10. KINH NGHIỆP TẠO SAI BIỆT
***
Tôi nghe như vầy. Có một hôm nọ, đức Phật ở tại rừng Ic-cha-nan-kal, nhiều Bà-la-môn giàu và nổi tiếng như là Can-ki, Ja-nus-so-ni, Pok-khara-sati và Ta-ruk-kha cũng cùng có mặt. Đang khi tản bộ, có hai thanh niên tên Va-set-tha và Bha-rad-vaj thảo luận sôi nổi về “Bà-la-môn?”
Anh Bha-rad-vaj có quan điểm rằng: “Bà-la-môn là một người thuần chủng từ hai gia phả, mẫu hệ, phụ hệ, huyết thống thanh tịnh; bảy đời tổ phụ không một vết nhơ, không bị thị phi về nguồn huyết thống”. O
Anh Va-set-tha thì lại cho rằng: “Bà-la-môn là người có giới hạnh, đạo đức thanh cao; không do huyết thống, nguồn gốc gia đình.” Do vì bất đồng quan điểm tôn giáo, họ đã không thể thuyết phục lẫn nhau. Anh Va-set-tha gợi ý với bạn những điều sau đây: O
– Sa-môn Cồ-đàm là một thái tử, bỏ ngôi đi tu, thành bậc giác ngộ. Tiếng đồn sau đây được đời biết đến: “Ngài là Như Lai, bậc đáng cúng dường, bậc tuệ giác lớn, bậc đủ đức trí, bậc khéo vượt đời, bậc hiểu thế gian, bậc không ai hơn, bậc điều trượng phu, bậc thầy trời người, bậc đã giác ngộ, bậc đời tôn kính.” Người ở gần đây, trong rừng bên cạnh. Hãy đến hỏi người thế nào gọi là một Bà-la-môn? Những gì người dạy ta hãy học theo.
Cả hai đồng tình đến gặp Thế Tôn. Sau khi chào hỏi, cả hai ngồi xuống. Anh Va-set-tha bạch Phật lời rằng: O
Cả hai người chúng con
Được mọi người tôn xưng
Là những bậc thông đạt
Cả ba kinh Vệ-đà.
Văn phạm và ý nghĩa
Chúng con hiểu cặn kẽ,
Thuyết giảng và giải thích,
Như những bậc Đạo sư.
Chúng con đang tranh luận
Ý nghĩa “Bà-la-môn”,
Bạn con thì cho rằng
“Do nguồn gốc gia tộc”.
Con nói: “Do hành động,
Mới thành Bà-la-môn”.
Mong bậc có mắt tuệ,
Như trăng sáng ngày rằm,
Được mọi người kính lễ
Phân giải cho chúng con. O
Thế Tôn liền giảng dạy:
Này anh Va-set-tha,
Ta trả lời cho anh,
Như thật với bản chất.
Tất cả loài hữu tình,
Đa dạng và dị biệt,
Do sinh sản mà ra,
Không do ai phân định.
Hãy xem loài thảo mộc,
Dầu không có nhận thức,
Đều có tướng thọ sanh,
Do sanh mà khác loại.
Bướm đêm, các loại kiến,
Và tất cả côn trùng;
Hay các loài bốn chân,
Giống lớn hay con nhỏ;
Hoặc các loài bò sát,
Giống cứng hay lưng dài;
Hoặc các loài thủy tộc,
Hay các loại chim muông…
Do sanh mà khác loại.
Trong thế giới con người,
Tướng sanh không có nhiều:
Không ở đầu, mặt, cổ,
Không ở bụng, lưng, ngực
Không ở tay, chân, móng…
Mà sự sinh có mặt.
Thân thể của con người,
Không có nhiều sai khác.
Theo danh xưng mặc định,
Con người được gọi tên. O
Ai sống nghề ruộng nương
Được gọi là nông phu.
Ai làm nghề công chức
Được gọi là công nhân.
Ai sống nghề buôn bán,
Được gọi là thương gia.
Ai chuyên hầu hạ người
Được gọi là người hầu…
Ai cướp của, trộm cắp
Được gọi là đạo chích.
Ai trấn giữ biên thùy
Được gọi là chiến sĩ.
Ai chuyên lo cúng thần
Được gọi là tế quan.
Ai làm chủ quốc gia
Được gọi là vua chúa…
Không phải Bà-la-môn.
Ta không gọi một người
Là một Bà-la-môn
Chỉ vì do huyết thống,
Giàu sang, nhiều thế lực.
Người nào buông chấp thủ
Không hám lợi, tiền, danh,
Chuyển hóa mọi trói buộc,
Tâm không còn sợ hãi,
Chặt đứt mọi ách nạn,
Bậc giác ngộ, sáng suốt,
Ta gọi Bà-la-môn
Bất luận sanh từ đâu. O
Ai đức hạnh thanh cao,
Nhẫn nại và kiên trì,
Không phẫn nộ, giữ luật,
Khiêm tốn, không kiêu căng,
Làm chủ các giác quan,
Thân này là cuối cùng,
Vượt thoát mọi khổ ách,
Xứng gọi Bà-la-môn.
Như nước trên lá sen,
Hột cải trên đỉnh nhọn,
Không tham luyến dục vọng,
Xứng danh Bà-la-môn.
Ai xa lìa hệ phược,
Đặt được gánh nặng xuống
Không còn tâm chấp ngã
Xứng danh Bà-la-môn. O
Người có trí sáng suốt
Hiểu đạo và tà đạo,
Đạt được đích tối thượng,
Xứng danh Bà-la-môn.
Người ít muốn, biết đủ,
Không sát hại, đả thương,
Không hận giữa hận thù,
An bình giữa hung bạo,
Tự tại giữa chấp thủ,
Chuyển hóa tham, sân, si
Không cao ngạo, giấu lỗi
Xứng danh Bà-la-môn.
Ai nói lời chơn thực,
Nhỏ nhẹ và từ ái,
Không xúc chạm một ai,
Không lấy vật không cho,
Từ bỏ các tham cầu
Đời này và đời sau,
Dứt sạch mọi hệ lụy
Xứng danh Bà-la-môn. O
Ai dứt sạch nghi hoặc,
Không còn chấp dính gì,
Đạt được sự bất tử,
Vượt lên trên thiện, ác,
Không sầu, không nhiễm uế,
Đoạn trừ sạch hỷ, hữu,
Vượt qua được luân hồi,
Xứng danh Bà-la-môn.
Ai đến được bờ kia
Thiền định, không dao động,
Chuyển hóa các nghi hoặc,
An tịnh, không vướng mắc
Buông bỏ các dục vọng,
Sống đời tu thanh cao,
Không còn vướng tái sinh,
Xứng danh Bà-la-môn. O
Ai bỏ ách loài người
Vượt qua ách loài trời,
Dứt sạch các ách nạn,
Không còn hệ phược nào,
Từ bỏ vui, không vui,
Không vướng vào thanh lương
Chiến thắng các thế giới,
Xứng danh Bà-la-môn. O
Ai biết được nguồn gốc
Sanh diệt của chúng sanh,
Không vướng, khéo vượt qua,
Giác ngộ, buông chấp thủ,
Dứt sạch các lậu hoặc,
Không vướng dính ba đời,
Đạt quả thánh đáng kính,
Xứng danh Bà-la-môn.
Như trâu chúa số một,
Bậc anh hùng, đại sĩ,
Bậc Chinh phục, Bất động,
Bậc Giác Ngộ, sạch nghiệp,
Bậc thông hiểu ba đời,
Bậc biết cõi thiện, ác,
Bậc không còn luân hồi,
Xứng danh Bà-la-môn.
Tất cả các danh xưng,
Từ huyết thống, gia tộc,
Chỉ là tên mặc định,
Do chấp chặt lâu đời.
Kẻ ngu vướng tà kiến,
Tuyên bố điều không thật,
Phân giai cấp cao thấp,
Gieo bất hạnh, đau thương.
Không thể dựa vào cớ
Huyết thống và họ tộc,
Mà gọi Bà-la-môn,
Hay gọi là vua chúa. O
Chính do các hành động,
Mà các nghề có mặt,
Danh xưng từ đó có,
Như mặc định xã hội.
Tất cả do hành động
Có người làm nông phu,
Công nhân hoặc thương gia,
Nô bộc hay ăn trộm,
Binh sĩ hay tế quan
Vua chúa hay tướng lĩnh,
Hành động tạo nghề nghiệp,
Hạnh phúc hoặc khổ đau. O
Kẻ trí rõ hành vi,
Thấu hiểu lý tương tác,
Biết nghiệp và nghiệp quả,
Do nghiệp, đời chuyển xoay,
Do nghiệp, có luân hồi.
Nghiệp trói buộc mọi loài
Như trục xe quay bánh,
Không ai thoát luật nghiệp.
Người tu luyện đạo đức,
Gắng viên tròn hạnh thánh,
Tiết chế, chủ thân tâm
Mới xứng Bà-la-môn.
Lão thông Tam tạng kinh,
Thanh tịnh, dứt tái sanh,
Người đó được trời người,
Cung kính và đảnh lễ. O
Nghe Phật phân tích nghĩa và triết lý về Bà-la-môn, anh Va-set-tha và Bha-rad-vaj đều được soi sáng, cung kính bạch Phật:
“Kính lễ Thế Tôn, Người đã dựng đứng những gì bị ngã; Người đã lật ngửa những gì bị úp, Người đem ánh sáng vào trong bóng tối, để người có mặt nhìn thấy mọi vật; chánh pháp của Phật thật là vi diệu. Con xin trọn đời nhận Phật làm thầy, nhận Pháp làm thầy, nhận Tăng làm thầy, trọn đời quy ngưỡng, thực tập an vui”. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần) O
***