31. KINH THỰC TẬP VÔ NGÃ
***
Tôi nghe như vầy. Có một thuở nọ, ở tại vườn Nai, thuộc Ba-la-nại, đức Phật đã dạy cho năm Tỳ-kheo cốt lõi thực tập vô ngã như sau. O
THÂN THỂ KHÔNG PHẢI LÀ TÔI
1) Này các đệ tử, hãy nhận thức rằng thân thể này đây vốn là vô ngã. Nếu thân là ngã thì trên đời này không có tình trạng thân bị bệnh tật và ta có được một thân thể khỏe như sự mong đợi: “Thân thể của tôi phải như thế này, hoặc thân thể này phải như thế kia…”. Nhưng trên thực tế, chẳng được như thế. Này các đệ tử, vì thân vô ngã nên thân có bệnh, biến hoại, già nua, dẫn đến chết chóc; những điều mong ước về thân thể này không thể thành tựu. O
CẢM GIÁC KHÔNG PHẢI LÀ TÔI
2) Này các đệ tử, hãy nhận thức rằng cảm giác con người vốn là vô ngã. Nếu các cảm giác đều là tự ngã thì trên đời này không có tình trạng cảm giác bị khổ và ta có được dòng cảm giác tốt như sự mong đợi: “Cảm giác của tôi phải như thế này, hoặc cảm giác này phải như thế kia…” Nhưng trên thực tế, chẳng được như thế. Này các đệ tử, vì cảm giác này vốn là vô ngã nên dòng cảm giác bị khổ chi phối; những điều mong ước về dòng cảm giác không thể thành tựu. O
TRI GIÁC KHÔNG PHẢI LÀ TÔI
3) Này các đệ tử, hãy nhận thức rằng tri giác con người vốn là vô ngã. Nếu các tri giác đều là tự ngã thì trên đời này không có tình trạng tri giác bị khổ và ta có được một tri giác tốt như sự mong đợi: “Tri giác của tôi phải như thế này, hoặc tri giác này phải như thế kia…” Nhưng trên thực tế, chẳng được như thế. Này các đệ tử, vì tri giác này vốn là vô ngã nên những tri giác bị khổ chi phối; những điều mong ước về những tri giác không thể thành tựu. O
TÂM TƯ KHÔNG PHẢI LÀ TÔI
4) Này các đệ tử, hãy nhận thức rằng tâm tư con người vốn là vô ngã. Nếu các tâm tư đều là tự ngã thì trên đời này không có tình trạng tâm tư bị khổ và ta có được một tâm tư tốt như sự mong đợi: “Tâm tư của tôi phải như thế này, hoặc tâm tư này phải như thế kia…” Nhưng trên thực tế, chẳng được như thế. Này các đệ tử, vì tâm tư này vốn là vô ngã nên những tâm tư bị khổ chi phối; những điều mong ước về những tâm tư không thể thành tựu. O
NHẬN THỨC KHÔNG PHẢI LÀ TÔI
5) Này các đệ tử, hãy nhận thức rằng nhận thức của ta vốn là vô ngã. Nếu các nhận thức đều là tự ngã thì trên đời này không có tình trạng nhận thức bị khổ và ta có được một nhận thức tốt như sự mong đợi: “Nhận thức của tôi phải như thế này, hoặc nhận thức này phải như thế kia…” Nhưng trên thực tế, chẳng được như thế. Này các đệ tử, vì nhận thức này vốn là vô ngã nên những nhận thức bị khổ chi phối; những điều mong ước về những nhận thức khó được thành tựu. O
VÔ NGÃ TRONG VÔ THƯỜNG VÀ KHỔ
6) Này các đệ tử, hãy cho biết rằng thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư và các nhận thức vốn là thường còn hay là vô thường?
– Bạch đức Thế Tôn, năm tổ hợp này đều là vô thường.
– Này các đệ tử, hãy cho biết rằng cái gì vô thường là khổ hay vui?
– Bạch đức Thế Tôn, những gì vô thường dĩ nhiên là khổ.
– Này các đệ tử, thân thể vô thường mang đến khổ đau, chịu sự biến hoại như một quy luật. Để vượt qua khổ do thân vô thường, hãy thực tập rằng: “Tất cả thứ này không phải là tôi, không phải của tôi, cũng không phải là tự ngã của tôi.” O
7) Này các đệ tử, tương tự như thế, cảm giác vô thường, tri giác vô thường, tâm tư vô thường, nhận thức vô thường mang đến khổ đau, chịu sự biến hoại như một quy luật. Để vượt qua khổ do sự vô thường của tất cả thứ cảm giác, tri giác, tâm tư, và các nhận thức, hãy thực tập rằng: “Tất cả thứ này không phải là tôi, không phải của tôi, cũng không phải là tự ngã của tôi.” O
VÔ NGÃ VỚI THỜI GIAN
8) Này các đệ tử, bất luận thân thể thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, thuộc trong hay ngoài, lớn hay vi tế, đẹp hay là xấu, xa hay là gần… hãy nên quán sát bằng chánh trí tuệ như chúng vốn là: “Tất cả thứ này không phải là tôi, không phải của tôi, cũng không phải là tự ngã của tôi.” O
9) Này các đệ tử, tương tự như thế, bất luận cảm giác, tri giác, tâm tư và các nhận thức thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, thuộc trong hay ngoài, lớn hay vi tế, đẹp hay là xấu, xa hay là gần… hãy nên quán sát bằng chánh trí tuệ như chúng vốn là: “Tất cả thứ này không phải là tôi, không phải của tôi, cũng không phải là tự ngã của tôi.” O
LÌA CHẤP: GIẢI THOÁT
10) Này các đệ tử, nhờ nhận thức này, vị đệ tử thánh không vướng thân thể, không vướng cảm giác, không vướng tri giác, không vướng tâm tư, không vướng nhận thức. Do không vướng mắc, vị ấy đạt được trạng thái lìa tham, tâm được giải thoát. Khi được giải thoát, nhận thức rõ ràng: “Ta đã giải thoát.” Vị ấy biết rõ: “Tái sanh đã hết, hạnh thánh đã thành, việc nên đã làm, không còn trở lại cuộc đời này nữa.”
Nghe đức Phật dạy, năm thầy Tỳ-kheo vô cùng hoan hỷ, phát tâm thực tập chuyển hoá khổ đau. Ngay sau bài kinh, tâm của năm vị đều được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần) O
***