Chùa Giác Ngộ, 15-12-2005
DANH HIỆU CỦA PHẬT A-DI-ĐÀ
Đức Phật Thích Ca giới thiệu về đức Phật A-di-đà bằng câu hỏi rất ngắn: “Này Xá-lợi-phất, ông hãy nghĩ xem, vì sao đức Phật, hiệu A-di-đà ... ” Toàn bộ kinh A-di-đà gồm có ba câu hỏi: câu hỏi thứ nhất về bản chất của thế giới Cực Lạc, câu hỏi thứ hai về danh hiệu của đức Phật A-di-đà và câu hỏi thứ ba là tại sao kinh này được chư Phật tán thán và hộ niệm. Ba câu hỏi này đã hình thành nên pháp môn Tịnh độ.
Sau khi hỏi, không chờ ngài Xá-lợi-phất trả lời, đức Phật đã trả lời thay: “Này Xá-lợi-phất, vì đức Phật ấy là Vô Lượng Quang, chiếu soi khắp cùng, thế giới mười phương, ngay cả thành quách, không thể ngăn cách. Này Xá-lợi-phất, thọ mạng của Phật và hàng Thánh chúng, ở cõi Tây phương, dài lâu vô lượng, không thể nghĩ bàn. Vì thế Phật ấy hiệu A-di-đà.”
Vô Lượng Quang. Đoạn này có hai nội dung căn bản là Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ. Vô Lượng Quang liên hệ đến bản chất tu tập của đức Phật A-di-đà, nghĩa là ánh sáng ấy không bị giới hạn bởi không gian vật lý và thời gian chiếu soi. Hào quang hay điện quang của lòng từ bi, tuệ giác, dấn thân, công đức thì không có ngằn mé, hiểu Vô Lượng Quang dưới góc độ này mới thấy được nguyện lực, hạnh đức của Phật là không gì có thể ngăn cách. Do bởi Ngài có tuệ giác không cùng tận, và tuệ giác đó cho phép Ngài sử dụng vô số phương tiện vi diệu. Ngài cài đặt hệ thống hỗ trợ để ta trở thành một người của tuệ giác Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ.
Bằng cách hiểu như thế, các hành giả ở Ta bà có thể tham gia công việc phát quang tuệ giác của đức Phật A-di-đà bằng nhiều cách thức khác nhau. Ví dụ như hai loại hình từ thiện nhường cơm xẻ áo liên hệ đến vật chất, sức khỏe, mạng sống hay tuổi thọ, và loại hình từ thiện về trí tuệ liên hệ đến việc ấn tống kinh điển, truyền bá pháp âm, băng giảng hay truyền bá những gì có thể cải tạo tư duy, nhận thức và hành động của con người. Dấn thân thực hiện hai loại từ thiện này hỗ trợ ta về phương diện tuệ giác, nghĩa là làm cho hào quang trí tuệ vô lượng của đức Phật thắp sáng trong lòng mỗi người, giúp lương tâm của họ được thắp sáng. Như thế, họ ít phạm phải những việc xấu xa hoặc phi đạo đức trong tương lai.
Vô Lượng Thọ. Nội dung Vô Lượng Thọ được áp dụng cho hai đối tượng gồm đức Phật A-di-đà và hàng Thánh Chúng.
Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật làm một so sánh nhỏ cho thấy số lượng thời gian về kiếp sống ở Ta bà chỉ bằng một ngày một đêm ở Tây phương Tịnh độ. Tuổi thọ của các vị Bồ-tát, A-la-hán, thượng thiện nhân và bất thối chuyển dài lâu vô số, trong số đó phải kể đến bậc bất thối chuyển, các vị nhứt sanh bổ xứ Bồ-tát, nghĩa là các vị Bồ-tát sẽ làm Phật ở đời sau.
Chẳng hạn Bồ-tát Di-lặc sẽ sinh ra và giáo hóa chúng sanh trên nền tảng lòng từ bi. Con đường nhận thức bằng tâm lý học của ngài sẽ giúp con người giải thoát khổ đau, loại bỏ sai lầm về nhận thức, học thuyết, tôn giáo, chính trị và triết học.
Kế đến, Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí là các vị “nhứt sanh sở hệ Bồ-tát”, nghĩa là làm Phật thăng tiến trong tương lai, số lượng các vị ấy nhiều không đếm hết và các vị như thế thường có tuổi thọ vô lượng và vô tận.
Sống lâu như thế không phải để hưởng thụ. Tâm lý của một số người rất sợ sống lâu, vì phải mang theo bệnh tật và khổ đau. Thế nhưng cư dân của Tây phương Tịnh độ không hề có bệnh tật vì họ gieo vô lượng công đức, không có nghiệp sát sanh bằng vũ khí hay bằng tâm niệm nên tuổi thọ được dài lâu và sự dài lâu về tuổi thọ cho phép họ làm vô số công đức. Mỗi người đều có tuổi thọ dài lâu, nếu ta có cái nhìn tuệ quán của đức Phật thì mọi sự vật không hề bị mất đi vĩnh viễn.
Nhìn từ góc độ hiện tại, nếu ta lấy thời điểm từ khi có mặt trên cuộc đời và cứ thế mà tính thì thời gian đó rất ngắn ngủi, hạn định. Nếu nhìn từ chiều dài của những lần tái sanh ở quá khứ, hiện tại và vị lai thì mỗi người trong chúng ta có đến tỉ tỉ năm tuổi. Cứ mỗi kiếp ta có thể có năm mươi cho đến một trăm tuổi, qua kiếp sau ta cũng có số lượng tuổi tương tự và cứ như thế cộng dồn cho mỗi kiếp tái sanh sẽ có vô lượng số tuổi. Vì thế, trong kinh Pháp Hoa có đề cập: “Thọ mạng của Thế Tôn dài lâu hằng hà sa số” là thế. Thọ mạng của đức Phật và các vị Bồ-tát trong bài kinh này cũng hằng hà sa số và con người chúng ta cũng như thế. Tất cả chúng ta đều có tuổi thọ dài lâu bằng mắc xích bởi từng kiếp và trong mỗi đời là khác nhau. Do đó, hiểu đạo lý này giúp ta thiết lập Tịnh độ ở Ta bà.
Kinh Vô Lượng Thọ là bản kinh nền tảng mà thông qua đó bản kinh A-di-đà được tóm tắt, có đề cập đến một danh hiệu khác của đức Phật A-di-đà trong quá khứ đó là Vô Lượng Chánh Niệm, nghĩa là sống trong tình trạng tâm lý nhận thức không tranh chấp, ganh tỵ, hận thù, đấu tranh hoặc loại trừ lẫn nhau. Đây chính là yếu tố quan trọng để tạo nên tuổi thọ. Những ai sống trong hờn giận, ganh tị, hận thù chắc chắn sẽ bị mất ngủ, thần kinh suy yếu và dẫn đến tuổi thọ suy giảm. Qui luật này diễn ra một cách nghiêm khắc và tất yếu đối với mọi người, mọi loài.
Một yếu tố khác, khi đức Phật A-di-đà còn là một vị Bồ-tát có tên là Pháp Tạng Tỳ Kheo đã là một đại hành giả có tên là Thế Tự Tại Vương, nghĩa là vua tự tại về cuộc đời, sống thong dong, không câu chấp, vướng mắc, hay chạy theo dục lạc thế gian cùng những thói quen vị kỷ, tranh chấp, bản ngã.
Muốn có được Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang là những yếu tố tượng trưng cho trí tuệ bền bỉ lâu dài, lập trường trên lý tưởng và hành động dấn thân phục vụ, ta cần có thái độ vô tranh; tức là không tranh chấp về ý thức hệ, tôn giáo, chính trị thì lúc đó bản ngã độc tôn sẽ bị thiêu hủy và chuyển hoá, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và an vui.
Đó cũng là lý do đức Phật Thích Ca từng tuyên bố: “Ta chưa từng tranh chấp với đời chỉ có đời tranh chấp với ta.” Lời tuyên bố chánh pháp của Thế Tôn đi ngược lại với các quan niệm sai lầm về phong tục tập quán, nền văn hóa triết học và tôn giáo Ấn Độ. Nó không được xem là sự tranh chấp bởi lời tuyên bố đó không vì quyền lợi, không để khẳng định Phật là người có tài để mong cầu sự cung kính và cúng dường của bá tánh. Ngài tuyên bố chân lý mang lại lợi lạc cho cuộc đời, hoàn toàn không có thái độ và động cơ của sự tranh chấp.
Đối diện trước tuyên bố chân lý đó, những giới chức tôn giáo đóng vai trò trung gian giữa Thượng đế và con người bị mất quyền lợi, giảm ảnh hưởng, vai trò và vị trí của họ trong xã hội. Họ xem đức Phật như đối thủ hay cản lực lớn, do bởi Ngài đã phá bỏ sự mê tín dị đoan, niềm tin vào các thần linh, chấp nhận định mệnh, sự ngẫu nhiên hay an bày. Đức Phật đi theo con đường chân lý, tuyên bố những gì cần tuyên bố, và làm những gì cần làm. Khi việc đã xong, Ngài xác định vai trò, nhiệm vụ của Ngài đã hoàn tất, và sau đó nhập Niết Bàn. Đạo lý của Thế Tôn là thế.
Cơ sở dữ liệu về tâm lý, thái độ và hành động vô tranh sẽ trở thành yếu tố quyết định “vô lượng thọ” của chúng ta. Khi sống trong tuổi thọ không hề bệnh tật, ốm đau, phiền não, hận thù, tranh chấp thì trí tuệ sẽ phát sinh. Hai yếu tố này bổ sung cho nhau.
Đó là mô hình của xã hội Tịnh độ lý tưởng gồm các thành phần kiến trúc sư cao nhất của Tịnh độ là Thế Tôn, A-Di-Đà, các vị nhứt sanh bổ xứ như Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Di Lặc, Thường Tinh Tấn, Càn-đà-ha-đề v.v…các cư dân Thánh giả, các vị bất thối chuyển, và cuối cùng là các vị mới nhập cư hay mới tái sanh.
Thế giới Cực Lạc không có vua và dân, không có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Thế giới Ta bà này chưa có mô hình như Tây phương Cực lạc. Thế giới Tây phương là một thế giới rất đẹp. Nơi ấy thiên nhiên hài hoà vào sự sống con người và các loài vật, phương tiện là công cụ hỗ trợ giúp con người hướng về chánh pháp và đạo đức. Con người nơi ấy có Phật tính và sự bình đẳng Phật tính, tiềm năng chứng đắc và sự chứng đắc, mời gọi và mở cửa cho tất cả mọi người. Cấu trúc Tịnh độ như là xã hội lý tưởng mà ta có thể mô phỏng, nhập cảng và thiết lập ở Ta bà nếu có quyết tâm thì chắc chắn ta sẽ xây dựng được.
LÀM BẠN BẬC TRÍ
Kinh A-di-đà xác định nguyện vọng chính đáng của các hành giả Tịnh độ khi bày tỏ tấm lòng muốn phát nguyện vãng sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc và nguyện vọng đó có thể khác nhau tùy theo mỗi người.
Một số người cho rằng cõi Ta bà đầy khổ đau, bất hạnh. Dù đã nỗ lực tu tập, làm lành lánh dữ nhưng tai họa và khổ đau vẫn tiếp tục đeo đuổi, cho nên họ mong tìm một cảnh giới hạnh phúc và an vui lâu dài. Lại có quan điểm cho rằng sanh về Tây phương Cực Lạc không có cha mẹ, hành giả sẽ được hóa sanh trên những hoa sen báu. Nói cách khác, cõi ấy không có đời sống tính dục nên khổ đau cũng không có; do đó, tốt nhất là sanh về Tây phương. Đó là một trong vô số quan điểm và lý do chính đáng của những người có nguyện vọng vãng sanh.
Trong kinh A-di-đà, đức Phật đã nêu các trợ duyên tích cực: “Khi nghe danh Phật, hãy nên nhiếp tâm, phát nguyện vãng sanh, làm bạn Bồ-tát, tròn đầy trí đức.”
Đây là nội dung ẩn chứa sâu sắc giống như câu nói: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Bạn ở đây không phải là người phàm kẻ tục, mà là Thánh nhân, Bồ-tát và các bậc giải thoát với trí tuệ và lòng từ bi rộng lớn. Khi làm bạn với các ngài, tâm của ta cũng được chuyển hóa theo. Trong cuộc đời, ai cũng muốn có người bạn đồng giới, bạn khác giới, bạn đời, bạn chí hướng, bạn đồng nghiệp… nhưng có mấy ai tìm được người bạn lý tưởng như mong đợi. Tìm một người tốt để làm bạn rất khó, bởi cá tính của mỗi người khác nhau. Nếu người bạn ấy có chí hướng cao, có bản lĩnh và lòng vị tha rộng lớn, kết bạn và giao du với họ tâm ta sẽ được thăng hoa. Ngược lại, giao du với người không có chí nguyện, lười biếng, bạc nhược, ỷ lại, ích kỷ sẽ mang lại cho ta nhiều phức tạp và rắc rối về sau.
Trong kinh Pàli, đức Phật dạy:“Nếu không tìm được người bạn đường bằng hoặc hơn mình thì thà đơn độc một mình chứ không kết bạn với người vô minh.” Đó không phải là thái độ ích kỷ, mà phải thận trọng “chọn bạn mà chơi”. Bởi sự ảnh hưởng, lây lan tâm lý được diễn ra theo cách tương tác, người có cá tính mạnh sẽ ảnh hưởng đến người có cá tính yếu hơn. Nếu sống tương quan trong vùng từ trường của người yếu kém về đạo đức, suy sụp về tâm linh và không có tuệ giác lớn thì tâm ta biếng nhác. Vì thế, tìm được người bạn lý tưởng sẽ hỗ trợ ta tiến bộ rất nhiều trên con đường lập nghiệp và tu tập.
Loại hình tâm linh của các vị Thánh ở Tây phương cho thấy đây là một thế giới lý tưởng. Đó là nơi hội tụ bậc thượng thiện. Có mặt trong vùng từ trường tâm linh của bậc thượng thiện thì tâm tư, tình cảm, chí nguyện của ta cũng sẽ được chuyển hóa. Sống trong môi trường tích cực thì giá trị và lợi lạc sẽ lớn. Nhận chân được sự ảnh hưởng tiêu cực của người phàm kẻ tục đối với mối quan hệ bạn bè, đức Phật khuyên ta hãy nên phát nguyện vãng sanh về Tây phương, bởi cõi ấy chỉ toàn các vị Bồ-tát đầy đủ trí đức. Trí thuộc về nhận thức và đức thuộc về hành động từ bi. Người có tuệ giác lớn luôn có hành động lớn và kèm theo là chí nguyện lớn. Chí nguyện và hành động sẽ mang lại phước báu cho bản thân, cộng đồng và xã hội. Khi giao du, thân cận, học hỏi và đảnh lễ các ngài thì tất nhiên ta sẽ có vùng ảnh hưởng tâm linh tích cực.
GIÁ TRỊ CỦA KHUYẾN TẤN
Điều kiện vãng sanh được nêu ra trong kinh không đơn giản. Các vị Pháp sư hay các hành giả Tịnh độ tông khuyến tấn bằng nhiều lời khích lệ. Ví dụ như: “Niệm Phật một câu tiêu tội vô lượng, lạy Phật một lễ tội diệt hà sa.” Chính lời khẳng định ấy đã tác động khá nhiều đến những người phát nguyện dấn thân hành trì pháp môn Tịnh độ. Vì họ thấy được sự lợi lạc của pháp môn này khá lớn. Chỉ cần niệm Phật, đảnh lễ mà tội được diệt và vãng sanh là điều ai lại chẳng mong muốn. Tuy nhiên, lời nói đó cần được hiểu trong những dấu ngoặc đơn, nếu không, ta mê theo giá trị của pháp môn mà không gieo trồng hạt giống để tạo ra các giá trị đó, thì khó có thể đạt được mục đích.
Các vị Tổ sư thường nói vắn tắt, như công án để ta tư duy và ứng dụng. Nếu trong một nội dung mà tất cả những điều cần nói được nói hết, đôi lúc lại không tạo ra sự khao khát tìm cầu. Nếu không có vấn nạn thì kiến thức của hành giả sẽ bị giới hạn trong những gì được diễn đạt và mô tả.
Dấu ngoặc đơn thứ nhất cho câu tuyên bố nêu trên là ta phải niệm Phật theo công thức “nhất tâm bất loạn”, nghĩa là tâm không còn loạn tưởng với đối tượng, chuyên chú vào danh hiệu Phật với lòng chí thành thì phước bắt đầu gia tăng. Việc đảnh lễ Phật không đơn thuần chỉ là động tác thể dục thể thao để có tuổi thọ, dù các hoạt động cơ bắp được diễn ra. Mấu chốt của việc đảnh lễ nên được xem là pháp môn hành trì. Có như thế thì giá trị công đức mới gia tăng và phước báu vô lượng.
Dấu ngoặc đơn thứ hai là tâm hành giả chuyên nhứt niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà. Động tác đảnh lễ Phật được bày tỏ một cách chí thành tha thiết, đương nhiên những phiền não, nghiệp chướng và khuynh hướng tiêu cực nếu có trong quá khứ sẽ bị khựng lại. Việc khựng lại này sẽ tạo ra một bước ngoặt trong tư duy và nhận thức của con người. Tư duy và nhận thức đó sẽ mang chất liệu dẫn đạo, làm tiền đề đưa ta đến sự hành trì tích cực và dấn thân nhiều hơn, do đó “tội diệt và phước sanh” là thế. Nếu chỉ hiểu nghĩa đơn thuần là niệm Phật một niệm thì tội tiêu và lễ Phật một lễ thì phước sanh, mà không có lòng chí thành và không có phương pháp sẽ dẫn đến sự hiểu lầm và ỷ lại. Đảnh lễ và thọ trì như thế chẳng mang lại kết quả gì.
Lời tuyên bố của chư Tổ về Tịnh độ tông mang tính chất khuyến tấn. Giá trị của giáo dục khuyến tấn thường tạo ra nhân duyên khích lệ, giúp thiết lập niềm tin vững chãi và không bỏ cuộc trên con đường hành trì. Cũng như viên thuốc được bọc đường bên ngoài khi uống, bệnh tật được trị liệu mà vẫn tạo cảm giác khoái khẩu để ta có thể uống lâu dài. Nếu để “thuốc đắng đả tật” thì chỉ có người hiểu được giá trị của vị thuốc và sức nhẫn nại chịu đựng mới có thể trị liệu thành công, còn lại số đông rất ngán ngẫm. Thông thường, vị thuốc đông y rất đắng nhưng có tác dụng cao. Hiện nay, đông y cũng phương tiện hóa bằng cách bọc một lớp mật xung quanh viên thuốc nhằm giảm bớt phần nào vị đắng khó chịu. Bản chất trị liệu không nằm ở yếu tố mật ngọt mà nằm ở vị đắng của thuốc, nếu không có mật thì vị đắng này khó đưa vào cơ thể và không mang lại hiệu quả trị liệu. Các Tổ đã phương tiện hóa bằng cách dùng những lời lẽ khuyến tấn để hỗ trợ ta trong buổi đầu hành trì.
ĐIỀU KIỆN VÃNG SANH
Kinh A-di-đà nêu rõ: “Bất đắc dĩ thiểu, thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc.” Dịch nghĩa là “Căn lành ít ỏi, phước đức sơ sài, nhân duyên thiếu thốn, sẽ không dễ gì sanh về Cực lạc”. Đức Phật nêu ba yếu tố: 1) Đầy đủ căn lành, 2) Đầy đủ phước báu và 3) Đầy đủ nhân duyên hỗ trợ, là điều kiện cần thiết dể vãng sanh về Tây phương Cực Lạc.
Những ai không có đủ ba yếu tố trên hoặc có ít thì không thể sanh về cõi ấy. Giả sử các vị Tổ của Tịnh độ hay các vị đạo sư có giúp ta đến Tây phương Cực Lạc thì nơi ấy cũng không thể dung nhận, vì ta thiếu các điều kiện vừa nêu. Thế nhưng nội dung quan trọng này lại ít được đề cập trong các tác phẩm Tịnh độ tông. Các vị Tổ sư thường có khuynh hướng nhắm vào lòng từ bi và tha lực huyền diệu của chư Phật, lại phớt qua nhân tố quyết định quan trọng, tạo cơ sở và nền tảng phước báu như một bệ phóng của phi thuyền đẩy ta từ cảnh giới Ta bà đi thẳng vào quỹ đạo Tịnh Độ. Dù hành giả đã có căn lành, phước báu, nhân duyên nhưng ít thì cũng chưa đủ để có thể sanh về cõi ấy.
“Nhiều” là lượng từ bao quát, ý nhắc ta hãy tập trung đầu tư có phương pháp bằng thời gian, công sức, tâm huyết, hành trì, làm các việc lành, gieo trồng nhiều phước báu và hỗ trợ những nhân duyên tích cực thì mới có cơ may sanh về thế giới Cực Lạc. Khi nghe các điều kiện trên, có người tỏ vẻ ngán ngẫm cho rằng pháp môn này tuy đơn giản nhưng điều kiện vãng sanh lại quá khó. Tuy nhiên, nếu đọc kinh Quán Vô Lượng Thọ, có lời nguyện thứ mười tám như sau: “Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín mộ, muốn sanh về nước tôi, nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh, thời tôi không ở ngôi chánh giác, trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch, cùng hủy báng Chánh pháp”.
Nghĩa câu trên là, nếu hành giả nào niệm mười hiệu với tâm tập trung cao độ, đúng phương pháp mà không được vãng sanh thì đức Phật sẽ không ở ngôi chánh giác. Hai câu trong kinh A-di-đà và Quán Vô Lượng Thọ kinh hoàn toàn không đối lập ý nghĩa mà ngược lại còn bổ sung cho nhau. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật nhắm đến nội dung chiều sâu tâm thức trong sự hành trì và tu tập, trong khi kinh A-di-đà lại nhấn mạnh đến yếu tố phước báu, tạo cơ sở “Nhất tâm bất loạn” cho hành giả. Những ai tạo quá nhiều việc xấu, có nỗi sợ hãi về pháp luật, bị lương tâm đạo đức giằng xé, không thể tập trung để đạt được trạng thái nhất tâm bất loạn. Do đó, cần phối hợp cả hai điều kiện trên, vừa phải gieo trồng công đức và phước báu, vừa phải có nhất tâm bất loạn trong hành trì thì cơ hội vãng sanh mới cao.
Hòa thượng Tịnh Không là một trong các vị hành giả Tịnh độ tông hiện đại, trong các ngôi chùa của ngài đều có hai câu đối đặt bên đức Phật A-di-đà: “Bách phước tự trang nghiêm. Chư Phật sở hộ niệm”, nghĩa là hãy tự trang nghiêm con người hành giả bằng hàng trăm loại phước báu khác nhau, được vậy chư Phật sẽ hộ niệm và tiếp dẫn ta về Tây phương Cực Lạc. Hòa thượng Tịnh Không đã tóm lược phần nào nội dung trong kinh A-di-đà. Câu đối này liên hệ đến nhân quả và là trọng tâm của phương pháp tu tập. Nhân là yếu tố quyết định, quả là sự kéo theo tất yếu, nhân không có thì quả không thể hội tụ. Tiếc thay, nhiều hành giả lại có suy nghĩ khá đơn giản rằng chư Phật có lòng từ bi lớn, không cần phải tạo phước đức nhiều mà chỉ cần chí thành niệm danh hiệu của Ngài là đủ và ta có thể mang nghiệp phàm phu này mà sanh về Tây phương. Như thế là ta đánh mất đi yếu tố tự lực thuộc về nhân quả, do đó tiến trình vãng sanh khó thành tựu.
Các hành giả nên tập trung vào câu thứ nhất “Bách phước tự trang nghiêm” nhiều hơn là câu thứ hai “Chư Phật sở hộ niệm.” Nơi nào có người trang nghiêm đạo đức bằng hàng trăm ngàn phước báu khác nhau thì nơi đó Phật và Bồ-tát sẽ có mặt. Các vị Bồ-tát thường được mô tả trong kinh điển Đại thừa là những đại hành giả gieo trồng vạn hạnh công đức. Các ngài vận dụng vô số phương tiện, ứng thân nhiều loại hình chúng sanh khác nhau, để tiếp độ chúng sanh. Có như thế, lời kinh và chánh pháp của đức Phật mới được họ tiếp nhận một cách hiệu quả. Ta không thể lấy não trạng văn hóa của người Việt Nam áp đặt lên não trạng văn hóa của người phương Tây, như thế họ khó có thể hiểu và tiếp nhận giáo lý của đạo Phật. Cần phải lấy não trạng văn hóa của phương Tây diễn dịch giáo lý của đạo Phật thì người phương Tây có cơ hội biết đến đạo Phật hơn.
Sự nhập cảng nguyên vẹn một pháp môn hay một nền văn hóa sang một nền văn hóa khác mà thiếu tính khế lý và khế cơ sẽ không mang lại kết quả như ý. Các vị Bồ-tát có ba mươi hai ứng thân, thiên hình vạn trạng, phong phú với nhiều hình thức, sắc thái khác nhau để thực hiện muôn hạnh lành và tạo vô số công đức. Khi hạnh lành và công đức được thành tựu thì những nghiệp chướng xấu xa trong quá khứ sẽ bị tiêu trừ. Đó là bệ phóng, điều kiện tất yếu để đưa ta sang cảnh giới Tây phương Cực Lạc.
Đầy đủ thiện căn. Thiện căn là không còn tham, sân, si, có thể hiểu chung là gốc rễ từ bi, đạo đức, hoặc các yếu tố căn bản để giúp hành giả thiết lập an vui và hạnh phúc trong cuộc đời. Thiện căn còn được hiểu theo hai hình thức khác nhau. Thứ nhất là các hạt giống tích cực, thứ hai là các khuynh hướng phát huy từ cách gieo trồng hạt giống nhân cách. Hạt giống là tiềm năng và khuynh hướng nhân cách là kết quả. Nếu đặt vào quỹ đạo hay những con đường tốt, chúng sẽ là nền tảng lâu dài, dù bất cứ ở đâu, trong nền văn hóa hay bối cảnh lịch sử nào, cũng không thể nhổ lên. Khi tuệ giác, gốc rễ từ bi, đạo đức bám sâu vào não trạng và nhận thức thì dù có phong ba bão tố hay những cám dỗ của cuộc đời, con người vẫn có thể vượt qua.
Đức Phật nhìn thấy rõ mỗi con người thông qua hành vi đạo đức, thiết lập cây đạo đức ở tâm, ở ngôi nhà, xã hội đang sống và rộng lớn hơn là một quốc gia hay toàn thế giới. Gốc rễ đó được gieo trồng một cách có nghệ thuật thì con người có thể bước vào đời vững vàng. Những gì được gieo trồng và vun đắp từ thuở nhỏ thì khó có thể nhổ lên khi trưởng thành. Nếu không may các bậc cha mẹ tin các học thuyết mê tín dị đoan, tà thuyết vu vơ của tà ma ngoại đạo, hoặc các học thuyết định mệnh thì các hạt giống này sẽ trở thành lệnh điều khiển dẫn dắt con em ta trong cuộc đời, làm chúng trở nên bạc nhược, mất phương hướng.
Do đó, cần gieo trồng hạt giống thiện lành trong não trạng và tâm thức của con em từ thuở lọt lòng, bằng cách cho chúng quy y. Rất nhiều gia đình Phật tử hiểu sai ý nghĩa tự lực trong đạo Phật, từ đó hiểu sai ý nghĩa tự giác là tự ý thức. Điều này dẫn đến quan niệm không cần khuyến tấn con em, người thân hay gia đình theo đạo Phật, để họ tự tìm đường mà đi. Trong sự dò dẫm như thế không phải ai cũng may mắn tìm ra được con đường chân chính.
Khi nhận thấy đạo Phật là con đường của tình thương và hiểu biết, con đường của tuệ giác và từ bi, con đường của an vui và hạnh phúc thì không có lý do gì ta lại không chia sẻ giá trị đó cho gia đình và người thân. Nếu con em ta vẫn chưa chấp nhận, cần phải có biện pháp cứng rắn hơn để chúng tiếp nhận được giá trị chân chính và đạo đức. Nếu để chúng tập tành khuynh hướng xấu của xã hội, về lâu dài, gốc rễ tiêu cực này khó có thể bứng khỏi não trạng chúng. Bởi các thói quen, khuynh hướng xấu dễ gieo trồng nhưng lại khó tẩy rửa. Những gì đã trở thành nếp suy nghĩ của con người thì sẽ trở thành chân lý. Cho dù ta có đổ công sức, mồ hôi và nước mắt cũng khó thành công trong việc cách tân. Có thiết lập được căn lành cho con em thì mới định hướng ý thức cho chúng. Chính căn lành này tạo thành ngọn đuốc soi đường, làm nền tảng cho các giá trị chân chính và đạo đức.
Có những loại cây có thể trồng bằng gốc rễ. Có cây có thể trồng bằng cách chiết nhánh hay hạt. Tương tự, căn lành của con người có thể gieo trồng bằng nhiều cách khác nhau, bằng tư duy, nhận thức, hành động cụ thể, lời nói hoặc các tác phẩm văn hóa nghệ thuật v.v… Tùy theo chức nghiệp và sở trường ta có thể chọn lựa cách thức gieo trồng căn lành cho bản thân. Nếu là một nhà văn thì nên khuyến tấn sáng tác các thể loại văn chương nhằm ca ngợi cái đẹp, tán thán công đức giúp cho người đọc thấy được giá trị công bằng xã hội. Dù những tác phẩm ấy có thể ít người mua, kén người đọc, giá trị kinh tế của sản phẩm không cao, nhưng gieo trồng nó nghĩa là ta đang thiết lập Tây phương Cực Lạc tại Ta Bà.
Ta có thể gieo trồng giống lành bằng lời nói trực tiếp, khuyến tấn, chia sẻ kinh nghiệm tu tập hoặc bằng hành động dấn thân. Ta có thể tự làm và trở thành đúng đắn, như bài học ấn tượng cho người khác nương theo. Điều này được gọi là thân giáo, nghĩa là giáo dục bằng sự mô phạm của bản thân, giá trị và ảnh hưởng về đạo đức của nó là rất lớn.
Đầy đủ phước đức. Đề cập đến việc gieo trồng phước báu nhiều, đức Phật nói trong kinh A-di-đà: “Buổi sáng các cư dân Tịnh độ đi rải hoa cúng dường mười phương chư Phật.” Nên hiểu ý nghĩa câu này dưới góc độ triết lý mới thấy được giá trị sâu sắc, so với nghĩa đen.
Đức Phật khuyên người xuất gia không sử dụng hương liệu hay trang sức phẩm để làm đẹp, mà nên trang sức, làm đẹp bằng hương thơm đạo đức. Thẩm mỹ học đạo Phật là thẩm mỹ đạo đức. Do đó, “hoa” ở đây là hoa công đức, nghĩa là làm điều lành, từ thiện, dấn thân làm công tác xã hội. Cúng dường chư Phật bằng hành động thực tiễn là công việc rải hoa cúng dường Thế Tôn. Giá trị của sự cúng dường ấy mang lại phước báu lớn.
Ở Ấn Độ, vào thời Phật không có đốt hương, thắp nhang. Từ khi đạo Phật du nhập vào Trung Hoa thì tập tục này mới xuất hiện. Người Việt Nam do bị ảnh hưởng sâu đậm bởi truyền thống văn hóa Trung Hoa nên thắp hương đã trở thành phong tục tập quán. Khói nhang đầy hóa chất làm cho chùa và tượng Phật bị ngã màu đen đuốc, mất hết vẻ đẹp và sự trang nghiêm. Đến chùa vào ngày rằm, mùng một hay những ngày lễ lớn, người ta khó tập trung, lòng tôn kính đức Phật và việc tìm hiểu giáo lý thông qua lời kinh cũng bị giảm, do phải đối phó với nạn nghẹt thở của khói nhang dày đặc. Ta đốt một bó nhang vài ngàn đồng mà làm cho ngôi chùa phải sơn phết lại tốn biết bao kinh phí, lại còn gây ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và tu tập của nhiều người thì việc làm này hoàn toàn không có công đức, phước báu gì.
Bài nguyện hương nói về năm loại hương gồm: giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương. Giới hương là hương đạo đức, định hương là hương tu tập và thiền quán, tuệ hương là hương nhận thức sáng suốt. Riêng hai loại giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương là kết quả của một quá trình tu tập nhờ hoàn tất Giới-Định-Tuệ nên hành giả có được sự giải thoát và ý thức rõ về cấp độ giải thoát của mình. Đây là năm loại hương đức Phật khuyên chúng ta nên cúng dường Ngài.
Dâng hoa công đức bằng cách làm những việc lành cụ thể, cho dù việc làm lành ấy nhỏ. Ví dụ khi đi đường thấy một mảnh chai bị vỡ, ta có thể lượm nó bỏ vào thùng rác, giúp cho người khác không bị thương tật khi vô ý giẫm phải. Việc làm này là cúng hương Phật để tô đẹp cuộc đời. Hoặc khi thấy rác ngoài đường phố, ta có thể nhặt chúng bỏ vào sọt rác, góp phần làm sạch đẹp môi trường sự sống. Người làm công quả trong chùa là người tạo vô số công đức. Không nên xem thường những việc vặt vãnh như lặt rau, quét lá, lau chánh điện, dọn vệ sinh v.v… Nếu người làm với lòng chí thành dâng cúng mười phương Phật thì phước báu vô cùng. Giá trị của phước báu tỷ lệ thuận với tâm và cách thức hành động. Hiểu được điều này theo tinh thần của kinh A-di-đà, ta có thể tạo vô số phước đức ở hiện tại và tương lai với nhiều điều kiện thuận lợi.
Bên cạnh việc gieo trồng phước cần tạo thêm đức. “Phước” liên hệ đến việc làm còn “đức” thuộc về tâm linh, thái độ, cách nhận thức và hành động. Nếu hành động nhặt mảnh chai ở ven đường mà ta buộc mọi người phải mang ơn, ca tụng hay tán thán, xem như ta đang tán dương bản ngã, làm cho phước bị giảm thiểu và kéo theo sau là sự phiền não, phiền toái phát sinh trong các mối quan hệ. Do đó, khi làm phước với thái độ chân chính, Phật tử nên có lòng khiêm hạ và tấm lòng của người dấn thân phục vụ. Hãy quán niệm ta là mảnh giẻ lau thân Phật cho sạch sẽ trang nghiêm, là cây chổi để quét sạch rác rưởi trong sân chùa, là ly nước giúp cho cuộc đời bớt khát hoặc chén cơm giúp cho người bớt đói khổ v.v…
Thái độ vô ngã giúp lòng khiêm hạ được tăng trưởng và bản ngã ngày càng nhỏ lại, rồi được chuyển hoá tuyệt đối. Tinh thần vô ngã là trục xoay giúp ta có được thái độ khiêm hạ. Vô ngã, khiêm hạ và không chấp trước là ba yếu tố quan trọng làm cho “đức” của hành giả được tăng trưởng. Nếu chỉ có phước mà không có đức thì con người chỉ có thể hưởng đời sống an lành và hạnh phúc, nhưng bản chất đời sống nội tâm của họ lại khổ đau, mối quan hệ tình người và các giá trị đạo lý nhân văn có thể không có. Đức tạo thêm giá trị cho phước và phước hỗ trợ cho đức được tồn tại lâu dài.
Muốn gieo trồng nhân duyên, ta có thể thực hiện bằng nhiều hình thức tùy theo điều kiện cho phép. Thế Tôn trước khi xuất gia nhờ nhìn thấy một vị Sa môn với bước đi thanh thoát, tạo sự tương phản ấn tượng khá lớn giữa ngưỡng cửa cuộc đời và ngưỡng cửa tâm linh. Sự mâu thuẫn nội tại giữa hai khuynh hướng hưởng thụ và tâm linh đã chuyển hóa cuộc đời của thái tử Tất-đạt-đa. Ngài nhìn thấy vị hành giả ấy không có trong tay một tài sản gì, nhưng lại có chất liệu an vui và hạnh phúc trên từng bước chân. Điều này khiến Ngài đặt câu hỏi: Phải chăng hạnh phúc là vật chất? Câu trả lời là: Không! Phải chăng hạnh phúc là tinh thần? Câu trả lời của Ngài là: Hẳn vậy!
Nói cách khác, hạnh phúc thuộc về cảm xúc, chỉ cần điều chỉnh cảm xúc theo đúng hướng thì lúc con người cảm nhận được giá trị an vui. Hạnh phúc đi ngược lại với khuynh hướng hưởng thụ.
Đầy đủ nhân duyên tốt. Thái tử Tất-đạt-đa đi xuất gia nhờ gặp vị hành giả của một tôn giáo khác. Rất nhiều vị đạo sư, Bồ-tát trong Phật giáo cũng có nhân duyên may mắn như thế trước khi đến với đạo Phật. Ví dụ như ngài Xá-lợi-phất nhờ gặp vị A-la-hán Mã Thắng với hai câu triết lý: “Mọi sự vật hiện tượng không tự nó sanh ra và không tự nó mất đi” giác ngộ. Bởi vì đạo lý đó chưa từng xuất hiện trong kinh điển Vệ-đà, trong tâm linh của người Ấn Độ hay bất kỳ một tôn giáo nào khác. Chỉ có đạo Phật trong thời điểm đó đã khám phá và tuyên bố như thế qua cái nhìn tuệ giác của Thế Tôn. Cuộc gặp gỡ và hai câu triết lý của ngài Mã Thắng đã làm cho nhà Bà-la-môn trẻ tuổi và tài ba Xá-lợi-phất trở thành hành giả Phật giáo, hỗ trợ đắc lực cho đức Phật trên con đường hoằng hóa về sau.
Tương tự, Lục tổ Huệ Năng của Trung Hoa sau khi nghe câu kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, nghĩa là không để tâm bị vướng víu, chấp trước vào bất kỳ một đối tượng nào dù là thế gian hay xuất thế gian, là phương tiện hay cứu cánh, là chân lý hay phi chân lý, có thể vượt thoát mọi khổ ách trong cuộc đời. Nhờ nhân duyên với câu kinh đó mà ngài trở thành vị tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa. Do đó, yếu tố nhân duyên tốt thường mang lại nhiều giá trị tích cực và to lớn. Những ai bắt gặp nhân duyên như thế sẽ thay đổi cả cuộc đời theo hướng tích cực.
Kinh điển Pàli kể lại nhiều cuộc đối thoại của Thế Tôn và các vị Bà-la-môn giáo và các hành giả khác tôn giáo thời bấy giờ. Nhiều tình huống cho thấy các vị này khi đến gặp đức Phật với mục đích để vấn nạn, gây khó khăn, làm cho Ngài bí thế trước quần chúng nhằm chứng tỏ họ là người tài ba và trí tuệ hơn Ngài. Thế nhưng khi gặp Thế Tôn, được nghe Ngài thuyết pháp thì họ đều trở thành đệ tử và thậm chí xuất gia theo Phật. Chính nhờ nhân duyên “chất vấn Phật” mà họ trở thành người hành giả Phật giáo.
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, yếu tố nhân duyên được trình bày khá tích cực và cụ thể. Đức Phật dạy một đứa bé thốt lên tiếng “Mô Phật” cũng có hạt giống Phật tính và có thể trở thành một vị Phật trong tương lai. Hạt giống Phật tính không bị mất trong mỗi người. Nó có thể mất đi tác dụng trong một giai đoạn nào đó hay suốt quá trình sanh tử của con người. Khi vô minh chinh phục và chi phối nỗi khổ đau thì hạt giống Phật có thể bị ảnh hưởng, nhưng không vì thế mà mất hẳn. Chẳng hạn mặt trời trong một thời điểm bị mây mù che khuất, nhưng bản chất chiếu sáng của nó vẫn luôn tồn tại không hề mất. Mây che khuất thì ánh sáng chiếu soi bị giảm tác dụng. Ánh sáng mặt trời liên tục chiếu soi giống như tuệ giác con người không thể mất.
Hãy gieo trồng hạt giống Phật tính bằng cách nhiếp tâm niệm Phật, đi chùa, tạo công đức và dấn thân vào các công tác từ thiện. Nếu sau này không có cơ hội làm những việc đó thì các hạt giống này vẫn còn nguyên vẹn, dù không tiếp tục phát triển nhưng cũng không vì thế mà biến mất hẳn. Đến một lúc khi điều kiện và chất xúc tác có mặt thì Phật tính ấy lại tiếp tục diễn ra.
Ngạn ngữ Trung Quốc nói: “Hữu duyên thiên lý năng tao ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Khi không có nhân duyên thì dù có gặp nhau trước mắt cũng trở nên xa lạ. Điều này có thể thấy rõ trong mối quan hệ vợ chồng. Nếu hai vợ chồng có cá tính khác nhau, luôn xung khắc như nước với lửa thì dù có ăn chung một mâm, ngủ chung một giường nhưng tâm tư của họ hoàn toàn là hai chiều đối lập nhau. Họ có cùng điểm giao thoa từ nơi xuất phát, nhưng càng đi họ càng xa dần đến độ trở thành người xa lạ nhau.
Nhân duyên là yếu tố quan trọng giúp phước báu thành tựu, đức lớn mạnh và căn lành tăng trưởng. Do đó, hành giả cần gieo trồng nhân duyên lành. Có người tuy nhà ở cạnh chùa, thế mà suốt cuộc đời chưa từng bước chân đến chùa và điều này hoàn toàn đúng với câu “Vô duyên đối diện bất tương phùng”. Khi vô duyên thì dù là người hàng xóm vẫn chẳng thể gặp nhau.
Ở phương Tây, dù ở sát vách nhau mấy mươi năm, người ta không hề biết mặt hay tên tuổi của nhau. Bởi nền văn hóa ấy đề cao sự riêng tư được luật pháp bảo hộ. Sống trong nền văn hóa ấy, con người co rút lại trong vỏ sò “đèn nhà ai nấy tỏ”, không thiết lập quan hệ tình làng nghĩa xóm, tạo ra tình huống tuy gần nhau mà vẫn xa nhau. Nền kinh tế tư bản và công nghiệp hiện đại thường dẫn quan hệ tình người như thế. Ngược lại, ở các nước chậm phát triển, dù đời sống vật chất khó khăn nhưng tình làng nghĩa xóm rất đậm đà. Khi đời sống nông thôn được đô thị hóa ở bình diện lớn thì mối quan hệ tình người cũng sẽ bị giảm dần và trở nên nhạt nhẽo.
Hiểu được tinh thần của bài kinh, mỗi chúng ta nên thiết lập giá trị tình người dù cho luật pháp xã hội đó có những ràng buộc nhất định hay tạo sự ích kỷ, ta nên vượt qua những khó khăn, trở ngại, nghịch duyên để tạo nhân duyên tích cực. Khi có nhân duyên rồi thì dù xa nhau cách mấy vẫn có thể gần nhau. Tình huống của một số Phật tử tuy ở cách xa chùa vài mươi cây số mà hàng ngày họ vẫn đến chùa là thế.
Điều này giải thích lý do tại sao đất nước của Phật hiện nay vẫn còn nghèo, các Phật tích hoang tàn, đổ nát, các dấu ấn quan trọng liên quan đến cuộc đời đức Phật trở thành đống gạch vụn, ngoài tháp Bồ đề Đạo Tràng vẫn còn trang nghiêm, hoành tráng. Thế mà Phật tử từ năm châu bốn biển và nhiều chủng tộc khác nhau vẫn tha thiết trở về đây lễ bái. Bởi lẽ những Phật tử đó có nhân duyên với Phật, chánh pháp. Do đó, họ cùng gặp nhau trên mảnh đất Phật, trong lý tưởng, trong công tác Phật sự v.v… Nếu đến ngôi chùa nào đó, có dịp học hỏi với chư Tăng Ni thì đó cũng là nhân duyên.
Chùa Giác Ngộ có tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn do Hoà thượng trụ trì an vị năm 1984. Kể từ khi có tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn thì việc thọ trì thần chú Đại Bi được phổ biến. Có nhiều Phật tử tuy ở rất xa nhưng vẫn lặn lội trở về chùa để thọ trì thần chú này. Những hành giả ấy có duyên với đức Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn.
Tương tự, một số người nhìn thấy tượng Phật Dược Sư và hạnh nguyện của Ngài gần gũi với nghề y nên cố gắng học theo hạnh nguyện đó. Nơi nào có tượng của Ngài thì hành giả ấy muốn đến, đó là vì nhân duyên. Khi đã có nhân duyên thì những khoảng cách về địa dư, quốc gia hay bất kỳ một cản trở nào không còn là vấn đề quan trọng.
Trong kinh A-di-đà, đức Phật dạy phải có đủ phước báu, căn lành và nhân duyên lớn với pháp môn, cùng sự hành trì thì ta mới hội đủ điều kiện sanh về Tây phương Tịnh độ.
YẾU TỐ HỖ TRỢ VÃNG SANH
Phương pháp tu tập với những yêu cầu căn bản để được vãng sanh về Tây phương Cực Lạc được nêu ra trong kinh A-di-đà như sau: “Bất luận nam nữ, khởi lòng khát ngưỡng, thọ trì danh hiệu, thực tập quán niệm, nhất tâm bất loạn, trong vòng một ngày, cho đến bảy ngày, tâm ý người ấy, phải thực yên tĩnh, như vào thiền định, không còn tán loạn, điên đảo mộng tưởng, thấy Phật Di-đà, Thánh chúng hà sa, dang tay tiếp dẫn, giúp cho vãng sanh”.
Chúng tôi vừa trình bày khái quát ba yếu tố căn bản để vãng sanh. Nếu chỉ tu ba yếu tố này mà không có những việc làm khác thì hành giả cũng khó được vãng sanh. Chính vì thế, đức Phật dạy thêm nhiều điều kiện, sự hỗ trợ và phương pháp tu tập tương thích để vãng sanh Tây phương được đảm bảo.
Nói cách khác, việc vãng sanh Tây phương phải bao gồm hai yếu tố. Thứ nhất, có tấm “hộ chiếu” để ra khỏi Ta bà, thứ hai, được cấp “visa” để nhập cảnh về Tây phương. Hai yếu tố này khác nhau rất nhiều, bởi vì có người tuy có tấm hộ chiếu nhưng không đủ điều kiện để nhập cảnh đến một nước nào đó thì họ vẫn phải quay về. Do đó, nếu hành giả không gieo trồng nhân duyên, phước báu, công đức và không thực hiện theo các phương pháp mà đức Phật đã dạy ở đây thì không thể nào được vãng sanh về Tây phương.
Thực tập tâm bình đẳng. Bản chất của bình đẳng là không phân biệt đối xử về giới tính, tuổi tác hay bất kỳ một ý thức hệ nào. Khi mọi ý niệm phân chia cần được xóa bỏ, thì hành giả đạt được trạng thái tĩnh lặng. Những hoạt dụng này làm cho tâm con người không chuyên nhứt với danh hiệu Phật A-di-đà và con đường hành trì tu tập sẽ bị trở ngại khá nhiều. Người học Phật nên hiểu ý nghĩa mở rộng của học thuyết bình đẳng trong nhiều lĩnh vực như chính trị, xã hội, luật pháp, đạo đức, tâm linh và tiềm năng tu chứng.
Thể hiện lòng khát ngưỡng. Các hành giả cần xem việc tu tập là nhu cầu tâm linh không thể thiếu như không khí để thở, nước để uống hay áo quần để mặc. Chính lòng khát ngưỡng này khiến con người có thể dấn thân lâu dài, bền bỉ, không thối chí hay nản lòng bỏ cuộc. Sự bền bỉ có thể mang lại kết quả như ý muốn.
Niệm trì danh hiệu. Việc thọ trì danh hiệu Phật mang ý nghĩa lớn. Nếu chỉ hiểu đơn thuần là sự thực tập thì chưa đủ. Hiểu theo nghĩa đen là “nắm lấy” danh hiệu của đức Phật như bàn tay hành giả đang nắm lấy hoặc ôm một vật gì đó vào lòng. Sự nắm lấy còn bày tỏ thái độ rất thân mật, tôn kính, giữ gìn. Nếu làm với thái độ qua loa, chiếu lệ thì lòng khát ngưỡng sẽ mất đi và việc thọ trì sẽ không có kết quả.
Vấn đề đặt ra là tại sao các hành giả Tịnh độ phải nắm lấy danh hiệu của đức Phật A-di-đà? Danh hiệu đó có ý nghĩa gì mà hành giả cần phải nắm lấy? Trả lời cho vấn đề trên, ta hãy liên tưởng đến sự kiện mỗi khi giao tế, ta thường có thói quen xin danh thiếp của đối tác, điều này có nghĩa là ta đang nắm lấy thông tin cá nhân của người đang giao tế và thiết lập mối quan hệ giao dịch, hợp tác với họ. Sự nắm lấy này tạo cho ta cơ hội giao tế trong hiện tại hoặc tương lai.
Việc nắm lấy danh hiệu của đức Phật được thể hiện bằng các hành động và là cơ sở liên hệ đến bản chất của pháp môn, sự hành trì hay một tông chỉ nào đó, để khi có nhu cầu ta biết chọn đúng nơi và thực hiện đúng phương pháp. Nhờ nắm lấy địa chỉ chùa mà hành giả có cơ hội đến chùa tu tập, nắm lấy danh hiệu của các vị cao tăng mà hành giả mới đến nghe các vị ấy thuyết giảng, nắm lấy danh hiệu của đức Phật là bậc tuệ giác vĩ đại của lịch sử nhân loại mà hành giả mới có thể tin tưởng vào kinh điển do Ngài nói ra. Tất cả những việc nắm lấy đó là điều kiện tất yếu liên hệ đến sự thọ trì.
Trong sự thọ trì, trí nhớ của ta được gia tăng, giá trị của kinh được mở rộng. Mức độ thọ trì là chất liệu của sự tập trung cao độ, giúp ta có thể an lạc và thảnh thơi trong cuộc đời. Hành giả nắm lấy danh hiệu của đức Phật A-di-đà là để nhớ đến phương pháp thực tập, pháp môn hành trì giúp thiết lập chánh niệm, nắm lấy con đường Tịnh độ để gieo trồng phước báu lớn, công đức nhiều, đầy đủ thiện căn và nhân duyên tích cực. Sự nắm lấy đó là những hỗ trợ dẫn ta đi đến thành công về phương diện tu tập.
Hành giả nắm lấy bằng cách liên hệ đến những gì thuộc về danh hiệu của đức Phật và giá trị của nó mà trong kinh A-di-đà có nêu ra hai nội dung chính là Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ. Hào quang tượng trưng trí tuệ và là một trong những biểu tượng triết lý sâu sắc của đạo Phật. Trong nền văn hóa Ấn Độ, ánh sáng tượng trưng cho sự tích cực, giá trị an vui và hạnh phúc. Yếu tố này được đạo Phật nâng lên thành trí tuệ, bởi có trí tuệ thực sự thì có an vui và hạnh phúc lâu dài. Vô Lượng Quang là ánh sáng tuệ giác của đức Phật A-di-đà, là ngọn đuốc soi đường để thiết lập chánh niệm cho pháp môn hành trì. Nhờ trí tuệ trong hành trì đó, hành giả có thể vượt thoát khổ đau.
Do đó, kinh A-di-đà giúp thiết lập tinh thần tự lực nơi hành giả khoảng 75%, sự hỗ trợ của đức Phật chỉ mang tính chất đưa đường dẫn lối và trao chìa khóa cho hành giả. Vấn đề còn lại là hành giả có mở cửa đi vào Tây phương Cực Lạc hay không?
Bản chất của pháp môn Tịnh độ dạy ta tinh thần tự lực và con đường dấn thân. Muốn đạt được như thế, hành giả phải nắm lấy danh hiệu của đức Phật và việc nắm lấy phải mang ý nghĩa tự lực. Nếu là tha lực thì hành giả không cần phải nắm lấy, vì tự động Ngài sẽ cứu ta. Sự nỗ lực cần được thiết lập trước thì sự giúp đỡ của tha lực mới được thiết lập sau đó. Điều này giống như các tôn giáo khác thường nói: “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”, nghĩa là trời xanh không cô phụ tấm lòng của người tốt. Trời, thần linh và thượng đế chỉ giúp những người lành, còn kẻ xấu thì chẳng ai giúp. Tại sao thần linh không giúp kẻ xấu? Vì quy luật nhân quả không cho phép các vị này làm như thế. Nếu vị nào tuyên bố có thể giúp được kẻ xấu thì đó chỉ là lời tuyên bố sáo rỗng, không có bất kỳ giá trị nào.
Cần xác định rõ sự giới hạn của thượng đế và thần linh nếu thượng đế là có thật. Theo đạo Phật, công đức, việc làm lành, nhân duyên và phước báu giúp đỡ, hỗ trợ ta. Khi mỗi người được giúp bởi công đức, phước báu, nhân duyên, căn lành của chính mình thì đức Phật cũng sẽ hỗ trợ ta là điều tất yếu. Muốn được như thế, hành giả phải thọ trì danh hiệu, nghĩa là nắm lấy pháp môn thông qua sự thiết lập chánh niệm và tỉnh thức. Nếu hành giả chỉ niệm qua loa hoặc bằng cách thức tính công với Phật thì chắc chắn việc niệm này sẽ không mang lại nội dung. Việc thọ trì danh hiệu có nội dung thì công đức mới có thể phát sinh.
Trong quá trình thọ trì danh hiệu Phật A-di-đà, hành giả không nên mong cầu phước báu cho bản thân và đây chính là nội dung quan trọng nhất. Nếu niệm danh hiệu đức Phật một ngàn câu để cầu mong cho mình có phước báu như việc trúng vé số chẳng hạn, là xem như ta đang mặc cả mua bán với đức Phật. Nếu Phật giúp đỡ ta thì Ngài trở thành người ô dù, còn những ai không niệm thì Phật không giúp ư? Như thế lòng từ bi của đức Phật là có điều kiện sao? Không thể như thế!
Do đó, hành giả cần niệm danh hiệu Phật bằng phương pháp chân chính để có nội dung hành trì. Chính nội dung hành trì giúp ta có được tấm “visa” nhập cảnh vào cõi Tịnh độ. Bằng không, dù có tốn nhiều năm công đức tu tập, hành trì nhưng thiếu nội dung và phương pháp vẫn chẳng mang lại kết quả lớn lao. Ngược lại, nếu tu tập và hành trì có phương pháp, nương vào niệm bằng lời để phát huy niệm bằng tâm, tức là niệm bằng chánh niệm thì công đức sẽ gia tăng và kết quả sẽ có mặt trên con đường tu tập của hành giả.
***