Tôi nghe như vầy. Có một thuở nọ, tại chùa Kim Sư, thuộc thành Vương Xá, có ông Thuần-đà đến đảnh lễ Phật. Nhân đó, đức Phật ôn tồn hỏi ông: “Hiện ông ưa thích pháp tu tập nào, của các Sa-môn hay Bà-la-môn?”
Thuần-đà bạch Phật: “Kính bạch Thế Tôn, con kính Sa-môn và Bà-la-môn thờ Iśvara, vị thần sáng thế, một tay cầm trượng, tay cầm bình nước. Thần này dạy rằng: “Ngày rằm mỗi tháng, dùng chất hồ-ma và am-ma-la để gội đầu tóc, mặc áo trắng đẹp, đeo tràng hoa dài, giữ gìn trai giới, rồi nằm trên đất có trét phân bò. Sáng sớm ngày rằm, tay sờ vào đất rồi nói như sau: ‘đất này trong sạch, tôi cũng trong sạch.’ Tay cầm phân bò với nắm cỏ tươi, miệng nói như sau: ‘Phân cỏ trong sạch, tôi cũng trong sạch.’ Chúng con được dạy: ‘Ai làm như vậy sớm được trong sạch; không làm điều này sẽ bị bất tịnh.’ Từ đó trở đi, con kính Sa-môn và Bà-la-môn tu hạnh trong sạch vừa được trình bày.”
Nhân đó đức Phật dạy ông Thuần-đà và người có mặt nhân quả đạo đức như lời sau đây.
Này các đệ tử, có loại nghiệp đen tạo quả báo đen; có nghiệp bất tịnh cho quả bất tịnh, cũng như gánh nặng thì luôn chúc xuống. Đây là quy luật của nhân và quả với sự báo ứng. Nếu ai đã tạo nghiệp đen, bất tịnh thì dù hàng ngàn những cái sớm mai lấy tay sờ đất, miệng niệm ‘thanh tịnh’ vẫn bị bất tịnh, nếu không thực tập chuyển nghiệp bất tịnh. Ai cầm phân bò với nắm cỏ xanh mà nói thanh tịnh thì trên thực tế vẫn là bất tịnh, ngay cả tình trạng chưa đụng đến phân, bản chất của phân cũng đã ô nhiễm và bất tịnh rồi.
Này các đệ tử, có ba điều ác do thân tạo tác, mang lại khổ đau, gây nhiều tổn thất. Một là sát sanh, bất cứ người nào tay tanh mùi máu, tâm thích đánh đập, sát hại, bạo động, không chút hổ thẹn, tham lam, keo kiệt, hành hạ chúng sanh, bao gồm con người, động vật, côn trùng … là đang gieo nghiệp sát sinh, hại vật. Hai là trộm cắp tài vật của người, của làng, của nước, từ vật nhỏ nhoi cho đến đất đai là phạm pháp luật. Ba là tà dâm, dùng sức cưỡng bức, làm việc tà vạy đối với những người được bảo hộ bởi cha mẹ, anh em, chị em, chồng vợ, hoặc là thân quyến… là phạm luật pháp, trái với đạo đức.
Này các đệ tử, có bốn điều ác do miệng tạo tác. Một là vọng ngữ, nói không chân thật ở chốn công đường hoặc với người khác, không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, không nghe nói nghe, nghe nói không nghe, biết nói không biết, không biết nói biết, hoặc vì tài lợi, hoặc vì quyền lợi, hoặc lý do nào ... đều là phạm pháp. Hai là lưỡng thiệt, nói lời chia lìa, đem chuyện đầu này đến nói đầu kia, tạo sự mâu thuẫn, chống đối lẫn nhau, gây mất đoàn kết. Ba là ác khẩu, buông lời chửi bới, mắng nhiếc gắt gao, cộc cằn, thô lỗ, thề cay rủa độc, cho người khổ đau. Bốn là lời phiếm, nói không thực tế, lời nói vô nghĩa, lời nói phi pháp, nói thiếu suy nghĩ, nói không đúng lúc, nói lời tán dóc.
Này các đệ tử, có ba điều ác do tâm tạo tác, mang lại khổ đau, bất hạnh lâu dài. Một là tham lam, chỉ biết thỏa mãn khoái lạc giác quan; uống ăn vô độ, chơi bời hưởng thụ, tiêu xài phung phí. Lòng tham ích kỷ hại mình hại người, vi phạm luật pháp, trái với đạo đức. Hai là sân hận bao gồm giết chóc, đả thương, phá hoại, xung đột, tranh chấp, hận thù không buông, giận tức, hờn dỗi, ganh tỵ hơn thua, tạo nghiệp khủng bố, gây bao thù oán, đứng ngồi không yên. Ba là si mê, tà kiến, điên đảo, mê tín, dị đoan, tin điều quái gỡ; không tin đời sau, không tin nhân quả, không tin đạo đức, không tin thiện ác; không có cha mẹ, không có hóa sinh, không có thánh nhân, không tin tiềm năng, không tin nỗ lực, chấp nhận số phận định đoạt bởi chúa… Những điều vừa nêu đều là tà kiến, gây khổ đời này, chịu khổ đời sau.
Này các đệ tử, mười ác nêu trên gọi là nghiệp đen tạo kết quả đen, là nhân bất tịnh tạo quả bất tịnh. Gánh nặng khổ đau luôn luôn trút xuống đối với những người gieo nghiệp xấu ác.
Này các đệ tử, thế nào gọi là nghiệp trắng quả trắng, nhân phúc quả phúc, nghiệp tịnh quả tịnh, giúp người hướng thượng?
Này các đệ tử, có mười điều thiện, tạo ra nhân quả báo ứng hạnh phúc. Có ba nghiệp thiện do thân tạo tác. Một là bất sát, từ bỏ giết chóc, từ bỏ vũ khí, thương xót chúng sinh, không dùng vũ lực, thương tổn, hãm hại; bảo hộ sự sống, yêu chuộng hòa bình, bảo vệ môi trường. Hai là không trộm, từ bỏ cướp giật, vật gì không cho thì không được lấy, tôn trọng sở hữu, tâm sạch không tham; khi có điều kiện, ưa thích bố thí, cứu ngặt, cứu nghèo, vượt qua khổ đau. Ba là chung thủy, từ bỏ tà dâm, bảo hộ hôn nhân, bảo hộ hạnh phúc.
Có bốn nghiệp thiện do miệng tạo tác. Một là phát ngôn luôn hợp sự thật, xây dựng uy tín. Hai là lời nói hòa hợp, đoàn kết, tùy hỷ lẫn nhau. Ba là nói lời lịch sự, dễ nghe, giúp người hoan hỷ. Bốn là nói lời ý nghĩa, giá trị, xây dựng hiểu biết.
Có ba nghiệp thiện do ý tạo tác. Một là lìa tham, buông xả, không dính. Hai là hết sân, bảo hộ sự sống. Ba là không si, sống với chánh kiến, tin sâu nhân quả, tin có kiếp sau, tin vào điều thiện, tin các thánh nhân.
Này các đệ tử, mười nghiệp nêu trên tạo ra quả trắng, hạnh phúc, an vui, đời này, đời sau. Bất kỳ người nào thành tựu trọn vẹn mười nghiệp thiện trên, dù có sờ đất dơ dáy, bẩn thỉu, hoặc cầm phân bò với nắm cỏ tươi, cũng được thanh tịnh.
Phật vừa dứt lời, gia chủ Thuần-đà và người có mặt vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thọ trì, truyền bá kinh này.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật O
(Kinh Thuần-đà thứ 943 thuộc Kinh Tạp A-hàm)
***