. Ông không muốn chết, ông vẫn muốn sống.
Ông bị tội tử hình và không muốn chết bởi tội đó. Cho nên, ông kêu cứu chúa ở trên trời và chúa đã mất tăm, không có bóng dáng gì, vì chúa có thật đâu mà tìm.
Lời than thở trước cái chết của ông được các nhà thần học lý giải khéo léo, thành thuyết cứu chuộc, chúa chết để cứu chuộc tội cho nhân loại. Nếu ta sống bằng tuệ giác, từ năng lực nhỏ là Phật con, lớn hơn là trở thành Phật anh, Phật chị, rồi đến Phật cha, Phật mẹ, tức ta là Phật trong tương lai thì nỗi sợ hãi không còn nữa. Lẽ sống và chết, ta biết do nhân duyên, có muốn khác hơn cũng không được.
Có một chiếc máy bay bị rơi cách đây chưa đầy một tháng. Toàn bộ hành khách lớn chết hết, một cậu bé sống bình thường, bị kẹt trong đống sắt vụn nhiều ngày, không ăn, không uống. Đó không phải là một phép màu của Thượng đế, cho cậu bé ấy sống. Vì cậu bé ấy được nghiệp tuổi thọ trong trùng trùng nhân quả cứu sống nên phải sống tiếp tục, chưa thể chết được.
Cách đây 3 tuần, báo chí phương Tây đưa tin rầm rộ, hai người nỗ lực tự tử đã trở thành vợ chồng. Một anh sinh viên bị cô tình nhân bỏ, cộng thêm thi rớt, chán quá đến một cây cầu định tự tử. Lúc đó có cô nàng cũng bị người tình ruồng bỏ nhảy xuống trước, anh ta nhảy xuống theo. Anh trở thành anh hùng cứu cô và hai người tâm sự với nhau, trở thành tình nhân và làm đám cưới, trở thành vợ chồng.
Đó là do thuận duyên mà đời sống của họ chưa được kết thúc. Đâu phải muốn chết là chết, đâu phải muốn sống là sống. Có nhiều tỷ phú, tiền đối với họ có là gì đâu, họ muốn sống thêm một ngày cũng không được khi cái chết đến bất ngờ. Cho nên, sợ chết làm gì, vì không giải quyết được vấn đề.
Do đó, người tu học Phật, với năng lực tuệ giác đã được bình an rồi. Với năng lực tuệ giác lớn ta bình an hơn nữa. Mọi diễn biến trong cuộc đời hãy hoan hỷ đối diện với nó, không đào tẩu và tìm những giải pháp vượt qua.
VI. TUỆ GIÁC BA LA MẬT KHÁC
Trí tuệ Ba-la-mật còn được định nghĩa bằng ba năng lực khác là chú đại minh, chú vô thượng và chân thật bất hư.
a. Chú đại minh là ánh sáng vĩ đại, có năng lực chiếu soi, dẫn lối, khai hóa, phát minh, sáng kiến, sáng tạo và rũ bỏ tất cả khổ đau. Chỗ nào có trí tuệ, chỗ đó có sự mở cửa. Chỗ nào có kiến thức, chỗ đó có con đường, rồi mọi thứ sẽ được thành tựu.
Thế giới phương Tây ngày nay khai thác yếu tố này. Khi có những dự án khả thi thì những nhà đầu tư sẽ rót vốn vào, hoặc được ngân hàng cho vay.
Tiệm Pizza Hut của Mỹ thành lập chưa được 60 năm. Hai anh em ông chủ thành lập mạng lưới bánh Pizza toàn cầu có trong túi chưa được 50 đô la. Do họ có sáng kiến và trình sáng kiến đó lên ngân hàng, và ngân hàng đã cho vay vốn làm ăn. Sau 3 năm đầu tư, mạng lưới Pizza Hut đã có mặt trên nhiều bang của Hoa Kỳ. Giám đốc ngân hàng đã từ chối dự án đó về sau đã tiếc nuối nhiều.
Những dự án nhỏ có hiệu quả cao sẽ làm cho nội hàm thành công lớn và được sự giúp đỡ lớn thì kết quả thành công sẽ diễn ra ngoài dự kiến.
Nếu tuệ giác được ứng dụng vào các phát minh, sáng kiến, tư duy mới, phương pháp hay thì sự nghiệp sẽ thành tựu cao hơn và đóng góp được nhiều hơn.
Phải học kinh bằng phương pháp ứng dụng, chứ không học kinh để cầu phúc. Nhiều người tụng thần chú Bát-nhã này không biết bao nhiêu lần nhưng không mở mắt được điều gì, vì chỉ cầu Phật ban phước, giống như đọc Paracetamol trị giảm đau, mà không uống thuốc thì đau vẫn còn. Danh hiệu Paracetamol có cho ta được sức khỏe gì đâu. Kinh Phật cũng thế, thần chú cũng thế.
b. Trí tuệ Bát-nhã ba-la-mật còn được gọi là chú vô thượng, vô đẳng đẳng, tức không có gì hơn được, số một, ngoại hạng, tuyệt vời. Nói cách khác, trí tuệ là cha của thành công, là mẹ của hạnh phúc, là sư tổ của bình an, là tổ sư của giải thoát, không có gì có thể hơn được. Trong kinh Di Giáo, đức Phật xác quyết “Trí tuệ là sự nghiệp”.
Nhiều người nói “không có thực làm sao vực được đạo”. Trong tâm linh, sự thực diễn ra ngược lại. Khi có trí tuệ ta có sự nghiệp, khi có phương pháp là ta có sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Bill Gate lập sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Nhiều đại gia mới của Việt Nam và thế giới cũng lập sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Việc thừa kế tài sản sẵn có, chưa chắc đã tạo ra được sự thành công hiển hách hơn. Có trí tuệ, ta sẽ làm được những điều khác biệt, mới mẽ và có giá trị.
Theo đạo Phật, trí tuệ là sự nghiệp, trí tuệ đây là trí tuệ Bát-nhã, là trí tuệ giải thoát. Sự nghiệp kỳ vĩ nhất chính là giải thoát, là sự tự do nội tại, không có điều gì trên đời có thể so sánh được.
c. Năng lực của trí tuệ được Bát-nhã Tâm Kinh đề cập ở đoạn cuối, là “chân thật, bất hư”. Người sống với trí tuệ sẽ có khả năng trở thành chân nhân. Sống với những người như thế ta có cảm giác bình an, vì họ không mưu mô, tính toán, không vị kỷ, không tham, không bòn rút cho mình. Hợp tác, cộng sự, tiếp xúc, giao lưu với những người như vậy, ta có trường sinh học của sự bình an.
Là một người chân nhân thông qua lối sống tuệ giác, ta tạo ra trường sinh học bình an cho người khác. Cho nên, người chân nhân bao giờ cũng là người có đại uy tín, nói được là làm được, làm được là phải thuyết minh được, không nói để lấy lòng người, không nói “mật ngọt chết ruồi”.
Người sống trí tuệ sẽ không bơm phồng giá trị bản thân, mà vẫn có được sự tín nhiệm của tha nhân. Nền kinh tế thị trường đã sử dụng ý nghĩa “chân thật bất hư” trong Bát-nhã Tâm Kinh, trong tương tác với khách hàng và giữ khách hàng. Họ đầu tư một sản phẩm giá trị, chất lượng, độ bền và giá cả phải chăng. Sử dụng 1 tháng mà không hài lòng được quyền đổi miễn phí. Vì chân thật nên đâu có sợ, miễn khách hàng hài lòng là được. Chất lượng sẽ làm cho sản phẩm được người tiêu dùng tín nhiệm.
Những nước chậm phát triển có thói quen ngược lại. Người bán nghĩ rằng không biết có cơ hội gặp khách hàng này lần thứ hai, bây giờ chém được thì chém. Cho nên, trên hàng hóa thường ghi câu: “Hàng đã bán rồi không được đổi hoặc trả lại”.
Người chân thật thì không sợ. Khi sản phẩm có giá trị thực sự, sau khi mua về khách hàng đổi lại làm gì, mất thời gian. Trong thương trường nếu không có uy tín là tự đào mồ chôn. Không có trí tuệ chân thật thì ta không có chỗ đứng. Có ngoi lên, người khác cũng đè mình xuống, có khiêm tốn núp mình xuống người ta cũng nâng mình lên thôi. Đó là chân thật bất hư.
“Bất hư” có nghĩa là “không lừa dối, không rỗng tếch, không thùng rỗng kêu to”. Nội hàm như thế nào thì được thể hiện bằng ngoại vi như thế đó. Nội dung như thế nào, hình thức thể hiện ra như thế đó. Phần lớn ta có thói quen bên trong không có gì nhưng bên ngoài thể hiện ra ngon.
Người Việt Nam, dù nghèo khó, đến những ngày lễ thì ăn mặc sang trọng, tưởng như giàu có. Còn người Trung Hoa tiền rừng, bạc biển, ở trong nhà nứt vách đổ tường, nhưng ăn mặc xoàng xĩnh như người bình thường. Khoe và giấu là phong cách sống.
Người Việt chú trọng hình thức, xả láng, ngày mai tính sao cũng được. Người Tàu biết thủ; nội hàm bên trong quan trọng hơn ngoại vi bên ngoài. Sống với tuệ giác ta có được giá trị chân thật bất hư, nên diệt trừ tất cả khổ ách. Khổ ách do hư vọng mà có, khổ ách do sợ hãi mà hình thành, khổ ách do tham, sân, si mà hiện hữu.
Chỗ nào còn phiền não, nghiệp chướng thì chỗ đó có tất cả những hoạt dụng ngược lại với trí tuệ. Khi sống với trí tuệ thì khổ ách tan hết. Sống vài chục phần trăm với trí tuệ đã thấy bình an, thoải mái, an nhiên tự tại, vì ta biết nhân duyên, quả báo về tuổi thọ là thế, nên có ở trong vùng chiến sự cũng không sợ hãi.
Giữa cái sợ và hiện thực có một khoảng cách lớn. Sợ nhiều nhưng thực tế không có bao nhiêu. Sợ là yếu kém tâm lý.
Có người sợ ma, trùm mền lại ba lớp, tắt đèn hết, nghĩ đơn giản rằng tối đen ma sẽ không nhìn thấy. Khi đắp mền thì ta không thấy mọi thứ, ma vẫn thấy ta, vì ma không bị giới hạn bởi vật lý. Khi có tuệ giác, ta biết là ma không thể hại người được, ma không phải là đối tượng đáng sợ hãi, ma là đối tượng rất đáng tội nghiệp, đang tìm đến ta để cầu ta cứu giúp.
Chấp trước có thể dẫn đến các hệ lụy. Tập quán tiêu cực có thể dẫn đến sự ràng buộc. Nỗ lực sai phương pháp có thể dẫn đến sự đầu tư thiếu kết quả. Tất cả những cái đó gắn liền với nỗi lo và đều bị khổ đau bởi nỗi lo. Tuệ giác sẽ giúp ta rũ bỏ được chúng một cách an toàn.
Tôi kính đề nghị, mỗi nhà nên có hai sọt rác. Một sọt rác ở khu vực sau nhà và một ở chỗ nào đó thuận lợi, chẳng hạn, ở nơi làm việc. Những vật vô dụng như giấy nháp, ta quăng vào sọt rác vì để chật nhà, chật chỗ. Sọt rác thứ hai để chứa các bất hạnh như những nỗi lo, sợ hãi, sầu đau, phiền muộn, ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường tâm linh, hạnh phúc, bình an của ta còn hơn phẩn uế nữa. Phải bỏ khổ đau vào sọt rác càng sớm, càng tốt. Ai làm được như thế là đang sống với trí tuệ.
Nhiều người không thấy được nhu cầu quăng bỏ khổ đau. Cứ ôm nỗi lo như đứa con cưng, ôm nỗi sợ hãi, sầu bi, khổ ưu, phiền não của 50 năm trước, của 10 năm trước, của 10 tháng trước, của 10 ngày trước, của ngày hôm qua, của giờ trước, của mấy phút trước để làm gì. Có người còn thề chết mang theo, không thèm buông. Biết nỗi khổ, sầu bi hại mình mà vẫn ôm theo, còn nói thật nặng lời để lỡ nói rồi không rút lời lại nữa. Quân tử đó là quân tử dại.
d. Nội dung của thần chú Bát-nhã được trình như một “mệnh lệnh cách”.Mệnh lệnh cách là một động từ. Mệnh lệnh cách càng ngắn ngọn thì giá trị ứng dụng càng nhiều.
* Ga tê – vượt qua
Mệnh lệnh cách của Bát-nhã Tâm Kinh rất gọn. Ga tê – vượt qua. Ví dụ, ta là một huấn luyện viên, đây là một rào cản, những người được ta huấn luyện cần phải vượt qua rào cản đó, ta phải nói thật là mạnh: Vượt qua. Thế là người kia nhảy qua liền. Mệnh lệnh cách có động lực thôi thúc, đẩy ta về phía trước và chỉ có một sự lựa chọn thôi.
Phải đặt mình vào một mệnh lệnh cách. Tức là tự thiết kế quy trình giống như máy vi tính. Sáng mai ta làm gì, tháng này ta làm gì, năm sau ta làm gì, mười năm sau như thế nào, hai chục năm sau ra sao, ta phải quy hoạch hành trình cuộc sống. Phải đặt mệnh lệnh cách cho hành trình cuộc sống, để ta không bỏ qua những cơ hội đáng quý.
Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Đừng để ngày mai những gì ta có thể làm được hôm nay”. Đó là một mệnh lệnh cách. Hơi dài, hiệu quả không cao. Mệnh lệnh cách trong Bát-nhã Tâm Kinh là “vượt qua, vượt qua” làm ngay lập tức. Gọn hơn là “vượt qua” liền.
Mệnh lệnh cách giải quyết được nhiều thứ, nói suông thì còn y nguyên. Dĩ nhiên muốn vượt qua thành công phải có nghệ thuật.
Nghe chánh pháp, tư duy chánh pháp để ta bước đầu có được những bước đi ngày càng tăng tiến hơn, gọi là gia hành đạo. Gia hành là hôm nay làm nhiều hơn hôm qua, ngày mai làm nhiều hơn hôm nay, những thành tựu mỗi ngày mỗi lớn.
Phần lớn ta có thói quen đến tuổi già là nghỉ dưỡng, tức chấp nhận thành quả. Còn theo mệnh lệnh cách, ta phải làm hoài thôi. Thật năng động.
* Pa ra ga tê – vượt qua bờ bên kia
Đó là lộ trình tuệ giác. Sau khi nghe chánh pháp, thực tập chánh pháp, ta bắt đầu thấy được chánh pháp rõ như tấm bản đồ. Đường tắt, đường vòng, đường dài, đường thẳng, đường bộ, đường hàng không, đường thủy, các phương tiện xe đạp, đi bộ, hon da, xe hơi, xe lửa, tàu ngầm, máy bay, v.v… ta đều biết hết. Lộ trình nào sử dụng phương tiện gì là có kết quả, ta đều nắm rõ và quyết định đúng.
Trong vế thứ hai của thần chú Bát-nhã Tâm Kinh “ga tê, ga tê, pa ra ga tê” thì nội hàm là “Vượt qua bờ bên kia”. Nhiều người chạy hoài, chạy mãi mà vẫn đứng ở một chỗ, vì chạy không đúng cách, chạy lòng vòng. Vấn đề không phải là có chạy hay không, mà là chạy như thế nào. Vấn đề không phải làm nhiều hay làm ít, mà làm như thế nào.
Phương pháp làm dẫn đến kết quả và hiệu suất, còn làm nhiều, làm ít liên hệ đến số lượng, khối lượng thôi. Làm có phương pháp sẽ có kết quả, làm nhiều hơn nữa, kết quả càng nhanh hơn hay lớn hơn. Khi làm một điều gì phải nghĩ đến kết quả đạt được là gì.
Trọng tâm của mệnh lệnh cách trong Tâm Kinh là “bờ bên kia”. Bờ bên kia là điểm đến mà ta hướng về. Khi mệnh lệnh cách “vượt qua” được nêu lên ta phải khởi đi, rời khỏi bờ bên này. Phải thấy được khoảng cách giữa bờ này, bờ bên kia và phương tiện gì giúp ta rút ngắn thời gian, đến được bờ bên kia một cách an toàn. Điều này đòi hỏi nghệ thuật, tầm nhìn, hoạch định kế hoạch.
Việt Nam là nước ít có quy hoạch chuẩn quốc tế. Nhiều người nói biếm nhẽ trên máy bay nhìn xuống thấy chỗ nào nhà cửa lởm chởm, cao thấp khác nhau, đường cong cong, quẹo quẹo thì biết đó là Việt Nam. Việt nam không có quy hoạch đạt tầm nhìn 100 năm, 500 năm, 1.000 năm. Tầm nhìn của ta bây giờ là 10 năm, có tiền bao nhiêu làm bấy nhiêu, chuyện gì xảy ra sẽ tính sau. Sau này hết nhiệm kỳ, người khác tiếp tục làm, muốn làm sao thì làm. Ít ai quan tâm đến 100 năm. Tức là không thấy được bờ bên kia. Chỉ có cách “vượt qua, vượt qua”, “vượt lên phía trước”, “vượt qua ào ào”, không được quay trở lại mới giúp ta đến đích.
Tại sao vượt qua bờ bên kia? Vì thấy rõ bờ bên kia có hoạch định cả nghìn năm, có tương lai, an vui và giúp ta từ người phàm tục, trở thành Phật con, Bồ-tát con, Phật anh, Phật chị, Phật cha, Phật mẹ. Thấy rõ bờ bên kia như thế, dại gì mà không đi.
* Pa ra săng ga tê, vượt qua một cách trọn vẹn
Đó là mệnh lệnh cách đòi hỏi tính cam kết trách nhiệm, vì ta thấy rõ được giá trị của nó. Mọi trở ngại, gian truân, thử thách gì đi nữa, ta cũng vượt qua được hết. Đây là tu tập đạo ở mức độ cuối cùng, tức phải dứt điểm nó.
Như lên đến 48 bậc thang, còn bậc cuối cùng ta thỏa mãn không lên nữa thì uổng. Nếu ta bỏ đi tính từ “hoàn toàn”, hay trạng ngữ “một cách trọn vẹn” thì bờ bên kia dù có cao siêu ta cũng bỏ cuộc nửa chừng thôi. Thỏa mãn bởi các đá màu bên đường, mà quên đi kim cương, hoặc mê cỏ dại, bông dại mà quên đi hoa sen đặc sắc, thì không đến nơi được.
* “Bodhi svaha” là tuệ giác được thành tựu
Đó là lộ trình vô học trên nền tảng của thiền định. Muốn đạt được tuệ giác hoàn toàn ta phải chuyển hóa tâm, ý, thức, trở thành trí. Ta phải chuyển hóa những thái độ, chấp trước và vượt qua những gì thuộc về phàm phu. Lộ trình vô học là kết quả tất yếu tu thiền định đúng phương pháp.
Dù là tu theo pháp môn nào, Tịnh độ, Mật tông, Thiền tông, quan trọng phải có chuyển hóa. Chuyển hóa là thiền định. Thiền định không phải là khái niệm riêng dành cho Thiền tông. Hành giả Tịnh Độ tông tu được năm nội dung trong kinh A Di Đà được gọi là chuyển hóa. Đó là căn lành nhiều, không còn tham, sân, si; phước báu nhiều, tức vạn thiện công đức; nhân duyên lành tốt nhiều, tức tạo điều kiện cho người khác cùng tu; quán sát tuệ giác nhiều và cuối cùng là nhất tâm bất loạn. Năm nội dung này tạo nên năng lực chuyển hóa. Đó được gọi là thiền định. Cho nên, tu Tịnh Độ cũng là thiền.
Theo Mật tông, nếu như ta hiểu “thần chú” là phương tiện cột tâm giúp ta dừng trụ, chứ không phải cầu nguyện để các thần ban phước, ta có năng lực chuyển hóa tâm một cách tương tự.
Trong tâm Kinh không có câu thần chú nào hết. Đức Phật khéo lắm, sử dụng mệnh lệnh cách nhằm khích lệ việc hành trì, tu tập thôi.
Trong các nghi thức do tôi dịch và soạn không có chú Đại Bi. Bát-nhã Tâm Kinh là thần chú duy nhất được chúng tôi giữ lại trong các nghi thức, vì đó là một mệnh lệnh cách của hành trì: “Vượt qua, vượt qua, vượt qua bờ bên kia, vượt qua hoàn toàn, an trú trong tỉnh thức”. Khi giữ lại nguyên ngữ âm của tiếng Sanskrit, “Gate, gate, Paragate, Prasamgate Bodhi Svaha”, tôi muốn nhấn mạnh hiệu ứng của nguyên ngữ. Chứ đọc “yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”, không ai biết gì đâu, vì xa lạ với nguyên ngữ.
Tiếng Trung Hoa không thể phiên âm chuẩn được tiếng Sanskrit. Tiếng Việt chúng ta có thể phiên âm đúng các tiếng nước ngoài. Ngay cả những phụ âm kép khó đọc, người Việt Nam vẫn đọc được. Tiếng Việt có 6 thanh, trong khi tiếng Trung Quốc chỉ có 4 thanh. Cho nên, ta có thể chuyển tải thanh của các ngôn ngữ trên toàn cầu một cách chuẩn. Đọc “yết đế, yết đế”, đâu có gần với “ga tê ga tê” đâu. Tiếng Sanskrit ra sao mình đọc y hệt vậy, “ga tê, ga tê, pa ra ga tê, pa ra săng ga tê, bodhi svaha” có khác gì người Ấn Độ đâu.
VII. KẾT LUẬN
Sống với năng lực tuệ giác, giá trị đầu tiên là rũ bỏ mọi sợ hãi. Sợ hãi là gốc rễ của mọi khổ đau, nhiều lúc ta không để ý tới. Do vì sợ hãi mà có nhiều người đã là Phật tử rồi vẫn thờ Quan Công, mẹ sanh, mẹ độ, Cửu Thiên Huyền Nữ, Bà Chúa Xứ, Thần Tài, Thổ Địa, Táo Quân.
Do vì sợ hãi, rất nhiều Phật tử đến ngày giỗ cha, giỗ mẹ, giỗ người thân thương vẫn còn đốt giấy vàng mã, nhà giấy, hình nộm. Đây là nghiệp phá tài sản, sau này trở thành kẻ nghèo khó, vì có tiền mà không giúp người khác, đốt cháy hết. Do vì sống trong sợ hãi nên vẫn còn nhiều người nói “trời ơi”, tức than vãn với người không có thật.
Học tuệ giác Bát-nhã quan trọng nhất là rũ bỏ được nỗi sợ hãi. Không có sợ hãi sẽ có bình an, hạnh phúc, bởi vì tâm bình, thế giới bình. Có sợ hãi, tâm không được bình an. Tâm không bình an sẽ khởi lên phải ganh tỵ, hơn thua, đối đầu, tranh luận, loại trừ, tự đề cao mình lên, độc quyền, độc đoán, chuyên chế trong cai trị, rồi phải hạn hẹp các quyền tự do của người khác.
Nguồn gốc của mọi khổ đau nằm ở vô minh và sợ hãi. Bát-nhã Tâm Kinh dạy ta giải quyết trực tiếp nỗi sợ hãi bằng trí tuệ. Nếu ai làm được như thế thì việc đọc thuộc lòng và hành trì Bát-nhã Tâm Kinhhoàn toàn không uổng ích. Đọc mà tính công như tôi đi chùa được 20 năm, tụng một ngày 4 thời, không biết bao nhiêu thần chú “ga tê, ga tê, pa ra ga tê, pa ra săng ga tê, bodhi svaha” thì không được gì hết. Đọc một câu mà hiểu rồi ứng dụng thì khổ đau được kết thúc.
***