Chùa Giác Ngộ, 17-12-2005
TIỂU KINH A-DI -ĐÀ
Trong nền văn học của Tịnh Đoä tông có ba bản kinh quan trọng: Kinh A-di-đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh Vô Lượng Thọ.
Nhìn chung, dựa trên nền tảng của sự phát nguyện, ba bản kinh Tịnh độ tông nhấn mạnh về phương pháp quán tưởng, phước báu và công đức tu tập hành trì. Nói cách khác, quán tưởng và hành trì dựa trên sự phát nguyện là hai yêu cầu căn bản cho tất cả các hành giả chuẩn bị cho mình một hành trang của an vui và hạnh phúc.
Kinh Vô Lượng Thọ giới thiệu khái quát bốn mươi tám lời nguyện của đức Phật A-di-đà khi Ngài còn tu hạnh Bồ-tát. Bốn mươi tám lời nguyện đó được xem là một trong những tiêu chí dấn thân quan trọng về Bồ-tát đạo đối với các hành giả Tịnh độ tông nói riêng và hành giả Phật giáo nói chung. Từ nguyện ước dẫn đến hành động tiến trình đạo đức quan trọng. Khi làm một việc nào đó, lời phát nguyện trở thành động lực dẫn đạo ta thực hành. Nó có ý nghĩa cao hơn sự hứa hẹn, vì dựa trên nhận thức sáng suốt về các giá trị lợi lạc và lợi ích của bản thân.
Kinh Vô Lượng Thọ được đức Phật giảng dạy cho hoàng hậu Vi-đề-hi về mười sáu phương pháp quán của đức Phật A-di-đà và các vị thánh chúng. Phương pháp quán tưởng này giúp ta xác lập niềm tin chân chánh, lập trường hành trì và nhờ đó đạt được trạng thái hạnh phúc, an vui.
Kinh A-di-đà còn được gọi là Tiểu Bổn A-di-đà kinh. Bản kinh này được xem là bản toát yếu nội dung của Vô Lượng Thọ kinh, giới thiệu một cách khái quát về bản chất thế giới Tịnh độ, các phương pháp hành trì căn bản để đạt được nhất tâm bất loạn, từ đó hội đủ điều kiện vãng sanh về thế giới an lành của đức Phật.
Kinh A-di-đà còn được gọi là kinh Chư Phật Hộ Niệm hay Nhứt Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm kinh, lấy sự tích mười phương trong ba đời chư Phật, vận dụng phương tiện tán thán, ca ngợi hạnh nguyện dấn thân của đức Phật Thích Ca làm đạo thành công ở cõi Ta bà và hóa độ chúng sinh hiệu quả; nhất là truyền bá pháp môn Tịnh độ tuy đơn giản nhưng rất có chiều sâu. Từ đó, bản kinh này còn gọi là Kinh Chư Phật Hộ Niệm, nghĩa là các đức Phật đều tán thán và bảo hộ cho người thọ trì pháp môn Tịnh độ và kinh này còn được gọi là kinh Thế giới Cực Lạc.
Kinh này mô tả nội dung thế giới vật lý của Tịnh độ, thế giới nội tâm của các cư dân Tịnh độ, con đường hành trì và sinh hoạt ở Tịnh độ. Do đó, có thể gọi kinh này là Kinh giới thiệu về pháp môn Tịnh độ tông.
Kinh này có nội dung thật ngắn gọn nhưng ẩn chứa biểu tượng triết lý sâu xa theo Phật giáo Đại thừa với hai lớp ý nghĩa cần phải lưu tâm. Nếu tiếp cận kinh A-di-đà dưới lớp ý nghĩa trắng đen, ta thấy đây là Tịnh độ vật lý, tuy vẫn thiết lập được niềm tin pháp môn hành trì, nhưng giá trị lợi lạc lại không cao.
Lớp ý nghĩa thứ hai bên cạnh sự mô tả vật lý, đòi hỏi ta phải hiểu chiều sâu của tâm, với khả năng ứng dụng và hành trì, đặc biệt là vận dụng các kỹ năng lý giải để hiểu thấu về thông điệp sâu lắng mà đức Phật không nói bằng ngôn ngữ thông thường.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao các kinh điển Đại thừa thường được mô tả dưới lớp ý nghĩa biểu tượng? Là bởi nó ảnh hưởng văn hóa, ngôn ngữ và triết học của Ấn Độ. Nói cách khác, văn chương và triết học của người Ấn Độ không thích nói theo nghĩa đen chữ trắng, mà phải nói theo nghĩa bóng bẩy, đòi hỏi đến kỹ năng giải mã của con người. Kinh điển Phật giáo cần đến kỹ năng giải mã triết lý, để kích thích sự tìm hiểu và hành trì nội tâm.
Nội dung kinh này rất sâu vì mỗi khái niệm của kinh đều ẩn chứa hai nội dung đen và bóng. Khi hiểu theo nghĩa đen cũng có giá trị lợi lạc, và hiểu theo nghĩa bóng thì giá trị lợi lạc càng cao hơn. Tầm quan trọng của kinh này nằm ở chỗ nó được sử dụng đọc tụng hàng ngày trong các ngôi chùa thuộc Tịnh độ tông. Nếu không có thời gian nhiều trong các khóa tu, hành giả chỉ cần thọ trì kinh A-di-đà và rút gọn toàn bộ nền văn học Tịnh độ tông lại bằng sáu chữ, đó là danh hiệu của đức Phật A-di-đà cũng đủ thâu tóm được bản chất “nhất tâm bất loạn”, được xem là một trong những nghệ thuật tu tập Thiền quán căn bản của Phật giáo.
Kinh A-di-đà được sử dụng là bản dịch chữ Hán của ngài Cưu-ma-la-thập. Sở dĩ chúng tôi chọn bản dịch này, là bởi chữ nghĩa của nó khúc chiết theo cấu trúc tứ tự. Cấu trúc tứ tự về mặt văn chương tuy khó dịch nhưng lại chứa đựng nghĩa lý khá sâu sắc, chữ ít nghĩa nhiều và nội dung cao siêu. Nó có khả năng thôi thúc các độc giả và người hành trình tìm kiếm các nội dung ẩn chứa bên trong. Ngoài ra, cấu trúc này có thể giúp thiết lập nhạc điệu trong tụng trì, ví dụ, gieo cước vận theo chẵn như 2, 4, 6, 8 và các câu lẻ ăn vận theo câu lẻ như 1, 3, 5, 7. Sự ăn vận theo trắc và bằng trên làm cho tính nhạc điệu của bản văn được tăng cường.
Bản tiếng Việt của chúng tôi cũng tuân thủ cấu trúc này một cách trung thành. Ngoài một số tình huống, danh hiệu của đức Phật dài có thể là sáu hay bảy âm tiết thì đành chịu, còn tất cả các câu còn lại đều sử dụng theo cấu trúc bốn chữ. Lý do của nó sẽ được trình bày trong phần mô tả về bản chất sinh thái và đời sống hàng ngày ở Tây phương, với nhiều âm thanh tạo ra pháp âm vi diệu bắt nguồn từ tiếng gió thổi, thông reo, suối chảy, mây bay và chim hót líu lo. Bản chất của những âm thanh này là một nhạc điệu hay một bản hòa tấu thiên nhiên. Do đó, giữ được cấu trúc nhạc điệu trong thể tứ tự sẽ giúp tăng cường được giá trị của việc đọc tụng, thọ trì và tạo niềm tin cao hơn.
ĐỐI TƯỢNG PHÁP HỘI
Khởi đầu của bản kinh này là sự mô tả về pháp hội thù thắng tại Kỳ Viên do trưởng giả Cấp Cô Độc phát tâm hiến cúng. “Pháp hội lúc bấy giờ có khoảng 1250 vị Tỳ kheo xuất chúng, trong đó có nhiều vị là bậc đại A-la-hán danh vang khắp chốn”. Con số biểu tượng được sử dụng mô tả các vị thánh A-la-hán trong các bản văn Phật giáo thường là 1.250 vị. Sở dĩ xuất hiện con số biểu tượng này là vì sau sáu tháng khi Thế Tôn thành đạo, số lượng người xuất gia đã tăng lên nhanh chóng, khiến cho những người theo các tôn giáo khác nhất là Bà-la-môn giáo phải sửng sốt và kinh ngạc. Các giáo sĩ, nhà hiền triết, nhà minh triết, nhà tôn giáo và các nhà tâm linh Bà-la-môn đã từ bỏ tôn giáo của họ để đến với đạo Phật; sau này họ đều trở thành những nhà hoằng pháp lỗi lạc của đức Phật. Trong số đó, phải kể đến là 1000 vị đệ tử của ba anh em Ca-diếp, người anh hai có 500 vị đệ tử, anh ba có 300 vị và em út có 200 vị. Sau đó, Thế Tôn đã độ hai huynh đệ Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, nâng tổng số lên 1200 vị; và kế tiếp, Ngài độ thêm những người bạn của ông Da-xá với số lượng là 60 vị; tổng cộng con số chính xác là 1260 vị, nhưng trong các bản văn thường dùng con số tròn là 1250. Chỉ trong vòng sáu tháng, con số đã tăng lên đáng kể, và trong lịch sử phát triển của đạo Phật, con số này đã gia tăng đến mấy mươi ngàn vị tu sĩ Phật giáo.
Nếu có dịp đọc pháp hội Đại-Ca-diếp trong kinh Đại Bảo Tích, sẽ thấy sự kiện rất nhiều người xuất gia tập thể gồm cả ngàn người, hoặc thậm chí là hơn thế nữa. Các bản kinh vẫn trung thành với con số biểu tượng 1.250 vị cho dễ nhớ, và đặc biệt trong số đó có mười vị là đại đệ tử của đức Phật với mười sở trường khác nhau.
-Tôn giả Xá-lợi-phất nổi tiếng về trí tuệ đệ nhất. Nhờ trí tuệ ngài đã trở thành “ Tướng quân chánh pháp”, là cánh tay phải đắc lực, giúp hoạch định kế sách làm đạo thành công dựa trên nền tảng đa văn hóa, tôn giáo và chính trị của Ấn Độ. Nếu thiếu Xá-lợi-phất thì Tăng đoàn không thể phát triển mạnh.
- Tôn giả Mục-kiền-liên có sở trường vận dụng nhiều phép thần thông mầu nhiệm như tha tâm thông, thần túc thông v.v… để chinh phục những người cao ngạo, ích kỷ, bỏn xẻn. Đối với những người có bản ngã quá lớn thì nhà hoằng pháp phải hơn họ một cái đầu về mặt tâm linh, thần bí, giá trị, năng lực thì mới có thể thuyết phục và khuyến khích họ trở thành Phật tử.
- Tôn giả Đại-Ca-diếp nổi tiếng là nhà giáo mô phạm hay một nhà đạo đức kiểu mẫu. Suốt cuộc đời, ngài tu tập khắc khổ và không có thái độ nghĩ rằng mình hơn những người đi trước hoặc hơn những người đi sau. Lúc nào ngài cũng một mực khiêm hạ và dẫn đầu trong công tác Phật sự, dấn thân. Ngài được xem là một người anh cả của Tăng đoàn lúc ấy.
- Tôn giả Ca-chiên-diên nổi tiếng về khả năng sư phạm học, văn học, từ vựng, cú pháp, và các ngữ điệu biểu đạt. Ngôn ngữ biểu đạt của ngài phù hợp với giới tính, tuổi tác, và môi trường của người thuộc các tôn giáo khác, người chưa theo tôn giáo, hoặc người theo Phật giáo đã lâu. Nói chung, ngài nắm rõ căn tánh và trình độ của từng đối tượng khác nhau để có cách thuyết pháp thích ứng cho từng trường hợp, và không ai có thể thuyết pháp hơn ngài Ca-chiên-diên ngoài đức Phật.
- Tôn giả Câu-hy-la giỏi về phương pháp vấn đáp. Tuy ngài không có sở trường thuyết pháp như ngài Ca-chiên-diên nhưng có khả năng đối đáp và giải quyết một cách lão thông các vấn nạn thuộc trường phái triết học, tôn giáo học lúc bấy giờ. Ngài có khả năng ứng đối siêu tuyệt với cách trả lời ngắn gọn, súc tích, có chất dẫn đi vào chiều sâu tâm linh của con người, khiến nhiều người rất khâm phục và đi theo đạo Phật. Điều này cho thấy đây là người có khả năng nội tâm lớn. Ngôn ngữ nội tâm khác với ngôn ngữ học thuật, vì ngôn ngữ học thuật có thể lưu loát về văn chương nhưng lại thiếu chất dẫn của nội tâm. Văn chương của hành trì tuy đơn giản, gãy gọn, ít chữ, không bóng bẩy nhưng lại có sức thuyết phục rất cao.
- Tôn giả Ly-bà-đa nổi tiếng về hạnh không điên đảo. Ngài có cái nhìn xác quyết, sự dấn thân và con đường lý tưởng chính xác và rõ ràng. Những ai mất phương hướng, nặng về thái độ do dự, bồn chồn, băn khoăn hoặc không dứt khoát, khi đến gặp ngài thì tất cả những mộng tưởng điên đảo tan biến mất. Đây là người có định lực cao, chỉ cần một cái nhìn cũng đủ thể hiện cái uy. Tiếp xúc với những người như vậy, tâm sẽ thanh thản, vững chãi.
- Tôn giả Châu-lợi-bàn-đà xuất thân từ một người không biết chữ nghĩa, ngay cả chữ cái ngài cũng không thuộc và khi ráp chữ lại càng khó hơn. Nhờ đức Phật hướng dẫn có phương pháp, ngài học được hai từ “quét nhà” và “quét rác”. Từ động tác quét nhà, ngài liên hệ đến động tác quét rác của tâm, quét những phiền não, nghiệp chướng và tất cả những loại rác tiêu cực của cảm xúc ra khỏi não trạng nhận thức. Nhờ ứng dụng phương pháp quán tưởng vật lý liên tưởng đến tâm lý và hành trì, ngài đã chứng đắc đạo quả và trở thành liễu nghĩa số một. Sau khi giác ngộ, những giáo lý sâu xa huyền diệu của Thế Tôn, ngài đều hiểu nghĩa sâu sắc, giống như Lục tổ Huệ Năng của Trung Quốc.
- Tôn giả Nan-đà có dung hạnh giống Thế Tôn, ngoại hình đẹp và bảnh trai hơn cả ngài A-nan-đà. Nhờ dung mạo trang nghiêm, đỉnh đạc đó mà ngài đã tạo ra sự thu hút khá nhiều trong quần chúng. Người ta cho rằng ngài Nan-đà phải là người tu hành trang nghiêm nên mới biểu đạt được lời nói từ tốn và nhẹ nhàng, mỗi bước chân đi của ngài đều có chất liệu của sự an lạc và thảnh thơi, mỗi hành động của ngài đều chứng tỏ được đây là con người vững chãi. Ai cũng cảm nhận dung mạo của ngài là một bài thuyết pháp bằng hành động qua thân giáo. Ngoại hình của ngài Nan-đà giống như dung nhan của đức Thế Tôn. Sau khi Thế Tôn qua đời, thỉnh thoảng có người khi nhớ tới đức Phật thì tìm đến và quan sát dung nhan của ngài Nan-đà. Khi nhìn ngài Nan-đà thì niềm tin đối với Thế Tôn được xuất hiện, nhờ đó chánh pháp cũng được thiết lập và hành trì.
- Tôn giả La-hầu-la nổi tiếng về mật hạnh. Những ai đánh giá về hành động biểu đạt bên ngoài của ngài sẽ dễ bị sai lầm, vì những hành động đó ẩn chứa nội hàm tâm linh sâu sắc, đòi hỏi phải là người có tuệ giác cao sâu mới có thể thấu hiểu. Do đó, đừng nên đánh giá con người thông qua chủ nghĩa hình thức vì có những người tuy bình dân, giản dị, chẳng có tướng hảo, nhưng bên trong lại ẩn chứa nhiều viên ngọc quý về tuệ giác, lòng từ bi, con đường dấn thân và tinh thần vô ngã vị tha. Ngài La-hầu-la đóng vai trò là “Phật vàng”, quan sát bên ngoài tuy chẳng có gì, nhưng bên trong lại chứa đựng cả một kho tàng giá trị. Khi được tiếp xúc với những người như vậy, ta không còn bị uy danh của chủ nghĩa hình thức hoặc ngoại hình chinh phục và ta sống có chiều sâu về nhận thức.
- Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề nổi tiếng được chư Thiên ở các hành tinh cúng dường và tán thán. Mỗi khi cần đến sự thuyết pháp ở những hành tinh khác thì ngài Kiều-phạm-ba-đề thường được đề cử đi, vì ngài có cách diễn đạt nội dung khá đặc biệt, và các chư thiên cảm thấy thích hợp nên thỉnh mời ngài.
- Tôn giả Tăng-đầu-lô có nhân duyên với chúng sanh ở cõi Ta bà. Nơi nào có trai tăng, người ta thường mời ngài đến. Các trai đường của các ngôi chùa Bắc tông ngày xưa đều thờ ngài, và trước khi ăn cơm, người ta cũng thường cúng dường ngài. Ai có hạnh dấn thân, tạo cơ hội cho quần chúng gieo trồng phước báu bằng cách dự các lễ trai tăng thì được xem đó là các vị cao tăng có hạnh Tăng-đầu-lô. Dĩ nhiên, đến dự các lễ trai tăng không phải để nhận những phẩm vật cúng dường mà còn để tạo cơ hội gieo trồng phước báu cho người khác. Các phẩm vật đó trở thành phương tiện và công cụ để giúp đỡ cho những người bị thiếu thốn.
Trước đây, ở quận 8 có Hòa thượng Thiện Năng được xem là hậu thân của ngài Tăng-đầu-lô. Ngài có hạnh khiêm hạ, đức độ cao dày, tướng hảo đoan trang. Những lời giáo từ, đạo từ trong Trai tăng của ngài có chiều sâu tâm linh và ai cũng muốn thỉnh ngài đến để cúng dường Trai tăng. Trước khi qua đời, ngài đã làm đại lễ Trai tăng cho những người xuất gia và mời hết tất cả những vị Tăng ở khắp Sài Gòn, từ Hòa thượng cho đến chú Tiểu đến để cúng dường đồng đều không phân biệt. Tất cả những gì ngài có được trong mấy mươi năm thọ trai cúng dường ấy, ngài đều cúng dường lại hết cho tất cả mọi người có nhu cầu làm Phật sự.
Gương hạnh như vậy mang tính chia sẻ, mồi đèn phước báu giúp ta thắp sáng lên ngọn đèn công đức ở người khác. Nếu ta may mắn được cúng dường những người như thế thì phải lấy làm mừng. Những phẩm vật cúng dường của ta lại được cúng dường cho các chùa để làm từ thiện, phước của ta sẽ nẩy nở gấp nhiều lần từ một thành hai, từ hai thành mười, từ mười thành một trăm.
- Tôn giả Ca-lưu-đà-di nổi tiếng về giáo hóa. Cách thức giáo hóa của ngài rất đơn giản, đôi lúc ngài không nói hoặc chỉ nói vài câu pháp nhưng có thể trao cho người nghe chiếc chìa khóa mở kho tàng tâm linh. Người có khả năng giáo hóa thì chuyện đời cũng trở thành chuyện đạo, chuyện phàm tục vẫn có giá trị tâm linh. Dùng con mắt tuệ giác quan sát cuộc đời thì những gì trong cuộc đời này đều trở thành công cụ cho Phật pháp. Giá trị của cái nhìn giáo hóa nằm ở đấy.
- Tôn giả Kiếp-tân-na nổi tiếng là người có khả năng biết thiên văn, thấy rõ bản chất của vũ trụ, biết được sự sống ở các cõi, các loại hình ở con người, các loài động vật và ở các hành tinh xa xôi khác. Nhờ đó ngài dẫn dắt giúp cho người nghe hiểu được nguyên lý của nhân quả, như quy luật định đoạt bản chất của các kiếp sống hay các chủng loại khác nhau mà không có sự sắp đặt của thần linh, thượng đế.
- Tôn giả Bạt-câu-la là người có thọ mạng đệ nhất. Hầu như kiếp nào ngài cũng sống tối thiểu từ 100 tuổi trở lên. Trong thời đức Phật, ngài đã sống đến 160 tuổi, một hiện tượng quý hiếm trong bối cảnh địa dư của người Ấn Độ. Người Ấn Độ thường già trước tuổi, sống trên 60 tuổi là trông họ đã già nua lắm rồi. Thế Tôn sống được 80 tuổi được xem như là một ngoại lệ, mặc dù Ngài từng có sáu năm sống khổ hạnh ép xác, nếu là những người khác có lẽ đã bị chết yểu. Có được tuổi thọ như thế là nhờ Ngài tu tập công đức, có phước báu nhiều đời nhiều kiếp và tuổi thọ đó làm cho Ngài có sức sống mãnh liệt.
- Tôn giả A-nâu-lâu-đà có được thiên nhãn thông đệ nhất. Ngài có thể nhìn thẩm thấu không gian vật lý mà không gì có thể gián cách. Ngài nhìn xa thấy rộng và hiểu rõ các vấn đề sẽ diễn ra trong tương lai giống như các nhà tiên tri hay nhà thọ ký. Ngài phán đoán, góp ý một cách chính xác và đề ra giải pháp cho các vấn nạn trong nhiều tình huống phức tạp.
Đó là các vị đại A-la-hán tham dự trong pháp hội khi đức Phật giảng kinh A-di-đà. Bên cạnh đó còn rất nhiều vị đại Bồ-tát mà nổi tiếng nhất và siêu xuất nhất có bốn vị.
- Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi nổi tiếng về trí tuệ tương đương với ngài Xá-lợi-phất. Đây là trí tuệ dựa trên giáo nghĩa Đại thừa, hỗ trợ chiều sâu nhận thức, kết hợp đánh giá trên dữ liệu xã hội, văn hóa và tâm linh của bản địa. Người có trí tuệ sẽ làm cho đạo Phật luôn thích ứng với mọi thời đại và mọi nền tảng văn hóa tâm linh khác nhau.
- Bồ-tát A-dật-đa là một danh xưng khác của Bồ-tát Di-lặc, nổi tiếng từ bi rộng lớn, và Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi nổi tiếng về trí tuệ. Hai vị này là tay trái và tay phải của Thế Tôn, và được xem như đôi cánh chim mà các hành giả Phật giáo phải có, nếu không thì không thể cất cánh bay cao xa. Hai vị Bồ-tát này gợi lên con đường dấn thân hành đạo rất sâu sắc.
- Bồ-tát Càn-đà-ha-đề là vị Bồ-tát nổi tiếng về kiên trì dấn thân không ngừng nghỉ. Khi đã phát nguyện làm một Phật sự nào đó thì dù gặp phong ba trở ngại, chướng duyên, thị phi, chỉ trích, vu khống hoặc hãm hại, ngài cũng không bỏ cuộc nữa chừng; đã quyết tâm thì phải làm bằng được và làm một cách có kết quả, có nghệ thuật. Đó là lòng dung lượng, biểu tượng của sự kiên nhẫn, tinh tấn và nỗ lực không ngừng nghỉ của ngài.
- Bồ-tát Thường Tinh Tấn nổi tiếng tinh tấn trên lý tưởng đạo đức và tâm linh không hề gián đoạn. Bồ-tát này là biểu tượng của sự vươn lên và vươn lên mãi, thành tựu và thành tựu mãi không ngừng, cho đến khi nào không còn gì để tu tập. Đến lúc đó, hạnh nguyện Thường Tinh Tấn mới được kết thúc.
Sự có mặt của bốn vị Bồ-tát này gợi lên bốn đức tính là trí tuệ, từ bi, kiên nhẫn và tinh tấn. Đó là bốn biểu tượng của Phật giáo Đại thừa. Có lòng từ bi thì con đường dấn thân được mở ra. Có trí tuệ thì sự dấn thân sẽ không bị chi phối bởi tình cảm một chiều. Có kiên trì bền bỉ thì con đường dấn thân ấy mới vượt qua những gian truân, thử thách. Có tinh tấn hành trì mới đạt được kết quả ngày càng cao cho đến quả vị Phật .
Trời Đế Thích tượng trưng cho thượng đế của Ấn Độ giáo, là vị thần linh cao nhất của chủ nghĩa đa thần giáo. Bên cạnh đó, còn có Chư thiên là con người sống ở các hành tinh khác. Kinh Di Đà và các bản kinh Pàli có mô tả về sự giao lưu liên hành tinh, một bên là cõi Ta bà và một bên là cư dân của các hành tinh khác mà không cần đến các phi thuyền, đĩa bay hay các phương tiện hiện đại. Theo mô tả trong kinh, các vị này có phép thần biến và sự vận chuyển từ nơi mình sang cảnh giới Ta bà.
Đối tượng của pháp hội A-di-đà là các vị đại A-la-hán và các vị đại Bồ-tát tượng trưng cho tầm vóc tâm linh quan trọng của Phật giáo. Trong bản kinh ngắn gọn mà có đủ Bồ-tát và các A-la-hán, tiêu biểu là điều đáng quý, có khả năng khích lệ và hỗ trợ cho các hành giả tu tập pháp môn. Là các đại Bồ-tát và đại A-la-hán có trình độ tâm linh cao, mà vẫn đến để nghe pháp hội A-di-đà, huống hồ là chúng ta chẳng lẽ lại giãi đãi, xem thường?
Mặc dù có sự phân chia về tâm linh, có Bồ-tát và A-la-hán, nhưng các vị A-la-hán lịch sử trong thời đại của đức Thế Tôn tương đương với các đại Bồ-tát theo truyền thống Phật giáo Đại thừa. Tuy là những nhân vật lịch sử, các A-la-hán này đã hành đạo Bồ-tát từ lâu xa. Thành phần tham dự của kinh là Bồ-tát lịch sử và Bồ-tát của các hành tinh. Ta không nên dựa trên các bộ phái cho rằng A-la-hán kém chiều sâu hơn các vị Bồ-tát Đại thừa. Dù tên gọi và danh xưng khác nhau nhưng về mặt tâm linh, giá trị con đường dấn thân, hạnh nguyện vị tha và tiếp độ chúng sanh đều có giá trị và kết quả như nhau.
Triết lý của kinh này tuy đơn giản, nhưng về mặt thực hành thì từ kiếp này sang kiếp khác chưa chắc đã thành công. Những gì đơn giản nhất lại trở thành khó nhất. Nếu biết phương pháp hành trì sẽ có kết quả và giá trị cao.
CẢNH GIỚI TÂY PHƯƠNG
Sau khi giới thiệu đối tượng tham dự pháp hội, đức Phật đã trình bày về cảnh giới Tịnh độ bằng một đoạn văn: “Bấy giờ Ngài bảo Xá-lợi-phất hướng về phương Tây khoảng mười muôn ức cõi nước của Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc, giáo chủ là Phật hiệu A-di-đà hiện đang thuyết pháp.”
Phương vị của Tịnh độ được mô tả thuộc về phía Tây, dĩ nhiên, đây là phía Tây của nước Xá Vệ, nơi bản kinh A-di-đà được tuyên thuyết. Phương vị lớn hơn có thể lấy hệ quy chiếu là đất nước Ấn Độ, và xa hơn nữa là hành tinh Ta bà. Không nên tìm sự tuyệt đối trong phương vị của vũ trụ, vì nó chỉ mang tính cách tương đối. Ví dụ, khi ta đang nhìn một ai đó thì có thể cho rằng người đó đang ở trước mặt ta, và khái niệm trước mặt ta chỉ là một khái niệm tương đối. Người đang quan sát ta thì ngược lại cho rằng ta đang ở trước mặt người ấy. Như vậy trong tình huống này là ai đang ở trước mặt ai? Khái niệm trước và sau chỉ là một giả định.
Không nên dựa vào phương vị vật lý để nhận định rằng không có thế giới Tây phương Cực Lạc vốn hiện hữu lâu dài và xa cách ta mười tỷ năm thái dương hệ. Thấy rõ phương vị là tương đối thì ta không nên tranh luận, chấp trước về đông, tây, nam, bắc. Khi ngồi ở lầu một, ta có thể nói ta đang ngồi trên những người ở tầng trệt. Những người ở tầng trệt có thể nói họ đang ở trên những người ở tầng hầm. “Trên” là một khái niệm tương đối, tất cả những người ở tầng một, tầng trệt, tầng hầm được xem là những người đang sống ở dưới những người ở tầng hai, tầng ba, hoặc tầng bốn. “Trên” và “Dưới” cũng chỉ là tương đối. Trên và dưới của một vật lệ thuộc vào hệ quy chiếu.
Đức Phật đã giải thích cho ta về cấu trúc thời gian và không gian tương đối, giúp ta thấy phương vị là mặc định. Các hệ mặc định không có giá trị vĩnh viễn, thay đổi tùy theo góc độ và vị trí. Tính tương đối của thời gian được đức Phật mô tả tùy theo vị trí và múi giờ vật lý.
Kinh Lăng Nghiêm mô tả thời gian vật lý giữa cõi Ta bà và Tịnh độ cách biệt nhau khá lớn. Một kiếp ở cõi Ta bà này chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi Tịnh độ. Nếu tính theo thời lượng kiếp thì rõ ràng là suốt mấy mươi năm ở cõi Ta bà chỉ bằng một đơn vị thời gian ở cõi Tây phương Cực Lạc. Mỗi một thời pháp của đức Phật A-di-đà ở Tây phương Cực Lạc kéo dài đến mấy mươi kiếp của cõi chúng ta, và chúng sanh ở cõi đó có thể ngồi cả ngày lẫn đêm để nghe những pháp âm vi diệu với lòng hân hoan tuyệt đối mà không hề nhàm chán. .
Thời gian tương đối về phương diện vật lý có thể hiểu một cách đơn giản như thời gian của thế giới loài người và thế giới của các loài động vật nhỏ. Chẳng hạn thời gian vật lý của con muỗi có thể là ba ngày và được xem như là một kiếp sống của nó. Đối với con thiêu thân thì chỉ có thể là một ngày một đêm, hoặc con vi trùng thì kiếp sống của nó chỉ vài giờ mà thôi. Khác biệt về chiều dài ngắn của thời gian giữa các hành tinh và chủng loại sống là những điều ta có thể cảm nhận và thấy được. Trong kiếp người cũng thế, có người thọ mạng được 160 tuổi như ngài Bạt-câu-la, có người chỉ sống được vài giây trong bụng mẹ đã bị chết do phá thai, có người vừa mới chào đời được vài phút đã tắt thở và có người sống được mười hay hai mươi năm của cuộc đời. Tính thời gian yểu và thọ hoàn toàn khác biệt trong từng cảnh giới và góc độ của mỗi con người, huống chi là sự so sánh giữa con người ở hành tinh này với các hành tinh khác.
Trong kinh A-di-đà, đức Phật nêu ra ba câu hỏi và tự trả lời theo cách thức “Vô vấn tự thuyết”. Có trường hợp chẳng ai hỏi, Thế Tôn vẫn triệu tập đệ tử lại để Ngài chia sẻ chiều sâu tâm linh. Điều này cũng giống như trong gia đình, cha mẹ có việc vui thường triệu tập con cái hay bà con thân thuộc lại, sửa soạn một buổi cơm chiều để mọi người dốc hết tâm tình cùng chia sẻ chuyện vui đó. Phương pháp “vô vấn tự thuyết” vượt lên trên tính cách thông thường và thân mật của một gia đình.
Ở đây, đức Phật đã giới thiệu một nội dung quá đơn giản mà có thể rất nhiều người không tin, vì người ta thường quan niệm rằng những gì quá mầu nhiệm thì phải xuất hiện ở các hành tinh khác, còn ở cõi Ta bà này không gì được xem là cao siêu mầu nhiệm. Đức Phật Thích Ca mô tả thế giới Cực Lạc ở phương Tây xa xôi, cách hành tinh của ta đến mười tỉ năm ánh sáng. Đây là khoảng cách vật lý cực lớn mà nếu vận dụng các phương tiện hiện đại, các phi thuyền có khả năng bay thì phải mất nhiều thời gian mới có thể đến được nơi thế giới Cực Lạc. Kinh A-di-đà gửi đến chúng ta thông điệp Tịnh độ nhân gian dựa trên mô hình Cực Lạc của Phật A-di-đà.
Đây là mô hình tham khảo lý tưởng từ cảnh giới Tây phương Cực Lạc để thiết lập các giá trị Tịnh độ trong cõi Ta bà này. Đang sống ở hiện tại mà chỉ hướng về Tây phương thì đạo Phật sẽ bị gán là yếm thế và đào tẩu. Thực tế đạo Phật không dạy ta đào tẩu. Đạo Phật dạy ta có thể biến ước mơ thành hiện thực, và hiện thực đó nằm trong lòng bàn tay của chúng ta.
Câu hỏi thứ nhất trong kinh thuộc dạng vô vấn tự thuyết: “Này Xá-lợi-phất, vì sao cõi ấy được gọi là Cực Lạc?
Hỏi xong, đức Phật không cần đệ tử mình trả lời, bậc đại trí như ngài Xá-lợi-phất cũng im, và Ngài tự trả lời như sau:“Dân chúng cõi ấy không còn đau khổ, ngay cả từ “khổ” cũng không còn có mặt, huống chi là có thật. Dân chúng luôn sống trong an vui, thân tâm thơi thới cho nên cõi ấy gọi là Cực Lạc”.
Đoạn văn đó có hai vế, chúng tôi đã trích vế thứ hai ghép vào vế thứ nhất. Vế thứ hai là một đoạn kinh ở phần giữa bản kinh A-di-đà mô tả bản chất các loại chim ở Tây phương không phải do nghiệp báo sinh ra, mà do đức Phật hóa sinh ra để hỗ trợ cho phương pháp hoán chuyển pháp âm, giúp cho các hành giả Tây phương nhứt tâm niệm Phật, niệm Pháp, và niệm Tăng.
Đức Phật nói: “…Các loại chim này không phải do nghiệp lực mà do hóa sanh, vì trên cõi này không có ba đường ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh”.
Chúng tôi lấy đoạn văn đó ghép lên trên để nội dung mô tả về bản chất Tịnh độ được dễ hiểu hơn. Tu được nội dung nêu trên thì hành giả không cần tu thêm gì khác. Tu để được an vui và hạnh phúc, tu để vượt lên trên khổ đau và tu để giải phóng tất cả những khái niệm khổ đau trong não trạng thì rõ ràng không còn gì sung sướng hơn.
Đạo Phật chỉ dạy con người con đường thoát khổ. Dù là hàng trăm hay hàng ngàn quyển kinh, đức Phật cũng chỉ nói lên hai điều theo ngôn ngữ của kinh Trung Bộ: “Xưa cũng như nay, từ lúc ta xuất gia đến lúc nhập Niết Bàn, trong mấy mươi năm hoằng pháp và giáo dục, Thế Tôn chỉ nói lên hai vấn đề chính. Thứ nhất là tuyên bố về sự thật khổ đau. Thứ hai là tuyên bố con đường chấm dứt những khổ đau đó.”
Nếu chỉ “vạch mặt khổ đau” thì đạo Phật trở nên yếm thế, làm cho con người chán nản. Bên cạnh việc “vạch mặt khổ đau”, đức Phật đã cung cấp cho ta tấm bản đồ để “diệt trừ khổ đau”. Chính vì thế, đạo Phật là đạo tích cực.
Thế Tôn dạy ta nên mô phỏng mô hình Tịnh độ của đức Phật A-di-đà, áp dụng và nhân rộng nó trong thành phố, nông thôn, hay nơi ta đang sinh sống. Nếu Tây phương có an lạc và hạnh phúc thì ở cõi Ta bà này ta cũng có thể được. Vấn đề đặt ra là ta có được kiến trúc sư như đức Phật A-di-đà hay không? Ta có phương pháp để đạt được điều đó hay không? Nếu có phương pháp, có trí tuệ và có kiến trúc sư giỏi thì vấn đề còn lại chỉ là thời gian mà thôi.
Tâm lý sợ khổ thường diễn ra trong mỗi người. Ai cũng sợ khổ, và giải quyết khổ đau đòi hỏi ta phải rất sáng suốt. Hành động đào tẩu không phải là giải pháp, nó chỉ là thuốc giảm đau tạm thời, và rồi khổ đau vẫn nối tiếp khổ đau.
Trong kinh Dược Sư, đức Phật cũng mô phỏng, quy hoạch và giới thiệu về đời sống lý tưởng ở cõi Đông phương của đức Phật Dược Sư. Trong các bản kinh Mật tông, Ngài cũng giới thiệu về cảnh giới lý tưởng của Đại Nhựt Thế Tôn.
Ba mô hình Tịnh độ này được đức Phật giới thiệu rộng rãi để chúng ta tùy nghi lựa chọn. Khi dùng thuốc chữa bệnh, mỗi người có ý thích khác nhau, người thích dùng thuốc Tây, thuốc Bắc, hoặc thuốc Nam: các pháp môn như dược chất tâm linh cũng thế, càng đa dạng càng đáp ứng được nhu cầu của chúng sinh..
CON ĐƯỜNG SANH VỀ TỊNH ĐỘ
Trước tiên, hành giả được sanh về cõi Cực Lạc không phải sanh bằng con đường tình dục, mà hành giả được tái sanh bằng hóa sanh.
Đạo Phật giới thiệu bốn loại sanh căn bản. Thứ nhất, loại hình thai sanh chiếm đa số và con người được xem là cao quý nhất trong các loài thai sanh.
Thứ hai, loại hình thấp sanh là sanh trong môi trường ẩm thấp như một số loài côn trùng.
Thứ ba, loại hình noãn sinh là sinh ra từ trứng như chim, gà v.v… Thông thường các loài sanh ra từ trứng thì nhận thức bị giới hạn, không như từ thai sanh.
Thứ tư, loại hình hóa sanh, tức sinh vật này biến hóa ra sinh vật khác như tằm hóa bướm, lăng quăng hóa muỗi, đời sống của các loại hóa sanh rất ngắn ngủi. Hoá sanh của các cư dân Tịnh độ được mô tả bằng biểu tượng “hoa sen năm sắc” tượng trưng cho các cấp độ tâm thức khác nhau và đã được thanh tịnh.
Con người được sanh ra dựa trên nguyên tắc sanh, lão, bệnh, tử nhưng đức Phật cho rằng các cư dân Tịnh độ không phải lo lắng về diện mạo sớm tàn phai, sự vô vị trong đời sống, hay đối chọi với nỗi cô đơn trong tuổi già và tất cả những lo lắng khác. Các loại bệnh tật và thiên tai như bão lụt, động đất, sóng thần, bệnh nan y, dịch cúm gia cầm v.v… đều không có mặt ở cõi Tịnh độ. Mô hình Tịnh độ rất lý tưởng cho con người về phương diện sức khỏe, tuổi thọ và sinh thái.
Nhiều người khi đọc đến đây sẽ đặt câu hỏi rằng, đây có phải là mô hình của một thế giới lý tưởng hay chỉ là một thế giới ảo? Trả lời và giải quyết vấn đề này không đơn giản tí nào. Người chưa từng đi du lịch hay tham quan cõi đó thì làm sao có thể hiểu được. Bằng phương pháp loại suy thông thường dựa trên giá trị kinh tế của các quốc gia ở cõi Ta bà cũng thấy rõ sự chênh lệch khá cao giữa những nước đã phát triển và những nước thuộc thế giới thứ ba. Kinh tế của người dân Việt Nam rất thấp so với người dân Hoa Kỳ, và lại càng thấp hơn so với những nước như Thụy Điển, Thụy Sĩ… Giá trị đồng tiền, sức lao động có sự cách biệt rất xa. Giá trị kinh tế bị biến thiên tùy theo phương thức kinh tế và cấu trúc xã hội. Nếu so sánh cư dân ở thành phố, cư dân ở thủ đô và cư dân ở những vùng nông thôn cũng thấy rõ sự khác biệt khá xa, huống hồ là giữa cõi Ta bà và cõi Tịnh độ.
Hãy tin tưởng có một thế giới vật lý ở Tây phương với mô hình lý tưởng về đời sống vật chất được mô tả trong kinh A-di-đà này. Dĩ nhiên, thế giới ấy có thể không là tuyệt đối đến một trăm phần trăm nhưng vẫn có thực. Mô tả thế giới ấy không phải để kích thích ta thèm khát, mà vấn đề quan trọng ở đây là nhìn thấy được một thế giới khác và tin tưởng rằng nếu ta chịu khó đầu tư và nỗ lực có phương pháp thì chắc chắn ta xây dựng được mô hình Tây phương Cực Lạc thu nhỏ ở cõi Ta bà này.
Singapore tuy chỉ là một đảo quốc, nhưng nền kinh tế lại cao hơn Việt Nam rất nhiều. Đảo quốc này sạch đẹp với môi trường sinh thái lý tưởng và có thể nói đây là một trong những quốc gia sạch nhất trên thế giới. Là một nước nhỏ nhưng lại có một mô hình sinh thái lý tưởng đến thế, vậy thì dựa vào cách mô tả ở thế giới Tây phương Cực Lạc trong kinh A-di-đà, ta nên tin chắc rằng đây là một thế giới có thật. Thế giới của đức Phật A-di-đà là một mô hình lý tưởng về kiến trúc sinh thái, quy hoạch xã hội, các quặng vàng mỏ ngọc và tất cả các tiêu chí ấn tượng khác.
THIẾT LẬP TỊNH ĐỘ Ở TA BÀ
Lòng từ bi có lúc phát xuất từ chủ nghĩa phương tiện. Đức Phật mô tả về thế giới Tây phương để chúng ta có niềm tin, từ đó giúp ta so sánh, nếu cõi Tây phương có được Cực Lạc thì cõi Ta bà này cũng có thể có được. Nếu quốc gia khác có cuộc sống tốt đẹp thì tại sao quốc gia mình lại không có được. Nếu hành tinh khác có những giá trị tốt đẹp thì tại sao hành tinh chúng ta không có được.
Về phương diện tâm lý học, sự so sánh hơn, bằng và kém có thể tạo ra bản ngã, bởi nó lấy trục xoay của “cái tôi” làm chuẩn, thấp hơn người khác mà cứ nghĩ là hơn, thua người khác mà cứ nghĩ là bằng, và kém hơn người khác mà cứ nghĩ là ngang nhau. Tâm lý bằng và hơn làm cho con người luôn ganh tị và tranh chấp lẫn nhau. Tuy nhiên, có những loại hình so sánh về giá trị tâm linh và đạo đức, bằng cách “nhón chân và với tay” mới có thể đạt được sự tiến bộ.
Một người muốn có chiều cao thì ngay từ lúc nhỏ hãy thực tập mỗi ngày áp sát vào tường ít nhất là hai phút, chân nhón lên, tay vươn lên, tư tưởng nghĩ rằng các đốt xương đang giãn ra và chiều cao được tăng lên. Đây là phương pháp nâng chiều cao phối hợp với quán chiếu của đạo Phật. Cách “nhón và vói” như thế sẽ giúp ta cao hơn. Nếu ta muốn đạt được mười phần thì phải thực tập động tác “nhón và vói” lên đến mười một hoặc mười hai. Còn nếu muốn đạt mười mà ta chỉ thực tập có bảy hoặc tám thì kết quả thu được chỉ là năm hoặc sáu. Trong thi đua cũng thế, muốn trở thành quán quân của một lãnh vực thể dục thể thao, ta phải lấy tiêu chí của những người đoạt giải vô địch. Ta phải có ý chí muốn vượt qua chỉ tiêu của người đã phá kỷ lục đó. Có như thế ta mới có thể đạt bằng hoặc hơn. Nếu chỉ lấy tiêu chí của người xếp hạng thứ hai mươi hoặc ba mươi thì cuối cùng ta chỉ đạt ở vị trí bốn mươi hoặc năm mươi mà thôi.
Sử dụng phép so sánh hơn không phải để ta tự ti, chán nản, thất vọng, đua đòi hay tạo sự sang trọng để nâng cao giá trị. Hãy nhìn vào bản chất thực tại; những gì đang thiếu, ta phải thừa nhận để khắc phục. Cõi Ta bà này đầy những khổ đau và Tây phương Cực Lạc hạnh phúc gấp trăm nghìn lần. So sánh này giúp ta tự phấn đấu vươn lên chứ không phải để mặc cảm và tự ti. Đôi khi tâm lý so sánh hơn hoặc kém tạo ra sự phấn đấu và tiến bộ vượt trội. Tâm lý hãnh diện tự hào là sự trở ngại khi phải đối diện với sự thật; do đó, ta sẽ không có cơ hội để khắc phục những yếu kém, chưa hoàn thiện và chưa phát triển.
So sánh mô hình Tây phương Tịnh độ trong kinh A-di-đà và thế giới Ta bà giúp ta có cái nhìn về bản chất của thực tại theo cách “nhón chân và vói tay” thì mới đạt đến sự tiến bộ, và học hỏi sự tiến triển, thoát khỏi lạc hậu. Thái độ hãnh diện và tự hào không thể nào giúp ta đạt đến sự tiến bộ.
Bản chất của thế giới Tây phương Cực Lạc là về các phương diện: Lạc thọ tâm lý, lạc thọ nhận thức, lạc thọ của thân và lạc thọ do môi trường sinh thái gây nên. So sánh các giá trị của thế giới Cực Lạc là để giúp ta mô phỏng và quy hoạch lại cõi Ta bà này. Các giá trị của chiều sâu và sự ấn tượng của bản kinh này là quy hoạch Ta bà theo mô hình Tịnh độ.
***